Nghiên cứu xác định yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn, phục vụ phát triển bền vững hệ sinh thái

5/5 – (3 votes)

NCS. Thân Văn Đón(1), TS. Tống Ngọc Thanh(2)

PGS.TS. Lã Thanh Hà(3)

Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia,
Bộ Tài nguyên và Môi trường

Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu,
Bộ Tài nguyên và Môi trường

TÓM TẮT

Để đảm bảo nước cho hệ sinh thái, duy trì dòng sông và đảm bảo lượng nước tối thiểu để khai thác sử dụng là một yêu cầu không thể thiếu để phát triển bền vững tài nguyên nước. Hiện nay tính toán xác định yêu cầu duy trì lượng dòng chảy tối thiểu trên dòng chính của các sông là một vấn đề rất cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định dòng chảy tối thiểu để sử dụng thống nhất trên thực tế. Chính vì vậy, báo cáo này trình bày nghiên cứu xác định yêu cầu dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn, phục vụ phát triển bền vững tài nguyên nước nói chung và hệ sinh thái nói riêng. Đặc biệt báo cáo ứng dựng phương pháp Tennant, mô hình Mike 11 để xác định yêu cầu dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn.

ABSTRACT

To ensure water quantity for ecosystems, maintaining the river and the minimum amount of water for using is an indispensable requirement for sustainable development of water resources. Currently, determining requirement to maintain a minimum flow in the mainstream of the river is a very urgent issue that has great practical scientific significance. Until now, there is no specific guidance on how to determine the minimum flow in practice. Therefore, this report presents a study on determining minimum flow requirements on the mainstream of Vu Gia – Thu Bon, for sustainable development of water resources in general and for the ecosystem in particular. Tennant multi-application method and Mike 11 model are applied to determine the required minimum flow on Vu Gia – Thu Bon mainstream.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Nước là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng và cần thiết cho phát triển kinh tế xã hội của con người. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và đặc biệt phát triển thủy điện trong hơn nửa thế kỷ gần đây đã tác động mạnh mẽ và làm suy giảm tài nguyên nước của các lưu vực sông, khiến cho tình trạng thiếu nước trong mùa khô đang dần trở thành phổ biến và nghiêm trọng tại nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta. Điều đó đòi hỏi các nước phải tìm các phương thức phù hợp để khai thác sử dụng, quản lý và bảo vệ bền vững tài nguyên nước các sông suối của nước mình, hay nói cách khác thực hiện phát triển bền vững tài nguyên nước các lưu vực sông, trong đó việc xác định được vị trí và dòng chảy tối thiểu tại các vị trí trên dòng chính sông để duy trì dòng sông, phục vụ phát triển bền vững tài nguyên nước là hết sức quan trọng.

Đảm bảo nước cho hệ sinh thái và duy trì môi trường dòng sông là một yêu cầu không thể thiếu để phát triển bền vững tài nguyên nước. Tuy nhiên, nước cho hệ sinh thái và môi trường ở hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn hiện nay chưa được quan tâm đáp ứng, khiến cho hệ sinh thái và môi trường dòng sông đã và đang bị suy thoái rất rõ rệt. Điều đó đang là một vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp để giải quyết trong thời gian tới.

Dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước [1].

Định hướng cho vấn đề này, Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 đã đặt mục tiêu “trong khai thác sử dụng nước phải đảm bảo dòng chảy môi trường, bảo đảm dòng chảy tối thiểu duy trì hệ sinh thái thủy sinh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng điểm là các sông có hồ chứa nước, đập dâng lớn, quan trọng”, như vậy lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là đối tượng cần thực hiện đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho hạ du theo như mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước đã vạch ra.

Vấn đề duy trì lượng dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các công trình khai thác sử dụng nước, đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng được Chính phủ quy định trong Nghị định 112/2008/NĐ-CP về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi . Vì thế nghiên cứu các giải pháp để duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn, trước mắt đảm bảo lượng dòng chảy tối thiểu như quy định hiện hành ở khu vực hạ lưu là rất cần thiết, là tiền đề cho việc thực hiện phát triển bền vững tài nguyên nước của lưu vực sông.

Tính toán xác định yêu cầu duy trì lượng dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông là một vấn đề rất cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn rất lớn nhất là trong bối cảnh hiện nay. Do còn đang trong quá trình nghiên cứu nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến nay vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương pháp xác định lượng dòng chảy tối thiểu để sử dụng thống nhất trên thực tế. Nghiên cứu tính toán xác định yêu cầu duy trì dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn là việc làm hết sức cấp thiết, vì thế sẽ có đóng góp về mặt khoa học trong việc giải quyết vấn đề trên, và đối với lưu vựcVu Gia – Thu Bồn, kết quả tính toán lượng dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên dòng chính sông sẽ là cơ sở cho việc xem xét các phương án khai thác sử dụng nước, giải pháp chia sẻ phân bổ nguồn nước trên sông Vu Gia – Thu Bồn cho sử dụng ở khu vực hạ lưu đảm bảo yêu cầu bền vững.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Tổng quan vùng nghiên cứu

2.1.1. Vị trí địa lý

Sông Vu Gia – Thu Bồn là hệ thống sông lớn ở vùng Duyên hải Trung Trung Bộ. Toàn bộ lưu vực nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn có diện tích lưu vực: 10.350 km2, trong đó diện tích nằm ở tỉnh Kon Tum: 560,5 km2, còn lại chủ yếu thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng. Lưu vực sông nằm trong vị trí toạ độ:16o03’ – 14o55’ vĩ độ Bắc;107o15’ – 108o24’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp lưu vực sông Cu Đê; Phía Nam giáp lưu vực sông Trà Bồng và Sê San; Phía Tây giáp Lào; Phía Đông giáp biển Đông.

2015-11-29_211357

Hình 1: Bản đồ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn [5]

2.1.2. Tài nguyên nước

Căn cứ vào tài liệu thực đo tại 2 trạm đo dòng chảy là Thành Mỹ (Flv =1850 km2) trên sông Vũ Gia và Nông Sơn (Flv=5180 km2) trên sông Thu Bồn cho thấy lượng dòng chảy rất phong phú với mô đuyn dòng chảy bình quân nhiều năm đạt 50 – 80 l/s/km2. Trong năm, dòng chảy phân bố không đều, lượng dòng chảy mùa lũ chiếm 65% – 70% tổng lượng dòng chảy cả năm trong khi đó lượng dòng chảy mùa kiệt  từ tháng I tới tháng IX chỉ chiếm 30 – 35 %. Trong năm có hai thời kỳ kiệt xảy ra vào tháng III-IV và tháng VII-VIII. Tháng kiệt nhất lượng dòng chảy chỉ chiếm 2%-3% lượng nước cả năm. Những năm kiệt nhất, lưu lượng tháng chỉ đạt 16,2 m3/s (IV/1983) với mô số 8,76 l/s/km2 tại Thành Mỹ, 27,4 m3/s (VI/1998) với mô số 8,7 l/s/km2.

2.1.3. Thủy điện

Theo Quy hoạch phát triển thủy điện bậc thang cho sông Vu Gia – Thu Bồn đã được Bộ Công thương phê duyệt tại Quyết định số 875/QÐ-KHÐT ngày 02/5/2003. Quyết định này xác định 8 dự án thủy điện lớn (trên 30 MW). Quyết định số 528/QĐ-NLDK ngày 02/2/2005 sửa đổi quy hoạch này với việc bổ sung thêm 7 dự án lớn cho sông Vu Gia (A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Ðak Mi 1, Ðak Mi 4 và Sông Côn 2), và 1 cho sông Thu Bồn (Sông Tranh 2).

2.1.4. Đặc điểm hệ sinh thái trên sông

Hệ sinh thái thuỷ sinh trên sông Vu Gia – Thu Bồn xác định được 78 loài thực vật nổi thuộc 26 họ, 45 loài tảo, 4 loài rêu; 40 loài động vật nổi thuộc 15 họ; 48 nhóm động vật đáy; xác định được 197 loài cá, nằm trong 121 giống thuộc 48 họ của 15 bộ. Nhận thấy bộ cá Chép (Cypriniformes) ưu thế nhất về loài và về giống, bộ cá Vược (Perciformes) có số họ cao nhất với 21 họ, 38 giống, 70 loài. Tiếp theo là bộ cá Nheo (Siluriformes) có 6 họ, 10 giống, 16 loài. Có 6 bộ cá có 2 họ, trong đó bộ mang liền (Synbranchiformes) có 5 giống, 6 loài, bộ cá Bơn (Pleuronectiformes) và bộ cá Trích ( Clupeiformes) đều có 3 giống, 4 loài, bộ cá Nhái (Beloniformes) có 3 giống, 3 loài, bộ cá Chình (Anguilliformes) và bộ cá Nóc (Tetraodontiformes) đều có 2 giống, 3 loài. Sáu bộ còn lại mỗi bộ chỉ gồm có 1 họ, 1 giống, 1 loài [5].

Trong thành phần loài cá ở hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia đã xác định được 7 loài cá quý hiếm có tên trong sánh Đỏ Việt Nam ( 2007), cả 7 loài này đều xếp vào bậc VU – sẽ nguy cấp.

Bảng 1: Các loài cá quý hiếm thuộc lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn [5]

TT Tên Việt Nam Tên Khoa Học Mức độ nguy hiểm
1 Cá Chính mùn Anguilla bicolor McClelland, 1844 VU
2 Cá Chính hoa Anguilla marmorata (Quoy & Gaimard, 1824) VU
3 Cá Măng sữa Chanos chanos (Forsskal, 1775) VU
4 Cá Cháo Lớn Megalops cyprinoides (Brousonet,1782) VU
5 Cá Măng Clupanodon thrissa (Linnaeus, 1758) VU
6 Cá Mòi cờ chấm Konosirus punctatus (Temminck & Schlegel, 1846) VU
7 Cá Mòi cờ hoa Clupanodon thrissa (Linnaeus, 1758) VU

Hiện nay, các loài cá quý hiếm trong tự nhiên ngày càng giảm sút về số lượng do khai thác quá mức, ngư cụ đánh bắt không phù hợp. Đặc biệt là do xây dựng bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia và các phụ lưu lớn của nó, đã chặn đường di chuyển ngược dòng của cá.

2.2. Nguyên nhân suy thoái, cạn kiệt

Suy thoái và cạn kiệt nguồn nước ở khu vực hạ lưu sông Vu Gia – Thu Bồn là một thực tế đã xảy ra rất nghiêm trọng trong những năm gần đây. Đó là do ảnh hưởng tổng hợp các nguyên nhân: (1) suy thoái điều kiện mặt đệm lưu vực ở thượng lưu, (2) Đa số các công trình hồ chứa thủy lợi và thủy điện chưa có quy trình vận hành hoặc có nhưng chưa hợp lý, (3) Mất cân đối giữa tiềm năng nguồn nước và nhu cầu nước, (4) Khai thác, sử dụng chưa đi đôi với bảo vệ, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và (5) ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu làm biến đổi nguồn nước.

Suy thoái cạn kiệt nguồn nước đã nh hưởng đến hệ sinh thái như: làm suy thoái nghiêm trọng thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản ở khu vực hạ lưu; làm suy giảm điều kiện môi trường sống của cá và thủy sinh vật khiến chúng cũng bị suy thoái. Nguồn cá, đặc biệt là cá bống đã suy giảm rất rõ rệt trong một hai thập kỷ gần đây; ảnh hưởng đến môi trường như: làm suy giảm rất đáng kể cảnh quan và điều kiện môi trường sống ở khu vực hạ lưu, hai bên bờ sông khu vực hạ lưu tàn tạ, không còn vẻ đẹp vốn có trước đây.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

1) Phương pháp kế thừa: kế thừa có chọn lọc các tài liệu, tư liệu và kết quả của các công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế liên quan đến các nội dung nghiên cứu của báo cáo.

2) Phương pháp thu thập, thống kê, tổng hợp thông tin số liệu: sử dụng để thu thập thông tin, số liệu, thống kê, phân tích, xử lý dữ liệu đầu vào để thực hiện các nội dung nghiên cứu, tính toán trong báo cáo.

3) Phương pháp mô hình toán: Trong báo cáo này tác giả sử dụng phương pháp Tennant, mô hình Mike 11 để xác định yêu cầu dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn.

4) Phương pháp chuyên gia: sử dụng để tăng thêm nguồn thông tin và độ tin cậy trong các kết quả trong báo cáo. Các chuyên gia được tham  khảo ý kiến bao gồm các nhà khoa học có kinh nghiệm thuộc các lĩnh vực tài nguyên nước, sinh thái, kinh tế môi trường và các cán bộ quản lý tài nguyên nước ở cấp Trung ương và địa phương.

III. KẾT QUẢ THẢO LUẬN

3.1. Xác định tuyến tính toán và điểm kiểm soát

Trên cơ sở mạng lưới sông suối hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn và hiện trạng hệ sinh thái và suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ở hạ lưu sông Vu Gia Thu Bồn nhất là vùng hạ lưu tư sông Quảng Huế và kéo dài ra đến cửa biển. Vì vậy, báo cáo chọn tuyến tính toán dòng chảy tối thiểu trên sông Vu Gia là từ trạm Thủy văn Thành Mỹ đến trạm Thủy văn Ái Nghĩa, trên sông Thu Bồ từ trạm Thủy văn Nông Sơn đến trạm Thủy văn Giao Thủy (hình 1). Điểm kiểm soát là các trạm thủy văn hiện có.

2015-11-29_211528

Hình 2: Sơ đồ đoạn sông và vị trí kiểm soát dòng chảy tối thiểu trên sông Vu Gia – Thu Bồn

3.2. Xác định lượng dòng chảy tối thiểu cần duy trì

Để tính lưu lượng dòng chảy tối thiểu (Qdctt) trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn, báo cáo sử dụng một số phương pháp như:

(1) Tính Qdctt theo phương pháp Tennant

Phương pháp Tennant là phương pháp chỉ số thủy văn được xây dựng tại Mỹ. Dòng chảy tối thiểu theo phương pháp Tennant tính cho hai mùa là mùa lũ và mùa kiệt (ở Mỹ là xuân hạ và thu đông) theo số phần trăm (%) của chuẩn dòng chảy năm Q0 tại tuyến tính toán tùy theo mức yêu cầu bảo vệ môi trường sống ở mức tốt, trung bình hay kém.

Bảng 2: Tính toán Qdctt tại các trạm thủy văn theo phương pháp Tennant

Mục tiêu bảo vệ môi trường và hệ sinh thái của sông %Q0 Mùa Kiệt
Thành Mỹ Ái Nghĩa Nông Sơn Giao Thủy
Môi  trường  sông  ở  mức  tuyệt  đối hay hoàn hảo 40 45.6 108.4 101.6 123.2
Môi trường sông ở mức tốt nhất 30 34.2 81.3 76.2 92.4
Môi trường sông ở mức tốt 20 22.8 54.2 50.8 61.6
Môi trường sông ở mức kém hoặc tối thiểu 10 11.4 27.1 25.4 30.8
Môi trường sông ở mức suy thoái rất nặng (rất kém) 10 tới 0 11.4 tới 0 27.1 tới 0 25.4 tới 0 30.8 tới 0

 (2) Tính Qdctt theo kinh nghiệm chuyên gia

Vẽ đường tần suất H và Q tháng min tại các trạm thủy văn trên sông Vu Gia – Thu Bồn theo số liệu thực đo xác định được Qtháng min 90% như bảng sau:

Bảng 3: Xác định Qtháng min 90% tại các trạm thủy văn

Đặc trưng Qtháng min (m3/s) Hngày min (cm)
Nông Sơn Thành Mỹ Giao Thủy Ái Nghĩa
Q75% (m3/s) 39.3 27.9 115.9 211.2
Q85% (m3/s) 35.6 24.6 100.6 197.3
Q90% (m3/s) 32.9 22.4 91.6 189.3
Q95% (m3/s) 30.2 20.3 75.0 173.1

(3)  Tính toán Qdctt theo mô hình Mike 11

            Sơ đồ tính toán thủy lực bắt đầu từ tuyến sông Vu Gia với biên trên cùng là quá trình lưu lượng thực đo tại trạm Thành Mỹ, tuyến sông Thu Bồn với biên trên là trạm Nông Sơn. Biên dưới là quá trình triều tại Cửa Hàn, Cửa Đại và Cửa Tam Kỳ.

2015-11-29_211635

Hình 3: Sơ đồ mạng thủy lực hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn

         Bộ thông số thủy lực cho các nhánh sông được xác định trong quá trình hiệu chỉnh mô hình với mùa kiệt 2003 và được kiểm định lại căn cứ vào so sánh kết quá mực nước tại các trạm kiểm tra năm 2005. Chọn các trạm cơ bản để hiệu chỉnh và kiểm định mô hình gồm: nhánh Vu Gia có trạm Hội Khách, Ái Nghĩa và Cẩm Lệ, trên nhánh Thu Bồn có trạm Giao Thủy và Câu Lâu, nhánh Tam Kỳ có trạm Tam Kỳ;

Bảng 4: Kết quả đánh giá sai số chỉ tiêu NASH hiệu chỉnh và kiểm định mô hình

Vị trí Hiệu chỉnh 2003 Kiểm định 2005
H min

(Thực đo)

H min

(Tính toán)

NASH H min

(Thực đo)

H min

(Tính toán)

NASH
Hội Khách 8,0 7,92 0,86 7,92 7,80 0,82
Ái Nghĩa 2,72 2,60 0,81 2,24 2,44 0,79
Giao thủy 1,02 0,97 0,85 0,77 0,76 0,91
Cẩm Lệ -0,77 -0,76 0,91 -0,83 -0,80 0,91
Câu Lâu -0,67 -0,65 0,92 -0,84 -0,82 0,89
Tam Kỳ -0,83 -0,76 0,94 -0,85 -0,79 0,92

Kết quả tính toán dòng chảy tối thiểu ứng với dòng chảy kiệt 90% tại các điểm kiểm soát được thể hiện trong bảng 5:

Bảng 5: Giá trị dòng chảy tối thiểu tác các điểm kiểm soát

TT Sông Vị trí H (cm) Q (m3/s)
1 Vu Gia Trạm TV Thành Mỹ 984,8 23,5
2 Vu Gia Trạm TV Ái Nghĩa 266 21,3
3 Thu Bồn Trạm TV Nông Sơn 315,3 31,6
4 Thu Bồn Trạm TV Giao Thủy 108,0 18,4

3.3. Phân tích lựa chọn dòng chảy tối thiểu tại các điểm kiểm soát

Xem xét yêu cầu nước tối thiểu cho hệ sinh thái và duy trì môi trường dòng sông tại tuyến tính toán dòng chảy tối thiểu tại các điểm kiểm soát, báo cáo đề nghị lấy lượng dòng chảy tối thiểu như bảng 5 vì các lý do như sau:

Lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có tài nguyên thủy sinh vật thuộc loại phong phú, có các loài có giá trị kinh tế như cá bống, cá chình hoa, thài bai. Do thủy sinh vật và hệ sinh thái thủy vực tại hạ lưu của sông đang bị suy thoái rất nặng, hậu quả của suy thoái cạn kiệt nguồn nước và gia tăng ô nhiễm nước trong một thập kỷ gần đây.

– Chế độ dòng chảy tối thiểu như bảng 5 đáp ứng yêu cầu ngập các bãi và nơi cư trú đẻ trứng phù hợp với chu trình sống của cá bống và thủy sinh vật, duy trì được điều kiện môi trường sống phù hợp hơn là chỉ một giá trị trung bình trong mùa kiệt.

– Lưu lượng của sông trong các tháng mùa kiệt được đề xuất như bảng 6 có thể đảm bảo được diện tích ngập và tốc độ nước chảy ở mức tối thiểu cho môi trường sinh sống cũng như di chuyển của cá.

– Với lưu lượng này điều kiện cảnh quan và môi trường sông chưa thể cải thiện nhiều nhưng cũng đảm bảo được ở mức tối thiểu khiến cho dòng sông thoát khỏi mối đe dọa của đứt dòng.

3.4. Vận hành công trình khai thác sử dụng nước ở thượng lưu đảm bảo yêu cầu duy trì lượng dòng chảy tối thiểu

Theo quy định của Nghị định 112/2008/NĐ-CP thì các công trình khai thác sử dụng nước như hồ chứa, đập dâng thủy lợi thủy điện khi tích và điều tiết nước đều phải xả trả lại sông lượng dòng chảy tối thiểu để đảm bảo nước cho hệ sinh thái, duy trì môi trường sông và đảm bảo nhu cầu nước cho sử dụng ở đoạn sông hạ lưu. Qua quá trình cân bằng nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bôn và Thực hiện quy định trên, các thủy điện cần phải xây dựng các quy trình vận hành liên hồ chứa trong đó có đưa yêu cầu xả lượng dòng chảy tối thiểu như trong bảng 7 vào xem xét trong vận hành.

Bảng 7: Dòng chảy tối thiểu sau đập của nhà máy thủy điện

TT Thủy Điện Tần Suât T12 T1 T2 T3 T4 T5 T6 T7 T8
1 A Vương P90% 27.26 16.97 11.66 7.66 6.3 9.51 11.27 9.69 9.74
P95% 22.6 14.71 10.5 6.74 5.05 7.99 10.53 7.59 7.32
2 Đak Mi 4 P90% 55.12 35.19 24.25 18.02 13.59 14.69 13.31 16.08 15.3
P95% 39.55 29.65 21.62 16.19 11.9 12.41 11.23 14.94 12.85
3 Sông Bung 4 P90% 29.84 23.29 18.36 14.78 12.14 18.32 20.79 18.87 21.95
P95% 24.13 18.64 15.28 12.92 10 14.64 17.47 14.89 17.2

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Qua kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đạt được những kết quả sau:

Dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia – Sông Thu Bồn được xác định trên cơ sở số liệu điều tra tình hình khai thác, sử dụng nước; hệ sinh thái thủy sinh và nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt của các ngành kinh tế – xã hội trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn. Kết quả xác định giá trị dòng chảy tối thiểu tại 4 điểm kiểm soát trên dòng chính sông Vu Gia – Thu Bồn tương ứng với các điểm kiểm soát tại trạm thủy văn Thành Mỹ (H: 984,8 cm; Q: 23,5 m3/s), Ái Nghĩa (H: 266 cm; Q: 21,3 m3/s), Nông Sơn (H: 315,3 cm; Q: 31,6 m3/s),  Giao Thủy (H: 108 cm; Q: 18,4 m3/s).

Qua quá trình tính toán số liệu dòng chảy trong sông chủ yếu là dựa vào số liệu tại các trạm thủy, tài liệu về hệ sinh thái thủy sinh rất ít, chưa có phương pháp cụ thể xác định nhu cầu nước cho hệ sinh thái thủy sinh và trong quá trình xác định dòng chảy tối thiểu chưa xem xét đến chất lượng nước.

Trong thời gian tới kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành các quy định làm căn cứ cho việc xác định, công bố và quản lý dòng chảy tối thiểu. Tổ chức lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để có căn cứ xác định nhu cầu nước tối thiểu duy trì hệ thống sông, suối trên toàn lưu vực. Ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông để duy trì, quản lý dòng chảy tại các điểm kiểm soát./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

  1. Luật tài nguyên nước năm 2013;
  2. Viện Quy hoạch thủy lợi, 2005. Báo cáo Tổng hợp, Rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng anh ninh vùng trọng điểm kinh tế miền trung đến năm 2020;
  3. Viện Quy hoạch thủy lợi, 2006. Báo cáo Tổng hợp, Chiến lược phát triển tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn;
  4. Trần Hồng Thái, 2007. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu cơ sở khoa học trong việc đánh giá dòng chảy môi trường – Viện KH KTTVMT – Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  5. Trung tâm quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM), 2008, Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch thủy điện lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam, chuẩn bị cho ADB, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công – Thương & Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), Hà Nội, Việt Nam;

Tài liệu tiếng Anh

  1. MIKE 11 – Basic concepts, DHI water and Environment Horsolm, Denmark  (2001);
  2. Water allocation and management, 2010. (www.ramsar.org);
  1. River basin management, 2007. (Ramsar convention) (ramsar.org).

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

           

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *