Một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững làng nghề chè Tân Cương, Thái Nguyên

5/5 – (1 vote)

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

KHOA KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ TRÁI ĐẤT

 

 

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SẢN XUẤT HƯỚNG TỚI

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI LÀNG NGHỀ CHÈ TÂN CƯƠNG, TỈNH THÁI NGUYÊN

 

 

 

 

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP

 

Chuyên ngành: Khoa học Môi trường

 

 

 

Sinh viên thực hiện: NGUYỄN THỊ NHƯ QUỲNH

Lớp: KHMT K9                      Khóa: 2011 – 2015

Người hướng dẫn khoa học: TS. Phạm Thị Tố Oanh

THÁI NGUYÊN, 2015

======================================================

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU.. 1

  1. Lý do chọn đề tài 1
  2. Mục tiêu nghiên cứu. 2
  3. Nội dung nghiên cứu. 3

CHƯƠNG 1. CỞ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN.. 4

1.1. Tổng quan về chất thải rắn, quản lý chất thải rắn tại Thái Nguyên và làng nghề chè Thái Nguyên. 4

1.1.1. Một số vấn đề về chất thải rắn. 4

1.1.2. Công tác quản lý chất thải rắn. 5

1.1.3. Công tác quản lý chất thải rắn tại Thái Nguyên. 8

1.1.4. Công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Thái Nguyên. 9

1.2. Tổng quan về làng nghề. 9

1.2.1. Quan niệm và vấn đề xung quanh làng nghề. 9

1.2.2. Làng nghề chè ở Thái Nguyên. 10

1.3. Tổng quan về phát triển bền vững. 11

CHƯƠNG 2. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.. 14

2.1. Phạm vi nghiên cứu. 14

2.2. Đối tượng nghiên cứu. 14

2.3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn. 15

2.2.1. Ý nghĩa khoa học. 15

2.2.2. Ý nghĩa thực tiễn. 15

2.3. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu. 15

2.3.1. Quan điểm nghiên cứu. 15

2.3.2.  Phương pháp nghiên cứu. 16

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN.. 17

3.1. Cơ sở lựa chọn khu vực nghiên cứu. 17

3.2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực làng nghề chè Tân Cương – tỉnh Thái Nguyên  18

3.2.1.  Điều kiện tự nhiên. 18

3.2.2. Điều kiện kinh tế – xã hội 19

3.3. Thực trạng chất thải rắn sản xuất tại khu vực làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. 23

3.3.1. Nguồn gốc phát sinh CTR sản xuất chè. 23

3.3.2. Khối lượng chất thải rắn sản xuất chè phát sinh. 23

3.3.3. Ảnh hưởng của chất thải rắn sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người 27

3.4.  Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn do hoạt động sản xuất 28

3.4.1. Quá trình phân loại, thu gom và vận chuyển. 28

3.4.2. Quá trình xử lý chất thải rắn sản xuất 29

3.4.3. Đánh giá chung trong công tác quản lý chất thải rắn sản xuất 30

3.5. Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững. 32

3.5.1. Giải pháp phát triển bền vững. 32

3.5.2. Giáo dục môi trường và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. 35

3.5.3. Giải pháp quản lý môi trường. 35

3.5.4. Giải pháp về công nghệ. 38

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 42

TÀI LIỆU THAM KHẢO.. 44

 

 

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

Trong những năm gần đây, chính sách phát triển kinh tế – xã hội và định hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn của Đảng và nhà nước ta đã tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề. Một số làng nghề truyền thống được khôi phục và nhiều làng nghề mới ra đời, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. Hiện nay, cả nước có 4.575 làng nghề, thu hút 12 triệu lao động chuyên nghiệp tại các địa phương, hàng năm, xuất khẩu đã đạt hơn 1 tỷ USD/năm, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo.[1]

Do tính chất linh hoạt trong sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm đa dạng luôn thay đổi theo nhu cầu thị trường, các làng nghề đang là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế và luôn được chú trọng trong các định hướng phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

Hiện nay, Đảng và nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ và ban hành các thông tư, nghị định, luật bảo vệ môi trường,… có bổ sung về vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề ở Việt Nam. Nhiều điều khoản, chính sách và chế tài xử phạt trong luật đã được áp dụng. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu, điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đã được tiến hành và thu được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn rời rạc, chưa đủ mạnh để tạo một bước đột phá trong công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường, chưa tạo động lực để thúc đẩy các làng nghề phát triển kinh tế và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp cả nước, Tân Cương (thuộc thành phố Thái Nguyên) là địa phương có làng nghề truyền thống chè nổi tiếng. Làng nghề chè Tân Cương nằm ở khu vực miền núi phía Bắc quanh năm khí hậu mát mẻ, trong lành, thổ nhưỡng phù hợp là điều kiện tốt nhất để tạo ra sản phẩm chè nổi tiếng khắp cả nước về cả thương hiệu lẫn chất lượng và được người dùng bình chọn là “đệ nhất danh trà”. Năm 2013, Thái Nguyên đã có 23 làng nghề được công nhận làng nghề, trong đó chủ yếu là làng nghề chè.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, làng nghề chè Tân Cương đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất chè càng phát triển thì cũng làm cho môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Do làng nghề được hình thành và phát triển một cách tự phát với công nghệ lạc hậu và thiết bị đơn giản, chi phí đầu tư cho xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường ít được quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình của người lao động còn rất hạn chế. Một trong những yếu tố gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng đó là chất thải rắn. Thực tế, lượng chất thải rắn được tạo ra trong quá trình sản xuất chè ngày càng gia tăng cùng với phát triển kinh tế, tăng dân số, tăng mức sống của người dân, đi kèm ý thức bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen, nếp sống của nhiều người. Đặc biệt, quá trình sản xuất chè thải ra lượng lớn bao bì thuốc BVTV là chất thải rắn nguy hại. Như vậy, mỗi năm làng nghề phát sinh ra chất thải rắn sản xuất gây tác động đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng xung quanh khu vực làng nghề. Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải rắn sản xuất chưa được chính quyền xã Tân Cương quan tâm đúng mức và triệt để. Hầu hết, biện pháp thu gom và xử lý chất thải rắn sản xuất vẫn còn thô sơ, lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo vệ sinh môi trường. Vấn đề này đang được chính quyền xã đặt ra tính cấp thiết trong công tác quản lý môi trường làng nghề để đáp ứng yêu cầu môi trường trong tiêu chí 17 về xây dựng nông thôn mới.

Xuất phát từ các lý do trên, đề tài: “Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững tại làng nghề chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên” được lựa chọn để nghiên cứu.

  1. Mục tiêu nghiên cứu

– Đánh giá thực trạng và công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại khu vực làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

– Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững (kinh tế, xã hội và môi trường) tại khu vực làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

  1. Nội dung nghiên cứu

– Thu thập thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường khu vực làng nghề.

– Tổng hợp thông tin, phân tích, đánh giá thực trạng và công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

– Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững tại làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

 

================================================

CHƯƠNG 1. CỞ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1.1. Tổng quan về chất thải rắn, quản lý chất thải rắn tại Thái Nguyên và làng nghề chè Thái Nguyên.

1.1.1. Một số vấn đề về chất thải rắn

Khái niệm

Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn, được thải ra từ quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt của các hoạt động khác.

Phân loại

Rác thải được thải ra từ các hoạt động khác nhau được phân loại theo các cách sau:

– Theo vị trí hình thành: Người ta phân biệt ra rác thải trong nhà, rác thải ngoài nhà, rác thải trên đường, chợ…..

– Theo thành phần hóa học và đặc tính vật lý: Người ta phân biệt theo các thành phần vô cơ, hữu cơ, cháy được, không cháy được, kim loại, da, giẻ vụn, cao su, chất dẻo…

– Theo mức độ nguy hại

Rác thải nguy hại: Bao gồm các loại hóa chất dễ gây phản ứng, độc hại, rác thải sịnh hoạt dễ thối rữa, các chất dễ cháy, nổ hoặc các rác thải phóng xạ, các rác thải nhiễm khuẩn, lây lan… có thể gây nguy hại tới con người, động vật và gây nguy hại tới môi trường. Nguồn phát sinh ra rác thải nguy hại chủ yếu từ các hoạt động y tế, công nghiệp và nông nghiệp.

Rác thải không nguy hại: Những loại rác thải không có chứa các chất và hợp chất có một trong các đặc tính nguy hại trực tiếp.

Các phương pháp xử lý

Chất thải rắn tùy từng mục đích và điều kiện mà có các cách xử lý khác nhau.

Phương pháp chế biến thành phân compost

Chế biến rác thải thành phân compost là một quá trình ủ rác mà trong đó các chất thối rữa chuyển hóa về mặt sinh học trong chất thải rắn biến chúng thành phân hữu cơ gọi là compost. Quá trình này đòi hỏi đảm bảo vệ sinh tốt, triệt để ngăn ngừa các sinh vật gây bệnh bằng cách sử dụng nhiệt phân hủy sinh học và chất kháng sinh do nấm tạo ra.

Các thành phần chất thải thích hợp để ủ bao gồm các chất thải hữu cơ từ bếp, vườn, giấy loại, rác thải trên đường phố, rác thải ở các chợ, rác, bùn cống, các chất thải hữu cơ từ công nghiệp thực phẩm, chất thải từ công nghiệp gỗ và giấy, phân chuồng động vật nuôi. Sản phẩm thu được vừa phục vụ cho nông lâm nghiệp, vừa có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng.

Phương pháp đốt

Đốt rác là “quá trình kỹ thuật sử dụng quá trình đốt bằng ngọn lửa có điều khiển nhằm phân hủy các chất thải bằng nhiệt”. Chất bã còn lại của quá trình cháy và khí thải ra thường phải tiếp tục được xử lý. Nhiệt phát sinh trong quá trình này được thu hồi và sử dụng cho các mục đích khác nhau.

Công nghệ đốt rác có ưu điểm ít gây ra nguy cơ làm ô nhiễm nước (nước mặt và nước ngầm). Quá trình đốt rác làm giảm đáng kể khối lượng rác chôn lấp. Tuy nhiên, công nghệ đốt là quá trình cần phải đầu tư vốn ban đầu cũng như chi phí vận hành khá lớn, dễ vượt quá khả năng của hầu hết các thành phố ở các nước đang phát triển. Do đó, công nghệ đốt rác chủ yếu được chấp nhận ở các nước công nghiệp hóa vì sẽ làm giảm bớt nhu cầu về mặt bằng đất đai. Đối với các nước đang phát triển, đốt rác chủ yếu được áp dụng với các chất thải y tế và công nghiệp độc hại.

Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh

Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh là một phương pháp kiểm soát phân hủy chất thải trong đất bằng cách chôn nén chặt và phủ lấp bề mặt.

Chất thải rắn đọng lại trong chôn lấp bị tan rữa ra về mặt hóa học và sinh học rồi tạo ra các chất rắn, lỏng, khí.

Chi phí để vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh là tương đối thấp so với phương pháp đốt. Do đó, phương pháp xử lý rác bằng chôn lấp hợp vệ sinh thường được áp dụng đối với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí cao, vận hành bãi chôn lấp cần phải được kiểm tra, xử lý thường xuyên khí và nước rác được tạo ra trong quá trình phân hủy rác gây ảnh hưởng cho môi trường và con người.

1.1.2. Công tác quản lý chất thải rắn

Khái niệm

Quản lý chất thải là hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Cũng theo nghị định 59/2007/NĐ-CP định nghĩa về quản lý chất thải rắn như sau: “Hoạt động quản lý chất thải rắn bao gồm các hoạt động quy hoạch quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở quản lý chất thải rắn, các hoạt động phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người”.

– Thu gom chất thải rắn: Là hoạt động tập hợp, phân loại, đóng gói và lưu giữ tạm thời chất thải rắn tại nhiều điểm thu gom tới thời điểm hoặc cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.

– Lưu giữ chất thải rắn: Là việc giữ chất thải rắn trong một khoảng thời gian nhất định ở nơi cơ quan có thẩm quyền chấp nhận trước khi chuyển đến cơ sở xử lý.

– Vận chuyển chất thải rắn: Là quá trình chuyên chở chất thải rắn từ nơi phát sinh, thu gom, lưu giữ, trung chuyển đến nơi xử lý, tái chế, tái sử dụng hoặc chôn lấp cuối cùng.

– Xử lý chất thải rắn: Là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật làm giảm, loại bỏ, tiêu huỷ các thành phần có hại hoặc không có ích trong chất thải rắn.

– Chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh: Là hoạt động chôn lấp phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn kỹ thuật về bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh.

– Phân loại rác tại nguồn: Là việc phân loại rác ngay từ khi mới thải ra hay gọi là từ nguồn. Đó là một biện pháp nhằm thuận lợi cho công tác xử lý rác về sau. [13]

Một số văn bản quy định về bảo vệ môi trường làng nghề

BVMT làng nghề là một trong những vấn đề bức xúc, khó khăn hiện nay. Lạm dụng danh nghĩa làng có nghề, áp dụng công nghệ sản xuất thô sơ và lạc hậu, quản lý nhà nước có những điểm thiếu rõ ràng và chồng chéo là những nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm làng nghề. Đặc thù của làng nghề là mối quan hệ họ hàng, làng xã và dòng tộc nên công tác quản lý và xử lý đối tượng vi phạm mang tính chất đối phó, cả nể. Làng nghề hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về BVMT, cán bộ các cấp ban hành nhiều chính sách quản lý môi trường mà không có quy định và hướng dẫn cụ thể mang tính chồng chéo gây khó khăn cho công tác thực hiện.

Vì vậy, các quy định về BVMT làng nghề đã được sửa đổi bổ sung quy định rõ các điều kiện về BVMT làng nghề, các cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và các đối tượng khác trong làng nghề phải thực hiện. Công tác BVMT làng nghề có nhiều quy định, chính sách như: Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về kết quả giảm sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2011 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên Môi trường [17],…vv nhưng mới đây nhất là luật BVMT 2014 đã được bổ sung đầy đủ ở điều 70 về BVMT làng nghề. Đồng thời, luật BVMT 2014 quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp đối với môi trường làng nghề. Luật BVMT 2014 quy định chi tiết nội dung này như sau:

Điều 1: Làng nghề phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ môi trường sau:

– Có phương án bảo vệ môi trường làng nghề.

– Có kết cấu hạ tầng đảm bảo thu gom, phân loại, xử lý, lưu trữ, thải bỏ chất thải sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

– Có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường.

Điều 2: Cơ sở sản xuất thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Xây dựng và thực hiện các biện pháp BVMT theo quy định của pháp luật thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ, thu gom, phân loại, lưu trữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

Điều 3: Cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề do chính phủ quy định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

– Thu gom, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Thu gom, phân loại, lưu trữ, xử lý, thải bỏ chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải theo quy định của pháp luật, bảo đảm không bị rò rỉ, phát tán khí độc hại ra ngoài môi trường, hạn chế tiếng ồn độ rung, phát sáng, phát nhiệt ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động. Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ môi trường.

– Tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Điều 4: Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã có làng nghề được quy định như sau:

– Lập, triển khai các phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn.

– Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.

– Hàng năm, báo cáo ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

Điều 5: Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp huyện có làng nghề được quy định như sau:

– Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn.

– Hằng năm, báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác bảo vệ môi trường làng nghề

Điều 6: Trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh có làng nghề được quy định như sau:

– Quy hoạch, cải tạo, xây dựng và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

– Bố trí ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề

– Chỉ đạo, tổ chức đánh giá ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn

– Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề.

– Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, có kế hoạch di dời cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư.[9]

1.1.3. Công tác quản lý chất thải rắn tại Thái Nguyên

Thái Nguyên, tỷ lệ thu gom CTR đạt 36%, do công ty môi trường đô thị trực tiếp quản lý. Hiện nay, công tác thu gom CTR còn nhiều bất cập, hạn chế về phương tiện, trang thiết bị thu gom. Hình thức xử lý rác tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như sau:

– Thành phố Thái Nguyên áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh và xử lý nước rác bằng công nghệ vi sinh kết hợp xử lý hóa học và cơ học đảm bảo nước rác được xử lý đạt tiêu chuẩn Việt Nam trước khi xả ra môi trường.

– Huyện Định Hóa đã xây dựng được ô chôn lấp và hệ thống xử lý nước rác bằng bãi lọc trồng cây và hồ sinh học nhưng chưa đưa vào sử dụng.

– Thị xã Sông Công sử dụng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh và nhà máy xử lý chất thải rắn thông thường.

– Huyện Phổ Yên đã xây dựng và đưa vào sử dụng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại Đồng Hầm – Minh Đức.

– Một số huyện còn lại đổ rác lộ thiên và không có biện pháp xử lý nước rác. Về mặt kỹ thuật, bãi chôn lấp hiện có đều không đảm bảo các yêu cầu về xử lý hợp vệ sinh. Công tác quản lý vận hành các bãi chôn lấp chưa được coi trọng, đa số, các huyện chưa bố trí đủ nguồn kinh phí và nhân lực cho công tác quản lý, vận hành bãi chôn lấp. CTR sinh hoạt chủ yếu đổ lộ thiên và không có hệ thống xử lý nước rác, không có các biện pháp khử mùi, diệt côn trùng dẫn đến tình trạng các bãi chôn lấp đều đang làm ô nhiễm môi trường xung quanh.

Một số huyện có bãi chôn lấp đều thiếu thiết bị vận hành như: xe ủi, xe xúc lật, đầm nén rác, máy phun chế phẩm vi sinh và diệt côn trùng. Tất cả các bãi rác, khu xử lý CTR ở Thái Nguyên đều có diện tích nhỏ (lớn nhất là 25 ha, phần lớn dưới 9,0 ha, một số nơi chỉ có 1 ha như các bãi rác thị trấn Đu, Đình Cả. Do vậy, không đủ khả năng chứa và xử lý rác trong vòng 5-10 năm tới.[18]

1.1.4. Công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Thái Nguyên

Làng nghề chè ở Thái Nguyên thường có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm gần 80%, chất thải rắn sản xuất gồm nhiều tro, bụi, chè cám, bao bì thuốc BVTV, bao bì đựng phân bón hóa học, túi hút chân không hỏng.

Công tác thu gom chất thải rắn sản xuất chưa được thu gom triệt để. Nhiều làng nghề xả thải bao bì thuốc BVTV trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, tác động xấu đến cảnh quan và sức khỏe con người.

Công tác phân loại tại nguồn các loại chất thải chưa được triển khai triệt để, chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất bao gồm cả CTNH được thu gom và vận chuyển và xử lý như chất thải thông thường bằng cách chôn lấp không hợp vệ sinh.

Làng nghề thường sản xuất theo quy mô hộ gia đình nên chưa có hệ thống xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn sản xuất riêng mà thường xử lý chung với chất thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường.

1.2. Tổng quan về làng nghề

1.2.1. Quan niệm và vấn đề xung quanh làng nghề

Khái niệm

Khái niệm làng nghề được hiểu là một địa bàn hay một khu vực dân cư sinh sống trong một làng (thôn, tương đương thôn) có hoạt động cùng ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất ở từng hộ gia đình hoặc các cơ sở trong làng, có sử dụng nguồn lực trong và ngoài địa phương, phát triển tới mức trở thành nguồn sống chính hoặc thu nhập chủ yếu của người dân.

Tiêu chí để công nhận làng nghề

Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào được xem là làng nghề, nhưng nhìn chung đều thống nhất dựa vào những  tiêu chí sau:

– Giá trị sản xuất và thu nhập từ nghề phi nông nghiệp ở làng nghề đạt trên 50% so với tổng giá trị sản xuất và thu nhập chung của làng nghề trong năm hoặc doanh thu hàng năm từ làng nghề ít nhất đạt 300 triệu đồng.

– Số hộ và lao động tham gia thường xuyên hoặc không thường xuyên, trực tiếp (hoặc gián tiếp) đối với nghề phi nông nghiệp ở làng, ít nhất 30% so với tổng số hộ và lao động ở làng nghề (hoặc có ít nhất 300 lao động).

– Sản phẩm phi nông nghiệp do làng sản xuất mang tính đặc thù của làng và do người làng tạo nên.

Vai trò của phát triển làng nghề đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế

Duy trì và phát triển làng nghề vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân lao động vừa giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Làng nghề còn tạo ra nguồn sản phẩm phong phú đa dạng cho xã hội. [19]

1.2.2. Làng nghề chè ở Thái Nguyên

Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề nhất ở Việt Nam, với các làng nghề truyền thống, thủ công đa dạng. Thái Nguyên được biết đến với những làng nghề chè truyền thống nổi tiếng khắp cả nước và trên thị trường thế giới. Thái Nguyên là vùng chè lớn thứ 2 cả nước (trên 17.000 ha) sau tỉnh Lâm Đồng. Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng chè với gần 172.000 tấn/năm. Tất cả các huyện, thành thị của Thái Nguyên đều tham gia trồng và chế biến chè. Chè Thái Nguyên có thế mạnh về chất đất, khí hậu thích hợp cùng với bàn tay khéo léo của người dân làng nghề để tạo ra những loại trà ngon, có chất lượng đến tay người tiêu dùng. Từ năm 2008 đến năm 2011, Thái Nguyên đã có 52 làng nghề sản xuất, chế biến chè được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề. Làng nghề chè từ lâu đã gắn liền với văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Một số đặc trưng cơ bản của làng nghề chè

            – Đặc trưng về kỹ thuật công nghệ: Sản xuất chè sử dụng công cụ thô sơ, chủ yếu là người dân lao động  bằng biện pháp thủ công hái, sao, vò, sàng, đóng gói,…

      – Đặc trưng về kinh tế xã hội: Ngành nghề sản xuất chè là một ngành mang nét văn hóa truyền thống của nước ta, gần gũi với người dân Việt Nam. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi để khôi phục và phát triển ngành, góp phần bảo vệ nhiều nét văn hóa đặc sắc và đóng góp lượng lớn cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

            – Đặc trưng về thị trường: Thị trường cung ứng sản phẩm còn nhỏ hẹp, thông qua mua bán tại chỗ và cung ứng cho thị trường các tỉnh trong nước. Thị trường nước ngoài phong phú, rộng lớn, nhưng có sự đòi hỏi khắt khe về chất lượng, chủng loại và sự thay đổi mẫu mã.

      – Đặc trưng về hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh:

Hộ gia đình: Huy động và sử dụng được mọi thành viên trong gia đình tham gia vào các công việc khác nhau của quá trình sản xuất kinh doanh, tận dụng được thời gian lao động và mặt bằng sản xuất, quản lý dễ dàng.

1.3. Tổng quan về phát triển bền vững

Khái niệm

Theo WCED, 1987: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không xâm phạm đến khả năng làm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Mục tiêu của phát triển bền vững

Mục tiêu của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của cá công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Phát triển bền vững có 3 mục tiêu chính là phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường.

Nguyên tắc phát triển bền vững

Nguyên tắc phát triển bền vững đưa ra nhằm phục vụ cho việc xác định quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng. Các quy định nhằm đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc PTBV:

– Nguyên tắc về sự ủy thác của nhân dân.

– Nguyên tắc bình đẳng giữa các thế hệ.

– Nguyên tắc phòng ngừa.

– Nguyên tắc phân quyền và ủy quyền.

– Nguyên tắc bình đẳng trong nội bộ thế hệ.

– Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

– Nguyên tắc người sử dụng phải trả tiền.[5]

Phát triển bền vững làng nghề ở Việt Nam

Hiện nay, cả nước có 4.575 làng nghề, thu hút khoảng 12 triệu lao động. Trong đó có nhiều làng tồn tại hàng trăm năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, Bầu Trúc,…[1]

Vấn đề bảo vệ môi trường và PTBV làng nghề luôn được nhà nước coi là mục tiêu chiến lược để phát triển đất nước. Hiện nay, nhà nước có nhiều hoạt động tích cực để thực hiện kế hoạch như: luật bảo vệ môi trường 2014 sửa đổi bổ sung điều 70 về bảo vệ môi trường làng nghề, thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2011 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên Môi trường và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Về kinh tế, làng nghề là nơi thu hút nhiều lao động nhất khoảng 12 triệu lao động, trong đó có 35% là lao động thường xuyên còn lại là lao động thời vụ và nông nhàn, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 – 3 lần.

Về văn hóa, làng nghề lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, thể hiện trên những văn hoa tinh xảo, công nghệ chế tác độc đáo. Có nhiều làng nghề gắn với các di tích cách mạng, lịch sử dân tộc. Về xã hội, làng nghề góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng được đường sá khang trang, có lưới điện, mở thêm nhà văn hóa, trường học, trạm xá… Quan trọng hơn nữa là trong làng nghề có tính cộng đồng cao, tình làng nghĩa xóm được bảo vệ và gắn kết chặt chẽ.

Về môi trường, hầu hết, các làng nghề truyền thống công tác quản lý và bảo vệ môi trường còn hạn chế, chất thải được thải ra ngoài môi trường mà không có biện pháp xử lý, tích tụ trong thời gian dài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Đáng chú ý, việc quy hoạch làng nghề triển khai chậm, nhiều cơ sở làng nghề ô nhiễm nặng chưa được di dời.

Như vậy, thực trạng chung làng nghề Việt Nam là phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm tới vấn đề môi trường. Vì vậy, để phát triển bền vững làng nghề phải kết hợp được cả ba mục tiêu (kinh tế, văn hóa, môi trường).

 

==============================================================

CHƯƠNG 2. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian:

– Đề tài giới hạn nghiên cứu trong phạm vi hoạt động của làng nghề chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

– Tập trung nghiên cứu thực trạng và công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Phạm vi khoa học:

– Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội và môi trường khu vực làng nghề xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

– Tổng quan công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

– Hiện trạng môi trường và công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

Phạm vi thời gian

Thời gian nghiên cứu, khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2015.

Nghiên cứu thực địa: Tác giả tiến hành nghiên cứu thực địa làm 2 đợt:

– Đợt 1: Từ 01/10/2014 đến – 30/12/2014: Đến UBND xã Tân Cương thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, khảo sát, đánh giá dựa vào cộng đồng. Đến khu vực làng nghề Hồng Thái 2, xã Tân Cương để tìm hiểu về thực trạng quản lý chất thải rắn sản xuất ở quanh khu vực làng nghề và đề xuất một số giải pháp để hướng tới pháp triển bền vững tại làng nghề chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên. Tiến hành quan sát thực địa và phỏng vấn nhanh người dân ở khu vực làng nghề Hồng Thái 2.

– Đợt 2: Từ 01/1/2015 đến 10/2/2015: Đến phỏng vấn sâu người dân bằng các phiếu điều tra với các nội dung cần thiết cho đề tài (phụ lục)

2.2. Đối tượng nghiên cứu

– Thực trạng và công tác quản lý CTR sản xuất tại khu vực làng nghề chè Tân Cương.

– Chất thải rắn do hoạt động sản xuất chè.

2.3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

2.2.1. Ý nghĩa khoa học

Hiện nay, Thái Nguyên đã được triển khai một số đề tài nghiên cứu về môi trường và đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, ở các làng nghề chưa có đề tài chuyên sâu nghiên cứu về vấn đề quản lý chất thải rắn sản xuất. Do vậy, kết quả của đề tài là tài liệu tham khảo có giá trị trong nghiên cứu cho các nhà quản lý đất đai, các nhà quy hoạch và các nhà quản lý môi trường tại địa phương xây dựng các kế hoạch, quy hoạch phù hợp để phát triển kinh tế, xã hội của khu vực làng nghề chè.

2.2.2. Ý nghĩa thực tiễn

Đề tài giới thiệu chung về thực trạng môi trường làng nghề chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên, giúp các nhà hoạch định đề xuất chính sách và quản lý chất thải rắn góp phần phát triển bền vững và nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực làng nghề.

2.3. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu

2.3.1. Quan điểm nghiên cứu

            – Quan điểm tổng hợp và hệ thống: Mục tiêu chung của chiến lược quản lý chất thải rắn làng nghề là: Từng bước hình thành và thực hiện hệ thống quản lý chất thải rắn tại khu vực làng nghề một cách đồng bộ, khoa học, nhằm nâng cao hiệu quả và năng lực công tác quản lý môi trường tại địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu công tác quản lý chất thải rắn tại khu vực làng nghề chè nổi tiếng như Tân Cương là cần thiết và phải được xem xét một cách có hệ thống và tổng thể, không đánh giá theo một khía cạnh riêng biệt nào cả.

            – Quan điểm phát triển bền vững: Theo WCED, 1987: “Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không xâm phạm đến khả năng làm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai”. Sự bền vững về phát triển của một xã hội có thể được đánh giá bằng những chỉ tiêu nhất định trên ba mặt kinh tế, xã hội, tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Quản lý chất thải là một vấn đề xã hội lớn đòi hỏi phải thiết lập những khuôn khổ pháp lý làm cơ sở cho việc hoàn thiện các thể chế, quy định của chính phủ về quản lý chất thải và sự tham gia rộng rãi của cộng đồng, các tổ chức xã hội trong nỗ lực tạo ra một môi trường phát triển thịnh vượng, bền vững.[13]

2.3.2.  Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu tài liệu

– Thu thập các tài liệu như: Luật bảo vệ môi trường 2014 những quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, chính sách của cơ quan chức năng về biện pháp quản lý chất thải rắn sản xuất làng nghề tại Việt Nam và trên thế giới, báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011,…vv.

– Tìm hiểu về thành phần, tính chất của chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Tân Cương dựa trên nghiên cứu tài liệu đã thu thập được.

Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu

– Phương pháp phân tích thống kê, xử lý số liệu để phân tích các nhân tố ảnh hưởng, đánh giá thực trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Tân Cương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

            – Tổng hợp tất cả các số liệu thu thập được, làm sạch số liệu, nhập số liệu, thống kê và tổng hợp số liệu bằng Excel để tính toán khối lượng và thành phần chất thải rắn được áp dụng trong nghiên cứu chất thải rắn sản xuất trong khu vực làng nghề tại khu vực nghiên cứu.

Phương pháp điều tra

            Phương pháp điều tra sơ cấp: Thu thập thông tin thông qua quá trình quan sát thực tế, phỏng vấn người dân và lập phiếu điều tra thông tin liên quan đến chất thải rắn sản xuất tại làng nghề.

Phương pháp điều tra thứ cấp: Thu thập thông tin đã được công bố về hiện trạng chất thải rắn sản xuất, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sản xuất ở các làng nghề tỉnh Thái Nguyên. Tham khảo quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sản xuất mà các làng nghề đang thực hiện.

Phương pháp đánh giá nhanh dựa vào cộng đồng ( PRA)

Trong quá trình nghiên cứu phương pháp này sử dụng một số kỹ thuật như: kỹ thuật quan sát trực tiếp để ghi nhận, đo đếm, ghi chép và lựa chọn thời điểm vị trí thích hợp để quán sát. Từ đó, sắp xếp nội dung câu hỏi phỏng vấn cho các đối tượng phù hợp.

Phương pháp chuyên gia

Tham vấn ý kiến của thầy cô hướng dẫn, thầy cô trong khoa và các chuyên gia trong ngành môi trường, quản lý môi trường làng nghề tại khu vực nghiên cứu.

=============================================================

 

 

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Cơ sở lựa chọn khu vực nghiên cứu

Tân Cương được du khách trong và ngoài nước biết đến với các làng nghề chè truyền thống, 16/16 xóm đều tham gia sản xuất chè không phải tất cả đều đã được công nhận làng nghề. Một trong những xóm được công nhận làng nghề truyền thống đầu tiên là làng nghề chè Hồng Thái 2 sản xuất chè ngon nhất và được xem là ông tổ của làng nghề chè Tân Cương.

Làng nghề chè Hồng Thái 2 nằm trong khu vực trung tâm của xã Tân Cương cách thành phố Thái Nguyên 12km về phía Nam với tổng diện tích tự nhiên 150ha. Phía Đông giáp xóm Khuôn 2 – xã Phúc Trìu, phía Tây giáp xã Quyết Thắng – thành phố Thái Nguyên, phía Nam giáp xóm Nam Sơn, phía Bắc giáp xóm Hồng Thái 1.

Hàng năm, các chương trình lễ hội như festival chè được tổ chức tại “không gian văn hóa chè” thu hút một lượng khách trong và ngoài nước về tham quan. Làng nghề chè Hồng Thái 2 được công nhận làng nghề chè truyền thống năm 2010 có 167 hộ dân với 775 nhân khẩu, 100% các hộ đều tham gia sản xuất chè. Hiện nay, Hồng Thái 2 có 60ha chè, có 20ha chè giống mới như: Kim Tuyên, Đài Loan, LĐP1, Bát Tiên,… năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ha/năm, sản lượng đạt 224 tấn/năm. Giá bán chè bình quân đạt từ 150 – 700 nghìn đồng/kg búp khô, đặc biệt loại chè đinh có giá từ 1 – 5 triệu đồng/kg.

Năm 2014, tổng doanh thu từ cây chè của làng nghề Hồng Thái 2 đạt gần 17,8 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ gia đình thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm. Cây chè đã giúp cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, cung cấp lượng lớn chè cho các tỉnh trong nước và nước ngoài. Làng nghề Hồng Thái 2 đã có 10 hộ đăng ký tạm lưu trú có đầy đủ tiện nghi cho khách du lịch trong nước và nước ngoài đến nghỉ ngơi và tham quan làng nghề.[14]

Hiện nay, công tác quản lý chất thải rắn sản xuất của làng nghề chè Hồng Thái 2 chưa được quan tâm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và chất lượng của sản phẩm.

Như vậy, làng nghề chè Hồng Thái 2 là làng nghề đặc trưng, hội tụ đầy đủ các yếu tố nhất của làng nghề chè Tân Cương được lựa chọn làm khu vực nghiên cứu.

3.2. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khu vực làng nghề chè Tân Cương – tỉnh Thái Nguyên

3.2.1.  Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý

Tân Cương là một xã ngoại thành phía Tây Nam của thành phố Thái Nguyên – tỉnh Thái Nguyên. Phía Bắc giáp xã Phúc Trìu, phía Đông giáp xã Thịnh Đức, phía Nam giáp xã Bình Sơn (thị xã Sông Công), phía Tây giáp xã Phúc Tân (huyện Phổ Yên).

Tọa độ địa lý: 21029’00’’-21031’00’’ vĩ độ Bắc105044’00’’- 105046’00’’ độ kinh Đông.

Diện tích và dân số

Tổng diện tích 14,7 km2, dân số 5612 người. Mật độ dân số khoảng 382 người/km2.

Địa hình

Vùng chè Tân Cương có địa hình khá đơn giản, phía Tây là chân núi Tam Đảo, môi trường sinh thái trong lành nằm tiếp giáp với vùng du lịch Hồ Núi Cốc.

Tân Cương được bảo phủ bởi dãy Núi Guộc. Đó là một quả đồi đất thấp độ cao trung bình từ 30m – 100m so với mực nước biển, kiểu địa  hình bát úp có đường bao dưới chân, có mấy xóm quây quần xung quanh. Do tác dụng xâm thực mưa gió, đồi chè chỉ còn lại rừng cây keo lai mới được trồng.

Thổ nhưỡng

Đất ở Tân Cương có chứa nhiều nguyên tố vi lượng với tỉ lệ phù hợp thuộc quyền đặc hữu của cây chè. Đất được hình thành chủ yếu trên nền feralit đỏ vàng. Đất phù sa ít được bồi hàng năm trung tính, ít chua (có pH từ 5,5 – 7,0) được phân bố chủ yếu thuộc địa phận xã Tân Cương, đất này thích hợp với trồng màu, cây công nghiệp đặc biệt là chè.

Thủy văn

Sông Công chảy qua theo hướng Tây Bắc – Đông Nam là một nhánh chính của sông Cầu. Đây vốn là một con sông nhỏ, chảy giữa Tân Cương cung cấp nước tưới tiêu của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Khí hậu

Khu vực rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc có nền chung của khí hậu vùng núi miền Bắc Việt Nam, đặc trưng cơ bản của nền khí hậu này là có mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ không khí bình quân năm là 22,50C, lượng mưa trung bình năm là 1750 mm, độ ẩm không khí trung bình 80%.

Lượng bức xạ hữu hiệu ở Tân Cương là 61,2 kcal/cm2/năm, thấp hơn hẳn so với các vùng chè khác (khoảng 122,4 kcal/cm2/năm).

3.2.2. Điều kiện kinh tế – xã hội

Điều kiện kinh tế

Nông nghiệp

Diện tích tự nhiên của xã là 1.470ha, diện tích đất nông nghiệp là 200ha, diện tích chè là 400ha. Nguồn thu nhập chính của người dân trong xã chủ yếu từ việc trồng và sản xuất chè. Tổng thu nhập toàn xã trung bình 170 tỷ đồng/năm và thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình là 100 – 150 triệu đồng/ha/năm.

Tổng diện tích gieo cấy của xã là 180ha, trong đó: giống khang dân 120ha, giống lai 50ha, giống nếp, lúa thuần chất lượng cao 10ha. Năng suất bình quân ước đạt 45,75 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 825,5 tấn tương đương 95,3%. Hiện nay, trên địa bàn xã đã triển khai trồng thử nghiệm ứng dụng đồng loạt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa tại xóm Nam Thái, tổng diện tích: 0,2ha giống lúa HKT99, năng suất trung bình, 65 tạ/ha, sản lượng trung bình ước đạt 130 tạ, giống Kim ưu (10 sào cấy theo phương pháp hiệu ứng bảng biên). Giống thuần chủng chủ yếu là giống Khang dân 18, Khang dân Quảng Ninh,… Ngoài ra, nhân dân còn sử dụng các giống lúa lai như Syn6, Nhị Ưu 838,…

Diện tích trồng chè của xã Tân Cương là 400 ha (chiếm 27,2% tổng diện tích đất tự nhiên), trong đó, diện tích chè kinh doanh là 350ha, năng suất trung bình 0,77 tấn/ha, sản lượng đạt 269,5 tấn, diện tích chè thiết kế cơ bản là 50ha, năng suất trung bình 0,55 tấn/ha, sản lượng trung bình 275 tấn/ha. Xã có 1.150 hộ sản xuất chè và sản xuất được 1.070 tấn búp khô/năm.

Hiện nay, xã đã nghiệm thu được 28ha đất của nông dân để chuẩn bị trồng chè năm 2014 (giống LĐP1, chè trung du).

Lâm nghiệp

Trong năm 2014 nhân dân trong xã đã khai thác được 13ha rừng, đạt 45,5%, trồng mới 57ha keo lai tượng (cây nhãn do nhà nước cung cấp giống và phân bón), đạt 11,4% so với kế hoạch.

Chăn nuôi, thú y

Theo thống kê năm 2014, tổng lượng gia súc gia cầm trong xã gồm: đàn trâu có 292 con (đạt 116,8%), đàn bò có 37 con (đạt 37%), đàn lợn có 8000con (vượt kế hoạch 133,3%), số gia cầm: 72,401 con (đạt 144,8%). Tổng số trang trại trên địa bàn xã là 42 trại (02 trại lợn, 40 trại gà).

Thường xuyên chỉ đạo cán bộ thú y xã kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân biết và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.

Văn hóa – xã hội

Xã có 16 xóm với 1433 hộ, trong đó, đông đảo thiên chúa giáo chiếm 45% dân số, có 6 dân tộc anh em sinh sống nằm rải rác trên địa bàn xã. Các tín đồ đạo giáo đoàn kết chia sẻ mọi kinh nghiệm cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo được thừa hưởng từ quá khứ càng vững bước đi lên giàu đẹp và văn minh. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền toàn dân thực hiện hiệu quả phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác xóa đói giảm nghèo phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 xuống dưới 0,1%. Tuyên truyền vận động người dân trong công tác kế hoạch hóa gia đình, giảm hộ sinh con thứ ba đến mức thấp nhất.

Hàng năm, xã thường tổ chức tặng quà cho người có công, thăm hỏi động viên, tặng quà những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết.

Thường xuyên tổ chức các lễ hội như: Festival trà, hương sắc trà xuân – vùng chè đặc sản Tân Cương…vv thu hút được lượng lớn khách tham quan du lịch trong nước và nước ngoài.

Cở sở hạ tầng

Cở sở vật chất

Xã Tân Cương đã đạt chỉ tiêu đến 96% trong công tác xây dựng nông thôn mới (điện, đường, trường, trạm) ngày một khang trang to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Đường giao thông đã được bê tông hóa đến tận các xóm ngõ.

Trường học 3 cấp đều đạt chuẩn quốc gia mức 1 và 2. Cùng với nhà thờ giáo xứ Tân Cương, chùa Y Na đã được xây mới sau mấy chục năm bị phá hủy do tác động của thời gian, chiến tranh tàn phá. Nhiều công trình được xây dựng tại Tân Cương như: Đường Tân Cương, không gian văn hóa trà, chợ chè Tân Cương….

So sánh với Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến nay xã Tân Cương đã đạt được 18/19 tiêu chí. Hiện nay, 1 tiêu chí đã và đang được cán bộ xã tiến hành triển khai là chỉ tiêu 6: cơ sở vật chất văn hóa.

Giao thông

Xã Tân Cương có tỉnh lộ 263 chạy qua, mặt đường trải nhựa rộng khoảng 12m, chạy từ Thịnh Đán qua xã Thịnh Đức và Phúc Trìu, chạy dọc giữa xã lên đập Hồ Núi Cốc.

Hệ thống điện

Đến nay, toàn bộ xã Tân Cương đã có điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Công tác quản lý và sử dụng điện ngày càng được củng cố và phát triển

Hệ thống cấp nước

Xã Tân Cương có mực nước ngầm ổn định và nông (5 – 10 m), nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng đào hoặc giếng khoan.

Giáo dục

Xã Tân Cương đã đẩy mạnh các hoạt động, các chương trình công tác nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của 3 trường trong địa bàn xã. Các trường đều phấn đấu đạt trường tiên tiến xuất sắc, công đoàn vững mạnh, liên đội mạnh cấp tỉnh. Duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở tiến tới phổ cập trung học phổ thông đến năm 2016. Trường tiểu học luôn phấn đấu đạt học lực loại giỏi từ 50% trở lên, không còn học sinh học lực yếu. Trong năm 2015, trường trung học cơ sở và trường tiểu học xã Tân Cương sẽ được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Đội ngũ cán bộ giáo viên luôn học tập và trau dồi công tác giảng dạy, tham gia đầy đủ vào các cuộc vận động các phong trào thi đua, cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt được kết quả cao.

Vệ sinh môi trường

Cán bộ chuyên trách về môi trường của xã đã chỉ đạo các xóm huy động nhân dân ra quân đồng loạt phát quang đường làng, ngõ xóm, nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông cống rãnh đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và việc đi lại của nhân dân. Đồng thời, cán bộ xã còn tuyên truyền vận động nhân dân về việc thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn. [14]

Bên cạnh đó, xã chỉ chú trọng vào tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng còn tiêu chí 17 về môi trường đã được xã triển khai nhưng chưa đem lại hiệu quả chỉ mang tính đối phó. Cụ thể như: tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trên địa bàn làng nghề chưa bảo đảm yêu cầu, tỷ lệ đạt thấp. Đa số hộ dân trong xóm đều sử dụng nguồn nước ngầm làm nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu. Thêm vào đó, việc quy hoạch nghĩa trang vẫn chưa được thực hiện.

Ngoài ra, do thiết bị công nghệ của làng nghề còn lạc hậu và thủ công, khu vực sản xuất, kinh doanh hầu như chưa có hệ thống thu gom và xử lý khí thải, chất thải rắn sản xuất và công trình xử lý nước thải theo đúng quy định. Chất thải không được phân loại tại nguồn chất thải sinh hoạt và chất thải sản xuất được thu gom và xử lý chung nên hậu quả về ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng. Đây được xem là một tiêu chí rất khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với một nước nông nghiệp, đòi hỏi ý thức cao của người dân và chính sách quản lý của chính quyền địa phương. [7]


 

3.3. Thực trạng chất thải rắn sản xuất tại khu vực làng nghề chè Tân Cương nói chung và làng nghề chè Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

3.3.1. Nguồn gốc phát sinh CTR sản xuất chè

Khối lượng rác thải sản xuất trong làng nghề chè ngày càng tăng do mở rộng quy mô, diện tích sản xuất, sự phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài ngày càng nhiều. Trong đó, các nguồn chủ yếu phát sinh chất thải bao gồm:

3.3.2. Khối lượng chất thải rắn sản xuất chè phát sinh

Khu vực làng nghề Hồng Thái 2 trồng chè là nghề sản xuất chính nên lượng chất thải rắn chủ yếu từ sản xuất chè.

Quy trình sản xuất chè:

Phun thuốc BVTV,

Sau mỗi lứa hái tiến hành quốc đất bón phân để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây chè theo tỷ lệ: 20 – 25kg phân lân NPK/sào + 15kg đạm urê/sào + 5kg kali clorua/sào (đất đồi) trộn đều bón cách gốc 10cm lấp một lớp đất và tưới nước để cho phân tan ra. Mỗi năm có 8 lứa hái thì số lượng bao bì phân bón hóa học của mỗi hộ gia đình là 10 bao bì đựng phân bón, mỗi bao ước lượng trung bình khoảng 2 gam, tương đương mỗi hộ sử dụng 2 kg/sào/năm bao bì đựng phân bón.

Trong thời điểm thu hoạch lúa (tháng 4 – 6) của vụ Đông Xuân cũng là lúc sâu bệnh phát triển trên cây chè nhiều nhất chủ yếu là bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, rầy xanh, bệnh phồng lá, bệnh thối búp,…vv. Mỗi một loại sâu bệnh người ta thường phải mua một loại thuốc khác nhau để phòng và sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì. Sau khi thu hái xong, phải tiến hành phun 3 – 4 lần/lứa/sào trong vòng 15 ngày đầu (vụ chính) để thời gian cách ly đảm bảo cho cây chè. Đối với thuốc gói, mỗi lần 50 – 100g/gói/sào (sào Bắc Bộ) tương đương với 2 gói, thuốc nước thường sử dụng loại chai 100ml cho 1,5 sào và loại 250ml cho 3 sào. Như vậy, một lứa mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 8 – 10 gói/sào/lứa thuốc bột và 4 – 5 chai/sào/lứa. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ gia đình phát sinh khoảng 80 – 100 gói/sào và 40 – 50 chai/sào, thuốc BVTV tồn dư trong bao bì bằng 10% trọng lượng mỗi gói và chai (theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung – trưởng bộ môn thuốc, cỏ dại và môi trường Viện bảo vệ thực vật), trung bình một gói thuốc khoảng 0,5 gam và chai thuốc nước khoảng 2 gam. Ước lượng trung bình mỗi năm phát sinh khoảng 5kg/sào bao bì thuốc BVTV bằng gói và 8 -10kg/sào chai thuốc nước.[19]

Công đoạn sao chè: Chè tươi sau khi được làm héo, 1 mẻ chính lấy khoảng 30 kg chè nguyên liệu chia thành 4 mẻ nhỏ, mỗi mẻ khoảng 7 – 8 kg cho vào tôn quay bằng sắt để sao chè trong thời gian từ 8 – 10 phút, quá trình này sử dụng nhiệt độ cao (150 – 200oC) đốt bằng củi để phá hủy hệ thống enzym có trong nguyên liệu chè, tốc độ tôn quay từ 35 – 40 vòng/phút. Công đoạn sao chè quan trọng nhất là phải ổn định được lượng lửa trong lò, khoảng 3 – 4 phút đầu khi chè còn tươi thì cho củi vào để lửa to, khi chè bắt đầu héo thì để lửa nhỏ dần. Một mẻ chè ngon thường thì khi sao xong có mùi thơm, búp chè mềm, dẻo, bẻ không gẫy, không cháy, độ ẩm còn 60 – 70%. Quá trình sao chè sử dụng củi khoảng 1 tháng mỗi hộ gia đình dùng hết 3 – 5 khối củi, tương đương với 0,5 tấn để đốt tạo ra nhiệt độ cao đảm bảo quá trình đốt không bị dán đoạn. Mỗi sào/lứa hái một hộ gia đình sao 1 lần, chia làm 5 mẻ. Theo người dân trồng chè thì cứ 2 – 3 ngày lượng tro, bụi sao khi sao chè khoảng 10 kg/sào.

Công đoạn vò chè: Cho chè đã sao vào máy và vò trong thời gian 10 – 15 phút. Sau mỗi mẻ lượng chè rơi vãi là không nhiều, chủ yếu là chè cám.

Công đoạn sây khô: Cứ 4 mẻ nhỏ chè sau khi diệt men, vò và sàng thì được gộp lại rồi đưa lại tôn quay để sao đến khô, nhiệt độ 130 – 170oC. Thời gian sao khô khoảng 2h, tốc độ tôn quay từ 40 – 50 vòng/phút. Thời gian sấy khô càng lớn thì lượng củi sử dụng càng nhiều. Như vậy quá trình sao chè và sấy khô mỗi năm hộ gia đình phát sinh khoảng 50 kg tro, bụi/sào.

Công đoạn sàng, nhặt cậng chè: Sau khi sấy khô người dân đổ ra nong, bạt sau đó sàng nhặt cậng chè, lượng chè cám và chè rơi vãi sẽ được phân loại ra riêng với chè sản phẩm. Theo người dân, mỗi một sào có khoảng 6 – 10kg chè khô, cứ 1kg chè thì có 1 gam chè cám, chè ban.

Công đoạn đóng gói sản phẩm: Hoàn tất quá trình sàng lọc phân loại chè, người dân cho chè vào túi và đóng gói hút chân không để đảm bảo được hương thơm của chè. Mỗi tháng mỗi hộ gia đình sản xuất lớn sử dụng 3.000 – 5.000 túi đóng gói các loại nhưng trong số đó thì cứ 100 cái sẽ có xác xuất khoảng 10 túi bị hỏng, ước tính mỗi tháng có khoảng 300 – 500 túi hỏng.

Từ quy trình sản xuất chè và khối lượng chất thải rắn sản xuất phát sinh theo từng hộ gia đình ta có bảng sau:

Bảng 3.1. Kết quả nghiên cứu khối lượng phát sinh chất thải rắn sản xuất của làng nghề Hồng Thái 2, năm 2014

CTR Khối lượng (tấn/năm)
Tro bụi 20
Bao bì thuốc BVTV 4,5
Chè cám, chè ban 10
Túi hút chân không hỏng 4,5
Túi đựng phân bón hóa học 6,0
Tổng 45

Làng nghề Hồng Thái 2 mỗi năm phát sinh lượng chất thải rắn ít nhất 40- 45 tấn/năm, bình quân đầu người phát sinh từ 80 – 100 kg/năm. Đây được xem là khu vực làng nghề sản xuất chè lớn trong xã nên khối lượng phát sinh chất thải rắn sản xuất lớn hơn các khu vực làng nghề khác từ 2 – 3 tấn/năm.

Trên thực tế, tại làng nghề, một số chất thải rắn sản xuất có thể tái sử dụng được như: túi hút chân không hỏng, tro bụi, lượng chè cám, chè ban rơi vãi và qua sàng lọc, bao bì đựng phân bón hóa học để sử dụng cho những mục đích khác nhau nên lượng CTR sản xuất phát sinh ra ngoài môi trường là không đáng kể.

Tuy nhiên, thành phần không thể tận dụng được là bao bì thuốc BVTV cũng là chất thải rắn nguy hại khiến tình hình môi trường khu vực trở thành vấn đề nghiêm trọng cần nghiên cứu và xử lý kịp thời, nhất là đối với làng nghề đang trong quá trình thực hiện tiêu chí 17 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, khu trồng chè nằm đan xen với nhà ở của người dân nên hoạt động sản xuất, sử dụng thuốc BVTV ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống và sức khỏe của người dân. Trong quá trình điều tra xã hội học 167/167 hộ gia đình về số lượng người sử dụng thuốc BVTV thì ta thu được kết quả như sau:

Bảng 3.2. Kết quả điều tra số lượng người sử dụng thuốc BVTV làng nghề Hồng Thái 2, tháng 1 năm 2015.

Loại hình sử dụng Số lượng

( hộ gia đình)

Tỷ lệ

( %)

Dùng gói thuốc BVTV 67 35,3
Dùng chai thuốc BVTV 100 64,7
Không dùng thuốc BVTV 0 0
Tổng 167 100

 

Từ bảng 3.2 ta có thể thấy, 100% người dân sử dụng thuốc BVTV cho cây chè nhưng liều lượng và cách sử dụng của từng gia đình là khác nhau. Hiện nay, người dân sử dụng nhiều thuốc BVTV bằng chai nhựa, thủy tinh hơn là sử dụng thuốc BVTV bằng gói. Trung bình người dân phun thuốc BVTV 3 – 4 lần lứa/sào, đối với thuốc gói mỗi lần 50 -100g/gói/sào (sào Bắc Bộ), thuốc nước thường sử dụng loại 100ml cho 1,5 sào và loại 250ml cho 3 sào tiến hành trong vòng 15 ngày đầu để đảm bảo thời gian cách ly sau mỗi lứa hái.

Làng nghề Hồng Thái 2 có diện tích tự nhiên 150ha, trong đó, có 60ha diện tích chè và 100% hộ dân tham gia sản xuất chè. Như vậy, mỗi năm thải ra môi trường ít nhất 4,5 tấn bao bì thuốc BVTV. Mặt khác, lượng thuốc BVTV đã sử dụng trên diện tích gieo trồng không thể tính toán cụ thể, mỗi loại thuốc BVTV đều có quy định về liều lượng phun có ghi trên mỗi bao bì, chai lọ, thực tế, khi phun thuốc bà con ít khi tuân theo quy định nên lượng thuốc BVTV trên các sản phẩm cao hơn so với quy định và làm cho sâu hại nhờn thuốc.

Ngoài ra, người dân xóm Hồng Thái 2 còn trồng lúa, ngô, khoai,… để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Trong quá trình sản xuất lúa người dân cũng sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV để diệt trừ cỏ dại, sâu bệnh như đối với cây chè, số lần phun không cố định còn phụ thuộc vào thời gian xảy ra dịch bệnh, cỏ dại. Như vậy, đối với làng nghề chè Hồng Thái 2 không chỉ có bao bì thuốc BVTV phát sinh từ cây chè mà còn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa.

3.3.3. Ảnh hưởng của chất thải rắn sản xuất đến môi trường và sức khỏe con người

Môi trường không khí

– Khí thải từ các phương tiện vận chuyển chè tươi từ khu vực thu hoạch về gia đình: SO2, CO, CO2, bụi, hơi xăng,…

– Hoạt động sao chè mỗi ngày phát sinh ra một lượng lớn khói thải gây hiện tượng khói mù quang hóa vào sáng sớm sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn của người đi đường xung quanh khu vực làng nghề.

– Thuốc BVTV sau khi sử dụng không được xử lý ngay mà thu gom lại sau một thời gian đem đi xử lý, khi ở nhiệt độ cao lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các vỏ chai lọ bốc lên mùi hôi nồng nặc gây nguy hiểm đến sức khỏe của con người.

– Hoạt động sao, vò, sàng chè phát sinh bụi, chè tấm, chè rơi vãi, phát tán ra môi trường.

Môi trường đất và nước

– Cây chè là cây sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV gây ô nhiễm đất. Trong quá trình sử dụng thuốc BVTV một lượng đáng kể thuốc không được cây trồng tiếp nhận, chúng sẽ lan truyền và tích lũy trong đất.

– Thuốc BVTV là hóa chất có chứa các nguyên tố như hợp chất Asen, thủy ngân, chì,… có độc tính cao, thời gian lưu lại trong đất lâu, có loại tồn tại từ 10 – 20 năm. Về lâu dài, lượng thuốc BVTV tồn dư này sẽ là nguyên nhân chính làm hoang hóa tài nguyên đất và ngấm xuống làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Sức khỏe con người

Trong các loại thuốc BVTV thì có trên 70% là thuốc trừ sâu gây độc với động vật máu nóng và cơ thể người. Khi lượng thuốc BVTV, đặc biệt, thuốc trừ sâu còn sót lại trong chai, lọ được vứt ra môi trường, dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ,… có thể gây ra ngộ độc cấp tính cho người tiếp xúc, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng.

Tồn dư thuốc BVTV tích tụ trong môi trường đất, nước và được hấp thụ trong quả hạt,… xâm nhập vào cơ thể con người tích tụ lâu dài gây các bệnh như ung thư, tổn thương về di truyền. Trẻ em nhạy cảm với thuốc BVTV cao hơn người lớn gấp 10 lần. Đặc biệt, thuốc BVTV làm cho trẻ em thiếu ôxi trong máu, suy dinh dưỡng, giảm chỉ số thông minh, chậm biết đọc, biết viết.

Những loại thuốc có vỏ đựng là chai, lọ thuỷ tinh, sắt, nhôm thì rất nguy hiểm cho người dân trong quá trình sản xuất gây sát thương, nhiễm trùng.

3.4.  Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn do hoạt động sản xuất

3.4.1. Quá trình phân loại, thu gom và vận chuyển

Làng nghề Hồng Thái 2 đã phân loại CTR tại nguồn một cách hiệu quả, CTR sinh hoạt chủ yếu là túi nilon, chất thải không tái chế, đối với bao bì thuốc BVTV người dân sau khi phun thuốc đã bỏ vào túi nilon buộc kín và cách xa khu vực nhà ở, trước khi người dân đi thu gom rác thì bỏ chung cùng rác thải sinh hoạt.

Công tác thu gom chất thải rắn do hội phụ nữ đứng ra chịu trách nhiệm nhưng chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn sản xuất chè riêng. Hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn (chất thải rắn sinh hoạt + chất thải rắn sản xuất) của xóm Hồng Thái 2 bao gồm: thu gom sơ cấp và thu gom thứ cấp.

– Thu gom sơ cấp: Bao gồm toàn bộ quá trình người dân đi thu gom, vận chuyển chất thải rắn từ các hộ gia đình đến điểm tập kết rác.

– Thu gom thứ cấp: Là quá trình thu gom các loại chất thải rắn từ điểm tập kết rác đến khu vực xử lý bằng xe ô tô. Hồng Thái 2 hợp đồng với công ty môi trường đô thị khi có rác thải công ty sẽ cho ô tô đến chở rác thải vào khu vực bãi rác Đá Mài để tiếp tục xử lý.

 

Do địa hình khu vực rộng, xen lẫn đồi chè nên dân cư rải rác các điểm tập kết chủ yếu là do người dân trong xóm quy định. Dụng cụ thu gom rác của bà con xã viên rất thô sơ, không có quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang hợp vệ sinh.

Thời gian thu gom rác mỗi tháng 2 lần: 14h đến 16h ngày mồng 1 đầu tháng và 14h và từ 16h ngày 15 giữa tháng. Tần suất thu gom trong tháng ít mà lượng chất thải (sinh hoạt + sản xuất) phát sinh lớn, nhất là CTNH (bao bì thuốc BVTV) khi gặp điều kiện nhiệt độ cao sẽ phân hủy bốc mùi khó chịu và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người đi thu gom.

3.4.2. Quá trình xử lý chất thải rắn sản xuất

Bảng 3.3. Kết quả nghiên cứu về biện pháp xử lý chất thải rắn sản xuất tại làng nghề chè Hồng Thái 2

Loại CTR Biện pháp xử lý Số hộ làm/ số hộ điều tra
Tro, bụi Đem đổ vào phân gà ủ đống đến mùa vụ bón cho cây chè hoặc đổ ra vườn trồng rau. 100%
Bao bì thuốc BVTV Đem bỏ vào túi nilon buộc chặt sau đó bỏ vào túi đựng rác thải sinh hoạt 75%
Chè cám, chè ban Thu gom lại vào bán cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trà túi từ 30.000 – 40.000 đồng/kg 100%
Túi hút chân không hỏng Khối lượng túi hỏng không đáng kể khoảng 100 cái hỏng 1-2 cái, người dân đem đổi lại cho các cơ sở sản xuất. 100%
Bao bì đựng phân bón hóa học Người ta sẽ giặt sạch và phơi khô để đựng chè tươi, thóc lúa,… 100%

( Nguồn: Điều tra người dân tại khu vực Hồng Thái 2)

Từ bảng trên ta thấy, 100% số hộ dân được điều tra đã phân loại chất thải rắn có thể tái chế được với chất thải không thể tái chế. Công tác phân loại rác được thực hiện rất tốt song công tác xử lý lại chưa được người dân quan tâm thực hiện như: hầu hết lượng bao bì thuốc BVTV sau mỗi lẫn phun người dân đã gom vào túi nilon nhưng do chưa có khu vực thu gom và xử lý chất thải rắn nguy hại nên người ta bỏ chung vào cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Lượng bao bì thuốc BVTV của mỗi hộ là không đáng kể nhưng của cả xóm theo từng năm mà không được xử lý kịp thời sẽ gây ô nhiễm môi trường làng nghề.

Sau khi vận chuyển toàn bộ khối lượng chất thải rắn (sinh hoạt + bao bì thuốc BVTV) vào bãi rác Đá Mài ngay trong địa phận của xóm Hồng Thái 2. Bãi rác Đá Mài là nơi tập trung rác thải của cả thành phố Thái Nguyên, mỗi ngày đều có một lượng lớn rác thải được chở đến để xử lý. Tại đây, chất thải rắn sản xuất (bao bì thuốc BVTV) đều được xử lý như chất thải thông thường mà không có biện pháp xử lý sơ bộ.

Thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề Hồng Thái 2 chủ yếu do chất thải rắn sản xuất từ vỏ chai, bao bì thuốc BVTV.

3.4.3. Đánh giá chung trong công tác quản lý chất thải rắn sản xuất

Những kết quả đạt được

Tại làng nghề Hồng Thái 2 CTR sản xuất được phân loại rất hiệu quả, hầu hết lượng CTR có khả năng tái chế được người dân tận dụng một cách triệt để.

Hiện nay, xóm vận động người dân về công tác phân loại rác tại nguồn bằng các hình thức như phát tờ rơi,…

Tại các nương chè, người dân sử dụng các biển như: cảnh báo nguy hiểm, biển báo cấm vứt rác tại khu vực trồng chè,… để tránh có sự cố nguy hiểm xảy ra và cảnh báo người dân trong việc vứt rác bừa bãi tại nương, đồi chè.

b.Tồn tại và khó khăn

 Chính sách của nhà nước

Hiện nay, xã Tân Cương đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và dự kiến sẽ hoàn thành đến hết năm 2015, trên thực tế, chưa có chính sách và kế hoạch nào được chỉ đạo về xóm để triển khai liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý CTR sản xuất của làng nghề chè nói riêng.

Trình độ về kỹ thuật

Xã Tân Cương đã có cán bộ làm về công tác bảo vệ môi trường nhưng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Hầu hết, các xóm chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý môi trường khu vực.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Các lớp tập huấn cho người dân về công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sản xuất chưa thực sự hiệu quả.

Chưa có các điểm thu gom tập trung và xử lý rác thải vỏ thuốc BVTV đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn.

Nguyên nhân

Nhận thức của cộng đồng

Cộng đồng có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ môi trường. Nguồn phát sinh chất thải rắn sản xuất chủ yếu là hoạt động của con người. Do đó, để công tác quản lý CTR sản xuất có hiệu quả thì cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong quá trình điều tra, khảo sát và phỏng vấn trực tiếp các hộ dân sinh sống trên địa bàn xóm với 167 phiếu nhằm đánh giá và tìm hiểu về nhận thức của họ về vấn đề ảnh hưởng của chất thải rắn sản xuất đặc biệt là bao bì thuốc BVTV thu được kết quả như sau:

Qua biểu đồ tổng hợp ý kiến của người dân Hồng Thái 2 về ảnh hưởng của bao bì thuốc BVTV tới môi trường, ta nhận thấy, 90% người dân biết được ảnh hưởng của bao bì thuốc BVTV tới sức khỏe con người, 75% người dân thấy được ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Riêng đối với môi trường đất (50%) và nước (30%) chỉ chiếm số lượng ít người dân biết được ảnh hưởng của bao bì thuốc BVTV đến môi trường. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất và tổ chức chỉ đạo của các ban ngành chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn làng nghề. Từ đó, hình thành cho người dân thói quen xấu trong việc vứt bao bì thuốc BVTV ngay tại nương, ruộng,…. Để công tác quản lý CTR sản xuất (bao bì thuốc BVTV) được tốt hơn nữa thì xóm cần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Đặc thù của môi trường làng nghề

Do khu vực sản xuất xen kẽ với nhà ở của người dân cho nên rất khó kiểm soát và xử lý lượng chất thải rắn sản xuất phát sinh.

3.5. Đề xuất một số giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững

3.5.1. Giải pháp phát triển bền vững

Phát triển kinh tế

Cây chè đã giúp cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, làng nghề cần phải có chủ trương mở rộng quy mô diện tích canh tác chè để người dân có thêm thu nhập. Đa dạng hóa các loại giống mới đem lại hiệu quả cao, năng suất chất lượng tốt như: Kim Tuyên, Đài Loan, LĐP1, Bát Tiên,…cán bộ chuyên môn cần quan tâm hướng dẫn cho các xã viên kỹ thuật hái chè để có giá trị cao nhất. Bên cạnh đó, cần bảo tồn những loại chè đặc sản mang tính truyền thống của làng nghề như: chè cổ truyền trung du, chè Bạch Hạc,…

So sánh giá trị kinh tế giữa giống chè mới LĐP1[1] và chè cổ truyền Trung Du để thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn những loại chè mang giá trị truyền thống của làng nghề.

Bảng 3.4. Kết quả nghiên cứu so sánh giữa hai giống chè

Loại chè Thời gian chặt phá TB (năm) Năng suất TB

(tấn/ha/năm)

Giá sản phẩm

(VND/kg)

Chè Trung Du 20 3,4 150 – 700
Chè LĐP1 15 3,45 150 – 600

[1]: Giống chè LDP1 được tạo từ tổ hợp lai giữa cây mẹ Đại Bạch Trà (Trung Quốc) và cây bố PH1 (Ấn Độ) có năng suất cao, chọn lọc theo phương pháp chọn dòng. Công nhận giống quốc gia năm 2003.

Từ bảng 3.4, ta có thể thấy được giống chè Trung Du tuy là loại giống cũ được người dân dùng để sản xuất từ hàng chục năm nay, tuy nhiên, nó vẫn giữ vững được thương hiệu cả về năng suất và chất lượng sản phẩm. Có thể nói, chè cổ truyền Trung Du được các nhà chuyên gia ẩm thực đánh giá là chè đặc sản cao cấp nhất trong các loại chè ở Tân Cương. Vì vậy, phải bảo tồn và gìn giữ những loại chè mang giá trị truyền thống của làng nghề để người tiêu dùng trong và ngoài nước khi nhắc đến Tân Cương là người ta nghĩ ngay đến chè cổ truyền Trung Du.

Như vậy, cùng với chất lượng là hàng đầu, thì ngày càng có nhiều sản phẩm chè cũng như sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, kiểu dáng, tên gọi sản phẩm chè của chúng ta đã góp phần không nhỏ nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển về văn hóa – xã hội

– Mở rộng quy mô sản xuất chè giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động chân tay và giảm các tệ nạn xã hội tại địa phương.

– UBND tỉnh và nhà nước cần phải quan tâm thường xuyên với các khu vực làng nghề có chính sách hỗ trợ người dân trong công tác sản xuất, khuyến khích người dân tham gia sản xuất mang lại hiệu quả cao.

– Những năm trước, du lịch cộng đồng tại làng nghề đã được triển khai nhưng vẫn vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Vì vậy, để thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với “không gian văn hóa chè” nói riêng và Tân Cương nói chung phải có một hoạt động du lịch cộng đồng cụ thể như sau:

Làng nghề Hồng Thái 2 để thu hút được đông đảo khách du lịch thì phải có các chương trình văn nghệ, ẩm thực với các món ăn đặc trưng, trưng bày sản phẩm “triển lãm chè” với các mẫu mã phong phú để bán cho du khách du lịch.

Khu vực đồi chè: Người dân trong quá sản xuất phải đảm bảo một môi trường lành mạnh, không vứt bao bì thuốc BVTV ngay dưới gốc chè. Bên cạnh đó, phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, CTR tránh gây mất mỹ quan trong khu vực du lịch của làng nghề. Giữa các đồi chè có đường lên xuống để du khách có thể đi lại tham quan một cách dễ dàng.

Tổ chức sự kiện: Mỗi năm tổ chức hội chợ triển lãm fetival chè một lần và các lễ hội ngay trong khu vực làng nghề chè.

Đào tạo những người hướng dẫn viên du lịch biết nói nhiều thứ tiếng khác nhau để thuận tiện trong giao tiếp đối với du khách nước ngoài.

Du lịch nông nghiệp: Đối với những người thích trải nghiệm, họ sẽ tự khám phá quanh khu vực làng nghề, được xem hoặc tham gia vào các hoạt động thực tiễn sản xuất bằng việc hái, sao chè và cả cách pha chế để được mùi vị thơm ngon hấp dẫn.

Du lịch làng: Dân làng sẽ xây dựng các nhà nghỉ (khách sạn) hoặc là nhà dân đăng ký trạm lưu trú để cung cấp các dịch vụ ăn ở, nghỉ ngơi cho khách du lịch và các khu vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu của người đi tham quan. Nghiêm cấm các hành vi bán hàng rong trên địa bàn du lịch, chèo kéo khách và phải có thái độ văn minh với du khách tới thăm quan.

– Huy động vốn đầu tư từ tỉnh, nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực ngày một phát triển, xây dựng các trục giao thông thuận lợi (mở các con đường liên thông đên các khu du lịch như: vườn quốc gia Tam Đảo, hồ nhân tạo Hồ Núi Cốc) để thu hút các đoàn du lịch từ những điểm du lịch lớn về khu vực làng nghề. [11]

Phát triển về môi trường

– Xã Tân Cương nói chung và làng nghề Hồng Thái 2 nói riêng phải hoàn thành được tiêu chí 17 về môi trường trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách nghiêm túc.

– Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý CTR sản xuất hợp vệ sinh, cách xa khu dân cư.

– Làng nghề thường xuyên nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ sản xuất và việc đi lại của nhân dân.

            – Đồng thời, cán bộ xã còn tuyên truyền vận động nhân dân về việc thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn (CTR sản xuất và CTR sinh hoạt, chăn nuôi,…).

            – Khuyến khích 100% người dân sử dụng nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu.

            – Làng nghề cần triển khai quy hoạch khu vực nghĩa trang.

3.5.2. Giáo dục môi trường và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân

– Thường xuyên tuyên truyền những tác hại do CTR sản xuất gây ra cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời phân tích được lợi ích của việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác trong các cuộc họp thường niên của xã.

– Nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về vấn đề thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.

– Địa phương và người dân đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn. Thông qua các khóa tập huấn, chuyển giao công nghệ, cán bộ môi trường phải thường xuyên nhắc nhở người dân xử lý vỏ thuốc BVTV an toàn.

– Tổ chức các cuộc phát động làm vệ sinh môi trường trong các ngày lễ lớn của đất nước như: ngày môi trường thế giới, ngày quốc khánh, Tết nguyên đán…

– Tăng cường hiệu quả tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau (báo đài, tờ rơi…..) về công tác phân loại rác tại nguồn.

3.5.3. Giải pháp quản lý môi trường

Giải pháp quản lý

Đối với cán bộ xã, huyện

– Hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ cán bộ quản lý môi trường ở cấp cơ sở.

– Thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra chất lượng, quy trình sản xuất của những hộ làm mô hình VIETGAP để đảm bảo chất lượng và uy tín của làng nghề.

Đối với làng nghề Hồng Thái 2

– Trưởng xóm cần đưa ra mức thu phí hợp lý riêng đối với công tác thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV.

– Xóm cử đội ngũ cán bộ đi tập huấn về công tác quản lý CTR nói chung và chất thải rắn nguy hại nói riêng.

– Thường xuyên kiểm tra khu vực trồng chè và có biện pháp xử lý đối với những hộ gia đình không tuân thủ việc bỏ bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định.

– Kiến nghị lên cấp trên hỗ trợ chi phí để thực hiện công tác thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV, hoặc có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

– Trong quá trình thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV cần phải được làm theo đúng trình tự, có đồ bảo hộ lạo động hợp vệ sinh.

Đề xuất giải pháp giảm thiểu

– Thay thế các bình bơm tay bằng bình bơm máy với công suất lớn, lực phun mạnh, xử lý sâu bệnh đem lại hiệu quả cao, số lần phun sẽ được giảm đáng kể.

– Thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng như sau:

Đúng thuốc

Khi chọn mua thuốc BVTV nông dân cần biết rõ loại dịch hại cần phòng trừ. Khi mua thuốc nên ưu tiên chọn thuốc ít độc với người và động vật máu nóng. Cần mua những loại thuốc có tác động chọn lọc (có tác dụng trừ sâu bệnh cao nhưng tương đối ít độc đối với sinh vật có ích như ong mật, cá tôm, ký sinh và thiên địch). Chọn thuốc an toàn đối với cây trồng, ít nguy hại đến người tiêu thụ sản phẩm. Chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn, không lưu tồn lâu dài trong nguồn nước và trong đất.

Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, không sử dụng thuốc cấm.

            Đúng liều lượng và nồng độ          

Liều lượng là lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun. Pha đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc rải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất.

Khi dùng thuốc BVTV, cần đọc kỹ hướng dẫn khi dùng thuốc, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Phun hết lượng thuốc đã tính toán trên thửa ruộng định phun. Nếu dùng liều lượng thuốc cao hơn khuyến cáo dễ gây nguy cơ tái phát dịch hại, càng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc của người đi phun thuốc, người sống gần vùng phun thuốc và người tiêu thụ sản phẩm có phun thuốc.

Đúng lúc

Phun thuốc đúng lúc kịp thời vào thời điểm dịch hại trên đồng ruộng dễ bị tiêu diệt và theo dự tính, dự báo, điều tra của cơ quan chuyên môn BVTV.

Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc vào những ngày thời tiết quá nóng, trời nắng gắt, trời sắp mưa, có gió to, hạn chế phun khi cây đang ra hoa, không phun thuốc gần ngày thu hoạch nông sản. Phải đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của từng loại thuốc trên từng loại nông sản.

Đúng cách

Pha thuốc đúng cách, làm thế nào để chế phẩm thuốc được hòa tan thật đồng đều vào nước. Phun thuốc đúng cách là phun rải đều làm cho thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại.

Không tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc với nhau để phun trên đồng ruộng. Sử dụng thuốc đúng cách để đảm bảo an toàn cho người phun thuốc và môi trường xung quanh, cần lưu ý:

Trước khi phun thuốc BVTV cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho người phun thuốc như quần áo lao động, mũ, kính, khẩu trang, bao tay, ủng, dụng cụ pha thuốc như ống đong, cân, xô pha thuốc, que khuấy và bình phun thuốc đã được kiểm tra không bị rò rỉ. Sử dụng thuốc có bao bì an toàn. Nơi pha thuốc phải gần ruộng cần phun, xa nguồn nước sinh hoạt, xa chuồng trại và gia súc.

Khi đang phun thuốc không nên ăn uống, hút thuốc, tránh không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt sẽ rất nguy hiểm.

Sau khi phun thuốc xong quần áo và các dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và phải được cất giữ trong kho riêng (cùng với nơi lưu chứa thuốc BVTV của gia đình).

Không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra nguồn nước sinh hoạt. Tuyệt đối không được dùng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã dùng hết vào bất kỳ mục đích nào khác, phải hủy và chôn những bao bì này ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư

Đề xuất giải pháp sản xuất sạch hơn

– Khuyến khích người dân đăng ký mô hình Vietgap hoặc cục VSATTP để có sản phẩm chè an toàn không gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng.

– Thường xuyên mở các lớp đào tạo và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân hiểu được lợi ích thiết thực của mô hình VIEPGAP.[20]

– Khuyến cáo người dân chuyển từ việc sử dụng thuốc BVTV hóa học sang thuốc BVTV sinh học, điều này trước hết góp phần bảo vệ sức khỏe cho chính những người trồng chè đồng thời bảo vệ môi trường xung quanh và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh việc sử dụng phân bón sinh học, vi sinh làm này làm tăng độ mùn, cải tạo đất, nâng cao chất lượng cây chè, đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

– Thay thế thiết bị sao chè bằng củi sang sao bằng gas để đỡ phát sinh ra chất thải rắn, máy vò chè tự động, thiết bị hút chân không, lắp đặt giàn phùn nước tự động,…vv.

Đề xuất định hướng không gian lãnh thổ

Làng nghề Hồng Thái 2 có khu vực sản xuất chè xen kẽ với nhà ở nên việc quy hoạch khu sản xuất tách riêng khu vực nhà ở là rất khó. Hầu hết, người dân thường xây dựng nhà ở và khu vực chăn nuôi ở giữa các đồi chè để tiện cho việc sản xuất và tưới tiêu. Trước đây, người dân nơi đây vẫn chưa ý thức được tác hại của CTR sản xuất (bao bì và tồn dư của thuốc BVTV) đối với môi trường không khí, nguồn nước ngầm và sức khỏe con người. Vì vậy, cần phải có một định hướng không gian lãnh thổ phù hợp cho khu vực làng nghề để tiện quản lý môi trường. 100% hộ gia đình đều sử dụng nguồn nước ngầm cung cấp cho sinh hoạt nên công tác quản lý CTR sản xuất (bao bì thuốc BVTV) là rất quan trọng, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân khu vực làng nghề.

3.5.4. Giải pháp về công nghệ  

Biện pháp thu gom chất thải rắn sản xuất

Đối tượng tập trung xử lý là vỏ bao bì thuốc BVTV (gồm túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh) chưa được thu gom và xử lý, sau khi phun thuốc xong, người dân vứt bừa bãi trên đồng ruộng, không có nơi quy định hoặc đã thu gom nhưng không có nơi lưu trữ riêng. Hiện nay, để giải quyết chất thải rắn từ vỏ bao bì thuốc BVTV, xóm nên triển khai xây dựng những chiếc bể nhỏ để người dân gom vỏ thuốc BVTV. Cách làm này đã hạn chế được lượng thuốc BVTV còn sót lại sau khi sử dụng cũng như rác thải từ vỏ thuốc BVTV phát tán rộng rãi ra môi trường.

Xóm nên thiết kế, lắp đặt bể 2 ngăn, mỗi ngăn đều có nắp và van xả, van xả ra môi trường chỉ mở khi nước ngâm đã xử lý không còn dư lượng thuốc BVTV. Nắp đậy có kích thước 0,4*0,4 m, được sử dụng bằng chất liệu composite dễ di chuyển và sửa chữa. Thực hiện phương pháp này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất bao bì cũng như tồn dư thuốc BVTV phát tán ra môi trường trong quá trình sử dụng. Bể có các bộ phận phụ trợ như: cửa thu rác, phên nén để dìm bao bì trong dung môi ngâm bao bì, có van xả nước sau sử lý, các móc treo…vv. Được đặt ở nơi có vị trí thuận lợi như: đầu mương, máng, hay gần ngòi dẫn nước – nơi người dân hay đi lại và pha thuốc.

Trong bể có chứa khoảng 1m3 nước để ngâm bao bì thuốc BVTV. Sau khi sử dụng, người dân có trách nhiệm bỏ bao bì thuốc BVTV vào bể. Sau khi bỏ vào bể cần dùng phên ném cho bao bì thuốc BVTV ngập trong nước, đồng thời, sử dụng nắp đậy nhằm giảm lượng thuốc BVTV bay vào không khí.

Người dân sau khi phun thuốc xong thì để bao bì ngay vào bể chứa đối với những vùng sản xuất có đặt bể chứa, giám sát để do cán bộ chuyên trách đảm nhiệm.

Biện pháp xử lý bao bì sau khi thu gom

Sau một thời gian 5 – 10 tháng bể thu gom đã chứa đủ lượng bao bì thuốc BVTV, lượng bao bì này sẽ được thu gom về bể xử lý tập trung, tại bể sẽ tiến hành xử lý bao bì thuốc BVTV theo phương pháp oxy hóa sử dụng tác nhân fenton.

Cách thức tiến hành: Cân lượng bao bì thuốc BVTV cho vào ngăn 1 của bể xử lý, ước lượng tới 1/2 bể, các vỏ chai nhựa và vỏ bằng túi polyethylene phải được xé nhỏ, ngâm nước bao bì với lượng 10 lít nước/1kg bao bì, ngâm trong 1 ngày, sau đó, khấy liên tục trong 1 giờ đồng hồ để hòa tan toàn bộ lượng thuốc còn tồn đọng trong bao bì vào dung dịch, xả nước vào ngăn 2. Bao bì tại ngăn 1 tiếp tục cho 10 lít/1kg bao bì  và khuấy trong 30 phút, xả nước sang ngăn 2 để trộn đều với nước rửa lần 1. Cho HN03 để điều chỉnh pH (sử dụng giấy quỳ để kiểm tra) thêm vào bể 0,02 kg FeS04.7H20/1kg bao bì vào bể xử lý, khuấy liên tục trong 30 phút, theo dõi thí nghiệm trong 72 giờ tiếp theo. Nước sau xử lý được lưu trong bể xử lý mẻ bao bì tiếp theo (tuần hoàn nước). Quá trình xử lý sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm bảo bao bì được xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao.

Phương pháp oxy hóa thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong bao bì bằng tác nhân Fenton đã được Viện bảo vệ thực vật kiểm tra bằng phương pháp thực nghiệm đạt hiệu suất xử lý tới 97-98%. Hiện nay, phương pháp này được xem là tối ưu nhất và được khuyến khích thực hiện.

Biện pháp phân loại và tiêu hủy bao bì thuốc BVTV sau khi xử lý thuốc tồn dư

Bao bì thuốc BVTV sau khi được thu gom và xử lý sạch phần thuốc còn bám dính, ta tiến hành phân ra thành 3 loại: vỏ chai thủy tinh, vỏ chai nhựa, vỏ bằng túi PE, bao bì nhựa PCB, PVC, các hợp chất chứa clo.

Đối với vỏ bao bì bằng túi PE và chai nhựa: Đây là dạng bao bì khó phân hủy nên ta tiến hành đóng rắn rồi đem chôn lấp, hoặc nghiền nhỏ phối trộn cùng với xi măng để đóng gạch, loại gạch này ta có thể sử dụng trong công việc kè hệ thống kênh mương hoặc đường xá.

Đối với bao bì nhựa PCB, PVC, các hợp chất chứa clo: là nhóm vỏ bao chứa clo do vậy được thiêu hủy trong lò có nhiệt độ cao trên 12000C. Đối với làng nghề Hồng Thái 2 đem thiêu đốt cùng với rác thải y tế nguy hại của thành phố nằm ngay trong địa bàn.

Đối với vỏ chai bằng thủy tinh: Bán lại cho các đơn vị sản xuất thuốc BVTV sử dụng đóng gói cho các sản phẩm sau, chuyển đến các nhà máy chế biến thủy tinh để tái chế lại (các sản phẩm bao bì từ nguyên liệu tái chế, chỉ nên dùng cho việc đóng gói các loại thuốc BVTV).

Ưu điểm:

– Xử lý tập trung có thể áp dụng cho nền sản xuất nhỏ, phân tán.

– Phương pháp này loại bỏ được 97 – 98% tồn dư trong bao bì thuốc BVTV.

– Hoá chất sẵn dùng để xử lý có sẵn, giá thành rẻ, quá trình xử lý đơn giản.

Nhược điểm:

– Gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người trực tiếp xử lý.

– Tốn thời gian, công nghệ thủ công.[16]

 

 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

KẾT LUẬN

Qua thời gian tiến hành điều tra khảo sát thực tế ở làng nghề Hồng Thái 2 để tìm hiểu về thực trạng môi trường và công tác quản lý chất thải rắn sản xuất tại khu vực làng nghề chè hiện nay, đề tài đã thu được một số kết quả sau:

Làng nghề Hồng Thái 2 là khu vực miền núi phía Bắc có điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, trong lành, độ ẩm cao, đất đai phì nhiêu thuận lợi tạo điều kiện tốt nhất cho cây chè phát triển. Làng nghề Hồng Thái 2 có diện tích trồng chè lớn nhất xã Tân Cương, trong đó, 100% hộ dân đều tham gia sản xuất chè. Trên địa bàn, người dân chủ yếu phát triển trồng chè, xen kẽ trồng thêm lúa và hoa màu khác để có thêm thu nhập. Hiện nay, làng nghề Hồng Thái 2 đã và đang  phát triển mở rộng quy mô sản xuất đem lại những giá trị về văn hóa, đời sống người dân được cải thiện. Bên cạnh đó,  mở rộng quy mô sản xuất đồng nghĩa với sử dụng và thải lượng CTR sản xuất ngày càng nhiều và môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm.

Người dân trong khu vực làng nghề chè đã phân loại CTR sản xuất một cách hiệu quả nhất nhưng loại CTR có thể tái sử dụng được như: tro,bụi, túi hút chân không hỏng, chè cám, chè ban, túi đựng phân bón hóa học để sử dụng cho những mục đích khác nhau. Vì vậy, CTR sản xuất của làng nghề chè chỉ còn bao bì thuốc BVTV là CTR cần phải nghiên cứu và xử lý, nó được xem là một loại chất thải rắn nguy hại. Tuy nhiên, khu vực làng nghề chưa hề có biện pháp thu gom, xử lý hợp vệ sinh. Đa số người dân đã có ý thức thu gom sau khi sử dụng nhưng do điều kiện cơ sở vật chất của làng nghề chưa xây dựng được các bể thu gom bao bì thuốc BVTV nên người dân đã bỏ chung cùng rác thải sinh hoạt. Một số ít người dân do chưa ý thức được tác hại của bao bì và tồn dư của thuốc BVTV với môi trường và sức khỏe con người nên sau khi sử dụng do thói quen đã vứt bừa bãi ngay tại ruộng, nương, vườn hoặc nơi pha chế.

Thực trạng và công tác quản lý CTR sản xuất tại làng nghề Hồng Thái 2 thấy môi trường làng nghề bị ô nhiễm chủ yếu là do lượng lớn bao bì thuốc BVTV phát sinh trong quá trình sản xuất chè.

Từ đó, đề xuất giải pháp quản lý chất thải rắn sản xuất hướng tới phát triển bền vững như phát triển về kinh tế, văn hóa, môi trường. Ba giải pháp này luôn có mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa với nhau.

KIẾN NGHỊ

Đối với UBND xã Tân Cương

– Thường xuyên cử cán bộ có chuyên môn về môi trường xuống từng khu vực làng nghề thực hiện công tác giáo dục truyền thông môi trường và các hoạt động quản lý CTR sản xuất và CTR sinh hoạt.

– UBND xã Tân Cương cần chú trọng triển khai tiêu chí 17 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới: Tiêu chuẩn nước sạch, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn ở từng khu vực làng nghề chè.

– UBND xã đầu tư nguồn kinh phí cho từng làng nghề để xây dựng hệ thống thu gom, xử lý và tiêu hủy CTR sản xuất.

– Cán bộ chuyên trách về vấn đề môi trường cần phải đưa ra các chính sách và kế hoạch về công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý CTR sản xuất của làng nghề chè nói riêng.

– Thường xuyên đi kiểm tra, giám sát về công tác vệ sinh môi trường ở từng địa phương.

– Cán bộ chuyên về lĩnh vực kinh tế thì cần phải tìm nguồn cung ứng sản phẩm cho người dân, giúp cho đời sống người dân ngày càng được nâng cao thì lúc đấy công tác vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường mới thực sự đem lại hiệu quả.

Đối với làng nghề Hồng Thái 2

– Trưởng xóm thể phải vận động được người dân trong khu vực thực hiện tốt công tác phân loại rác tại nguồn bằng các tờ rơi, khẩu hiệu.

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường phổ biến các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cho người dân. Qua đó, người dân hiểu rõ nắm bắt được thông tin, vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.

– Ưu tiên kinh phí và thời gian cho việc xây dựng hố thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV ở các điểm công cộng thuận lợi cho người dân.

– Tại cuộc họp xã viên, trưởng xóm cần đề ra các mức thu phí hợp lý đối với việc thu gom và xử lý bao bì thuốc BVTV.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo tổng kết 03 năm môi trường làng nghề Việt Nam, định hướng phát triển bền vững môi trường làng nghề Việt nam 2015-2020.
  2. Báo cáo môi trường quốc gia 2010 – Tổng quan môi trường Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2010.
  3. Phạm Thị Bưởi, luận văn Thạc sĩ, Đánh giá thực trạng thu gom xử lý và xây dựng mô hình thực nghiệm xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật quy mô phòng thí nghiệm – áp dụng tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội và Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên, 2012.
  4. 4. Đặng Kim Chi, Chất thải rắn nông thôn, nông nghiệp và làng nghề, thực trạng và giải pháp, Viện khoa học Kỹ thuật và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, 2011.
  5. Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, 2004.
  6. 6. Lưu Đức Hải, Cẩm nang quản lý môi trường, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
  7. Vu Thu Hạnh, luận văn Thạc sĩ, Đánh giá hiện trạng môi trường và đề xuất giải pháp phục vụ xây dựng nông thôn mới tại xã Tân Thành – huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, 2015.
  8. Trần Duy Khánh, luận văn thạc sĩ, Đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề và thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề tại một số tỉnh Bắc Bộ, 2012.
  9. Lê Văn Khoa, Khoa học Môi trường, NXB Giáo dục, 2001.
  10. Luật Bảo Vệ Môi Trường 2014.
  11. Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Điều tra, nhân rộng và phổ biến một số mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng trong khu vực HTX và làng nghề, dự án môi trường, 2009 – 2011.
  12. Nghị quyết số 19/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về kết quả giảm sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
  13. Đinh Thị Thúy Quỳnh, luận văn Thạc sĩ, Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý rác thải sinh hoạt trong phạm vi hoạt động của hợp tác xã Thành Công, Hà Nội, 2015.
  14. 14. Tài liệu kỳ họp thứ 8 Hội đồng nhân dân xã Tân Cương khóa XXIV, nhiệm kỳ 2011-2016.
  15. Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2011 quy định về bảo vệ môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên Môi trường.
  16. Báo tài Nguyên Môi trường, Hướng đi mới trong thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, 2013.

http://tainguyenmoitruong.com.vn/huong-di-moi-trong-thu-gom-va-xu-ly-bao-bi-thuoc-bao-ve-thuc-vat.html.

  1. Lưu Nguyễn Thành Công, Khóa luận thực trạng của việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và vấn đề ô nhiễm các chế phẩm hóa học sử dụng trong nông nghiệp, 2014.

http://doc.edu.vn/tai-lieu/khoa-luan-thuc-trang-cua-viec-su-dung-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat-va-van-de-o-nhiem-cac-che-pham-hoa-hoc-su-dung-trong-nong-11626/.

  1. Nguyễn Ngọc Nông, Hiện trạng và giải pháp quản lý tái sử dụng rác thải sinh hoạt khu vực đô thị tại thành phố Thái Nguyên, 2011.

http://qlkh.tnu.edu.vn/theme/details/822/hien-trang-va-giai-phap-quan-ly-tai-su-dung-rac-thai-sinh-hoat-khu-vuc-do-thi-tai-thanh-pho-thai-nguyen.

  1. Luận văn giải pháp phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

http://doc.edu.vn/tai-lieu/luan-van-giai-phap-phat-trien-lang-nghe-tren-dia-ban-tinh-nghe-an-63583/

  1. Quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Vietgap

http://tancuongtea.com.vn/bvct/che-thai-nguyen/16/quy-trinh-san-xuat-che-theo-tieu-chuan-vietgap.html.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *