Đối tượng nguy cơ lây nhiễm:
Tất cả những người phơi nhiễm với CTYTNH đều là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Nhóm đối tượng đó bao gồm:
– Bác sĩ và y tá, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh, nhân viên hành chính
– Người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú
– Người nhà chăm sóc bệnh nhân
– Nhân viên thu gom, vận chuyển, tiêu hủy chất thải
– Cộng đồng dân cư xung quanh bệnh viện.
Ảnh hưởng của các loại chất thải truyền nhiễm và các vật sắc nhọn:
Đối với những bệnh có khả năng truyền nhiễm, nguy hiểm do virus gây ra như HIV/AIDS, viêm gan B hoặc C, những nhân viên y tế, đặc biệt là y tá, hộ lý là những người có nguy cơ nhiễm cao nhất qua những vết thương do các vật sắc nhọn bị nhiễm máu của bệnh nhân. Nhiều tổn thương gây ra do kim tiêm trước và sau khi vứt bỏ vào thùng chứa, các thùng chứa được làm bằng các vật liệu dễ bị rách hoặc bị xuyên thủng cũng là nguyên nhân gây tổn thương trong công tác thu gom.
Ảnh hưởng của các chất thải hóa chất và dược phẩm:
Trong hoạt động y tế nhiều loại hóa chất và dược phẩm được sử dụng trong các cơ sở y tế là mối nguy cơ đe dọa sức khỏe con người như: các chất gây độc gen, chất độc tế bào, chất ăn mòn, các chất gây phản ứng, gây nổ, gây sốc phản vệ, các sản phẩm thuốc cần vứt bỏ, thuốc thừa hoặc hết hạn cần thải bỏ… các chất này thường có trong CTYT.
Các chất thải này có thể gây nhiễm độc cấp tính hoặc gây nhiễm độc mãn tính, gây ra các tổn thương cho người tiếp xúc. Sự nhiễm độc này có thể là do kết quả của sự hấp thụ hóa chất hoặc dược phẩm qua da, qua niêm mạc, qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Việc tiếp xúc với các chất dễ cháy, chất ăn mòn, các chất gây phản ứng (phormandehit) và các chất dễ bay hơi khác có thể gây nên những tổn thương tới da, mắt, hoặc niêm mạc đường hô hấp. Các tổn thương phổ biến hay gặp nhất là dạng các vết bỏng.
Các hóa chất khử trùng là những thành phần đặc biệt quan trọng của nhóm CTYT dạng hóa chất. Chúng thường được sử dụng với số lượng lớn và thường là những chất ăn mòn. Đây là những loại hóa chất gây phản ứng và cũng có thể tạo nên các dạng hỗn hợp thứ cấp có tính độc cao.
Ảnh hưởng của các loại chất thải phóng xạ:
Chất thải phóng xạ cũng như chất thải dược phẩm là một loại chất thải độc hại tới gen, tế bào và cũng có thể ảnh hưởng tới các yếu tố di truyền. Tiếp xúc với các nguồn phóng xạ có hoạt tính cao như nguồn phóng xạ trong xạ trị, các phương tiện chuẩn đoán như máy X quang, máy chụp cắt lớp. Chúng có thể gây ra một loạt các tổn thương như phá hủy các mô, các cơ quan.
Nguy cơ từ các loại chất thải có chứa các đồng vị hoạt tính thấp có thể phát sinh do việc nhiễm xạ trên bề mặt các vật chứa, do phương thức hoặc khoảng thời gian lưu trữ loại chất thải phóng xạ này. Các nhân viên y tế hoặc những người làm nhiệm vụ thu gom và vận chuyển rác khi phải tiếp xúc với chất thải có chứa các loại đồng vị phóng xạ này là những người có nguy cơ nhiễm xạ cao
Leave a Reply