Đánh giá công tác quản lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn

5/5 – (3 votes)
  1. I. MỞ ĐẦU

Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, hệ thống các cơ sở y tế không ngừng được tăng cường, mở rộng và hoàn thiện. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, hệ thống y tế đặc biệt là bệnh viện đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải nguy hại. Theo tổ chức Y tế thế giới, trong thành phần của chất thải bệnh viện có khoảng 10% là chất thải nhiễm khuẩn và khoảng 5% là chất thải gây độc hại như chất phóng xạ, chất gây độc tế bào, các hóa chất độc hại phát sịnh trong quá trình chuẩn đoán và điều trị. Đó là những yếu tố nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, lan truyền mầm bệnh tới các vùng xung quanh, dẫn tới tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện và tăng tỷ lệ bệnh tật của cộng đồng dân cư sống trong cùng tiếp giáp.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh với quy mô 320 giường bệnh, gần 320 cán bộ viên chức gồm 28 khoa phòng, lưu lượng người bệnh đến khám từ 150-250 người/ngày, vào điều trị trung bình từ 20-50 người / ngày, do đó lượng chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động khám chữa bệnh cũng tương đối lớn, việc quản lý chất thải nguy hại nếu không tuân thủ tốt theo các quy định thì sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Trong những năm qua, bệnh viện đã triển khai nhiều hoạt động để quản lý và xử lý chất thải nguy hại để giảm thiểu tác động đến môi trường, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh đến điều trị. Bên cạnh đó liệu có còn tồn tại những mặt hạn chế trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn hay không? Em xin chọn đề tài “Đánh giá công tác quản lý chất thải nguy hại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn”

2. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Phương  pháp thu thập số liệu:

+ Điều tra khảo sát lượng chất thải  phát sinh tại các khoa phòng của Bệnh viện

+ Tham khảo ý kiến cán bộ quản lý tình hình thu gom, vận chuyển, lưu trữ chất thải rắn y tế.

+ Tìm hiểu về phương pháp xử lý chất thải rắn y tế

2.2. Phương pháp giải quyết công việc được giao

Tổng hợp số liệu viết báo cáo.

3. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

3.1. Khái niệm, phân loại chất thải y tế

 Chất thải y tế là chất thải phát sinh trong các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, từ các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, xét nghiệm, phòng bệnh và văn phòng. Ngoài ra nó còn có thể bao gồm chất thải phát sinh từ các nguồn thứ yếu như những thứ tạo ra trong khi chăm sóc sức khỏe tại gia đình.

Theo quyết định số 43/2007/QD-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải y tế và dựa vào các đặc điểm lý, hóa, sinh học, tính chất nguy hại thì chất thải trong các cơ sở y tế được phân thành 5 nhóm:

– Chất thải lây nhiễm gồm:

+ Chất thải sắc nhọn(loại A): Là chất thải có thể gây ra các vết cắt hoặc chọc thủng , có thể nhiễm khuẩn bao gồm: bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh vỡ thủy tinh và các vật dụng sắc nhọn khác sử dụng trong các hoạt động y tế.

+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (loại B): là chất thải bị thấm máu, thấm dịch sinh học của cơ thể và các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly.

+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (loại C): là chất thải phát sinh trong các phòng xét nghiệm như bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm.

+ Chất thải giải phẫu (loại D): Bao gồm các mô, cơ quan, bộ phận cơ thể người, rau thai, bào thai và xác động vật thí nghiệm.

  – Chất thải hóa học nguy hại gồm:

+ Dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không có khả năng sử dụng.

+ Chất hóa học nguy hại sử dụng trong y tế.

+ Chất độc tế bào: vỏ các chai thuốc, lọ thuốc, các dụng cụ dính thuốc gây độc tế bào, và các chất tiết từ người bệnh được điều trị bằng hóa trị liệu.

+ Chất thải chứa kim loại nặng: thủy ngân( từ nhiệt kế, huyết áp kế thủy ngân bị vỡ, chất thải từ hoạt động nha khoa), cacdimi (pin, ắc quy), chì( tấm gỗ bọc chì hoặc vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ từ các khoa chuẩn đoán hình ảnh, xạ trị).

– Chất phóng xạ: Gồm các chất phóng xạ rắn, lỏng và khí phát sinh từ các hoạt động chuẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và sản xuất

– Bình chứa áp xuất: Bao gồm bình đựng oxy, CO2, bình ga, bình khí dung

– Chất thải thông thường là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy, nổ gồm:

+ Chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh(trừ các buồng cách ly)

+ Chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như các chai lọ thủy tinh, chai huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín. Những chất thải này không dính máu, dịch sinh học và các chất hóa học nguy hại.

+ Chất thải phát sinh từ các công việc hành chính: giấy, báo, tào liệu, vật liệu đóng gói, thùng các tông, túi nilon, túi đựng phim.

+ Chất thải ngoại cảnh: lá cây và rác từ khu vực ngoại cảnh.

 3.2. Nguồn gốc phát sinh, thành phần, khối lượng chất thải rắn y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn.     

Giới thiệu về bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn:

Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Bắc Kạn trước năm 1997 là bệnh viện B thuộc tỉnh Bắc Thái(cũ) với quy mô 200 giường bệnh phục vụ công tác khám chữa bệnh cho cán bộ nhân viên phía Bắc của tỉnh Bắc Thái.

Đến năm 1997 tại quyết định số:53/QĐ-UB ngày 4 tháng 2 năm 1997 của UBND tỉnh Bắc Kạn.Về việc thành lập bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Kạn là bệnh viện hạng II tuyến tỉnh duy nhất trên địa bàn tỉnh, nằm trên tổ 10 Phường Nguyễn Thị Miinh Khai, thị xã Bắc Kạn, xung quanh có nhiều dân cư sinh sống, vị trí thuận tiện lưu thông và đi lại của bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Hiện nay bệnh viện đã được đầu tư xây dựng với quy mô 320 giường bệnh, 19 khoa lâm sàng, 4 khoa cận lâm sàng, 5 phòng chức năng.

Có chức năng, nhiệm vụ  khám chữa bệnh, thực hiện các kỹ thuật để chuẩn đoán điều trị, chăm sóc.Bệnh nhân là các bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, số lượng người đến khám chữa bệnh và điều tri ngày càng tăng. Do đó chất thải bệnh viện thải ra cũng rất nhiều, nó ảnh hưởng rất lớn tới môi trường bệnh viện và cảnh quan chung. Do vậy để đáp ứng được nhiệm vụ khám chữa bệnh, điều trị của bệnh viện và tạo cho môi trường bệnh viện trong lành cũng như môi trường sống của những hộ dân cư sống xung quanh bệnh viện được đảm bảo chất lượng cuộc sống, thì việc xử lý chất thải tại bệnh viện là một vấn đề hết sức quan trọng.

3.2.1 Nguồn gốc phát sinh.

Chất thải rắn y tế chủ yếu phát sinh từ các hoạt động chuyên môn trong quá trình tiến hành khám chữa bệnh, hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân, nhân viên y tế và người nhà của bệnh nhân. Với quy mô 320 giường bệnh, ước tính quá trình khám chữa bệnh phát thải khoảng 11.550kg/tháng chất thải rắn thông thường, 1.200kg/tháng chất thải rắn nguy hại. Do đó ta thấy chất thải nguy hại chiếm tỷ lệ khá lớn. Nguồn gốc phát sinh chất thải rắn của bệnh viện được thống kê như sau:

Các chất thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn, từ các quá trình khám chữa bệnh:

– Các chất nhiễm khuẩn bao gồm: vật liệu thấm máu, thấm dịch và các chất bài tiết của người bệnh như băng, gạc, bông, gang tay, tạp dề, áo choàng, bột bó, đồ vải, các túi hậu môn nhân tạo, dây truyền máu, các ống thông, dây và túi dung dịch dẫn lưu.

– Tất cả các vật sắc nhọn bao gồm bơm tiêm, kim tiêm, lưỡi dao cán mổ, cưa, các mảnh thủy tinh vỡ và mọi vật liệu có thể gây ra vết cắt hoặc chọc thủng cho dù chúng có nhiễm khuẩn hay không.

– Các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao, phát sinh từ các phòng thí nghiệm bao gồm: gang tay, ống nghiệm, bệnh phẩm sau khi sinh chiết, xét nghiệm, nuôi cấy, túi PE đựng máu….

– Chất thải dược phẩm bao gồm: dược phẩm quá hạn, dược phẩm bị nhiễm khuẩn, dược phẩm bị đổ, dược phẩm không còn nhu cầu sử dụng, thuốc gây độc tế bào.

– Các mô và cơ quan người bao gồm tất cả các mô cơ thể (dù nhiễm khuẩn hay không), các cơ quan, chân tay, rau thai, bào thai, xác súc vật…

– Chất thải phóng xạ phát sinh từ các hoạt động chuẩn đoán, hóa trị liệu và nghiên cứu bao gồm đủ các thể loại trên với mức nhiễm phóng xạ khác nhau

– Các chất hóa học nguy hại : Formaldehyde ( được sử dụng trong khoa giải phẫu bệnh, lọc máu, ướp xác và bảo quản các mẫu xét nghiệm), các hóa chất hóa học hỗn hợp(các dung dịch làm sạch và khử khuẩn như phenol, dầu mỡ, các dung dịch làm vệ sinh….)

Các chất thải sinh hoạt của bệnh nhân, thân nhân, cán bộ nhân viên y tế phát sinh tại bệnh viện: giấy vụn, vỏ đồ hộp, thức ăn thừa, rau, vỏ trái cây…..

Chất thải từ hoạt động chung của bệnh viện như lá cây, giấy loại….
3.2.2 Thành phần.

Chất thải rắn y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn gồm những thành phần sau:

Thành phần vật lý:

– Bông vải sợi: Bông băng, gạc, quần áo, khăn lau, vải trải…..

– Giấy: hộp đựng dụng cụ, vỏ hộp, giấy thải từ nhà vệ sinh

– Nhựa: hộp đựng, bơm tiêm, dây truyền máu, túi đựng hàng.

– Thủy tinh: chai lọ, bơm tiêm thủy tinh, ống tiêm, ống nghiệm

– Kim loại: dao, kéo mổ, kim tiêm

– Thành phần tách ra từ cơ thể: máu mủ từ băng gạc, bộ phận của cơ thể bị cắt bỏ.

Thành phần hóa học:

– Vô cơ: Hóa chất, thuốc thử.

– Hữu cơ: Đồ vải sợi, phần cơ thể, thuốc

Thành phần sinh học:

– Máu, bệnh phẩm, bộ phận cơ thể bị cắt bỏ

Thành phần chất thải rắn y tế theo tỷ lệ phần trăm là:

Thành phần của chất thải rắn sinh hoạt

STT Thành phần Tỷ lệ khối lượng (%)
1 Rác hữu cơ 70
2 Nhựa chất dẻo 3
3 Các chất khác 10
4 Rác vô cơ 17

Thành phần của chất thải rắn nguy hại

STT Thành phần Tỷ lệ khối lượng (%)
1 Các chất hữu cơ các loại 53,2
2 Giấy các loại 3
3 Thủy tinh 3,2
4 Bông băng, thạch cao 8,8
5 Plastic 10,1
6 Kim loại 0,7
7 Chất thải rắn khác 21

3.2.3 Khối lượng

Khối lượng của chất thải rắn y tế nguy hại được ghi chép theo dõi hàng ngày, còn khối lượng của chất thải rắn y tế thông thường được cân định kỳ hàng tháng.

Khối lượng Đơn vị Lần 1 Lần 2 Lần 3 Trung bình
Chất thải y tế Kg/ngày 347,1 398,9 407,3 384,4
Chất thải lây nhiễm Kg/ngày 28,6 37,4 43,3 36,4
Chất thải hóa học Kg/ngày 0 0 0 0
Chất thải thông thường Kg/ngày 346 342 356 348
CTYT/GB
Số giường bệnh GB 320
Lượng CTYT/GB Kg/ngày 1,08 1,25 1,27 1,2
Lượng CTYTNh/GB Kg/ngày 0,09 0,12 0,14 0,12
Lượng CTYTNH/CTYT % 8,23 9,37 10,63 9,41

( Theo báo cáo của bệnh viện năm 2011)

Nhìn vào bảng số liệu ta thấy:

  • Khối lượng chất thải y tế trung bình/ ngày là 384,4kg/ngày
  • Khối lượng chất thải lây nhiễm trung bình là 36,4 kg/ ngày
  • Khối lượng chất thải y tế trên giường bệnh là 1,2kg/ giường bệnh
  • Khối lượng chất thải y tế nguy hại trên giường bệnh là 0,12kg/giường bệnh chiếm 9,41 lượng chất thải y tế.

Lượng chất thải lây nhiễm của từng khoa trung bình mỗi ngày khoảng: Khoa thận nhân tạo(5,0kg), Khoa Hồi sức(3,5 kg), Phòng mổ( 3kg), Khoa sản(10 kg), Nội B( 2,0kg), Nội A( 2,0kg), Khoa U bướu(1kg), Khoa Da liễu (2kg), Khoa Ngoại chỉnh hình( 1,5kg), Khoa Ngoại chấn thương( 2,0 kg), Phòng khám( 3,0kg), Khoa Tai mũi họng( 2,0 kg), Khoa Đông y ( 3,0 kg),Khoa Lây (1,0kg)

3.3 Thực trạng quản lý chất thải rắn tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn

3.3.1 Thực trạng thu gom, phân loại chất thải y tế

Với lượng chất thải y tế ước tính 384,4 kg/ ngày trong đó chất thải nguy hại là 34,4 kg. Nếu lượng chất thải không được thu gom, xử lý thì sẽ gây ảnh nghiêm trọng đến môi trường. Để đảm bảo môi trường trong bệnh viện cũng như môi trường xung quanh, trong bệnh viện luôn có nhân viên hộ lý ngoại cảnh thường xuyên quét dọn, thu gom rác thải y tế. Tất cả các loại chất thải rắn được phân loại ngay tại phòng bệnh theo đúng quy cách của bộ y tế. Sơ đồ thu gom và phân loại tại bệnh viện được thể hiện qua hình sau:

(Sơ đồ thu gom,vận chuyển,phân loại chất thải rắn y tế bệnh viện Bắc Kạn)

 2016-08-19_230445

Quá trình phân loại chất thải sinh hoạt được thực hiện ngay tại phòng bệnh. Rác thải sinh hoạt được đựng trong túi màu xanh,  còn chất thải y tế  được phân làm 4 nhóm: Đối với chất thải hóa học nguy hại được cho vào túi màu đen. Chất thải lây nhiễm được cho vào túi màu vàng. Chất thải sắc nhọn được cho vào hộp quy chuẩn nhưng thực chất chưa có hộp quy chuẩn mà nhân viên y tế thường cắt  bình dịch truyền cho chất thải sắc nhọn vào đấy rồi dán băng dính lại. Đối với chất thải tái chế được cho vào túi màu trắng để bán tái chế.

Chất thải y tế được thu gom ngày một lần, có những ngày phát sinh nhiều thì được thu gom ngày hai lần. Đối với chất thải sinh hoạt của bệnh nhân, thân nhân có thùng thu gom rác đặt ở các vị trí hành lang công cộng và nơi phát sinh chất thải có lắp đậy và thùng đựng rác được vệ sinh ngày một lần. Tại bệnh viện chưa có bảng chỉ dẫn, phân loại chất thải tại nơi đặt thùng đựng chất thải theo tiêu chuẩn của bộ y tế.

3.3.2 Thực trạng vận chuyển lưu trữ chất thải rắn y tế

Hiện nay tại bệnh viện chưa có xe chuyên dụng để vận chuyển chất thải y tế nguy hại  đến  nhà kho, lò đốt để tiêu hủy mà chỉ được các nhân viên hộ lý xách tay mang đến. Đối với chất thải sinh hoạt thì lượng xe đẩy thu gom rác khoảng 6 chiếc đươc để ở trong nhà rác. Mỗi sáng được các nhân viên đưa ra ngoài sân  thu gom rác vào đấy để cuối ngày nhân viên của công ty môi trường đô thị chuyển đi.

Theo tiêu chuẩn của bộ y tế thì chất thải phải được vận chuyển bằng xe đẩy chuyên dụng, chuyển theo giờ quy định, vận chuyển theo con đường riêng của chất thải y tế nhưng ở bệnh viện đều chưa có do thiết kế của bệnh viện từ trước đến nay chưa có hành lang chung, chính vì chưa có xe đẩy nên tình trạng rơi vãi nước thải, rác thải gây mùi hôi trong quá trình vận chuyển vẫn còn. Ngoài ra khi các nhân viên hộ lý xách tay chất thải nguy hại không cẩn thận rất dễ va quệt vào người khác.

Đối với chất thải rắn nguy hại có tủ bảo ôn để lưu giữ, bảo quản trong trường hợp chưa cho vào lò đốt trong ngày. Đối với chất thải rắn tái chế, chủ yếu là các chai lọ thủy tinh sau khi xử lý thì chưa có nhà  kho lưu trữ để bán tái chế mà cho vào túi ni lon màu trắng xếp ở khu vực lò đốt.

3.3.3  Thực trạng xử lý chất thải rắn y tế

– Chất thải sinh hoạt được hợp đồng  chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác chôn lấp của Thị xã.

– Chất thải tái chế được phân loại, thu gom bán cho các cơ sở tái chế

– Chất thải nguy hại được xử lý trong lò đốt rác chất thải y tế

Giới thiệu về lò đốt: Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn sử dụng lò đốt Mediburner áp dụng công nghệ hiện đại của Mỹ, có khả năng tiêu hủy tới 97% khối lượng và thể tích rác đưa vào, với công suất 30kg/mẻ cho mỗi lần đốt.

Chu trình đốt:

Thiết bị điều chỉnh khí cho mỗi buồng đốt để phù hợp với tỷ trọng mỗi mẻ chất rác, đặc biệt đảm bảo cháy hết và không tạo khói Lò đốt rác Medda được điều khiển bởi hệ thống điện tử. Hệ thống điều khiển điện tử hoạt động dựa trên “Thời gian đốt” do người vận hành lựa chọn. Với các mẻ đốt có tỷ trọng rác thải thấp thì chỉ cần áp dụng chu trình thời gian đốt ngắn hơn so với các mẻ đốt có tỷ trọng rác thải lớn để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu

 Buồng đốt sơ cấp và thứ cấp:

+ Lò đốt có 3 buồng đốt; buồng đốt sơ cấp, buồng đốt thứ cấp và buồng đốt phụ, Hoạt động theo nguyên lý nhiệt phân 3 buồng đốt.

+ Hai buồng đốt chính với nhiệt độ trên 1000oC.

+ Buồng đốt sơ cấp và thứ cấp: Được thiết kế chứa dung tích lớn, có 3 lớp, lớp thứ nhất là lớp thép dày 8mm chịu nhiệt độ cao, chống ăn mòn của axit, lớp thứ 2 là lớp xốp cách nhiệt đặc biệt chịu nhiệt độ 13000C dày 50mm, lớp thứ 3 là lớp bê tông chịu lửa chịu nhiệt độ cao 17000C dày 150mm.

+ Buồng đốt phụ F 380 x 2000 (mm) được thiết kế có hai lớp, lớp thứ nhất là lớp théo dày 5mm lớp thứ hai lớp bê tông chịu lửa chịu nhiệt độ cao 17000C dáy 50mm

Lò đốt rác Mediburner là giải pháp đơn giản và an toàn cho việc tiêu huỷ các loại rác nhiễm trùng và bệnh phẩm. Có khả năng di chuyển và vận hành một cách dễ dàng, lò đốt rác Medda đốt cháy toàn bộ từ chất thải của phòng thí nghiệm cho đến xác động vật. Hệ thống vận hành một cách đơn giản: Chất rác vào buồng đốt, đóng cửa và bật máy. Chỉ cần một khóa đào tạo tối thiểu, người vận hành có thể dễ dàng đưa hệ thống lò đốt rác Mediburner vào hoạt động

3.4 Đánh giá hiện trạng quản lý chất thải rắn y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn

Nhìn chung công tác quản lý chất thải rắn y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn dần đi vào nề nếp so với các năm trước.

  • Về thu gom, phân loại:

Lượng chất thải rắn y tế từ khâu phân loại, thu gom nhìn chung được quản lý tốt không để tồn đọng lại rác thải

Bệnh viện đã thực hiện phân loại chất thải y tế tại chỗ, cụ thể đã phân chất thải y tế thành các loại chất thải hóa học, chất thải lây nhiễm, chất thải sắc nhọn, chất thải tái chế theo quy chế ban hành tại quyết định số 43/2007/QĐ- BYT. Bệnh viện cũng đã tách chất thải sắc nhọn ra khỏi chất thải y tế

Tuy nhiên để quản lý chất thải đúng cách không chỉ thực hiện phân loại tại chỗ mà điều quan trọng là phân loại đúng theo nhóm chất thải và theo mã màu quy định. Ở bệnh viện đa khoa  Bắc Kạn, chất thải y tế có quy định phân loại theo mã màu màu xanh đối với chất thải sinh hoạt, màu đen đối với chất thải hóa học nguy hại, màu vàng đối với chất thải lây nhiễm, màu trằng đối với chất thải tái chế. Nhưng ở một số khoa còn phân loại sai quy định để lẫn chất thải nguy hại và chất thải lây nhiễm  với chất thải sinh hoạt,  do đó chất thải nguy hại và chất thải lây nhiễm không được tiêu hủy mà được vận chuyển đi cùng với chất thải sinh hoạt ra ngoài bãi rác của thị xã.

Việc thu gom rác ở bệnh viện được thực hiện ngày một lần, có những ngày lượng rác thải tăng thì việc thu gom được thực hiện ngày hai lần. Như vậy, bệnh viện đã thực hiện thu gom chất thải y tế hàng ngày theo quy định.

Thùng đựng chất thải sinh hoạt đều được các hộ lý ở mỗi khoa vệ sinh hàng ngày. Khu vực sân, khuôn viên của bệnh viện đều có hộ lý ngoại cảnh vệ sinh, thu gom chất thải sinh hoạt vào mỗi buổi sáng rồi đưa vào nhà chứa rác.

– Về vận chuyển, lưu trữ, xử lý:

Đối với chất thải y tế nguy hại thì có tủ bảo ôn trước khi đưa vào lò đốt.

Nhìn chung lò đốt chất thải y tế đảm bảo theo TCVN-7380 về yêu cầu kỹ thuật, được lắp đặt cách xa bệnh viện khoảng 200m, lò đốt có hai buồng sơ cấp và thứ cấp, vỏ lò được làm bằng kim loại, trong khi đốt thì buồng sơ cấp và buồn thứ cấp đều có nhiệt độ trên 1000oC,  với chiều cao của cột ống khói so với mặt đấy là 8m, công suất 30kg/mẻ, lượng khí từ lò đốt thải ra khá trong đảm bảo tiêu chuẩn, quanh đấy không có khu dân cư do đó khí thải từ lò đốt không ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.

Đối với chất thải tái chế được phân loại chuyển đến khoa chống nhiễm khuẩn rồi đem bán tái chế.

Bên cạnh đó việc quản lý chất thải rắn ở bệnh viện còn tồn tại những hạn chế sau:

– Việc phân loại chưa triệt để đối với một số khoa, còn để sai mã màu. Để lẫn chất thải nguy hại với chất thải sinh hoạt. Vẫn còn tình trạng này là do ý thức của một số hộ lý chưa thực hiện tốt việc phân loại.

–  Dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho công việc thu gom còn thiếu. Hầu như ở các khoa hộp đựng chất thải sắc nhọn còn chưa đúng quy cách mà sử dụng dụng cụ tự tạo không được an toàn như chai dịch truyền, chai nước khoáng hay hộp giấy việc sử dụng hộp tự tạo là những nguy cơ gây thương tích cho các hộ lý thu dọn, chọc thủng túi đụng rác gây ô nhiễm cho môi trường thu gom, vận chuyển rác của bệnh viện.

– Việc phân loại đối với từng loại chất thải đã thực hiện tốt nhưng chưa có thùng đựng chất thải mà chỉ cho vào túi ni lon, lồng vào xô, không có lắp đậy. Như vậy chất thải có nguy cơ do sơ ý đổ ra nền nhà. Ngoài ra túi nilon còn quá to và mỏng dễ bị rách do quá nặng và do các vật sắc nhọn chọc thủng.

– Xe đẩy, trang thiết bị vận chuyển của bệnh viện còn chưa có, chất thải nguy hai chủ yếu được các hộ lý ở từng khoa xách tay mang đi. Như vậy là không an toàn đối với hộ lý và những người xung quanh nếu chẳng may va quệt phải chất thải sắc nhọn. Ngoài ra nước thải, rác thải rất dễ phát sinh rơi vãi trong quá trình vận chuyển

– Hiện tại chưa có nhà kho để rác tái chế mà lượng rác tái chế để ngoài trời trông rất mất cảnh quan.

  KẾT LUẬN

 Chất thải rắn y tế nếu không có sự quản lý chặt chẽ sẽ rất nguy hại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhân viên y tế về mức độ nguy hại của nó. Việc quản lý chất thải rắn y tế phải được tổ chức tập huấn cho nhân viên trong bệnh viện về phương pháp phân loại, thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý theo đúng qui định. Từ những việc làm đó sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc quản lý lượng chất thải hàng ngày, xử lý triệt để các loại rác theo qui định.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *