Hiện nay, chất thải rắn (CTR) nông thôn đã và đang trở thành vấn đề nổi cộm. Lượng CTR nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng về thành phần và tính chất độc hại. Thực tế cho thấy, công tác thu gom và xử lý còn manh mún, lạc hậu, thô sơ, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn môi trường. Công tác quản lý còn nhiều bất cập thể hiện rõ nét qua sự chồng chéo trong việc phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý.
Ước tính, lượng CTR sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 18,21 tấn/ngày tương đương với 6,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc thu gom CTR tại nông thôn chưa được coi trọng, nhiều thôn, xã, chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTR nông thôn. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động. Theo thống kê có khoảng 60% số thôn hoặc xã tổ chức thu dọn định kỳ, trên 40% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 40 – 55%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ… Vì vậy, việc nghiên cứu và xử lý rác thải hộ gia đình là rất cần quan tâm.
1. Phân loại rác thải tại hộ gia đình
Mỗi hộ gia đình, mỗi cơ sở hoạt động có sinh ra rác cần phải phân loại rác thành từng nhóm và chứa rác vào các nơi chứa riêng như sau:
+ Rác vô cơ – rác khô: chứa vào thùng rác, bao riêng để tận dụng dùng lại, cho người khác hoặc bán phế liệu.
+ Rác hữu cơ – rác ướt: cần chứa vào thùng có nắp đậy để tránh chuột, gián, ruồi và hạn chế mùi hôi. Hàng ngày đổ rác vào hố rác xa nhà để ủ thành phân hoặc đổ rác vào xe rác công cộng để chuyển về bãi rác tập trung.
+ Rác độc hại: cần tách riêng biệt hoàn toàn để bán phế liệu nếu có người mua, hoặc bao gói kín đặt xa nơi có người, hoặc chôn vào đất nếu thuận tiện.
2. Xây dựng hố rác di động cho vùng nông thôn
Hố rác di động là loại hố rác đơn giản, dễ sử dụng, ít tốn kém nhưng mang lại nhiều hiệu quả. Các hộ gia đình chỉ đầu tư ban đầu một nắp hố rác, sau đó có thể sử dụng được nhiều lần mà không cần phải thay thế, sửa chữa. Nắp hố rác di động được thiết kế về cơ bản giống thùng rác di động ở đô thị. Tuy nhiên, ở đây không có phần thùng vì phần thùng sẽ là hố đất với độ sâu từ 2, 5 -3 m, kích thước bề mặt của hố rác phụ thuộc vào kích thước nắp hố rác. có thể hình dung nắp hố rác di động là một thùng rác đô thị nhưng phần thùng đã được cắt ra và chỉ còn phần nắp. với chất liệu sử dụng có thể là vật liệu composit không phân huỷ trong môi trường ẩm hoặc bằng nhựa cứng, nắp hố rác di động có thể sử dụng được rất nhiều năm.
Các hố rác sau khi đã chứa đầy, phần nắp sẽ được di dời sang hố đào khác còn hố rác sẽ được lấp đất lại. Cứ như vậy nắp hố rác này có thể di chuyển khắp vườn và sử dụng được nhiều lần. Hố rác di động không chỉ sử dụng cho các hộ gia đình nông thôn mà ở các trường học, trạm xá, chợ, … đều có thể sử dụng hiệu quả.
3. Kỹ thuật xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học
Việc xử lý rác thải tại các vùng nông thôn đang là một vấn đề nổi cộm tại các vùng đồng bằng. Một giải pháp kỹ thuật đã được triển khai áp dụng rất thành công ở nhiều nơi trên thế giới là sử dụng chế phẩm EM để xử lý môi trường. Đây là một giải pháp rẻ tiền và dễ làm có thể áp dụng ngay tại các hộ dân cư. Về mặt khoa học, chế phẩm EM là tập hợp các vi khuẩn hữu ích có khả năng phân giải chất hữu cơ rất tốt. Khi sử dụng sẽ làm cho chất thải bị phân huỷ rất nhanh và hạn chế mùi hôi thối khi rác bị phân huỷ.
Rác thải sau khi đã được phân loại theo các thùng chứa khác nhau, phần rác hữu cơ nếu chưa được vận chuyển đến bãi rác kịp thời có thể xử lý bằng cách sử dụng chế phẩm EM được tưới lên rác thải làm giảm mùi hôi, tăng quá trình phân huỷ rác làm giảm khối lượng và thể tích rác khi vận chuyển.
Về kỹ thuật sử dụng 1lít EM hoà với 100 lít nước và tưới lên bãi rác. 1m³ rác tưới 13 lít EM thứ cấp đã pha loãng với nước sẽ có hiệu quả cao nhất.
Do đặc điểm về rác thải nên việc tận dụng để sản xuất phân vi sinh cũng khó có thể áp dụng đại trà. Hoạt động này nên triển khai thử nghiệm tại những nhà không chăn nuôi và có nhu cầu sử dụng phân vi sinh để bón cho cây cảnh hoặc vườn cây. Hoặc từng khu dân cư có thể mua sắm các thùng lớn để xử lý tại các điểm tập trung rác để thử nghiệm và cung cấp phân bón.
Qui trình xử lý rác trong thùng chuyên dụng tại hộ gia đình hoặc tại mỗi cụm được tiến hành tuần tự như sau:
+/ Trước khi cho rác vào thùng, rắc đều 1 lớp EM Bokashi cám vào đáy thùng khoảng 40 gam và lên vỉ ngăn cách 20 gam.
+/ Mỗi lần bỏ rác vào thùng, san đều, rắc đều lên bề mặt rác 1 lớp Bokashi cám mỏng, dùng thìa (gỗ hoặc nhựa) hoặc dùng tay ấn chặt xuống, Nếu rác ít mỗi ngày xử lý 1 lần. Rác nhiều xử lý mỗi ngày 2 lần vào buổi trưa, buổi tối .Lượng Bokashi cám rắc vào khoảng từ 20-4gam tuỳ theo lượng rác.
+/ Nếu rác quá ẩm, trước khi cho vào nên vắt bớt nước đi. Nếu rác quá khô hoặc thấy xuất hiện mùi hôi, phun đều vào rác dung dịch EM thứ cấp pha loãng theo tỷ lệ 1/50 hoặc 1/100. Để quá trình lên men được tốt, độ ẩm của rác hữu cơ nên đảm bảo ở mức 30-50%.
+/ Hàng ngày mở vòi tháo nước rác ra. Nước này không có mùi hôi và có mùi chua là tốt. Chứa nước rác vào chai nhựa và dùng nó như sau: đổ trực tiếp vào hố xí và cọ rửa để làm sạch và khử mùi hôi, hạn chế sự phát triển của ruồi, muỗi. Hoà loãng nước rác với nước sạch theo tỷ lệ 1/1.000 để tưới cho cây.
+/ Khi rác đầy khoảng 80% thể tích thùng, đổ rác đã xử lý vào hố ngoài vườn và phủ đất. Sau 2 – 3 tuần lễ, rác biến thành mùn và đem bón cho cây.
Leave a Reply