Nguyễn Thị Tố Uyên
Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện CTQG Hồ Chí Minh
——————————————————————————–
Phát triển kinh tế – xã hội gắn kết với BVMT (BVMT) là mục tiêu và cũng là đường hướng cơ bản để đạt tới sự phát triển bền vững. Do tầm quan trọng ngang nhau của môi trường và phát triển nên không thể có sự đánh đổi của môi trường cho phát triển hay ngược lại. BVMT theo đó trở thành một vấn đề mang tính tất yếu khách quan trong thời đại phát triển ngày nay. Việt Nam đang trên con đường phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Cùng với việc đề ra nhiều văn bản để thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động kinh tế – xã hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, Đảng và nhà nước ta luôn nhấn mạnh BVMT là một trong những vấn đề sống còn, là nhân tố quan trọng hàng đầu trong bảo đảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống nhân dân; BVMT vừa là mục tiêu vừa là một trong những nội dung cơ bản để đạt được sự phát triển bền vững ở nước ta. BVMT được xác định là một nhiệm vụ vừa phức tạp vừa cấp bách, do đó cần có sự tham gia của toàn xã hội. Nói cách khác, công tác xã hội hóa BVMT là cần thiết và cần được đẩy mạnh thực hiện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề liên quan đến giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT ở Việt Nam hiện nay.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu cần xác định rõ trách nhiệm BVMT của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đặc biệt đề cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất dịch vụ. Tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác BVMT. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về BVMT. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, tái sử dụng, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về BVMT. Xây dựng các quy ước, hương ước, cam kết về BVMT, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư. Phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT, khen thưởng các điển hình tiên tiến về BVMMT.
Từ đó đến nay, chủ trương xã hội hóa công tác BVMT luôn luôn được quán triệt trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vừa qua cũng đã khẳng định: “BVMT phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”[1]. Để giải quyết tốt nhiệm vụ này, Đảng cũng cho rằng cần “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, phát triển các dịch vụ môi trường, xử lý chất thải”[2].
Xã hội hóa công tác BVMT chính là việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động BVMT, là việc huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp BVMT và của đất nước. Nói cách khác, xã hội hóa công tác BVMT là phải biến các chủ trương, chính sách, các bộ luật về BVMT thành nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của mọi tầng lớp trong xã hội, từ những nhà hoạch định chính sách, những nhà quản lý cho tới mọi người dân ở mọi lứa tuổi trong xã hội. Mục đích của xã hội hóa công tác BVMT là nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội tham gia vào các hoạt động BVMT, nhằm giữ cho môi trường luôn trong lành, sạch đẹp, bảo đảm sự cân bằng sinh thái. Ý nghĩa to lớn của việc xã hội hóa công tác BVMT là ở chỗ, mọi đối tượng trong xã hội từ trẻ em cho đến người già, từ người sản xuất đến người tiêu dung đều ý thức được vai trò và trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc giữ gìn và BVMT. Từ nhận thức sẽ đi đến hành động. Mọi người sẽ chuyển từ lối sống, nếp nghĩ, thói quen của người sản xuất tiểu nông, tự do tùy tiện, sang lối sống, nếp nghĩ theo hướng văn minh, tôn trọng môi trường.
Về mặt xây dựng thể chế, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm. Một trong những thành tựu của hệ thống pháp luật về BVMT là việc xây dựng, xác định được hệ thống nguyên tắc cơ bản trong chính sách, pháp luật về BVMT. Những nguyên tắc, chính sách cơ bản xuất phát từ chủ trương phát triển kinh tế – xã hội theo mô hình bền vững (vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, BVMT và ổn định, công bằng xã hội). Bên cạnh việc quán triệt nguyên tắc BVMT phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước; BVMT quốc gia phải gắn với BVMT khu vực và toàn cầu thì hệ thống pháp luật về BVMT ở Việt Nam thời gian qua cũng đã quán triệt nguyên tắc cơ bản là coi BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Vì vậy, trong hệ thống pháp luật về BVMT ở Việt Nam đều có những quy định trong đó quán triệt nguyên tắc xã hội hóa công tác BVMT nói trên. Từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật như Hiến pháp sửa đổi 2013 (Điều 43) quy định nghĩa vụ “bảo vệ môi trường” là một nghĩa vụ pháp lý của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội đến rất nhiều các văn bản luật và dưới luật khác cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của toàn xã hội trong việc BVMT. Có thể kể đến là các văn bản luật và dưới luật như: Luật BVMT 2015 và các đạo luật, pháp lệnh về bảo vệ các thành tố môi trường (còn gọi là các đạo luật, pháp lệnh về tài nguyên). Cụ thể, đó là các đạo luật, pháp lệnh như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật Đất đai năm 2003; Luật Thủy sản năm 2003; Luật Dầu khí năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung năm 2000, 2008); Luật Tài nguyên nước năm 1998; Luật Khoáng sản năm 2010.v.v.
Ngoài ra, quy định về nghĩa vụ BVMT hoặc nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân, quy định cụ thể việc xử lý vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường… còn nằm rải rác trong nhiều đạo luật khác. Trong số đó phải kể đến:
– Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Thanh niên năm 2005; Bộ luật Hàng hải năm 2005; Luật Du lịch năm 2005; Luật Quốc phòng năm 2005; Luật Giáo dục năm 2005; Luật Điện lực năm 2005; Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2004; Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004; Luật Hợp tác xã năm 2003; Luật Xây dựng năm 2003; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; Luật Hải quan năm 2001; Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001; Luật Giao thông đường bộ năm 2001; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000; Luật Hàng không dân dụng năm 1991 (sửa đổi, bổ sung năm 1995)….
– Bộ luật Dân sự năm 2005, Bộ luật Hình sự năm 1999, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002…
– Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003; Luật Ngân sách nhà nước năm 2002; Pháp lệnh Thuế tài nguyên, Pháp lệnh Phí và lệ phí…
Để thực hiện các Luật, Pháp lệnh kể trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành hữu quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn có nội dung quy định về BVMT. Các văn bản này tập trung vào giải quyết các nội dung chính sau: quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường Việt Nam; quy định quy trình đánh giá tác động môi trường; quy định về giấy phép môi trường; quy định về thanh tra môi trường; quy định về các biện pháp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; quy định về các thiết chế BVMT (tổ chức, bộ máy, phân công nhiệm vụ giữa các cơ quan BVMT)… Hiện có hơn 90 Nghị định của Chính phủ, hơn 50 Quyết định và 30 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cùng hàng trăm thông tư, chỉ thị, quyết định của các Bộ, ngành đã ban hành có nội dung liên quan trực tiếp tới công tác BVMT.
Bên cạnh việc tích cực ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT, Việt Nam đã từng bước tham gia các điều ước quốc tế về môi trường như: Công ước về Luật Biển, Công ước Viên về bảo vệ tầng ô zôn, Công ước kiểm soát, vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hại và tiêu huỷ chúng (Basel), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, Công ước về đa dạng sinh học… Việc gia nhập các công ước này là tiền đề quan trọng cho việc hội nhập của pháp luật Việt Nam với những tiêu chuẩn và quy phạm của pháp luật quốc tế.
Rà soát lại trong hầu hết các văn bản pháp luật vừa kể trên, có thể thấy các văn bản pháp luật về BVMT đã tạo cơ sở pháp lý, định hướng cho các hoạt động kinh tế – xã hội và bước đầu phát huy tác dụng nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc BVMT. Đặc biệt là đối với vấn đề xã hội hóa BVMT, hầu hết các văn bản pháp luật luôn khẳng định BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ BVMT trong các lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý chất thải; quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ môi trường; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường và các dịch vụ khác về BVMT.
Có thể nói, xã hội hóa công tác BVMT sẽ là một công cụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về BVMT. Vì vậy, trong những năm qua, công tác xã hội hóa và phát triển dịch vụ công đã được quy định trong hệ thống chính sách pháp luật về BVMT một cách khá đầy đủ và toàn diện. Nhìn lại công tác BVMT trong thời gian qua, hoạt động xã hội hóa đã có những thành tích đáng ghi nhận. Rõ nét nhất là trong lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn. Tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt giữa các thành phần tư nhân và nhà nước là 40% và 60%. Ở Hà Nội, hiện nay ngoài công ty URENCO còn có các đơn vị ngoài quốc doanh tham gia thu gom chất thải rắn như công ty cổ phần Thăng Long, Công ty cổ phần Xanh, hợp tác xã Thành Công. Nhiều địa phương khác cũng đã có các đơn vị tư nhân thực hiện như Công ty thị chính Kiến An và Công ty công trình công cộng Đồ Sơn ở Hải Phòng, Công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Phả và công ty TNHH An Lạc Viên ở Quảng Ninh, công ty TNHH Huy Hoàng ở Lạng Sơn… Trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn cũng đã có sự tham gia của khối tư nhân như công ty SERAPHIN, Tâm Sinh Nghĩa, Thủy lực máy…
Trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây dựng các công trình xử lý chất thải… cũng đã có nhiều công ty, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia. Nhiều viện nghiên cứu, trung tâm tư vấn tư nhân, quy tụ những chuyên gia môi trường, đang là lực lượng chính trong việc tư vấn, thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các doanh nghiệp, đánh giá môi trường chiến lược cho các dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của nhiều cơ quan quản lý.
Thời gian qua, công tác phổ biến, thúc đẩy BVMT trong các tầng lớp quần chúng nhân dân cũng đã được hình thành và bước đầu thực hiện có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã ký kết với Bộ TNMT các Nghị quyết liên tịch về thúc đẩy BVMT. Giải thưởng môi trường được công bố hàng năm, các phòng trào BVMT ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề môi trường vẫn còn bức xúc, trong khi nguồn lực của nhà nước có hạn. Hệ thống chính sách và pháp luật BVMT Việt Nam còn tồn tại một số bất cập dẫn đến các vi phạm chủ yếu tập trung vào vấn đề: Vi phạm thủ tục hành chính: không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan nhà nước về BVMT phê duyệt; không đăng ký bản cam kết BVMT với cơ quan có thẩm quyền để xác nhận; không có giấy phép quản lý chất thải nguy hại; không có văn bản báo cáo hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định; không báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường hoặc báo cáo sai sự thật về những điều chỉnh, thay đổi về các nội dung, biện pháp BVMT trong đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; không có giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; không có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; không có giấy phép xả thải đối với nước thải… Hoặc các hành vi vi phạm cụ thể như: không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung đã ghi trong bản cam kết BVMT; không thực hiện nội dung đã ghi trong bản cam kết BVMT; không xây dựng, không vận hành hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường đã cam kết trong bản cam kết BVMT; triển khai dự án mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; vi phạm các quy định về xả nước thải, khí, bụi, tiếng ồn; vi phạm các quy định về BVMT đối với cơ sở thuộc danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bị áp dụng hình thức buộc di dời; không công khai với nhân dân, người lao động về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường; gây khó khăn cho công tác điều tra, nghiên cứu, kiểm soát, đánh giá hiện trạng môi trường; khai thác khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, di sản tự nhiên không đúng quy định về BVMT… Trong những vi phạm vừa nêu, có nguyên nhân là vai trò giám sát của các tổ chức xã hội chưa được đề cao, chưa được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật nên hạn chế hiệu quả của hoạt động giám sát BVMT.
Vấn đề xã hội hóa BVMT cũng đang có nhiều bất cập. Cụ thể là chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào BVMT, ví dụ như trong lĩnh vực xử lý, phục hồi các điểm ô nhiễm, lĩnh vực công nghiệp môi trường; chưa có cơ chế cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước tham gia BVMT. Vẫn còn những đối xử chưa thực sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tham gia BVMT. Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ và kiến thức về BVMT luôn thiếu và yếu đã cản trở hiệu quả hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Bên cạnh đó là kinh phí dành cho công tác BVMT chưa tưng xứng với vai trò của ngành trong phát triển kinh tế xã hội. Trong khi, ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đầu tư cho môi trường trung bình năm chiếm 1% GDP hay ở một số nước phát triển từ khoảng 3 – 4% GDP, thì nguồn tài chính cho sự nghiệp môi trường ở Việt Nam chỉ chiếm 1% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Trước những bất cập vừa nêu, cần thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được những kết quả tốt hơn trong công tác BVMT thời gian tới. Để đạt mục đích đó, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:
Thứ nhất, tích cực thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành TN&MT theo Nghị quyết số 27/NQ-BCS của Ban cán sự đảng bộ Bộ TN&MT, theo đó cần rà soát lại và chuyển đổi các cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định rõ những lĩnh vực nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh thực hiện.
Thứ hai, xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư, nhà nước và nhân dân cùng làm trong BVMT, đặc biệt là trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường. Việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân (hợp tác công-tư, PPP) sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các sáng kiến môi trường bền vững.
Thứ ba, xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn, về thuế, về tín dụng cho các hoạt động BVMT cụ thể. Mức độ hưởng lợi của cộng đồng từ các chính sách môi trường cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự tham gia của cộng đồng. Vì vậy, để đảm bảo cho các quy định về QLNN đối với BVMT được thực thi thì các quy định đó phải cụ thể, gắn bó, sát với thực tế cuộc sống của cộng đồng. Cộng đồng dân cư phải biết rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia các hoạt động BVMT. Xuất phát từ nét đặc thù của tính cộng đồng, cần chú trọng phát huy vai trò chủ động và tích cực của các đoàn thể xã hội như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân… trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định của địa phương, cũng như các quy định về BVMT của nhà nước.
Thứ tư, tổ chức truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức, tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động BVMT. Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực BVMT, tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân có nhu cầu tham gia công tác xã hội hóa BVMT.
Thứ năm, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang cung ứng dịch vụ môi trường và thành lập các công ty cổ phần mới, các tổng công ty, các tập đoàn tham gia cạnh tranh cung cấp các dịch vụ môi trường.
Cuối cùng, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn các phong trào BVMT trong nhân dân, đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ, của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về BVMT. Để cộng đồng tham gia tích vào việc BVMT, nhà nước cần mở rộng và tăng cường các hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng, công khai thông tin, số liệu liên quan đến tình hình ô nhiễm môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng nhận thức đúng về vai trò và trách nhiệm của mình trong hoạt động BVMT. Xây dựng chính sách huy động cộng đồng tham gia công tác quản lý môi trường, giám sát thực thi pháp luật về BVMT. Xây dựng các quy định cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ của cộng đồng. Xác lập cơ chế khuyến khích, các chế tài hành chính sự nghiệp và thực hiện một cách công bằng, hợp lý đối với tất cả các cơ sở nhà nước và tư nhân khi tham gia BVMT. Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật về BVMT ở địa phương. Khuyến khích mở rộng các phong trào tình nguyện tham gia trong công tác BVMT.
Nói tóm lại, dù đã có những bước tiến đáng kể trong công tác BVMT nhưng hiệu quả công tác BVMT chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của thực tiễn và xã hội, chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Để đạt được những mục tiêu trong tương lai, cần thực hiện các giải pháp có lộ trình hoàn chỉnh, cũng như đòi hỏi sự đầu tư xứng đáng nguồn lực từ Nhà nước và xã hội nhằm giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, từng bước nâng cao chất lượng sống của người dân và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đảng cộng sản Việt nam (2011), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, tr. 43.
[2] Sđd, tr.137
………………………………………………………………………………………………….
Leave a Reply