Áp lực môi trường và phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động phát triển công nghiệp, khai thác khoáng sản ở Việt Nam

5/5 – (1 vote)

PGS.TS, Lê Trình

Viện Khoa học môi trường và Phát triển

I. MỞ ĐẦU

Phát triển công nghiệp là con đường phải đi để tăng cường tiềm lực về kinh tế, quốc phòng của các quốc gia trên thế giới. Phát triển công nghiệp cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên công nghiệp và khai thác khoáng sản là các ngành kinh tế gây tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường, tài nguyên, sức khỏe, an toàn và xã hội. Kinh nghiệm thế giới và thực tế Việt Nam trong các thập kỷ gần đây cho thấy do nhiều hạn chế trong quản lý môi trường nhiều chương trình, dự án công nghiệp đã gây tác hại lớn đến các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, gây mâu thuẫn sử dụng đất và đặc biệt là gây áp lực đến môi trường do các loại chất thải với khối lượng lớn, chứa nhiều thành phần nguy hại. Ô nhiễm môi trường luôn đồng hành với phát triển các dự án công nghiệp và khai thác khoáng sản.

Nhằm rút ra bài học trong quá khứ và định hướng các giải pháp gắn kết phát triển công nghiệp và khoáng sản với kiểm soát ô nhiễm bảo vệ môi trường cần phải nhận rõ các nguyên nhân gây áp lực lên môi trường hiện tại và tương lai của các ngành này và xác định một số giải pháp thực tế về quản lý và công nghệ nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp. Đây là mục tiêu và nội dung của bài viết ngắn này.

II. ÁP LỰC LÊN MÔI TRƯỜNG DO HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

2.1. Áp lực lên môi trường do hoạt động công nghiệp

Sau gần 30 năm đổi mới tiềm năng công nghiệp của Việt Nam đã tăng vượt bậc cả về số lượng các cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, tỷ trọng trong GDP toàn ngành kinh tế, trình độ công nghệ. Đặc biệt điểm mới của quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta là tiếp thu kinh nghiệm của các nước tiên tiến: tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm tăng hiệu quả quản lý về hành chính, kinh tế, sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

2.1.1. Hiện trạng phân bố các KCN, CCN trên địa bàn cả nước

Theo số liệu của Bộ TN-MT(1) đến tháng 10/2014 trên địa bàn cả nước đã có:

–  15 KKT ven biển với tổng diện tích (mặt đất và mặt nước) là hơn 697.800 ha, bao gồm: 2 KKT ở miền Bắc; 10 KKT ở miền Trung và 3 KKT ở miền Nam; 28 KKT cửa khẩu, thuộc địa bàn 21/25 tỉnh biên giới đất liền.

–  298 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 81.000 ha. Trong đó, 209 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 54.060 ha. Các KCN được phân bổ trên 59 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó, vùng Đông Nam Bộ chiếm 43,2%, vùng Đồng bằng sông Hồng 21,7%, vùng Tây Nam Bộ 15,4%, vùng Duyên hải miền trung 11,8%, vùng Trung du miền núi phía Bắc 6,5% và vùng Tây Nguyên 1,3%.

–  878 CCN với tổng diện tích 32.841 ha, trong đó 614 CCN đang hoạt động với tổng diện tích đất là 16.252 ha.

Về mặt quản lý môi trường: so với loại hình các cơ sở sản xuất công nghiệp rời rạc, phân tán mô hình các KCN có các ưu điểm nổi bật:

– Thuận lợi cho quản lý, phổ biến các yêu cầu về BVMT từ cơ quan quản lý nhà nước đến chủ đầu tư hạ tầng KCN và từ chủ đầu tư đến từng công ty, doanh nghiệp;

 – Thuận lợi cho quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành các hệ thống thu gom, xử lý chất thải tập trung: chất thải rắn, chất thải nguy hại, nước thải công nghiệp.

– Thuận lợi cho công tác giám sát, quan trắc ô nhiễm môi trường, đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu về QLMT

 – Tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp trong đầu tư, xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm riêng rẽ.

Các KCN đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội nước ta: giá trị sản xuất công nghiệp bình quân trên 1 ha đất đã cho thuê đạt khoảng 1,6 triệu USD/ha/năm. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến năm 2012, các khu công nghiệp đang tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp .

Tuy nhiên, ngoài 1 số KCN đã chú trọng đầu tư các hệ thống xử lý chất thải và tuân thủ tốt các quy định pháp luật về BVMT, nhìn chung công tác quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm ở nhiều KCN, CCN vần còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm, tạo sức ép lớn đến môi trường và xã hội trong nhiều năm gần đây.

2.1.2. Thực trạng quản lý chất thải công nghiệp

Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp  bắt nguồn từ việc xả các loại chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại) vào môi trường. Mặc dù mô hình tập trung các cơ sở sản xuất vào các KCN tạo thuận lợi cho quản lý chất thải tuy nhiên cho đến nay bên cạnh các KCN thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý chất thải nhiều KCN vẫn chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Việc xả khối lượng khổng lồ các loại chất thải công nghiệp chứa hàm lượng lớn các chất ô nhiễm có độc tính cao đã, đang và sẽ là áp lực ngày càng lớn đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và gây tổn hại nhiều ngành kinh tế.

  1. Về kiểm soát ô nhiễm do nước thải công nghiệp

Đối với các KCN

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường(1) việc triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN đang hoạt động, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Tính đến hết tháng 10 năm 2014, trong số 209 KCN đã đi vào hoạt động có 165 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79% tổng số KCN đang hoạt động, tăng 6% so với năm 2013. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy xấp xỉ 630.000 m3/ngày.đêm. Với lưu lượng nước thải hiện tại của 165 KCN khoảng 350.000 m3/ngày.đêm, trong trường hợp tất cả các KCN đang hoạt động, thu hút đầu tư và được lấp đầy 100%, thì lượng nước thải phát sinh khoảng 600.000 m3/ngày.đêm.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều KCN đã có trạm xử lý nước thải nhưng chưa hoạt động thường xuyên, nước thải sau xử lý chưa đạt QCVN. Đây là trường hợp các KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ), KCN Thụy Vân (Phú Thọ), KCN Tam Điệp (Ninh Bình)…vẫn tồn tại tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt các KCN chưa xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải còn gây ô nhiễm môi trường lớn hơn như KCN Cầu Nghìn (Thái Bình) phát sinh trên 1.000 m3/ngày.đêm, KCN Hòa Bình (Kon Tum) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa có hệ thống thu gom nước thải nên không thể vận hành còn.

Nhìn chung, các KCN thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (Đông Nam Bộ),  Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng tuân thủ quy định về đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và bảo vệ môi trường tốt hơn các vùng khác trên cả nước; 95% các KCN ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; 83% các KCN ở Đồng bằng sông Cửu Long và 74,5 % các KCN ở Đồng bằng sông Hồng đã xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung.  Có tới 51 trong số 70 hệ thống xử lý nước thải tập trung ở vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam lắp đặt thiết bị quan trắc tự động. Điều này phù hợp với tình hình phát triển và thu hút đầu tư của các KCN tại khu vực. Các vùng trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung do phát triển KCN muộn hơn và chủ yếu đang trong giai đoạn xây dựng và từng bước thu hút đầu tư, nguồn nước thải phát sinh chưa nhiều.

Đối với các CCN:

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường triển khai chậm, trong đó thực hiện đầu tư trên cơ sở hỗ trợ từ ngân sách trung ương là chính. Tính đến tháng 10 năm 2014, trong tổng số hơn 600 CCN đang hoạt động, chỉ có khoảng 5% các CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đối với các CCN còn lại, cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Việc quản lý công tác bảo vệ môi trường tại các CCN rất yếu, do hầu hết các CCN hiện nay đều do các cấp chính quyền là chủ đầu tư.

Đối với các cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN, CCN:

Các công trình hạ tầng về quản lý nước thải và công tác kiểm soát ô nhiễm còn khó khăn hơn so với các KCN. Sự cố xả thải của các nhà máy chế biến bột sắn ở miền Trung, Tây Nguyên, xả nước thải gây chết cá ở sông Trà của nhà máy đường Quảng Ngãi; đặc biệt xả thải của công ty Vedan gây ô nhiễm nghiêm trọng sông Thị Vải là vài trong số các thí dụ về kiểm soát nước thải ở các cơ sở nằm ngoài KCN, CCN.

Về kiểm soát ô nhiễm do khí thải

Khí thải phát sinh từ từng nhà máy trong các KCN, CCN không thể được thu gom, xử lý tập trung nên hiện nay các doanh nghiệp tự xử lý khí thải. Vì vậy, nếu các Ban quản lý KCN hoặc công ty nào nghiêm túc thi hành các quy định, quy chuẩn về môi trường thì khí thải các nhà máy trongKCN đạt yêu cầu về giới hạn cho phép theo các QCVN (thí dụ phần lớn các công ty trong các KCN Vietnam – Singapore, Amata, Đồng Nai 2, Khu chế xuất Tân Thuận, KCN Bắc Thăng Long,  các công ty xi măng Holcim, Nghi Sơn…). Ngược lại, nếu Ban quản lý KCN hoặc doanh nghiệp không thực hiện tốt các quy định pháp luật thì khí thải công nghiệp  không đạt QCVN (thí dụ các nhà máy thép ở Thái Nguyên,  nhiều nhà máy xi măng ở Kiên Giang, Hải Dương, Ninh Bình…).

Về kiểm soát ô nhiễm do chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại

Cho đến nay phần lớn các KCN, CCN chưa xây dựng các trạm hoặc điểm thu gom, trung chuyển và xử lý CTR công nghiệp, CTR nguy hại. Công tác phân loại CTR công nghiệp, CTR nguy hại được thực hiện tại từng doanh nghiệp nhưng trên địa bàn toàn KCN và rộng hơn là toàn tỉnh/TP (ngoài trung tâm xử lý CTR Nam Sơn – Hà Nội) lại không có trung tâm tồn trữ, xử lý chuyên dụng. Do vậy, hàng triệu tấn CTR công nghiệp (xỉ thép, bùn thải, vật liệu chịu lửa qua sử dụng…) đang tồn lưu tại các cánh đồng, bãi đất trống, tạo ra nguồn ô nhiễm lớn, nguy hại cho con người, thiên nhiên và sử dụng đất. Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất điện tử, hóa chất cần có trung tâm thu gom CTR NH tập trung nhưng địa phương không đáp ứng được yêu cầu này.

2.1.3.  Thực trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp

Tính đến nay có khoảng 79% tổng số KCN đang hoạt động đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng nhiều KCN có hiệu quả xử lý không cao, chưa đạt quy định của các QCVN. Tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nơi có tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này cao nhất nước nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn xảy ra. Ô nhiễm do nước thải công nghiệp kết hợp với nước thải đô thị đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nhiều kênh rạch ở vùng ven TP HCM như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ…. Nhiều doanh nghiệp dùng các thủ đoạn xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, chẳng hạn như công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng tại TP HCM, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường như công ty cổ phần Sonadezi Long Thành – Đồng Nai(2). Ðặc biệt nghiêm trọng, Công ty Vedan (Đài Loan) đã bơm xả trực tiếp một lượng lớn dịch thải sau lên men với nồng độ các chất ô nhiễm rất cao ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm sông Thị Vải, trên một phạm vi rộng (theo kết quả thanh tra của Tổng cục môi trường ngày 6-9-2008). Ngày nay sông Thị Vải đã dần hồi sinh: ô nhiễm giảm rõ rệt, tôm cá lại phát triển sau khi công ty này bị xử phạt, giảm xả thải vào môi trường).

Tuy nhiên, hiện nay ô nhiễm môi trường không khí không lớn tại các KCN có đầu tư và quản lý môi trường tốt (các chỉ số chất lượng không khí chung quanh trong nhiều KCN ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đạt giới hạn cho phép theo QCVN05:2013/BTNMT, còn tốt hơn tại vùng ven các đường giao thông lớn). Trong khí đó ô nhiễm không khí tại các vùng ven các nhà máy xi măng, thép, nhiệt điện … có công nghệ lạc hậu, quản lý môi trường kém lại rất cao.

Một số thí dụ điển hình về ô nhiễm môi trường công nghiệp do các tỉnh/TP thông báo được nêu dưới đây.

Tại TP Hà Nội:

Thông tin từ Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội(3) về diễn biến môi trường trên địa bàn thành phố cho thấy: sau khi tiến hành giám sát ở nhiều địa phương, cơ sở sản xuất, làng nghề… Đoàn giám sát của HĐND TP bước đầu đưa ra nhận định “tình trạng ô nhiễm xảy ra khắp nơi, cả ở nông thôn và thành thị, ở các cơ sở sản xuất riêng rẽ, dịch vụ nhỏ lẻ đến khu công nghiệp tập trung và các làng nghề, cả trong sản xuất và sinh hoạt…”. Đa số các khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải hoặc có nhưng hoạt động không hiệu quả. Rác thải công nghiệp cũng có tỷ lệ thu gom, xử lý thấp. Cung cấp thêm số liệu cho Đoàn giám sát, Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) cho biết, điều tra cơ bản cho thấy, tỷ lệ chất thải nguy hại thực chất chỉ đạt 20-25%, số còn lại “trôi nổi rất nhiều và lẫn vào với rác sinh hoạt”. Vào thời điểm trên Hà Nội có tới hơn 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh chất thải công nghiệp nhưng chỉ có gần 200 đơn vị đăng ký quy trình xử lý nghiêm túc.

Tại TP Hồ Chí Minh:

Theo báo cáo của Sở TN-MT (2014)(4): nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm không khí của TP. Hồ Chí Minh là từ hoạt động sản xuất của nhà máy công nghiệp nằm ở các khu vực ngoại thành hoặc nằm ngay trong nội thành như các khu công nghiệp Tân Bình, khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung , các nhà máy ximăng Hà Tiên, nhà máy Thép Thủ Đức… và rất nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải, khói bụị. Cụ thể như trong số 170 trường hợp nhà máy, cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải ra môi trường thì hiện còn tới 81 doanh nghiệp chưa trang bị hệ thống xử lý khí thải đang ngày đêm thải ra luợng khói bụi rất lớn mang nhiều chất độc hại, gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh huởng trực tiếp đến đến sức khỏe của người dân sinh sống xung quanh. Điển hình như hàng loạt nhà máy công nghiệp sản xuất mì ăn liền, dầu thực vật, hóa chất, dệt nhuộm… nằm dọc bờ kênh Tham Luơng thuờng xuyên thải khói bụi độc hại vào không khí mỗi ngày đến nay vẫn chưa di dời.

Mặc dù chất lượng nước kênh Tham Lương – Vàm Thuật năm 2014 so với năm 2011 mức độ ô nhiễm giảm khoảng 22% đối với chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, 3% đối với chỉ tiêu dinh dưỡng và 49% đối với vi sinh, nhưng tăng 25% đối với chất rắn lơ lửng, tuy nhiên, chất lượng nước vẫn còn vượt quy chuẩn loại B2 từ 2 – 3 lần(5).

Tại Phú Thọ:

Theo Báo cáo HTMT giai đoạn 2011 – 2015 của Sở TN-MT(6): tại các khu, cụm CN (KCN Thuỵ Vân, khu vực CN phía Nam TP.Việt Trì, khu vực CN phía Đông TP.Việt Trì, khu vực CN phía Tây TP.Việt Trì, cụm CN Bạch Hạc, khu trung tâm thành phố…), huyện Phù Ninh (Tổng công ty Giấy Việt Nam, cụm CN Đồng Lạng…); huyện Lâm Thao (công ty CP Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao), huyện Thanh Ba (công ty CP Xi măng Phú Thọ, mỏ đá Ninh Dân, mỏ đá Thanh Ba, công ty CP Rượu Bia Sài Gòn – Đồng Xuân), huyện Tam Nông, huyện Thanh Thuỷ, huyện Cẩm Khê: nồng độ bụi TSP trung bình cao hơn giới hạn cho phép từ 1,12 – 4,33 lần. Công tác xử lý nước thải tại một số doanh nghiệp vẫn chưa đảm bảo quy định về xả thải, một số cơ sở sản xuất công nghiệp có xây dựng công trình xử lý nước thải nhưng vận hành hoạt động không hiệu quả hoặc chỉ vận hành mang tính chất đối phó, nước thải ra môi trường có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt giới hạn cho phép theo QCVN, gây ô nhiễm môi trường (Công ty Supephosphat và hóa chất Lâm Thao, Công ty TNHH Miwon Việt Nam, Công ty cổ phần sắn Sơn Sơn, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì…).

Tại Thái Nguyên:

Theo thống kê sơ bộ của Sở TN-MT (2014)(7), mỗi năm, các cơ sở sản xuất công nghiệp ở tỉnh thải ra khoảng 19 triệu m3 nước thải/năm và được dự báo gia tăng 22% mỗi năm. Trong số 100 cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được thống kê, có 52 cơ sở có nguồn nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong các đợt kiểm tra hàng năm đã phát hiện có đơn vị có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nhiều kết quả phân tích mẫu nước mặt trên các suối tiếp nhận nước thải từ các mỏ khoáng sản và cơ sở sản xuất công nghiệp, đã có dấu hiệu ô nhiễm: chất rắn lơ lửng (TSS) và một số kim loại nặng: As, Cd, Pb, Zn, Fe vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt hàng chục lần; nhiều mẫu nước ngầm có chỉ tiêu pH, Cd, Mn vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm từ 1,2 đến 1,96 lần; có những mẫu nước thải có hàm lượng kim loại nặng và chất rắn lơ lửng vượt quy chuẩn môi trường về nước thải đến hàng trăm lần.  Bụi, khí thải từ các cơ sở công nghiệp luyện kim, khai khoáng, sản xuất xi măng, nhiệt điện chưa được xử lý và xử lý triệt để đã gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh. Đã có nhiều cơ sở bị phát hiện xả bụi, khí thải vượt quy chuẩn cho phép, có những cơ sở có hàm lượng khí, bụi vượt quy chuẩn cho phép từ 4 đến 7 lần, một số khu vực môi trường không khí đã bị ô nhiễm, điển hình như như tại Khu Công nghiệp gang thép, khu vực các nhà máy xi măng, xung quanh các khu mỏ khai thác than, có nơi hàm lượng bụi đã vượt quy chuẩn cho phép đến 5 lần.

2.2. Áp lực lên môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản

2.2.1. Tiềm năng khoáng sản của Việt Nam

Theo bài viết của ông Nguyễn Mạnh Quân- Bộ Công Thương(8): Việt Nam có hơn 5000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Nguồn tài nguyên khoáng sản của Việt Nam tương đối phong phú và đa dạng về chủng loại gồm các nhóm khoáng sản nhiên liệu (dầu khí, than); nhóm khoáng sản sắt và hợp kim sắt (sắt, cromit, titan, mangan); nhóm khoáng sản kim loại màu (bauxit, thiếc, đồng, chì, kẽm, antimon, molipden); nhóm khoáng sản quý (vàng, đá quý); nhóm khoáng sản hoá chất công nghiệp (apatit, cao lanh, cát thuỷ tinh); nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi xi măng, đá xây dựng, đá ốp lát).

Do tính chất và mục đích sử dụng của từng nhóm khoáng sản, đối với một số loại khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn, Chính phủ giao cho một số doanh nghiệp nhà nước đảm nhận vai trò nòng cốt:

– Khai thác và chế biến dầu khí giao tập đoàn dầu khí Việt Nam

– Khai thác và chế biến than và các khoáng sản khác giao cho tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

– Khai thác và chế biến khoáng sản hoá chất (apatit) chủ yếu giao cho tập đoàn hoá chất Việt Nam.

– Khai thác, chế biến quặng sắt chủ yếu do Tổng Công ty thép Việt Nam, tập đoàn Vinacomin thực hiện.

– Khai thác, chế biến vật liệu xây dựng chủ yếu giao cho Tổng công ty xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải thực hiện.

Ngoài ra tham gia khai thác, chế biến các điểm mỏ khoáng sản quy mô nhỏ ở các địa phương có rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần. Tổng số các doanh nghiệp khai khoáng (kể cả vật liệu xây dựng) đến nay khoảng 1.100 doanh nghiệp.

2.2.2. Thực trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ TN-MT(9): mặc dầu ngành khoáng sản đã và đang đóng góp cực kỳ quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước nhưng hoạt động khai thác khoáng sản ở nước ta đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường xung quanh. Biểu hiện rõ nét nhất là việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản tự nhiên; tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit mỏ… Những hoạt động này đang phá vỡ cân bằng điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm, gây ô nhiễm nặng nề đối với môi trường, trở thành vấn đề cấp bách mang tính xã hội của cộng đồng một cách sâu sắc.

Một số thí dụ điển hình minh chứng cho ô nhiễm môi trường do khai thác khoáng sản được nêu dưới đây.

Vấn đề ô nhiễm môi trường của ngành than

Vấn đề bức xúc nhất về góc độ bảo vệ môi trường là đất đá thải. Để sản xuất 1 tấn than, cần bóc đi từ 8 – 10 m3 đất phủ, thải từ 1 – 3 m3nước thải mỏ. Chỉ tính riêng năm 2006, các mỏ than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt nam đã thải vào môi trường tới 182,6 triệu m3 đất đá, khoảng 70 triệu m3 nước thải mỏ, dẫn đến một số vùng của tỉnh Quảng Ninh bị ô nhiễm đến mức báo động như Mạo Khê, Uông Bí, Cẩm Phả…

Đất đá thải loại trong khai thác khoáng sản cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tác động cộng hưởng về phát thải bụi từ các mỏ, gây suy giảm môi trường không khí do nhiễm bụi ở các khu dân cư ở trong vùng khai thác. Trên các mỏ than thường có mặt với hàm lượng cao các nguyên tố Sc, Ti, Mn…Các khoáng vật sulphua có trong than còn chứa Zn, Cd, Hg…làm cho bụi mỏ trở nên độc hại với sức khỏe con người

Vấn đề ô nhiễm môi trường của mỏ kim loại

Với các mỏ kim loại, tác động rõ nét nhất là tàn phá mặt đất, ảnh hưởng lớn đến rừng và thảm thực vật và chất thải có khối lượng rất lớn, chưa nhiều thành phần độc hại, nhất là các mỏ kim loại màu (mỏ chì, titan, thiếc, đồng, cromit, wolfram, kẽm…) .

Thảm họa môi trường do khai thác titan ven biển

Theo Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường – Tổng cục môi trường, 2014(10) Bình Thuận có trữ lượng gần 600 triệu tấn titan, chiếm 92% trữ lượng cả nước, phân bổ trong tầng cát xám và cát đỏ trên diện tích 800 km2 ven biển. Trên địa bàn tỉnh có đến 67 dự án khai thác titan ở đây, nhưng hiện mới chỉ có 3 dự án được cấp phép khai thác. Mặc dù vậy, mức độ tàn phá môi trường đã vô cùng lớn. Do sa khoáng titan nằm sâu hàng chục mét, có nơi hàng trăm mét dưới mặt đất, nhưng các công ty khai thác chỉ có công cụ khai thác thô sơ, sau khi khai thác không hoàn thổ nên mặt đất bị cày nát, loang lổ hố. Những đồi cát xanh ngày nào trở thành vùng đất chết không cây, không con. Các doanh nghiệp vì lợi nhuận, dùng nước biển lọc quặng thô nên về lâu dài vùng khai thác sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng trọt. Khó khăn hơn cho người dân nơi đây là nguồn nước giếng bị ô nhiễm không thể sử dụng trong sinh hoạt. Trong báo cáo của tỉnh cũng ghi nhận, khu vực khai thác titan có tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, tổn thương sinh vật, ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, gây mất ổn định cuộc sống người dân xung quanh, nhất là các khu vực xã Hòa Thắng (Bắc Bình), xã Thuận Quý, xã Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… sâu xa hơn là sự biến mất của một vùng đồi vốn làm nơi chắn gió, bảo vệ hoa màu rất tốt cho nông dân. Ngoài ô nhiễm do hóa chất,  nhiễm mặn khai thác Titan còn gây ô nhiễm do phóng xạ.

Nguy cơ môi trường do khai thác, chế biến bauxit

Chưa bàn đến tác động rất xấu đến các hệ sinh thái tự nhiên, dân cư bản địa và hiệu quả thực sự về kinh tế, ô nhiễm môi trường do khai thác bauxit ở Tây Nguyên là vấn đề rất khó kiểm soát và có thể gây tác động nghiêm trọng đến nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai. Theo PGSTS Nguyễn Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam)(11): muốn sản xuất 1 tấn alumina, phải khai thác ít nhất 2 tấn quặng bauxite và thải ra đến 1,5 tấn bùn đỏ. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Bauxit Nhân Cơ, nước thải và bùn thải có khối lượng tới 11 triệu m3/năm. Bùn đỏ (Red Mud) là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite thành alumina, gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, khá bền vững trong điện phong hoá như Hematit, Natrisilicoaluminate, Canxititanat, Monohydrate nhôm, Trihydrate nhôm và đặc biệt là chứa xút – một hoá chất độc hại dùng để chế biến alumina từ bauxit, v.v. Ở Tây Nguyên, nếu chế biến bauxit thành alumina, bắt buộc phải xây dựng các hồ chứa bùn đỏ tại chỗ. Chỉ riêng dự án Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu m3. Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 triệu m3/năm, tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 triệu m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có 20,25 triệu m3, số còn lại sẽ được chứa trong các hồ mới sau này sẽ xây dựng thêm ở đâu đó. Đáy hồ theo thiết kế sẽ được lót một lớp đất sét và một lớp vải địa kỹ thuật, hồ được chia thành một số khoang và có xây dựng hệ thống hào ngăn nước mưa chảy vào hồ. Phần bùn khô lắng dần sẽ được phủ một lớp vải địa kỹ thuật chống thấm, rồi phủ một lớp đất dày 1m. Có thể hy vọng rằng trong điều kiện bình thường hồ sẽ được bảo vệ và tu bổ tốt, đảm bảo an toàn trong suốt giai đoạn sản xuất. Tuy nhiên nguy cơ hồ chứa bùn đỏ bị xói lở, tràn bùn đỏ vào sông suối chung quanh và đổ về sông Đồng Nai – nguồn nước cấp cho sinh hoạt chủ yếu của trên 12 triệu dân là rất lớn, nhất là trong điều kiện mưa lũ bất thường do biến đổi khí hậu. Ngoài ra sau khi kết thúc dự án các hồ bùn đỏ được chôn vĩnh viễn trên cao nguyên sẽ tiếp tục phát sinh các vấn đề môi trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VÀ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRỌNG YẾU VÀ NGUY CƠ VỚI MÔI TRƯỜNG

3.1 Định hướng phát triển các ngành công nghiệp

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng thông qua tại Quyết định số 880/QĐ-TTg này 09/6/2014(12) một số mục tiêu của ngành như sau:

– Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5 – 7,0%/năm và giai đoạn 2021 – 2030 đạt 7,5 – 8,0%/năm.

– Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5 – 13,0%/năm và giai đoạn 2021 – 2030 đạt 11,0 – 12%/năm.

– Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42 – 43% và năm 2030 chiếm 43 – 45%.

– Tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng từ 4 – 4,5%/năm.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí – luyện kim giai đoạn đến năm 2020 đạt 15 – 16%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 14 – 15%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành hóa chất giai đoạn đến năm 2020 đạt 14 – 16 %; giai đoạn đến năm 2030 đạt 11 – 13%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện tử, công nghệ thông tin giai đoạn đến năm 2020 đạt 17 – 18%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 – 21%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may – da giày giai đoạn đến năm 2020 đạt 10 – 12%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8 – 9%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, đồ uống giai đoạn đến năm 2020 đạt 9 – 10%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 8 – 9%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn đến năm 2020 đạt 8 – 9% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 6 – 7%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành điện giai đoạn đến năm 2020 đạt 13 – 14% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 10 – 12%.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành khai thác và chế biến khoáng sản giai đoạn đến năm 2020 đạt 7 – 8%; giai đoạn đến năm 2030 đạt 6 – 7%.

+ Nhóm công nghiệp alumin – nhôm: Triển khai các dự án sản xuất alumin đã được phê duyệt; nghiên cứu xây dựng nhà máy điện phân nhôm.

+ Các kim loại khác: căn cứ vào khả năng nguồn nguyên liệu và thị trường, lựa chọn đầu tư một số nhà máy luyện thiếc, chế biến quặng vonfram đa kim; hợp kim vonfram xuất khẩu; luyện antimon; sản xuất niken kim loại và các sản phẩm đi kèm.

– Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành than giai đoạn đến năm 2020 đạt 9 – 10% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 7 – 9%.

–  Năm 2020 tỷ trọng khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên chiếm 4 – 5% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 70 – 80% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 5 – 6% và đáp ứng 80 – 90% nhu cầu.

3.3. Các nguy cơ với môi trường do phát triển các ngành công nghiệp và khai thác khoáng sản theo quy hoạch đến 2020

Thực hiện đúng Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp nêu trên Việt nam sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP chiếm 42 – 43%. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng nhanh về công nghiệp và khai thác khoáng sản nếu không gắn kết có hiệu quả với kiểm soát ô nhiễm môi trước nước ta đang có nhiều biểu hiện suy thoái lại sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới.

3.3.1. Gia tăng nhanh lưu lượng, khối lượng chất thải

  1. Gia tăng nhanh lưu lượng nước thải công nghiệp

Nếu theo thống kê nêu trên của Bộ TN-MT(1) hiện nay lưu lượng nước thải phát sinh tại 209 KCN có tổng diện tích 54,060 ha nếu được lấp đầy sẽ là 600.000 m3/ngày.đêm thì hệ số phát sinh nước thải khoảng 11,1 m3/ha /ngày.đêm (thấp hơn nhiều so với hệ số do JICA ước tính là 64 m3/ha /ngày.đêm).

Nếu theo tốc độ tăng trưởng công nghiệp 7%/năm thì đến năm 2020 lưu lượng nước thải từ các KCN là 900.000 m3/ngày.đêm, tăng hơn năm 2014 1,5 lần. Nếu theo hệ số JICA thì tổng lưu lượng nước thải còn có thể đến 5,13 triệu m3/ngày.đêm. Số liệu này chưa kế nước thải từ các CCN và các cơ sở nằm ngoài KCN, CCN nhất là từ các mỏ khoáng sản (khai thác than, dầu,  bauxit, titan, wolfram, chì, kẽm..) còn lớn hơn nhiều so với lưu lượng nước thải từ các KCN.

Gia tăng nhanh khối lượng CTR công nghiệp, CTR nguy hại

Thống kê của Bộ TN-MT cho thấy, năm 2011 mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng 8000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Tuy nhiên, lượng CTR đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, nếu như tính trung bình cả nước, năm 2005 – 2006, một ha diện tích đất cho thuê phát sinh CTR khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008 – 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50%). Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các khu công nghiệp và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm, cao hơn hiện nay 1,8 lần!. Số liệu này chưa tính tới khối lượng CTR (xỉ thép, vật liệu phế bỏ chứa hóa chất nguy hại) của Khu Liên hợp gang thép Formosa có thể lên tới trên 5,0 triệu tấn/năm vào năm 2020.

Khối lượng CTR phát sinh do công nghiệp khai thác than, sắt, các kim loại màu (đất đá chứa chất thải), đặc biệt là bauxit (bùn đỏ và đất đá chứa chất thải) còn cao nhiều lần so với CTR phát sinh từ các KCN.

Ngoài ra, theo nhiều tài liệu, trong CTR công nghiệp lượng CTR nguy hại chiếm tỷ lệ đến 20 – 30 % (tỷ lệ này ở Thái Nguyên là 26,6%) . Do vậy ảnh hưởng của CTR công nhiệp và khai thác khoáng sản đến sức khỏa, cảnh quan và các hệ sinh thái tự nhiên sẽ là nghiêm trọng nếu công tác kiểm soát loại chất thải này kém hiệu quả.

Gia tăng lưu lượng khí thải công nghiệp

Không có cơ sở dự báo tổng lưu lượng khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp và khai thác khoáng sản. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng công nghiệp 7%/năm và tốc độ gia tăng khí nhà kính 5% /năm thì đến năm 2020 tổng lưu lượng khí thải cũng sẽ tăng khoảng 1,5 lần so với hiện nay.

3.3.2.  Thay đổi thành phần chất thải công nghiệp theo hướng tăng các chất ô nhiễm có độc tính cao

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp và khai thác khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 các ngành công nghiệp điện tử, hóa chất, lọc hóa dầu, luyện kim sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng GDP công nghiệp. Đây là các ngành không chỉ phát sinh khối lượng lớn chất thải mà còn gây nguy cơ cao đối với môi trường và sức khỏe do chất thải chứa hàm lượng lớn các chất có độc tính cao. Nước thải từ Khu Liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh có lưu lượng đến 45.000 m3/ngày đêm, chứa hàm lựợng rất cao phenol, xyanua, crom, COD, các chất rắn lơ lửng. Bằng mô hình dự báo lan truyền ô nhiễm do lượng nước thải này Trần Quang Tiến và CTV(13) đã chứng minh rằng ngay cả khi nước thải được xử lý đạt QCVN52:2013/BTMT nước vịnh Sơn Dương (vùng nhận nước thải) sẽ không đạt QCVN đối với nước biển ven bờ cho nuôi thủy sản, du lịch.

Nước thải từ các khi liên hợp lọc hóa dầu chứa hàm lượng cao các chất hữu cơ bền vững, dầu mỡ, kim loại nặng, phenol. Công nghiệp điện tử – ngành tạo giá trị xuất khẩu rất lớn trong vài năm gần đây và nhiều năm tới lại tạo ra khối lượng chất thải nguy hại có độc tính cao. Sự phát sinh chất thải rắn trong ngành sản xuất điện tử, ngoài các thành phần hữu cơ polyme, các kim loại bán dẫn, đất hiếm, đặc biệt một số kim loại nặng có độc tính rất cao như As, Se, Sb, Hg… Do đó chất thải rắn điện tử có thể được coi như là một trong những chất thải nguy hại.

Nước thải, chất thải rắn, đặc biệt bùn đỏ từ các mỏ bauxit chứa hàm lượng cao các chất kiềm, kim loại. Nước thải và nước chảy tràn từ các mỏ đa kim chứa hàm lượng cao các kim loại nặng (đây là nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Công do Hg, As, Cd, Pb) ở Thái Nguyên)(7).

Với một số dự báo sơ bộ nêu trên có thể kết luận: phát triển các ngành công nghiệp và khai thác khoáng sản theo quy hoạch đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tạo nên sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam nhưng đồng thời cũng tạo các nguy cơ cao đối với môi trường chủ yếu là do gia tăng nhanh khối lượng, lưu lượng nước thải, khí thải, CTR công nghiệp, CTR nguy hại và đặc biệt: gia tăng các thành phần có độc tính cao trong các loại chất thải. Đây sẽ là nguồn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng môi trường, đa dạng sinh học và tổn thất về kinh tế.

IV. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ GIẢM THIỂU Ô NHIỄM TRONG GIAI ĐOẠN 2016 -2020

Phòng ngừa và giảm thiểu ô nghiễm công nghiệp và khai thác khoáng sản (gọi chung là ô nhiễm công nghiệp) không thể thực hiện có tính tự phát, tùy thuộc vào nhận thức, năng lực của chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý môi trường mà cần có mục tiêu, định hướng, biện pháp tuân thủ theo các quy định pháp luật. Vì vậy để đảm bảo ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn toàn quốc có thể được khống chế đến mức có thể chấp nhận việc xây dựng, ban hành và triển khai “Chiến lược kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là cần thiết cấp bách. Chiến lược này không tách rời các quan điểm, mục tiêu chung và giải pháp lớn trong “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012(14). Tuy nhiên vì là chiến lược chuyên ngành nên “Chiến lược kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cần ngắn gọn, thực chất, nêu rõ các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, các nội dung chủ yếu và các giải pháp cụ thể.

Dưới đây là một số quan điểm, và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp nên được đưa vào chiến lược này.

4.1. Quan điểm

Kiểm soát ô nhiễm (KSÔN) công nghiệp là nội dung quan trọng của bảo vệ môi trường, nhằm ngăn ngừa, ứng phó để giảm thiểu mức độ ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân và bảo tồn tài nguyên sinh học.

KSÔN công nghiệp ở nước ta hiện nay nên tuân thủ các quan điểm dưới đây:

  1. KSÔN công nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần có quyết tâm cao, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp, khai thác khoáng sản; đòi hỏi tập trung các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp là chính, nhằm thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
  2. Lấy phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường là chính, kết hợp xử lý khắc phục những điểm nóng về ô nhiễm. Tất cả các cơ sở sản xuất mới bắt đầu hoạt động phải áp dụng công nghệ sạch hoặc phải dùng các công nghệ bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường. Các cơ sở sản xuất đã hoạt động phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu chất thải, tiết kiệm nguyên, vật liệu, năng lượng như cải tiến công nghệ sản xuất, sản xuất sạch hơn, kiểm toán chất thải, tái chế, tái sử dụng chất thải.
  3. Ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp; từng bước phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường các khu vực bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp;
  4. Giảm về cơ bản các nguồn gây ô nhiễm môi trường do hoạt động công nghiệp
  5. Việc thực hiện các chương trình, các dự án KSÔN công nghiệp đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Để đảm bảo nguồn ngân sách này các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn ô nhiễm phải tự đảm bảo kinh phí thiết kế, lắp đặt, vận hành và quản lý các hệ thống xử lý ô nhiễm; ngân sách địa phương và ngân sách hỗ trợ từ trung ương đảm bảo hỗ trợ một phần cho công tác triển khai các chương trình dự án KSÔN công nghiệp.
  6. Mỗi tỉnh/TP, bộ ngành, tổng công ty nhà nước và các công ty kinh doanh hạ tầng công nghiệp, công ty sản xuất công nghiệp, khoáng sản phải lập Kế hoạch hành động KSÔN cho riêng địa phương, cơ sở. Rút kinh nghiệm là trong 10 năm qua phần lớn các tỉnh/TP đã lập các chương trình của bảo vệ môi trường, KSÔN nhưng do quá dài dòng, tham vọng cao nên khó khả thi, do vậy các Kế hoạch hành động KSÔN công nghiệp phải cần ngắn gọn, với các hành động cụ thể có tính thiết thực, khả thi, không khuôn sáo và phải được kiểm tra, đánh giá hàng năm.

4.2. Các giải pháp chủ yếu

Từ kinh nghiệm quốc tế và các bài học từ quản lý môi trường ở nước ta trong 20 năm qua để kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm công nghiệp chúng tôi đề xuất các giải pháp quan trọng sau đây.

Các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp cần được thực hiện theo trình tự từ nhóm 1 đến 6; các nhóm giải pháp 7 và 8 là hỗ trợ quan trọng. Theo đó các nhóm giải pháp về phòng ngừa ô nhiễm cần ưu tiên thực hiện trước, các giải pháp về xử lý là bước tiếp theo khi phòng ngừa chưa đạt hiệu quả.

Nhóm giải pháp 1: Phòng tránh các tác động xấu

Đây là giải pháp quan trọng giúp cho các cơ quan chức năng quyết định liệu có nên cấp phép cho dự án công nghiệp hoặc khai khoáng đó hay không qua việc xem xét lựa chọn vị trí dự án tránh gây tổn thất cho các hệ sinh thái hoặc kinh tế- xã hội và lựa chọn công nghệ dự án thân thiện môi trường. Muốn vậy công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được cải thiện, đảm bảo: có tính khoa học, tính tập trung, tính khả thi, tính công khai và có sự tham gia của các bên liên quan. Đây là điều còn rất hạn chế trong ĐMC, ĐTM hiện nay.

Nhóm giải pháp 2: Ngăn ngừa: ngăn ngừa, hạn chế phát sinh chất thải công nghiệp

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

– Hạn chế phát triển các nhóm ngành có nguy cơ cao gây ô nhiễm, suy thoái môi trường cao; từng bước xây dựng hạ tầng, môi trường pháp lý thuận lợi cho nền kinh tế xanh (kinh tế ít cacbon); có các chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khu vực kinh tế xanh phát triển.

– Áp dụng rộng rãi các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm “trước đường ống” trước hết đối với các công ty, dự án lớn: công nghệ sạch hơn; kiểm toán chất thải; kiểm toán năng lượng; kiểm toán môi trường…

– Xây dựng và áp dụng các chính sách ưu đãi về tài chính, thuế, xuất khẩu để khuyến khích các doanh nghiệp thân thiện môi trường.

Nhóm giải pháp 3: Bảo vệ: bảo vệ sức khỏe và môi trường khỏi các tác động xấu do ô nhiễm công nghiệp

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

– Quy hoạch các KCN, CCN, các cơ sở công nghiệp xa các vùng nhạy cảm sinh thái và xã hội;

– Xây dựng và triển khai “chương trình quản lý môi trường” đối với tất cả các dự án công nghiệp;

– Triển khai công tác giám sát, quan trắc môi trường trong các giai đoạn xây dựng và vận hành các dự án công nghiệp nhằm phát hiện sớm mức độ ô nhiễm, vùng có thể bị ô nhiễm và lập kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái và sức khỏe nhân dân trong vùng;

– Triển khai các biện pháp an toàn cho công nhân và nhân dân vùng có thể bị ảnh hưởng do ô nhiễm công nghiệp.

Nhóm giải pháp 4: Giảm thiểu  các tác động xấu do ô nhiễm công nghiệp khi không thể tránh được

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính:

– Tăng cường phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp về các quy định pháp luật về BVMT, KSÔN, các QCVN; tăng cường năng lực và phẩm chất đạo đức cán bộ thanh tra, giám sát môi trường nhằm đảm bảo xử lý khách quan, đúng mức các doanh nghiệp vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm môi trường.

– Phát triển các công nghệ xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp: xử lý tại nguồn và xử lý vùng bị ô nhiễm. Xây dựng và triển khai các chính sách phát triển ngành “công nghiệp môi trường” của Việt Nam nhằm đáp ứng phần lớn các nhu cầu xử lý chất thải công nghiệp.

– Quy hoạch, xây dựng và vận hành các trung tâm lưu trữ và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại tại mỗi tỉnh/TP hoặc liên tỉnh đáp ứng nhu cầu bức bách của các doanh nghiệp công nghiệp.

Nhóm giải pháp 5: Cải tạo: sửa chữa, khắc phục các tổn thất về môi trường; khôi phục về trạng thái ban đầu các thành phần môi trường đã bị tác hại do ô nhiễm công nghiệp

Nhóm này bao gồm các giải pháp chính buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý môi trường:

 – Thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp hoàn thổ (đối với các công ty khai thác khoáng sản); các biện pháp xử lý môi trường sau khi tháo dỡ, kết thúc dự án công nghiệp;

– Triển khai các nghiêm chỉnh các biện pháp cải tạo môi trường vùng bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp hoạt động

– Triển khai các nghiêm chỉnh các biện pháp khôi phục về trạng thái ban đầu các thành phần môi trường đã bị tác hại do ô nhiễm công nghiệp.

Nhóm giải pháp 6:  Đền bù tổn thất về môi trường, sức khỏe công nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng nếu các các tác động do ô nhiễm công nghiệp vẫn chưa được khắc phục

 Nhóm này bao gồm các giải pháp chính buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện, có sự giám sát của cơ quan quản lý môi trường:

Đền bù thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường: thí dụ các doanh nghiệp khai thác titan phải bồi thường về hậu quả gây xâm nhập mặn, gây cát bay, cát nhảy ảnh hưởng đến đời sống nhân dân địa phương; các doanh nghiệp gây tác hại đến nguồn lợi thủy sản do xả thải phải bồi thường tổn thất kinh tế cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng (như trường hợp công ty Vedan).

Nhóm giải pháp 7:  Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KSÔN công nghiệp

Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với cơ chế khuyến khích hợp lý, nhằm ngăn ngừa, khắc phục, xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bị ô nhiễm là giải pháp tài chính quan trọng.

– Tất cả doanh nghiệp công nghiệp phải tự bỏ vốn để bảo vệ môi trường và khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, kinh doanh gây ra. Nhà nước xem xét hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện nhiệm vụ này theo hình thức hỗ trợ có mục tiêu cho từng nhiệm vụ, dự án cụ thể.

– Ngân sách nhà nước đầu tư để ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm công nghiệp và quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng về quản lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho từng tỉnh hoặc liên tỉnh.

Nhóm giải pháp 8: Tăng cường hợp tác giũa các doanh nghiệp, các địa phương và hợp tác quốc tế về KSÔN công nghiệp

– Mở rộng hợp tác với các tỉnh trong từng lưu vực sông, từng vùng kinh tế trong giải quyết các vấn đề KSÔN;

– Tăng cường hợp tác với các tổ chức, công ty quốc tế và các quốc gia có nền công nghiệp môi trường tiên tiến nhằm học tập kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực về tài chính và KHCN trong KSÔN, bảo vệ môi trường.

Trên đây là một số giải pháp chính theo chúng tôi là quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho công tác ngăn ngừa, giảm thểu ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, khai thác khoáng sản ở nước ta trong giai đoạn 2016 – 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công văn số 5160/BTNMT-TCMT ngày 20/11/2014 v/v báo cáo tình hình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KKT, KCN CCN.
  2. Trung tâm thông tin và dự báo KT-XH quốc gia – NCSEIF, Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp, 03/2013.
  3. Đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, Báo cáo về tình hình ô nhiễm môi trường, Báo Tin mới online, 084/4/2009.
  4. Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Báo cáo tình hình ô nhiễm môi trường, 2014
  5. Chi cục BVMT- Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, Báo cáo hiện trạng môi trường 2011 – 2015. 08/2015.
  6. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, Báo cáo hiện trạng môi trường 2011 -2015, 06/2015.
  7. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, Báo cáo hiện trạng môi trường 2011 -2015, 2015, 08/2015.
  8. Nguyễn Mạnh Quân, Định hướng khai thác khoáng sản ở Việt Nam, Báo Công Thương điện tử 13/5/2013.
  9. Tổng cục Địa chất và khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trang tin điện tử, 2014
  10. Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường – TCMT, Khai thác titan ở Bình Thuận: hủy diệt môi trường, 2014
  11. Nguyễn Đình Hòe, Tham luận của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam – VACN tạiHội thảo “Vai trò của công nghiệp khai thác bauxite-sản xuất alumina-nhôm đối với phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên và những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, văn hoá khu vực” tổ chức ngày 9/4/2009 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì).
  12. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 880/QĐ-TTG ngày 09/6/2011 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  13. Trần Quang Tiến, Báo cáo kết quả tính toán dự báo lan truyền ô nhiễm vịnh Sơn Dương do các phương án xả nước thải từ Khu Liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, 2014.
  14. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *