Dự báo, phòng ngừa và giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường do hoạt động phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn

4/5 – (2 votes)

  GS.TS.NGND Đặng Kim Chi

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

I. MỞ ĐẦU

            Với tổng diện tích tương đương khoảng 80% diện tích toàn quốc và là nơi sinh sống của khoảng  67 % dân số cả nước, nông thôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt nam. Các hoạt động chính đã và đang phát triển mạnh ở nông thôn bao gồm hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản); chế biến nông, lâm, thủy sản; hoạt động sản xuất tại các làng nghề và hoạt động lâm nghiệp. Bên cạnh các lợi ích kinh tế đã mang lại, tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động này gây ra cũng đã và đang là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến quá trình phát triển triển bền vững tại khu vực nông thôn hiện nay.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (CTMTQG NTM) được triển khai đã đem lại những thay đổi đáng kể về hạ tầng kĩ thuật, cảnh quan môi trường và đời sống người dân nhiều vùng nông thôn theo xu hướng tích cực là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cùng với những hiệu quả tích cực do CTMTQG NTM mang lại, môi trường nông thôn cũng đang phải chịu nhiều sức ép song song từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tại các khu vực này.

Do vậy, việc dự báo tình hình phát triển kinh tế -xã hội nông thôn và các áp lực đối với môi trường xuất hiện do nhu cầu phát triển này rất quan trọng nhằm xác định, định hướng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường phù hợp. Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và công bố Báo cáo môi trường quốc gia chuyên đề về môi trường nông thôn đã cung cấp nhiều thông tin, các chính sách hỗ trợ, các quy định về bảo vệ môi trường…góp phần phát triển bền vững các vùng nông thôn.

II. NHẬN DẠNG CÁC ÁP LỰC LÊN MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN TỪ CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

            Các áp lực lên môi trường nông thôn do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ nét, chưa kể đến những tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu như thiên tai lũ lụt và nước biển dâng. Dưới đây là một số phân tích về áp lực do các hoạt động sản xuất chính và hoạt động dân sinh gây ra tại khu vực nông thôn:

2.1. Áp lực lên Môi trường do hoạt động trồng trọt, lâm nghiệp

            Trong tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 71,5% ( số liệu thống kê năm 2013 của Tổng cục Thống kê). Hoạt động trồng trọt chủ yếu là trồng lúa nước, các cây căn quả truyền thống của vùng miền và cây lương thực ngắn ngày như ngô, khoai , đỗ, lạc, mía… Tại một số vùng nông thôn còn tập trung vào phát triển các loại cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu, cacao, dâu tằm, điều và cao su.

2015-11-01_221354

Hình 1 : Biểu đồ cơ cấu sử dụng đất  năm 2013

2015-11-01_221441

Hình  2 : Biểu đồ tỷ lệ sản lượng lúa phân theo vùng năm 2013

Hiện nay, sự phát triển các khu đô thị và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại chính tại khu vực nông thôn hay các vùng lân cận đã làm giảm diện tích đất trồng trọt, thay đổi đáng kể diện mạo mô hình nông thôn truyền thống đã có. Trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuôc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Đối với cây lúa, hàm lượng sử dụng phân lân và kali khá cao (gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo), trong khi đó, theo kế quả nghiên cứu về quá trình hấp thụ phân bón trong trồng trọt cho thấy, hầu hết các cây trồng chỉ hấp thụ được khoảng 40-5-% lượng phân bón. Do vậy, việc không kiểm soát được lượng các dư lượng phân bón hóa học đã ảnh hưởng không nhỏ gây ô nhiễm nguồn nước, phú dưỡng hóa môi trường thủy sinh và làm thoái hóa môi trường đất. Bên cạnh đó, hóa chất BVTV từ nhiều nguồn khác nhau như bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi sau khi sử dụng, rửa bình bơm và dụng cụ pha chế không đúng nơi quy định, dư lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các chai lo quăng xuống ao, hồ…gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và môi trường đất là nguy cơ đe dọa sức khoẻ cộng đồng và ô nhiễm môi trường.

Việc thâm cach mùa vụ làm tăng nhanh khối lượng phế phụ phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, ví dụ như Đồng bằng Sông Hồng, Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích canh tác lớn (7,5 triệu ha đất chuyên canh trồng lúa), ước tính chất thải nông nghiệp là rơm, rạ hàng năm lên tới 76 triệu tấn. Biện pháp xử lý đối với loại chất thải này hiện nay chủ yếu là đốt ngoài  đồng ruộng tạo nên các luồng khói chứa CO, CO2, NOx, bụi mịn, Aldehyt …. ảnh hưởng đến chất lượng môi trường khí.

Bảng 1.  Tổng hợp lượng CTR nông nghiệp phát sinh năm 2012

Chất thải Khối lượng
Bao bì thuốc BVTV 10.000 tấn/năm
Bao bì phân bón 102.180 tấn/năm
Rơm rạ 76.000.000 tấn/năm

             

Song song với các áp lực từ hoạt động trồng trọt, hoạt động lâm nghiệp cũng gây ra những áp lực không nhỏ đối với môi trường. Diện tích đất lâm nghiệp chiến hơn ½ lãnh thổ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế, Việc khai thác quá mức và chuyển đối rừng nguyên sinh sang mục đích khác như độc canh cây công nghiệp đã làm suy thoái đất rừng nghiêm trọng, làm suy giảm đa dạng sinh học ở các khu rừng. Bên cạnh đó, nạn cháy rừng, mất rừng… cũng  là nguyên nhân tác động trực tiếp đến môi trường các khu vực lân cận như lũ lụt, thiên tai, xói mòn, sạt lở đất…

2.2. Áp lực lên môi trường do hoạt động chăn nuôi

Cả nước hiên có gần 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, hoạt động chăn nuôi chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Ngành chăn nuôi phổ biến ở nước ta là chăn nuôi lợn (chiếm 56% hộ nông thôn) và gia cầm (chiếm 69% hộ nông thôn).

Cùng với sự gia tăng đàn và số lượng vật nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi ngày càng tăng. Với tổng đàn 314,7 triệu con gia cầm và hơn 37 triệu con gia súc, mỗi năm nguồn thải từ chăn nuôi thải ra môi trường lên tới 84,5 triệu tấn. Chất thải rắn chăn nuôi bao gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm…Chất thải lỏng là nước tiểu, nước rửa chuồng, nươc tắm cho gia súc…. Với đặc thù chăn nuôi, chất thải dạng khí là các hợp chất gây mùi NH3, H2S, VOC. Bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình, mô hình chăn nuôi trang trại ngày càng phát triển (theo thống kê hiện nay có khoảng 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung), tuy nhiên, các trang trại này vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu nẵm xen kẽ trong khu dân cư không có các công trình xử lý chất thải hoặc có nhưng không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương ứng. Theo thống kê đến nay, có khoảng 40-50% lượng chất thải rắn chăn nuôi được xử lý, số còn lại thải trực tiếp thẳng ra ao, hồ, kênh, rạch.

Bảng 2. Ước tính khối lượng chất thải rắn chăn nuôi phát sinh

                                                                                          Đơn vị:   Triệu tấn/năm

TT Loài vật nuôi CTR bình quân (kg/ngày/con) Tổng chất thải rắn
2011 2012 2013
1 10 19.500 18.600 18.500
2 Trâu 15 14.600 14.000 13.800
3 Lợn 2 19.400 19.000 18.900
4 Gia cầm 0,2 23.000 22.000 22.600
5 Dê, cừu 1,5 684 725 726
6 Ngựa 4 126 120 113

2015-11-01_221527

Hình 3. Biểu đồ tỷ lệ các khí thải chính phát sinh từ hoạt động chăn nuôi

2.3. Áp lực lên môi trường do hoạt động nuôi trồng và chế biến thuỷ sản

Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 1046, 4 nghìn ha, trong đó diện tich nước mặn, lợ chiếm 72% tổng diện tích nước mặt nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản chính của nước ta với tổng sản lượng khẩu hàng năm chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc. Việc xây dựng đầm, ao nuôi thủy sản gần cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi sinh sống của quần xã sinh vật, độ muối, lắng đọng trầm tích và sói lở bờ biển. Chất thải trong quá trình nuôi trồng thủy sản như nguồn thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các loại hóa chất, thuốc kháng sinh, lưu huỳnh lắng đọng, Diatomit, Dolomit…đặc biệt lớp bùn thải phát sinh do hoạt động vệ sinh và nạo vét ao nuôi, do phân hủy yếm khí phát sinh các khí độc hại  H2S, NH3, CH4, CH3SH…ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và chất lượng thủy sản nuôi trồng. Bên cạnh đó, nước thải nuôi trồng thủy sản có hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và chất rắn lơ lửng cao làm cho nước có màu và mùi rất khó chịu.

Chất thải phát sinh trong quá trình chế biến thủy sản bao gồm nước thải từ quá trình rửa, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, vệ sinh nhà xưởng, nước rửa máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất chất thải rắn chủ yếu là các phụ phẩm (đầu, xương, nội tạng…), các loại giấy vụ, bao bì các tông; chất thải nguy hại từ các thùng đựng hóa chất, các loại thuốc khử trùng như chlorine, hóa chất cơ bản, chế phẩm hóa học; chất thải sinh hoạt của công nhân. Hiện vẫn còn 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có hệ thống xử lý nước thải. Một số cơ sở chưa có đủ 05 công đoạn quan trọng trong xử lý nước thải là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng nên hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường còn thấp. Tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung ở các làng nghề, việc kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn rất hạn chế.

Hầu hết các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất được thu gomnhuw chất thải sinh hoạt hoặc thải thẳng vào môi trường, không được xử lý gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là mầm bệnh nguy hiểm cho con người. Cùng với những áp lực đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản xòn gây sức ép lớn đến rừng ngập mặn ven biển. Nhiều địa phương, một trong nhưng nguyên nhân làm giảm diện tích rừng ngập mặn là do bị chuyển đổi làm đầm nuôi tôm. Bên cạnh đó, sự xuát hieenjc ảu các sinh vật ngoại lai được nhập khẩu với mục đích nuôi trồng thủy sản trở thành những loài ngoại lai xâm hại.

2.4. Áp lực từ hoạt động chế biến Nông sản thực phẩm

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có gần 5.000 nhà máy chế biến nông sản thực phẩm với quy mô công nghiệp, còn lại là các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm do tư nhân làm chủ. Hầu hết các đơn vị chế biến đều được xây dựng gắn liền với vùng nguyên liệu tập trung tùy thuộc theo đặc trưng của từng vùng miền. Các cơ sở này phân phối không đồng đều ở các địa phương và hình thành tự phát, phân tán với quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu,  ngoài ra các cơ sở này còn tiêu thụ năng lượng lớn, lượng nước sử dụng nhiều và các phụ phế phẩm của quá trình chế biến không được thu gom, thải trực tiếp vào môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Hàng năm, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm thải vào môi trường với khối lượng khá lớn chất thải ở cả 03 dạng rắn, lỏng và khí. Đặc trưng chất thải của các cơ sở này là chất hữu cơ phân hủy và bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn. Tính riêng trong sản xuất đường, mỗi năm dư thừa khoảng 01 triệu tấn bã mía và 600.000 tấn mật rỉ.

2.5. Áp lực từ hoạt động của các làng nghề

Làng nghề là một đặc thù của nông thôn Việt nam, không có một quốc gia nào trên thế giới mà vùng nông thôn lại có  mật độ tập trung các làng nghề với hoạt động sản xuất phi nông nghiệp nhiều và đa dạng như vậy. Hiện nay, theo số liệu thống kê, đến hết năm 2014, cả nước có tới 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó, số làng nghề truyền thống được công nhận hiện nay là 1.748 làng nghề. Các làng nghề tập trung chủ yếu tại vùng Đồng bằng Sông Hồng (>50%), vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 25%….

2015-11-01_221643

Hình 4. Biểu đồ tỷ lệ các xã có làng nghề phân theo vùng

            Hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ và thiết bị thủ công đơn giản, lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, tận dụng lao động đơn giản và trình độ nhận thức của người dân tại làng nghề còn hạn chế…là những yếu tố tạo nên áp lực lớn đến chất lượng môi trường khu vực nông thôn có làng nghề và sức khỏe cộng đồng dân cư. Ngoài ra kết cấu hạ tầng nông thôn như đường xá, cống rãnh thoát nước không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, không có đủ diện tích dành cho các công trình xử lý ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị phá dỡ để làm mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải.

            Hầu hết chất thải phát sinh phần lớn được thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, đặc biệt là nước thải tại các làng nghề tái chế phế thải (tái chế kim loại, nhựa, giấy), làng nghề chế biên nông sản thực phẩm, dệt nhuộm đang là vấn đề bức xức gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo thống kê, chỉ có 4,1% làng nghề xử lý nước thải, chất thải độc hại cho thấy rõ nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các làng nghề nông thôn ở nước ta. Chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất tại các làng nghề dưới dạng nước thải, khí thải, chất thải rắn phụ thuộc vào từng loại hình sản xuất, nguyên liệu và sản phẩm nghề của từng làng và tác động xấu đến chất lượng môi trường không khí, môi trường nước và đất…theo các mức độ khác nhau.

            Kết quả điều tra từ các làng nghề, trung bình hàng ngày có tới 15.000m3 nước thải phát sinh, phần lớn là chưa được xử lý và xả thải trực tiếp ra các kênh mương, ao hồ khu vực làng nghề và vùng lân cận. Nước thải sản xuất từ các làng nghề chế biến lương thực thực phẩm chủ yếu là chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học, hàm lượng chất dinh dưỡng như N, P cao; nước thải từ các làng nghề dệt nhuộm ô nhiễm chủ yếu là các tạp chất tự nhiên tách ra từ sợi vải (chất bẩn, dầu, sáp, hợp chất chứa nitơ, pectin trong quá trình nấu tẩy, chuội tơ) và các hóa chất sử dụng trong quy trình xử lý vải, các loại thuốc nhuộm, chất tẩy giặt còn nước thải của làng nghề tái chế ô nhiễm độc hại vì có nhiều hóa chất, đặc biệt các kim loại nặng, axit, xyanua… hay các hóa chất từ khâu tẩy rửa nguyên liệu trong quá trình tái chế nhựa…

Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, hiện cả nước có hơn 35.400 cơ sở giết mổ (với 815 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 34.600 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Hoạt động này đang diễn ra ở mức báo động về ô nhiễm môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Tại các cơ sở giết mổ tập trung, tuy đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là về tiếng ồn, ô nhiễm mùi và nguồn nước thải. Các điểm giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong các khu dân cư và phát triển một cách tự phát, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được một phần nhỏ, cơ sở vật chất hầu như không có nơi dành riêng cho từng công đoạn, không tách biệt giữa khu sạch và khu bẩn; các loại chất thải như phân, nước, phụ phẩm xả tràn lan khi giết mổ hoặc thải trực tiếp xuống sông, cống rãnhthoát nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

            Mô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề thường bị ô nhiễm do các hoạt động sản sinh năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, do quá trình phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, khí thải phát sinh từ đốt chất thải rắn, hơi dung môi hóa chất sử dụng. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do khí thải chủ yếu tập trung tại các làng nghề tái chế phê liệu (nấu nhựa, hơi dung môi trong quá trình tái chế kim loại…); chế biến lương thưc, thực phẩm, giết mổ gia súc (phân hủy chất hữu cơ).

Chất thải rắn sản xuất ở hầu hết các làng nghề được thu gom chung với chất thải rắn sinh hoạt và chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng về số lượng và loại hình sản xuất tại làng nghề, chất thải rắn ngày càng tăng và phức tạp về thành phần gây tác động xấu tới môi trường đất và nước ngầm.

   Bảng 3. Đặc trưng ô nhiễm từ sản xuất của một sô loại hình làng nghề

Loại hình sản xuất Các dạng chất thải
Khí thải Nước thải Chất thải rắn Ô nhiễm khác
Chế biến lương thực, thực phẩm và chăn nuôi, giết mổ Bụi, CO, SO2, NOx, CH4 COD,BOD5, SS, tổng N, tổng P, Coliform và trong nước ngầm (COD, TS, NH4+) Xỉ than, CTR từ nguyên liệu Ô nhiễm nhiệt, độ ẩm
Dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da Bụi, CO, SO2, NOx, hơi axit, hơi kiềm, dung môi BOD5, COD, độ màu, tổng N, hóa chất thuốc tẩy, Cr6+ (thuộc da) Xỉ than, tơ sợi, vải vụn, cặn và bao bì hóa chất Ô nhiễm nhiệt, độ ẩm và tiếng ồn
Thủ công mỹ nghệ (gốm sứ, sơn mài, gỗ mỹ nghệ, chế tác đá) – Bụi, CO, SiO2, SO2, NOx, HF, THC

– Bụi, hơi xăng, dung môi, Oxit Fe, Zn, Cr, Pb

BOD5, COD, SS, độ mầu, dầu mỡ công nghiệp Xỉ than (gớm sứ), phế phẩm, cặn hóa chất Ô nhiễm nhiệt (gốm sứ)
Tái chế phế liệu (giấy, nhựa, kim loại) – Bụi, SO2, H2S, hơi kiềm.

– Bụi, Co, hơi kim loại, hơi axit, Pb, Zn, HF, HCL, THC.

– Bụi, CO, Cl2, HCL, THC, hơi dung môi

– pH, BOD5, COD, SS, tổng N, tổng P, độ mầu

– COD, SS, dầu mỡ, CN-, kim loại

– BOD5, COD, tổng N, tổng P, độ màu, dầu mỡ, tổng N, hóa chất, thuốc tẩy, Cr6+

– Bụi giấy, tạp chất từ giấy, phế liệu, bao bì hóa chất

– Xỉ than, rỉ sắt, vụn kim loại nặng (Cr6+, Zn2+…)

– Nhãn mác, tạp chất không tái sinh, cao su

Ô nhiễm nhiệt
Vật liệu xây dựng, khai thác đá Bụi, CO, SO2, NOx, HF, THC SS, Si, Cr Xỉ than, xỉ đá, đá vụn Ô nhiễm nhiệt, tiếng ồn, độ rung

2.6. Áp lực lên Môi trường từ các hoạt động dân sinh

Với số dân sinh sống tại khu vực nông thôn chiếm đến 67% tổng dân số cả nước thì hoạt động dân sinh ở vùng nông thôn sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường. Khi kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhu cầu phục vụ đời sống của người dân tăng dẫn đến tình trạng các hệ thống kinh doanh, dịch vụ tại làng nghề cũng tăng lên và đồng nghĩa với việc lượng chất thải sinh hoạt của người dân ngày càng tăng và đa dạng hơn.

Nước thải sinh hoạt chiếm 80% lượng nước sử dụng với các đặc trưng ô nhiễm là chất hữu cơ có hàm lượng N và P cao. Nếu lượng nước thải sinh hoạt lớn này không được xử lý sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước và môi trường đất ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân. Mặt khác, do nguồn nước mặt bị ô nhiễm hay nhiễm mặn (đặc biệt vùng duyên hải) nên nhu cầu sử dụng nước dưới đất của người dân tăng lên. Việc khai thác nước dưới đất với khối lượng lớn có nguy cơ làm hạ thấp mực nước ngầm, gây hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nước ngầm, làm gia tăng khả năng thẩm thấu hay xâm nhập mặn. tình trạng nhiều giếng nước không còn sử dụng và không có biện pháp xử lý trở thành tác nhân đưa nguồn ô nhiễm vào nước ngầm, gây ra hiện tượng thông tầng mạch nước ngầm tạo điều kiên cho ô nhiễm lây lan.

Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn trước đây có tỷ lệ khá cao chất hữu cơ và phần lớn là chất hữu cơ dễ phân hủy, tuy nhiên, do nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng nông thôn ngày càng cao, khối lượng và thành phần chất thải sinh hoạt đã có thay đổi. Theo ước tính thì lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh năm 2013 tại khu vực nông thôn khoảng 18.200 tấn/năm, tương đương 6,6 triệu tấn/năm. Mặt khác tỷ lệ các thành phần nhựa, cao su, ni lông, bao bì đựng các vật liệu hữu cơ và vô cơ tăng dẫn đến các biện pháp xử lý các chất thải rắn sinh hoạt truyền thống bị hạn chế. Người dân ở một số vùng nông thôn vẫn có thói quen vứt rác thải bừa bãi ven đường… tạo nên các bãi rác tự phát không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường không khí do mùi hôi thối; ô nhiễm nước mặt và nước ngầm do nước rỉ rác  và thay đối chất lượng thành phần đất, tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

2015-11-01_221728

 Hình 5. Biểu đồ về thải lượng nước thải được tính toán dựa trên số dân theo NGTK 2013

2015-11-01_221755

Hỉnh 6. Biểu đồ tỷ lệ phát sinh CTR SH theo vùng 7

 2.7.  Áp lực từ hoạt động phát triển công nghiệp và các ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu

Việc quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất công nghiệp đã không được đầu tư kịp thời với phát tiển công nghiệp. Nhiều nơi diện tích đất nông nghiệp bị thay đổi mục đích sử dụng sang đất phát triển công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp đã hình thành tại khu vực nông thôn nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng và công trình bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp, khu kinh tế ở các vùng lân cận có hiện tượng xả chất thải ô nhiễm vào khu vực nông thôn gây ảnh hưởng  nghiêm trọng đến chất lượng môi trường.

Biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng thời tiết bất thường đang có dấu hiệu phổ biến gây ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và gia tăng sức ép lên con người và môi trường nông thôn như nhiệt độ tăng cao, lũ lụt, hạn hán…Đặc biệt, hiện tượng cuốn trôi chất ô nhiễm, gây xói mòn, sụt lở đất do lũ lụt và hiện tượng bốc mùi từ các khí phân hủy chất hữu cơ vào mùa hanh khô là vấn đề đáng lo ngại nhất.

III. DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC NÔNG THÔN VÀ CÁC ÁP LỰC, NGUY CƠ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG TRONG NHỮNG NĂM TỚI

Nếu căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, làng nghề, nông thôn có thể thấy được xu hướng phát triển của ngành trong những năm tới vẫn là liên tuc phát triển mạnh về số lượng, diện tích, năng suất các  ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tại làng nghề. Dự báo các nhân tố chính tác động lên chất lượng môi trường do sự phát triển của  ngành  nông nghiệp, nông thôn và làng nghề  không chỉ là việc triển khai thực hiện các kế hoạch chiến lược phát triển ngành mà còn phụ thuộc vào các nhân tố khách quan khác như chính sách quản lý của nhà nước, vấn đề thị trường, khả năng chịu tải của môi trường. Để có thể dự báo được về các áp  lực tới môi trường theo xu hướng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và làng nghề trong những năm tới đòi hỏi phải có nhiều thông tin, tính toán… Do vậy, trong khoảng thời gian ngắn khó có thể có được những dự báo đầy đủ về áp lực đối với môi trường trong tương lai do hoạt độ sản xuất nông nghiệp, nông thôn và làng nghề. Trong khuôn khổ báo cáo này sẽ tạm thời dự báo sơ bộ với kịch bản xấu nhất là theo xu thế phát triển thì các áp lực đối với  môi trường sẽ tỷ lệ thuận tăng lên, các chính sách đã ban hành chưa thực sự có hiệu quả và thực tiễn chưa có các tác động tích cực hơn so với hiện tại, hiện trạng quản lý, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm vẫn như trong thời gian qua, chưa có những chính sách mới, biện pháp mới tổng hợp, triệt để hơn được áp dụng. Dự báo áp lực lên môi trường và tác động xấu sẽ được thể hiện thông qua nguy cơ ô nhiễm các thành phần môi trường và tácđộng tới sức khỏe.

3.1. Dự báo xu hướng phát triển hoạt động nông nghiệp và các áp lực đối với môi trường trong những năm tới 

3.1.1. Dự báo xu hướng phát triển

Việc dự báo xu hướng phát triển ngành nông nghiệp trong những năm tới là căn cứ theo một số quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên cả nước. Trong thời gian qua bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp trong cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, đã xác định một số chỉ tiêu cụ thể cho các giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 như sau:

– Cơ cấu ngành nông lâm thủy sản đến 2020: nông nghiệp chiếm 64,7%, lâm nghiệp 2%, thủy sản 33%… định hướng đến năm 2030 thì cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ giảm xuống chỉ còn 55%, lâm nghiệp 1,5% và thủy sản tăng lên 43,5%.

– Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản trung bình từ 3,5-4%/năm và hướng tới 2030 tốc độ tăng trưởng GDP lại giảm nhẹ xuống còn 33,2%.

– Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản là 4,3-4,7% và hướng tới năm 2030 giá trị tăng trưởng này là từ 4-4,3 %/năm.

– Khai hoang mở rộng thêm đất nông lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tới năm 2020 khoảng 1,1 triệu ha (gồm trồng lúa, cây ngắn ngày ,cây lâu năm và trồng rừng), đất sản xuất nông nghiệp 2020 là 9,59 triệu ha, giảm 550 ngàn ha so với năm 2010, trong đó, đất trồng lúa là 3,812 triệu ha. Đất nuôi trồng thủy sản tới 2020 là 790 ngàn ha tăng thêm 99 ngàn ha so với năm 2010, diện tích nuôi trồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 70%.

– Áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh tiên tiến để đạt sản lượng 41-43 triệu tấn năm 2020 và 44 triệu tấn năm 2030, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Mở rộng diện tích và tăng năng suất đối với các cây lương thực và công nghiệp ngắn ngày cũng như cây lâu năm (cao su , ca phê , điều , hồ tiêu, cacao, cây ăn quả).

– Phát triển các loại gia súc, gia cầm theo hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp, bán công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ, chế biến: phát triển chăn nuôi tập trung tới 2020 đạt 60 % tổng số trang trại. Về quy hoạch đàn vật nuôi, tới 2020 tổng đàn lợn đạt 34 triệu con, trâu đạt khoảng 03 triệu con, bò 12 triệu con, mở rộng chăn nuôi bò sữa ven các đô thị lên 500 ngàn con, đàn gia cầm đạt 360 -400 triệu con và 14 tỷ quả trứng.

– Thủy sản: diện tích nuôi tròng thủy sản đến 2020  là 1,2 triệu ha, trong đó đất ven biển nuôi trồng thủy sản là 07 ngàn ha, đất trũng trồng lúa sang 90 ngàn ha, chuyển đổi một số diện tich lúa 01 vụ trên địa bàn trũng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng sang nuôi cá.

3.1.2. Dự báo các áp lực môi trường

Như đã phân tích về áp lực của các lĩnh vực trong nông nghiệp lên môi trường tại phần II, chất thải từ trồng trọt chủ yếu là dư lượng thuốc BVTV; bao bì thốc BVTV và thức ăn chăn nuôi; phân gia súc, nước vệ sinh chuồng trại …         Với dự báo về xu hướng phát triển ngành nông nghiệp nêu trên, có thể nhận thấy trong thời gian tới, chất thải phát sinh từ trồng trọt, chăn nuôi đều có sự chuyển biến.

 Song song với sự phát triển của ngành trồng trọt, tình trạng tăng sử dụng phân bón học và thuốc BVTV là rất đáng kể. Theo số liệu thống kê năm 2008, tổng lượng phân bón sản xuất và nhập khẩu 7.437.994 tấn thì đến năm 2014, ước tính là 10.325.000 tấn, trung bình tăng khoảng 481.167 tấn/năm. Như vây, nếu không có biện pháp quản lý, nếu cây trồng hấp thụ khoảng 40-50% hàm lượng các chất trong phân bón thì dư lượng thuốc BVTV có thể ngấm vào môi trường là 192.467 – 240.583 tấn/năm. Đây là con số rất đáng lo ngại, tình trạng tích lũy chất ô nhiễm trong đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

2015-11-01_221850

Hình 8. Ô nhiễm do thuốc BVTV

Xu hướng ngành chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, chăn nuôi theo đàn vừa là tích cực và cũng là mối nguy hiểm đối với môi trường. Với quy mô tập trung thì việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả thì chất thải từ hoạt động chăn nuôi này lại là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường. Theo thống kê hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm 25 % cơ cấu ngành nông nghiệp và lượng chất thải khoảng 84,5 triệu tấn, chất thải chăn nuôi bên cạnh gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tình trạng ô nhiễm mùi và không khí do phân hủy cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Như vậy, với đặc trưng chất thải này nếu ngành chăn nuôi tăng số lượng gia súc, gia cầm theo đàn hoặc quy mô trang trại trong thời gian tới thì lượng chất thải tập trung tại mỗi cơ sở cũng tăng tác động trực tiếp tới cuộc sống và môi trường sống khu vực nông thôn. Một ví dụ điển hình là tình trạng gây ô nhiễm của Trại lợn giống Thái Dương thuộc Công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương tại Xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ an đã khiến cho người dân bức xúc dựng lều vây quanh trại phản đối việc gây ô nhiễm do Công ty này gây ra. Tính tổng thiệt hại được thống kê năm 2012 là 14,2 ha diện tích lúa và 4,23ha diện tích nuôi cá thiệt hại và ảnh hướng đến nước sinh hoạt của 16 hộ dân trong vùng. Quan trọng hơn cả là người dân phải sống trong mùi hôi thối, ô nhiễm không khí một thời gian khá dài ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của họ. Từ các thiệt hại này nếu nhân lên với số lượng các trang trại chăn nuôi thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn đến như thế nào khi không được quản lý.

Nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường cần được quan tâm hiện nay, theo quy hoạch thì diện tích đất nuôi trồng thủy sản định hướng tới năm 2020 là 790 ngàn ha tăng thêm 99 ngàn ha so với năm 2010 tức ước tính tăng khoảng 9,9 ngàn ha/năm. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản tăng dẫn đến tình trạng tằn diện tích xâm lấn ven biển, cửa sông và xâm lấn mặn vào đất liền, xảy ra các tình trạng dịch bệnh… ảnh hưởng đến chất lượng đất, đến môi trường sống của quần xã sinh vật, độ muối, xói lở bờ biển. Bên cạnh đó, lượng thức ăn cho nuôi trồng thủy sản mỗi năm cần khoảng 4,4 triệu tấn sẽ thải vào môi trường ít nhất 30% (tương ứng 1,32 triệu tấn/năm) không được xử lý.

3.2. Dự báo xu hướng phát triển hoạt động làng nghề và áp lực lên môi trường trong nhưng năm tới 

  Cùng với nhu cầu thị trường, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã khôi phục và phát triển mạnh mẽ tại khu vực nông thôn. Tại các khu vực Đồng bằng Sông Hồng, Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, xu hướng tăng nhiều hơn so với các khu vực khác, đặc biệt là các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Hồng. Tuy nhên, tùy thuộc vào mức độ phát triển, thị trường tại từng thời điểm và cạnh tranh chất lượng sản phẩm, các loại hình sẽ có sự thay đổi khác nhau. Loại hình sản xuất Vật liệu xây dựng tại các làng nghề do mâu thuẫn và khó khăn để cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp có xu hướng suy giảm, không phát triển; loại hình sản xuất thủ công mỹ nghệ có tiềm năng phát triển lớn nhất do nhu cầu xuất khẩu và phát triển du lịch; loại hình dệt nhuộm vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là khôi phục dệt truyền thống tại các vùng Đồng bằng Sông Hồng ưu tiên phục vụ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu thị trường trong nước; loại hình chế biến lương thực, thực phẩm mặc dù hiện nay đa dạng và phát triển, tuy nhiên do công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô nhỏ nên chỉ có một số sản phẩm có khả năng phát triển như bún, bánh… còn các sản phẩm khác thì khó để cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp nên khả năng phát triển không cao.

2015-11-01_221930

Hình 9. Ô nhiễm tại lò gạch làng nghề

 

Trên cơ sở dự báo xu hướng phát triển làng nghề trong những năm tới, thành phần chất thải phát sinh tại các làng nghề cũng có những sự thay đổi nhất định, cụ thể, lượng chất thải tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm, chế biến lương thực thực phẩm khả năng tăng trong thời gian tới cao còn các nhóm loại hình khác tăng thấp, không tăng hoặc có thể giảm dần so với thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, với các quy định về biện pháp quản lý, xử lý chất thải tại các làng nghề hiện nay nếu thực hiện tốt thì mặc dù lượng chất thải tăng song mức độ ô nhiễm môi trường lại giảm đi đáng kể. Đặc biệt là đối với các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao như tái chế phế liệu thì biện pháp phù hợp nhất là chuyển vào khu, cụm công nghiệp để thực hiện các quy định quản lý chặt chẽ hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất; các làng nghề, ưu tiên phát triển làng nghề thủ công truyền thống như dệt nhuộm tự nhiên, thủ công mỹ nghệ chủ yếu sử dụng sự khéo léo của bàn tay…thì trong thời gian tới, chất thải làng nghề không còn là vấn đề đáng lo ngại của người dân.

3.3. Xu hướng phát triển, đổi mới khu vực nông thôn và các áp lực lên môi trường trong những năm tới

3.3.1. Xu hướng phát triển, đổi mới khu vực nông thôn

Thực hiện các Kế hoạch, chiến lược, Chương trình về phát triển nông thôn trong thời gian qua, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã giúp đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển mạnh, nổi bật là đầu tư về gia thông, nông thôn, thủy lợi, điện.

Theo chiến lươc phát triển nông nghiệp, nông thông giai đoạn 2010-2020 và kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2016-2020, tới năm 2020, phân đấu có 50% sô xã đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng; thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường theo tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về chuẩn nông thôn mới như cải tạo nâng cấp  hệ thống tiêu thoát nước, xây dựng các điểm thu gom  xử lý rác thải, chỉnh trang các nghĩa trang, ao hồ trong thôn xóm …Ngoài ra theo quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn tới 2020 sẽ tập trung  xây dựng và phát triển các vùng sinh thái nông nghiệp phù hợp với đặc điểm của địa phương (6 vùng sinh thái), tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm bình quân 2% năm, phối hợp hiệu quả giữa công nghiệp dịch vụ với sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Chuyển phần lớn lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp, lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp …..

3.3.2. Những áp lực và nguy cơ đối với môi trường

Song song với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội thì chất thải từ hoạt động dân sinh ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại và thành phần, đặc biệt là chất thải rắn và nước thải. Theo ước tính, hiện nay mỗi người phát sinh khoảng 0,3kg/ngày chất thải rắn tương đương đương với 6,6 triệu tấn/năm vào năm 2013 và tập trung chủ yếu tại các vùng đồng bằng. Nếu giả thiết, đến năm 2020, số lượng người dân tại khu vực nông thôn không thay đổi, các phế phẩm, rác thải không thay đổi nhưng đa dạng hơn về thành phần và chủng loại, đặc biệt là các thành phần khó phân hủy thì áp lực lên môi trường khi không được xử lý đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt tại các làng nghề, tình trạng chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất không được phân loại thì độ phức tạp về thành phần chất thải rắn lại tăng lên gấp bội. Bên cạnh đó, nước thải ngày càng ứ đọng, ngấm sâu vào đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

2015-11-01_222017

Hình 10. Rác thải sinh hoạt

Cơ sở hạ tầng phát triển theo hướng bê tông hóa cũng đang là thách thức đối với môi trường. Các hàng rào xanh lần lượt được thay thế bằng thành bê tông, đường cũng được rải nhựa cũng gây nên sức ép với môi trường, làm giảm điều hòa không khị tự nhiên từ cây xanh, tăng ô nhiễm nhiệt vào mùa hanh khô, nóng…

2015-11-01_222102

Hình 11. Bê tông hòa tường rào nông thôn

  1. ĐỊNH HƯỚNG BIỆN PHÁP TỔNG HỢP PHÒNG NGỪA VÀ KIỂM SOÁT Ô NHIỄM DO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ LÀNG NGHỀ

Phát triển bền vững là quan điểm chung đối với sự phát triển ở Việt nam, trong đó có môi trường nông thôn. Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội gắn liền với hoạt động bảo vệ và cải thiện môi trường, đảm bảo sự hài hòa giữa môi trường và phát triển kinh tế, xã hội  khu vực nông thôn, điều này cần được thể hiện rõ qua các chính sách và biện pháp triển khai thực tiễn. Đó là không hy sinh lợi ích môi trường nông thôn cho lợi ích kinh tế trước mắt; đó là từ lợi ích của sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt lúa, hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến lương thực thực phẩm cũng như các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… cần được chia sẻ cho hoạt động bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững và vì cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn. Có thể định hướng một số biện pháp tổng hợp, đồng bộ như sau:

4.1. Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường nông thôn

Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, Chiến lược Bảo vệ Môi trường quốc gia đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020… cũng như một số văn bản, chính sách khác như Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật… đã được triển khai thực hiện mang lại cho nông thôn Việt nam một luồng sinh khí mới. Đến nay, các chính sách pháp luật đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.

Tuy nhiên, cần sớm ban hành các văn bản chuyên biệt quy đinh một cách hệ thống quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn… cần sớm chỉnh sửa, hoàn thiện một sô điều chưa phù hợp với thực tế, thiếu hiệu quả khi áp dụng hoặc bổ sung các nội dung hướng dẫn thi hành đối với vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn như tiêu chí môi trường trong công nhận nông thôn mới; quy định về quản lý, xử lý các loại chất thải; thu phí bảo vệ môi trường; phân cấp trách nhiệm cơ quan quản lý; xây dựng các quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng đối với môi trường làng nghề phù hợp với thực tế và có tinh khả thi. Riêng với đặc trưng khu vực nông thôn, việc xây dựng quy chế và hương ước bảo vệ môi trường nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn là rất quan trọng bởi “phép vua thua lệ làng”.

Các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật ban hành quan trọng hơn nữa phải đi đến từng người dân, nâng cao nhận thức cho người dân để việc tuân thủ, thực thi các quy định có hiệu quả. Hiện nay, mặc dù hệ thống văn bản đã ban hành khá nhiều, tuy nhiên chưa thực sự được triển khai đầy đủ, do vậy hiệu quả đạt được còn rất hạn chế.

4.2. Xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống  quản lý và bảo vệ môi trường các cấp đặc biệt là đối với bảo vệ môi trường nông thôn cấp xã, huyện.

Việc phân công trách nhiệm quản lý đã được quy định tại các văn bản pháp luật. Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra các văn bản, quy định, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường nông thôn; việc quản lý về môi trường trong nông nghiệp và nông thôn mới thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành khác quản lý môi trường khu dân cư tập trung…theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, thể hiện tại sơ đồ sau:

 2015-11-01_222156

Tuy nhiên, có một điều có thể nhận thấy là các Bộ, ngành quản lý còn có sự chồng chéo về đối tượng, chưa thống nhất đầu mối và đặc biệt đối tượng là các hộ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được quản lý.

Mặt khác cần nang cao  chất lượng và trình độ của đối ngũ cán bộ tham gia các hoạt động quản lý môi trường cấp huyện và cấp xã. Cần có các đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cấp quản lý chất thải nông thôn, phân công rõ trách nhiệm quản lý môi trường tại các vùng sinh thái, các vùng chăn nuôi tập trung và nhỏ lẻ, các khu vực nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chế biến nông sản thực phẩm và đặc biệt là tại các làng nghề. Các biện pháp quản lý môi trường cần phù hợp với đặc thù của vùng sinh thái nông thôn, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển vùng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làng nghề …

4.3. Lựa chọn và đề xuát các giải pháp kĩ thuật công nghệ trong phòng ngừa giảm thiểu và xử lý các loại chát thải nông nghiệp và nông thôn phù hợp, khả thi và hiệu quả

Vùng nông thôn trải rộng theo khắp chiều dài đất nước, các nguồn phát sinh chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, và hoạt động của các làng nghề thường phân tán theo diện rộng và có những đặc thù riêng về dạng chất thải, mức độ nguy hại và phương thức xả thải. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng, đầu tư cho nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với trình độ quản lý và kĩ thuật vận hành của người dân tại khu vực. Ưu tiên các công nghệ phòng ngừa và giảm thiểu chất thải nông nghiệp và nông thôn, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải nông nghiệp, giảm tiêu thụ phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Bắt buộc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xử lý triệt để các điểm ô nhiễm tồn lưu trong khu vực. Áp dụng công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải nuôi trồng và chế biến thủy sản, nước thải làng nghề … đạt yêu cầu tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường trước khi xả thải.

4.4. Tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và ứng phó các sự cố rủi ro

Tăng cường giám sát hiệu quả của việc thực hiện các chính sách pháp luật hiện hành, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến môi trường nông thôn. Các Nghị định, Thông tư dưới Luật đã ban hành và có hiệu lực, tìm hiểu nguyên nhân và nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.

Hoàn thiện và bổ sung các quy định về kiểm soát và giám sát chất lượng môi trường theo các vùng sinh thái và đặc thù của hoạt động kinh tế – xã hội, khu vực nông thôn. Cơ quan quản lý môi trường triển khai các hoạt động quan trắc chất lượng môi trường xung quanh, kịp thời phát hiện ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm nước tại các lưu vực sông, tiếp nhận nguồn xả thải từ các hoạt động nông nghiệp và nông thôn để có biện pháp kịp thời khắc phục. Giám sát các cụm công nghiệp, các trang trại chăn nuôi, chế biến nông sản thực phẩm, các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Các làng nghề phải tự thực hiện chương trình giám sát môi trường do các hoạt động sản xuất theo các Báo cáo Đánh giá tác động môi trường,  kế hoạch bảo vệ môi trường, các phương án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt nhằm kiểm soát các hoạt động có thể gây ô nhiễm môi trường khu vực sông .

4.5. Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường

Ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn là do hoạt động sản xuất nông nghiệp, hoạt động tiểu thủ công nghiệp của cộng đồng dân cư  vì vậy việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng là hết sức quan trọng và cần thiết. Hoạt động này cần được triển khai đến tất cả các tầng lớp dân cư từ các học sinh, tổ chức đoàn Thanh niên, tổ chức Đảng, Hội phụ nữ, Hội khuyến học, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các lớp tập huấn, đào tạo tuyên truyền viên… để cộng đồng dân cư nhận thức được trách nhiệm trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Việc huy động sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường là rất cần thiết, khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, lồng ghép các quy định bảo vệ môi trường vào các Hương ước, Quy ước, Cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình tự quản về bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư; khuyến khích, khen thưởng các mô hình tập thể và các cá nhân tiên tiến trong hoạt động BVMT.

KẾT LUẬN

            Nông thôn Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên đời sống của người dân vùng nông thôn còn thấp, các hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp, các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề trong điều kiện công nghệ còn lạc hậu, phát sinh nhiều chất thải ra môi trường, hạ tầng cơ sở còn yếu kém, các công trình xử lý chất thải còn thiếu và không hiệu quả… đã tạo nên áp lực lớn đối với môi trường nông thôn. Trong những năm tới, xu hướng phát triển các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển, nếu như các hoạt động bảo vệ môi trường không theo kịp các vấn đề môi trường phát sinh ngày càng tăng thì nguy cơ suy giảm chất lượng môi trường nông thôn ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu tới tất cả các hoạt động phát triển kinh tế và đời sống cộng đồng.

             Để hướng tới phát triển triển bền vững tại các vùng nông thôn, cần có định hướng các chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động BVMT nông thôn, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường các cấp, triển khai các hoạt động quản lý môi trường phù hợp với đặc thù của vùng nông thôn, áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ phòng ngừa giảm thiểu phát sinh chất thải, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải, nước thải, chất thải rắn phù hợp với điều kiện nông thôn . Huy động sự tham gia của cộng đồng, tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư là những hoạt động không thể thiếu, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1.  Bộ Tài nguyên và Môi trường – Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia 2014 – Môi trường nông thôn.
  2. Đặng Kim Chi (Chủ biên) Làng nghề Việt Nam và môi trường, phần 1, 2, 3 -Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật 2012, 2013, 2014
  3. Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030
  4. Kế hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2016-2020
  5. Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp 2010-2020
  6. Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020
  7. Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13
  8. Nghị định số 19/2015/ND- CP về Quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Bảo vệ môi trường
  9. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020
  10. Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015
  11. Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015

………………………………………………………………………………………………..

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *