Biến đổi khí hậu và vấn đề mực nước biển dâng

1.5/5 – (2 votes)

“Biến đổi khí hậu và vấn đề mực nước biển dâng”

 Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

 Những năm 90 của thế kỷ XX, toàn thế giới quan tâm đến vấn đề môi trường. Con người tự hỏi chúng ta đang làm gì với hành tinh này và họ càng nhận thức rõ hơn rằng con người đang gây ra những tác động xấu đến môi trường thông qua các hoạt động kinh tế và đang làm biến đổi những điều kiện cơ bản của sự sống trên trái đất.

2015-10-22_003342

Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu ra đời năm 1992 là một trong những điều ước quốc tế quan trọng để các nước cùng chung sức đối phó với thách thức này. Việt Nam đã tham gia Công ước ngày 16/11/1994 và ký tham gia Nghị định thư Kyoto (kèm theo Công ước khung về biến đổi khí hậu) năm 1998.

Biến đổi khí hậu dẫn đến sự thay đổi chế độ nhiệt, chế độ nước trên trái đất. Trong thế kỷ qua, con người đã chứng kiến nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất tăng và có sự chuyển dịch các đới khí hậu trên hành tinh. Đây là  hai trong số các hậu quả của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu dẫn đến mưa nhiều hơn, nhưng lượng mưa phân bố không đều theo không gian và thời gian và làm cho nhiều nơi trên trái đất bị lũ lụt, trong khi nhiều khu vực bị hạn hán nghiêm trọng.

Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng 1,5-4,5oC trong vòng 100 năm tới. Trong thế kỷ trước, mực nước biển trung bình trên toàn cầu đã dâng lên khoảng 15 cm; dự đoán đến năm 2030, mực nước biển sẽ dâng thêm 18 cm nữa. Nếu tiếp tục xu thế phát thải khí nhà kính như hiện nay thì mức dâng lên của mực nước biển vào năm 2100 có thể tới 65 cm so với hiện nay. Mực nước biển dâng lên có thể làm nhiễm mặn các nguồn cung cấp nước ngọt cho các hoạt động sản xuất và đời sống và đe doạ các quốc đảo và vùng đất thấp.

2015-10-22_002038

Các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, vận tải, công nghiệp, lâm nghiệp, quản lý rác thải … là những lĩnh vực gây phát thải nhiều các khí nhà kính vào khí quyển. Các nước tham gia Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu đã cam kết tiến hành kiểm kê và công bố quốc gia về khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

2015-10-22_003614

Nước ta có bờ biển dài trên 3.260 km. Vùng đồng bằng ven biển là nơi quần cư của người Việt, nơi có nhiều hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Các vùng đất thấp ven biển của Việt Nam được khai thác trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản đã, đang và sẽ góp phần đáng kể trong nền kinh tế nước ta. Nếu với tốc độ gia tăng nhiệt độ toàn cầu như hiện nay, trong tương lai không xa, các vùng này sẽ ra sao? bị ngập úng, nhiễm mặn, mất sức sản xuất…? Đây là một vấn đề cần được khảo sát, đánh giá và đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta.

2015-10-22_003430

Nước ta đã tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, đã triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính, đã có các chương trình tăng cường các bể hấp thụ CO2 như chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, bảo vệ và phát triển các khu dự trữ sinh quyển được công nhận; triển khai rộng rãi các hầm khí biogas nhằm hạn chế phát thải khí mêtan, thành lập Cơ quan thẩm quyền quốc gia để xem xét, phê duyệt các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM). Các dự án đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo (thuỷ điện, phong điện), thu gom khí mêtan, phát triển hầm biogas, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu động cơ … là những dự án được khuyến khích ở nước ta.

[ Nguồn: BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO “BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ VẤN ĐỀ MỰC NƯỚC BIỂN SẼ DÂNG LÊN” của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 2008′]

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *