Cơ sở lý luận phục vụ xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường ở cấp huyện – nghiên cứu tại huyện Phú Lộc, Tỉnh Thừa Thiên Huế

5/5 – (1 vote)

ThS. NCS. Nguyễn Huy Anh

Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế

 

TÓM TẮT

Bài báo giới thiệu kết quả nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học cho định hướng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp huyện và kết quả nghiên cứu điển hình tại địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phân vùng chức năng môi trường đã được xác định là cơ sở quan trọng, dựa trên kết quả phân tích tổng hợp giữa các yếu tố tự, điều kiện KT-XH và hiện trạng môi trường. Ngoài ra, nghiên cứu thực tiễn tại địa bàn huyện Phú Lộc đã phân chia toàn bộ diện tích của huyện thành 17 vùng và 26 tiểu vùng chức năng môi trường. Đây là cơ sở bước đầu để xác định các vấn đề BVMT cho các tiểu vùng góp phần cho huyện xác định các hướng phát triển KT-XH trong tương lai và gắn kết với vấn đề bảo vệ môi trường một cách hợp lý.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Quy hoạch bảo vệ môi trường (QHBVMT) là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam, đến nay đã có một số sáng kiến được áp dụng trong các trường hợp cụ thể, song vẫn chưa đem lại sự thống nhất chung là làm thế nào để giải quyết một cách hài hòa các mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Để giải quyết các vấn đề môi trường từ các hoạt động phát triển KT-XH một cách không hợp lý thì rất cần thiết xây dựng QHBVMT cho lãnh thổ.

Trong Luật BVMT năm 2014 đã có giải thích về thuật ngữ QHBVMT như sau: QHBVMT là việc phân vùng môi trường để bảo tồn, phát triển và thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường gắn với hệ thống giải pháp bảo vệ môi trường trong mối liên quan chặn chẽ với quy hoạch phát triển KT-XH nhằm phát triển bền vững [1].

Tuy nhiên, trong Luật BVMT 2014 không quy định các nội dung xây dựng QHBVMT cho lãnh thổ cấp huyện, chính vì vậy việc xây dựng cơ sở khoa học cho mục đích lập QHBVMT là rất cần thiết nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững ở địa phương. Phú Lộc là một huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng diện tích tự nhiên khoảng 72.092,23ha chiếm 14,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và dân số tính đến năm 2012 là 134.628 người chiếm 13,39% dân số toàn tỉnh. Trong quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Phú Lộc được xác định là địa bàn trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược, tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh. Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp nhằm bảo vệ môi trường cho địa phương trong hiện tại và tương lai phục vụ định hướng PTBV là việc làm hết sức cấp thiết.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN ĐỂ XÂY DỰNG QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CẤP HUYỆN

 Theo Điều 9, Mục 1, Chương 2 Luật bảo vệ môi trường 2014 đã quy định để xây dựng QHBVMT thì phân vùng môi trường hay PVCNMT là nhiệm vụ quan trọng, cơ sở cho định hướng QHBVMT [1]. Ngoài ra qua tổng kết đánh giá một số công trình nghiên cứu về QHBVMT ở Việt Nam cũng cho thấy nội dung PVCNMT được áp dụng và làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất QHBVMT.

2.1. Chức năng môi trường

Môi trường có 3 chức năng cơ bản là: 1) Không gian sống cho muôn loài động vật, thực vật và con người. 2) Nơi cung cấp nguyên vật liệu cho hoạt động sống và hoạt động kinh tế. 3) Nơi chứa đựng và phân hủy chất thải của hoạt động sống và kinh tế.

2.2. Mục tiêu phân vùng chức năng môi trường ở cấp huyện

Mục tiêu của PVCNMT là nhằm đưa ra một hệ thống các đơn vị cấp nhỏ hơn của lãnh thổ nghiên cứu có thể là các nhóm vùng, vùng và tiểu vùng với những đặc trưng riêng phản ánh thực tế khách quan về môi trường, sinh thái, hiện trạng và tiềm năng sử dụng của nó, từ đó đưa ra các định hướng sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường phù hợp với từng vùng và tiểu vùng, nhằm mục tiêu PTBV.

– Làm sáng tỏ đặc điểm về tự nhiên của địa phương đó, xác định tính quy luật trong sự phân hóa các yếu tố tự nhiên theo không gian lãnh thổ, dẫn đến sự hình thành các vùng có những chức năng mang tính tự nhiên, ví dụ vùng đầm phá, đất cát nội đồng, vùng đồng bằng, v.v…

– Phân tích, đánh giá các hoạt động nhân sinh trong quá trình hoạt động sống, cũng như trong phát triển KT-XH, làm biến đổi những vùng có chức năng mang tính tự nhiên, dẫn đến sự hình thành các vùng có những chức năng mang tính nhân sinh, ví dụ vùng đất trống đồi trọc do tàn phá rừng, vùng đô thị như là kết quả của phát triển KT-XH do vùng công nghiệp, do quá trình công nghiệp hóa v. v…

– Lập bản đồ PVCNMT để thể hiện kết quả phân vùng một cách rõ ràng theo không gian lãnh thổ, đó chính là tư liệu tổng hợp phục vụ đắc lực công tác xây dựng QHBVMT và quản lý lãnh thổ theo định hướng PTBV.

2.3. Nhiệm vụ của phân vùng chức năng môi trường ở cấp huyện

PVCNMT là việc phân chia lãnh thổ thành các vùng có điều kiện tự nhiên, KT-XH khác nhau phục vụ việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển KT-XH và phát triển các ngành kinh tế, QHBVMT nhằm bảo tồn, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo PTBV.

Để thực hiện PVCNMT một cách khoa học, phục vụ cho đề xuất QHBVMT phù hợp yêu cầu phát triển vững cần phải:

– Lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp phân vùng nhằm phản ảnh tính quy luật khách quan, đồng thời đảm bảo giá trị sử dụng thực tiễn các tiểu vùng.

– Xác lập các tiêu chí phân vùng thành các vùng, tiểu vùng (và các phân vị nhỏ hơn) phục vụ xây dựng quy hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu con người và bảo tồn.

– Sử dụng các công cụ khoa học nhằm phân vùng chính xác, khoa học, dễ dàng sử dụng cho các mục đích khác nhau.

PVCNMT ở cấp huyện thực chất là giải bài toán về mối quan hệ đa chiều giữa các yếu tố điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và con người trên một lãnh thổ cấp huyện, trong đó giữa các yếu tố luôn luôn có tác động tương hỗ và sự phụ thuộc lẫn nhau. Kết quả phân vùng CNMT cấp huyện là đưa ra một hệ thống cơ cấu các vùng, tiểu vùng để phục vụ quy hoạch phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường sinh thái, trong hệ thống đó mỗi vùng và tiểu vùng, dựa vào chức năng và lợi thế so sánh của mình để định hướng chiến lược phát triển, lập quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch ngành, bao gồm cả QHBVMT.

2.4. Nguyên tắc phân vùng chức năng môi trường

  1. Nguyên tắc khách quan: Xuất phát từ quan niệm rằng, vùng là một thực thể khách quan, nó được hình thành do tác động tương hỗ lâu dài của các yếu tố tự nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên về dòng năng lượng và trao đổi vật chất, vì vậy cần vận dụng những đặc tính khách quan đó của vùng ở trạng thái cân bằng nội tại trong điều tiết sự mất cân đối của vùng do tác động của con người nói riêng [2].
  2. Nguyên tắc đồng nhất tương đối của vùng: PVCNMT dựa trên sự phân tích, đánh giá tổng điều kiện tự nhiên, KT-XH và môi trường. Mỗi vùng được phân định theo sự đồng nhất về tất cả các tiêu chí phân vùng, tuy nhiên không thể có sự đồng nhất tuyệt đối, mà đó chỉ là sự đồng nhất tương đối.
  3. Phù hợp với chức năng môi trường: Chức năng của vùng thể hiện sự gắn kết chặt chẽ theo chiều ngang giữa các hợp phần trong mỗi vùng, từ trung tâm đến ngoại vi. Mỗi hệ sinh thái đều có một vài chức năng chính riêng và một số chức năng khác. Vì vậy, khi tiến hành phân vùng chức năng cần hết sức tôn trọng các quy luật tự nhiên, bảo tồn các chức năng sinh thái và môi trường của vùng.
  4. Phù hợp với yêu cầu quản lý: PVCNMT của một địa phương cấp huyện phục vụ cho nhiệm vụ quy hoạch bảo vệ môi trường chính là xây dựng cơ sở để khoa học điều hoà sự phát triển trong khả năng chịu tải của các hệ sinh thái và môi trường tự nhiên. Ranh giới phân chia các lưu vực là đường phân thủy, vùng thường là ranh giới tự nhiên là một đường bình độ chuyển tiếp từ đồng bằng lên miền gò đồi, hoặc một đường đẳng độ mặn 0,1% , 0,4%; một dòng sông hoặc một đường phân thủy v.v… [2].
  5. Tính khoa học trong phân vùng: PVCNMT cấp huyện phải dựa trên các cơ sở khoa học sao cho, một mặt phản ảnh được thực tế khách quan và đặc thù của địa phương, mặt khác, vừa mang tính lý thuyết, hệ thống, nhằm đúc rút được kinh nghiệm về phương pháp luận và phương pháp kỹ thuật khả dĩ có thể áp dụng cho các khu vực khác [2,3,4].

2.5. Tiêu chí phân vùng chức năng môi trường

Việc xác định tiêu chí để phân vùng phụ thuộc vào đặc thù của địa phương cấp huyện đó nhưng chung quy lại có 3 nhóm tiêu chí chính: tự nhiên, KT-XH và môi trường.

– Nhóm yếu tố tự nhiên gồm: Địa hình, địa chất – địa mạo, khí hậu, đất đai, mạng lưới thủy văn, thảm thực vật và hệ sinh thái,…

– Nhóm nhân tố về tai biến môi trường: Nguy cơ trượt lở đất; ngập lụt; xói lở bờ biển, lũ quét. Các yếu tố này được phân tích, lồng ghép vào các tiểu vùng lãnh thổ đã được phân chia.

– Nhóm yếu tố nhân sinh gồm: Hoạt động sản xuất; phát triển đô thị, công nghiệp; phát triển các khu bảo tồn và tác động nhân sinh khác. Đây là nhóm tiêu chí quan trọng để hình thành các vùng CNMT.

Trong những tiêu chí trên được phân ra tiêu chí chính, mang tính chủ đạo như địa hình, mạng sông suối,… và tiêu chí phụ, mang tính cục bộ, có ý nghĩa bổ trợ, như đất đai, thảm thực vật, tài nguyên động vật, tai biến thiên nhiên… Dựa vào tiêu chí chính, mang tính trội để chia ra các vùng quy mô lớn. Các tiêu chí phụ được sử dụng để chia nhỏ mỗi vùng thành các kiểu tiểu vùng. Mỗi vùng, tiểu vùng đã phân ra có sự đồng nhất tương đối về tiêu chí chính và một số tiêu chí bổ trợ. Sự tương tác giữa các nhóm tiêu chí trên sẽ hình thành những tiểu vùng chức năng môi trường khác nhau.

2.6. Quy trình phân vùng chức năng môi trường ở cấp huyện

Để xây dựng QHBVMT cho cấp huyện nói riêng và các cấp lãnh thổ khác thì cơ sở khoa học chính là bản đồ PVCNMT. Đối với cấp huyện tỷ lệ bản đồ được xác định từ 1:25.0000 trở lên.

2015-11-26_234409
Hình 1. Quy trình phân vùng chức năng môi trường cấp huyện

III. PHÂN VÙNG CHỨC NĂNG MÔI TRƯỜNG HUYỆN PHÚ LỘC – CƠ SỞ ĐỀ XUẤT QUY HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

3.1. Cơ sở lý luận PVCNMT huyện Phú Lộc

PVCNMT huyện Phú Lộc được thực hiện bằng cách tích hợp giữa phân vùng tự nhiên, hiện trạng tài nguyên và môi trường, tai biến môi trường tổng hợp, các hoạt động KT-XH, xác định được các chức năng môi trường của từng vùng, tiểu vùng, các hệ sinh thái, phục vụ định hướng QHBVMT tổng thể ở huyện Phú Lộc đến năm 2020. Trong bài báo sử dụng phương pháp phân vùng theo lưu vực và phân kiểu lãnh thổ.

Như vậy, sự tương tác giữa các yếu tố tự nhiên, con người, theo không gian và thời gian đã dẫn đến sự phân hóa lãnh thổ Phú Lộc thành những đơn vị tiểu vùng nhỏ hơn, gắn liền với những hệ sinh thái đặc trưng có những chức năng và sản phẩm có giá trị kinh tế và môi trường khác nhau. Từ đó có được một bức tranh về sự phân hóa lãnh thổ Phú Lộc mang tính quy luật, để định hướng khai thác, sử dụng một cách hợp lý tài nguyên, đảm bảo hiệu quả KT-XH, bảo vệ đa dạng sinh học, bền vững về sinh thái và môi trường.

2015-11-26_234501

Hình 2. Sơ đồ phân vùng lãnh thổ huyện Phú Lộc

Hệ thống đơn vị PVCNMT huyện Phú Lộc được xác định gồm 3 cấp: Lưu vựcà vùng à tiểu vùng. Tiểu vùng là đơn vị cơ sở có tính đồng nhất cao, với đặc trưng về sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai riêng.

Phân vị lưu vực: Toàn bộ diện tích huyện Phú Lộc được chia thành các lưu vực chính là: lưu vực sông Nong, sông Truồi, sông Cầu Hai, sông Bù Lu, khe suối Lăng Cố, khe suối vùng cát ven biển.

Phân vị vùng:Phú Lộc là điểm cuối của dãy Trường Sơn bắc, do các yếu tố kiến tạo địa chất chi phối nên có sự phân bậc địa hình rất rõ rệt: đồng bằng và ven biển à đồi à núi trung bình – thấp. Vì vậy địa hình được xem là yếu tố trội để chia ra các đơn vị cấp vùng có quy mô nhỏ hơn. Theo đó trong mỗi lưu vực, căn cứ vào các tiêu chí địa hình mang tính trội đã lựa chọn để tiếp tục chia ra các đơn vị lãnh thổ quy mô nhỏ, đó là các vùng: vùng núi (có độ cao địa hình trên 250m), vùng đồi (có độ cao trong khoảng 20-250m), vùng đồng bằng và ven biển (có độ cao địa hình nhỏ hơn 20m).

Phân v cp tiểu vùng:  Đây là phân vị nhỏ nhất trong hệ thống phân vị chức năng môi trường huyện Phú Lộc, được gọi là tiểu vùng chức năng môi trường. Mặc dù lãnh thổ huyện bị phân hóa rất mạnh, nên có thể phân ra các phân vị nhỏ hơn nữa tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Tuy nhiên, để phục vụ công tác QHBVMT trên phạm vi toàn huyện, thì đơn vị tiểu vùng chức năng môi trường được lựa chọn là đơn vị cơ sở.

3.2. Kết quả phân vùng chức năng môi trường huyện Phú Lộc

Từ kết quả tích hợp các phân vùng thành phần bao gồm: phân vùng tự nhiên; phân vùng KT-XH; phân vùng trượt lở đât; phân vùng ngập lụt, lũ quét bằng công nghệ GIS đã phân chia huyện Phú Lộc được phân chia thành 8 lưu vực chính, 17 vùng và 26 tiểu vùng chức năng môi trường.

Bảng 3.3. Hệ thống phân vùng chức năng môi trường huyện Phú Lộc

Lưu vực Tên vùng Ký hiệu Tên tiểu vùng Ký hiệu
Sông Nong

(A)

Vùng gò đồi A.II Tiểu vùng phát triển nông – lâm kết hợp, cung cấp nguyên liệu cho CN chế biến Xuân Lộc A.II.1
Tiểu vùng phát triển công nghiệp và TTCN La Sơn A.II.2
Vùng đồng bằng A.III Tiểu vùng sản xuất nông nghiệp và đô thị Lộc Bổn – Lộc Sơn A.III.1
Sông Truồi

(B)

Vùng núi B.I Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp phòng hộ phía bắc Bạch Mã B.I.1
Vùng gò đồi B.II Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp DLST, tâm linh Hồ truồi B.II.1
Vùng đồng bằng B.III Tiểu vùng nông nghiệp, dịch vụ Lộc An B.III.1
Sông Cầu Hai

(C)

Vùng núi thượng nguồn sông Cầu Hai C.I Vùng lõi VQG Bạch Mã C.I.1
Vùng gò đồi C.II Tiểu vùng đệm VQG Bạch Mã C.II.1
Tiểu vùng phục hồi rừng tự nhiên núi Vĩnh Phong C.II.2
Vùng đồng bằng C.III Tiểu vùng đô thị hành chính thị trấn Phú Lộc C.III.1
Tiểu vùng sản xuất nông nghiệp ven đầm Cầu Hai C.III.2
Sông Bù Lu

(D)

Vùng Núi D.I Tiểu vùng bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên thượng nguồn sông Bù Lu D.1.1
Vùng gò đồi D.II Rừng sản xuất và vành đai xanh cho khu công nghiệp Chân Mây D.II.1
Tiểu vùng rừng phòng hộ Chân Mây Đông D.II.2
Vùng đồng bằng D.III. Tiểu vùng phát triển công nghiệp Chân Mây D.III.1
Tiểu vùng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Cù Dù D.III.2
Hói mít, Hói Dừa

(E)

Vùng núi E.I Tiểu vùng bảo vệ rừng tự nhiên và bảo tồn ĐDSH Hải Vân E.I.1
Vùng gò đồi E.II Rừng sản xuất, vành đai xanh bảo vệ đô thị DLST Lăng Cô E.II.1
Đồng bằng E.III Tiểu vùng đô thị du lịch sinh thái Lăng Cô E.III.1
Suối vùng cát ven biển

(F)

Đồng bằng F.III Tiểu vùng đô thị Vinh Hưng F.III.1
Tiểu vùng cát ven biển Vinh Mỹ F.III.2
Tiểu vùng nguy hiểm khi có bão, lũ Vinh Hiền F.III.3
Đầm phá

(G)

Đầm phá ven biển G.IV Tiểu vùng bảo vệ ĐDSH và phát triển NTTS bền vững đầm Cầu Hai G.IV.1
Tiểu vùngbảo vệ ĐDSH và NTTS đầm Lập An G.IV.2
Biển và đảo ven bờ

(H)

Biển và đảo ven bờ H.V Tiểu vùng bảo tồn biển Hải Vân – Sơn Chà H.V.1
Tiểu vùng biển ven bờ (độ sâu 6m) H.V.2

IV. KẾT LUẬN

Hiện nay, cơ sở để đề xuất QHBVMT cho địa bàn cấp huyện còn rất ít, theo các văn bản pháp luật hiện hành chỉ có quy định QHBVMT cho 2 cấp là cấp tỉnh và Quốc gia. Trong nghiên cứu này, cơ sở khoa học đề xuất QHBVMT huyện Phú Lộc là xây dựng bản đồ PVCNMT dựa trên kết quả phân tích tổng hợp giữa các yếu tố tự, điều kiện KT-XH và hiện trạng môi trường, đồng thời xem xét đến các vấn đề bức xúc môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hệ thống phân vị cho PVCNMT huyện Phú Lộc được xác định với 3 cấp là: lưu vực à vùng à tiểu vùng.  Nghiên cứu đã phân chia toàn bộ diện tích của huyện thành 17 vùng và 26 tiểu vùng chức năng môi trường. Đây là cơ sở bước đầu để xác định các vấn đề BVMT cho các tiểu vùng góp phần cho huyện xác định các hướng phát triển KT-XH trong tương lai và gắn kết với vấn đề bảo vệ môi trường một cách hợp lý.

2015-11-26_234711

Hình 3. Bản đồ phân vùng chức năng môi trường huyện Phú Lộc


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường, Hà Nội.
  2. Đặng Văn Lợi (2009), Nghiên cứu, xây dựng phương pháp luận phân vùng chức năng môi truờng phục vụ công tác xây dựng quy họach, kế họach theo định hướng phát triển bền vững, Báo cáo tổng kết đề tài, Bộ TNMT, Hà Nội.
  3. Phùng Chí Sỹ (2014), Quy hoạch môi trường, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
  4. Đặng Trung Thuận (2005), “Quy hoạch môi trường và vấn đề hòa nhập lồng ghép với quy hoạch phát triển”, Tuyển tập các báo cáo kho học Hội nghị Môi trường toàn quốc 2005, trang 238 – 244, Hà Nội.
  5. Đặng Trung Thuận, Phùng Chí Sỹ (2011), “Phương pháp luận quy hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông”, Báo cáo hội thảo, Tp Hồ Chí Minh, 2011.

 

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *