Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình năm sẽ tăng thêm 20C vào năm 2050 và 2,50C vào năm 2070 so với trung bình thời kỳ 1961 – 1990. Dự tính đến năm 2100, nhiệt độ sẽ tăng khoảng 30C. Nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm tăng số đợt nắng nóng và số ngày nắng nóng hàng năm.
Mực nước biển trung bình có thể tăng 35cm vào năm 2050, 50cm vào năm 2070 và dự tính đến năm 2100, có thể tăng khoảng 1m.
Lượng mưa mùa mưa ở phần lớn các vùng, nhất là Trung Bộ tăng 5 – 10% vào các mốc thời gian nói trên, nhưng lượng mưa mùa khô ở nhiều vùng có thể giảm 0 – 5%, vì thế tình hình lũ lụt trong mùa mưa và hạn hán trong mùa khô ở một số vùng có thể nghiêm trọng hơn, nhất là trong những điều kiện có sự xuất hiện của El Nino và La Nina. Sự nóng lên toàn cầu và tan băng ở các vùng cực và trên núi cao tác động đến hoàn lưu khí quyển và hoàn lưu biển. Về cơ bản, gió mùa nhiệt đới sẽ yếu đi do hoàn lưu kinh hướng suy giảm vì chênh lệch nhiệt độ giữa vĩ độ cao và vĩ độ thấp giảm đi. Điều đó dẫn đến phân bố lại nhiệt độ và lượng mưa, cũng như thời tiết các mùa ở nước ta.
Đại dương là một kho giữ nhiệt khổng lồ của trái đất. Một sự thay đổi nhỏ về nhiệt của đại dương cũng có thể gây ra biến đổi lớn về thời tiết toàn cầu. Nhiệt độ nước biển tăng lên còn làm tăng sự trao đổi nhiệt và ẩm giữa khí quyển và đại dương, qua đó điều chỉnh lại phân bố năng lượng giữa các vùng trên trái đất thông qua hoàn lưu khí quyển, đồng thời các hoạt động đối lưu mạnh mẽ hơn dẫn đến những biến động về thời tiết, nhất là mưa, tố, lốc ở nhiều nơi. Nhiệt độ nước biển tăng làm mở rộng các vùng biển có điều kiện nhiệt độ thích hợp cho việc hình thành bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông, có thể dẫn đến tăng tần số và cường độ của bão ảnh hưởng đến nước ta.
Hiện tượng El Nino có thể xảy ra thương xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn và thời gian kéo dài hơn. Như vậy, ngoài biến đổi khí hậu với sự tăng lên của nhiệt độ và mực nước biển trung bình diễn ra một cách từ từ, có tác động lâu dài, tính cực đoan và dị thường của thời tiết, khí hậu, đặc biệt là thiên tai cũng trở nên lớn hơn, có thể gây ra những tổn thất lớn về người và tài sản và làm cho công tác dự báo, phòng tránh trở nên khó khăn hơn.
Leave a Reply