Ảnh hưởng của làng nghề tới sức khoẻ cộng đồng

5/5 – (1 vote)

Chất thải trong hoạt động sản xuất của các làng nghề đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới sức khoẻ của người sản xuất, dân cư làng nghề và một số khu vực xung quanh. Theo kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân sống ở các khu vực làng nghề có tỷ lệ mắc các bệnh cao hơn so với các làng thuần nông. Các loại bệnh thường gặp ở các làng nghề này là các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Tại một số làng nghề xuất hiện các bệnh nguy hiểm như ung thư, quái thai, nhiễm khí độc và kim loại nặng.
Theo kết quả thống kê của các phòng y tế ở nhiều trạm y tế huyện và xã về tình hình sức khoẻ của nhân dân làng nghề cho thấy, ở các làng nghề khác nhau thì các bệnh nghề nghiệp cũng như tỷ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp có khác nhau:
– Ở làng nghề cơ khí, đúc, sản xuất nguyên vật liệu… do sử dụng lượng than lớn nên tỷ lệ người mắc các bệnh phổi, phế quản cao. Ví dụ, ở làng nghề gốm Bát Tràng ô nhiễm môi trường không khí đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người dân. Qua điều tra sức khoẻ của của 223 người dân thì có 76 người bị bệnh về đường hô hấp và 23 người bị bệnh lao.
– Làng nghề tẩy nhuộm vải sợi, mạ kim loại sử dụng nhiều hoá chất độc hại, kim loại nặng thì tỷ lệ người bị bệnh ung thư cao, tuổi thọ giảm.
– Làng đúc nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong) có hơn 300 hộ làm nghề đúc nhôm, luyện tái chế nhôm phế liệu; mỗi hộ có 3-4 lò tái chế. Hàng ngày, ở Mẫn Xá có từ 900-1.200 lò tái chế hoạt động, tiêu thụ hết 60 tấn phế liệu, 10 tấn than. Thu nhập của người dân khá cao, nhưng lại gặp khó khăn do tình trạng sức khỏe của người dân nơi đây ngày một suy giảm, tiền làm ra chỉ đủ mua thuốc và chữa bệnh. chị Đào Thị Hoa, người có 12 năm làm nghề cô nhôm tâm sự: “Thu nhập tuy khá nhưng tiền cầm về đến đâu hết đến đấy vì sức khỏe. Nhôm phế liệu muốn hóa lỏng thì khi nấu phải cho một số hóa chất vào. Khi sức nóng lên tới 1.0000C, các loại hóa chất đều cháy và nhiều khí độc cộng hưởng phản ứng tạo thành một mùi khét lẹt rất khó chịu. Mọi người đều hít phải thứ khí độc này.” Hàng năm ở Mẫn Xá đều có người mắc và chết vì bệnh ung thư. Chỉ tính 2 năm trở lại đây, thôn đã có tới 11 người chết do ung thư. Còn ngất xỉu, nôn, chóng mặt, đau đầu, buốt óc, hoa mắt thì xảy ra như cơm bữa. Ngoài việc thường xuyên hít phải khí độc, người dân Mẫn Xá còn phải uống nước ngầm có độc tố do nhôm, chì thấm vào. Do đó ngoài mắc bệnh, chết vì ung thư, người dân Mẫn Xá còn mắc và chết do nhiều bệnh khác như bệnh lao,các loại khác như: bệnh thần kinh, đường hô hấp, ngoài da, khô mắt, điếc,… chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số dân cư trong khu vực làng nghề. Đặc biệt là tỷ lệ mắc các bệnh trên ở nhóm người tham gia sản xuất và không tham gia sản xuất tương đương nhau.

2016-08-22_090555
– Ở làng sắt Đa Hội, sự giàu có cũng đang đi đôi với bệnh tật. Với hơn 100 bể mạ, hàng chục máy đột dập, hàng trăm lò luyện phôi thép, hằng ngày làng này thải ra rất nhiều dung môi kiềm, axít, sơn công nghiệp, dầu, mỡ,v.v… Những thứ này chảy tràn lan, phát tán mùi tới tận các đường cùng ngõ hẻm nên đã làm ô nhiễm không khí, nước sinh hoạt, đất vườn, ruộng, tàn phá luôn cảnh quan môi trường xung quanh. Người lao động hằng ngày phải tiếp xúc, hít thở không khí bị ô nhiễm nặng nề nên đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
– Làng nghề gây ô nhiễm nguồn nước như chế biến lương thực, mây tre đan, chế biến gỗ thì tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da, bệnh mắt hột, bệnh phụ khoa tăng. Ví dụ, làng nghề chế biến lương thực thực phẩm vùng Cát Quế, Dương Liễu (Hà Tây) hàng năm có tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da, đau mắt hột chiếm hơn 70% dân số do ô nhiễm nguồn nước. Làng nghề thuộc da xã Liễu Xá (Hưng Yên), do ô nhiễm nguồn nước với các dư lượng như Cr, phèn, vôi… nên các bệnh liên quan thể hiện rất rõ ràng và phổ biến như bệnh về phổi, não, máu, da, những bệnh về hô hấp, mắt… Làng giấy Phong Khê (tỉnh Bắc Ninh) số người mắc bệnh hô hấp, ngoài da, đường ruột tăng nhanh. Năm 2001 mới chỉ có khoảng 200 người mắc bệnh thì năm 2004 đã là gần 400 người.Môi trường độc hại nhưng những người lao động tại các làng nghề hầu như không có phương tiện bảo hộ. Ngay cả người dân cũng chưa biết quan tâm đúng mức đến sức khỏe của mình. Vì vậy, tuy các làng nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cải thiện được nhiều.

2016-08-22_090701

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *