Bên cạnh những thiết bị sục khí, hệ thống phân phối khí với những chiếc đĩa thổi khí chính là thiết bị giúp khuếch tán oxi vào trong bể nước một cách hiệu quả nhất. Hầu hết tất cả các hệ thống xử lý nước thải, đặc biệt là những bể xử lý hiếu khí đều có mặt thiết bị này.
Đĩa phân phối khí là gì?
Đĩa phân phối khí hay còn được gọi với cái tên khác là đĩa thổi khí hay đĩa khuếch tán khí. Đĩa thổi khí chính là một bộ phận quan trọng thường đi kèm với máy thổi khí để giúp phân tán khí oxi vào trong nước nhờ hệ thống những lỗ nhỏ có trên bề mặt màng của đĩa.
Có nhiều cách để phân loại đĩa thổi khí. Thông thường, dựa trên số lượng lỗ khí và kích thước lỗ khí, người ta chia đĩa phân phối khi thành hai loại chính:
– Đĩa thổi khí tinh: số lượng lỗ nhiều, kích thước lỗ nhỏ hơn so với đĩa thổi khí thô
– Đĩa thổi khí thô: số lượng lỗ khí thường ít hơn, kích thước lỗ khí thường to hơn so với đĩa thổi khí tinh
Cấu tạo của một đĩa phân phối khí hay đĩa thổi khí
Đĩa phân phối khí thường có dạng hình tròn và có cấu tạo rất đơn giản. Một đĩa thổi khí thường có những phần sau:
– Đầu nối với ống dẫn khí: dẫn khí từ máy thổi đến với đĩa phân phối khí
– Bộ phận khuếch tán: giúp phân tán khí đều khắp bề mặt màng
– Phần màng đĩa: thổi khí thành những dòng nhỏ, khuếch tán khí vào trong nước
– Phần khung đĩa: giúp định hình và giữ màng đĩa cố định
– Van một chiều: giúp khí có thể thoát ra và khuếch tán vào trong nước, nhưng nó sẽ giúp ngăn không cho nước hay những tạp chất có trong nước lọt vào đường ống dẫn khí
– Chốt giữ cố định toàn bộ đĩa thổi khí trên đường ống
Trong đó, phần quan trọng nhất của đĩa thổi khí chính là phần màng đĩa. Màng đĩa thường được chế tạo từ EPDM (ethylene – propylene – diene – monomer ), fEPDM, hay cao cấp hơn là PTFE ( polyetrafluoethylene). Mỗi loại vật liệu sẽ có những ưu điểm riêng để phù hợp với từng vị trí hay mục đích sử dụng khác nhau.
– Cao su EPDM là một loại vật liệu hay được sử dụng nhất để chế tạo màng đĩa thổi khí. Đây là một loại vật liệu có độ đàn hồi cao, bền với nhiều loại dung môi, môi trường axit loãng, kiềm loãng, chịu được ánh sáng mặt trời cũng như những tác động của khí ozone, có thể làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao.
– Cao su fEPDM là một dạng khác của SPDM có tính kháng hóa chất cao, bề mặt được hoàn thiện và co giãn tốt hơn
– Cao su PTFE là loại vật liệu có tính kháng hóa chất cao nhất trong số những vật liệu dùng để chế tạo màng đĩa. Đồng thời loại cao su này còn có một lớp phủ chống dính giúp giảm mài mòn do va chạm
Trên bề mặt màng có đục những lỗ nhỏ li ti giúp phân tán khí thành những bọt khí nhỏ, những lỗ nhỏ này được đục theo hình xoắn ốc.Trên bề mặt lớp màng thường được phủ thêm một lớp màng bảo vệ giúp chống lại sự phá hủy của hóa chất cũng như sự bám dính hay tắc nghẽn những tạp chất có trong nước thải trên bề mặt màng.
Lựa chọn đĩa phân phối khí trong hệ thống xử lý nước thải
Trông công nghệ xử lý nước thải, đặc biệt trong những hệ thống bể hiếu khí, đĩa thổi khí có nhiệm vụ phân tán khí oxi từ hệ thống thổi khí, giúp oxi được khuếch tán đều vào trong bể nước giúp những vi sinh vật hiếu khí phát triển, tăng cường quá trình oxi hóa những chất bẩn hữu cơ có trong nước, đồng thời cũng giúp giữ được bùn hoạt tính ở trong trạng thái lơ lửng, tránh lắng cặn.
Việc duy trì được nồng độ oxi trong bể hiếu khí là điều vô cùng cần thiết. Theo tính toán, lượng oxy đạt chuẩn trong bể phải đạt từ 1,5 – 4mg/ lít nước. Nếu lượng oxi quá ít sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sống và phát triển của những vi sinh vật hiếu khí, làm cho hiệu quả xử lý không cao. Nếu như lượng oxi cung cấp quá nhiều sẽ gây lãng phí, hoặc có thể phá vỡ cấu trúc bùn hoạt tính, phá hủy môi trường sống của vi sinh vật làm cho nước trở lên đục, nhiều cặn, giảm hiệu quả xử lý nước.
Trong bể hiếu khí, hệ thống thổi khí sẽ được lắp đặt tại những vị trí khác nhau như: bể lắng, bể khuấy hay bể hòa trộn. Tùy theo từng vị trí lắp đặt mà lượng oxy hòa tan và cường độ cấp khí sẽ có sự khác nhau. Ví dụ, với bể tuyển nổi cường độ cấp khí cần thiết là 40 – 50 m3/m2/ 1 giờ, nhưng với bể lắng cát, thì cường độ cấp khí chỉ cần từ 3 – 5 m3/m2/ 1 giờ.
Chính vì hai lý do trên, khi xây dựng bể hiếu khí trong xử lý nước thải, cần phải tính toán được lượng khí oxi cần có trong bể, vị trí lắp đặt để từ đó có thể lựa chọn được hệ thống thổi khí phù hợp và tiết kiệm nhất.
Khi đã lựa chọn được hệ thống thổi khí phù hợp, việc tiếp theo cần phải làm là tính toán được số lượng đĩa phân phối khí cũng như loại đĩa phân phối. Thông thường số lượng đĩa cần dùng trong hệ thống sẽ bằng lưu lượng của máy thổi khí chia cho lưu lượng đĩa thổi khí.
Tóm lại, việc lựa chọn hệ thống thiết bị cũng như số lượng đĩa thổi khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan. Dù bạn lựa chọn như thế nào, nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo được lượng khí phân tán vào trong nước phải luôn lớn hơn giá trị tối thiểu và nhỏ hơn giá trị tối đa để có thể mang lại hiệu suất xử lý cao nhất.
Leave a Reply