Vũ Trường Sơn, ThS. Lê Thành Chung,
ThS. Trịnh Thanh Trung, ThS. Nguyễn Hữu Tới, ThS. Lê Phú Cường
Cục Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Tóm tắt
Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển là tiền đề quan trọng để định hướng phát triển kinh tế biển. Kết quả của điều tra cơ bản làm cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc gia. Ngày 01 tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án tổng thể). Tiếp theo đó, từ năm 2010 đến 2013, Chính phủ ban hành 03 quyết định bổ sung nhiều dự án vào Đề án tổng thể. Ngày 25 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật ra đời đã đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý thống nhất tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Các nội dung liên quan đến điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được trình bày trong một chương riêng của Luật. Bài viết sẽ điểm lại kết quả điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển nói chung và kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển nói riêng sau 10 năm thực hiện Đề án tổng thể nhằm phục vụ công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo. Bên cạnh đó, bài viết cũng đề xuất một số định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản về môi trường trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện Luật bảo vệ môi trường và triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống.
1. Sự cần thiết của công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Việt Nam là một quốc gia biển, có diện tích biển hơn một triệu km2 (gấp hơn 3 lần diện tích đất liền) với đường bờ biển dài trên 3.260km (không kể đường bờ các đảo), cùng hơn 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên và có vị trí trọng yếu về địa kinh tế và địa chính trị.
Nhận thức rõ về vị trí chiến lược của biển, hải đảo đối với kinh tế và an ninh quốc phòng của đất nước, Đảng và Nhà nước đã sớm có những chủ trương, chính sách đúng đắn và nhất quán qua các thời kỳ về điều tra cơ bản (ĐTCB)và quản lý tài nguyên và môi trường biển. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển nước ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng quốc gia. ĐTCB tài nguyên, môi trường biển là tiền đề quan trọng của kinh tế biển, kết quả của ĐTCB làm cơ sở xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc gia cũng như xây dựng về thể chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời, việc tăng cường công tác ĐTCB tài nguyên, môi trường biển trong giai đoạn phát triển mới sẽ đáp ứng kịp thời các yêu cầu về công tác quản lý nhà nước về nói chung và quản lý nhà nước về ĐTCB nói riêng. Chính vì vậy trong những năm gần đây, công tác ĐTCB tài nguyên, môi trường biển đã được Đảng và Nhà nước chú trọng đầu tư triển khai.
Trong những năm gần đây công tác ĐTCB và nghiên cứu khoa học và công nghệ biển trên thế giới đã có những bước phát triển đáng kể, thúc đẩy mạnh mẽ xu thế khai thác có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và đại dương. Không nằm ngoài xu thế chung đó, công tác điều tra, khảo sát biển cũng được Chính phủ tăng cường hơn. Hơn nữa, do môi trường biển và hải đảo có những tính chất đặc thù riêng so với môi trường lục địa nên công tác điều tra, khảo sát biển và hải đảo cũng có nhiều nội dung phức tạp hơn như: phạm vi rộng, điều tra rất xa bờ, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, chi phí tốn kém (di chuyển, vận chuyển, an toàn lao động,…), tính chất hóa học của môi trường nước biển khác với môi trường nước lục địa (sông, hồ, ao, kênh, rạch,…).
2. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Ngày 01 tháng 3 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án tổng thể). Có thể nói đây là bước chuyển biển lớn nhất về nhận thức và đầu tư cho công tác ĐTCB và quản lý tài nguyên môi trường biển. Đề án tổng thể là một bước xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về biển, nâng cao đáng kể công tác ĐTCB về tài nguyên, môi trường biển phục vụ khai thác tổng hợp và bền vững các nguồn tài nguyên biển, đảo của đất nước. Từ năm 2006 đến nay, Chính phủ tiếp tục ban hành 03 Quyết định nhằm tăng cường công tác ĐTCB biển và hải đảo, cụ thể gồm các quyết định sau: 796/QĐ-TTg ngày 03/06/2010; 2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2010; 1876/ QĐ-TTg ngày 15/10/2013. Như vậy, có tổng số 43 chương trình, dự án thuộc Đề án tổng thể. Kết quả của Đề án là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển, cũng như xây dựng và hoàn thiện về thể chế chính sách quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về tài nguyên, môi trường biển.
Số lượng dự án về ĐTCB biển và hải đảo: Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01/03/2006: 20 dự án; Quyết định số 796/QĐ-TTg ngày 03/06/2010: 05 dự án; Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 08/11/2010: 04 dự án; Quyết định số 1876/ QĐ-TTg ngày 15/10/2013: 14 dự án.
Tháng 8 năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường ra đời và được Nhà nước giao là chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Tổng cục đã thực hiện hoặc phối hợp với đơn vị khác trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các hoạt động ĐTCB trong nhiều lĩnh vực: khí tượng – hải văn; tài nguyên đất vùng ven biển, đảo và đáy biển; tài nguyên nước biển; tài nguyên khoáng sản và năng lượng; địa chất, địa động lực; môi trường biển; đo đạc bản đồ địa hình đáy biển; đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản;…
Ngày 22 tháng 6 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về ĐTCB tài nguyên, môi trường biển (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo). Theo đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng thực hiện chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Ban chỉ đạo nhằm điều phối, phối kết hợp liên ngành các đơn vị Bộ, ngành, địa phương, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ trì thực hiện, đề xuất mới, tổng kết, đánh giá định kỳ hàng năm tình hình triển khai các dự án thuộc Đề án tổng thể.
Các kết quả đã đạt được của các chương trình, dự án về môi trường thuộc Đề án tổng thể:
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2006 đến 2012), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Quyết định với tổng số là 29 dự án đưa vào Đề án tổng thể. Hiện tại, đã nghiệm thu 07 dự án, 01 dự án “Xây dựng hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả ĐTCB điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam” đang trong quá trình hoàn tất thủ tục nghiệm thu cấp cơ sở.
Năm 2013, thuộc giai đoạn 2 (từ năm 2013 đến 2020), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành 01 Quyết định bổ sung 14 dự án vào Đề án tổng thể. Đến nay, có 02 dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện từ năm 2015; 12 dự án đang trong quá trình xin ý kiến thẩm định các cấp để hoàn tất thủ tục để được triển khai.
Là một Đề án lớn, quan trọng, đa ngành, đa lĩnh vực với sự tham gia, phối hợp của nhiều Bộ, Ngành, các địa phương ven biển trong cả nước, qua hơn 7 năm, các dự án thuộc Đề án đã được triển khai và đạt được những thành quả đáng trân trọng. Công tác ĐTCB và quản lý tài nguyên, môi trường biển đã có nhiều tiến bộ, đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, củng cố quốc phòng, an ninh trên biển. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo của Thế kỷ 21 thì công tác ĐTCB và quản lý tài nguyên, môi trường biển cần được đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Trong số các dự án thuộc Đề án tổng thể, nhiều dự án liên quan trực tiếp hoặc có nội dung về lĩnh vực môi trường.
Bảng: Danh mục các dự án thuộc Đề án tổng thể liên quan đến lĩnh vực Môi trường
TT | Tên dự án | Đơn vị chủ trì | Hiện trạng thực hiện |
DỰ ÁN THUỘC QUYẾT ĐỊNH 47/2006/QĐ-TTg | |||
1 | Xây dựng, hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên và môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, thẩm định, phê duyệt dự án |
2 | Điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên – môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường tại các vùng biển; kiến nghị các giải pháp bảo vệ | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường) | Đã nghiệm thu cấp nhà nước |
3 | Xây dựng 3 trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam | Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn | Đã nghiệm thu cấp nhà nước |
4 | Điều tra cơ bản và đánh giá tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái, địa chất vùng biển và các đảo Việt Nam | Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Tài nguyên và Môi trường biển) | Đã nghiệm thu cấp nhà nước |
5 | Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ, hải sản vùng biển Việt Nam; Quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Thủy sản) | – Đã phê duyệt dự án.
– Nhiều hạng mục chưa được bố trí đủ kinh phí thực hiện. Bộ chủ quản đang gửi tờ trình Thủ tướng đề nghị bố trí bổ sung. |
6 | Xây dựng, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu biển quốc gia về các kết quả điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường các vùng biển Việt Nam | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | Đã hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu cấp Tổng cục |
DỰ ÁN THUỘC QUYẾT ĐỊNH 2013/QĐ-TTg | |||
1 | Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | – Đã phê duyệt dự án tháng 9/2013
– Triển khai thực hiện từ cuối năm 2013, đến nay hoàn thành khoảng 30% khối lượng |
2 | Điều tra, đánh giá tích hợp và dự báo biến động điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên vùng biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận phục vụ phát triển kinh tế biển | Đại học Quốc gia Hà Nội (Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo) | – Đã phê duyệt dự án tháng 01/2012
– Dự kiến cuối năm 2015 tổng kết nghiệm thu |
3 | Giám sát tài nguyên- môi trường biển, hải đảo bằng công nghệ viễn thám | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Viễn thám Quốc gia) | Đã nghiệm thu cấp nhà nước |
4 | Điều tra đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất vùng biển Thừa Thiên Huế – Bình Định (0-60m nước), tỷ lệ 1/100.000 | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | – Đã phê duyệt tháng 8/2011
– Tổng kết nghiệm thu cấp Tổng cục năm 2015 và cấp Nhà nước Quý I/2016 |
DỰ ÁN THUỘC QUYẾT ĐỊNH 1876/QĐ-TTg | |||
1 | Điều tra đặc điểm địa chất, cấu trúc – địa động lực, hiện trạng môi trường và dự báo tai biến vùng biển Bình Thuận – Cà Mau (đến độ sâu 300m nước), tỷ lệ 1:500.000 | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | Đang thực hiện các thủ tục phục vụ phê duyệt dự án |
2 | Điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường các bãi bồi ven biển phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc phòng | Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) | Đang thực hiện các thủ tục phục vụ phê duyệt dự án |
3 | Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ và phía Tây Vịnh Bắc Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng | Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng | Đang thực hiện các thủ tục phục vụ phê duyệt dự án |
4 | Điều tra, đánh giá ký sinh trùng gây hại và vi sinh vật trên các vùng biển Việt Nam nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển và sức khỏe cộng đồng | Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) | Đang triển khai |
Mốt số kết quả chủ yếu đã đạt được của công tác ĐTCB liên quan đến lĩnh vực môi trường biển và hải đảo:
Về điều tra cơ bản điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường biển:
Đã thu được một số kết quả quan trọng có tính chất hệ thống về điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường biển như: địa hình đáy biển, địa chất khoáng sản, địa động lực, địa chất môi trường, tai biến địa chất, tài nguyên sinh vật, tài nguyên vị thế, đất đai, tiềm năng nước ở một số vùng ven biển, một số hải đảo và một số cửa sông…, bước đầu đã phát hiện tiềm năng tài nguyên khoáng sản, các đặc điểm địa chất, địa động lực, địa chất khoáng sản, địa chất môi trường và dự báo tai biến địa chất; thu được nhiều kết quả quan trọng về các yếu tố tự nhiên, môi trường, tai biến địa chất, địa chất công trình trên nền san hô trong vùng biển Trường Sa và DK1. Đặc biệt, công nghệ xử lý các yếu tố tự nhiên tác động lên công trình đã phục vụ kịp thời cho công tác thiết kế, thi công xây dựng, sử dụng, nâng cấp công trình DK1; đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên vị thế, kỳ quan sinh thái và kỳ quan địa chất vùng biển, ven bờ và các đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, hầu hết các kết quả điều tra nêu trên còn ở tỷ lệ bản đồ nhỏ và trung bình; công tác điều tra có hệ thống mới chỉ được triển khai trên phạm vi một số vùng biển nông (<100m nước) và số ít đảo lớn gần bờ, mức độ điều tra giữa các vùng biển còn khác nhau về độ chi tiết cũng như đối tượng điều tra, còn có nhiều vùng chưa được điều tra đầy đủ (ngay cả với vùng ven biển và biển ven bờ), một số vùng biển và hải đảo còn khó khăn trong việc tiếp cận để điều tra khảo sát (quần đảo Hoàng Sa). Cho đến nay, ta chưa đủ điều kiện để điều tra, khảo sát ở các vùng biển sâu. Đây là những vấn đề cần tiếp tục được giải quyết bằng các giải pháp khác nhau để ngày một đáp ứng tốt hơn, đầy đủ và hệ thống hơn các số liệu, tài liệu về điều kiện tự nhiên và tài nguyên, môi trường các vùng biển của đất nước.
Về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển:
Các trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu ở cả 3 miền Bắc, miền Trung, miền Nam đã và đang được xây dựng đi vào hoạt động và phát huy tác dụng; đã hoàn thiện về phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, đánh giá về ô nhiễm tràn dầu trên biển; xác định các khu vực nhạy cảm tràn dầu và bước đầu đề xuất phương pháp tính toán lượng giá tổn thất do ô nhiễm tràn dầu và ô nhiễm môi trường.
Đã xác định và đang hoàn thiện hệ thống các tiêu chí về đánh giá mức độ ổn thương tài nguyên, môi trường biển trên một số vùng biển trọng điểm như các khu vực dàn khoan, các vùng biển nhạy cảm về môi trường để có thể tiếp tục triển khai nhân rộng trên những khu vực rộng lớn hơn; đã tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung, đo vẽ, thành lập bộ bản đồ, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên-môi trường biển cho 16 vùng trọng điểm ở tỷ lệ 1:100.000, 1:50.000; bước đầu đánh giá về mức độ tổn thương tổng hợp cho 16 vùng trọng điểm và có một số kiến nghị phục vụ cho công tác quy hoạch lãnh thổ và phát triển kinh tế xã hội; xây dựng được quy trình điều tra, đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển phục vụ cho công tác ĐTCB về tài nguyên, môi trường biển.
Về điều tra cơ bản đa dạng sinh học:
Nghiên cứu tổng thể về hệ sinh thái biển đã xây dựng bức tranh có hệ thống về đặc điểm điều kiện tự nhiên của dải ven biển, cung cấp khá hoàn chỉnh những quy luật cơ bản về vật lý biển và hóa học biển, phân bố và biến động của các hệ sinh thái cơ bản biển Việt Nam như hệ sinh thái cửa sông, rừng ngập mặn, đầm phá, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi triều lầy ven biển… Cùng với các điều tra tổng thể về hệ sinh biển, cũng đã có những điều tra về tiềm năng nguồn lợi tài nguyên sinh vật biển, đánh giá đầy đủ, chính xác tổng trữ lượng nguồn lợi sinh vật biển Việt Nam, chú trọng đến nguồn lợi sinh vật vùng biển xa bờ như Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Vịnh Bắc Bộ… và chú trọng bổ sung nhằm đa dạng hóa nguồn tài nguyên biển như tài nguyên sinh vật có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, dự án hoàn thiện hệ thống khu bảo tồn biển Việt nam; xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập và đưa vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển, đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch 5 khu bảo tồn biển đã đi vào hoạt động là: Vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Cồn Cỏ, Núi Chúa; xây dựng dữ liệu về hệ thống các khu bảo tồn biển; bổ sung các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý các khu bảo tồn biển… Trong giai đoạn tới, nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đề xuất quy hoạch phát triển mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam; xây dựng quy hoạch chi tiết và đưa vào hoạt động thêm một số khu bảo tồn biển mới.Đây là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính trị ngoại giao và an ninh quốc phòng vùng biển, đặc biệt là kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái và bảo tồn biển ở các tỉnh ven biển Việt Nam.
3. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo
Cho đến nay công tác ĐTCB tài nguyên, môi trường biển vẫn còn những tồn tại như: việc triển khai nhiều dự án thuộc Đề án tổng thể còn chậm so với yêu cầu đặt ra; chất lượng ĐTCB ở một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa đáp ứng với các tiêu chuẩn quốc tế; việc đầu tư cho công tác ĐTCB ở các vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề để phát hiện các nguồn tài nguyên mới và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các tai biến tự nhiên, tác động của biến đổi khí hậu trên các vùng biển chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên biển, đảo và yêu cầu, mục tiêu của Đề án tổng thể; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ĐTCB chưa được đầu tư đồng bộ; chưa xây dựng được đội tầu điều tra, khảo sát biển; việc chia sẻ, sử dụng thông tin dữ liệu còn nhiều bất cập, gây lãng phí; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm ĐTCB còn nhiều hạn chế; đội ngũ cán bộ ĐTCB còn thiếu ở nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tế trong giai đoạn hiện nay; chưa xây dựng được những đơn vị đủ mạnh về điều tra biển để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới.
4. Triển khai Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo vào cuộc sống
Ngày 25/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đánh dấu một bước quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ra đời là lần đầu tiên hệ thống pháp luật quản lý Nhà nước biển và hải đảo được hình thành một cách cơ bản. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo ở nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.
Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; công tác tuyên truyền, phổ biến; triển khai các nhiệm vụ chuyên môn phục vụ thi hành Luật. Cụ thể, Tổng cục đã tập trung khẩn trương xây dựng 2 dự thảo nghị định: Nghị định quy định việc cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật tài nguyên, môi trường và hải đảo. Ngoài ra, để đảm bảo việc nhanh chóng đưa Luật vào thực hiện sau khi có hiệu lực thi hành, Tổng cục đã phân công các đơn vị trực thuộc xây dựng 12 Thông tư, Thông tư liên tịch theo dự kiến cần được Bộ ban hành để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản này cũng được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Tổng cục đã tổ chức Hội nghị phổ biến nhanh Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; chỉ đạo triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tổng cục đã đề xuất và được Bộ phê duyệt thực hiện Dự án: “Phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức về Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân và cộng đồng cư dân ven biển”.
Luật yêu cầu phải lập quy hoạch sử dụng biển, một trong những công cụ quan trọng để quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển sẽ tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Liên quan đến hoạt động ĐTCB, Chương 3 trong Luật quy định: ĐTCB, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong đó, Mục 1 – ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định các nội dung: Yêu cầu đối với hoạt động ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 12); Hoạt động ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 13); Chương trình trọng điểm ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 14); Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 15); Thống kê tài nguyên và biển đảo (Điều 16). Cụ thể, hoạt động ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được quy định như sau:
– Hoạt động ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các dự án, đề án, nhiệm vụ, bao gồm:
- a) Dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB thực hiện thông qua Chương trình trọng điểm ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
- b) Dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB nằm ngoài Chương trình trọng điểm ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
– Các dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB nằm trong Chương trình trọng điểm ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm các dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB có nội dung điều tra mang tính liên ngành, liên vùng; điều tra tại các hải đảo, vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề; phát hiện các nguồn tài nguyên mới; các dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB cần ưu tiên thực hiện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
– Các dự án, đề án, nhiệm vụ ĐTCB nằm ngoài Chương trình trọng điểm ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển lập và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật; trước khi phê duyệt phải lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung điều tra, tính khả thi, hiệu quả; sau khi phê duyệt phải gửi quyết định phê duyệt và thông tin về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ khu vực điều tra của dự án, đề án, nhiệm vụ về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Định hướng hoạt động điều tra cơ bản giai đoạn từ nay đến năm 2020
Triển khai xây hệ thống các văn bản quy phạm để thi hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ban hành năm 2015. Triển khai thực hiện thông tư số 28/2012/TT-BTNMT ngày 28/12/2012 quy định về nội dung, chế độ báo cáo tình hình quản lý hoạt động ĐTCB, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 09/6/2015 về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án thuộc Đề án tổng thể. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy, quy định kỹ thuật, quy trình công nghệ về ĐTCB phục vụ quản lý chất lượng kỹ thuật công tác điều tra.
Tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động ĐTCB tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác ĐTCB. Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án nhằm đảm bảo chất lượng điều tra. Nghiên cứu, đề xuất các dự án mới có tính cấp bách, quan trọng, phù hợp chủ trương, định hướng điều tra trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và ưu tiên các vùng biển sâu, biển xa phát hiện các nguồn tài nguyên mới, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, củng cố bảo vệ chủ quyền.
Đưa kết quả ĐTCB tài nguyên, môi trường biển vào thực tế sử dụng, đặc biệt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương ven biển. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia, các kết quả ĐTCB tài nguyên, môi trường biển; xây dựng cơ chế lưu trữ, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu biển, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển phục vụ công tác quản lý.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương ven biển trong công tác quản lý nhà nước về ĐTCB tài nguyên, môi trường biển.
Chủ động hợp tác với các nước có kinh nghiệm trên thế giới về điều tra, nghiên cứu tài nguyên ở các vùng biển sâu để xây dựng và triển khai các dự án điều tra, nghiên cứu ở vùng biển quốc tế.
Tài liệu tham khảo
- Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
- Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển (2015). Báo cáo tình hình thực hiện “Đề án 47 về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” các năm 2013, 2014, 2015.
- Bộ TN&MT (2015). Báo cáo công tác quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo 6 tháng đầu năm, kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 và các nội dung chủ yếu của luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (2015). Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 03 năm 2009 của Chính phủ về Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
………………………………………………………………………………………………….
Nguồn: Trích dẫn từ kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, 29/09/2015
Leave a Reply