a. Phòng trừ cỏ dại
Chè là cây lâu năm, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, xung quanh gốc chè phải thường xuyên sạch cỏ dại để cây chè không bị lấn át và cạnh tranh dinh dưỡng. Thông qua việc xới cỏ làm thông thoáng, tăng lượng oxy trong đất tạo điều kiện cho sự phát triển của bộ rễ. Các hộ dân ở Xã La Bằng thường phòng cỏ dại bằng cách làm đất kĩ, nhổ sạch cỏ dại, một số hộ tủ gốc cho chè bằng vỏ trấu, rơm rạ…
Ở giai đoạn chè non, rễ chè còn yếu nên người dân thường dung tay nhổ cỏ. Đến giai đoạn trưởng thành, tán chè phát triển, cỏ phát triển chậm hơn, người dân ít phải làm cỏ chè, hằng năm nhổ cỏ khoảng 3 – 4 lần. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều sử dụng thuốc hóa học diệt cỏ hại, làm ảnh hưởng đến chất lượng chè, lượng thuốc hóa học dư thừa có thể ngấm xuống đất làm ô nhiễm môi trường.
b. Phòng trừ dịch hại chè
Phòng trừ sâu bệnh hại tốt có ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất của nương chè và chất lượng của búp chè. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, các loài sâu bệnh hại chè phát triển phong phú.
Các loại sâu hại chè phổ biến như rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, châu chấu…
+ Rầy xanh: Rầy xanh trưởng thành có màu xanh lá mạ, rầy non màu xanh vàng. Rầy chích hút nhựa làm búp chè cằn cỗi, mất màu xanh bóng. Rầy xanh gây hại quanh năm trên chè, đặc biệt là vào tháng 3, 4, 5 và tháng 9, 10. Những nơi chè rậm rạp, sinh trưởng tốt thường bị rầy hại nặng.
+ Bọ trĩ (bọ cánh tơ): Bọ trưởng thành và bọ trĩ non có màu vàng nhạt, xám vàng, vàng lục. Bọ trĩ chích hút nhựa ở búp và lá non. Búp chè bị hại trở nên sần sùi cằn cỗi, lá bị hại trở nên dày cứng, mặt dưới có 2 vệt xám song song với gân lá chính. Bọ trĩ phát sinh trên chè quanh năm, nhất là tháng 5-8. Thời tiết càng khô hạn thì bọ trĩ phát sinh càng nhiều.
+ Nhện đỏ: Chè bị nhiều loại nhện đỏ phá hoại. Nhện trưởng thành có màu đỏ, nâu, tía (tùy từng loại nhện). Nhện đỏ hại lá già và lá bánh tẻ. Lá bị hại có màu đỏ, sau đó rụng làm chè chậm ra búp mới. Nhện đỏ gây hại trên chè trong suốt cả năm. Chúng gây hại nặng nhất vào các tháng 4, 5, 6, 7 và 9, 10, 11. Thời tiết nóng, khô hạn rất thuận lợi cho nhện đỏ phát triển.
+ Bọ xít muỗi: Bọ xít trưởng thành màu xanh xẫm hơi vàng giống con muỗi. Bọ xít non có màu xanh vàng giống con kiến. Bọ xít muỗi chích hút nhựa ở lá non và búp tạo thành những vết màu nâu. Bị hại nặng chè không ra búp. Bọ xít muỗi gây hại quanh năm, nhiều nhất vào tháng 7, 8, 9, 10. Bọ xít muỗi gây hại nặng ở nơi ẩm thấp, chè giao tán, lâu không đốn, nhiều cỏ dại, quá lứa không hái.
Ngoài các sâu hại, chè còn bị các bệnh như: Bệnh thối búp phát triển mạnh trong điều kiện ấm và ẩm vào tháng 8, 9, 10. Bệnh chấm xám phát triển từ tháng 7-11, nhiều nhất là tháng 8, 9. Bệnh phồng lá chè phát triển nhiều trong tháng 4, 5…
Để phòng trừ các loại sâu bệnh hại, người dân thực hiện trồng và chăm sóc chè đúng kĩ thuật, cân đối các loại phân bón, đốn chè đúng thời vụ; phá bỏ các cây chè hay bụi chè bị nhiễm sâu bệnh nặng. Hiện nay, đa số người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Các hộ dân không thực hiện phun thuốc định kì để trừ sâu bệnh hại mà phun thuốc khi phát hiện bệnh. Khi phun thuốc, người dân thường tự ý tăng liều lượng nhằm làm nhanh chết các loài sâu bệnh. Việc phun thuốc với liều lượng cao quá mức cần thiết dẫn đến tình trạng kháng thuốc, đồng thời lượng thuốc bảo vệ thực vật dư sẽ tồn đọng trong đất gây ô nhiễm.
Thời điểm thích hợp để phun thuốc trừ sâu là những lúc trời khô ráo, mát mẻ, thường phun vào lúc chiều muộn. Không phun thuốc vào giữa trưa nắng nóng, lượng thuốc phun ra sẽ bị bốc hơi, gây lãng phí, ảnh hưởng trực tiếp tới người phun và những người xung quanh. Khoảng cách từ lần phun cuối cùng đến ngày hái chè ít nhất là 15 ngày.
c. Bón phân cho chè
Chè là cây công nghiệp có chu kì kinh tế dài, hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Nhu cầu phân bón của cây chè phụ thuộc vào độ tuổi và năng suất thu hái hằng năm. Sản phẩm thu hoạch là búp, búp chè được thu hái nhiều lần trong năm, do đó cần có chế độ bón phân hợp lý, bổ sung chất dinh dưỡng cho chè phát triển, đồng thời cải tạo đất. Hiện nay có các loại phân bón chính mà người dân Xã La Bằng dùng để bón cho chè là phân đạm và phân bón NPK Lâm Thao, NPK Sông Gianh.
– Giai đoạn chè con: giai đoạn này không cần bón nhiều phân, nhưng vẫn cần có lượng phân bón hợp lý để cây chè phát triển bộ rễ và tạo tán. Bón phân cho chè con sau khoảng 4 – 5 tháng từ khi trồng, thu hoạch lứa đầu tiên và đốn, lượng phân bón được đưa vào nhiều hơn.
– Giai đoạn chè kinh doanh: Đây là giai đoạn cây chè cần được bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để cho nhiều búp chất lượng. Vì vậy, cần bón đủ về số lượng và chủng loại phân bón cho chè. Người dân thường bón phân cho chè sau khi đốn vào cuối năm và sau mỗi lứa thu hoạch. Hiện nay, theo kinh nghiệm của mỗi gia đình, người dân mua phân đạm và NPK và tự pha trộn rồi bón cho chè. Lượng phân bón cho chè nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Lượng phân NPK được dùng để bón cho chè khoảng 50 – 70 kg/sào/lứa. Phân được bón vào khoảng 1 – 2 tuần sau khi hái, khi chè bắt đầu nảy mầm non. Để tăng chất lượng búp chè, mập và xanh tốt hơn, trước khi hái 10 – 15 ngày người dân bón thêm phân đạm (khoảng 10 – 20 kg/sào/lứa). Một số hộ gia đình còn sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng (phân bón lá) phun cho chè khoảng 15 – 20 ngày trước khi hái).
Cách bón: Phân NPK được bón cho chè bằng hình thức bón sâu (lỗ gốc), người ta đào rãnh giữa các hàng chè, cho phân xuống và lấp đất lại, khoảng cách từ phân đến gốc chè ít nhất phải từ 10 – 15 cm. Phân đạm được bón bằng cách bón vãi. Tuy nhiên, hình thức này gây ra lãng phí, lượng phân bón còn đọng lại trên lá sẽ bị rửa trôi theo dòng nước nếu có mưa.
d. Tưới nước cho chè
Chè là cây lâu năm, có bộ rễ ăn sâu xuống đất, đòi hỏi độ ẩm cao nên phải chú ý thường xuyên giữ ẩm cho đất trồng chè, nhất là đối với những khu vực có tầng đất mỏng dưới 80 cm. Tủ gốc hay cây che bóng là biện pháp hữu hiệu đảm bảo độ ẩm cho chè. Tưới nước cho chè dựa vào diễn biến thời tiết. Theo kinh nghiệm, người dân sẽ lựa chọn thời điểm tưới nước thích hợp. Ở những nơi gần ao hay nguồn nước tưới như suối, người dân sẽ bơm và tưới nước trực tiếp cho chè bằng hệ thống vòi phun cố định được lắp đặt dưới lớp đất giữa các hàng chè. Ở nhữưng nơi đồi cao hay xa nguồn nước, người dân thường xây dựng bể chứa nước ngày tại đồi, tận dụng nguồn nước ngầm từ các khe núi.
e. Đốn chè
Đốn chè là biện pháp cắt bỏ một phần sinh khối (thân, cành, lá) của chè, nhằm tạo tán và điều tiết sinh trưởng cho cây chè. Người dân thường sử dụng máy đốn để tiết kiệm thời gian và nhân lực. Chè được đốn 1 lần/năm và vào cuối năm (khoảng tháng 12 âm lịch), lúc cây chè hết búp, tạm dừng sinh trưởng.
Leave a Reply