Các làng nghề ở nước ta thường mang tính tự phát, quy mô nhỏ, thiết bị sản xuất thủ công, lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đó chưa cao. Từ những hạn chế nêu trên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe đối với người dân trong làng nghề và người dân chung quanh các làng nghề.
Đối với các làng nghề, trước mắt tập trung xử lý nước thải quy mô hộ gia đình, giảm tiếng ồn từ các phương tiện sản xuất bằng máy móc; vận động khuyến khích các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường; tiến hành xây dựng một số trạm xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến nông sản có ô nhiễm cao.
Các biện pháp xử lý nước thải làng nghề quy mô vừa và nhỏ cần được áp dụng. Có thể áp dụng các mô hình xử lý đơn giản sau:
* Sơ đồ xử lý nước thải chung quy mô làng xã
Nước thải từ các hộ sản xuất sau khi được xử lý sơ bộ tách các tạp chất thô được đưa ra cống thải chung. Trên hệ thống cống rãnh chung có bố trí các hố ga để tiếp tục lắng tách các tạp chất, sau đó nước thải được đưa vào hệ thống xử lý nước thải chung.
Mô hình xử lý nước thải tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm
Nước thải theo hệ thống cống rãnh tập trung vào bể điều hòa thì phần lớn các tạp chất dễ lắng được tách ra, đồng thời bể còn có tác dụng điều hòa làm cho lưu lượng nước thải luôn ổn định. Sau đó nước thải được bơm vào bể xử lý yếm khí trong thiết bị UASB, tại đây khoảng 30% BOD được phân hủy theo quá trình phân hủy yếm khí. Nước thải với khoảng 70% BOD còn lại tiếp tục được xử lý tại bể Aeroten theo kiểu hiếu khí. Tại ngăn hiếu khí được xục khí liên tục để cung cấp ôxi cho sinh vật hiếu khí hoạt động. Nhờ các vi sinh vật hoạt động phần lớn chất hữu cơ còn lại trong nước thải bị phân hủy. Cuối cùng nước thải đi vào bể lắng đứng, tách bùn cặn. Nước thải sau khi lắng được thải vào mương thoát nước chung để tưới tiêu. Bùn thải một phần được tuần hoàn vào bể hiếu khí, phần còn lại được đưa vào bể tiêu hủy bùn tiếp tục xử lý và dùng làm phân bón ruộng.
Kinh phí xây dựng hệ thống nước thải tập trung ước tính khoảng 150 triệu đồng
* Hệ thống xử lý nước thải cho quy mô hộ gia đình (cụm gia đình)
Hệ thống xử lý bằng bể aeroten quy mô nhỏ được cấp khí bằng bơm Ejector.
Nước thải sản xuất được tập trung vào hố ga, tại đây phần lớn các tạp chất dễ lắng được tách ra. Sau đó, nước thải được bơm vào bể Aeroten liên hợp gồm một ngăn hiếu khí và một ngăn lắng kiểu LAMEN (lắng với tấm nghiêng). Tại các ngăn hiếu khí, không khí đựơc đưa vào liên tục theo đầu Ejector để cung cấp ôxi cho vi sinh vật hiếu khí hoạt động. Nước sau khi qua ngăn lắng tách các bùn cặn được xả vào mương thoát chung. Một phần nước và bùn được bơm tuần hoàn đưa về ngăn hiếu khí, một phần bùn đựơc định kỳ bơm vào bể tiêu hủy để bón ruộng.
Ưu điểm của hệ thống này là kết cấu đơn giản, lắp đặt theo dạng môđun rất linh động. Đồng thời chỉ với một bơm chìm vừa có tác dụng tuần hoàn bùn vừa cung cấp khí qua đầu Ejector mà không cần đầu tư máy thổi khí, đồng thời vừa sử dụng để bơm bùn và bể tiêu hủy.Chi phí xây dựng cho hệ thống xử lý nước thải có hiệu suất 5 – 10m3/ngày là 25 triệu đồng.
Leave a Reply