Dương Thanh An
Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế
Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường
Luật bảo vệ môi trường đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại phiên họp ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Kỳ họp thứ 7, gồm có 20 chương, 170 điều (tăng 05 Chương và 34 điều so với Luật bảo vệ môi trường năm 2005). Luật bảo vệ môi trường là công cụ pháp lý quan trọng nhằm giữ gìn, bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của toàn thể nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
A- Quá trình xây dựng Luật bảo vệ môi trường năm 2014
Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2006. Việc ban hành Luật bảo vệ môi trường năm 2005 đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thành công trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của tình hình kinh tế, xã hội cũng như các vấn đề môi trường nảy sinh thời gian qua như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Tại Quyết định số 207/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII ban hành theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội
khóa XIII đã phân công Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng bảo đảm quan điểm, mục đích sau:
– Thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;
– Khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật bảo vệ môi trường năm 2005; bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường…; hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia;
– Phù hợp với các đặc điểm của khoa học môi trường như coi phòng ngừa là chính, các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không chia cắt theo địa giới hành chính.
B- Một số điểm mới chính trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014
- Quy hoạch bảo vệ môi trường: là nội dung mới được bổ sung trong Luật: quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh, xã hội, và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, đảm bảo phát triển bền vững.
- Rà soát, quy định hợp lý hơn các nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
- Quy định chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đang thách thức, ảnh hưởng lớn đến toàn cầu trong đó có nước ta. Luật bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này.
- Bảo vệ môi trường biển và hải đảo: Luật bảo vệ môi trường năm 2014 có một Chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm bảo đảm tính thống nhất và toàn diện của Luật bảo vệ môi trường. Chương này chỉ quy định những nội dung cơ bản, có tính nguyên tắc, không có sự trùng lặp với những nội dung trong Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.
- Bổ sung các quy định về: tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hướng tới sự phát triển bền vững; bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; kiểm soát chất độc Dioxin có nguồn gốc diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh; kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hóa chất nói chung và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, thú y; bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn;
- Bổ sung và làm rõ hơn trách nhiệm công bố thông tin về môi trường, về tình trạng môi trường, quy định rõ về hệ thống báo cáo thống nhất về công tác BVMT;
- Bổ sung quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong một điều riêng; quy định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khác; quy định rõ trách nhiệm đầu mối của Bộ TNMT trong việc xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Bổ sung quy định về nguồn lực đầu tư phát triển cho BVMT;
- Quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư: Nghĩa vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư đã được quy định tại một chương riêng. Đồng thời, Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc bảo đảm quyền của các tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp và cộng đồng dân cư.
- Thời điểm khởi kiện: thời điểm tính thời hiệu khởi kiện về môi trường được tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện ra thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; Bổ sung quy định cấm đối với người có thẩm quyền; Bổ sung quy định xác định trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT.
C- Các văn bản hướng dẫn Luật BVMT đã ban hành:
Sau khi Luật BVMT được ban hành, Tổng cục Môi trường đã xây dựng, trình Bộ trưởng để trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 19 văn bản, trong đó có 05 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và 11 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Các văn bản còn lại đang được khẩn trương hoàn thiện để có thể trình ban hành toàn bộ trong năm 2015.
Danh mục văn bản đã được ban hành:
- Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 quy định điều kiện của tổ chức thực hiện hoạt dộng dịch vụ quan trắc môi trường;
2- Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường;
3- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường;
4- Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải và phế liệu đã được Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 4 năm 2015;
5- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu;
6- Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
7- Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 5 năm 2015 quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ;
8- Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26 tháng 8 năm 2014 về việc triển khai thi hành Luật bảo vệ môi trường;
9- Thông tư 11/2015/TT-BTNMT ngày 31/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường ban hành ( QCVN 01-MT : 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên)
10- Thông tư 12/2015/TT-BTNMT ngày 31/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN 12-MT : 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp giấy và bột giấy)
11- Thông tư 13/2015/TT-BTNMT ngày 31/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN 13-MT : 2015/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp dệt nhuộm)
12- Thông tư số 19/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết việc thẩm định điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường và mẫu giấy chứng nhận đã được Bộ trưởng ký ban hành ngày 23 tháng 4 năm 2015;
13- Thông tư số 22/2015/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28 tháng 5 năm 2015 quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng dung dịch khoan; quản lý chất thải và quan trắc môi trường đối với các hoạt động dầu khí trên biển;
14- Thông tư số 26/2015/TT-BTNTM của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 28 tháng 5 năm 2015 quy định đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản;
15- Thông tư số 27/2015/TT-BTNTM của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 29 tháng 5 năm 2015 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;
16- Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.
17- Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải nguy hại;
18- Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản;
19- Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
………………………………………………………………………………….
Nguồn: Trích dẫn từ kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, 29/09/2015
…………………………………………………………………………………..
Leave a Reply