Một số kết quả bước đầu về chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn ở Tp.HCM thách thức và giải pháp

5/5 – (1 vote)

Người viết: Th.S Nguyễn Văn Phước

Phó giám đốc Sở TNMT TP.HCM

TÓM TẮT

Phân loại chất thải rắn tại nguồn là một định hướng đúng nhằm giảm thiểu khối lượng chất thải lên bãi chôn lấp, giúp tận dụng giá trị chất thải thông qua hoạt động tái sử dụng, tái chế, và tái sinh năng lượng. Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn từ năm 2008. Sau đó tạm ngưng và tiếp tục thực hiện kể từ năm 2011 và giai đoạn 2014 đến nay mở rộng triển khai thí điểm cho 06 quận: 1, 3, 5 ,6 ,12, Bình Thạnh. Mặc dù hiện nay Ủy ban nhân dân thành phố quyết liệt trong chỉ đạo triển khai chương trình, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận đã tích cực tổ chức triển khai chương trình, tổ chức tuyên truyền đến từng người dân biết về chương trình, tổ chức hệ thống thu gom riêng chất thải của chương trình, . . .  nhưng kết quả thực hiện vẫn còn thấp và nhiều vấn đề cần giải quyết. Vậy, đâu là vấn đề then chốt cần giải quyết để chương trình được triển khai liên tục và nhân rộng cho toàn địa bàn Tp.HCM.

ABSTRACT

Solid waste separation at sources is the right direction to reduce the volume of waste to landfills, it helps leveraging waste’s value through activities of reuse, recycling, and renewable energy. Ho Chi Minh City has implemented a pilot program of solid waste separation at source since 2008. After being paused in a short time, the City continued the programme in 2011 and from 2014 to 2015, there are 06 pilot districts including District 1, 3, 5, 6, 12 and Binh Thanh District. At the present, the City People’s Committee has drastically in directing program implementation while Department of Natural Resources and Environment as well as the Districts have been actively implementing programmes, promoting the citizens and organising a particular system of waste collection and separation for the programme. However, there are many remaining problems as the programme’s performance is still low. So, what are the key issues to be addressed for the program being continuously implemented and replicated throughout Ho Chi Minh City.

I. MỞ ĐẦU

Thành phố Hồ Chí Minh  với diện tích 2.095 km2 và dân số (đăng kí và vãng lai) hơn 10 triệu người (2014) là đô thị đặc biệt nằm trong vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tầu kinh tế không những trong vùng mà còn của cả nước. Năm 2014 GDP tính trên đầu người của thành phố đạt 5.100 USD tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh việc sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thành phố Hồ Chí Minh cũng tiêu thụ một khối lượng khổng lồ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng (49 triệu KWh/ngày), đồng thời thải vào môi trường một khối lượng tương ứng (hơn 2 triệu tấn/ngày) các loại chất thải (lỏng, khí, rắn và bùn), bao gồm cả chất thải không nguy hại và chất thải nguy hại, chất thải có thể tái chế và chất thải chưa có khả năng tái chế. Chất thải rắn sinh hoạt, một trong những loại chất thải được nêu trên, ngày càng gia tăng cùng với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội. Mỗi ngày, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được thu gom và vận chuyển lên bãi chôn lấp khoảng 7.000 – 7.500 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sinh học là nguồn nguyên liệu to lớn để sản xuất phân compost chiếm 53-55% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt để sản xuất phân hữu cơ và tái sinh năng lượng. Làm thế nào để tận thu nguồn chất thải rắn hữu cơ ?.

Phân loại chất thải rắn tại nguồn là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này. Phân loại chất thải rắn tại nguồn nhằm tách các loại chất thải nguy hại ra khỏi thành phần chất thải rắn hữu cơ tạo nguồn hữu cơ sạch để sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ có chất lượng cao phục vụ cho nông nghiệp và tái sinh năng lượng một cách có hiệu quả từ chất thải rắn hữu cơ. Ngoài ra, phân loại chất thải rắn tại nguồn để nâng cao hiệu quả của hệ thống tái chế, sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng đồng thời xây dựng và hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ hỗ trợ cho chương trình này. Hơn nữa, nâng cao ý thức của tất cả cộng đồng trong thành phố là một trong những mục đích quan trọng của chương trình để thay đổi thói quen và ý thức của cộng đồng trong việc phân loại và thải bỏ chất thải đúng quy định.

II. THỰC TẾ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN TẠI NGUỒN TỪ NĂM 2011 ĐẾN NAY

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng với các quận và các Đơn vị liên quan triển khai chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn. Qua việc triển khai Chương trình để đánh giá những vấn đề tồn tại cần phải khắc phục để Chương trình được triển khai nhân rộng và lâu dài.

Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn đầu tiên được Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện thí điểm tại 14 phường của quận 6 từ năm 2008 và sau đó phải ngưng thực hiện do hệ thống kỹ thuật chưa đồng bộ, chưa có nhà máy tiếp nhận và xử lý chất thải hữu cơ. Mặc dù chương trình phải ngưng thực hiện nhưng số liệu thống kê cho thấy hơn 80% người dân tham gia thực hiện chương trình và thực hiện tốt công tác phân loại. Các tổ chức chính trị – đoàn thể như: hội thanh niên, câu lạc bộ hưu trí, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, . . . tích cực tham gia chương trình. Hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền đến từng hộ dân về nghĩa chương trình cũng như cách thức phân loại chất thải rắn.

Từ năm 2011 đến năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại chợ đầu mối Bình Điền, tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Lottemark, Big C, Metro, tại khu công nghệ cao và khu chế xuất Tân Thuận. Việc lựa chọn các đối tượng trên để triển khai thí điểm vì đã có sẵn hạ tầng kỹ thuật, quá trình triển khai nhằm đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền và phân loại chất thải cũng như khả năng đáp ứng của hệ thống kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Ngoài ra, qua việc thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cho các đối tượng trên, tuyên truyền cho người dân biết về nội dung chương trình nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của chương trình. Mặc dù triển khai liên tục công tác tuyên truyền, phát tờ rơi và tổ chức tập huấn trực tiếp cho các chủ nguồn thải tuy nhiên sau thời gian thực hiện kết quả đạt được chưa cao. Đến nay chỉ duy trì được ở các hệ thống của Co.opmart, Khu công nghệ cao và khu chế xuất Tân Thuận. Song song với việc triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cho các đối tượng trên, từ năm 2013 Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân quận 1 tổ chức thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn cho khoảng 100 hộ dân tại phường Bến Nghé, quận 1. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tp.HCM và Thành phố OSAKA – Nhật Bản về bảo vệ môi trường tại Tp.HCM. Từ những kết quả đạt được ban đầu sau 01 năm thực hiện thí điểm đặc biệt là sự ủng hộ của người dân tham gia chương trình, từ cuối năm 2014, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo từng bước triển khai nhân rộng chương trình ra toàn phường Bến Nghé, thí điểm điểm mô hình cho quận 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh để sau thời gian thực hiện thí điểm đúc kết kinh nghiệm hình thành mô hình chuẩn triển khai nhân rộng cho toàn thành phố. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay các quận đã tổ chức tuyên truyền, phát thùng rác và triển khai công tác phân loại, thu gom chất thải của chương trình. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp cùng các quận ngay từ giai  đoạn đầu xây dựng dự án đến khi ra quân thực hiện chương trình và định kỳ 01 tháng/lần cùng các quận đánh giá công tác thực hiện để báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân thành phố những khó khăn cần giải quyết. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã nhanh chóng ban hành “Quy định kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn áp dụng cho các chương trình thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn tại Tp.HCM”. Qui định này đã giúp cho các quận đầu tư đồng bộ trang thiết bị kỹ thuật, thống nhất về cách thức phân loại và lưu giữ cũng như chuyển giao chất thải. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trên báo đài, truyền hình và xây dựng kế hoạch đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền thông qua lấy và phân tích mẫu chất thải sau phân loại, phát phiếu điều tra khảo sát, . . . Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các quận đã tích cực triển khai chương trình nhưng khi khảo sát thực tế tỷ lệ chủ nguồn thải thực hiện đúng phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt tỷ lệ thấp. Thậm chí một số hộ dân chưa sử dụng đến thùng rác do chương trình cấp phát.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ CHƯƠNG TRÌNH

Sau khi tìm hiểu, phân tích quá trình thực hiện Chương trình, Sở Tài nguyên và Môi trường đúc kết được những khó khăn ảnh hưởng đến hiệu quả của Chương trình như sau:

3.1. Hệ thống tồn trữ và thu gom rác tại nguồn

Tồn trữ tại nguồn

Mặc dù chương trình có cấp phát miễn phí 02 thùng rác dung tích 15 lít/thùng cho mỗi hộ gia đình, các đối tượng ngoài hộ gia đình tự đầu tư thùng theo qui cách màu sắc của chương trình. Theo qui định kỹ thuật, thùng màu xanh qui định chứa rác thực phẩm, thùng màu xám qui định chứa rác còn lại; Bao bì chứa chất thải thực phẩm màu xanh hoặc các màu sáng, bao bì chứa chất thải còn lại màu đen hoặc trắng trong. Tuy nhiên, thực tế để tiện lợi trong quá trình sử dụng, người dân sử dụng các loại túi nylon chứa chất thải rắn. Khi đến thời gian giao chất thải rắn, các hộ dân giao chất thải rắn cho công nhân thu gom. Đối với những hộ không ở nhà vào thời gian thu gom chất thải rắn, thường bỏ chất thải vào các túi nylon buộc chặt, để trước cửa, thói quen này đã tạo nguồn thu nhập cho những người thu nhặt “ve chai” có thể bươi, móc tận thu phế liệu (thay vì thải bỏ trong chất thải rắn) và góp phần tạo việc làm cho hệ thống tái chế của Thành phố.

Hiện trạng tồn tại này khó giải quyết vì diện tích nhà ở người dân chật, thời gian đi làm khác nhau nhưng thời gian thu gom lại cố định. Vì vậy, tất yếu người dân phải để rác bên ngoài nhà.

Thói quen này tác động tiêu cực đến chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn vì: (1) Về môi trường: làm phát tán chất thải, mất vẻ mỹ quan đô thị, (2) Về kinh tế: làm giảm khối lượng phế liệu trong rác, tác động trực tiếp đến nguồn thu nhập của người thu gom rác dân lập. Thực tế triển khai thí điểm tại phường 12, quận 6, người thu gom rác dân lập không đồng tình ủng hộ chương trình vì họ bị giảm thu nhập về phế liệu trong khi phải tốn thêm công để thu gom riêng biệt hai loại chất thải.

Thu gom tại nguồn

Chất thải rắn tại nguồn thải được thu gom bằng phương tiện có tải trọng nhỏ, chủ yếu là xe tải 550 kg, xe 3,4 bánh tự chế và thùng 660 lít. Các phương tiện này phù hợp lưu thông trong hẻm và đường giao thông nhỏ. Các phương tiện trên vận chuyển chất thải từ nguồn thải đến điểm hẹn hoặc trạm trung chuyển gần nhất.

Thống kê cho thấy, 60% khối lượng chất thải rắn phát sinh từ các hộ gia đình do hệ thống thu gom chất thải rắn dân lập thực hiện, 40% do Hợp tác xã và Công ty Dịch vụ công ích thực hiện.  Số lượng phương tiện thu gom chất thải rắn tại nguồn gồm có hơn 200 xe tải nhỏ 550 kg, gần 1.000 xe 3, 4 bánh tự chế và hơn 2.500 thùng 660 lít (3, 4 bánh).

Theo Quyết định số 37/2009/QĐ-UBND ngày 19/05/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc cấm và hạn chế xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ ba, bốn bánh lưu thông: các phương tiện xe lam, xe công nông, xe bagat thu gom rác không đủ điều kiện hoạt động. Hiện nay các phương tiện trên chưa được thay thế bằng phương tiện mới vì:

(1) Quy mô của các chủ đường dây rác nhỏ không đủ công suất hoạt động của phương tiện cơ giới như xe tải 500 kg.

(2) Trình độ dân trí người thu gom rác không cao, tập quán kinh doanh gia đình nên không muốn hợp tác với các chủ đường dây rác khác để tăng quy mô hoạt động và thay đổi phương tiện.

(3) Cơ chế hỗ trợ chưa cụ thể và phù hợp với thu nhập của các đối tượng trên để đổi mới phương tiện. Cơ chế hỗ trợ của các quĩ cho vay tài chính đều yêu cầu phải thế chấp bằng tài sản hoặc chứng minh thu nhập đủ trả nợ vay. Tuy nhiên, các đối tượng trên đa số nghèo hoặc người ngoài tỉnh nên không có tài sản thế chấp. Doanh thu dựa trên số lượng chủ nguồn thải và mức thu phí theo qui định không đủ trang trải cho chi phí đầu tư phương tiện mới. Tuy nhiên, nếu dựa trên cơ sở này thì không chứng minh đủ thu nhập để có thể trả nợ vay.

Như vậy, ngay từ bây giờ cần có kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi phương tiện ít nhất 1.000 xe 3,4 bánh tự chế. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến khả năng tài chính của người thu gom và ngân sách để có lộ trình chuyển đổi từng bước, có thể thực hiện cuốn chiếu thay đổi phương tiện từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là kế hoạch triển khai phải cụ thể và thực hiện nghiêm túc về thời gian.

Ngoài ra, như đã phân tích ở trên, thực trạng hiện nay các đối tượng này vừa thu gom vừa nhặt phế liệu có trong rác và đây là nguồn sống của họ. Vì vậy, triển khai ngay phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với hộ dân sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của đối tượng này. Chương trình sẽ động trực tiếp đến 5.000-6.000 người lao động bao gồm lực lượng thu gom rác dân lập và công nhân Công ty DVCI quận huyện.

Do đó, cần phải khảo sát đánh giá cụ thể mức độ tác động không chỉ của chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn mà các chương trình có liên quan (như thu phí và đấu thầu dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt) để có biện pháp hỗ trợ phù hợp đối tượng này cũng như lực lượng thu mua ve chai dạo đã trình bày ở trên.

3.2. Hệ thống trung chuyển

a. Thu gom trên đường phố (điểm hẹn)

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 241 điểm hẹn, tập trung chủ yếu ở các quận như Tân Phú (76 điểm), quận 10 (41 điểm), quận 8 (17 điểm) là các quận nội thành trong thành phố, số còn lại phân bố rải rác ở các quận huyện. Số lượng điểm hẹn hiện nay giảm rất nhiều so với năm 2005-2007.

Các điểm hẹn là vị trí cố định trên đường phố hoặc khu công cộng nhằm trung chuyển chất thải từ các phương tiện thu gom tại nguồn (thùng 660 lít, xe 3,4 bánh) lên xe ép rác lớn (tải trọng từ 04 tấn trở lên). Các xe ép lớn vận chuyển về trạm trung chuyển hoặc vận chuyển trực tiếp nhà máy xử lý hoặc bãi chôn lấp (đối với xe có tải trọng trên 7 tấn). Đặc điểm hoạt động của điểm hẹn trong khoảng thời gian ngắn (30 phút đến 1 giờ) và không có các phương tiện thiết bị bảo vệ môi trường nên các điểm hẹn thường không đảm bảo vệ sinh môi trường và thường xuyên bị di dời bởi phản ảnh của người dân.

Thực tế mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn của các nước cho thấy, điểm hẹn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thu gom chất thải đã phân loại vì giúp giảm cự ly vận chuyển của các phương tiện thu gom tại nguồn đồng thời giúp người dân biết được vị trí và thời gian để chuyển giao chất thải đã phân loại (nếu không giao rác đúng thời gian quy định). Đây là bài toán giải quyết dứt điểm tình trạng người dân vắng nhà, để rác trước cửa nhà gây mất vệ sinh và vẻ mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng tại Thành phố, quá trình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn cần xem xét nghiên cứu mô hình hoạt động của điểm hẹn phù hợp với từng địa phương để đảm bảo môi trường trong quá trình hoạt động.

Trạm trung chuyển

Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh có 40 bô/trạm trung chuyển chất thải rắn với nhiệm vụ tập trung lượng chất thải rắn từ các xe thu gom dân lập, hợp tác xã, công ty, từ các điểm hẹn. Từ các trạm trung chuyển này, chất thải rắn được vận chuyển lên các bãi chôn lấp bằng các xe có tải trọng lớn (10-15 tấn/xe). Thành phố đã đầu tư cải tạo 13 trạm trung chuyển đảm bảo môi trường, trong đó có một số trạm phục vụ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn giai đoạn đầu.

Kinh nghiệm từ chương trình phân loại chất thải rắn tại quận 6 cũng như mô hình của các nước, phải có trạm trung chuyển trong mô hình phân loại chất thải tại nguồn. Trạm trung chuyển giúp giảm cự ly vận chuyển các phương tiện thu gom tại nguồn (tăng số vòng quay vận chuyển các phương tiện), lưu chứa chất thải đã phân loại. Vì vậy, đầu tư mới hệ thống trạm trung chuyển để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật phân loại chất thải rắn tại nguồn là điều cần thiết

Theo tính toán, để xây dựng một trạm trung chuyển có công suất trung bình 200-300 tấn/ngày thì mức đầu tư khoảng 38-45 tỷ đồng và thời gian kể từ khi thực hiện dự án đến khi hoàn tất xây dựng đưa trạm trung chuyển vào vận hành khoảng 3 năm (đối với trạm trung chuyển đã được xác định trong quy hoạch và được đền bù giải tỏa mặt bằng).

Vị trí các trạm trung chuyển phân bố không đồng đều khoảng cách, các quận trung tâm Thành phố như quận 1, quận 3 không có trạm trung chuyển. Chưa có quy hoạch hệ thống trạm trung chuyển sẽ ảnh hưởng rất lớn đến định hướng quy trình và công nghệ thu gom để phù hợp với từng địa phương. Cụ thể, nếu triển khai phân loại phân loại chất thải rắn tại quận 1 và quận 3 phải xác định công nghệ thu gom riêng làm tăng chi phí thực hiện dự án.

Vì vậy, cần thiết có đánh giá cụ thể hiện trạng và quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển. Thực hiện quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển không nhất thiết mỗi quận phải có 01 trạm trung chuyển mà thực hiện quy hoạch vùng, hình thành mạng lưới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cự ly (hiệu quả hoạt động các trạm trung bình 15-20 km). Khi hoàn thiện các trạm trung chuyển mới sẽ hỗ trợ tích cực chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

3.3. Nhà máy xử lý và tái chế

Nhà máy tái chế chất thải rắn hữu cơ thành phân compost

Hiện tại, có 2 nhà máy đang hoạt động, tiếp nhận chất thải thực phẩm để sản xuất thành phân compost là Nhà máy Công ty Cổ phần VietStar (công suất xử lý 1.200 tấn/ngày) và Nhà máy Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất xử lý 1.000 tấn/ngày. Cả hai nhà máy này đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp – Củ Chi.

Như vậy, hiện nay việc xử lý chất thải thực phẩm từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn không cần thiết phải đầu tư thêm.

Nhà máy xử lý chất thải nguy hại

Hiện nay, chất thải nguy hại do chủ nguồn thải và các Đơn vị xử lý thương thảo giá xử lý và chuyển giao theo hợp đồng. Công tác quản lý cũng chỉ mới đến các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chưa quản lý được chất thải nguy hại từ hộ dân. Vì khối lượng chất thải nguy hại từ hộ dân ít và Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định về quản lý chất thải nguy hại đối với đối tượng hộ dân (không hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ). Như vậy, để thực hiện phân loại chất thải rắn tại hộ dân thì cần có giải pháp xử lý chất thải nguy hại từ nguồn này. Sở Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng phương án để thu gom chất thải nguy hại từ Chương trình. Trước mắt, Sở đã hướng dẫn các quận tuyên truyền cho người dân biết về cách thức phân loại, lưu giữ an toàn tại nguồn thải và chuyển giao cho Chương trình tuần lễ thu gom chất thải nguy hại được Ủy ban nhân dân quận tổ chức định kỳ hàng năm.

2015-11-10_235259

3.4. Hệ thống quản lý.

Hệ thống nhân sự của Sở Tài nguyên và Môi trường

Kinh nghiệm chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn cho thấy khi triển khai thực tế, ngoài việc thực hiện tuyên truyền cho người dân trong giờ hành chính, mỗi một đêm cần khoảng 10 nhân viên của phòng quản lý chất thải rắn đi xuống từng tổ dân phố để tiếp tục tuyên truyền cho người dân, đến từng hộ dân hướng dẫn phân loại và kiểm tra, giám sát hệ thống thu gom.

Hiện nay, số lượng nhân sự thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn chỉ 04 người. Mặc dù hầu hết tốt nghiệp chuyên ngành môi trường nhưng đa số còn thiếu kiến thức về quản lý dự án cũng như phương pháp tuyên truyền cộng đồng. Vì vậy, nếu triển khai đại trà sẽ thiếu nhân sự và không thể đảm bảo triển khai hiệu quả chương trình.

Hệ thống nhân sự quận/huyện, phường/xã

Cán bộ quản lý chất thải của phường/xã và quận/huyện đóng vai trò quan trọng nhất vì trực tiếp triển khai và giám sát quá trình thực hiện chương trình.

Theo thống kê, tại cấp quận huyện không có nhân sự cho công tác quản lý chất thải rắn riêng mà chỉ có nhân sự cho công tác quản lý môi trường chung, lập thành tổ Môi trường thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường, với nhân sự trung bình 3- 5 người cho mỗi tổ. Tại cấp phường xã, hầu như không có nhân sự cho quản lý môi trường mà thường là cán bộ kiêm nhiệm để giải quyết các sự vụ có liên quan đến môi trường.

Đây là vấn đề không thể giải quyết được trong giai đoạn hiện nay vì liên quan đến qui định về cơ cấu nhân sự địa phương, không thể tăng nhân sự chuyên trách cho chương trình. Thực tế triển khai người chuyên cho chương trình tại quận và phường cũng phải thực hiện cùng lúc các nhiệm vụ khác nhau nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác triển khai chương trình.

3.5. Hệ thống văn bản quản lý Nhà nước    

Với cơ cấu xây dựng khung pháp luật và sau đó bổ sung các thông tư hướng dẫn làm cho hiệu lực của văn bản Nhà nước giảm đáng kể và không thích ứng kịp với nhu cầu của xã hội. Hệ thống văn bản pháp lý của trung ương còn thiếu hoặc có nhưng chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể hoặc không được địa phương thực hiện nghiêm túc.

Các văn bản pháp lý hiện nay chủ yếu đề cập đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường như tại khoản 3 – điều 16 và điều 24 Nghị định 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chỉ xử phạt đối với các hành vi chôn lấp, thải chất thải rắn không đúng nơi quy định và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư. Không có quy định cụ thể về xử phạt đối với hành vi không thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Điều này gây cản trở lớn trong việc thực hiện chương trình vì không thể chỉ có tuyên truyền mà phải song song thực hiện biện pháp chế tài xử phạt. Do đó, các quy định quản lý nhà nước có liên quan đến thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được xây dựng và ban hành trước khi thực hiện chương trình.

3.6. Hệ thống công nghệ thông tin

Đến nay, việc quản lý, thống kê và trao đổi công việc vẫn phải thực hiện bằng văn bản chưa có công cụ thông tin được áp dụng. Điều này gây bất lợi và khó khăn cho công tác thống kê số liệu để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn nói riêng cũng như hệ thống quản lý chất thải rắn nói chung.

3.7. Ý thức của người dân và hiệu lực quản lý Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính

Ý thức người dân

Đặc điểm dân cư của thành phố bao gồm nhiều thành phần dân các nơi của cả nước tập trung sinh sống. Trình độ dân trí không đồng đều. Vì vậy, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng chưa cao (có thể nói là kém).

Điều này thể hiện rõ ở quá trình triển khai thí điểm tại quận 6 có thể nhận thấy để đạt được hiệu quả nhất định, cần tuyên truyền liên tục với sự tham gia tổng thể của cơ quan quản lý Nhà nước và nhiều tổ chức xã hội. Tuy nhiên, sau đó giảm tần suất tuyên truyền thì hiệu quả giảm rõ rệt. Tại các co.opmart cũng đã có hệ thống loa tuyên truyền mỗi 30 phút/lần và tất cả các vị trí thùng rác đều được bố trí thuận lợi, có dán nhãn, ghi chú thải bỏ chất thải đúng quy định (hai thùng chứa đặt gần nhau). Người dân mua hàng tại Co.opmart có thời gian nghỉ ngơi, thưởng thức thức ăn và chỉ có động tác thải chất thải đúng thùng chứa nhưng vẫn thải bỏ rác không đúng.

Vì vậy, công tác tuyên truyền trong chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn là việc làm hết sức khó khăn. Quá trình thực hiện phải kiên trì và lâu dài, bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đặc biệt chú trọng đến học sinh và sinh viên, chỉ có thay đổi căn bản từ nhận thức của tầng lớp này thì đến năm 2020 trở đi, mới có thể thay đổi nhận thức của toàn xã hội.

Hiệu lực của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính

Hiệu lực của hệ thống xử phạt vi phạm hành chính của Nhà nước không nghiêm minh nên công tác tuyên truyền chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính qui định rõ trách nhiệm và quyền hạn cấp xử phạt từ cấp phường xã đến thành phố và hiện nay cũng đã có lực lượng chuyên trách xử phạt môi trường – cảnh sát môi trường. Tuy nhiên, đến nay đánh giá hiệu quả của hệ thống này chưa cao, chỉ tập trung đối với chủ nguồn thải là cơ sở kinh doanh.

Vấn đề nan giải hiện nay là công tác xử phạt các hành vi xả chất thải không đúng quy định tại cấp phường/xã chưa thực hiện tốt. Các hành vi xả chất thải không đúng quy định vẫn chưa được xử lý hiệu quả nên ý thức của người dân về tuân thủ pháp luật chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là lực lượng xử phạt của phường/xã ít và kiêm nhiệm; quy định xử phạt chưa thật sự răn đe nên hiệu quả xử phạt không cao.

3.8. Phê duyệt kinh phí sự nghiệp hàng năm thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn

Theo quy định, nội dung và kinh phí thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được phê duyệt hàng năm. Vì vậy, tiến độ thực hiện chương trình thường bị chậm hoặc phải điều chỉnh giảm do thủ tục hồ sơ để phê duyệt được chi phí thực hiện rơi vào khoảng quí II- III của năm.

Các nước Đài Loan và Nhật Bản, đều xây dựng và phê duyệt kế hoạch ít nhất 05 năm để dự trù kinh phí thực hiện. Hàng năm, ngân sách sẽ xuất toán theo khối lượng công việc đã thực hiện.

Do đó, với một kế hoạch tổng thể và thời gian thực hiện chương trình lâu dài thì phải thay đổi phương án duyệt kinh phí ít nhất 05 năm để thành phố dự trù kinh phí thực hiện.

3.9. Các chương trình quản lý chất thải rắn có liên quan đến phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Có hai chương trình quản lý chất thải rắn tác động trực tiếp đến việc triển khai chương trình phân loại phân loại chất thải rắn tại nguồn là chương trình Thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt và đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt.

2015-11-10_235113

Chương trình thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, mức phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường được ban hành theo quyết định số 88/2008/QĐ-UBND ngày 20/12/2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố không còn phù hợp vì mức phí thấp, không phù hợp với hiện tại.

Phương pháp tính phí dựa trên cơ sở khoán chi phí đối với chủ nguồn thải là hộ dân và đối với chủ nguồn thải ngoài hộ dân tính theo khối lượng phát sinh hoặc theo dung tích chất thải. Phương pháp tính toán phù hợp với định hướng người gây ô nhiễm trả phí xử lý ô nhiễm. Tuy nhiên, để có thể triển khai được chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phải điều chỉnh phương pháp tính toán. Phương pháp phải tính đúng và đủ chi phí xử lý chất thải (bao gồm phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường) trên dung tích hoặc khối lượng chất thải phát sinh và áp dụng cho tất cả đối tượng chủ nguồn thải. Phương pháp này kích thích được người dân thực hiện các biện pháp tái sử dụng và giảm thiểu khối lượng chất thải .

Phương pháp tính toán này tạo ra sự công bằng trong việc tính chi phí xử lý chất thải, các chủ nguồn thải không thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, có khối lượng phát sinh nhiều sẽ trả chi phí cao hơn những chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, phát sinh chất thải ít.

Chương trình đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt

Chương trình đấu thầu sẽ giúp cho công tác thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn được thực hiện thuận lợi và hiệu quả. Vì hệ thống thu gom tại nguồn được đồng bộ và do một đơn vị thực hiện nên công tác quản lý, giám sát và phân vùng thời gian thu gom (đối với từng loại chất thải) được thực hiện tốt.

KẾT LUẬN

Mặc dù Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn gặp nhiều khó khăn như kể trên nhưng xét về hiệu quả tổng thể chương trình, thành phố phải quyết tâm hơn nữa để Chương trình được triển khai liên tục và đạt hiểu quả nhất định. Xét các yếu tố chủ quan và khách quan nêu trên, bước đầu nên triển khai Chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn nên được thực hiện đối với những quận huyện có hệ thống thu gom ổn định và đồng bộ về kỹ thuật hoặc đối với những quận huyện đã thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt.

Thành phố cần phải có lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn song song với hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như hệ thống quản lý. Đặc biệt chú trọng ngay từ bây giờ về đầu tư nguồn nhân lực đủ và chuyên môn sâu đối với cán bộ thực hiện từ phường xã đến thành phố.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *