Những tồn tại của bản kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Phú Yên và đề xuất các nội dung cập nhật

5/5 – (1 vote)

1Lê Văn Thăng, 1*Lê Quang Cảnh, 1Nguyễn Đình Huy,

1Hoàng Ngọc Tường Vân, 1Hồ Thị Ngọc Hiếu

(1)Viện Tài nguyên và Môi trường- Đại học Huế

* Email:canhlequang@gmail.com

TÓM TẮT

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Phú Yên đã được ban hành năm 2012 nhằm mục tiêu định hướng các chương trình, dự án phát triển của tỉnh theo hướng thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai gây ra, đồng thời góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Phú yên đến năm 2020. Bài báo đã phân tích những tồn tại, hạn chế của bản kế hoạch này, trên cơ sở đó đề xuất những nội dung cần bổ sung, cập nhật nhằm phù hợp với thực tiễn phát triển của tỉnh và xu thế của biến đổi khí hậu trong thời gian tới

Từ Khóa: Biến đổi khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, kế hoạch hành động, chương trình mục tiêu Quốc gia, Phú Yên.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới, đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của một số quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC 2007), nhiệt độ trung bình toàn cầu và mực nước biển tăng nhanh trong vòng 100 năm qua, đặc biệt trong khoảng 25 năm gần đây [6]. Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 – 0,7 oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm [1]. Hiện tượng El Nino, La Nina ngày càng tác động mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu thực sự đã làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu, điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội , đặc biệt lĩnh vực sản xuất nông nghiệp [2]Trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh) [3]. Theo các kịch bản biến đổi khí hậu, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam sẽ tăng khoảng 2 – 3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980 – 1999 [1]. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.

Ứng phó với biến đổi khí hậu là một quá trình bao gồm hành động giảm thiểu và thích ứng. Trong khi giảm thiểu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, còn thích ứng nhằm giảm những tác động của biến đổi khí hậu ở hiện tại và tương lai [7]. Thích ứng nâng cao khả năng của người dân và chính quyền trong việc giảm những tác động của biến đổi khí hậu [8]

Để ứng phó với thiên tai và BĐKH, chính quyền tỉnh Phú Yên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH. Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH được ban hành năm 2012 góp phần giúp chính quyền và người dân địa phương chủ động thích ứng hiệu quả với tình hình thiên tai, phù hợp với kịch bản BĐKH và nước biển dâng của quốc gia nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. Bài báo này đã phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện bản kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH nói trên, từ đó đề xuất một số nội dung cần bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình mới của tỉnh.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

  • Địa bàn nghiên cứu

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có toạ độ địa lý: Điểm cực Bắc: 13041’28”; Điểm cực Nam: 12042’36”; Điểm cực Tây: 108040’40” và điểm cực Đông: 109027’47”. Phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp tỉnh Khánh Hoà, phía đông giáp biển Đông, phía tây giáp 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Dân số của tỉnh vào năm 2013 khoảng 883,200 [4] người và diện tích 5,060.5 km2 trong đó đồi núi có độ dốc trên 8,00 chiếm 69,1%.  Tỉnh Phú yên được chia thành 8 đơn vị hành chính bao gồm: thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu và các huyện: Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Nhiệt độ không khí trung bình biến đổi từ 26,50C ở phía Đông và giảm dần về phía Tây 26,0 0C; tháng có nhiệt độ không khí trung bình lớn nhất vùng miền núi là tháng 5 (28,8 0C); ở đồng bằng vào tháng 6 (29,2 0C).

2015-11-01_211315

Hình 1. Vị trí khu vực nghiên cứu

  • Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện bài báo này chúng tôi đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau nhằm đạt được mục đích nghiên cứu.

  • Phương pháp thu thập, tổng hợp tài liệu

Phương pháp này được sử dụng đầu tiên trong quá trình nghiên cứu. Thông qua việc tiếp xúc làm việc với các Sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm thu thập các tài liệu, số liệu liên quan đến địa bàn và vấn đề nghiên cứu. Tất cả các tài liệu, số liệu sau khi thu thập được tổng hợp, thống kê để bước đầu đánh giá sơ bộ được những điểm mạnh, tồn tại và hạn chế của bản kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đối với từng ngành, lĩnh vực của tỉnh Phú Yên nhằm đề xuất những nội dung cần bổ sung, cập nhật trong thời gian tới.

  • Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa

Trong nghiên cứu này chúng tôi đã tiến hành 02 đợt điều tra khảo sát thực địa: đợt 1 khảo sát thực địa khu vực đồng bằng ven biển; đợt 2 tiến hành cho vùng miền núi.

Trong quá trình khảo sát thực địa, đã tiến hành làm việc, tìm hiểu những tồn tại, hạn chế, khó khăn của các ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh.

Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn bằng bộ phiếu điều tra có cấu trúc cho các đối tượng là cán bộ các sở, ban ngành, cán bộ cấp tỉnh, cấp  huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nghiên cứu đã tiến hành điều tra 350 phiếu dành cho người dân và 120 phiếu tập trung vào lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Ủy ban nhân nhân cấp huyện, cấp xã; chuyên viên các phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Nông nghiệp cấp huyện và đại diện lãnh đạo các xã dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH và nước biển dâng.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

  • Những kết quả đạt được của bản Kế hoạch hành động

Bản kế hoạch trên đã đạt được những kết quả nhất định như (1) đề xuất một số chương trình, dự án, hành động cụ thể từng huyện, từng sở ban ngành cụ thể nhằm ứng phó hiệu quả với những tác động cấp bách trước mắt và những tác động tiềm tàng, lâu dài của BĐKH đảm bảo sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh theo hướng thích ứng với BĐKH; (2) đánh giá mức độ tác động của BĐKH và nước biển dâng đến tài nguyên, môi trường và kinh tế- xã hội tỉnh Phú Yên; (3) điều tra, đánh giá hiện trạng, dao động khí hậu và xu thế thay đổi của tài nguyên, môi trường và kinh tế- xã hội trong thời gian gần gây; (4) chi tiết hóa kịch bản biến đổi khí hậu và đánh giá được các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến các khu vực và lĩnh vực cụ thể; (5) xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể (6) Xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2011- 2015.

Trong đó, kết quả lớn nhất mà Bản kế hoạch này đạt được là đã đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, đồng thời xác định được khu vực cụ thể dễ bị tổn thương bởi BĐKH và nước biển dâng. Nội dung bản kế hoạch chỉ rằng nông nghiệp là ngành chịu tác động mạnh nhất do sự thay đối nhiệt độ, lượng mưa và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan với gần 92% người dân cho biết khi được hỏi. Ngoài ra các hoạt động khác như: nuôi trồng thủy sản, du lịch, giao thông vận tải cũng chịu nhiều rủi ro ở những mức độ khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở vùng đồng bằng ven biển bị ảnh hưởng nặng nhất bởi sự gia tăng mực nước biển, lũ lụt và bão, còn vùng đồi núi sẽ gia tăng lũ quét, sạt lở đất ở bờ sông, tình trạng thiếu nước, hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi sự thay đổi khí hậu là người nông dân, ngư dân, người già, phụ nữ và trẻ em.

Bảng 1. Các khu vực và ngành dễ bị tổn thương của tỉnh Phú Yên

Khu vực Địa điểm Các tác động Ngành chịu tác động Đối tượng dễ bị tổn thương
Vùng ven biển và Hải đảo Thị xã Sông Cầu, Huyện Tuy An, Tp. Tuy Hòa, – NBD;

– Gia tăng bão và áp thấp nhiệt đới;

– Gia tăng lũ lụt và sạt lở đất.

– Nông nghiệp và an ninh lương thực

– Thủy sản

– Giao thông vận tải

– Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị/nông thôn

– Môi trường/tài nguyên nước/đa dạng sinh học

– Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác

– Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

– Nông dân và ngư dân nghèo ven biển

– Người già, trẻ em, phụ nữ

Vùng đồng bằng nhỏ hẹp Huyện Đồng Xuân, Huyện Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa Lũ lụt và sạt lở đất, xâm nhập mặn – Nông nghiệp và an ninh lương thực

– Thủy sản

Công nghiệp

– Giao thông vận tải

– Xây dựng, hạ tầng, phát triển đô thị/nông thôn

– Môi trường/tài nguyên nước/đa dạng sinh học

– Y tế, sức khỏe cộng đồng/các vấn đề xã hội khác

– Kinh doanh dịch vụ, thương mại và du lịch

– Nông dân nghèo

– Người già, phụ nữ, trẻ em

Vùng núi và Trung du phía Tây Phía Bắc Sơn Hòa, phía Nam Sông Hinh, Phía Tây huyện Đồng Xuân – Gia tăng lũ và sạt lở đất

– Gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan

– Nhiệt độ gia tăng, hạn hán thiếu nước mùa khô

– An ninh lương thực

– Giao thông vận tải

– Ngành môi trường và tài nguyên nước.

– Đa dạng sinh học

– Y tế, sức khỏe cộng đồng

– Dân cư miền núi, nhất là dân tộc thiểu số

– Người già, phụ nữ, trẻ em

  • Những tồn tại, hạn chế của bản Kế hoạch hành động

Bản Kế hoạch đã đề ra rất nhiều mục tiêu cần đạt được, tuy nhiên kết quả của nó chưa phản ánh, hoạt phản ánh không đầy đủ các mục tiêu đã đặt ra. Có một số mục tiêu còn mang tính chất chung chung, tương tự nhau, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc đề ra các kế hoạch cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu này. Mặt khác mục tiêu cụ thể và mục tiêu chung chưa hoàn toàn phù hợp với nhau, một số mục tiêu chung chưa được phản ánh trong mục tiêu cụ thể [8]

Phần nội dung của bản Kế hoạch chưa đưa ra được những giải pháp, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện dẫn đến một số địa phương chưa có động thái thực hiện hoặc thực hiện không đồng bộ, thống nhất. Nghiên cứu cho thấy,  có đến 13,3 % cán bộ các cấp khi được hỏi cho biết, địa phương mình đến nay vẫn chưa ban hành Kế hoạch hành động.

Theo điều tra, có 84,2 % ý kiến cho rằng “ Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH” phù hợp với địa phương. Tuy nhiên 15,8 % số cán bộ còn lại cho rằng bản kế hoạch này vẫn còn mang tính chung chung, chưa thể hiện được những nét đặc thù của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Một số thì cho rằng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án vẫn còn quá thấp, tiến độ giải ngân kinh phí chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ.

Về mức độ hiệu quả của của kế hoạch đối với địa phương, phần lớn cán bộ cho rằng bản Kế hoạch đã phát huy được hiệu quả đối với một số lĩnh vực của tỉnh như công tác phòng chống thiên tai, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp…chiếm 56,7 %. Tuy nhiên một số ý kiến thì nhận xét bản kế hoạch chưa phát huy được hiệu quả, một số chương trình, dự án đề ra thiếu tính khả thi và chưa tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra.

Bản kế hoạch đã đưa ra 105 dự án, hành động nhằm ứng phó với BĐKH và nước biển dâng ở tỉnh Phú Yên trong giai đoạn từ năm 2012- 2020, riêng giai đoạn từ 2012- 2014 là 45 dự án. Tuy nhiên, số lượng các dự án đã triển khai thực tế chỉ chiếm chưa đến 50% so với kế hoạch đặt ra. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong số đó nguyên nhân do việc đề xuất các dự án chưa sát với thực tế của địa phương, chưa chủ động được nguồn kinh phí…

Một trong những tồn tại của bản KHHĐ là việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở ngành trong tỉnh, gắn trách nhiệm cụ thể từng cán bộ lãnh đạo, chỉ có như vậy các sở ngành mới xem ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành mình nói riêng và KT- XH của tỉnh nói chung trong bối cảnh BĐKH.

Các tác động của BĐKH có nguyên nhân do con người và phạm vi toàn cầu, các tác động xảy ra trong tương lai nặng hay nhẹ đều phụ thuộc vào hành động của con người, nên việc xác định các tác động trong tương lai do BĐKH không rõ ràng. Vì vậy, các kịch bản BĐKH và nước biển dâng đưa ra cũng không được chắc chắn, mà cần hoàn thiện và cập nhật liên tục dựa vào kịch bản phát thải toàn cầu, kịch bản phát triển của địa phương trong các giai đoạn tiếp theo.

  • Đề xuất những nội dung cần bổ sung, cập nhật

Ứng phó với BĐKH là một vấn đề phức tạp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau vì vậy trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh những vấn đề mới đòi hỏi phải bổ sung, cập nhật nhằm phù hợp với tình hình BĐKH và thực tiễn phát triển của địa phương. Một số nội dung cần bổ sung, cập nhật để bản Kế hoạch đã ban hành đáp ứng với tình hình mới cũng như yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015- 2020.

Xác định các tác động nghiêm trọng do BĐKH và nước biển dâng ra đối với từng vùng, lĩnh vực của tỉnh Phú Yên: Đây là nội dung hết sức quan trọng, góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở để đề xuất các chương trình, hành động cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Đề xuất các giải pháp ưu tiên thực hiện trong thời gian tới nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH: Các giải pháp trong bản Kế hoạch cập nhật phải mang tính ưu tiên, cấp bách nhằm giải quyết những thách thức, cũng như tận dụng các cơ hội mà BĐKH mang lại cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể của địa phương.

Bổ sung, cập nhật các ngành, lĩnh vực, các xã, phường, thị trấn, khu dân cư nông thôn dễ bị thương tổn do BĐKH và nước biển dâng. BĐKH tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, khu vực khác nhau, tuy nhiên mỗi đối tượng bị tác động sẽ có những mức độ khác nhau, vì vậy cần xác định cụ thể những ngành, lĩnh vực, địa phương nào dễ bị tổn thương nhất, từ đó đề xuất những giải pháp thích ứng và giảm thiểu một cách khả thi, hiệu quả.

Nhận diện, đánh giá ảnh hưởng của các hoạt động phát triển đến khả năng thích ứng với BĐKH. Mỗi ngành, lĩnh vực khác nhau sẽ có những giải pháp thích ứng riêng của mình. BĐKH không chỉ tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành, lĩnh vực mà nó cũng mang đến những cơ hội giúp cho việc tái cơ cấu cũng như định hình lại mục tiêu phát triển của ngành mình trong thời gian tới.

Xác định và liệt kê các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH có liên quan đến nội dung của các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh Phú Yên. Trên cơ sở đó, lựa chọn các biện pháp thích ứng tối ưu, phù hợp với nguồn lực, công nghệ, kỹ thuật đảm bảo tính bền vững.

Lồng ghép yếu tố BĐKH vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch (CQK) là lựa chọn thông minh của nhiều quốc gia nhằm ứng phó với BĐKH. Việc lựa chọn nôi dung gì của BĐKH để lồng ghép vào CQK nào sẽ góp phần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, đồng thời phát huy tối đa tính hiệu quả của các CQK đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

KẾT LUẬN

Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đã ban hành năm 2012 của tỉnh Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hỗ trợ cho các sở, ngành và chính quyền các cấp của tỉnh vạch ra những kế hoạch phát triển trong thời gian tới. Bản kế hoạch này đã xây dựng được kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho tỉnh Phú Yên mang tính cập nhật cao; Đánh giá được các tác động của BĐKH đến các ngành lĩnh vực khác nhau; Đánh giá được khả năng ứng phó với BĐKH của các Sở, ban ngành của tỉnh từ đó có các giải pháp nâng cao năng lực ứng phó; Xây dựng được danh mục các chương trình, dự án, hành động ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2012- 2015 và 2016- 2020. Tuy nhiên Bản kế hoạch cũng còn gặp không ít những tồn tại, vướng mắc cần được khắc phục như: Mục tiêu cụ thể chưa phù hợp với mục tiêu chung, một số mục tiêu chưa rõ ràng, cụ thể; nguồn ngân sách eo hẹp, chưa có sự đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ; chất lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực còn thiếu và yếu; một số chương trình, dự án đề ra nhưng không thực hiện…những kết quả này phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới để phù hợp với thực tiễn của địa phương cũng như kết quả cập nhật kịch bản BĐKH và nước biển dâng trên Thế giới và của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009, 2012), Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Hà Nội.
  2. Shresta, B.T.T. Trang (2014) Assessment of the climate-change impacts and evaluation of adaptation measures for paddy productivity in Quang Nam province, Vietnam. Paddy Water Environ. DOI 10.1007/s10333-014-0434-2
  3. Thủ tướng Chính phủ (2011), Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Hà Nội.
  4. Cục Thống kê tỉnh Phú Yên (2014). Niên giám thống kê năm 2013.
  5. IPCC (2007) Climate change 2007: impacts, adaptation and vulner-ability. Contribution of Working Group II to the 4th assessment report of the intergovernmental panel on climate change.Cambridge University Press, Cambridge
  6. V.R. K Prabhakar et al. (2008) Climate change and local level disaster risk reduction planning: need, opportunities and challenges. Mitig Adapt Strateg Glob Change (2009) 14:7–33. DOI 10.1007/s11027-008-9147-4
  7. Tompkins EL, Adger WN (2003) Building resilience to climate change through adaptive management of natural resources. Working Paper 27. Tyndall Center for Climate Change Research, UK, p 19
  8. UBND tỉnh Phú Yên (2012), Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Phú Yên, Phú Yên.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *