Truyền thông đại chúng với biến đổi khí hậu

5/5 – (1 vote)

ThS. Đinh Hữu Dư

Tạp chí Lao động và Công đoàn (175 – Giảng Võ – Hà Nội)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề toàn cầu chứ không còn của riêng một quốc gia nào. Biến đổi khí hậu đã trở thành một thuật ngữ quan trọng trong giới khoa học quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thậm chí cả trong quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế. Việt Nam được đánh giá là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương và có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC), một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là các vùng đồng bằng đông dân cư ven biển châu Á, trong đó có Việt Nam, với khoảng 1/6 diện tích và 1/3 dân số bị ảnh hưởng. Thực tế, theo kết quả thống kê, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam trong 50 năm qua đã tăng lên khoảng 0,7 0C, mực nước biển dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng EL-Nino, La-Nina đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu đã thực sự làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán… ngày càng ác liệt.

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và công bố, có ba kịch bản được xây dựng dựa trên các tiêu chí: Nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng, gồm: Kịch bản phát thải thấp; kịch bản phát thải trung bình và kịch bản phát thải cao. Nó đã cho thấy một bức tranh khá toàn cảnh về thực trạng biến đổi khí hậu cũng như tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam trong thế kỷ 21.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình là đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành, địa phương…, tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Một trong những nhân tố góp phần vào sự thành công trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu và chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đó là công tác truyền thông. Vai trò của truyền thông được thể hiện trong việc nâng cao nhận thức và hành động nhằm ứng phó với biến đổi  khí hậu. Với thế mạnh của việc thông tin phát đến nhóm công chúng lớn, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cũng như cảnh báo hậu quả từ biến đổi khí hậu cho công chúng. Ngoài ra, truyền thông còn có thể tạo dựng các diễn đàn thảo luận về giải pháp phù hợp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với từng khu vực và cộng đồng cụ thể.

Với chức năng đặc trưng là cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội, báo chí nói riêng và truyền thông nói chung đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu của báo chí và truyền thông trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây đã tạo ra cơ hội, thuận lợi to lớn cho con người trong việc tiếp cận, cập nhật một khối lượng thông tin khổng lồ về mọi mặt đời sống xã hội, trong đó có những thông tin về biến đổi khí hậu. Nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là Internet, các thông tin nói chung, thông tin về biến đổi khí hậu nói riêng có thể được truyền thông nhanh chóng, đầy đủ, toàn diện và kịp thời hơn bao giờ hết đến công chúng.

II. THỰC TRẠNG TRUYỀN THÔNG VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của truyền thông đã làm được thời gian qua trong việc làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân về biến đổi khí hậu. Nhưng khi xem xét một cách toàn diện để có thể chỉ ra những hạn chế trong thực trạng truyền thông về biến đổi khí hậu nhằm tìm ra các giải pháp hướng đến việc mang lại hiệu quả cao hơn trong truyền thông về biến đổi khí hậu có thể thấy còn có những tồn tại sau:

Ý thức của chủ thể đưa tin về biến đổi khí hậu chưa cao, nội dung phản ánh hẹp, đề tài lặp, đặc biệt chưa tạo ra ấn tượng cũng như chưa đạt được hiệu quả cao truyền thông. Có một thực tế là, các phương tiện truyền thông ngày càng đưa nhiều tin, bài về những rủi ro của biến đổi khí hậu, những cảnh báo về sự nóng lên của Trái đất, nước biển dâng, thiên tai, lũ lụt, sóng thần… nhưng nhiều người chưa ý thức thực sự về điều đó. Các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào các hậu quả khủng khiếp của biến đổi khí hậu và biến nó thành một nguy cơ lớn đối với con người trong những hình dung của công chúng. Thiếu các thông tin về việc xử lý thực tế có thể làm giảm hiệu quả truyền thông về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong nghiên cứu: “Báo chí Việt Nam đưa tin về biến đổi khí hậu” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Huế, chỉ ra rằng: Báo chí Việt Nam đưa tin về biến đổi khí hậu thì thông tin được cập nhật nhiều nhất là biểu hiện biến đổi khí hậu, chiếm tới 87,3% tổng số tin, bài. Những thông tin về nguyên nhân, dự báo về biến đổi khí hậu ít, chỉ chiếm khoảng 23%. Trong số các tin, bài đề cập đến giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu thì có tới hơn 74% liên quan đến chính sách, ít giải pháp thực tiễn.

Những thông tin mang tính cảnh báo, dự báo và chỉ dẫn để người dân ứng phó với biến đổi khí hậu chưa nhiều và chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Một phần do nhận thức của chính những người làm truyền thông còn nhiều hạn chế bởi thiếu kiến thức chuyên môn và tập huấn. Phần khác, do cách thức truyền tải chưa hấp dẫn, sinh động và chưa thực sự hữu ích trong đời sống. Những khuyến nghị chung chung chưa thực sự tạo ra những “xung” tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động từ cộng đồng và thay đổi chính sách từ phía các cơ quan quản lý.

Kênh truyền tải thông tin truyền thông về biến đổi khí hậu hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả do chưa tận dụng được hết vai trò của Internet, truyền thông xã hội, trong đó có mạng xã hội. Trong khi các loại hình báo chí truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, sụt giảm lượng công chúng. Báo in, phát thanh, thậm chí ở tương lai, cả truyền hình cũng sẽ chịu áp lực cạnh tranh, không còn là thế mạnh của truyền thông, trong khi đó, Internet phủ rộng, các dòng điện thoại thông minh ngày càng cải tiến và thông dụng kéo theo sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của báo mạng điện tử, của nhiều loại hình mới, đặc biệt là truyền thông xã hội: Facebook, twiter, youtube… Thông tin nói chung, thông tin về biến đổi khí hậu nói riêng hiện nay lại vẫn đi theo những lối mòn với những cách thức thông tin truyền thống sẽ khó có thể cạnh tranh được. Hiệu quả truyền thông kém tất yếu sẽ cần có những thay đổi.

Thông điệp truyền thông về biến đổi khí hậu vẫn nặng tính tuyên truyền, một chiều, chưa thực sự mang lại những thay đổi nhận thức rõ rệt, khó đạt được hiệu quả, mục đích truyền thông. Sự khô cứng trong cách thức thể hiện và truyền tải thông điệp sẽ khó tiếp cận giới trẻ – một lực lượng lớn của xã hội cũng như nhịp sống năng động, thay đổi liên tục hiện nay. Những cách thức truyền thông truyền thống lại đang trở thành những rào cản hiệu quả của quá trình truyền thông về biến đổi khí hậu cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

III. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

3.1. Về con người và chính sách:

Thực trạng truyền thông về biến đổi khí hậu hiện nay mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Khắc phục những hạn chế đó cần đồng bộ các giải pháp trong đó, phải tập trung vào yếu tố nhân lực, những người làm truyền thông. Phải có một đội ngũ những người làm truyền thông giỏi chuyên môn, có kiến thức và nhận thức sâu sắc về khí hậu, biến đổi khí hậu; giỏi kỹ năng truyền thông, luôn có những ý tưởng sáng tạo, đổi mới liên tục trong cách tiếp cận vấn đề và am hiểu công nghệ để có thể tiếp cận mọi kênh, đa dạng hóa các hình thức truyền tải để đạt được hiệu quả truyền thông cao nhất.

Để làm được việc này không dễ. Nó đòi hỏi sự quan tâm, chú trọng từ nhiều phía, từ những người làm chính sách, quản lý, những tổ chức phi chính phủ, bảo vệ môi trường và sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, đồng thời cũng cần thời gian nhất định để có thể có những chuyển biến. Đào tạo và tập huấn thường xuyên các kiến thức, kỹ năng cho những người làm truyền thông về biến đổi khí hậu là một việc làm cần thiết và phải làm liên tục, thực chất, không theo phong trào.

Những chính sách liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có xác định về vai trò, nhiệm vụ của truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, của cộng đồng cần được bám sát. Truyền thông cần phải trở thành cầu nối đưa chính sách vào trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời, phản ánh kịp thời những tác động của chính sách để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như nâng cao được vai trò, hiệu quả của truyền thông.

3.2. Về nội dung truyền thông:

Nội dung truyền thông về biến đổi khí hậu nên có những thay đổi, phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu thông tin của công chúng cũng như đáp ứng yêu cầu về hiệu quả truyền thông cần đạt được. Theo đó, cần thay đổi nội dung truyền thông theo một số hướng sau:

  • Cần tăng số lượng tin, bài về biến đổi khí hậu và các bài viết có sự liên hệ giữa các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu.
  • Cần bổ sung thêm thông tin về nguyên nhân biến đổi khí hậu nhằm đưa ra phương hướng ứng phó một cách hiệu quả nhất.
  • Cần đưa ra các giải pháp liên quan đến chính sách cụ thể trong mối liên hệ với các giải pháp khác.
  • Cần đưa ra thêm các giải pháp khuyến khích người dân, tạo động lực để mọi người cùng chung tay hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Các dự báo cần khách quan, khoa học hơn.

3.3. Về hình thức và kênh truyền tải thông điệp:

Hình thức và kênh truyền tải thông điệp là những yếu tố quan trọng mang lại thành công và hiệu quả của truyền thông nói chung và truyền thông về biến đổi khí hậu nói riêng. Tác giả bài viết xin nêu ra một số giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay như sau:

  • Hình thức thông điệp truyền thông cho biến đổi khí hậu cần có những thay đổi theo hướng ngắn gọn, ấn tượng, nhiều thông tin, mang tính truyền thông, dễ tiếp nhận chứ không phải mang tính tuyên truyền, thụ động, một chiều.
  • Tận dụng triệt để sức mạnh của tất cả các loại hình báo chí truyền thống, tác động nhằm thay đổi nhận thức và hành động của công chúng về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí, trong đó bao gồm cả bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử để tạo ra tính nhất quán, liên tục trong truyền thông nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của công chúng về vấn đề biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề bức thiết.
  • Tận dụng triệt để Internet, sử dụng có hiệu quả truyền thông xã hội trong truyền tải các thông điệp liên quan đến biến đổi khí hậu. Đa dạng hóa, tận dụng mọi kênh truyền thông xã hội: facebook, twitter, youtube, blog… Lí do là: Truyền thông xã hội cho phép người sử dụng đăng tải và chia sẻ nhiều loại nội dung (text, âm thanh, video…), dễ tương tác, chia sẻ, kết nối. Chi phí cho truyền thông xã hội hầu như không đáng kể so với các loại hình báo chí truyền thống. Mặt khác, đây là loại hình truyền thông mới, cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ, nhất là Internet và các dòng điện thoại thông minh đang tạo ra bước đột phá mới làm thay đổi nội dung, hình thức cũng như phương thức trong truyền thông.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *