Vấn đề quản lý chất thải rắn nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội

5/5 – (1 vote)

TS. Nguyễn Song Tùng

Viện Địa lí nhân văn- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

TÓM TẮT

Bài viết này đề cập đến vấn đề phát sinh và xử lý chất thải rắn nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Hiện trạng sản xuất nông nghiệp; hiện trạng phát sinh chất thải rắn nông nghiệp, các nguồn phát sinh: chất thải rắn trong trồng trọt nông nghiệp, trong chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón, chai lọ đựng thuốc thú y, bao bì đựng thức ăn chăn nuôi; Hiện trạng xử lý chất thải rắn nông nghiệp đối với từng đối tượng phát sinh. Đề xuất, kiến nghị các phương án quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn nông nghiệp phát sinh trên địa bàn Hà Nội.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Sau khi được mở rộng theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội, Hà Nội có diện tích tự nhiên 332.432,8 ha; dân số 6.957.300 người. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Hà Nội trước khi mở rộng chủ yếu ở một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì và Sóc Sơn với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 37.900 ha. Nhưng sau khi mở rộng địa giới, hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng lên 149.668,7 ha, chiếm 45% tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội. Trong đó, diện tích đất trồng lúa là 112.661,2 ha và 21.081,8 ha đất trồng cây hàng năm ngoài lúa [5]. Như vậy, khối lượng chất thải rắn nông nghiệp phát sinh hàng năm trên địa bàn Hà Nội rất lớn, đặc biệt là các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch lúa.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, sản lượng thu hoạch lúa hàng năm vào khoảng 1,2 triệu tấn thóc, lượng rơm rạ thải ra hàng năm là rất lớn. Trong những năm gần đây, lượng rơm rạ ít được sử dụng cho các mục đích dân sinh truyền thống như làm phân bón, chất đốt mà thường được vứt bỏ ngay trên đồng ruộng, đường làng, ngõ xóm. Tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều vùng nông thôn của thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh sự phát thải từ trồng trọt, chăn nuôi của Hà Nội cũng khá phát triển trong những năm gần đây. Tổng số lượng gia súc, gia cầm của Hà Nội hiện có khoảng 23,4 triệu con [5]. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội đã và đang được quan tâm. Song tại nhiều địa phương, chất thải chăn nuôi không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường và bức xúc cho người dân.

Thêm vào đó, tình trạng vứt bỏ bừa bãi các bao bì đựng hóa chất BVTV đang rất phổ biến cũng góp phần làm tăng lượng chất thải rắn trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, có thể thấy rõ chất thải rắn nông nghiệp là một trong những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn Hà Nội. Do đó, nếu không có giải pháp quản lý chất thải rắn nông nghiệp một cách hợp lý sẽ gây lãng phí, mất mỹ quan, mất an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

II. NỘI DUNG

2.1. Thực trạng về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Với các đặc điểm tự nhiên và đất đai phong phú của Hà Nội đã tạo điều kiện để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp đa dạng, thích ứng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Trong 5 năm (2006-2010) tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của Hà Nội đạt 3,4%/năm. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp Hà Nội tiếp tục dành được nhiều kết quả khả quan. Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh… nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục giành được nhiều kết quả đáng kể. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 30,3 nghìn tỷ đồng (giá cố định 2010), tăng 3% so với năm 2012 và ước đạt 38 nghìn tỷ đồng (giá thực tế), tăng 1,3% so với năm 2012. Cơ cấu giá trị trồng trọt 42,4%; chăn nuôi, thủy sản: 54,4%; dịch vụ 3,2%. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá thực tế) ước đạt 212,4 triệu đồng/ha, tăng hơn 13 triệu đồng so với năm 2012. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được đổi mới; hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi được củng cố đảm bảo phục vụ sản xuất, an toàn phòng chống lụt bão; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng cao rõ rệt [6].

Trong tổng số 149.668,7 ha đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, diện tích đất trồng cây hàng năm là 133.743,0 ha, chiếm 89% và diện tích đất trồng cây lâu năm là 15.925,7 ha [5]. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Hà Nội tập trung chủ yếu ở địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây cũ và một số huyện ngoại thành Hà Nội cũ.

Cho đến nay, sản xuất nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội. Với hệ thống cây trồng đa dạng, nông nghiệp Hà Nội ngày càng có sự phát triển mạnh với nhiều loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn, lạc, đậu và rau màu các loại. Trong đó, lúa luôn có vị trí hàng đầu trong các cây trồng nông nghiệp (Bảng 1).

Bảng 1. Diện tích gieo trồng và sản lượng một số loại cây trồng nông nghiệp của Hà Nội năm 2012

TT                TT Cây trồng Diện tích gieo trồng

(ha)

Sản lượng

(tấn)

1 Lúa 205.347 1.202.399
2 Ngô 20.516 99.506
3 Khoai lang 4.400 41.300
4 Sắn 2.100 40.200
5 Lạc 5.000 9.700
6 Đậu tương 11.900 19.400

 Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê 2012 [5]

Diện tích đất trồng lúa năm 2012 là 112.661,2 ha (chiếm 75,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp). Do có điều kiện tự nhiên thích hợp và sự chủ động trong tưới tiêu nên hầu như toàn bộ diện tích đất lúa ở Hà Nội đều có khả năng gieo trồng 2 vụ lúa/năm. Một phần trong đó còn được sản xuất thêm vụ rau màu, thường được gọi là vụ đông. Do vậy, hệ số sử dụng đất nông nghiệp ở Hà Nội là khá cao. Chỉ tính riêng diện tích gieo trồng lúa hàng năm đã là 205.347 ha, trong khi tổng diện tích đất nông nghiệp chỉ là 149.668,7 ha. Những địa phương có diện tích trồng lúa nhiều ở Hà Nội là Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa (Bảng 3.3). Năm 2012, năng suất lúa trung bình toàn thành phố đạt 58,6 tạ/ha. Trong đó, một số huyện có năng suất lúa khá cao như Chương Mỹ (65,2 tạ/ha), Mỹ Đức (63 tạ/ha), Thanh Oai (62,7 tạ/ha), Thường Tín (61,3 tạ/ha). Với diện tích trồng lúa là 205.347 ha, sản lượng lúa năm 2012 của Hà Nội đạt 1,2 triệu tấn [5]. Năm 2013, sản lượng lúa đạt 1,16 triệu tấn với năng suất bình quân 57 tạ/ha [6].

Tuy nhiên, do đặc thù của quá trình phát triển, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã có sức ép lớn đến sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, nhất là diện tích đất lúa nước. Trong giai đoạn 2005- 2010 diện tích trồng lúa của Hà Nội giảm 14.380 ha. Các huyện Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức có diện tích lúa giảm nhiều, đặc biệt huyện Hoài Đức giảm 3.009 ha. Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới giảm diện tích đất nông nghiệp là do chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, khu công nghiệp và làm đường giao thông…

2.2. Thực trạng về chất thải rắn nông nghiệp ở Hà Nội

2.2.1. Nguồn phát sinh:

Chất thải rắn (CTR) nông nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chủ yếu từ hoạt động trồng trọt (rơm, rạ; trấu, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật;…), chăn nuôi (phân, động vật chết,…), giết mổ…

2015-11-09_221315

Hình 1: Nguồn gốc phát sinh chất thải rắn nông nghiệp

2.2.2. Thành phần 

Thành phần chất thải rắn nông nghiệp gồm nhiều chủng loại khác nhau, phần lớn là các thành phần chất hữu cơ dễ phân hủy như các phế phụ phẩm từ trồng trọt (rơm rạ, thân rễ lá của các cây trồng như ngô, đỗ, lạc, vừng); các chất thải từ chăn nuôi, giết mổ (phân gia súc và thức ăn dư thừa của gia súc). Loại chất thải hữu cơ này chiếm tỷ lệ khá cao (60 – 65%)[6].

Ngoài ra, còn có các chất thải khó phân hủy và độc hại như: các bệnh phẩm của động vật nhiễm bệnh (gà rù, gà cúm, lợn lở mồm long móng…); đồ dùng thủy tinh (chai, lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật hoặc thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, bả chuột; chai lọ đựng thuốc thú y đã qua sử dụng, xylanh hỏng…); đồ nhựa (bình xịt hóa chất bảo vệ động, thực vật, găng tay bảo hộ…); kim loại (bơm kim tiêm, dao mổ, các vật sắc nhọn khác…); dược phẩm (thuốc thú y đã quá hạn sử dụng, thuốc còn sót trong vỏ đựng…).

2.2.3. Khối lượng chất thải rắn nông nghiệp

 CTR từ trồng trọt

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu thực địa về việc xác định khối lượng sinh khối các phụ phẩm nông nghiệp từ canh tác lúa, ngô ở một số xã thuộc các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Thường Tín, qua phiếu hỏi điều tra và qua kiểm nghiệm thực tế có thể tính được tỷ lệ phụ phẩm/chính phẩm từ cây lúa và ngô. Dựa trên tỷ lệ này sẽ tính được tổng lượng phụ phẩm từ các loại cây trồng này cho Hà Nội hàng năm là rất lớn (Bảng 2).

Bảng 2. Khối lượng phụ phẩm các cây trồng chính ở Hà Nội năm 2012

Địa phương Sản lượng* (tấn) Khối lượng phụ phẩm** (tấn) Tổng khối lượng PPNN (tấn)
Lúa Ngô Lúa Ngô
Rơm rạ Thân, lá Lõi, bẹ
Sóc Sơn 91.952 5.052 108.503,3 15.156,0 5.304,6 128.964,0
Hoài Đức 25.925 5.737 26.443,5 15.145,7 5.392,8 46.982,0
Thường Tín 69.684 1.839 64.806,1 5.443,4 1.875,8 72.125,3
Hà Nội 1.202.399 99.506 1.250.495 285.582,2 99.506 1.635.583

Nguồn: * Niên giám thống kê Hà Nội 2012; **Kết quả khảo sát của tác giả

Như vậy, chỉ tính riêng phụ phẩm của các cây trồng chính là lúa và ngô có thể thấy khối lượng thải rất lớn, khoảng 1,6 triệu tấn, trong đó phụ phẩm từ lúa là 1,2 triệu tấn và từ ngô là 398 nghìn tấn. Nếu không có hình thức xử lý phù hợp lượng chất thải này sẽ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

 CTR chăn nuôi

Lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi gia súc chính là bò, trâu, lợn và các loại gia cầm như gà, vịt rất lớn. Để tính lượng phát thải (chủ yếu là phân thải) từ động vật nuôi có thể lấy lượng thải trung bình/con nhân với tổng số lượng vật nuôi. Do việc xác định chính xác lượng phân thải ra cho từng loại vật nuôi rất phức tạp và khó khăn, do vậy trong nghiên cứu này sử dụng kết quả nghiên cứu được công bố của Cục Chăn nuôi để tính. Theo số liệu năm 2012, tổng số gia súc, gia cầm vào khoảng 23.469 nghìn con, tính được lượng chất thải là trên 3,2 triệu tấn (Bảng 3).

Bảng 3: Khối lượng chất thải rắn chăn nuôi của Hà Nội

Loài vật nuôi CTR bình quân (Kg/con/ngày)* Tổng số đầu con **

(nghìn con)

Tổng CTR/năm         (nghìn tấn)
10 141,7 517,2
Trâu 15 24,2 132,5
Lợn 2 1377,1 1005,3
Gia cầm 0,2 21926 1600,6
Tổng cộng 23469 3255,6

Nguồn: *Cục Chăn nuôi 2011, **Cục Thống kê Thành phố Hà Nội 2013

Bao bì đựng hóa chất BVTV

2015-11-09_222636

Việc sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ… trong quá trình trồng trọt ngày càng gia tăng. Theo kết quả khảo sát trên địa bàn Hà Nội cho thấy trung bình lượng thuốc BVTV được sử dụng là 500 ÷ 600 gam thuốc/lần phun/ha. Trong đó, số lần phun thuốc BVTV trên lúa và ngô đều khoảng 4 lần/vụ. Do đó có thể tính được lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong năm 2012 đối với lúa và ngô trên địa bàn Hà Nội là:

– Đối với lúa:

205.347 ha x 4 lần phun x 500 ÷ 600 gam thuốc/lần phun/ha = 410,7 tấn ÷ 492,8 tấn.

– Đối với ngô:

20.516 ha ngô x 4 lần phun x 500 ÷ 600 gam thuốc/lần phun/ha = 41,0 tấn ÷ 49,2 tấn.

 Như vậy, lượng thuốc Bảo vệ thực vật được sử dụng hàng năm đối với lúa và ngô là khoảng 451,7 tấn ÷ 542,1 tấn. Theo ước tính, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thường chiếm khoảng 10% tổng lượng thuốc tiêu thụ (Báo cáo môi trường Quốc gia 2011), như vậy hàng năm ở Hà Nội có khoảng 45,2 ÷ 54,2 tấn bao bì được thải ra trong quá trình sản xuất lúa và ngô. Ngoài ra, lượng thuốc BVTV còn sót lại trong các bao bì cũng cần được quan tâm. Theo tính toán của Cục Bảo vệ thực vật thì trong mỗi bao bì đựng thuốc trừ sâu dùng trong sản xuất nông nghiệp trung bình có khoảng 1,8% lượng thuốc dính vào bao bì [1]. Như vậy, qua quá trình sản xuất lúa và ngô, hàng năm sẽ có khoảng 8,1 ÷ 9,8 tấn thuốc BVTV phát thải theo bao bì ra môi trường.

Điều đáng chú ý là trước đây, phần lớn vỏ bao bì là các chai thủy tinh nhưng trong những năm gần đây đã được thay thế chủ yếu bằng các chai nhựa và các túi polyten, đây là các chất khó phân hủy.

2.3. Thực trạng về tình hình xử lý CTR nông nghiệp ở Hà Nội

2.3.1. Chất thải rắn từ trồng trọt:

Qua quá trình điều tra thực tế cho thấy, người dân tự xử lý các loại chất thải rắn nông nghiệp chứ hầu như không có sự hướng dẫn của các cấp chính quyền địa phương và các nhà chuyên môn.

2015-11-09_222135

Chúng tôi đã lựa chọn khảo sát tại 3 huyện: Sóc Sơn (huyện thuần nông), Hoài Đức (huyện làng nghề), Thường Tín (huyện ven đô) để nghiên cứu, đánh giá thực trạng về tình hình xử lý chất thải rắn nông nghiệp. Qua phỏng vấn 270 hộ của 9 xã: Xã Tiên Dược, xã Bắc Phú, xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn);  Xã Tiền Yên, xã Yên Sở, xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức); Xã Tân Minh, xã Nguyễn Trãi, xã Văn Phú (huyện Thường Tín). Kết quả điều tra cho thấy, việc xử lý rơm rạ của người dân từ trước đến nay chủ yếu xử lý với 8 hình thức chính là (1) Đốt tập trung; (2) đốt phân tán; (3) vùi tại chỗ; (4) làm chất đốt; (5) làm thức ăn gia súc; (6) ủ phân; (7) che tủ luống rau; (8) sản xuất nấm.

Tuy nhiên, có những hộ chỉ áp dụng 1 hình thức xử lý nhưng có nhiều hộ áp dụng đồng thời các hình thức xử lý khác nhau, ví dụ như những mảnh ruộng gần đường thuận tiện cho vận chuyển thì họ tận dụng rơm rạ đem về nhà làm thức ăn gia súc hoặc chất đốt, đối với những mảnh ruộng ở xa đường đi lại họ thường đốt rơm rạ ngay tại ruộng.

Quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như tác động của đô thị hóa đã ảnh hưởng đến các hình thức sử dụng phụ phẩm nông nghiệp được thể hiện ở các huyện nghiên cứu (Bảng 4). Trong đó, Sóc Sơn được xem là huyện thuần nông ở mức độ phát triển thấp nhất trong 3 huyện nghiên cứu. Sự phát triển kinh tế- xã hội thấp và người dân cơ bản vẫn giữ các hình thức nông nghiệp truyền thống. Trong khi Hoài Đức là huyện ven đô thị, chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa của vùng trung tâm thành phố Hà Nội. Đây cũng là huyện có nhiều làng nghề truyền thống nên người dân ngày càng ít quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Còn Thường Tín được xem là huyện có mức độ thâm canh cao theo hướng công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Người dân sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều trong nông nghiệp mà ít quan tâm đến các hình thức nông nghiệp truyền thống.

Ở huyện Hoài Đức, xu hướng sử dụng rơm rạ chủ yếu là đốt tại ruộng 96,6%, hoặc để vùi tại chỗ 28,9%, làm thức ăn cho gia súc 13,3%, làm chất đốt 14,4% và làm nấm hay che tủ luống rau 21,1%. (tổng quá 100%) Ngược lại, ở Sóc Sơn, chỉ có 33,2% số hộ đốt rơm rạ tại ruộng, vùi tại chỗ là 16,6%, làm chất đốt 45,6%, làm thức ăn gia súc 37,7%, ủ phân 14,4% và các hình thức khác 13,3%. Các hình thức sử dụng rơm rạ ở huyện Thường Tín được xem là trung gian giữa huyện Sóc Sơn và huyện Hoài Đức.

Bảng 4. Các hình thức sử dụng rơm rạ ở Hà Nội năm 2010

Hình thức sử dụng Sóc Sơn Thường Tín Hoài Đức
n= 90 % n= 90 % n= 90 %
Đốt tập trung 22 24,4 57 63,3 71 78,9
Đốt phân tán 8 8,8 9 10,0 16 17,7
Vùi tại chỗ 15 16,6 21 23,3 26 28,9
Làm chất đốt 41 45,6 9 10,0 13 14,4
Làm thức ăn gia súc 34 37,7 0 0 12 13,3
Ủ phân 13 14,4 1 1,1 0 0
Khác (Che tủ luống rau, trồng nấm…) 12 13,3 19 21,1 19 21,1

(n= Số hộ điều tra)

Dựa trên kết quả nghiên cứu điển hình ở 3 huyện sản xuất nông nghiệp cho thấy bức tranh chung về tình hình sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ) ở Hà Nội đã có nhiều biến động so với trước đây (Bảng 5).

Bảng 5. Biến động sử dụng rơm rạ ở Hà Nội giai đoạn 1990 – 2010

Hình thức sử dụng Năm 1990 Năm 2010
Số người sử dụng (n= 270) Tỷ lệ % Số người sử dụng (n= 270) Tỷ lệ %
Đốt tập trung 7 2,6 150 55,5
Đốt phân tán 3 1,1 33 12,2
Vùi tại chỗ 20 7,4 62 23,0
Làm chất đốt 173 64,1 63 23,3
Làm thức ăn gia súc 61 22,6 46 17,0
Ủ phân 39 14,4 14 5,2
Khác (Che tủ luống rau, trồng nấm…) 13 4,8 50 18,5

(n= Số hộ điều tra)

So với những năm 1990, hình thức sử dụng rơm rạ ở Hà Nội đã có những thay đổi cơ bản. Tỷ lệ hộ đốt rơm rạ trước đây chỉ có 3,7% nhưng đến năm 2010 tình trạng đốt rơm rạ diễn ra rất phổ biến (67,7%), trong đó đốt tập trung sau thu hoạch là hình thức xử lý chủ yếu, chiếm tỷ lệ cao trong số các hình thức xử lý (55,5%). Trước đây, các hình thức sử dụng rơm rạ cho các mục đích khác chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là làm chất đốt (64,1%) và đến năm 2010 số hộ áp dụng hình thức sử dụng này giảm một nửa, chỉ còn 23,3%. Hiện nay, tỷ lệ hộ áp dụng các hình thức sử dụng khác như làm thức ăn cho gia súc và ủ phân cũng giảm so với trước đây.

Trấu sau khi xay xát thóc thường được người dân làm chất độn chuồng gia súc gia cầm hoặc đun nấu và ủ phân vi sinh, đặc biệt một số hộ đã biết sử dụng trấu để làm than sinh học.

Đối với cây ngô, giá trị sử dụng khá đa dạng như cung cấp lương thực cho con người, làm thức ăn cho gia súc, làm củi đun,… Theo truyền thống, sản phẩm thu hoạch chính từ cây ngô là hạt ngô, các phần còn lại bao gồm thân, lá, lõi ngô thường được coi là các phụ phẩm và được sử dụng khác nhau tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương. Kết quả điều tra cho thấy trên 50% hộ dân sử dụng thân lá và lõi ngô cho mục đích đun nấu trong gia đình; số hộ sử dụng cho mục đích chăn nuôi chiếm tỷ lệ không đáng kể. Tỷ lệ hộ không tận dụng các phụ phẩm từ cây ngô chiếm khoảng 30%.

Đối với các loại cây như lạc, đỗ được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như ủ làm phân vi sinh hoặc phơi khô để làm chất đốt, có khi được bỏ ngay tại ruộng để cày vùi hoặc đốt bỏ ngay tại ruộng.

Như vậy, qua kết quả khảo sát cho thấy rơm rạ và các loại phụ phẩm khác được người dân sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn các phụ phẩm này bị đốt bỏ vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, ở nhiều nơi, nông dân vẫn chưa biết rơm đã và đang là một nguồn nguyên liệu quý giá có thể dùng để sản xuất phân hữu cơ vi sinh và nhất là dùng để sản xuất nấm.

2.3.2. Chất thải rắn từ chăn nuôi:

Hình thức xử lý chất thải chăn nuôi, đặc biệt là ở các trang trại hiện nay chủ yếu là sử dụng hầm ủ biogas. Tính đến năm 2013, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng được khoảng 40.848 công trình khí sinh học (hầm biogas). Trong đó, số công trình mà các hộ và các trang trại tự xây dựng là 28.800 hầm. Ngoài ra, chủ yếu là từ nguồn vốn tài trợ của các dự án cấp Trung ương như “Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi và Tổ chức hợp tác phát triển Hà Lan thực hiện đã hỗ trợ xây dựng được 7.850 hầm, Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP) hỗ trợ xây dựng được 3.006 hầm, Dự án “Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và An toàn thực phẩm” (LIFSAP) do WB tài trợ đã hỗ trợ xây dựng được 292 hầm. Chương trình phát triển chăn nuôi của thành phố đã hỗ trợ xây dựng được 221 hầm. Các dự án khác hỗ trợ xây dựng được 678 hầm. Các công trình khí sinh học đã đem lại nhiều hiệu quả kinh tế – xã hội – môi trường thiết thực cho những hộ chăn nuôi như cung cấp năng lượng sạch cho sinh hoạt, sản xuất; khử mùi hôi chuồng trại, giảm nguy cơ dịch bệnh và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Với số lượng hầm biogas hiện có đã xử lý được khoảng 50% lượng phân thải ra từ chăn nuôi gia súc. Như vậy, còn khoảng 50% lượng phân chưa được xử lý [6].

2015-11-09_222316

Ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, việc xử lý chất thải chưa được chú trọng. Chỉ một phần nhỏ được sử dụng làm phân bón, một phần khác được dùng trực tiếp tưới cho hoa màu và nuôi cá hoặc thải ra các khu vực xung quanh. Việc xây dựng hầm biogas gặp khó khăn vì chỉ phù hợp với những hộ chăn nuôi gia súc với quy mô ít nhất là 5 con lợn. Kinh phí xây dựng các công trình khí sinh học khá cao nên không phù hợp với thu nhập của người dân.

Kết quả nghiên cứu ở 3 huyện Sóc Sơn, Hoài Đức và Thường Tín cho thấy các hình thức xử lý chất thải rắn chăn nuôi hiện nay chủ yếu với 4 hình thức chính: (1) Ủ phân; (2) hầm biogas; (3) thải trực tiếp vào hệ thống cống thoát nước; (4) thải ra vườn hoặc ao hồ xung quanh.

Hình thức ủ phân vẫn được coi là hình thức truyền thống, dễ áp dụng và khá phổ biến đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội, chiếm tỷ lệ khá cao 50,4% vì xử lý theo hình thức này không đòi hỏi kỹ thuật cao và dễ tận dụng làm phân bón. Trong đó, ở huyện Sóc Sơn và huyện Thường Tín có khoảng 60% số hộ chăn nuôi áp dụng hình thức này, còn ở huyện Hoài Đức chỉ có 29,3% (Bảng 6).

Bảng 6. Các hình thức xử lý chất thải rắn chăn nuôi ở Hà Nội năm 2010

Hình thức xử lý

 

Sóc Sơn Hoài Đức Thường Tín Trung bình
n= 62 % n= 41 % n= 28 % n=131 %
Ủ phân 37 59,7 12 29,3 17 60,7 66 50,4
Làm hầm biogas 13 21,0 5 12,2 6 21,4 24 18,3
Chảy vào hệ thống cống thoát nước  

3

 

4,8

 

9

 

21,9

 

3

 

10,7

 

15

 

11,5

Chảy ra vườn, ao hồ 9 14,5 15 36,6 2 7,2 26 19,8

Số hộ xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi tại 3 huyện khảo sát còn ít, chỉ chiếm 18,3%. Điều đáng quan tâm là khoảng 31,3% số hộ không áp dụng bất kỳ hình thức xử lý chất thải chăn nuôi nào mà để thải trực tiếp vào hệ thống thoát nước, thải ra vườn hay ao hồ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay cả khi được xử lý bằng hầm biogas, các chất thải còn lại và nước thải ra từ hầm biogas vẫn chưa được xử lý triệt để hoặc tận dụng làm phân bón mà thường được xả thải trực tiếp vào môi trường tự nhiên.

2.3.3. Bao bì hóa chất bảo vệ thực vật

Lượng bao bì hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ít hơn nhiều so với CTR nông nghiệp thông thường. Tuy nhiên đây lại là CTR nguy hại, lượng phát thải thường tản mát, nhỏ lẻ nên việc thu gom và xử lý thường gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều vùng nông thôn của Hà Nội, người dân chưa ý thức được tính nguy hại của loại chất thải này nên các loại bao bì đựng thuốc trừ sâu, đựng các loại hóa chất BVTV vẫn bị vứt bừa bãi ngoài bờ ruộng, ao hồ sau khi đã qua sử dụng. Thậm chí người dân còn sử dụng để đựng lương thực, thực phẩm. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường do các hóa chất độc hại còn sót lại trong bao bì mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân.

Hiện nay ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% số huyện có tổ chức thu gom các loại bao bì hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ bao bì được thu vào bể chứa riêng mới đạt xấp xỉ 40%, lượng còn lại thường thu chung cùng với rác thải sinh hoạt hay thu gom thông qua các đợt vệ sinh đồng ruộng.

Phần lớn các hoạt động thu gom trong thời gian qua đều có hỗ trợ của các dự án và của Nhà nước nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này cũng không còn được duy trì. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn về mức thu phí, cơ chế vận hành và vấn đề xử lý các loại bao bì này. Do thiếu công nghệ làm sạch và tiêu hủy bao bì sau thu gom nên đa số lượng bao bì sau thu gom đều được chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt. Hiện nay ở Hà Nội đang lưu hành phổ biến các loại bể thu gom bao bì thuốc BVTV bằng thùng phi, bể xi măng 1 ngăn hoặc 2 ngăn, có nắp đậy hoặc không có nắp đậy. Các mẫu thiết kế bể thu gom bao bì thuốc BVTV này phần lớn chưa có qui chuẩn về kích thước, chất liệu, cấu tạo các phụ kiện phụ trợ để đáp ứng yêu cầu thu gom được an toàn.

Qua nghiên cứu tại 3 huyện ngoại thành Hà Nội, có 5 hình thức xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật: (1) Được thu gom vào nơi quy định; (2) chôn lấp tự do; (3) đốt; (4) vứt bừa bãi; (5) tái sử dụng.

Việc xử lý bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật của người dân trên địa bàn Hà Nội nhìn chung chưa tốt. Tỷ lệ người dân vứt bừa bãi còn cao, chiếm 62,2%, đồng nghĩa với tỷ lệ được thu gom và đem đi xử lý theo quy trình thấp, chỉ có 21,9% (Bảng 7). Đây là một vấn đề cần được quan tâm ở các khu vực sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội. Cần phải có các hình thức quản lý và xử lý an toàn các loại chất thải này.

Bảng 7. Các hình thức xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật ở Hà Nội năm 2010

Hình thức xử lý Sóc Sơn Hoài Đức Thường Tín Trung bình
n=90 % n=90 % n=90 % n=270 %
Được thu gom 14 15,6 36 40,0 9 10,0 59 21,9
Chôn 2 2,2 1 1,1 7 7,8 10 3,7
Đốt 9 10,0 7 7,8 7 7,8 23 8,5
Vứt bừa bãi 62 68,9 39 43,3 67 74,4 168 62,2
Tái sử dụng 3 3,3 7 7,8 0 0 10 3,7

Để hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của chất thải này thì cần phải có các biện pháp thu gom triệt để, tránh tiếp xúc trực tiếp với các loại chất thải này. Sau đó đem xử lý tập trung như đối với các chất thải nguy hại khác. Có rất nhiều phương pháp khác nhau để xử lý chất thải nguy hại nhưng phổ biến là phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chất thải nguy hại và phương pháp trơ hóa (đổ bê tông) rồi đem chôn lấp. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý đối với loại chất thải này đòi hỏi chi phí cao và quy phạm kỹ thuật nghiêm ngặt.

III. KẾT LUẬN

Chất thải rắn nông nghiệp tại Hà Nội có khối lượng lớn và điều đáng quan tâm là việc tận dụng các loại chất thải này ngày càng giảm và việc đốt bỏ chúng ngày càng tăng. Đốt các phụ phẩm nông nghiệp là cách xử lý phổ biến nhất hiện nay và đây cũng là cách xử lý đơn giản nhất. Tuy nhiên, phương pháp xử lý này sẽ đưa đến 2 vấn đề chính là: Gia tăng ô nhiễm đối với môi trường không khí do các sản phẩm cuối cùng của nó là các khí gây hiệu ứng nhà kính và bụi bẩn; Lãng phí một phần nguyên liệu có thể sử dụng cho các ngành sản xuất khác mang lại hiệu quả cao hơn như trồng nấm, sản xuất than sinh học, chế biến phân hữu cơ…

Với thực trạng trên cần có những giải pháp quản lý hiệu quả loại chất thải này. Vấn đề đặt ra là tìm kiếm công nghệ thích hợp để xử lý và tận dụng loại chất thải này áp dụng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và bảo vệ môi trường nông nghiệp- nông thôn. Cụ thể như:

(1) Nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc xử lý CTR nông nghiệp;

(2) Đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các mô hình có tính ứng dụng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như chế biến phân hữu cơ (phân compost), khí sinh học (biogas), sản xuất nhiên liệu sinh học, sản xuất than sinh học, trồng nấm…

(3) Nâng cao vai trò của cán bộ khuyến nông cơ sở trong việc tổ chức thực hiện ứng dụng các mô hình tận dụng phụ phẩm nông nghiệp có hiệu quả thông qua đào tạo, tập huấn, thử nghiệm… để nâng cao hiệu quả của các mô hình trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2011.
  2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (http://www.cpv.org.vn)
  3. TS Đặng Kim Chi, Chất thải rắn nông thôn, nông nghiệp và làng nghề. Thực trạng và giải pháp, Đại học Bách Khoa Hà Nội, 7/2011.
  4. Hà Nội- những làng nghề (vietbao.vn)
  5. Niên giám thống kê Hà Nội 2012.
  6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (2014), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2013, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2014, Hà Nội 01/2014.
  7. Võ Đình Long và cs; Quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, ĐH Công nghiệp TpHCM, 9-2008.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *