Các tác động môi trường từ dự án xây dựng bãi chôn lấp rác

5/5 – (1 vote)
  1. I. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ
    I.1. Các giai đoạn tiến hành
    Khu xử lý rác thải huyện Phú Bình được đánh giá theo 3 giai đoạn phát triển của dự án:
    – Giai đoạn giải phóng mặt bằng với thời gian dự kiến 3 tháng.
    – Giai đoạn thi công xây dựng công trình với thời gian dự kiến 6 tháng.
    – Giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào sử dụng với thời gian hoạt động: 15 năm, dự kiến trong giai đoạn 1 là 2 năm.
    I.2. Các hoạt động triển khai trong giai đoạn 1 (hai năm đầu)
    * Phần xây dựng nâng cấp tuyến đường giao thông.
    Tuyến đường này vốn là tuyến đường mòn dân sinh có chiều dài 3,2 km, chiều rộng 3 m. Việc hình thành khu xử lý rác thải đòi hỏi phải cải tạo xây mới tuyến đường này nhằm đáp ứng tốt cho công tác vận chuyển rác và sự đi lại của nhân dân. Dự kiến sẽ nâng cấp tuyến đường bê tông có chiều dài gần 400 m, chiều rộng 7 m. Đoạn đường này thuộc loại đường giao thông cấp 2, tốc độ lưu thông 20km/h. Giải pháp thi công như sau:
    – Hướng thi công từ trong khu xử lý rác thải ra ngoài đường quốc lộ 37.
    – Thi công nền với những nơi nền đắp lấn ruộng phải bóc lớp đất hữu cơ trước lúc đắp. Đắp đất theo từng lớp, mỗi lớp dày 30cm, đầm chặt.
    -Thi công lớp mặt theo quy trình thi công đã mô tả phần trên.
    – Thời gian thi công dự kiến 1 tháng.
    * Phần xây dựng khu vực khu xử lý rác thải.
    Phần này bao gồm việc xây dựng các công trình như: khu hành chính dịch vụ, tuyến đường giao thông nội bộ và khu xử lý rác thải trung tâm với hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, khu xử lý chất thải và trồng cây xanh. Thời gian hoạt động dự kiến là 15 năm do đó các công trình được xây dựng là công trình kiên cố cấp III. Với thời gian thi công dự kiến là 5 tháng.

    I.3. Đánh giá chung
    Dự án xây dựng khu xử lý rác thải là một dự án đặc biệt. Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng, các tác động tới môi trường chỉ mang tính cục bộ, ngắn hạn và có thể khắc phục được. Khi dự án đi vào hoạt động thì các tác động của nó tới môi trường là hết sức nghiêm trọng , có tính chất tích luỹ, trực tiếp và lâu dài; đặc biệt là đối với nguồn nước mặt và nước ngầm.
    II. NHỮNG NGUỒN GÂY SUY THOÁI, Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
    II.1. Tác động đến môi trường của giai đoạn chuẩn bị mặt bằng
    Những nguồn gây ô nhiễm môi trường của dự án xây dựng khu xử lý rác thải được thể hiện một cách khái quát trong sơ đồ sau:

    2015-11-02_235054Sơ đồ tác động môi trường của giai đoạn xây dựng dự án
    Trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng các tác động chính của nó về mặt môi trường bao gồm: tác động đến hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái thuỷ sinh (làm mất các thảm thực vật, mất nơi sinh sống của các động vật, mất đất canh tác trồng trọt và thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp), làm thay đổi chế độ thuỷ lực của dòng nước mặt, nước ngầm, làm suy thoái môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước mặt. Đối với với các mặt như kinh tế, chính trị- xã hội thì trong giai đoạn này có ảnh hưởng tiêu cực đến di sản lịch sử, văn hoá, cảnh quan, cản trở sự đi lại, sinh hoạt nếp sống bình thường và sản xuất của nhân dân trong khu vực.
    II.1.1. Chế độ thuỷ lực – Xói lở đất và bồi lắng
    a/ Chế độ thuỷ lực:
    Giai đoạn chuẩn bị mặt bằng bao gồm việc giải toả, san lấp đất đai, chặt phá cây cối, phá dỡ các công trình xây dựng trên khu vực triển khai dự án…. Các hoạt động này có thể làm ngăn trở nước chảy từ nơi này sang nơi khác, có thể làm thay đổi dòng nước chảy, tập trung nước chảy về một nơi, gây ngập úng hoặc cạn kiệt nguồn nước cục bộ. Đặc biệt gây cản trở thoát nước mưa, không những gây những biến đổi thuỷ lực của nước mặt mà còn làm thay đổi sự thẩm thấu nước trong đất và ảnh hưởng đến trạng thái nước ngầm.
    – Công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng nâng cấp tuyến đường giao thông làm gia tăng lưu lượng các phương tiện có trọng tải lớn qua lại trong khu vực. Các hoạt động giải toả, san lấp mặt bằng làm thay đổi chế độ thuỷ lực tại khu vực. Tuy nhiên, tuyến đường giao thông này chủ yếu vẫn dựa trên nền đường có sẵn được dự kiến cải tạo mở rộng thành loại đường có cấp kỹ thuật loại 2 với tiến độ dự kiến thi công ngắn nên các tác động của công tác chẩn bị mặt bằng tới chế độ thuỷ lực khu vực là không đáng kể.
    – Công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng khu vực khu xử lý rác thải bao gồm việc giải toả, chặt phá cây cối trong khu vực. Các hoạt động này trên một diện tích rộng sẽ gây những tác động tới chế độ thuỷ lực khu vực như sau:
    + Cây cối bị chặt phá làm thay đổi quá trình giữ nước và thẩm thấu nước vào đất giảm gây hiện tượng ngập úng tạm thời và ảnh hưởng tới trạng thái nước ngầm. Nước mưa chảy tràn trên bề mặt dẫn đến sự bạc màu của đất.
    + Hoạt động san ủi trong khu vực dự án làm lún nền đất ảnh hưởng tới trạng thái nước ngầm khu vực.
    Với diện tích khoảng 3,825ha chủ yếu là đất rừng trồng, ruộng nằm trong khu vực bị giải toả nên tác động vào quá trình này không lớn.

    b/ Xói lở đất và bồi lắng
    Do quá trình đào bới san lấp dẫn đến quá trình đất bị xói mòn. Việc đào đắp ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và cảnh quan. Sự xói mòn sẽ tạo ra bồi lắng sông ngòi, cống rãnh thoát gây úng ngập và ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước. Mưa to không những làm xói mòn mà còn gây nguy hiểm cho nền đường như sụt lở, lún, nứt nhất là đối với tuyến đường đi qua khu vực có nền đất yếu như đất ruộng.
    II.1.2. Tác động đến tài nguyên sinh vật
    a/ Sinh vật dưới nước.
    Loài cá nói riêng và hệ sinh thái dưới nước của khu vực nói chung chịu sự tác động mạnh mẽ trong giai đoạn này do:
    – Sự xói lở và bồi lắng trong quá trình chuẩn bị mặt bằng và khi thi công cũng như khi đưa vào hoạt động, làm tăng hàm lượng chất lơ lửng trong nguồn nước mặt.
    – Rò rỉ xăng dầu từ quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông vào nước mặt làm cản trở quá trình quang hoá trong nước, làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến giảm sức sống của các loài sinh vật trong nước.
    – Thay đổi thuỷ văn trong thuỷ vực sẽ làm ảnh hưởng đến tài nguyên sinh vật dưới nước.
    b/ Sinh vật trên cạn.
    Quá trình thực hiện dự án sẽ làm mất nơi sinh sống của động vật và các thảm thực vật trên cạn. Hậu quả của quá trình này là sự di chuyển hoặc biến mất của một số quần xã trong khu vực dẫn tới suy thoái đa dạng sinh học.
    Tuy nhiên, với đặc trưng hệ sinh thái cạn cũng như hệ sinh thái nước tương đối nghèo nàn, không có loài động vật hoang dã đặc hữu, thảm thực vật chủ yếu là rừng trồng nên các tác động tiêu cực của quá trình triển khai thực hiện dự án tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể.
    II.1.3. Tác động tới các mặt của đời sống kinh tế – xã hội
    a/ Tác động tới tình hình kinh tế – xã hội
    – Đối với phần xây dựng cải tạo tuyến đường giao thông phần giải toả đền bù chủ yếu là giá trị hoa mầu trên phần đất mở rộng.
    – Không những thế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm giảm diện tích đất trồng. Một số hộ phải thay đổi nghề sản xuất dẫn đến tăng nguy cơ thất nghiệp.
    Tuy nhiên với đặc trưng khu vực dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển, không có công trình kiến trúc văn hoá – lịch sử nào nên việc triển khai giải phóng mặt bằng không có những xáo trộn lớn trong đời sống kinh tế- xã hội khu vực.
    b/ Tác động tới tâm lý – sức khoẻ cộng đồng
    Tác động của tiếng ồn, chấn động và ô nhiễm đối với sức khoẻ cộng đồng chủ yếu là dân cư quanh công trường khi thi công và dân cư ở sát hai bên đường. Trong giai đoạn này các hoạt động của dự án làm cản trở sự đi lại sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Đặc biệt, đây là dự án xây dựng khu xử lý rác thải nên tác động của nó tới tâm lý nhân dân trong khu vực không được tốt. Đây chính là điểm đáng lưu ý trong khi lựa chọn địa điểm xây dựng dự án.
    II.2.Tác động đến môi trường trong giai đoạn thi công
    Giai đoạn này bao gồm các hạng mục sau:
    – Xây dựng cải tạo tuyến đường giao thông chính,
    – Xây dựng khu hành chính dịch vụ, kho, bãi.
    – Xây dựng khu khu xử lý rác thải trung tâm.
    – Xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ.
    – Xây dựng hệ thống cấp nước.
    – Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.
    – Xây dựng hệ thống đập ngăn phía Tây Nam khu xử lý rác và hệ thống tường bao quanh khu xử lý rác thải.
    – Xây dựng và lắp đặt hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc.
    Các tác động chính của dự án trong giai đoạn thi công xây dựng bao gồm :
    II.2.1. Ô nhiễm không khí
    a/ Nguồn phát sinh chất ô nhiễm
    Trong giai đoạn thi công có 2 nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí là:
    – Nguồn gây ô nhiễm di động: Đó là các xe cộ vận chuyển nguyên vật liệu (đất đá, xi măng, sắt thép, cát sỏi, vôi…)
    – Nguồn gây ô nhiễm tương đối cố định như: Các thiết bị thi công (máy nén, máy đào, đắp, san lấp, đóng cọc, máy lu, máy trộn bê tông tươi, máy trộn bê tông atphan…)
    b/ Thành phần và tải lượng chất ô nhiễm trong không khí
    Quá trình thi công có tác động khá lớn đến môi trường khu vực đặc biệt là về môi trường không khí. Chất ô nhiễm lớn nhất trong giai đoạn thi công là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội,…
    Quy các loại phương tiện này ra tương đương xe vận tải có tải trọng tiêu chuẩn. Ước tính cứ 20 phút có 1 xe có trọng tải trên 5 tấn ra vào khu vực dự án, vậy lượng xe hàng ngày ra vào ở khu vực dự án là 48 lượt xe/16h (thời gian làm việc là 2 ca). Thời gian lưu lại trong khu vực khoảng 20 phút tương đương với xe tiêu chuẩn chạy trên đường 25km. Với số lượng xe và thời gian lưu ước tính như trên tương đương với 1 xe tải chạy trên quãng đường dài 1200 km và tiêu tốn hết 300 lít xăng. Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới WHO (Trích Báo cáo hiện trạng môi trường khu công nghiệp Sông Công năm 1999), tải lượng các chất ô nhiễm do các phương tiện giao thông thải ra trong 1 ngày tại khu vực dự án là:
    2015-11-02_235204
    c/ Tính toán mức độ lan truyền bụi và khí độc
    Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí bao gồm:
    – Các yếu tố về khí tượng như: Tính ổn định của khí quyển, hướng gió và tốc độ gió, nhiệt độ, độ ẩm và mưa.
    – Yếu tố về địa hình và các công trình xây dựng trong khu vực.
    Đối với các nguồn gây ô nhiễm di động tính toán mức độ lan truyền ô nhiễm theo công thức thực nghiệm Sutton đối với nguồn đường phát thải liên tục. Xét nguồn đường ở độ cao gần mặt đất, gió thổi vuông góc với nguồn đường. (Nguồn tài liệu: Môi trường không khí của GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng do nhà xuất bản KHKT năm 2003).

    * Sơ đồ tính nguồn đường:

    2015-11-02_235235
    Công thức tính toán như sau:
    C(x) = 2E/ (2) 1/2 z.u
    Trong đó:
    E: lượng thải tính trên đơn vị dài của nguồn đường trong đơn vị thời gian (mg/m.s)
    z: hệ số khuếch tán theo phương z (m) là hàm số của x theo phương gió thổi.
    u : Tốc độ gió trung bình (m/s)
    Giả sử tính toán nồng độ CO tại khoảng cách 200m so với nguồn phát thải.
    Khi đó:
    E = 2,53 mg/m.s (theo tính toán phần trên)
    Quãng đường dài 400 m theo dự kiến xây dựng.
    Với ngày có mây che phủ, tương ứng cấp ổn định khí quyển là F (là điều kiện khí quyển hạn chế sự lan truyền chất ô nhiễm nhất) với khoảng cách là 200m ta có z = 4 m.
    u : Tốc độ gió trung bình giả sử là 1m/s.
    C(200 m) = 2. 2,53/(2) 1/2. 1.4 = 0,504 mg/m3
    Theo TCCP nồng độ khí CO trung bình trong 8 h là 10 mg/m3, vậy nồng độ CO thấp hơn TCCP.
    Với các chất ô nhiễm khác cũng tính toán tương tự.

    * Đối với các nguồn gây ô nhiễm cố định: tính toán mức độ lan truyền ô nhiễm theo mô hình nguồn mặt hoặc nguồn điểm. Tuy nhiên, quy mô xây dựng công trình không lớn trong điều kiện khí hậu nhiệt độ không khí cao, tốc độ gió tương đối lớn nên quá trình pha loãng các chất khí ô nhiễm diễn ra nhanh chóng.
    Từ tính toán ở trên cho thấy các tác nhân gây ô nhiễm không khí do ảnh hưởng của quá trình thi công là không đáng kể.
    II.2.2. Chấn động và tiếng ồn
    Ngoài ra, quá trình hoạt động của các loại máy móc, thiết bị trong quá trình thi công xây dựng cũng gây ra những chấn động và tiếng ồn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân khu vực.
    * Nguồn ồn – nguồn điểm
    + Tiếng ồn tạo ra từ các thiết bị hạng nặng như xe ủi, máy xúc hoặc xe tải loại lớn, có thể đạt tới 70-90dB tại vị trí đặt thiết bị.
    + Hiện tượng âm thanh cộng hưởng khi các thiết bị này hoạt động cùng lúc, tác động của chúng đến khu dân cư là rất lớn.
    – Đối với nguồn điểm, công thức tính cường độ âm thanh cụ thể như sau:
    L = 20 log (Do/D)1+a
    Trong đó : a – hệ số trạng thái địa hình
    a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.
    a = 0,1 đối với mặt cỏ.
    a = – 0,1 đối với mặt đất là bê tông hay trải nhựa đường.
    Với giả thiết:
    + Tiếng ồn phát ra từ nguồn điểm là máy móc thi công với mức ồn tối đa đo tại vị trí cách điểm phát tiếng ồn 7,5 m là 80 dB
    + a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.
    + Với khoảng cách là 50 m thì cường độ âm thanh giảm xuống là:
    L = 20 log (7,5/50) = -16 (dB)
    Vậy khi đó cường độ âm thanh là 64 dB với khoảng cách là 50 m.
    + Tính toán tương tự với khoảng cách 100 m cường độ âm thanh là 57,5dB
    So sánh với TCVN 5949-1995 giới hạn tối đa cho phép của tiếng ồn trong khu dân cư là 60 dB thì tiếng ồn trong khu vực dân cư có bán kính 50 m từ điểm thi công cao hơn ngưỡng cho phép và còn tiếng ồn trong khu vực dân cư có bán kính 50 – 100m gần tới giới hạn cho phép. Như vậy phạm vi ảnh hưởng của tiếng ồn tính từ điểm đặt máy móc thiết bị đang thi công tới khu vực dân cư nằm trong bán kính 100 m .
    * Nguồn ồn – nguồn đường
    + Mức độ tiếng ồn của luồng xe bằng mức ồn của xe đặc trưng cộng với gia số mức ồn của luồng xe.
    + Gia số mức ồn của luồng xe phụ thuộc vào:
    – Số lượng xe chạy trong 1 giờ (Ni), Ni = 60 (các loại xe có động cơ đốt trong đi lại trên tuyến đường)
    – Khoảng cách đặc trưng từ luồng xe đến điểm đo ở cạnh đường có độ cao từ 1,5-2m (Do). Do = 7,5 m
    – Tốc độ dòng xe(Si), tốc độ xe đi trên công trường = 5 km/h
    – Thời gian trung bình một xe chạy trên quãng đường đó (T = 0,08 h = 288 s)
    + Gia số mức ồn được xác định theo công thức sau:
    A = 10log(NiDo/SiT) = 10 log (60.7,5/1,39.288) = 11,2
    Giả thiết tiếng ồn phát ra từ xe đặc trưng là 60 dB thì mức độ tiếng ồn của luồng xe tối đa đo tại vị trí cách điểm phát tiếng ồn 7,5 m là 71,2 dB.
    Mức ồn giảm theo khoảng cách thực tế tính từ nguồn ồn (D) được xác định như sau:
    – Đối với nguồn đường: L = 10 log (Do/D)1+a
    Trong đó : a – hệ số trạng thái địa hình
    a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.
    a = 0,1 đối với mặt cỏ.
    a = – 0,1 đối với mặt đất là bê tông hay trải nhựa đường.
    Cường độ âm thanh của luồng xe tối đa đo tại vị trí cách điểm phát tiếng ồn
    7,5 m là 71,2 dB; a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.
    Khi đó với khoảng cách là 50 m thì cường độ âm thanh giảm xuống là:
    L = 10 log (7,5/50) = -8 (dB)
    Vậy khi đó cường độ âm thanh chỉ còn là hơn 63,2 dB với khoảng cách là 50 m.
    Vậy khi đó cường độ âm thanh là 64 dB với khoảng cách là 50 m.
    + Tính toán tương tự với khoảng cách 100 m cường độ âm thanh là 59,5dB
    So sánh với TCVN 5949-1995 giới hạn tối đa cho phép của tiếng ồn trong khu dân cư là 60 dB thì tiếng ồn trong khu vực dân cư có bán kính 50 m từ điểm thi công cao hơn ngưỡng cho phép và còn tiếng ồn trong khu vực dân cư có bán kính 50 – 100m gần tới giới hạn cho phép. Như vậy phạm vi ảnh hưởng của tiếng ồn tính từ tuyến đường đang thi công tới khu vực dân cư nằm trong bán kính 100 m.
    Nói chung, phạm vi chịu tác động lớn nhất của tiếng ồn và các chất khí thải độc hại do hoạt động của các máy móc, thiết bị và các phương tiện giao thông trong giai đoạn thi công cách khoảng 50-100 m từ điểm phát thải.
    II.2.3. Ô nhiễm nước
    Quá trình xây dựng dự án cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước của khu vực. Giai đoạn xây dựng dự án tuy không tạo ra nước thải nhưng nước mưa chảy tràn sẽ gây xói lở, bồi lấp các dòng chảy gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, khi chảy qua khu vực thi công hoặc đường giao thông kéo theo rất nhiều cặn lơ lửng có thành phần khoáng vật, các hợp chất hữu cơ có nguồn gốc động vật, thậm chí cả dầu mỡ rơi vãi của các phương tiện thi công gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Sự ô nhiễm này sẽ làm suy giảm hệ sinh thái dưới nước và ảnh hưởng đến lợi ích sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác.
    a/ Tổng lượng nước thải sinh hoạt và nước mưa chảy tràn
    – Nước thải sinh hoạt của công nhân thi công trực tiếp tại hiện trường có lượng khá lớn. Số lượng công nhân tham gia sản xuất trung bình khoảng hơn 40 người; với lượng nước sử dụng trung bình 30l/ người.ngày. Thời gian công nhân lưu lại công trường 8h. Lượng thải ước tính 1,2 m3/ngày.
    – Đối với lượng nước mưa chảy tràn trong khu vực thi công: Do giai đoạn thi công dự kiến sẽ thực hiện vào mùa khô nên lượng nước mưa chảy tràn trong khu vực thi công là không đáng kể. Lượng nước mưa này sẽ tự thấm xuống đất.

    b/ Thành phần, nồng độ và tải lượng chất ô nhiễm.
    Tải lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt trong 1 ngày ước tính như sau

    2015-11-02_235354
    Ngoài ra, trong thành phần loại nước thải này còn có một lượng lớn các loại vi sinh vật gây bệnh như: coliform, fecal coliform, trứng giun sán…
    c/ Vị trí và khả năng tiếp nhận nước thải của khu vực
    – Nước thải sinh hoạt: Lượng nước này được trữ trong 1 hố tạm có thể tích 3m3. Các quá trình hiếu khí của VSV, ngấm và bay hơi góp phần làm giảm nồng độ ô nhiễm và khối lượng nước thải. Sau khi hoàn thành công trình, phần chất thải còn lại sẽ được hút từ hố tạm đưa đến khu xử lý rác, hố tạm sẽ được san lấp làm mặt bằng.
    – Thi công các hạng mục công trình của dự án vào mùa khô, lượng mưa rất ít nên nước chảy tràn qua khu vực thi công mưa không đáng kể. Lượng nước mưa này sẽ tự thấm xuống đất.
    II.2.4. Ô nhiễm đất và chất thải rắn
    Quá trình thi công xây dựng làm thay đổi địa hình khu vực dự án, xáo trộn các tầng đất. Sự ô nhiễm có nguồn gốc từ rác thải sinh hoạt và rác xây dựng. Rác thải sinh hoạt có khối lượng khá nhỏ, ước tính 5kg/ngày gồm giấy, lá, vải, túi nilon… được thu gom vào vị trí quy định của dự án và đốt định kỳ. Rác xây dựng gồm có đất đá do đào bới, nguyên vật liệu rơi vãi, phế thải, vỏ bao bì, thùng gỗ… Lượng rác này không nhiều và có thể dễ dàng tái sử dụng hoặc xử lý.
    II.2.5. Các tác động khác
    – Tăng mật độ giao thông trong khu vực, cản trở nhu cầu đi lại của dân cư trong khu vực.
    – Gia tăng áp lực lên kết cấu đường, trong thời gian dài gây nên các biến dạng về kết cấu làm yếu nền đường, sụt lún nứt vỡ…làm giảm tốc độ lưu thông trên đường
    – Gây bụi làm giảm khả năng qua sát đường của các lái xe khi tham gia giao thông.
    – Độ ồn tác động đến sức khoẻ của công nhân và nhân dân khu vực.
    – Gia tăng các tai nạn:
    + Trong quá trình thi công, các yếu tố môi trường, cường độ lao động, mức độ ô nhiễm môi trường có khả năng ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người công nhân như gây mệt mỏi, choáng váng và ngất.
    + Công việc lắp ráp, thi công và quá trình vận chuyển nguyên vật liệu với mật độ xe cao có thể gây ra các tai nạn lao động, tai nạn giao thông.
    II.3. Tác động đến môi trường trong giai đoạn dự án đi vào hoạt động
    Xây dựng khu xử lý rác thải là một dự án đặc biệt, các tác động của dự án tới môi trường trong giai đưa công trình vào sử dụng được hết sức quan tâm do nguy cơ gây suy thoái môi trường và sức khoẻ cộng đồng mang tính tiềm ẩn và lâu dài. Hơn thế nữa các tác động đó khó có khả năng khống chế; đặc biệt là tác động đến nguồn nước mặt, nước ngầm trên diện rộng.
    II.3.1. Tác động đến môi trường không khí và ô nhiễm tiếng ồn
    a/ Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí.
    Các tác nhân gây tác động đến môi trường không khí bao gồm:
    * Các khí thải, bụi, tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông: từ xe vận chuyển rác thải và từ các phương tiện tham gia giao thông của nhân dân địa phương
    * Các khí độc hại các nguồn gốc do qúa trình phân huỷ rác thải hữu cơ phát sinh khi vận chuyển rác thải và tại khu xử lý rác thải. Thời gian phân huỷ hữu cơ chủ yếu là trong năm đầu. Quá trình phân huỷ diễn ra trong môi trường yếm khí, các chất khí sinh ra chủ yếu là các hợp chất sau:
    Tính thể tích khô của rác thải trong một ngày
    + Độ ẩm rác 65%
    + Khối lượng rác thải hàng ngày 16,2 m3
    + Khối lượng rác thải hàng ngày tính theo thể tích khô: 16,2 m3 x (100-65)% = 5,67 m3
    2015-11-02_235506
    * Mùi hôi thối do quá trình phân huỷ các chất hữu cơ: phát sinh trong quá trình vận chuyển rác và tại khu xử lý rác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho ruồi muỗi, chuột bọ … phát triển gây ra bệnh tật, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.
    b/ Thành phần, tải lượng và khả năng lan truyền chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí.
    Các khí thải phát sinh từ các hoạt động giao thông bao gồm bụi, muội, SO2, NOx, CO, CO2, hơi xăng… Với quy mô bãi rác nhỏ, lưu lượng xe vận chuyển rác tính trung bình theo ngày đêm là 3 xe trọng tải nhỏ và quá trình vận chuyển không diễn ra liên tục. Mặt khác, đây là khu vực dân cư khá thưa thớt nên lưu lượng xe qua lại cũng không nhiều. Do vậy, lưu lượng xe tham gia giao thông trên tuyến đường này không nhiều, do vậy lượng khí thải từ hoạt động giao thông là tương đối nhỏ, phân bố trên diện rộng và được pha loãng nhanh chóng do xe đi trên đường.
    Tuy nhiên, do chưa có khả năng đầu tư xe chở rác chuyên dụng, quá trình vận chuyển rác vào bãi chôn lấp vẫn phải sử dụng các loại xe thường như xe IFA, xe công nông có độ ồn cao (có thể đạt đến 80 dB tại vị trí đo cách xe đang chạy 3 – 5 m đường). Mặt khác, do hạn hẹp về mặt kinh phí, tuyến đường để vận chuyển rác mới chỉ được cải tạo và nâng cấp mới khoảng 400 m trong tổng số 3,2 km đường đất có sẵn. Do vậy, tiếng ồn cũng như bụi phát sinh từ hoạt động vận chuyển rác vào bãi là điều khó tránh khỏi. Tác động của các tác nhân ô nhiễm này nằm trong phạm vi cách hai bên lề đường giao thông từ 50-100m. Do lưu lượng phương tiện tham gia vận chuyển rác nhỏ (3 xe/ngày.đêm) nên mức độ ồn và hàm lượng bụi nhỏ hơn nhiều so với giai đoạn thi công xây dựng dự án
    – Các bãi chôn lấp là nguồn tạo ra khí sinh học mà trong đó metan là thành phần chủ yếu và chiếm tỷ lệ cao. Khí sinh học là sản phẩm của quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ có trong bãi. Thành phần khí trong giai đoạn đầu chủ yếu là CO2, N2, O2. CO2 có mặt tạo điều kiện cho sinh vật kị khí phát triển và từ đó bắt đầu giai đoạn hình thành khí metan. Khả năng di chuyển các cấu tử khí qua lớp đất phủ ra ngoài môi trường không khí theo cơ chế đối lưu, khếch tán phân tử do chênh lệch áp suất và nồng độ. Tải lượng các chất khí sinh ra tại khu vực này sẽ tăng dần kể từ khi bắt đầu đưa vào sử dụng và mức ổn định cao nhất trong thời gian từ năm thứ 2 đến năm thứ 10, sau đó sẽ giảm dần cho đến khi hết thời gian hoạt động của giai đoạn động của dự án. Khí metan có thể trở thành mối nguy hiểm gây ra cháy nổ, ô nhiễm môi trường ở bãi chôn lấp và khu vực xung quanh. Vì vậy, trong thiết kế bãi chôn lấp rác thải cũng có hệ thống thoát khí sinh học để đảm bảo yêu cầu về giới hạn cho phép của khí metan trong khu xử lý rác (nồng độ của khí metan sinh ra không được vượt quá 25% giới hạn thấp về cháy nổ hay nồng độ khí metan sinh ra không vượt quá 1,25 % thể tích của các khu vực nhà ở, công trình và môi trường không khí thuộc khu vực bãi chôn lấp).
    Khí metan chỉ khuếch tán trên bề mặt với độ cao tầng khuếch tán trong khoảng 1 m. Như vậy, với diện tích của bãi chôn lấp là 38.250 m2, tính toán trong điều kiện không có sự đối lưu không khí, ta có:
    Phần trăm (theo thể tích) của khí mêtan trong không khí khu xử lý rác thải là: %VCH4 = (9,109 – 3,15)/38.250 x 100% = 0,007 – 0,008 %.
    Như vậy hàm lượng khí CH4 sinh ra trong qúa trình hoạt động của bãi chôn lấp rác thấp hơn nhiều so với giới hạn cháy của khí này trong môi trường không khí.
    II.3.2. Tác động đến môi trường nước
    a/ Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước:
    * Tại khu vực dịch vụ hành chính và tuyến đường giao thông:
    Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước bao gồm:
    – Nước thải sinh hoạt: Lượng nước được sử dụng của dự án chủ yếu phục vụ sinh hoạt của cán bộ nhân viên làm việc tại khu hành chính dịch vụ. Với dự kiến số nhân lực tham gia điều hành hoạt động dự án là 10 người thì ước tính lượng nước thải sinh hoạt trong là 1,2 m3/ngày. Lượng nước này được thu gom vào hệ thống xử lý yếm khí đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
    – Nước rỉ rác trên các xe vận chuyển rác đến khu xử lý: các xe chở rác chuyên dụng có bộ phận ép rác hiện nay cũng chưa tính toán đến lượng nước rác phát sinh trong quá trình vận chuyển. Do vậy, để giảm thiểu lượng nước rỉ rác phát sinh trong giai đoạn này, rác thu gom đến đâu sẽ vận chuyển ngay tới khu xử lý rác đến đó.
    – Nước mưa chảy tràn cũng là một trong những nguyên nhân đáng kể gây nên sự ô nhiễm khu vực. Với đặc thù khối lượng lớn khó kiểm soát và thành phần đa dạng lượng nước mưa kéo theo các chất ô nhiễm trên mặt đất thấm trong đất vào nguồn nước ngầm và vào nguồn nước mặt, phát tán đi khá xa.
    * Tại khu vực khu xử lý rác thải trung tâm
    – Nước rỉ rác phát sinh từ hoạt động chôn lấp rác thải hàng ngày: 9,109 m3/ngày.đêm
    – Nước mưa chảy tràn trong khu vực xử lý rác
    b/ Thành phần, nồng độ và tải lượng chất ô nhiễm trong nước.
    – Nước thải sinh hoạt: Các tác nhân gây ô nhiễm có trong loại nước này bao gồm BOD, COD, SS, N, P, và VSV. Tính toán lượng các chất ô nhiễm có trong loại nước thải sinh hoạt như sau:

    2015-11-02_235551

    Nước thải sinh hoạt nói chung thường có chỉ tiêu về vi sinh rất cao coliform thường đạt từ 106- 109 MPN và đặc biệt Fecal Coli từ 105- 106 MPN. Trứng giun sán khoảng 103.
    – Nước mưa chảy tràn: Thành phần chất ô nhiễm trong nước mưa chảy tràn bao gồm: BOD, COD, SS, N, P, VSV, các kim loại có trong rác.
    – Theo tính toán phần trên, lượng nước rác rò rỉ trung bình một ngày đêm khi bãi rác đi vào hoạt động là 9,109 m3 (với ước tính các thông số đầu vào như bảng phần IV.4.1 – chương II)
    Cũng như đối với khí độc hại, tải lượng chất ô nhiễm phát sinh ổn định và cao nhất bắt đầu từ năm thứ 2 đến năm thứ 10 sau đó giảm dần. Các chất ô nhiễm này khi vào môi trường sẽ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ, nước sẽ có màu, bốc mùi khó chịu.
    c/ Đánh giá khả năng lan truyền và mức độ gây ô nhiễm môi trường nước
    Nước rỉ chứa nhiều các chất ô nhiễm dạng lỏng và rắn sinh ra trong quá trình phân huỷ hữu cơ. Lượng chất ô nhiễm dạng này khi sinh ra một phần tự phân huỷ thành dạng ít ô nhiễm hơn, một phần tích luỹ trong lớp đất còn lại sẽ thẩm thấu nguồn nước ngầm. Tốc độ lan truyền chất ô nhiễm trong mạch nước ngầm phụ thuộc vào rất nhièu yếu tố trong đó yếu tố về địa hình, cấu trúc địa chất, địa chất thuỷ văn đặc biệt quan trọng. Khu vực chôn lấp rác thải có cấu trúc địa chất, địa chất thuỷ văn của hệ Triat điệp Lạng Sơn với thành phần kết cấu tương đối bền vững, nghèo nước. Chính cấu trúc tự nhiên này đã giảm được các tác động tiêu cực do quá trình hoạt động của dự án tới môi trường.
    II.3.3. Chất thải rắn và các tác động tới môi trường đất
    Quá trình hoạt động của bãi chôn lấp hầu như không phát sinh chất thải rắn ngoại trừ rác thải sinh hoạt của cán bộ công nhân làm việc tại khu xử lý. Khối lượng rác này sẽ được xử lý tại bãi rác cùng với rác thải thu gom từ thị trấn. Tuy nhiên trong quá trình xử lý nước rác cũng phát sinh một khối lượng bùn cặn với thành phần và tính chất khác nhau phụ thuộc vào từng công đoạn trong quá trình xử lý rác, cụ thể như sau:

    Công đoạn xử lý nước thải Dạng bùn/cặn Tính chất bùn/cặn Phương án xử lý
    Song chắn rác dạng rắn, kích thước thô thành phần tùy thuộc vào tính chất rác thải đưa lại bãi rác xử lý
    Bể lắng đợt 1 dạng rắn, nổi chất hữu cơ không tan
    nồng độ chất rắn chiếm khoảng 5% trọng lượng khô phơi khô trên sân để ủ rác
    bơm lên bãi rác xử lý
    Bể vi sinh màng vi sinh vật vi sinh vật hiếu khí hình thành từ quá trình chuyển hóa BOD Hồi lưu một phần vào các ngăn
    Bơm trở lại bãi rác
    Bể lắng đợt 2 màng vi sinh vật từ bể lọc sinh học vi sinh vật hiếu khí, các chất hữu cơ Hồi lưu một phần vào các ngăn
    Bơm trở lại bãi rác
    + Xử lý bùn thải tại bãi rác:
    – Phơi bùn lên bãi rác đạt độ ẩm dưới 85%
    – Rác sau khi đổ vào ô chôn lấp được phủ lên bằng một lớp bùn theo tỷ lệ thể tích rác: bùn = 4:1
    – Tiếp đó phủ một lớp rác khô (mùn rác) lên trên cùng.
    II.3.4. Các tác động xã hội khác
    a/ Tác động tới tâm lý và sức khoẻ cộng đồng.
    Khi dự án đi vào hoạt động ngoài những tác động tiêu cực tới môi trường nó còn có tác động không tốt tới sức khoẻ và tâm lý nhân dân khu vực xung quanh. Các chất khí độc hại tác động trực tiếp tới hệ hô hấp của người và động vật làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp. Dân cư xung quanh khu vực thực hiện dự án vẫn sử dụng nước ngầm làm nước sinh hoạt nên về lâu dài nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong khu vực là có thể xảy ra. Hơn thế nữa, tâm lý của người dân về việc hình thành một khu khu xử lý rác thải trong khu vực là điều khó chấp nhận. Đây chính là điểm đáng lưu ý trong khi lựa chọn địa điểm xây dựng dự án.
    Việc chôn lấp rác thải chủ yếu vẫn sử dụng sức lao động là chủ yếu nên những nhân viên làm việc tại khu vực khu xử lý rác thải sẽ là những người phải tiếp xúc trực tiếp với các chất độc hại, dễ gây nhiều bệnh nghề nghiệp như sạm da, mờ mắt và các dịch bệnh khó kiểm soát được…Do vậy, công nhân lao động trong khu xử lý chất thải sinh hoạt phải có sức khoẻ tốt và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo hộ an toàn lao động.
    b/ Tác động tới cảnh quan khu vực.
    Khu vực dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải của huyện vốn là khu vực đất đai cằn cỗi và dân cư thưa thớt, đường giao thông đi lại khó khăn. Cùng với việc xây dựng dự án, khi tuyến đường giao thông được đưa vào sử dụng, việc đi lại nhân dân trong vùng trở nên thuận tiện hơn. Hơn nữa, việc xây dựng khu khu xử lý rác thải sẽ góp phần làm sạch đẹp cảnh quan và môi trường đô thị.
    II.4. Đánh giá chung
    Khu xử lý rác thải là một công trình quan trọng góp phần vào việc bảo vệ môi trường; gắn việc phát triển kinh tế xã hội với công tác bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Việc xây dựng một khu xử lý rác thải hợp vệ sinh là nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển đô thị, xoá bỏ thói quen vứt rác một cách bừa bãi của người dân địa phương đồng thời gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường tới cộng đồng dân cư trong khu vực. Tuy nhiên, việc hình thành khu xử lý rác thải cũng gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Công tác dự báo, đánh giá mức độ và phạm vi ảnh hưởng để từ đó đề xuất các biện pháp mang tính bắt buộc để bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.

………………………………………………………………………………………………….

Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng khu xử lý rác thải Phú Bình – Thái Nguyên, UBND huyện Phú Bình, 2008

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *