Chính Sách Nhà Nước Về Môi Trường Tại Làng Nghề Thủ Công Mỹ Nghệ Việt Nam

5/5 – (1 vote)

Nguyễn Thị Thu Hường

Viện Đại học mở Hà Nội

…………………………………………………… 

TÓM TẮT

Làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của các làng nghề TCMN hiện nay còn có nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, chính sách nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề TCMN, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.

  1. Khái quát chung môi trường làng nghề TCMN Việt Nam: nêu lên thực trạng ô nhiễm tại một số làng nghề TCMN.
  2. Đặc trưng chinh sách làng nghề.
  3. Thực trạng chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN: nêu rõ thành tựu và hạn chế của các chính sách, từ đó đánh giá chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN (thông qua điều tra thực tế tại các làng nghề).
  4. Giải pháp hoàn thiện chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường tại làng nghề TCMN.

ABSTRACT

Handicraft villages plays an important role in promoting social and economic development in rural areas. However, the production activities of the handicraft village there are many shortcomings, especially the problem of environmental pollution. Therefore, government policy plays a very important role to minimize environmental pollution villages, contributing to improving environmental quality and public health.

  1. Overview environment villages handicraft Vietnam: shows pollution in a number of craft villages.
  2. Characterized policy.
  3. Current status of state policy environment in handicraft villages: shows the achievements and limitations of the policy, from which review state policy in environments in handicraft villages ((through fieldwork in the villages).
  4. Solution to improve state policy on environmental protection in handicraft villages.

I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ TCMN VIỆT NAM

1.1. Khái quát chung về làng nghề TCMN Việt Nam

Hiện nay, nước ta có khoảng 2700 làng nghề, trong đó làng nghề TCMN chiếm gần 40% tổng số làng nghề. Làng nghề TCMN Việt Nam có truyền thống lâu đời, sản phẩm có giá trị cao, mang đậm nét văn hóa địa phương và dân tộc.

Bảng 1. Phân bố làng nghề TCMN theo nhóm sản phẩm [4, tr.12]

TT Nhóm sản phẩm Miền Bắc Miền Trung Miền Nam Tổng
1 Mây tre đan, thêu rên, cói, đồ gỗ mn, sơn mài 648 69 191 908
2 Gốm sứ mỹ nghệ 22 10 21 53
3 Chạm khắc đá, vàng bạc, đúc đồng 14 1 4 19
  Tổng 684 80 216 980

1.2. Thực trạng ô nhiễm tại một số làng nghề TCMN Việt Nam

Hiện nay, các chất thải phát sinh tại làng nghề TCMN hiện nay đã và đang gây ảnh hưởng tới môi trường, làm suy thoái môi trường và tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân. Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề gây tác động tiêu cực tới các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng. Các làng nghề TCMN tác động nhiều đến môi trường thường sản xuất các sản phẩm như: sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ, chạm bạc, mây tre đan, chiếu cói.

Bảng 2. Đặc trưng ô nhiễm từ sản xuất tại làng nghề TCMN [4, tr.22]

Loại hình

sản xuất

Các dạng chất thải
Khí thải Nước thải Chất thải rắn Ô nhiễm khác
– Gốm sứ – Bụi, SiO2, CO, SO2, NOx, HF, THC BOD5, COD, SS, độ màu, dầu mỡ công nghiệp Xỉ than (gốm sứ), phế phẩm, cặn hóa chất Ô nhiễm nhiệt
– Sơn mài, gỗ mỹ nghệ, chế tác đá – Bụi, hơi xăng, dung môi, oxit Fe, Zn, Cr, Pb

Làng nghề sơn mài: vấn đề ô nhiễm gây ra chủ yếu ở công đoạn phun sơn. Môi trường không khí: do mùi sơn và hơi dung môi gây ra. Kết quả đo đạc chất lượng tại làng nghề sơn mài cho thấy hàm lượng phun sơn gấp 16,7 lần TCVN so sánh trung bình ngày đêm và gấp 5 lần nồng độ tối đa cho phép [4].

Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ: vấn đề ô nhiễm là bụi và tiếng ồn từ các xưởng sản xuất nằm ngay trong hộ gia đình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Nước thải của các làng nghề này do việc ngâm gỗ màu hoặc chất ngâm tẩm gây ra. Môi trường không khí ô nhiễm do bụi và tiếng ồn. Nguồn gây bụi chủ yếu ở công đoạn cắt, pha gỗ nguyên liệu, đánh bóng bề mặt. Mức độ ồn cao chủ yếu vào ban ngày với mức âm từ 77,2-85,8 dBA, trên chuẩn cho phép [4]. Chất thải rắn từ gỗ thừa hoặc lọ đựng keo, chai đựng vecni, sơn thừa. Đây là chất thải nguy hại và dễ đi vào nguồn nước thải.

2015-10-29_215323

Làng nghề chạm bạc: ô nhiễm từ nguồn khí thải và nước thải không qua xử lý. Nước thải từ khâu mạ bạc, hóa chất bạc gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và ô nhiễm kim loại nặng. Hàm lượng kim loại nặng trong nước thải đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chất tẩy gỉ đồng, mạ bạc chứa axit đều ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người dân xung quanh.

Làng nghề mây tre đan, chiếu cói: nguyên liệu sử dụng là mây, tre, lưu huỳnh, sơn bóng. Làng nghề mây tre đan gây ra nhiều bụi, khí SO2 và hơi dung môi pha sơn. Chất thải rắn là sợi dăm, mây, tre khi vuốt sợi, cắt các đoạn thừa và vỏ hộp sơn dầu bóng. Làng nghề chiếu cói ô nhiễm từ bụi khi dệt chiếu, gây ồn khi dệt, hơi hóa chất khi nhuộm và in. Nước thải nhuộm cói và in hoa trên chiếu chứa nhiều hóa chất, thuốc nhuộm.

II.  ĐẶC TRƯNG CHÍNH SÁCH LÀNG NGHỀ

Chính sách phát triển làng nghề là tổng hợp các chính sách khác nhau, tác động ở phạm vi rộng và mang tính dài hạn đến sự phát triển làng nghề. Các chính sách này sử dụng nhiều công cụ và tổng hợp nhiều chính sách bộ phận. Do vậy, chính sách phát triển làng nghề là tổng thể các quan điểm, biện pháp, công cụ nhằm mục tiêu phát triển làng nghề.

Có thể nêu lên một số đặc trưng của chính sách làng nghề TCMN như sau: (1) Đối tượng của chính sách là toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất ngành nghề, các doanh nghiệp, môi trường sống… Bên cạnh các biện pháp, các công cụ kích thích sự tăng trưởng về tốc độ, cơ cấu, thu nhập của làng nghề, chính sách nhà nước cần phải kiểm soát, kiềm chế, khắc phục những hạn chế của phát triển làng nghề như vấn đề về trách nhiệm đối với xã hội, vấn đề môi trường; (2) Chính sách phát triển làng nghề là hệ thống các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là hệ thống các chính sách về phát triển nông nghiệp và nông thôn (trong đó có làng nghề) như: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách về môi trường; chính sách về đầu tư, tín dụng; chính sách về hoạt động thương mại; chính sách về khoa học – công nghệ; chính sách về đào tạo nghề… Môi trường kinh doanh của các làng nghề liên quan đến toàn bộ yếu tố kinh tế, xã hội, tự nhiên tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở các làng nghề. Do vậy, kết quả của chính sách phát triển làng nghề là tổng hợp của nhiều chính sách kinh tế – xã hội; (3) Chủ thể hoạch định chính sách và thực thi chính sách phát triển làng nghề theo phân cấp và cấp độ ban hành chính sách. Chính sách phát triển làng nghề thường do Chính phủ, Bộ ngành TW quyết định như các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Quyết định của Bộ ngành. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ vào chính sách cấp trên và thực trạng của mình để ban hành các chính sách phù hợp. Các chính sách nói chung chịu nhiều ảnh hưởng của các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan; (4) Mục tiêu của chính sách phát triển làng nghề nói chung thể hiện ở sự tăng trưởng về cơ cấu, thu nhập nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong làng nghề, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống người dân; (5) Chính sách phát triển làng nghề có thể tác động theo cả hai hướng là thúc đẩy và hạn chế phát triển. Các nhóm biện pháp bao gồm: kinh tế (sử dụng các công cụ, đòn bảy kinh tế tác động vào lợi ích của các hộ, các cơ sở sản xuất trong làng nghề), hành chính (các luật pháp, thủ tục hành chính) và biện pháp giáo dục tuyên truyền (chính sách xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, giáo dục và đào tạo…). Chính sách làng nghề cũng có sự phân biệt đối xử thông qua các tiêu chí về ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, quy mô…

2015-10-29_215414

III. THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH Nhà NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG TẠI LÀNG NGHỀ TCMN

3.1. Một số chính sách nhà nước về môi trường làng nghề trong thời gian qua

Hiện nay, một trong những nội dung quan trọng của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là phát triển các làng nghề, đặc biệt là quan tâm đến môi trường làng nghề. Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn được cụ thể hóa qua các văn bản như:

Quyết định số 800/QĐ/TTg ngày 04/06/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

Nghị quyết số 41-NQ/TƯ ngày 15/11/2004 của Bộ Chính Trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đặc biệt là Chỉ thị số 28/2007/CT-BNN về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề (Bộ NN&PTNT).

Luật Bảo vệ môi trường được ban hành và kèm theo các thông tư, nghị định như: Nghị định 80/2006/NĐ ngày 9/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luận Bảo vệ môi trường, Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010, Thông tư liên tịch 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29/12/2006 của liên Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng vốn tín dụng đầu tư đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015.

Quyết định số 577/QĐ – TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Gần đây nhất là thông báo số 30/TB-MTTW-BTT về kết quả Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” tổ chức ngày 20/4/2015 tại Hà Nội. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, có đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành liên quan và đưa ra giải pháp “ba đổi mới” trong phát triển làng nghề (đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới thiết kế và công nghệ, đổi mới phối hợp và hỗ trợ của nhà nước và xã hội).

3.2. Đánh giá chung chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN

Đánh giá chính sách là một công việc nghiên cứu, là quá trình áp dụng những nghiên cứu xã hội để phán xét, nhận định các biện pháp chính sách của chính quyền. Để đánh giá chính sách, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã xây dựng các tiêu chí khác nhau. Từ việc nghiên cứu lý luận về đặc trưng chính sách làng nghề, tác giả lựa chọn tiêu chí đánh giá chính sách chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN Việt Nam bao gồm: tính minh bạch của chính sách, tính phù hợp của chính sách, tính ổn định của chính sách và tính thống nhất của chính sách.

Phương pháp nghiên cứu: thực hiện điều tra có sử dụng “Phiếu điều tra” để phỏng vấn các doanh nghiệp tại một số làng nghề TCMN. Việc thu thập phiếu điều tra được thực hiện bằng việc gửi “Phiếu điều tra” và phỏng vấn trực tiếp những người đứng đầu doanh nghiệp hoặc có trách nhiệm quản lý doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được khảo sát hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau (chủ yếu là lĩnh vực mây tre đan, sơn mài, gốm sứ, đồ gỗ, dệt lụa…), quy mô doanh nghiệp và hình thực sở hữu khác nhau.

Mẫu nghiên cứu: gồm 106 doanh nghiệp với ngành nghề, loại hình doanh nghiệp khác nhau được tổng hợp như sau:

Về lĩnh vực sản xuất kinh doanh:

Bảng 3.  Lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DN tại làng nghề TCMN

2015-10-29_215750
– Tính minh bạch của chính sách
: từ kết quả nghiên cứu cho thấy, các doanh nghiệp đều đồng ý sự minh bạch của các chính sách nhà nước về môi trường đối với phát triển làng nghề TCMN hiện nay (tỷ lệ “đồng ý” chiếm 44,3% và “hoàn toàn đồng ý” chiếm 21,7%). Điều đó cho thấy, đây là thành tựu của chính sách nhà nước mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới.Kết quả đánh giá chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN như sau:

Bảng 4.  Tính minh bạch của chính sách

2015-10-29_215841
Bảng 5.
 Tính phù hợp của chính sách – Tính phù hợp của chính sách: Sự phù hợp của các biện pháp chính sách cũng có thể được đánh giá bởi mức độ mà chính sách có thể thích nghi được  với sự thay đổi của thị trường, công nghệ, kiến ​​thức, xã hội, điều kiện chính trị và môi trường. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ “đồng ý” với sự phù hợp của chính sách chiếm cao nhất (50,9% ), sau đó là tỷ lệ đánh giá “bình thường” chiếm 30,2%). Nhìn chung, các chính sách nhà nước về môi trường làng nghề được đánh giá là phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

2015-10-29_215932

– Tính thống nhất của chính sách: tỷ trọng các doanh nghiệp đánh giá mức độ “bình thường” và “đồng ý” về tính thống nhất của chính sách chiếm tỷ lệ cao (35,8%). Việc đánh giá “không đồng ý” về tính thống nhất của chính sách là 19,8%. Đây là tỷ lệ khá cao về sự “không đồng ý” so với các tiêu chí khác. Điều đó cho thấy, mặc dù nhìn chung các doanh nghiệp đánh giá các chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN hiện nay là có tính thống nhất (trên 70%), song đây cũng là tiêu chí mà Nhà nước cần chú ý hơn trong thời gian tới để nâng cao được vai trò của chính sách.

Bảng 6.  Tính thống nhất của chính sách

2015-10-29_220034

Tính ổn định của chính sách: Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá sự ổn định của các chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề TCMN là không cao (tỷ lệ “đồng ý” chỉ chiếm 14,2%, “bình thường” chiếm cao nhất là 43,4%, tỷ lệ “không đồng ý” chiếm khá cao 34,9%,). Điều đó cho thấy, sự không ổn định là hạn chế của chính sách nhà nước hiện nay. Đây là vấn đề mà Nhà nước ta cần khắc phục thời gian tới.

Bảng 7.  Tính ổn định của chính sách

2015-10-29_220121
Môi trường làng nghề hiện đang là vấn đề bức xúc ở một số làng nghề  TCMN. Mỗi làng nghề có một phương thức sản xuất, cách khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên khác nhau. Do vậy, các giải pháp bảo vệ và cải thiện môi trường tại các làng nghề TCMN phải căn cứ vào các điều kiện tự nhiên, điều kiện về kinh tế và xã hội của từng làng nghề. Mục tiêu tổng quát của các giải pháp là nhằm cải tạo chất lượng cuộc sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao vai trò và hiệu quả của ngành TCMN trong phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách về môi trường được thể hiện như sau: (1) Xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề thủ công; (2) Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến; (3) Hỗ trợ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; (4) Nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, chính sách về môi trường cần đảm bảo những mục tiêu cơ bản như: Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được phép thải ra môi trường từ các làng nghề; Xây dựng thí điểm quy hoạch không gian làng nghề đảm bảo xử lý triệt để phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất; Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với mỗi người dân làng nghề. Từ năm 2015 – 2020 áp dụng công nghệ sạch để xử lý tại 75% [7] số làng nghề gây ô nhiễm. Một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện chính sách về môi trường LN là:IV. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI LÀNG NGHỀ THỦ CÔNG MỸ NGHỆ

Hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về môi trường và xây dựng những quy định xử phạt nghiêm minh đối với những doanh nghiệp và hộ sản xuất vi phạm luật bảo vệ môi trường. Cụ thể như: (1) Rà soát lại các chính sách đã ban hành liên quan đến môi trường. Trên cơ sở Luật Môi trường mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2006, rà soát lại một số văn bản không còn phù hợp cho điều chỉnh hoặc thay thế phù hợp với Luật và cam kết hội nhập Quốc tế và khu vực của Việt Nam. Tất cả các cam kết thực hiện Dự án đầu tư, nhất là trong việc thành lập mới cơ sở sản xuất hay làng nghề cần đánh giá tác động đến môi trường của các chuyên gia về môi trường; (2) Xây dựng quy chuẩn quốc gia về khí thải, nước thải phù hợp với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề TCMN. Đó là điều kiện quan trọng bắt buộc các cơ sở sản xuất làng nghề phải xử lý khí thải, nước thải đạt quy chuẩn về môi trường trước khi thải ra môi trường, thu gom và vận chuyển rác thải đến nơi quy định để xử lý. Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Môi trường về môi trường làng nghề cần được cụ thể hóa. Tăng cường công tác kiểm tra theo chương trình và kiểm tra đột xuất bằng các phương tiện đo, lấy mẫu phân tích về nước thải, khí thải, rác thải, tiếng ồn tại các làng nghề để có chế độ khen thưởng và xử phạt kịp thời. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh để kiên quyết đình chỉ những cơ sở không có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường hay cố tình gây ô nhiễm môi trường.

Cần có bộ phận chuyên trách có trách nhiệm kiểm tra việc thực thi công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức đào tạo dài hạn tập trung cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật bảo vệ môi trường từ cấp xã đến cấp Trung ương. Ưu tiên những cán bộ do địa phương cử đi học có nguyện vọng về công tác tại địa phương. Có chế độ đãi ngộ thoả đáng những cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp các trường chuyên ngành về môi trường công tác tại các địa phương có làng nghề. Tổ chức đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ ở doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất hay công nhân trực tiếp sản xuất trong các làng nghề về kiến thức bảo vệ môi trường, kiến thức để có khả năng sử dụng các thiết bị công nghệ xử lý môi trường vừa có thể hạ giá thành sản phẩm và vừa bảo vệ môi trường.

Phân công trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành liên quan đến việc xử lý ô nhiễm môi trường LN. Những công việc cụ thể cần tập trung thực hiện như: (1) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề nông thôn; thường trực tổng hợp số liệu về xử lý môi trường làng nghề ở Việt Nam; Phối hợp với các Bộ, ngành TW có liên quan và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường làng nghề; Tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2015 để hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề; (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bố trí vốn đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường làng nghề hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thí điểm và ghi vốn đầu tư xử lý môi trường cho các địa phương; Kêu gọi các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ODA cho xử lý môi trường làng nghề; (3) Bộ Công Thương: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý môi trường làng nghề tại cụm điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các tỉnh; Dành kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các Hội chợ triển lãm giới thiệu công nghệ, thiết bị xử lý môi trường làng nghề; (4) Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thực hiện đầu tư thí điểm xử lý môi trường làng nghề ở một số địa phương còn nhiều khó khăn và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Thực hiện đầu tư thí điểm xử lý môi trường làng nghề ở một số địa phương còn nhiều khó khăn và các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Đầu tư thiết bị chuyên dụng kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; (5) Bộ Khoa học và Công nghệ: Dành kinh phí khoa học công nghệ để nhập khẩu các thiết bị khoa học hiện đại, công nghệ tiến tiến đầu tư xây dựng thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề trọng điểm; (6) Bộ Tài chính: Bố trí nguồn vốn sự nghiệp cho việc xây dựng thí điểm các mô hình xử lý môi trường làng nghề; Bố trí vốn trái phiếu Chính phủ cho việc đầu tư xử lý môi trường làng nghề trước mắt tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội; (7) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Bố trí kinh phí đào tạo công nhân kỹ thuật vận hành các trạm xử lý môi trường làng nghề; Đề xuất chế độ thoả đáng để bồi dưỡng cho các cán bộ, công nhân trực tiếp tham gia vào công việc bảo vệ môi trường làng nghề; Đề xuất chế độ bảo hộ lao động, bồi dưỡng, nghỉ dưỡng cho công nhân trực tiếp xử lý môi trường làng nghề; (8) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Bố trí kinh phí đào tạo các cán bộ quản lý, kỹ sư môi trường cho các làng nghề, nhất là các địa phương còn thiếu nhiều cán bộ kỹ thuật; Xây dựng kế hoạch đào tạo trong Trường Phổ thông kiến thức bảo vệ môi trường làng nghề để phổ cập cho học sinh các trường từ bậc tiểu học; (9) Ngân hàng Phát triển Việt Nam: Dành kinh phí với lãi suất ưu đãi để đầu tư hỗ trợ các làng nghề vốn đối ứng đầu tư xử lý môi trường làng nghề theo quy định của Nhà nước; Ưu đãi sau đầu tư cho các dự án xử lý môi trường làng nghể; (10) UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW: Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với vùng nguyên liệu, vùng du lịch, vùng đồng bào dân tộc, bố trí diện tích đất để xây dựng khu xử lý môi trường làng nghề; Ưu tiên dành kinh phí của địa phương để hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề; Tuyên truyền giáo dục người dân địa phương có ý thức bảo vệ và giữ gìn môi trường làng nghề; (11) Các Tổ chức đoàn thể, quần chúng: Tổ chức cuộc thi về môi trường làng nghề; Giáo dục Hội viên, Đội viên tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường làng nghề…

KẾT LUẬN

Chính sách nhà nước là một công cụ quan trọng của nhà nước trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân. Chính sách là một công cụ quan trọng định hướng mọi hoạt động và hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó các làng nghề TCMN. Đặc biệt, Nhà nước thông qua việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ và các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời hỗ trợ về vật chất để tăng cường năng lực của các cơ sở, hộ gia đình, doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh tại làng nghề. Việc đánh giá chung các chính sách nhà nước về môi trường tại làng nghề giúp ta nhận biết được thực trạng các chính sách nhà nước ta hiện nay trong việc phát triển làng nghề TCMN. Nhìn chung, chính sách nhà nước về môi trường đều thể hiện được tính minh bạch, tính phù hợp và tính thống nhất. Tuy nhiên, tính ổn định của chính sách là vấn đề Nhà nước mà cần có giải pháp hoàn thiện hơn. Tóm lại, đây sẽ là cơ sở để ta có thể vận dụng vào việc đánh giá các chính sách cụ thể nhằm phát triển làng nghề TCMN trong thời gian tới.

TÀI lIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Minh Yến (2003), Phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, LATS kinh tế (Viện Kinh tế học)
  2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2008), B.cáo môi trường QG, môi trường LN Việt Nam, HN
  3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2007), Một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, NXB Nông nghiệp, Hà Nội
  4. Đặng Kim Chi và cộng sự (2010), Tài liệu hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ, NXB Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Thu Hường (2010), “Quản lý nhà nước về môi trường tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 168 (II), tr.70
  6. Vũ Quốc Tuấn & cộng sự (2010), Làng nghề – phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển, NXB Hà Nội, Hà Nội.
  7. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2009), Đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *