Đánh giá tác động môi trường xây dựng khu dân cư

4.7/5 – (3 votes)

NGUỒN GÂY TÁC ĐỘNG

1.1. Nguồn tác động có liên quan đến chất thải giai đoạn thi công

Cải tạo giải phóng mặt bằng, xây đặt cống và xây dựng công trình tác động tới môi trường không khí xung quanh.

Bụi: Do việc san ủi giải phóng mặt bằng, đào móng xây đặt cống rãnh, đổ đất cát vật liệu xây dựng trong giai đoạn này các phương tiện hoạt động liên tục khối lượng công việc san nền cũng như xây dựng các hạng mục, lắp đặt thiết bị đặc biệt nếu triển khai vào mùa khô hanh thì ô nhiễm bụi cho toàn khu vực là cao nhất. Nồng độ bụi có thể vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép nhưng sẽ giảm khi thi công xong. Thành phần bụi chủ yếu là đất, đá, cát, bụi xi măng, bụi khói trong giai đoạn thi công nồng độ bụi có thể tăng và vượt tiêu chuẩn cho phép tuy nhiên nguồn trên không phát tán đi xa chỉ ảnh hưởng đến công nhân thi công trên công trình và nhân dân qua lại trên và lân cận khu vực đang thi công.

– Khí thải: Các khí thải độc hại do các phương tiện thi công san lấp và giải phóng mặt bằng và các phương tiện vận tải vận chuyển vật tư. Thành phần của khí thải gồm: bụi, CO, CO2, NOx, hơi xăng. Các máy vận chuyển vật liệu xây dựng, đất đá sử dụng nhiên liệu là dầu diezel công suất lớn và hoạt động liên tục, khu vực dự án có địa hình thoáng, do đó khí thải phát tán có trong không khí dự đoán ảnh hưởng đến môi trường lân cận.

* Khối lượng đá dăm: Ước tính bề rộng mặt đường trung bình khoảng 5,3m là đường cấp phối

+  Móng lớp trên: Cấp phối đá dăm loại 1 dầy 15cm,

+ Móng lớp dưới: Cấp phối đá dăm loại 2 dầy 15cm, như vậy tổng độ dày đá dăm trên các đoạn đường là 30cm theo căn cứ vào chiều dài, rộng của đường thì sẽ có khoảng 2325,5m3 đá dăm theo đó khoảng 564 chuyến xe phải chở đến công trình (ước tính trung bình mỗi chuyến khoảng 7tấn).

* Khối lượng nhựa đường: Với diện tích khoảng 7751,67m2, lượng nhựa đường cho 1m2 là 4,5 kg thì số nhựa đường chở đến công trình khoảng 34882,5kg.

  Giả sử mỗi chuyến xe chở 7 tấn thì sẽ có khoảng 569 chuyến xe chở nhựa đường và đá dăm tới công trình. Ngoài ra còn có các loại phương tiện chở cây cối san nền đường, chở vật liệu xây dựng cống rãnh như: gạch, sỏi, xi măng, sắt thép,…

Để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường xung quanh, cần xem xét, tính toán mức độ lan truyền của các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh.

Dựa trên các nguồn phát thải theo tài liệu của (GS, TSKH Phạm Ngọc Đăng) ta có thể chia nguồn thải thành:

 – Nguồn đường (nguồn di động): là nguồn do các phương tiện thi công chuyên chở gây ra.

–  Nguồn mặt, nguồn điểm (nguồn cố định): là nguồn phát sinh tại khu vực thi công do các thiết bị như: máy nén, máy đào đắp, san lấp, đóng cọc, máy trộn, phương tiện vận chuyển đi lại trong khu vực,… gây ra.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ lan truyền các chất ô nhiễm trong môi trường không khí như: yếu tố về khí tượng (tính ổn định của khí quyển, hướng gió, tốc độ gió, nhiệt độ của không khí, độ ẩm của không khí, lượng mưa,… ), yếu tố về địa hình và các công trình xây dựng trong khu vực (gò đất, đồi núi, khu vực bằng phẳng, độ cao của các công trình,…) và một yếu tố đặc biệt quan trọng khác đó là  tải lượng của chất ô nhiễm trong không khí.

Trên thực tế nghiên cứu khu vực xây dựng dự án, các yếu tố khí tượng, địa hình trong khu vực tương đối bằng phẳng, dựa trên mô hình tính khuếch tán chất ô nhiễm trong môi trường không khí đối với nguồn đường và nguồn điểm, nguồn mặt để xác định mức độ lan truyền chất ô nhiễm trong môi trường không khí.

– Sơ đồ tính nguồn đường

Để đơn giản hoá, ta xét nguồn đường là nguồn thải liên tục (nguồn của dòng xe chạy liên tục trên đường) và ở độ cao gần mặt đất, gió thổi vuông góc với nguồn đường.

Nồng độ chất ô nhiễm ở khoảng cách x cách nguồn đường phía cuối gió ứng với các điều kiện trên được xác định theo công thức tính toán như sau:

C(x) = 2E/ (2P) 1/2 sz.u  (1)

Hoặc có thể xác định theo công thức mô hình cải biên của sutton như sau:

C(x) = 0,8.E   (2)

Trong đó:

E: lượng thải tính trên đơn vị dài của nguồn đường trong đơn vị thời gian (mg/m.s), E được tính toán ở phần dưới.

sz: hệ số khuếch tán theo phương z (m) là hàm số của x theo phương gió thổi. sz được xác định theo công thức slade với cấp độ ổn định khí quyển loại B (là cấp độ ổn định khí quyển đặc trưng của khu vực) có dạng sau đây:

            sz = 0,53.x0,73

  x: khoảng cách của điểm tính so với nguồn thải, tính theo chiều gió thổi.

         u : Tốc độ gió trung bình (m/s), tại khu vực có tốc độ gió trung bình là 1,9 m/s.

z: độ cao của điểm tính (m), tính ở độ cao 0,5 m.

h: độ cao của mặt đường so với mặt đất xung quanh (m), coi mặt đường bằng mặt đất, h = 0 m.

Để xác định tải lượng của các chất ô nhiễm do các phương tiện bốc xếp, vận chuyển đất đá nguyên vật liệu trong giai đoạn thi công từ tạo mặt bằng đường đến thi công dải đá và nhựa, giả sử quy các loại phương tiện này ra tương đương xe vận tải có tải trọng tiêu chuẩn. Giả sử ước tính cứ 60 phút có 3 xe tải động cơ Diezen có trọng tải trên 5 tấn ra vào khu vực dự án, vậy lượng xe ra vào ở khu vực dự án trong một giờ là 6 xe/giờ.

Bảng 4 Hệ số ô nhiễm đối với các loại xe của một số chất ô nhiễm chính

Loại xe CO SO2 Nox
Xe ô tô con & xe khách 7,72 kg/1000km 2,05S kg/10000km 1,19 kg/1000km
Xe tải động cơ Diezen > 3,5 tấn 28 kg/1000km 20S kg/1000km 55 kg/1000km
Xe tải động cơ Diezen < 3,5 tấn 1 kg/1000km 1,16S kg/1000km 0,7 kg/1000km
Mô tô & xe máy 16,7 kg/1000km 0,57S kg/1000km 0,14 kg/1000km

S: hàm lượng lưu huỳnh trong xăng, dầu (hàm lượng lưu huỳnh trong xăng, dầu là 0,5%)

Với mật độ xe như trên, dựa trên phương pháp xác định nhanh nguồn thải của các loại xe theo “hệ số ô nhiễm không khí” căn cứ vào tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sổ tay về Công nghệ môi trường, tập 1: “Đánh giá nguồn ô nhiễm không khí, nước và đất”, tải lượng các chất ô nhiễm do các phương tiện giao thông thải ra trong khu vực dự án là:

Nguồn thải E đối với khí CO, SO2, NOx:

ECO = 6×28 = 168 kg/1000 km.h = 0,0466 mg/m.s

ESO2 = 6x20x0,5% =  6 kg/1000 km.h = 0,0016 mg/m.s

ENOx = 6×55  = 330 kg/1000 km.h = 0,091 mg/m.s

Thay các giá trị vào công thức tính toán, nồng độ các chất ô nhiễm ở các khoảng cách khác nhau so với nguồn thải (tim đường) được thể hiện ở bảng dưới đây:

Bảng 5. Nồng độ các chất ô nhiễm do giao thông trong giai đoạn thi công xây dựng cơ sở hạ tầng.

Stt Khoảng cách x (m) sz CCO (mg/m3) C NOx

(mg/m3)

C SO2

(mg/m3)

1 5 1,716 0,022 0,043 0,001
2 10 2,846 0,014 0,027 0,000
3 15 3,827 0,010 0,020 0,000
4 20 4,721 0,008 0,016 0,000
TCVN 5937:1995 Trung bình 1h 40 0,4 0,5
Trung bình 24h 5 0,1 0,3

So sánh với TCVN 5937:2005, nhận thấy rằng nồng độ tại khoảng cách không vượt tiêu chuẩn cho phép.

Chất thải rắn trong thi công xây dựng

Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho khu dân cư số 02 khoảng 12 tháng bao gồm san nền đường, đào móng xây cống và rãnh thoát nước, vận chuyển bốc dỡ nguyên vật liệu.

– Chất thải rắn trong quá trình thi công xây dựng: Chất thải này chủ yếu là bao bì đựng xi măng vật liệu, gạch vụn đất đá, đá sỏi vật liệu sử dụng để đổ tấm bê tông,…Lượng chất thải phụ thuộc vào số lượng công trình và sự phát sinh.

+ Chất thải rắn trong xây dựng là các chất thải của vật liệu thừa, đất đá do đào bới, nguyên vật liệu rơi vãi, phế thải, vỏ bao bì, thùng gỗ. Lượng này không nhiều nhưng là những chất khó phân huỷ và có thể tận dụng, thu gom trong quá trình xây dựng tuỳ theo từng chủng loại.

  – Chất thải rắn trong sinh hoạt của lượng cán bộ công nhân trong công trường với số lượng khoảng 100 người x 0,5 kg/ngày theo tính toán vào khoảng 50 kg/ngày. Thành phần của loại rác sinh hoạt này tương đối đa dạng như chất hữu cơ dễ phân huỷ là chính, bên cạnh đó còn có các bao gói, ni lông, vỏ chai nhựa, đồ hộp,…Tuy không nhiều, nhưng loại rác này bị phân tán trên diện rộng của công trường, cộng với phân và nước tiểu không được thu gom sẽ phát sinh mùi hôi thối ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân và ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh khu vực.

Tác động đến nguồn nước

Giai đoạn chuẩn bị mặt bằng bao gồm việc giải toả, san lấp đất đai, chặt phá cây cối, phá dỡ các công trình xây dựng trên khu vực triển khai dự án…. Các hoạt động này có thể làm ngăn trở nước chảy từ nơi này sang nơi khác. Đặc biệt gây cản trở thoát nước mưa, không những gây những biến đổi thuỷ lực của nước mặt mà còn làm thay đổi sự thẩm thấu nước trong đất và ảnh hưởng đến trạng thái nước ngầm do:

+ Chất thải lỏng của các phương tiện, dầu mỡ thải,…Khi thay dầu sửa chữa máy.

+ Cây cối bị chặt phá làm thay đổi quá trình giữ nước và thẩm thấu nước vào đất giảm gây hiện tượng ngập úng cục bộ. Nước mưa chảy tràn trên bề mặt dẫn đến sự bạc màu của đất.

+ Hoạt động san ủi, phá dỡ các công trình trong khu vực làm lún nền đất ảnh hưởng tới trạng thái nước ngầm khu vực.

– Xói lở đất và bồi lắng

Do quá trình đào bới san lấp dẫn đến quá trình đất bị xói mòn. Việc đào đắp ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và cảnh quan. Sự xói mòn sẽ tạo ra bồi lắng sông ngòi, cống rãnh thoát gây úng ngập và ảnh hưởng tới chất lượng nước mặt làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước. Mưa to không những làm xói mòn mà còn gây nguy hiểm cho nền đường như sụt lở, lún, nứt; nhất là đối với tuyến đường đi qua khu vực có nền đất yếu như đất ruộng.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng còn có ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường do các hoạt động phá dỡ, san lấp.

1.2. Nguồn tác động có liên quan đến chất thải giai đoạn đưa công trình đi vào sử dụng.

1.2.1. Ô nhiễm môi trường không khí

Chất lượng môi trường không khí đô thị phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, địa hình, các giải pháp quy hoạch đô thị và đặc biệt phụ thuộc vào nguồn thải ô nhiễm. Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí khi khu dân cư đi vào hoạt động là:

– Bụi và khí thải từ đun nấu bằng nhiên liệu hoá thạch.

Theo số liệu điều tra (Báo cáo tổng quan hiện trạng môi trường tháng 5/2005)tại thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công cho thấy môi ngày mỗi hộ dùng khoảng 2 viên than tổ ong (bình quân mỗi hộ 5 người), lượng than cám trong mỗi viên khoảng 750g thì lượng than nguyên chất là 300g người/ngày, còn các nhà hàng ăn uống, khách sạn và quầy ăn sáng sử dụng từ 10kg – 30kg/ngày tức là bình quân mỗi nhà hàng khách sạn, quầy ăn uống sử dụng 20kg/ngày. Với số dân dự án đang tiến hành quy hoạch hiện nay sẽ có khoảng 1500 người thì lượng than sử dụng hàng ngày trong khu dân cư sẽ là 1500 x 0.3kg = 450kg/ngày và tải lượng khí thải độc hại được tính toán dựa vào sản phẩm cháy của nhiên liệu. (Theo tài liệu của GS TS Trần Ngọc Trấn) bụi và khí thải độc hại do đốt cháy 1 tấn nhiên liệu từ các nguồn khác nhau theo số liệu của W.Strauss thì:

Bảng 6: Lượng phát thải độc hại do đốt nhiên liệu (kg/tấn nhiên liệu)

TT Chất ô nhiễm Nguồn đốt là than đá từ sinh hoạt Tải lượng thải kg/ngày
1 CO 25 11,25
2 NOx 4 1,8
3 SO2 19 8,55
4 HC 5 2,25
5 An đê hyt và hợp chất hữu cơ 0,0025 0,0011
6 Bụi khói 2,8 1,26

Dựa vào tải lượng trên có thể tính toán tải lượng khí thải phát thải ô nhiễm cho khu dân cư tuy nhiên do lượng than hàng ngày không lơn hơn nữa không phải 100% số hộ trên đều dùng than do vậy bỏ qua tính toán trên.

– Bụi và khí thải từ giao thông vận tải.

          Với khu dân cư này thì tải lượng khí và bụi thải từ giao thông là không lớn, mức độ ảnh hưởng không đáng kể hơn nữa hoạt động giao thông đô thị đã được thiết kế với quy mô đường bê tông nhựa do vậy lượng bụi phát sinh không đáng kể chủ yếu là gây ra tiếng ồn. Tiếng ồn giao thông đô thị phụ thuộc vào loại xe, lưu lượng xe, chất lượng đường, độ thông thoáng của đường phố,…

1.2.2. Chất thải rắn

Ngoài việc gia tăng lượng nước thải sinh hoạt, thì khi đi vào hoạt động khu dân cư gia tăng các chất thải sinh hoạt do tăng mật độ dân cư trong khu quy hoạch. Theo tính toán thì khu dân cư số 2 hiện có 75 hộ sau khi quy hoạch xong sẽ có thêm 225 ước tính mỗi hộ có 05 người thì sẽ có 1500 người sinh sống trong khu dân cư số 02 lượng rác thải sinh hoạt ước tính khoảng 0,5kg/người thì tổng lượng rác là 750 kg/ngày. Rác thải đô thị có thành phần chủ yếu là chất thải thừa do đốt nhiên liệu hoá thạch, các phế thải nhà bếp, các phế thải khác từ thức ăn thực phẩm.

1.2.3. Tác động đến môi trường nước

a/ Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước

– Nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong khu dân cư.

– Nước mưa chảy tràn trong khu vực dân cư.

b/ Thành phần, nồng độ và tải lượng chất ô nhiễm trong nước

– Nước thải sinh hoạt: Các tác nhân gây ô nhiễm có trong loại nước này bao gồm BOD, COD, SS, N, P, và VSV. Theo tính toán lượng các chất huyền phù (MES) trong nước thải cho một người, một ngày khoảng 60-80g trong đó khoảng 70% là các chất bay hơi. BOD trong nước thải khoảng 45-54 g/người/ngày, lượng này có một phần lớn có thể lắng được. Hàm lượng COD trong nước thải sinh hoạt thường gấp từ 2-2,5 lần lượng BOD. Tổng Nitơ trong nước thải dạng này chiếm 15-20% BOD (6-12g/người) hàm lượng phốt pho khoảng 0,8- 4g/người. Nước thải sinh hoạt nói chung thường có chỉ tiêu về vi sinh rất cao coliform thường đạt từ 106-109 MPN và đặc biệt Fecal Coli từ 105-106 MPN. Trứng giun sán khoảng 103.

Như vậy, với quy mô của khu dân cư cư khoảng 300 hộ, tương đương với 1500 người, với nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt mỗi người là 150l/ngày thì tổng lượng nước thải sinh hoạt ước tính là 225m3/ngày đêm. Nồng độ và tải lượng ô nhiễm thể hiện tại bảng 7. Lượng nước này nếu không được xử lý thì sẽ gây ô nhiễm đối với nguồn nước.

– Nước mưa chảy tràn: Thành phần chất ô nhiễm trong nước mưa chảy tràn bao gồm: BOD, COD, SS, N, P, VSV, xăng dầu… rơi vãi và tồn tại trên mặt đất. Về

quy ước thì nước mưa là loại nước thải có tính chất ô nhiễm nhẹ (quy ước sạch) có thể thoát trực tiếp vào tuyến mương bê tông cốt thép thải vào hệ thống thoát nước chung. Theo thiết kế độ dốc hè đường, vào độ dốc các tuyến cống đảm bảo thoát nước tập trung và nhanh cho toàn khu vực dân cư. Lượng nước mưa chảy tràn được coi là không ô nhiễm và không phải xử lý.

 Bảng 7.  Tải lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt tính theo đầu người. (Theo tài liệu của PGS.TS. Hoàng Văn Huệ-Công nghệ môi trường, tập I- Xử lý nước.)

Chất ô nhiễm Tải  lượng (g/người/ngày) Nồng độ mg/l TCVN (mức III) 6772:2000 (mg/l)
BOD5 35 233 40
COD 115 766 100
SS 65 433 60
åN của Amôni 8 53 60
åP (P2O5) 1,7 11 6

1.3. Nguồn tác động không liên quan đến chất thải .

1.3.1. Tiếng ồn do các phương tiện thi công: Tiếng ồn từ sự va chạm của các vật tư thiết bị hoạt động, ống xả khói, ồn từ phương tiện chuyên chở. Mức áp âm sinh ra từ một số phương tiện giao thông và thiết bị phục vụ xây dựng theo thống kê chung theo bảng sau:

Bảng 8 Mức áp âm của một số phương tiện thi công

Phương tiện Mức ồn phổ biến (dBA) Mức ồn lớn nhất (dBA)
Xe ô tô trọng tải <3,5 tấn 85 103
Xe ô tô trọng tải >3,5 tấn 90 105
Ô tô cần cẩu 90 110
Máy ủi 93 115
Máy trộn bê tông động cơ diezen 70-75 85

Theo tiêu chuẩn Việt Nam 3985-1999 tiếng ồn chung cho phép không được vượt quá 85dBA, mức cực đại không vượt quá 115dBA. Như vậy mức áp âm tại khu vực dự án trong suốt quá trình thi công, xây dựng sẽ có khả năng lớn hơn các giới hạn cho phép đặc biệt là khu vực dự án lại có các công trình khác nên mức độ cộng hưởng sẽ lớn hơn. Mức áp âm cực đại có thể vượt quá 115dBA nếu các phương tiện và thiết bị làm việc không đảm bảo các thông số kỹ thuật giảm tiếng ồn.

Giai đoạn này được tiến hành trong khoảng thời gian 12 tháng, trong thời gian tiến hành sẽ gây ra những tác động tới môi trường. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành giai đoạn này không dài và được chia thành hai giai đoạn khi tiến hành xây dựng do vậy phần nào các tác động này không ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh.

1.3.2. Tiếng ồn và độ rung từ phương tiện giao thông khi công trình đi vào sử dụng: Tăng mật độ dân cư dẫn đến tăng lưu lượng giao thông gây bụi, tiếng ồn, khí độc hại,… Bao gồm các phương tiện xe ô tô các loại, xe máy xe công nông.

– Các nguồn ô nhiễm trong hoạt động có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ của con người như tiếng ồn, an ninh trật tự trong khu vực chịu ảnh hưởng là có thể và phải được khống chế bởi các biện pháp quy hoạch hợp lý.

1.3.3. Các sự cố do rủi ro

Trong giai đoạn thi công san lấp – xây dựng các hạng mục công trình các tai nạn, rủi ro, sự cố có thể xẩy ra:

– Tai nạn lao động: trong quá trình thi công, các yếu tố môi trường, cường độ lao động, mức độ ô nhiễm môi trường có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người công nhân như gây mệt mỏi, choáng váng và ngất từ đó dễ dẫn đến những tai nạn lao động trong quá trình làm việc.

– Công việc lắp ráp, thi công và quá trình vận chuyển nguyên vật liệu với mật độ xe cao có thể gây ra các tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

– Ngoài ra, trong quá trình thi công san lấp – xây dựng các hạng mục công trình, mật độ giao thông trong tuyến đường sẽ gia tăng dẫn đến cản trở nhu cầu đi lại của dân cư trong khu vực, gia tăng áp lực lên kết cấu đường, trong thời gian dài gây nên các biến dạng về kết cấu làm yếu nền đường, sụt lún nứt vỡ… làm giảm tốc độ lưu thông trên đường, gây bụi làm giảm khả năng quan sát đường của các lái xe khi tham gia giao thông.

– Các kho chứa nguyên vật liệu, nhiên liệu (sơn, xăng dầu,…) là các nguồn có khả năng gây cháy nổ. Khi sự cố xảy ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

– Quá trình thi công xây dựng còn gây ra các vấn đề an ninh, trật tự xã hội và sức khoẻ cộng đồng:

+ Do là nơi tập trung nhiều lao động từ các vùng miền khác nhau, phong tục tập quán khác nhau dễ phát sinh mâu thuẫn giữa công nhân xây dựng và nhân dân trong vùng.

+ Là nơi tập trung những thanh niên xa gia đình, thiếu sự giám sát dễ mắc các tệ nạn xã hội…

ĐỐI TƯỢNG, QUY MÔ BỊ TÁC ĐỘNG VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG

2.1. Môi trường không khí

Trong giai đoạn thi công việc ảnh hưởng khi thải tới khu vực xung quanh là có thể theo tính toán trên thì tại khoảng cách 5m khí thải SO2 vượt tiêu chuẩn cho phép như vậy khi thi công sẽ ảnh hưởng đến một số vị trí tiếp giáp với khu dân cư  dọc hai bên đường và Nhân dân qua lại khu vực dự án, tuy nhiên khí thải này không liên tục chỉ diễn ra khi dùng phương tiện đào móng và chở nguyên liệu.

Trong giai đoạn đi vào sử dụng thì ảnh hưởng của khí thải và tiếng ồn vẫn là nguyên nhân chính . So sánh với giai đoạn thi công thì khi thi công diễn ra liên tục trong một thời gian nhất định, còn khi đi vào sử dụng các hoạt động giao thông cũng ảnh hưởng đến dân cư dọc hai bên tuyến đường nhưng nó không diễn ra liên tục nên các ảnh hưởng trên chỉ không gây đáng kể đến sinh hoạt khu dân cư.

2.2. Môi trường chất thải rắn

– Các chất thải từ nguyên liệu vương vãi nếu không được thu gom kịp thời sẽ bị nước mưa rửa trôi đem theo một số thành phần gây ô nhiễm nguồn nước. Việc ảnh hưởng các chất thải từ nguyên liệu rơi vãi trong quá trình bốc xếp dỡ chỉ trong phạm vi khu vực dự án nên không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

– Các chất thải dầu mỡ, túi ni lon, vỏ bao, gạch ngói, cát sỏi vương vãi ảnh hưởng tới môi trường đất khu vực dự án. Tuy nhiên nguồn thải này chỉ thải khi giai đoạn đang thi công xây dựng không kéo dài do vậy ảnh hưởng chỉ cục bộ không đáng kể có thể khắc phục bằng cách đưa ra quy định thu gom và vệ sinh tạm thời trong giai đoạn thi công.

– Dự báo trong tương lai sẽ có thêm 225 hộ gia đình đến sinh sống tại khu dân cư mới như vậy lượng rác thải sinh hoạt sẽ tăng lên nếu không duy trì được các biện pháp thu gom triệt để sẽ gây ô nhiễm môi trường khu vực và vùng lân cận.

2.3. Môi trường nước

2.3.1. Nước thải sinh hoạt

Nước thải này nếu không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và đặc biệt là nước. Các chất hữu cơ và dinh dưỡng gây nên phú dưỡng, thay đổi tính chất hoá lý, độ trong, màu, mùi, làm giảm ôxi hoà tan trong nguồn nước tiếp nhận, Các vi sinh vật có trong nước thải sinh họat chính là nguồn trực tiếp gây bệnh đường ruột, hô hấp nguy hiểm đối với con người. Bên cạnh đó nước thải ô nhiễm còn là nguồn gây suy thái các hệ sinh thái trong thuỷ vực tiếp nhận (như đã nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi thì thuỷ vực tiếp nhận ở đây là suối Mỏ Bạch nguy cơ lan chuyền đến Sông Cầu).

2.3.2. Nước mưa chảy tràn

– Nước mưa chảy tràn: Thành phần chất ô nhiễm như đã nêu trên lượng nước này sẽ ảnh hưởng đến nước mặt trong khu vực và nguy cơ xâm nhập nước ngầm trong giai đoạn thi công và cả khi đi vào sử dụng nếu không duy trì được hệ thống thoát nước lưu thông tốt. Phạm vi ảnh hưởng của o nhiễm này là trong khu vực dự án và vùng lân cận.

2.4. Môi trường sinh thái

Việc gây ra những tác động đến môi trường đất, nước, không khí trong qúa trình thi công san lấp mặt bằng cũng như khu dân cư khi đi vào hoạt động gây nên những biến đổi cơ bản về hệ sinh thái.

– Hệ sinh thái dưới nước: Các tác động đối với hệ sinh thái dưới nước bắt nguồn từ ô nhiễm nguồn nước do các loại nước thải sinh hoạt, nước mưa chảy tràn kéo theo các chất gây ô nhiễm làm cho thuỷ vực tiếp nhận có hàm lượng chất lơ lửng cao ngăn cản độ xuyên thấu ánh sáng, hàm lượng chất hữu cơ cao làm giảm độ hoà tan oxi trong nước, có chứa nhiều tác nhân độc hại,…Tính chất ô nhiễm của nước thải làm cho môi trường nước bị biến đổi bất lợi cho sự sinh tồn của hầu hết các loại thuỷ sinh và thậm chí làm mất khả năng tự làm sạch của nước. Phần đa các hệ sinh thái rất nhạy cảm đối với môi trường, sự ô nhiễm môi trường nước có thể dẫn đến sự thay đổi hệ sinh thái thuỷ vực trong khu vực dự án.

– Hệ sinh thái trên cạn: Ô nhiễm môi trường không khí, môi trường đất, môi trường nước có những ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh thái trên cạn. Hầu hết sự ô nhiễm này đều có tác động xấu đến thực vật và động vật, gây ảnh hưởng có hại đối với nghề nông và nghề trồng vườn, làm giảm sự đa dạng sinh học trong khu vực.

Việc khắc phục những tác động đối với môi trường đất, nước, không khí là đã khắc phục giảm thiểu tới môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, tại khu vực xây dựng dự án, với đặc trưng hệ sinh thái cạn cũng như hệ sinh thái nước tương đối nghèo nàn, không có loài động vật hoang dã đặc hữu, thảm thực vật chủ yếu là cây nông nghiệp, cỏ dại nên các tác động tiêu cực của quá trình triển khai thực hiện dự án tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể.

2.5. Kinh tế – xã hội

– Giải phóng mặt bằng: 

Giải phóng mặt bằng trong quá trình xây dựng và phát triển khu đô thị, khu dân cư là công việc rất phức tạp và tác động đến môi trường kinh tế xã hội. Giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng khu dân cư số 02 phường Quang Trung bao gồm các công việc chính sau: thay đổi mục đích sử dụng đất nhằm chuyển đổi đất nông nghiệp, đất cho mục đích khác thành đất đô thị, phá bỏ các công trình xây dựng hiện có trong phạm vi xây dựng khu dân cư. Công việc này gây thiệt hại đối với những hộ dân bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với những hộ thuần tuý làm nông nghiệp.

Ngoài ra, trong giai đoạn giải phóng mặt bằng còn gây tác động đến sức khoẻ cộng đồng chủ yếu là dân cư quanh công trường và dân cư ở sát hai bên đường do tiếng ồn, chấn động và chất ô nhiễm. Trong giai đoạn này các hoạt động của dự án làm cản trở sự đi lại sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

– Đối với sức khoẻ cộng đồng: các nguồn ô nhiễm trong quá trình thi công san lấp mặt bằng cũng như khi công trình được đưa vào sử dụng như tác động của tiếng ồn, chấn động, ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường không khí đều có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ của con người trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án.

– Kinh tế xã hội: Dự án đầu tư xây dựng khu dân cư số 02 Phường Quang Trung mang lại các lợi ích lớn như góp phần tạo ra một khu đô thị mới có cuộc sống chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhiều đối tượng, cho nhiều tầng lớp nhân dân, làm tăng giá trị sử dụng đất, đẩy mạnh quá trình đô thị hoá,… Tuy nhiên, đô thị hoá phát triển cũng không tránh khỏi sự phát sinh tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút… Người dân khu vực dự án hoặc cạnh dự án do bán đất hoặc được đền bù có tiền dễ sa vào các tệ nạn xã hội nhất là các tầng lớp thanh thiếu niên.

– Ảnh hưởng đến công trình hạ tầng và công trình văn hoá khác: Các ảnh hưởng đến công trình hạ tầng và công trình văn hoá do hoạt động giải phóng mặt bằng của dự án này không đáng kể do trong phạm vi xây dựng dự án không có công trình văn hoá lịch sử nào phải di dời hay bị xâm phạm; các công trình hạ tầng cũng không có nhiều chủ yếu là đường giao thông thì sẽ được cải tạo, mở rộng và xây dựng mới với chiều dài không lớn.

 – Ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng của toàn thành phố: khi dự án đi vào hoạt động còn gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng của toàn thành phố Thái Nguyên, tuy mức độ không lớn nhưng có thể liệt kê một số tác động như ảnh hưởng đến hệ thống cấp điện thành phố; thay đổi  hệ thống giao thông; ảnh hưởng việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước cũng như hệ thống cấp nước thành phố; ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước đô thị…

ĐÁNH GIÁ VỀ PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG

– Trong giai đoạn thi công: Tính lượng khí thải do các phương tiện thi công gây ra chúng tôi áp dụng tính nhanh theo phương pháp của tổ chức y tế Thế giới phương này cho kết quả nhanh độ chính xác tương đối do không có tính năng, thành phần mỗi loại xe nên chỉ dùng trị số trung bình của hệ số ô nhiễm mỗi loại xe để tính hơn nữa việc tính toán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tốc độ gió, khoảng cách,…Số liệu tính tính toán cũng còn phụ thuộc vào lưu lượng xe ở thời điểm thống kê các loại xe đi qua trong thời điểm đó. Do vậy không tránh khỏi sai số trong tính toán.

– Phần khí thải từ đốt nhiên liệu hoá thạch căn cứ vào số liệu khảo sát thực tế của Trung tâm Quan trắc & Bảo vệ Môi trường để dựa vào đó tính toán số lượng cũng như tải lượng theo lập trình do vậy sai số xảy ra do:

+ Sự pha trộn than với đất

+ Thành phần than

+ Việc nhân hệ số

– Trong giai đoạn thi công và giai đoạn đi vào hoạt động chúng tôi dùng phương pháp định tính dự đoán khả năng phát triển của ô nhiễm bụi do vậy khả năng xác định chính xác hiện tại là chưa chắc chắn.

– Phần rác thải và nước thải căn cứ vào nhu cầu sử dụng của cá nhân ước tính lượng thải do vậy phần nào sẽ có sai số xảy ra do nhu cầu của từng hộ, cá nhân trong sinh hoạt.

[Nguồn: Báo cáo đánh giá tác động môi trường  dự án Xây dựng hạ tầng khu tái định cư La Đình, xã Tân Quang, thị xã Sông Công”, Đơn vị tư vấn: Trung tâm  Quan trắc và Bảo vệ Môi trường Thái Nguyên, 2005]

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *