Giáo dục môi trường thông qua truyền thông cộng đồng nhìn từ khoa học giao tiếp

5/5 – (1 vote)

ThS. Nguyễn Thị Diễm

Giảng viên Tâm lý – giáo dục, Trường Cao Đẳng Sư Phạm Quảng Trị

I. MỤC TIÊU CỦA TRUYỀN THÔNG MÔI TRƯỜNG TRONG CỘNG ĐỒNG

Một chương trình truyền thông cộng đồng nói chung và truyền thông môi trường nói riêng có thể có những mục tiêu khác nhau. Bao gồm

– Tăng cường kiến thức và nhận thức của cộng đồng;

– Thay đổi thái độ và hành vi từ chỗ bất lợi đến chỗ có lợi cho cộng đồng;

– Thúc đẩy động cơ cho đối tượng có hành động bảo vệ cộng đồng.

Để tăng cường nhận thức của đối tượng là điều tương đối dễ làm. Nhưng làm đối tượng thay đổi thái độ và hành vi của họ chưa kể đến việc họ có hành động bảo vệ môi trường hay không là điều vô cùng khó khăn.

II. CÁC YẾU TỐ GÂY TRỞ NGẠI ĐẾN QUÁ TRÌNH TRUYỀN THÔNG TRONG GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG

2.1. Nguyên nhân dẫn đến truyền thông trong giáo dục môi trường bị sai lệch, kém hiệu quả

Có năm nguyên nhân dẫn đến truyền thông trong giáo dục môi trường bị sai lệch, kém hiệu quả. Đó là: a) Điều đã nói chưa phải là đã nghe; b) Điều đã nghe chưa phải là đã hiểu; c) Điều đã hiểu chưa phải là đã đồng ý; d) Điều đã đồng ý chưa phải là đã làm; e) Điều đã làm chưa phải là đã duy trì

Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Những trở ngại trong việc nói và nghe thông thường bắt nguồn từ các vấn đề cần truyền tải. Nội dung của các vấn đề cần truyền tải có tính phức tạp trong kỹ năng, phương pháp hay kỹ thuật sử dụng để truyền tải lại không phù hợp nên ngăn cản quá trình nói và nghe. Ngôn ngữ và tư duy giữa người phát và người nhận không đồng nhất sẽ gây trở ngại cho việc nghe và hiểu. Việc thiếu tin tưởng và khoảng cách về xã hội – văn hoá giữa người nghe và người truyền đạt có thể làm cho cái hiểu không thể biến thành cái được chấp nhận. Từ chỗ chấp nhận đến chỗ làm thực sự bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn về cơ chế, tài chính, kỹ thuật, nguồn lực và thói quen khác nhau khiến cho người đã thay đổi nhận thức và có ý định thay đổi hành vi không có điều kiện để thay đổi. Từ chỗ hành động đi đến duy trì hành động đó lại càng khó hơn nữa do nhiều vấn đề như biến động thể chế, kinh tế và xã hội.

Ví dụ các chiến dịch “Vớt rác trên sông”, “Xoá bỏ bãi rác lưu cữu”, “Bỏ thuốc lá”  v.v…. có thể là những minh hoạ cụ thể. Nhiều người đã được nghe, hiểu thậm chí chấp nhận những thông điệp ấy nhưng trên thực tế, họ vẫn tiếp tục bỏ rác xuống sông, nơi công cộng và hút thuốc lá. Sự thiếu hụt các dịch vụ cần thiết đã phần nào hạn chế sự thay đổi hành vi của người dân nhất là trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Kết luận cuối cùng là mặc dù việc thực sự thay đổi hành vi của một cá nhân hay tập thể là tối cần thiết đối với mọi quá trình phát triển nhưng rất khó đạt được. Những trở ngại cần vượt qua này phải là một mối quan tâm thường xuyên của các nhà giáo dục, tư vấn, truyền thông và quản lý chính sách môi trường.

2.2. Thông tin một chiều

Như đã trình bày, hình thức thông tin đại chúng ngay cả các hệ thống theo chiều ngang nếu không có cơ chế tạo điều kiện cho người nhận phản hồi, cùng tham gia thì hiệu quả của việc truyền thông cũng bị hạn chế. Hầu hết các thông điệp môi trường dù được thực hiện dưới bất kỳ công cụ hay loại hình nào để được người nhận nghe, nhìn và hiểu khác nhau. Sự nhận thức, các thuật ngữ, hình ảnh và cách diễn đạt được dùng khi truyền thông sẽ gặp phải những trở ngại giữa người truyền đạt và người tiếp nhận nếu không có cơ chế phản hồi thúc đẩy một sự tham gia tích cực của người nhận. Vì vậy, thông tin được trao đổi hai chiều hay nhiều chiều sẽ dẫn đến một cách hiểu thống nhất- đó là cốt lõi trong công tác truyền thông.

2.3. Sự nhiễu loạn thông tin

Truyền thông nói chung và truyền thông môi trường nói riêng là một tiến trình, nó không chỉ dừng lại ở từng chiến dịch truyền thông hay một cuộc vận động. Các thông tin truyền đạt được vẫn tiếp tục được truyền đi trong cộng đồng, từ người này qua người khác với nhiều cách hiểu, diễn giải, tóm lược khác nhau. Trong quá trình lan truyền như vậy, thông tin sẽ bị sai lệnh nhiều thậm chí nhiều khi khác hẳn với thông tin ban đầu. Điều này làm hiệu quả của việc truyền thông trở nên hạn chế. Do vậy, cần có một sự theo dõi, đánh giá liên tục sau các chiến dịch truyền thông môi trường để có thể kịp thời chấn chỉnh những sự sai lệch, nhiễu thông tin đáng tiếc có thể xảy ra. Tốt nhất là các hoạt động cải thiện môi trường cụ thể cần phải đi kèm với các chiến dịch này nhằm cũng cố và tăng cường nhận thức và hành vi đối tượng một cách cụ thể. Học cần phải đi đôi với hành, đó là phương thức truyền thông và giáo dục hữu hiệu nhất.

Mặt khác, khi sử dụng phối hợp nhiều kênh truyền thông khác nhau để chuyển tải một thông điệp về một chủ đề môi trường, cần đảm bảo các thông tin truyền đạt từ các kênh này phải nhất quán, tránh tối đa những sự diễn giải, hiểu lầm không cần thiết. Kênh thông tin cho đối tượng cộng đồng nói chung, dù ở bất kỳ loại hình nào phải đơn giản, dễ hiểu, tránh sử dụng những thuật ngữ và khái niệm khó hiểu và nên được minh hoạ bằng nhiều hình ảnh dưới các thể loại khác nhau. Sự sai biệt khi truyền một thông điệp môi trường từ các kênh thông tin khác nhau sẽ dẫn đến nhiễu loạn thông tin có thể làm đối tượng tiếp nhận lúng túng và không chấp nhận các thông tin đó.

III. NGUYÊN TẮC TRONG TRUYỀN THÔNG MÔI TRƯỜNG

3.1. Nguyên tắc tiếp cận

Cho đến nay, chưa có một nguyên tắc thống nhất nào trong công tác truyền thông môi trường. Điều đó là do tính hiệu quả của việc truyền thông môi trường tuỳ thuộc rất nhiều điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của từng quốc gia và hơn nữa là của từng địa phương. Qua đúc kết một số kinh nghiệm trong việc truyền thông môi trường, trong bối cảnh Việt Nam, một số nguyên tắc có thể xem là hợp lý và có hiệu quả trong việc nâng cao ý thức môi trường của người dân trong cộng đồng có thể tóm tắt qua sơ đồ sau:

2015-11-10_224742

Sơ đồ 1. Sơ đồ nguyên tắc nâng cao nhận thức môi trường

  • Nhận diện các vấn đề môi trường: Qua làm việc với chính quyền địa phương và cư dân trong cộng đồng, các vấn đề nóng về môi trường được nhiều người quan tâm sẽ được nhận diện. Để làm được chuyện này, người truyền thông cần phải được trang bị một số kỹ năng cần thiết.
  • Gây ý thức: Nguyên nhân và hậu quả của các vấn đề sẽ được trao đổi, bàn bạc với người dân trong cộng đồng nhằm giúp cho người dân nhận thức được nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ của họ nếu như họ không thay đổi hành vi. Trong bước này, nhiều hình thức và công cụ có hiệu quả phù hợp với sở thích, trình độ nhận thức của các nhóm đối tượng khác nhau trong cộng đồng có thề được linh hoạt áp dụng.
  • Củng cố nhận thức: học qua hành, đó là phương châm giúp người dân thông qua hoạt động cụ thể (như sửa và nâng cấp đường xá, hệ thống cống, xây nhà vệ sinh, tổ chức thu gom rác) thấy rõ được khả năng của họ trong việc cải thiện môi trường sống của chính mình. Từ đó, người dân củng cố nhận thức của mình về lĩnh vực vệ sinh môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
  • Phát triển nhận thức: Các hoạt động nâng cao nhận thức được tiếp tục duy trì nâng cao qua hoạt động thường xuyên của các nhóm nòng cốt địa phương đã được huấn luyện và xây dựng bởi cán bộ môi trường và truyền thông môi trường cấp cao hơn (Thành Đoàn, Huyện Đoàn, Phòng Môi trường thành phố, huyện).
  • Duy trì nhận thức: Đây là một mục tiêu rất khó nhưng cần phải hướng tới nhằm duy trì các thành quả đạt được trong quá trình xây dựng và nâng cao nhận thức và môi trường của người dân. Các nhóm nòng cốt sẽ là lực lượng chính thay thế truyền thông viên để phối hợp với chính quyền và bàn bạc với cộng đồng để mở rộng các hoạt động nâng cao nhận thức cũng như tiếp tục cải thiện môi trường cộng đồng.

3.2. Nguyên tắc chung về nhân sự

Kinh nghiệm đã qua cho thấy ngoài vai trò của cộng tác viên xã hội và chuyên viên môi trường, lực lượng tuyên truyền viên môi trường đặt nền tảng trên các nhóm tình nguyện trẻ có sẵn hay lực lượng Đoàn phường và Chi đoàn khu phố; và các nhóm truyền thông trong cộng đồng (nhóm thiếu nhi, học sinh, phụ nữ và phụ lão) là lực lượng chủ đạo cho hoạt động gây và nâng cao ý thức vệ sinh môi trường trong cộng đồng. Lực lượng này cần được huấn luyện thường xuyên và phối hợp hành động chặt chẽ với nhau và với chính quyền sở tại. Mối quan hệ làm việc giữa các thành phần nhân sự khác nhau có thể trình bày qua sơ đồ sau:

2015-11-10_224844

Sơ đồ 2. Nguồn nhân lực nòng cốt cho giáo dục môi trường tại cộng đồng

IV. CÁC YẾU TỐ THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH TRUYỀN THÔNG VỀ MÔI TRƯỜNG

Trước khi tổ chức một hoạt động truyền thông về môi trường, cần phải nghiên cứu các vấn đề sau: Ai nói? Nói cái gì? Nói với ai? Bằng cách nào? Hiệu quả ra sao?

4.1. Ai nói?

Truyền thông có hiệu quả không chỉ tuỳ thuộc vào tôi biết gì mà còn ở chỗ tôi là người như thế nào. Ai cũng muốn giữa mình và người khác có một sự cảm thông, hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy thường thì ta bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bối cảnh bên ngoài và những yếu tố chủ quan như trình độ, giá trị, thái độ, quan trọng hơn hết là khái niệm về bản thân. Nếu chúng ta có một hình ảnh không tốt về chính mình, chúng ta sẽ mặc cảm, sẽ che giấu ý nghĩ của mình và sẽ có thái độ tránh né, phản ứng tự vệ.

Do vậy, để truyền thông tốt và cởi mở, chúng ta phải biết mình, chấp nhận chính mình với những ưu và nhược, ý thức về những phản ứng của chính mình để có thể tự chủ cảm xúc của mình hơn. Nói về một đề tài nào đó ta nên tự mình biết có nắm vững nội dung không, tránh nói loanh quanh, dài dòng. Hiểu rõ con người, tính chất và thành phần xã hội của mình có dễ được người nghe chấp nhận hay không. Nếu ta có trách nhiệm tổ chức một cuộc thảo luận hay báo cáo thì việc lựa chọn báo cáo viên phù hợp là vấn đề quan trọng hàng đầu.

4.2. Nói cái gì?

Tình trạng phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương là các bài phát biểu của các báo cáo viên thường dài và không có nhiều thì giờ dành cho thảo luận. Nếu cần phải nói, chúng ta nên chuẩn bị trước mục tiêu tổng quát của cuộc nói chuyện (thông tin, thuyết phục, giúp vui). Có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng được những mục tiêu cụ thể có thể kiểm tra được sau cuộc truyền thông, chuẩn bị tốt nội dung và hình thức phù hợp.

Mục tiêu cuối cùng của truyền thông là tạo sự thay đổi, do vậy thông tin cần truyền đạt phải giúp cho người nhận thấy được lợi ích của các điều được nghe cho công việc và đời sống của chính họ, thuyết phục được họ có những hành vi mới.

4.3. Nói với ai?

Các bài học cho ta thấy người nhận thông điệp tiếp nhận thông tin thông qua lăng kính sàng lọc riêng của họ. Họ cũng bị tác động bởi ngoại cảnh và hạn chế bởi trình độ, cảm xúc chủ quan và các điều kiện nội tâm khác.

Nói một đằng làm một nẻo là chuyện rất bình thường nên trong truyền thông nhất là truyền thông môi trường việc nghiên cứu đối tượng để điều chỉnh thông điệp và cách phát ra thông điệp hết sức quan trọng.

Một bài giảng về môi trường không thể được trình bày giống nhau cho các đối tượng là đoàn viên chi đoàn các cấp với người dân trong cộng đồng hay với các sinh viên đại học chuyên ngành. Không thể bắt các thanh niên nam phụ lão ấu trong cộng đồng ngồi nghe các buổi báo cáo chuyên đề rồi hy vọng môi trường ở cộng đồng sẽ sạch lên.

Tóm lại việc nghiên cứu phân tích đối tượng có một vai trò cực kỳ quan trọng trong truyền thông môi trường. Các nguyên tắc cần nhớ là đúng người (cả người nói lẫn người nghe), đúng việc (nội dung thiết thân với người nghe) đúng liều (không ôm đồm) đúng lúc và đúng chỗ.

4.4. Bằng cách nào?

Đó là ngôn ngữ và kênh truyền thông nào? Người dân khó có thể được thuyết phục bằng các hình ảnh chết mà họ chỉ ứng dụng mô hình mới khi họ được mắt thấy và chia sẻ kinh nghiệm với chính những người dân đang thực hiện các mô hình đó. Một chương trình giáo dục môi trường mà chỉ đặt nặng trên truyền thông đại chúng sẽ không tới các đối tượng người nghèo và thất học không có điều kiện thậm chí thời giờ xem các chương trình này trên ti vi và đọc báo. Do vậy, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận nhóm và các công cụ truyền thông khác mang tính tương tác ngay trong cộng đồng và giữa các cộng đồng sẽ mau chóng thuyết phục họ hơn, dẫn đến những thay đổi mong muốn. Một sự lựa chọn kênh truyền thông và công cụ truyền thông thích hợp là điều rất quan trọng.

4.5. Hiệu quả ra sao?

Trong xã hội hiện đại, phàm làm điều gì ta phải xem xét đến hiệu quả của nó. Truyền thông rất tốn kém về sức lực, thời gian, tiền của. Bỏ ra nhiều tiền của để mở lớp truyền thông môi trường mà người học không thay đổi là điều phí phạm. Đầu tư vào nhiều chương trình truyền hình mà người dân không xem thì vô ích. Vận động người dân không xả rác mà rác cứ tràn ngập đường phố thì phải xem xét lại cách làm.

Hơn nữa, một chiến dịch truyền thông khi được triển khai cần phải có những mục tiêu rõ ràng và những kết quả mong đợi cụ thể. Từ đó, một cơ chế theo dõi, đánh giá phù hợp cần phải được thiết kế để so sánh kết quả đạt được với những gì ta mong đợi. Việc phân tích nguyên nhân hạn chế giúp chúng ta rút được kinh nghiệm để lần sau thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn.

KẾT LUẬN

Truyền thông trong giáo dục là một quá trình tải thông điệp từ một nguồn đến người dân, thông qua một kênh truyền thông để đạt đến một kết quả mong muốn. Trong truyền thông môi trường, thông điệp được truyền tải có nội dung liên quan đến môi trường và hiệu quả mong muốn là người nhận sẽ nâng cao nhận thức của mình về các vấn đề môi trường và có những thay đổi hành vi thích hợp trong cuộc sống nhằm góp phần bảo vệ môi trường chung.

Truyền thông trong giáo dục môi trường phải được hiểu như một tiến trình. Điều đó có nghĩa là hoạt động này không phải là một hành động đơn giản, riêng lẻ, kẻ phán, người nghe rồi thôi, mà đây là một hoạt động phải được diễn ra liên tục, nhiều lần và đi kèm với những kế hoạch hành động cụ thể để sự tương tác này cuối cùng dẫn đến một kết quả mong đợi. Nghiên cứu các trở ngại, nguyên tắc và các yếu tố tham gia trong giáo dục môi trường thông qua truyền thông cộng đồng góp phần giúp cho hoạt động giáo dục môi trường trong xã hội đạt hiệu quả cao hơn hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[01]. Trần Tuấn Lộ, Tâm lý học giao tiếp, NXB Đại học mở bán công Tp. Hồ Chí Minh, 1996

[02]. Phạm Viết Vượng, Giáo dục học, NXB ĐHQG Hà Nội, 2004.

[03]. Lê Văn Lanh, Bùi Xuân Trường, Sầm Thị Thanh Phương, Giáo dục môi trường, Nhà xuất bản Giáo Dục, 2006.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *