Mục tiêu cơ bản của Quản lý môi trường

4/5 – (4 votes)

 Mục tiêu cơ bản của QLMT
Mục tiêu của quản lý môi trường là phát triển bền vững, nhằm đảm bảo giữ cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, phát triển kinh tế xã hội tạo ra các tiềm lực kinh tế để bảo vệ môi trường, còn bảo vệ môi trường tạo ra các tiềm năng tự nhiên và xã hội mới cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Tuỳ thuộc vào điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, hệ thống pháp lý, mục tiêu phát triển ưu tiên của từng địa phương mà mục tiêu quản lý môi trường thay đổi theo thời gian và có những ưu tiên riêng.
Mục tiêu cơ bản của bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay là: “Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường ở những nơi, những vùng đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.v.v. Theo chỉ thị 36 CT/ TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một số mục tiêu cụ thể của công tác quản lý môi trường Việt Nam hiện nay là:
(1) Khắc phục và phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường trong các hoạt động sống của con người. Trong giai đoạn hiện nay, các biện pháp khắc phục và phòng chống ô nhiễm chủ yếu là:
· Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Bảo vệ môi trường về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc xét duyệt cấp phép các quy hoạch, các dự án đầu tư. Nếu báo cáo đánh giá tác động môi trường không được chấp nhận thì không cho phép thực hiện các quy hoạch, không triển khai các dự án này.
· Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, căn cứ vào kết quả của đánh giá tác động môi trường để tổ chức phân loại các cơ sở gây ô nhiễm và có biện pháp xử lý thích hợp.
· Trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần ưu tiên áp dụng các công nghệ sạch, công nghệ ít phế thải, tiêu hao ít nguyên liệu bằng cách trang bị, đầu tư các thiết bị công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, cải tiến và sản xuất các thiết bị tiêu hao ít năng lượng và nguyên vật liệu hơn.
· Các khu đô thị, các khu công nghiệp cần phải sớm có và thực hiện tốt phương án xử lý chất thải, ưu tiên xử lý chất thải độc hại, chất thải bệnh viện.
· Thực hiện các kế hoạch quốc gia ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển, kế hoạch khắc phục hậu quả chất độc hoá học dùng trong chiến tranh, quản lý các chất thải nguy hại và hoá chất độc hại.
(2) Hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ môi trường, ban hành các chính sách về phát triển kinh tế xã hội phải gắn liền với bảo vệ môi trường, nghiêm chỉnh thi hành luật Bảo vệ môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này cần quan tâm thực hiện các biện pháp sau:
· Rà soát và ban hành các văn bản dưới luật, các quy định về luật pháp khác nhằm nâng cao hiệu lực của luật Bảo vệ môi trường.
· Ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm khuyến khích việc áp dụng công nghệ sạch.
· Thể chế hoá việc chi phí bảo vệ môi trường: thuế môi trường, thuế tài nguyên, quỹ môi trường.v.v.
· Thể chế hoá việc phối hợp giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường: trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phải có các chỉ tiêu bảo vệ môi trường. Tính toán hiệu quả kinh tế, so sánh các phương án phải tính toán cả chi phí bảo vệ môi trường.
· Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương, công tác nghiên cứu, đào tạo cán bộ về môi trường.
· Nâng cấp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đủ sức thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của đất nước.
· Xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, vùng lãnh thổ và gắn chúng với hệ thống quan trắc môi trường toàn cầu và khu vực. Hệ thống này có chức năng phản ánh trung thực chất lượng môi trường quốc gia và các vùng lãnh thổ.
· Xây dựng hệ thống thông tin tư liệu môi trường quốc gia, quy chế trao đổi và thu thập thông tin môi trường quốc gia và quốc tế.
· Hình thành hệ thống cơ sở nghiên cứu và đào tạo cán bộ chuyên gia về khoa học và công nghệ môi trường đồng bộ, đáp ứng công tác bảo vệ môi trường quốc gia và của mỗi ngành.
· Kế hoạch hoá công tác bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương, các cán bộ, các ngành.
(3) Phát triển đất nước theo các nguyên tắc phát triển bền vững được thông qua tại Hội nghị Môi trường do Liên Hợp Quốc tổ chức vào năm 1992 tại Rio – de Zaneiro (Brazin). Các nguyên tắc đó có thể được tóm lược như sau:
· Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng
· Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống con người
· Bảo vệ sự sống và tính đa dạng sinh học của Trái Đất
· Giữ vững trong khả năng chịu đựng của Trái Đất
· Thay đổi thái độ, hành vi và xây dựng đạo đức mới vì sự phát triển bền vững
· Tạo điều kiện cho các cộng đồng tự bảo vệ lấy môi trường địa phương của mình
· Tạo ra một cơ cấu quốc gia thống nhất thuận lợi cho việc phát triển bền vững
· Xây dựng một xã hội bền vững
· Xây dựng mối liên minh toàn thế giới về bảo vệ và phát triển
(4) Xây dựng các công cụ hữu hiệu về quản lý môi trường quốc gia, các vùng lãnh thổ riêng biệt như:
· Xây dựng các công cụ quản lý thích hợp cho từng ngành, từng địa phương tuỳ thuộc vào trình độ phát triển.
· Hình thành và thực hiện đồng bộ các công cụ quản lý môi trường (luật pháp, chính sách, kỹ thuật công nghệ, các chính sách xã hội.v.v.).

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *