Nghiên cứu, điều chế dung dịch diệt muỗi thân thiện môi trường từ tinh dầu sả thu bằng phương pháp vi sóng

5/5 – (2 votes)

Trương Ngọc Bảo Trân, Thái Văn Nam

Khoa Công nghệ sinh học – Thực phẩm – Môi trường,

 Đại học Công Nghệ Tp.HCM (HUTECH)

 

 TÓM TẮT                 

Các bình xịt muỗi hiện nay đều sử dụng các hóa chất nên ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người sử dụng. Tinh dầu sả có khả năng đuổi muỗi nhưng có giá thành cao do phương pháp ly trích có nhiều hạn chế. Nghiên cứu tập trung vào hai mục tiêu chủ yếu: xác định quy trình ly trích tối ưu tinh dầu sả bằng phương pháp vi sóng và đánh giá hiệu lực diệt muỗi của dung dịch chứa tinh dầu sả thu được. Bằng phương pháp vi sóng với bước sóng tối ưu 230W có thể ly trích lượng tinh dầu tổng số tối đa 1,5g sau 20 phút so với 60 phút của phương pháp lôi cuốn hơi nước. Thử nghiệm tinh dầu sả dạng dung dịch cho thấy hiệu lực diệt muỗi cho kết quả tốt và đánh giá được mức độ nhạy/kháng chất diệt muỗi ở tỉ lệ tinh dầu sả:cồn 800 là 1:100, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm diệt muỗi trên thị trường. Kết quả cho thấy tiềm năng sử dụng tinh dầu sả làm dung dịch diệt muỗi an toàn cho sức khỏe người sử dụng và thân thiện với môi trường.

Từ khóa: Cồn, dung dịch, muỗi, vi sóng, tinh dầu sả.

ABSTRACT

Dengue fever is still threatening people, especially children in the Mekong Delta region. This study focused on two main objectives: determine the optimum extraction process citronella oil by microwave method and evaluate the effectiveness of mosquito repellent citronella essential oil obtained by the microwave method. Through experiments, we identified some physical and chemical properties of citronella oil, i.e., form (transparent colored oil, pale yellow,…), 1,5 g of oil,… and determine the optimal wavelength for lemongrass essential oil obtained by the microwave method is 230W. Testing lemongrass oil liquid form showed effective mosquito repellent for better results and assess the level of sensitivity/ resistance to insecticide mosquito citronella oil rate: 800 alcohol is 1:100, and diversification of mosquito repellent products on the market. The results show the potential use citronella oil as mosquito repellent liquid instead of chemical products on the market, creating green products, health safety for the user and environment friendly.

Keywords: Alcohol, citronella oil, liquid, mosquitoes, microwave.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Việt Nam là nơi có tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra cao nhất trong các khu vực Đông Nam Á và đang đe dọa tính mạng của con người, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long do vùng có nhiều sông nước, cây cối rậm rạp, um tùm…Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều sản phẩm diệt muỗi được tạo từ các hợp chất hóa học (DEET) mang hương liệu, hóa chất tổng hợp, độc hại cho con người và môi trường mặt khác giá thành các sản phẩm này cao và gây nên các bệnh mẫn cảm, dị ứng cho người sử dụng và nguy hiểm cho trẻ em.

Việc đánh giá hiệu quả và tạo ra sản phẩm diệt muỗi có nguồn gốc thiên nhiên, sử dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên là hết sức cần thiết. Điều này cũng sẽ giải quyết được các vấn đề nan giải từ sản phẩm có nguồn gốc hóa học và bệnh sốt xuất huyết đang đe dọa tính mạng con người, đặc biệt là trẻ em.

Cây sả là một trong những loại cỏ rất tự nhiên, dễ trồng và khá nhiều tinh dầu. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tinh dầu sả còn có tác dụng xua đuổi và diệt muỗi [4, 15, 16]. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm từ tinh dầu sả vẫn còn hạn chế do phương pháp thu tinh dầu sả hiện nay chủ yếu theo phương pháp lôi cuốn hơi nước. Phương pháp này tốn nhiều thời gian và chi phí trong quá trình chưng cất dẫn đến giá thành cao, người tiêu dùng bình dân khó chấp nhận. Phương pháp vi sóng cho lượng tinh dầu tương đương khi tiến hành bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước nhưng thời gian nhanh hơn, cấu trúc tinh dầu không bị ảnh hưởng bởi vi sóng, tiết kiệm được chi phí cho việc trích tinh dầu từ cây sả [11].

Dung dịch diệt muỗi hiện nay thường được bán trên thị trường chủ yếu được pha trộn với hương liệu để tạo mùi cho sản phẩm mà chứa có sản phẩm pha trộn với tinh dầu để diệt muỗi. Bên cạnh đó, giá thành của các loại sản phẩm này khá cao, chủ yếu được gia công tại Việt Nam hoặc nhập khẩu từ các nước khác như Nhật, Indonesia, Malaysia,…

Để tạo sản phẩm diệt muỗi dạng dung dịch từ tinh dầu sả, cần xác định được chất hòa tan/tạo nhũ hóa tinh dầu, tỉ lệ tinh dầu trong sản phẩm để hiệu lực diệt muỗi là cao nhất nhưng với chi phí thấp nhất.

Vì những lý do trên, việc nghiên cứu, điều chế dung dịch diệt muỗi thân thiện môi trường làm từ tinh dầu sả thu bằng phương pháp vi sóng là hết sức cần thiết nhằm tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường và người sử dụng, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam với giá thành có tính cạnh tranh.

II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu

Sả được sử dụng là sả Chanh (Cymbopogon citratus), trồng phổ biến trong vườn nhà của hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Sả 5,5 tháng tuổi sau khi thu mua, để héo sau ba ngày, được xử lý sơ bộ trước khi tiến hành ly trích.

Sử dụng cồn với các nồng độ: 600, 700, 800, 900 và 960. Đậy nắp kín khi bảo quản.

2.2. Sơ đồ nghiên cứu

       2015-11-19_211837

 

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp ly trích tinh dầu sả bằng vi sóng: thân lá cây được cắt, nghiền nhỏ, ngâm trong nước trong 3 giờ, cho vào bình cầu đáy bằng 250 ml. Sau đó tiến hành đưa bình cầu vào lò vi sóng và điều chỉnh bước sóng 100W, 230W và 380W. Thu hàm lượng tinh dầu sau các khoảng thời gian: 20, 30, 40, 60 phút.

Phương pháp phân tích trong phòng thí nghiệm: kiểm nghiệm tinh dầu sả theo cảm quan; xác định các hằng số vật lý, tỷ trọng, năng suất quay cực (D), chỉ số khúc xạ nD, độ tan trong alcol 70, 800…; xác định các chỉ số hoá học: chỉ số acid, chỉ số ester, chỉ số acetyl…; xác định tinh dầu tổng số và các thành phần trong tinh dầu sả.

Phương pháp thử nghiệm: đánh giá khả năng diệt muỗi của tinh dầu sả ở dạng dung dịch trên đối tượng là muỗi cái Aedes aegypti 2 – 5 ngày tuổi được cung cấp bởi Viện sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng TP.HCM, đủ tiêu chuẩn và nuôi bằng dung dịch glucose 10%.

Mô hình thử nghiệm: 20 con/lồng vải (dài × rộng × cao là: 40 × 40 × 40 (cm), mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Thể tích tinh dầu sả pha trong cồn theo thứ tự, 1:80, 1:100, 1:120 ở 5 mức cồn khác nhau (600, 700, 800, 900, 960). Thể tích dung dịch xịt ra 0,8 – 0,9 ml/lồng. Sau thời gian tiếp xúc, chuyển muỗi sang ống nghỉ (trên lưới các ống nghỉ để bông thấm glucose 10%). Quan sát và tính tỉ lệ muỗi chết sau thời gian 10, 20, 40, 60 phút và kéo dài đến 24 giờ. Sau khi thử nghiệm kết thúc, căn cứ vào tỷ lệ muỗi chết để đánh giá hiệu quả nhạy kháng của muỗi với hoá chất diệt theo thang sau: 98 – 100%, muỗi nhạy cảm với hoá chất diệt; 80 – 98%: muỗi tăng sức chịu đựng; dưới 80%, muỗi kháng hoá chất diệt [5].

Phương pháp xử lý số liệu: xử lý số liệu bằng phần mềm Statgraphics,  phép phân tích phương sai ANOVA và giới hạn sai khác nhỏ nhất LSD với độ tin cậy 95%. Biểu diễn đồ thị bằng phần mềm Microsoft Excel 2007.

Phương pháp tính toán chi phí: Tính giá thành của một chai dung dịch dựa trên toàn bộ chi phí liên quan để so sánh với các sản phẩm trên thị trường.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Lựa chọn bước sóng ly trích tối ưu

Bảng 1 trình bày kết quả hàm lượng tinh dầu sả thu được ở ba bước sóng khảo sát. Ở bước sóng 230W, hàm lượng tinh dầu thu được cao nhất sau 20 phút và có sự khác biệt ý nghĩa so với hai bước sóng còn lại, cấu trúc tinh dầu không bị ảnh hưởng.

Bảng 1. Lượng tinh dầu sả thu được từ các bước sóng khác nhau bằng vi sóng

Phương án Thời gian* (phút) Bước sóng λ (W) Vtinh dầu ± SD

(ml)

Nhiệt độ (0C)**
1 20 100 0,27c ± 0,12 39
2 20 230 0,77a ± 0,12 50
3 20 380 0,57b ± 0,12 88

Ghi chú: *Thời gian ngắn nhất cho lượng tinh dầu tối đa; ** Nhiệt kế thủy ngân 2000C đo hơi tinh dầu tại phần đỉnh ống thủy tinh nối với bình cầu trong lò vi sóng.

Để xác định bước sóng thích hợp cần đánh giá thêm các chỉ tiêu hóa – lý, thành phần các hoạt chất chính và hàm lượng tinh dầu sả thu được bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước và phương pháp vi sóng (ở 3 bước sóng khảo sát). Kết quả phân tích được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Kết quả phân tích thông số lý, hóa học của tinh dầu sả

Stt Chỉ tiêu Kết quả
Lôi cuốn hơi nước Vi sóng (λ=100W) Vi sóng (λ=230W) Vi sóng (λ=380W)
1 Màu sắc Vàng nhạt Vàng nhạt Vàng nhạt Vàng hơi đậm
2 Trạng thái Thể lỏng Thể lỏng Thể lỏng Thể lỏng
3 Mùi Đặc trưng, dễ chịu Đặc trưng, dễ chịu Đặc trưng, dễ chịu Có mùi lạ
4 Nồng độ 1,1 % 1,11% 1,16 % 1,12%
5 Tỷ trọng 0,81 0,83 0,84 0,80
6 Chỉ số acid 2,78 2,81 2,81 2,80
7 Chỉ số xà phòng 12,54 13,11 13,12 12,59
8 Chỉ số ester 9,76 10,30 10,31 9,79
9 Tinh dầu tổng số 0,44g 1,48g 1,50g 1,46g

Kết quả xác định chỉ số lý, hóa sinh cho thấy tinh dầu sả ở bước sóng tối ưu 230W cho kết quả tương tự phương pháp lôi cuốn hơi nước và có hàm lượng tinh dầu tổng số lớn hơn ở hai bước sóng còn lại và gấp 3,4 lần lượng tinh dầu tổng số thu được bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước.

Kết quả phân tích GC-MS và GC-FID về thành phần và hàm lượng của tinh dầu sả thu được ở bước sóng 230W có hàm lượng geraniol, một hoạt chất có tác dụng diệt muỗi hiệu quả, khá cao.

Bảng 3. Thành phần hóa học của tinh dầu sả thu bằng phương pháp vi sóng ở bước sóng 230W trong 20 phút khi tiến hành giải phổ GC-MS và GC-FID

Stt Hợp chất Hàm lượng (%) Hàm lượng (%) [8]
1 Limonene 5,21 %
2 Citronellal 54,22 % 40% – 60%
3 Citronellol 10,12 %
4 Citral 7,47 %
5 Geraniol 18,38 % 20% – 40%
6 Citronellyl acetate 3,62 %
7 Bourbonene 7,38 %
8 γ-Muurolene 0,42 %
9 Muunrolene  <α-> 1,22 %
10 Cadinene  <δ-> 3,98 %

       Ghi chú: (-) không có dữ liệu.

Hàm lượng một số hoạt chất chính có trong tinh dầu sả phù hợp với thành phần hóa học đã công bố trong tài liệu “Những cây thuốc và vị  thuốc Việt Nam” của Đỗ Tất Lợi [7] và “Tinh dầu” của Lê Ngọc Thạch [10]. Các thành phần tinh dầu chủ yếu là dẫn xuất terpen hoặc dẫn chất aldehyt. Chính vì vậy, bước sóng 230W là tối ưu cho quy trình ly trích tinh dầu sả bằng vi sóng. Bước sóng này cũng phù hợp với nghiên cứu của Tống Thị Ánh Ngọc và Nguyễn Văn Kiên [10] đã khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chưng cất tinh dầu gừng. Kết quả cho thấy gừng sau khi thu hoạch lưu trữ 4 ngày, cất ở bước sóng 300W  thích hợp về hiệu suất và chất lượng tinh dầu. Tinh dầu gừng tốc độ bay hơi chậm hơn tinh dầu sả nên có bước sóng cao hơn.

Như vậy, sả thu hoạch sau 5,5 tháng tuổi, phần thân lá ngâm trong nước 3 giờ và ly trích trong 20 phút dưới sự hỗ trợ của vi sóng với bước sóng 230W là phù hợp về hiệu suất và chất lượng tinh dầu thu được.

3.2. Hiệu lực diệt muỗi của tinh dầu sả dạng dung dịch

Sử dụng tinh dầu sả thu được từ quy trình ở trên để pha trong cồn thành các dung dịch có tỉ lệ: 1:80; 1:100; 1:120 (ml) với 5 mức cồn khác nhau và mẫu đối chứng. Sau thời gian tiếp xúc với dung dịch, chuyển muỗi sang ống nghỉ. Quan sát và tính tỉ lệ muỗi chết sau khoảng thời gian 10, 20, 40, 60 phút và kéo dài đến 24 giờ.

3.2.1. Độ hòa tan của tinh dầu sả với chất nhũ hóa (cồn)

     Quan sát dung dịch ở năm mức cồn khác nhau cho thấy, ở mức cồn 600, 700, sau khi pha trộn với tinh dầu sả thì xuất hiện tượng tách lớp giữa tinh dầu và cồn, tinh dầu không hòa tan vào hai mức cồn này. Do đó, chỉ thí nghiệm với cồn  800, 900 và 960 để hòa tan tinh dầu sả tạo dạng dung dịch (phun xịt).

3.2.2. Đánh giá hiệu lực đuổi muỗi của tinh dầu sả dạng dung dịch (phun xịt)

 Bảng 4. Hiệu quả nhạy kháng của muỗi với tinh dầu sả ở dạng dung dịch (phun xịt) với chất nhũ hóa, cồn 800, 900, 960

Độ cồn (0cồn) Thời gian Tỷ lệ muỗi chết/20 con (%)
Tỉ lệ tình dầu sả : cồn (ml)
1:80 1:100    1:120    ĐC
800 10 phút 78,5 76,5 51,5 0
20 phút 98,5 96,5 73,5 0
40 phút 98,5 100 78,5 0
60 phút 98,5 98,5 85 0
24 giờ 100 100 88,5 0
900 10 phút 68,5 65 48,5 0
20 phút 78,5 75 56,5 0
40 phút 98,5 98,5 78,5 0
60 phút 98,5 100 85 0
24 giờ 100 100 86,5 0
960 10 phút 61,5 70 55 0
20 phút 76,5 76,5 60 0
40 phút 96,5 96,5 75 0
60 phút 98,5 98,5 81,5 0
24 giờ 100 100 86,5 0

ĐC: mẫu đối chứng (cồn không pha tinh dầu)

Theo tiêu chuẩn về khả năng nhạy kháng của muỗi với chất tiêu diệt muỗi, ở tỉ lệ tinh dầu sả : cồn 800 là 1:80 và 1:100, muỗi nhạy cảm với dung dịch sau 20 phút thử nghiệm, đạt yêu cầu do tỷ lệ muỗi chết 98-100%. Do đó, tỉ lệ tinh dầu 1:100 là phủ hợp vì vừa đạt yêu cầu về khả năng nhạy kháng muỗi của chất diệt muỗi vừa sử dụng lượng tinh dầu ít hơn so với tỉ lệ 1:80. Ở các nồng độ 900 và 960 cho kết quả tương tự như trường hợp sử dụng cồn 800. Ở các nghiệm thức đối chứng (cồn không có tinh dầu), không quan sát thấy có hiện tượng muỗi chết trong suốt thời gian khảo sát. Tuy nhiên, ở tỉ lệ 1:120, ngay cả sau 24 giờ kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, muỗi kháng chất diệt muỗi do tỷ lệ muỗi chết dưới 80%.

Trong nghiên cứu của Huỳnh Kha Thảo Hiền và cộng sự [5], nhóm tác giả đã sử dụng cồn 960 làm dung môi hòa tan tinh dầu để khảo sát khả năng đuổi muỗi của mẫu. Kết quả cho thấy hiệu quả xua muỗi khá tốt, tuy nhiên nghiên cứu này chỉ sử dụng tinh dầu sả pha với cồn để xua muỗi, chưa tạo được dạng phun xịt để diệt muỗi và thương mại hóa sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, cồn 900 và 960 không tốt cho trẻ em, nên cần pha loãng để giảm chi phí. Ngoài ra, độ cồn càng cao thì cồn càng dễ bị bay hơi, làm mất lượng cồn và tinh dầu trong quá trình sử dụng.

Từ kết quả diệt muỗi cho thấy tỉ lệ tinh dầu sả : cồn là 1:100 (ml) thích hợp cho việc tạo sản phẩm dạng dung dịch (phun xịt) sau 10, 20, 40, 60 phút và kéo dài đến 24 giờ ở cả ba nồng đồ cồn. Hình 2 so sánh khả năng diệt muỗi ở cùng tỉ lệ 1:100 ở ba nồng cồn cho thấy, ở nồng độ 800 hiệu lực tăng dần từ 10 phút đến 24 giờ, ở 20 phút thì khả năng nhạy kháng muỗi của tinh dầu sả đạt yêu cầu. Ở mức cồn 900 và 960 hiệu lực diệt muỗi thấp hơn mức cồn 800 và khả năng nhạy kháng muỗi của tinh dầu vẫn chưa đạt yêu cầu sau 20 phút. Điều này có thể giải thích là do nồng độ cồn cao dễ bay hơi nên làm thất thoát lượng tinh dầu vào không khí.

2015-11-19_212435

Hình 2. Tỷ lệ muỗi chết của dung dịch diệt muỗi với tỉ lệ 1:100 ở ba mức cồn 800, 900 và 960

KẾT LUẬN

Đề tài tận dụng được nguồn nguyên liệu tự nhiên có sẵn, có nhiều công dụng tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thân thiện với môi trường đó là cây sả để ly trích tinh dầu sả bằng vi sóng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bước sóng 230W là phù hợp để ly trích tinh dầu sả. Sau thời gian ly trích 20 phút, hàm lượng tinh dầu thu được gần như hoàn toàn, lượng tinh dầu tổng số đạt 1,5g cao hơn tinh dầu tổng số 0,44g khi thu tinh dầu bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước.

Hiệu lực diệt muỗi của tinh dầu sả dạng dung dịch với tỉ lệ tinh dầu sả : cồn 800 là 1:100 cho kết quả rất tốt, diệt 98,5% sau 20 phút. Như vậy dung dịch hỗn hợp này được đánh giá là muỗi nhạy cảm với hóa chất diệt.

Kết quả tính toán chi phí cho một chai xịt 500 ml chứa tinh dầu sả, cồn 800 và các chi phí khác liên quan là 21.000 đồng, thấp hơn khá nhiều so với các sản phẩm bình xịt muỗi đang bán trên thị trường Mosfly (31.000 đồng), Raid (32.000 đồng),…nhưng an toàn và thân thiện hơn với môi trường và người sử dụng.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phan Văn Cư – Nghiên cứu chiết xuất tinh dầu bằng phương pháp vi sóng và phân lập Flavonoid trong dịch chiết cây diếp cá (Houttuynia cordata thunb) ở tỉnh TT Huế, Khoa Hóa, ĐH Khoa Học Huế.

[2] Lê Tự Hải, Đặng Công Anh Tuấn – Nghiên cứu chiết tách và xác định thành phần hóa học tinh dầu Pơmu Quảng Nam.

[3] Lê Huy Hải – Nghiên cứu điều chế hương mùi hoa tử đinh hương từ nguồn thực vật Việt Nam. Tạp chí khoa học và công nghệ, ĐH Đà Nẵng, số 3(44), 2011.

[4] Huỳnh Kha Thảo Hiền, Lê Thành Đồng, Dương Phước An – Thành phần và tác dụng xua muỗi Aedes Aegypti của tinh dầu sả (Cympobgon Nardus). Y Học TP. Hồ Chí Minh, Tập 17, Phụ bản của Số 1(2013).

[5] Trần Vinh Hiển, Trần Khánh Tiên,Trần Hữu Hoàng, Lưu Lệ Loan, Nguyễn Hữu Cường, Jacques Boisvert, Antoine Aubin, Jean O.LacoursièreR – Những đặc điểm sinh thái của Aedes Aegypti tại vùng Đồng Bằng Sông Mekong và biện pháp phòng chống muỗi, Viện Pasteur TP.HCM, Trường Ðại Học Québec Canada, TT.Y Học Dự Phòng Long An, TT.Y Học Dự Phòng An Giang

[6] Nguyễn Thị Lan (chủ biên) và Phạm Tiến Dũng – Giáo trình nghiên cứu khoa học, ĐH Nông Nghiệp I Hà Nội, 2005.

[7] Đỗ Tất Lợi – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y Học, 2004.

[8] Nguyễn Thị Lý và Trần Thị Hồng Vân – Tách tinh dầu và Carotenoid từ lá trầu, Khoa Công Nghệ Hóa Học, ĐHQG -TP HCM.

[9] Tống Thị Ánh Ngọc và Nguyễn Văn Kiên – Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chưng cất tinh dầu gừng, Tạp chí Khoa học 2011:19b 62-69, ĐH Cần Thơ.

[10] Lê Ngọc Thạch – Tinh Dầu, Nhà xuất bản ĐHQG TP.HCM, 2003, trang 101-104.

[11] Võ Kim Thành, Đỗ Thị Triệu Hải – Nghiên cứu tách chiết và xác định thành phần hóa học tinh dầu củ riềng ở Hội An, Quảng Nam. ĐH Sư Phạm, ĐH Đà Nẵng.

[12] Nguyễn Thị Thẩm và Phan Thị Sửu – Nghiên cứu chiết tách GERATOL từ tinh dầu Sả PALMAROSA, Đề tài cấp Nhà Nước, 1990.

[13] Nguyễn Hữu Anh Tuấn – Công nghệ hương liệu mỹ phẩm. Bô môn Công Nghệ Hóa Học, ĐH Nông Lâm TP.HCM, 2009.

[14] Nguyễn Văn Viết – Tài nguyên nhiệt – ẩm và sự hình thành các vùng khí hậu nông nghiệp Việt Nam. Viện Khoa học Khí Tượng Thuỷ Văn và Môi trường.

[15] EK.  Patel, A. Gupta and RJ. Oswal – A review on: mosquito repellent methods, Department of Pharmaceutical Chemistry, JSPM`s Charak College of Pharmacy and Research, Wagholi, Pune,  Maharashtra, India.

[16] NandiniRani, Aakanksha Wany, Ambarish Saran Vidyarthi and Dev Mani Pandey – Study of Citronella leaf based herbal mosquito repellents using natural binders, Department of Biotechnology, Birla Institute of Technology, Mesra, Jharkhand-835215, India.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *