Quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường

5/5 – (1 vote)

I.ĐẶT VẤN ĐỀ:

Trong những năm qua, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đảng, Quốc hội và Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội gắn với coi trọng bảo vệ, cải thiện môi trường và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề tốt để tăng cường công tác bảo vệ môi trường thời gian tới. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạplượng chất thải rắn phát sinh ngày càng gia đã và đang gây áp lực đến sức khỏe con người và môi trường. Quá trình phát triển diễn ra đặc biệt sôi động tại các vùng kinh tế trọng điểm, cácđô thị nằm ở hạ lưu các lưu vực sông lớn hoặc cửa sông ven biển dẫn đến chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông đang bị ô nhiễm, suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề tại 03 lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.Mặt khác Việt Nam đã trải qua nhiều năm chiến tranh, không những nền kinh tế – xã hội bị ảnh hưởng mà thiên nhiên, môi trường cũng bị hủy hoại, trong đó nổi lên vấn đề ô nhiễm môi do chất độc hóa học trong chiến tranh để lại, ngoài ra còn một số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu đang tồn tại trong môi trường chưa được xử lý triệt để.

Đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ môi trường; hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được hoàn thiện và ngày được củng cố. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế chính sách, pháp luậtvà công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đang còn nhiều vấn đề bất cập, còn sự chồng chéo về chức năng quản lý của các Bộ/ngành và địa phương liên quan đến lĩnh vực môi trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng công tác quản lý chất thải, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường hiện nay ở Việt Nam còn hạn chế, bất cập.

  1. TỔNG QUAN CÔNG TÁC QUẢN LÝ:

2.1.Công tác quản lý chất thải nguy hại:

Tính từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 ra đời, công tác quản lý CTNH đã đạt được các thành tựu rất đáng ghi nhận. Hầu hết CTNHphát sinh từ các cơ sở sản xuất lớn đã được quản lý chặt chẽ từ khi phát sinh đến khi được xử lý cuối cùng; các chất thải này hầu hết được thu gom, xử lý bởi các cơ sở có chức năng và số lượng thu gom, xử lý được đều gia tăng hàng năm, góp phần quan trọng trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH đạt các quy chuẩn về môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Một trong những nền tảng chính để đạt được thành tựu nêu trên là việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý CTNH, trong đó có việc ban hành Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 quy định về quản lý CTNH và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến xử lý CTNH như QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng CTNH, QCVN QCVN 41:2011/BTNMT về đồng xử lý chất thải nguy hại trong lò nung xi măng, QCVN 30:2012/BTNMT về lò đốt chất thải công nghiệp, QCVN 02:2012/BTNMT về lò đốt chất thải rắn y tế, QCVN 55:2013/BTNMT về thiết bị hấp chất thải y tế lây nhiễm, QCVN 56:2013/BTNMT tái chế dầu thải. Ngoài ra, trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2013 quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, qua đó bước đầu góp phần tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi các sản phẩm thải bỏ.

Hiện nay, nhằm tiếp tục kiện toàn cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý chất thải nói chung và quản lý CTNH nói riêng, cũng như đảm bảo phù hợp với điều kiện của đất nước trong giai đoạn hiện nay, trong năm 2014, với sự ra đời của Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường năm 2005) là một loạt các văn bản triển khai Luật, trong lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính Phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại (thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT); Quyết định số 16/2015/QD-TTg ngày 22/5/2015 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (thay thế Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg). Với hệ thống cơ sở pháp lý cơ bản hoàn chỉnh này sẽ tạo động lực cho công tác quản lý CTNH để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt giải quyết được các điểm nóng về quản lý CTNH như thu gom, xử lý đối với chất thải y tế, thu gom, xử lý đối với chủ nguồn thải vùng sâu, vùng xa, chủ nguồn thải có số lượng chất thải nguy hại phát sinh thấp hơn dưới 600 kg/năm.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, công tác quản lý CTNH còn gặp phải một số khó khăn như hiện nay hoạt động tái chế đang phát triển rất đa dạng và cho nhiều loại CTNH khác nhau, nhưng thực tế một số loại hình tái chế CTNH chưa có quy chuẩn quốc gia về môi trường để làm cơ sở đánh giá, giám sát trong quá trình thẩm định cấp phép và quản lý trong quá trình hoạt động sau cấp phép. Nhằm khắc phục khó khăn nêu trên, trong thời gian tới tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về CTNH, đặc biệt là việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng công nghệ xử lý, tái chế CTNH để tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc áp dụng các công nghệ xử lý, tái chế.

 

2.2.Công tác quản lý chất thải thông thường:

Trong thời gian vừa qua cùng với sự phát triển kinh tế xã hội kéo theo đó là sự gia tăng về khối lượng chất thải rắn, điều này đã và đang gây sức ép lớn đến môi trường. Đứng trước thực trạng đó, nhằm quản lý chất thải rắn ngày một tốt hơn, trong thời gian qua đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn được ban hành, trong đó phải kể đến Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2149/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về về phê duyệt, trong đó nêu ra nhiều giải pháp để thực hiện Chiến lược như (1) Xây dựng Chương trình thúc đẩy phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; (2) Chương trình thúc đẩy phân loại chất thải rắn tại nguồn; ….

Để tiếp tục đẩy mạnh và đưa công tác quản lý chất thải thông thường đi vào nề nếp, Bộ đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu với nhiều điểm mới về quản lý chất thải thông thường  phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014. Đây là căn cứ pháp lý rất quan trọng trong công tác quản lý chất thải rắn thông thường. Nghị định đã quy định cụ thể về quản lý chất thải; về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường: Theo đó, đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được thực hiện đồng bộ từ các khâu phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển đến xử lý. Đồng thời, Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong  xác nhận hoặc điều chỉnh xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn.

 Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được khẩn trương xây dựng một số văn bản quan trọng như: Thông tư quy định về quản lý chất thải rắn thông thường và tiêu hủy xe ưu đãi, miễn trừ và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất thải rắn thông thường còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập: Việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý chất thải rắn đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm; Đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Quá trình để triển khai vay vốn thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn còn nhiều thủ tục và khó khăn, số dự án xử lý chất thải rắn được vay từ các nguồn vốn ưu đãi là rất ít; Việc đầu tư, vận hành lò đốt chất thải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như có hệ thống xử lý khí thải, nhiệt độ buồng đốt phù hợp đảm bảo xử lý triệt để chất thải là những thách thức lớn trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn ở Việt Nam; Việc xây dựng các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh, các cơ sở xử lý tập trung chất thải công nghiệp đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn, nhiều địa phương không đủ nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý chất thải rắn tập trung; Công tác cập nhật thường xuyên các số liệu về tình hình phát sinh, tính chất, thành phần, loại chất thải rắn phải xử lý gặp rất nhiều khó khăn do vậy dẫn đến khó khăn trong việc quản lý chất thải rắn; Phương pháp xử lý chất thải rắn là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh và gia tăng khí mêtan (một loại khí nhà kính), đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng;  Hầu hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn tại Việt Nam chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp, độ ẩm của không khí cao; Thiết bị, công nghệ xử lý chất thải rắn chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng; Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý môi trường địa phương và các cơ quan chuyên môn khác thuộc địa phương còn có vướng mắc do có sự chồng chéo trong phân công thực hiện công tác quản lý chất thải; Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý, xử lý chất thải tại nhiều địa phương còn hạn chế; Một số chủ đầu tư chưa nhận thức và ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường nên chưa chú trọng đầu tư hạ tầng xử lý chất thải đồng bộ với hạ tầng sản xuất, còn có tư tưởng trông chờ vào ngân sách nhà nước mà chưa chủ động đa dạng hóa các nguồn đầu tư, giảm gánh nặng cho nhà nước.

Những vấn đề nêu trên về công tác quản lý chất thải rắn hiện nay ở Việt Nam đã và đang đặt ra các thách thức khó khăn cho chúng ta trong giai đoạn tiếp theo, nếu không có các định hướng, giải pháp phù hợp trong công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng.

2.3.Công tác khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường:

Bên cạnh những thành tựu đạt được về phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng và phát sinh ngày càng nhiều điểm nóng và khu vực bị ô nhiễm. Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có thể phải chịu tổn thất kinh tế do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Thiệt hại kinh tế xảy ra do gia tăng gánh nặng bệnh tật, suy giảm sức khỏe của lực lượng lao động. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, du lịch…Chính vì thế, Đảng và nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo và đầu tư kinh phí để khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.Điển hình là Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2012.

Mặt khác các quy định về khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan như Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Công tác khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường hiện nay tập trung vào các đối tượng: các khu vực ô nhiễm môi trường do hoá chất bảo vệ thực vật tồn lưu, do dioxin; các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; các khu vực khai thác khoáng sản, các hệ sinh thái bị suy thoái…

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, đến nay đã có hơn 3000 dự án khai thác khoáng sản xây dựng phương án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng kinh phí trên 2000 tỉ đồng.

2.4.Công tác quản lý hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu:

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do hóa chất BVTV từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu (sau đây gọi tắt là điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu) tính đến tháng 6 năm 2015 trên địa bàn toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do hóa chất BVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ theo QCVN 54:2013/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ngưỡng xử lý hóa chất bảo vệ thực vật hữu cơ theo mục đích sử dụng đất thì hiện có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất BVTV có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Trong thời gian qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích và các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ và địa phương đã xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất BVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với tổng kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trung ương đạt gần 250 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai xử lý thí điểm, tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất các loại chất thải chứa hóa BVTV tồn lưu; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV và tổ chức 11 khóa tập huấn cho hơn 500 cán bộ các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến công tác điều tra, đánh giá, lập kế hoạch xử ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất BVTV, áp dụng bộ chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực này. Theo đó, mặc dù số lượng các điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên cả nước là rất lớn, nhưng công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường đã từng bước được thực hiện và đi vào nề nếp.

2.5.Công tác quản lý các điểm tồn lưu chất độc da cam/dioxin:

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng 77 triệu lít chất thuốc diệt cỏ và rụng lá cây. Trong số các chất thuốc diệt cỏ và rụng lá cây do Mỹ sử dụng, chất độc da cam chiếm tới gần một nửa tổng lượng sử dụng có chứa chất dioxin, một chất siêu độc cho sinh thái và sức khỏe con người. Theo tính toán, có khoảng 366 kg dioxin đã phân tán vào môi trường cùng với việc phun rải các chất diệt cỏ. Nồng độ các chất dioxin trong đất tại miền Nam Việt Nam tương đối lớn và được chia thành hai khu vực bị ô nhiễm: các khu vực bị phun rải (chiếm khoảng 2,63 triệu ha, phân bố trên toàn miền Nam) và các sân bay quân sự. Diện tích bị nhiễm dioxin ở những nơi này không lớn nhưng hàm lượng dioxin trong đất thì rất cao, có nơi lên đến 365.000 ppt TEQ. Hiện nay, có 03 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm dioxin một cách nghiêm trọng, trên diện rộng và ảnh hưởng trực tiếp đến công đồng dân cư và các chiến sỹ quân đội đó là khu vực sân bay Biên Hòa – Đồng Nai, sân bay Phù Cát – Bình Định và sân bay Đà Nẵng.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã thành lập Văn phòng Ban chỉ đạo Dioxin đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Văn phòng Ban chỉ đạo 33) nhằm khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Trong thời gian qua, Văn phòng Ban chỉ đạo 33 đã triển khai các nỗ lực huy động các nguồn lực tài chính và tìm kiếm các giải pháp kỹ thuật trong nước cũng như nước ngoài để tập trung xử lý dứt điểm các khu vực môi trường bị ô nhiễm nêu trên. Nhà nước đã phải bỏ kinh phí nhằm bước đầu ngăn chặn ô nhiễm do Dioxin ảnh hưởng đến các khu vực khác, đồng thời một số dự án tài trợ nước ngoài đã được xây dựng và bước đầu triển khai để áp dụng các công nghệ hiện đại để xử lý, phục hồi môi trường. Đáng lưu ý, Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt nam về tài chính và kỹ thuật tương đương với khoản ngân sách trị giá 30 triệu USD để xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại sân bay Đà Nẵng. Tuy nhiên, để xử lý triệt để các khu vực môi trường bị ô nhiễm do chất độc hóa học trong cuộc chiến tranh Việt Nam đến năm 2020 ( theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia Bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020), Việt Nam cần nỗ lực huy động nhiều hơn nữa nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, trước mắt tập trung xử lý 02 khu vực môi trường bị ô nhiễm dioxin là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Phù Cát (Bình Định).

2.6.Công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông:

Các quy định về bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai; hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật môi trường liên quan đến chất lượng nước. Trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 và Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông được quy định gắn liền với việc đánh giá sức chịu tải của sông và hạn ngạch xả nước thải vào sông. Hiện nay, dự thảo “Thông tư về đánh giá sức chịu tải, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các khu vực môi trường bị ô nhiễm” đang được xây dựng.

Công tác bảo vệ môi trường các LVS đã được quan tâm đẩy mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 03 đề án bảo vệ môi trường LVS: sông Cầu, sông Nhuệ – sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai. Tính đến nay có 22/22 tỉnh, thành phố trên 03 LVS đã phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án địa phương; 16/16 tỉnh, thành phố trên LVS: Nhuệ – Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông liên tỉnh, liên quốc gia khác cũng được đẩy mạnh thông qua việc thiết lập các Chương trình kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật lưu vực sông liên tỉnh, Chương trình quan trắc môi trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nước thải xả ra lưu vực, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, việc điều tra, đánh giá các nguồn nước thải gây ô nhiễm sông, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng được triển khai đồng bộ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy đến năm 2020, Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp, Quy hoạch quản lý chất thải rắn thuộc 03 lưu vực sông liên tỉnh…Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa những tác động xấu tới chất lượng môi trường lưu vực sông.

III. VẤN ĐỀ CẦN THẢO LUẬN TẠI HỘI NGHỊ:

Để công tác quản lý môi  trường phù hợp với thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, tại Hội nghị quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường này tôi mong muốn các quý vị đại biểu tập trung thảo luận vào một số vấn đề chính, cụ thể như sau:

– Thống nhất nhận thức về những vấn đề môi trường lớn đặt ra đối với đất nước ta trong lĩnh vực quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường từng bước nâng cao chất lượng môi trường. Từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức của các Bộ, ngành và địa phương.

– Xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nâng cao chất lượng môi trường, đặc biệt các vấn đề ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh trong đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

–  Tạo lập diễn đàn đối tác công tư để các nhà quản lý các cấp, các chuyên gia tra đổi, thảo luận, đánh giá về các vấn đề môi trường, các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói chung và quản lý chất thải, bảo vệ môi trường lưu vực sông, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại Việt Nam nói riêng.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *