Quản lý tổng hợp về khôi phục làm sống lại các ao, hồ, kênh, mương, sông bị ô nhiễm suy thoái

5/5 – (1 vote)

Nguyễn Ngọc Lý

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)

VUSTA

I. GIỚI THIỆU

Ô nhiễm sông rạch kênh mương nhỏ (kênh mương rạch sông dưới 10 km) và các ao hồ nhỏ đô thị, nông thôn là một thách thức mang tính bùng nổ, có ảnh hưởng lớn tới kinh tế và xã hội. Thời gian vừa rồi, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng có làm một việc nhỏ là phân tích các tin về ô nhiễm nước trên các báo chính thức và từ tập hợp tin của tác giả Hà Đình Thư, người đã lặng lẽ tập hợp thông tin liên quan tới ô nhiễm nước từ tháng 1 tới tháng 6, 2015. Các báo được đưa vào phân tích bao gồm Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Dân trí, Pháp luật, Lao động, Pháp luật, Sài gòn giải phóng, Người lao động, Thời báo kinh doanh, Đại đoàn kết, Tin tức… cả báo giấy lẫn báo điện tử.

Kết quả như sau:

  • Số bài viết liên quan như tiếp cận nước sạch, quản lý tài nguyên nước, ô nhiễm nước: 596 bài
  • Số bài liên quan tới ô nhiễm nguồn nước mặt đến từ mọi tỉnh trên cả nước: 272 bài

Như vậy khoảng 46% các tin về nước liên quan tới ô nhiễm nước. Trung bình 39 bài một tháng, ngày nào cũng có vấn đề về ô nhiễm nước. Và điều đặc biệt những tin ô nhiễm đa phần xuất phát từ các dòng sông, kênh rạch mương, ao hồ nhỏ trên cả nước không trực tiếp liên quan tới những con sông lớn.

Trong những kênh rạch sông nhỏ ô nhiễm trầm trọng trước đây và hiện nay có thể kể một vài ví dụ như con kênh nổi tiếng Nhiêu lộc Thị Nghè (8.7 km) ở thành phố Hồ Chí Minh, sông Kim Ngưu (7.7 km) ở Hà Nội , suối Bưng cù (4.7 km) ở Huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, kênh 4 Xã (3.1km ), huyện Tiên du, Bắc Ninh…. Còn ao hồ thì nhiều vô kể cả ở thành thị, cả ở nông thôn.  Những con kênh rạch sông nhỏ, những ao hồ này thậm chí không có tên trên bản đồ nước, cũng không đóng vai trò gì quan trọng trong hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng thực ra sức khỏe của chúng đóng vai trò rất quan trọng tới sức khỏe của toàn bộ hệ thống sông ngòi quốc gia vì ô nhiễm của hệ thống này chảy vào và tạo thành nguồn ô nhiễm chính cho các con sông lớn. Ô nhiễm của các kênh mương rạch nhỏ này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế và chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư quanh các khu ô nhiễm.

Việc cải tạo khôi phục làm sống lại các ao hồ, kênh mương sông bị ô nhiễm suy thoái đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp và có thể cực kỳ tốn kém hoặc cũng có cách không quá tốn kém. Trong bài này tôi xin nêu hai ví dụ về việc cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, thành phố Hồ Chí Minh (đại diện cho các công trình cực kỳ tốn kém) và khôi phục làm sạch hệ thống Ao chùa Phổ Linh và Ao Chéo ở Phường Quảng An, Hà Nội (đại diện cho các công trình không quá tốn kém). Trên cơ sở của hai ví dụ này, tôi sẽ phân tích sự cần thiết phải kiểm soát được ô nhiễm nước ở các thủy vực nhỏ và sự cần thiết phải áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng thể lưu vực của các thủy vực cũng như vai trò của công tác này trong thúc đẩy kinh tế vĩ mô.

Công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc Thị Nghệ:

2015-11-05_151554

Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dải 8,7 km chảy qua các quận Tân Bình 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Từ xưa, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè rất sạch, người dân có thể sử dụng sinh hoạt như tắm giặt, bơi lội. Thế nhưng sau đó người dân từ khắp nơi đổ về thành phố, lấn chiếm dựng nhà hai bên bờ kênh. Nước thải sinh hoạt của các hộ dân này cùng với của các nhà máy đều được xả thẳng ra kênh. Qua thời gian dòng kênh chết dần, đường ven kênh ngập tràn rác thải, nước kênh ô nhiễm nặng, có mùi hôi thối khó chịu.

2015-11-05_151639

Năm 1993, chính quyền thành phố có kế hoạch đầu tư cải tạo dòng kênh này, dự án này đã giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên bờ cùng với việc xây dựng tuyến đường ven kênh. Theo Giám đốc Ban quản lý dự án vệ sinh môi trường Tp HCM Phan Châu Thuận, dù lúc đó còn eo hẹp nhưng thành phố đã thực hiện với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng.  Dự án này đã đền bù, giải tỏa tái định cư cho gần 7.000 hộ dân sống ven kênh, nạo vét 260.000m3 bùn đất, làm đường lát vỉa hè, trồng cây xanh. Dự án này chia làm hai giai đoạn.

2015-11-05_151739

Giai đoạn cải tạo 1 : Năm 2003, kế hoạch “hồi sinh” dòng kênh tiếp tục được thực hiện bằng dự án vệ sinh môi trường nước kênh, với nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới là166 triệu đô la Mỹ và  vốn đối ứng của chính phủ là 68 triệu đô la Mỹ.

2015-11-05_151827

Theo “Quyết định phê duyệt dự án khả thi thoát nước Tp HCM lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè” , giai đoạn này đầu tư vào các hạng mục:

– Xây dựng một tuyến cống bao đơn (đường kính 2 – 3m) chạy dọc theo kênh, từ 15 đến 20 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn dọc bờ kênh để nối hệ thống thu gom vào tuyến cống bao.

– Công trình xử lý sơ bộ: 1 trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất bơm là 64.000 m3 /giờ.

– Xây dựng 1 miệng xả ngầm độ sâu từ -18m đến -20m ở dưới dòng sông, có thiết kế đặc biệt để tăng cao độ pha loãng và không gây ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc sự xói mòn dòng sông hiện hữu.

– Hệ thống điều khiển bao gồm hệ thống kiểm soát (van hút nước chết thượng nguồn) và các thiết bị cần thiết để đảm bảo hệ thống hoạt động tốt.

– Xây mới hoặc cải tạo 38 km cống hộp lớn và cống kích thước rộng từ 1m đến 6m; khoảng 240 km cống cấp 3 đường kính từ 400 mm đến 800 mm.

– Cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: nạo vét giai đoạn 2 khoảng 750.000 m3, gia cố chân kè (đoạn đã xây dựng), xây bờ kè đứng (đoạn chưa xây dựng).

Để tạo cảnh quan 2 bên bờ sông, năm 2011 thành phố tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa ven bờ sông.

Lễ khánh thành dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 1 và xây dựng cải tạo đường Hoàng Sa Trường Sa được tổ chức vào ngày 18/8/2012.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, Sở Tài Nguyên Môi Trường TP HCM chỉ đạo Công ty môi trường đô thị tăng cường công tác vớt rác trên kênh để giữ được lòng kênh luôn được sạch sẽ. Ngoài ra,triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước và nghiên cứu hệ thủy sinh vật trên các tuyến kênh; tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên các tuyến kênh; kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch trên các tuyến kênh; tăng cường kiểm tra về an toàn giao thông đường thủy nội địa, các loại hình kinh doanh dịch vụ neo, đậu, tập kết tàu thuyền tại khu vực…

Giai đoạn cải tạo 2: đầu năm 2015 , thành phố và Ngân hàng Thế giới đã tiếp tục thống nhất thực hiện giai đoạn 2 với tổng số vốn đầu tư là 450 triệu USD. Chi phí này để thực hiện các hạng mục: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 480 nghìn m3/ngày-đêm, làm hệ thống thu gom nước thải dài 8km tiết diện 3,2m kết nối với hệ thống thu gom nước thải đã được xây dựng trong giai đoạn 1, đưa nước thải về nhà máy xử lý nước thải, xây dựng thêm hệ thống thu gom nước thải ở các Phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, ..

Hiện trạng của Kênh sau cải tạo đợt 1 và hiện nay:

Thế nhưng, sau giai đoạn cải tạo đợt 1, thì ô nhiễm lại tái diễn trong vài năm qua. Dọc bờ kênh rác thải trôi lềnh bềnh, bốc mùi tanh tưởi, màu nước đen sẫm đặc quánh khiến nhiều loại thủy sinh đồng loạt ngoi ngóp do thiếu oxy và dẽ thấy nhất là cá.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, từ tháng 4 đến tháng 5-2015 có 4 đợt cá chết trên kênh. Kiểm tra mẫu nước ở nơi có nhiều cá chết cho thấy độ pH, DO, NH4, NH3, NO2 đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, có hiện tượng bọt khí cục bộ. Mặc dù vẫn còn phải tiếp tục cải thiện hàng ngày, Kênh Nhiêu lộc Thị nghè đã ngày càng sạch hơn. Hiện Thành phố đang cân nhắc cho phép các dịch vụ Du lịch trên kênh, các tour âm nhạc…

 Cải thiện môi trường khu ao chùa Phổ Linh với sự tham gia của cộng đồng.

Ao Chéo, ao chua Phổ Linh là hai ao phía trước cổng chùa Phổ Linh, nằm trong quần thể ao ku vực chùa Phổ Linh, phường Quảng An, Quận Tây hồ, Hà Nội. Trước năm 2010, hai ao này phải đối mặt với với tình trạng bị lấn chiếm bởi việc đổ rác thải, vật liệu xây dựng đặc biệt ao Chéo phải nhận chất thải từ chăn nuôi lợn. Vì vậy hai ao này trạng thái ô nhiễm, tù túng, tạo một cảnh quan xấu và bức xúc cho cộng đồng.

2015-11-05_151928

Từ năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã làm việc với Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hợp tác xã phường Quảng An nhằm xây dựng một mô hình cải thiện cảnh quan và chất lượng của hai ao với sự tham gia của cộng đồng. Cùng với các chị em Hội Phụ nữ,  CECR đã nghiên cứu hiện trạng khu vực hai ao này, cùng cộng đồng thảo luận xây dựng kế hoạch quản lý hồ với sự tham gia, tổ chức các lớp tập huấn về hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, xây dựng các hoạt động cần thiết để cải thiện môi trường hai ao. Kế hoạch quản lý hai ao gồm những hoạt động cụ thể như: Nạo vét bùn lắng, cải tạo bờ, kè bờ sinh thái, thực hiện các hoạt động làm sạch, trồng cây thủy sinh, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và huy động sự tham gia….

Các hoạt động trong kế hoạch nêu trên được thực hiện từ năm 2012 với lực lượng tiên phong là Hội phụ nữ phường Quảng An, sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự tham gia của các thanh niên sinh viên. Các hoạt động làm sạch cỏ dại, rác phần bờ và mặt nước ven hồ được thực hiện định kỳ kèm theo việc quan trắc của nhóm tình nguyện viên kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả. Kết quả là 5/2013 Chuồng lợn tại Ao Chéo được di dời. Các hoạt động làm sạch, nạo vét, vén rác và các vật liệu ven bờ của ao Chéo và ao Chùa Phổ Linh được thực hiện trả lại không gian thoáng, sạch cho hai khu vực ao này.

Xung quanh ao được người dân dựng bằng hàng rào tre sinh thái, đơn giản mà đẹp mắt vừa bảo vệ được ao vừa tạo cảnh quang. Khu vực bờ ven ao dẫn vào khuôn viên chùa Phổ Linh được cải thiện thành một vườn hoa, cây cảnh nhỏ rất đẹp.  Các loại thủy sinh như Sen, Súng được trồng để tạo thêm cảnh quan và một số bè thủy trúc được trồng nhằm cải góp phần cải thiện chất lượng nước.  Phần ven bờ ao Chùa Phổ Linh – Ao Chéo cũng được trồng cỏ, cây xanh để tạo cảnh quan cho quần thể ao này.

2015-11-05_152029

Hội Phụ nữ Phường Quảng An và các nhà sư của Chùa Phổ Linh luôn duy trì vệ sinh quanh hồ, giúp hồ giữ được hiện trạng như sau khi cải tạo, chất lượng nước hồ đang dần được khôi phục.

Quản lý tổng hợp về khôi phục làm sống lại các ao hồ, kênh mương, sông bị ô nhiễm.

Qua hai ví dụ trên, công tác khôi phục làm sống lại các thủy vực nhỏ như ao hồ kênh mương sông rạch nhỏ, dù là ở cấp độ lớn và phức tạp, hoặc ở cấp cộng đồng nhỏ, đều bao gồm nhiều hoạt động mang tính công trình (kè bờ, cải tạo bờ, loại trừ các xả thải trực tiếp xuống nước, thu gom và xử lý nước thải, kiểm soát để nước thải phải được xử lý trước khi thải vào thủy vực) kết hợp với các biện pháp phi công trình như huy động sự tham gia của cộng đồng, truyền thông và giám sát duy trì. Sự quản lý tổng hợp giữa các biện pháp công trình và phi công trình phải được thực hiện một cách nghiêm túc theo quy trình và có sự đồng thuận từ lúc lên kế hoạch cho tới lúc thực hiện. Việc hiểu biết thấu đáo cách tiếp cận quản lý tổng hợp, kết hợp giữa các phương pháp công nghệ, quản lý chiến lược, bảo tồn,  sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng. Ngoài ra trong cả hai ví dụ trên, vai trò lãnh đạo quyết liệt và kiên nhẫn của các cấp ủy ban ở địa phương cũng là yếu tố chủ chốt tạo ra sự thành công.

2015-11-05_152141

Trong dự án cải tạo kênh Nhiêu lộc Thị nghè, có thể nói đây là dự án tiếp cận tổng thể có nhiều bên tham gia, với thời gian nhiều năm và nhiều cơ quan quyết định. Tài chính cho dự án là một yếu tố quan trọng và khoản vay của NHTG kể cả giai đoạn 2 đã lên tới trên 600 triệu đô la Mỹ. Vốn đối ứng của Việt Nam lên đến vài ngàn tỷ. Sự tốn kém này phản ánh giá phải trả cho công tác khôi phục môi trường đắt đỏ như thế nào.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, việc cải tạo Nhiêu lộc Thị Nghè có thể coi là một dự án hạ tầng cơ sở thành công. Những công trình đường cống cùng hệ thống thu gom và xử lý nước thải là các công cụ kiểm soát ô nhiễm vào kênh đòi hỏi tài chính và công nghệ hiệu quả. Đây cũng là một ví dụ cho thấy việc kiểm soát ô nhiễm nước, cải thiện và khôi phục các nguồn nước ô nhiễm là công việc kết hợp giữa việc bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng hạ tầng cơ sở. Bài học này cần nhìn nhận từ khía cạnh kinh tế vĩ mô (với khối lượng tài chính bơm vào các công trình này, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy đầu tư, góp phần vào cải thiện đời sống của người dân) và thực sự nâng cao bộ mặt cảnh quan đô thị.

Trong dự án cải thiện hệ thống Ao chùa Phổ Linh và Ao Chéo ở Hà Nội, là một dự án do cộng đồng khởi xướng tuy không tốn kém nhưng cũng hiệu quả. Ngay cả dự án nhỏ này, ví dụ của cách tiếp cận tổng thể kết hợp giữa biện pháp công trình (nạo vét, khơi dòng, kè bờ) và bảo tồn chất lượng nước (dùng cây thủy sinh), kết hợp với sự tham gia của cộng đồng vào cải tạo bờ và cải thiện vườn cây xung quanh bờ cũng đã được áp dụng và thực hiện tốt. Tuy công trình này không tạo ra công ăn việc làm, nhưng cải thiện cảnh quan và môi trường ao hồ nhỏ với cách tiếp cận cộng đồng cũng là mô hình rất hiệu quả.

  1. KẾT LUẬN:

Việc khôi phục làm sống lại các ao, hồ, kênh, mương, sông bị ô nhiễm suy thoái có thể thực hiện có hiệu quả theo nhiều cách tùy thuộc vào vấn đề và quy mô nhưng đều đòi hỏi các tiếp cận quản lý tổng hợp, sự thấu hiểu về bảo tồn nước mặt, hệ sinh thái cũng như sự hiểu biết về các biện pháp công trình và phi công trình, cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên, nhiều nơi và với tầm nhìn xa. Yếu tố quyết tâm của người lãnh đạo, sự đồng thuận của người dân và có được nguồn tài chính đủ là điều cực kỳ quan trọng.

Cả hai trường hợp thành công nhưng đều mang tính riêng biệt. Để có thể thực sự cải thiện lại hệ thống ao mương kênh rạch sông nhỏ đã bị suy thoái cần có những chiến lược, chính sách và tài chính cụ thể với một lộ trình nhiều năm nhằm thúc đẩy nhiều mô hình sáng tạo khác nhau.

Cần phải coi công tác cải thiện hệ thống thủy vực nhỏ là một lĩnh vực đầu tư của tài chính nhà nước, vừa đóng góp vào bức tranh kinh tế vĩ mô vừa bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái bền vững. Chừng nào chưa coi đây là một lĩnh vực đầu tư quan trọng, có nhiều tiềm năng đột phá, chừng đó hệ thống sông hồ nhỏ sẽ càng ngày càng xuống cấp. Các hệ lụy về sức khỏe sẽ làm tiêu tốn tài lực quốc gia và làm giảm hiệu quả về kinh tế xã hội.

Trong thời gian tới, cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và người dân cùng các tổ chức khoa học công nghệ và tổ chức phi chính phủ tham gia vào cuộc cùng chính phủ để từng bước cải thiện những ao hồ nhỏ, và theo cách làm chậm mà lan tỏa, nhân rộng từ từ. Cần làm kiên nhẫn và có chủ đích, với sự đầu tư thích đáng. Đồng thời nhà nước cần mạnh dạn đầu tư cho các công trình hạ tầng kết hợp bảo tồn để giải quyết các kênh mương sông nhỏ hiện đang rất ô nhiễm, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Với cách kết hơp trên trong vòng ba mươi năm nữa diện mạo hệ thống nước mặt của chúng ta sẽ thay đổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Ngân hàng Thế giới: Dự án Vệ sinh Môi trường: Cải tạo Kênh Nhiêu lộc Thị Nghè. Nhiều báo cáo 2001-2015.
  • Bộ Tài nguyên Môi trường, monre.gov.vn: Triển khai nhiều dự án cải thiện môi trường
  • Trung tâm Nghiên cứu và Cộng đồng: Dự án “ Mô hình cộng đồng cải tạo và bảo vệ các vùng đất ngập nước ven đô thị: Thí điểm ở Hà Nội”, 2013.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *