Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh họcc biển Việt Nam

4.7/5 – (3 votes)

PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi

Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: nchoi52@gmail.com

TÓM TẮT

          Đến nay, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) biển ở Việt Nam chưa được tiến hành theo đúng nghĩa của nó. Song, những nỗ lực vừa qua trong việc áp dụng cách tiếp cận của quy hoạch không gian biển (MSP) với công cụ phân vùng chức năng biển (MFZ) để phân vùng ĐDSH biển, để xác định các khu vực biển có tiềm năng bảo tồn cao, để quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển quốc gia đến năm 2020 và để xây dựng kế hoạch phân vùng quản lý từng khu bảo tồn biển sau phê duyệt, đã cung cấp những bài học cần thiết tiến tới quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển ở Việt Nam trong thời gian tới. Các kết quả bước đầu và các bài học như vậy được trao đổi trong bài báo này.

Từ khóa: Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển, Quy hoạch không gian biển, Phân vùng chức năng biển, Khu bảo tồn biển.

SUMMARY

At present, the comprehensive planning of Vietnam marine biodiversity conservation is still not implemented in its exactly meaning. However, recent efforts in applying the marine spatial planning (MSP) approach with the marine function zoning (MFZ) tool to make marine biodiversity zoning, to identify the marine clusters of high conservation potentials, to plan the national system of marine protected area (MPA) towards 2020 and to promote the MFZ for management plan of each approved MPA site, provided the necessary lessons for the comprehensive planning of Vietnam marine biodiversity conservation in the near future. The such initiative results and lessons will be shared and discussed in this paper.

Key words: Comprehensive planning of marine biodiversity conservation, marine spatial planning, marine function zoning, marine protected area.

I. MỞ ĐẦU

          Ngày 13 tháng 11 năm 2008, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đa dạng sinh học, theo đó Chương 2 đề cập đến ‘Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học’ và yêu cầu thực hiện ở 2 cấp: tổng thể cấp quốc gia và cấp tỉnh[1]. Luật Thủy sản (2003), Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014), và Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (2015) cũng nhấn mạnh đến phát triển kinh tế biển bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) biển. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (2007), Chiến lược (2013) và Kế hoạch hành động quốc gia (2014) về tăng trưởng xanh đến năm 2020, đang được triển khai trên phạm vi cả nước, cũng đều nhấn mạnh đến ‘Vốn thiên nhiên’, bao gồm vốn thiên nhiên biển.

          Với tư cách là một quốc gia biển, thời gian qua Việt Nam đã chú trọng đến việc bảo vệ sự phong phú của các hệ sinh thái (HST) biển quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho toàn vùng biển; bảo vệ môi trường sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thủy hải sản, các loài hoang dã (ví dụ Rùa biển); bảo vệ các cảnh quan biển, ven biển và đảo, nét đẹp độc đáo của thiên nhiên biển; bảo toàn vốn thiên nhiên biển,…Các quy hoạch khác nhau cũng đã được thực hiện để phục vụ các hoạt động bảo tồn ĐDSH biển như vậy, tuy nhiên đến nay vẫn còn thiếu vắng một ‘Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển’ theo đúng nghĩa của nó.

          Bài viết này giới thiệu một số nỗ lực liên quan đến quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển ở Việt Nam, trên cơ sở đó kiến nghị một số vấn đề và cách tiếp cận để hoàn thiện quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển nói trên.

2015-11-01_202442

1.1. Nhu cầu quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam

          Trong vùng biển Việt Nam đã phát hiện được hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu HST điển hình và thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trong đó có 3/6 vùng đa dạng sinh học biển và biển ven bờ là Hoàng Sa – Trường Sa, Hải Vân – Đại Lãnh và Đại Lãnh- Vũng Tàu có mức ĐDSH cao hơn các vùng còn lại[2].

Trong tổng số loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó trên 100 loài cá kinh tế; cá rạn san hô (reef fish) dao động trong khoảng 152-528 loài tùy thuộc vào địa điểm khảo sát; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 225 loài tôm biển; 94 loài thực vật ngập mặn; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài động vật và thực vật trên các hải đảo. Có thể nói, tổng số loài đã biết nói trên chắc chắn còn thấp hơn số lượng thực tế vì công tác điều tra-nghiên cứu về ĐDSH biển và ven biển chưa được tiến hành định kỳ, đặc biệt đối với các đảo nhỏ[3]. Cập nhật gần đây của Võ Sĩ Tuấn (2014)[4] cho thấy vùng biển Việt Nam có tính đa dạng loài san hô tạo rạn cao hơn so với những ghi nhận trước đây: 454 loài so với 350 và 397 loài do 2 học giả nước ngoài công bố. Trong đó, số loài san hô tạo rạn của từng vùng biển là: Tây vịnh Bắc Bộ (176 loài), Miền Trung (252), Hoàng Sa (201), Miền Nam (406), Trường Sa (333) và Tây Nam Bộ (251).

          Như trên đã nói, trong vùng biển-ven biển nước ta hiện diện trên 20 kiểu HST tiêu biểu, trong đó có những HST đặc trưng cho miền khí hậu nhiệt đới và có tầm quan trọng đặc biệt, như: rạn san hô (RSH) phân bố rộng khoảng 1.122 km2, chưa tính ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; rừng ngập mặn (RNM) còn khoảng 252.500 hecta, phân bố tập trung ở ven biển đồng bằng sông Cửu Long (191.800 ha); thảm cỏ biển (TCB) phân bố từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 đến 20m, tổng diện tích khoảng trên 5.583 ha; khoảng 100.000 ha đầm phá và vịnh kín, và 290.000 ha bãi triều lầy[5]. Đây là các sinh cảnh tự nhiên (habitat), là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật biển, là bãi đẻ và ươm nuôi ấu trùng, là nơi cung cấp nguồn giống tự nhiên để duy trì và phát triển nguồn lợi thủy sản của biển Việt Nam.

          Dải ven biển nước ta còn có các loại đất, phần lớn bị nhiễm mặn và có các thủy vực với bản chất môi trường nước lợ. Ở đây có mặt các HST đất ngập nước và nhiều vùng đất trũng thấp (lowland) khác nhau về bản chất, dễ bị tổn thương bởi các hoạt động của con người và thiên tai, đặc biệt là nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Đây là một trong những khu vực đặc trưng về ĐDSH, phong phú các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và cũng là nơi tập trung sôi động các hoạt động phát triển của con người. Đáng chú ý là tiềm năng của các HST đất ngập nước triều (tidal wetland) có chức năng và vai trò sinh thái rất quan trọng và cũng là đối tượng khai thác từ nhiều năm nay của người dân ven biển.

          Các giá trị dịch vụ của HST biển – ven biển, bao gồm giá trị để bảo đảm an ninh thực phẩm đối với khoảng gần 1 tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào đánh bắt thủy sản. Thí dụ, lợi nhuận từ đánh bắt cá RSH lên đến 5,7 tỷ USD/năm, RNM cho khoảng 170.000 USD/km2; giá trị dịch vụ giải trí ở vùng RSH một năm thu được khoảng 9,6 tỷ USD. Còn ở khu vực Đông Nam Á, giá trị dịch vụ từ nghề cá ven bờ bền vững đã giúp giải quyết việc làm cho 55% số dân sống ởvùng ven biển và các đảo ven bờ[6]. Có 3 đặc tính khiến cho chức năng và các giá trị dịch vụ của các HST biển – ven biển có tầm quan trọng đặc biệt: (i) Tính không thay thế (khi bị tổn thất), (ii) Tính không thể phục hồi nguyên trạng (khi bị phá hủy) và (iii) Nguy cơ cao (tổn thất của HST tiềm tàng một mối nguy đối với sự phồn vinh của con người). Các HST ven biển còn được ví là ’Cơ sở hạ tầng tự nhiên’ trong bảo vệ bờ biển, bảo đảm an sinh xã hội và tính mạng của người dân địa phương khỏi các tác động của thiên tai biển, lũ lụt, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, kể cả sóng thần. Vì thế, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã khuyến cáo bằng một thông điệp – ’Đầu tư cho các HST vùng bờ biển là đầu tư cho tương lai’[7].

          Giá trị và lợi nhuận thuần thu được từ bảo tồn ĐDSH ở vùng biển và ven biển nước ta rất lớn: cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nền kinh tế với trữ lượng khoảng 5,3 triệu tấn cá biển và khả năng khai thác bền vững là 2,3 triệu tấn/năm (chưa tính đến trữ lượng tôm biển, mực và các loài sinh vật đáy trong vùng triều)[8]. Liên quan tới các HST đã xác định được 15 bãi cá lớn, trong đó có 12 bãi cá phân bố ở vùng biển ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, cũng như các bãi tôm quan trọng ở vùng biển sát bờ thuộc vịnh Bắc Bộ và biển tây Nam Bộ. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta thường phân đàn nhưng không lớn (đàn cá nhỏ kích thước dưới 5 x 20m chiếm 84%) và nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài” – nghề cá nhỏ tồn tại cùng với nghề cá thương mại (nghề cá lớn)[9].

          Tiềm năng sinh vật biển, ven biển và hải đảo như vậy đã tạo ra các giá trị bảo tồn biển rất cao và cung cấp tiền đề quan trọng cho phát triển ngành thuỷ sản, nghề cá giải trí và du lịch biển-ven biển, bao gồm du lịch lặn, cũng như một nền kinh tế xanh dựa vào biển (ocean-based blue economy) ở nước ta[10]. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thuỷ sản khai thác đã được cung cấp từ vùng biển ven bờ và vùng nước lợ ven biển, đáp ứng một lượng protein quan trọng cho người dân. Ngoài ra, các HST biển và kinh tế biển đang là chỗ dựa sinh kế cho gần 20 triệu người dân sống trong 125 huyện ven biển và 14 huyện đảo ở nước ta.

          Mặc dù có tiềm năng và lợi thế, nhưng ĐDSH biển, đảo và vùng ven biển nước ta đang phải đối mặt với những đe dọa của chính các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội và thiên tai, bao gồm biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đáng lưu ý là các tác động đến ĐDSH biển từ nguồn đất liền do các sức ép từ tăng trưởng “nóng” thiếu kiểm soát và thiếu liên kết, cũng như sự gia tăng dân số trên các lưu vực sông và vùng ven biển. Các HST nói trên bị tác động nghiêm trọng, nhiều nơi không có khả năng phục hồi hoặc phụ hồi chậm, ĐDSH biển bị mất nhanh chóng, vùng biển ven bờ bị ô nhiễm và sự cố tràn dầu tăng, các habitat của các loài bị phá hủy mạnh do khai thác quá mức và do tác động của thiên tai trong đó có biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang hiện hữu[11].

          Các mối đe doạ chung đối với ĐDSH Việt Nam[12]cũng quan sát thấy đối với ĐDSH biển là: (i) Chuyển đổi mục đích sử dụng đất vùng nước lợ ven biển và mặt nước biển ven bờ một cách thiếu cơ sở khoa học; (ii) Khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản nước lợ và mặn, cũng như các giá trị tài nguyên sinh vật biển, đảo và vùng ven biển; (iii) Du nhập các loài sinh vật biển ngoại lai xâm hại (được biết đến ít hơn trên đất liền); (iii) Ô nhiễm và suy thoái môi trường biển, đảo và vùng ven biển; (iv) Biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương (nước biển dâng, axít hoá nước biển, thiếu ôxy,…); (v) Sức ép từ gia tăng dân số và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng biển, ven biển và trên các đảo; (vi) Mức tiêu thụ tài nguyên biển-ven biển ngày càng tăng; (vii) Quản lý ĐDSH biển-ven biển còn nhiều bất cập.

          Những vấn đề trên cùng với cơ sở hạ tầng nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn, nhận thức của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và quản lý tài nguyên biển còn thấp và thiếu sự tham gia của cộng đồng người dân địa phương trong việc lập kế hoạch và quản lý các khu bảo tồn biển (KBTB) đã hạn chế công tác quản lý ĐDSH biển và hiệu quả của hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển[13]. Đặc biệt, theo thông báo của E. D. Gomez (2015): Tính đến cuối tháng 7/2015, Trung Quốc đã san lấp (“khai phá”) mở rộng trên 1.200 hecta ‘đảo nhân tạo’ và phá hủy nhiều ngàn hecta RSH để lấy làm vật liệu tôn tạo các ‘đảo nhân tạo’ như vậy ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc làm này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia ven Biển Đông, bao gồm chính Trung Quốc, với số tiền ước tính khoảng 400 triệu USD một năm[14].

          Nếu Trung Quốc không dừng hoạt động khai phá và bồi đắp các bãi cạn thì thiệt hại còn tiếp tục tăng. Các hành vi trên của Trung Quốc không chỉ làm thay đổi cấu trúc và chức năng tự nhiên vốn có của các bãi cạn, các đá RSH và RSH vòng (alton) ở quần đảo Trường Sa, mà còn ‘cắt đứt’ mối liên kết sinh thái giữa quần đảo này với phần còn lại của Biển Đông. Điều này, sẽ gây ảnh hưởng rộng hơn đến khả năng cung cấp dinh dưỡng, nguồn giống và nguồn lợi thủy sản cho phần lớn Biển Đông và các vùng biển phụ cận của các quốc gia trong khu vực biển này. Trữ lượng hải sản khu vực quần đảo Trường Sa và phía tây Biển Đông giảm khoảng 16% so với trước năm 2010[15].

          Đến nay cũng ghi nhận khoảng 100 loài sinh vật biển nước ta có nguy cơ đe dọa và quý hiếm đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ IUCN để yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ. Trong các loài được đưa vào Sách đỏ có 37 loài cá biển, 6 loài san hô, 5 loài da gai, 4 loài tôm rồng, 1 loài sam, 21 loài ốc, 6 loài hai mảnh vỏ, 3 loài mực. Đáng chú ý nhất là các loài Lưỡng tiêm (Amphioxus belcheri) ở vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng), cá Nhám voi (Rhincodon typus), cá Nhám đuôi dài (Alopias pelagicus), cá Nhám lông nhung (Cephaloscyllium umbratile), cá Nhám nâu (Etmopterus lucifer), cá Đao (Pristis cuspidatus), cá Đao răng nhỏ (Pristis microdon), cá Giống mõn tròn (Rhina ancylostoma), San hô trúc (Isis hippuris), Cầu gaiđá (Heterocentrotus mammillatus), Hải sâm mít (Actinopyga echinites), Hải sâm vú (Microthele nobilis), Tôm hùm sen (Panulirus versicolor), Bào ngư (Haliotis deversicolor), Ốc đụn cái (Trochus niloticus), Ốc sứ bản đồ (Cypraea mappa), Ốc sứ Trung Hoa (Blasicrura chinensis), Trai tai tượng khổng lồ (Tridacna gigas) và Ốc anh vũ (Nautilus pompilus)[16].

          Số liệu khảo sát RSH ở vùng biển ven bờ Việt Nam cho thấy độ phủ của san hô trên các rạn ở trạng thái không tốt. Nhìn chung, độ phủ RSH sống ở miền bắc nước ta đã giảm khoảng 25-50%. Theo tiêu chí đánh giá RSH của IUCN, chỉ khoảng 1% các rạn đã được nghiên cứu ở miền Nam nước ta còn ở tình trạng rất tốt. RSH ở tình trạng xấu chiếm khoảng 31% và các rạn ở tình trạng tương đối tốt và tốt chiếm tỷ lệ tương ứng là 41% và 26%[17]. Tình trạng tương tự cũng thấy đối với HST RNM và TCB với tốc độ mất rừng và bị thu hẹp diện tích ở mức báo động. Trong bối cảnh nước biển dâng, hậu quả của mất dần các HST biển-ven biển quan trọng dẫn đến giảm sức chống đỡ của vùng bờ biển, tăng xói lở bờ biển và tác động xấu đến đời sống dân sinh ven biển.

          Trước tình hình nói trên, Chính phủ đã ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai. Đồng thời các thách thức, đe dọa nói trên cũng đặt ra nhu cầu cấp bách phải tăng cường công tác quản lý ĐDSH biển và phải áp dụng các công cụ mới, trong đó quy hoạch bảo tồn ĐDSH biển phải là một hành động đi trước một bước so với các hoạt động phát triển (đầu tư, khai thác, sử dụng,…). Theo một nghĩa chung ‘Quy hoạch bảo tồn ĐDSH biển là luận chứng, lựa chọn phương án bảo tồn ĐDSH bền vững trong thời kỳ dài hạn trên phạm vi lãnh thổ quốc gia và địa phương’[18]. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch cần chú ý đến các đặc thù của môi trường sinh thái biển khác với trên đất liền, như: tính “thụ động” của các loài sinh vật biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thủy động lực của môi trường biển, tính di cư (migration) của sinh vật biển và quan hệ không gắn bó của sinh vật biển với nơi cư trú tự nhiên của chúng. Cho nên, muốn quản lý, bảo tồn và chia sẻ lợi ích từ ĐDSH biển, cần ưu tiên quản lý các nơi cư trú tự nhiên của các loài và hành vi khai thác (người và phương tiện khai thác) nguồn lợi ĐDSH biển.

1.2. Thực trạng quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển ở nước ta

          Bảo tồn biển, vùng ven biển và các HST trong chúng cung cấp “cơ sở tài nguyên” cho phát triển bền vững kinh tế biển nói chung và các ngành kinh tế ‘dựa vào bảo tồn’, trước hết là nghề cá và du lịch biển. Đây là hai lĩnh vực kinh tế gắn chặt với phúc lợi của người dân ven biển và trên các đảo, đồng thời cũng là các lĩnh vực kinh tế biển ưu tiên phát triển trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020[19].

          Có thể nói, duy trì được ĐDSH, các giá trị dịch vụ của HST và các loài sinh vật biển chính là giữ cho vùng biển không trở thành ‘thuỷ mạc’, bảo toàn vốn tự nhiên biển để ổn định 2 ngành kinh tế du lịch và nghề cá cũng như các lĩnh vực dịch vụ đi kèm. Cho nên, cần xem bảo tồn biểnvà phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong phát triển bền vững hướng tới hình thành một nền kinh tế biển xanh ở nước ta[20].

          Hoạt động bảo tồn ĐDSH biển đã được thực hiện ở các cấp độ khác nhau: loài, HST và nguồn gen, nhưng trong thực tế các loài và nguồn gen thường cư trú trong các kiểu, loại HST và các habitat nhất định. Cho nên, bên cạnh các nỗ lực bảo vệ các loài và nguồn gen, người ta ưu tiên cao cho quản lý và bảo tồn các HST, đặc biệt trong quản lý biển, vùng ven biển. Cách tiếp cận dựa vào ‘vùng’ (area-based approach) thường được áp dụng cho quá trình quản lý và quy hoạch bảo tồn ĐDSH biển trên thế giới và ở Việt Nam. Về bản chất, đây cũng là cách tiếp cận trong ‘Quy hoạch không gian biển’ (Marine Spatial Planning – MSP) dựa vào HST mà một trong những công cụ quan trọng của nó là ‘Phân vùng chức năng biển’ (Marine Function Zoning – MFZ)[21].

       Trên thế giới, ý tưởng ban đầu về MSP xuất phát cách đây khoảng 30 năm ở Công viên biển quốc tế Dải san hô lớn (Great Barrier Reef International Marine Park) thuộc biển San Hô, đông bắc Australia. Theo đó, người ta đã chia không gian biển trong phạm vi Công viên biển quốc tế này ra thành các “đơn vị không gian” (vùng/khu vực biển) để quản lý, sử dụng hiệu quả và thích ứng với chức năng tự nhiên của từng vùng[22]. Bảo tồn ĐDSH biển là một trong những đối tượng tiềm năng đối với áp dụng MSP với công cụ MFZ nói trên, hay nói cách khác MSP đóng vai trò quan trọng trong quá trình quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển (Hộp 1).

          Theo NOAA (2009): MSP là một qúa trình quy hoạch không gian toàn diện, tích hợp, có tính minh bạch, có tính thích nghi, dựa vào hệ sinh thái, có căn cứ khoa học nhằm mục đích phân tích hiện trạng và dự báo tương lai đối với việc sử dụng, khai thác biển và đại dương. Nó sẽ xác định các vùng thích hợp nhất đối với các dạng hoạt động khác nhau nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, thuận tiện trong việc sử dụng, khai thác, tăng tính hiệu quả về kinh tế – xã hội và an ninh. MSP không chỉ đề cập đến các vấn đề về kinh tế, như các tuyến hàng hải, khai thác dầu khí, v.v mà còn cả những vấn đề về môi trường và các giá trị văn hóa[23]. MSP được nhấn mạnh là một quá trình phân tích và phân bổ (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện) các hoạt động của con người theo không gian và thời gian ở các vùng biển nhất định để đạt các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái và thường được cụ thể hóa dưới dạng một quy định chính sách[24].

          Trong thực tế, các khu vực phân bố ĐDSH biển thường chịu tác động chủ yếu từ các khu vực bên ngoài, thậm chí từ các khu vực lân cận. Cho nên, tiếp cận quản lý biển theo không gian đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn ĐDSH biển và MFZ dựa vào HST chính là công cụ hữu hiệu trong quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển ở cấp quốc gia để thực hiện mục tiêu Aichi theo tinh thần của Công ước ĐDSH. MSP với công cụ MFZ sẽ cung cấp cho các quốc gia, cácđịa phương một phương thức để duy trì các giá trị ĐDSH biển trong khi vẫn cho phép khai thác bền vững tiềm năng kinh tế của biển và vùng ven biển[25].

Hộp 1: Một số hoạt động liên quan đến bảo tồn ĐDSH biển cần áp dụng MSP và MFZ

– Phân vùng ĐDSH biển (marine biodiversity zoning);

– Quy hoạch hệ thống KBTB quốc gia (national MPA system planning);

– Phân vùng chức năng trong quản lý KBTB (function zoning for MPA management);

– Phân vùng sử dụng không gian biển và vùng bờ biển (coastal and marine spatial use zoning);

– Thiết lập các khu bảo tồn giống thủy sản (marine refugia);

– Thiết lập các vùng biển đặc biệt nhậy cảm theo Công ước MARPOL (particularly sensitive sea area – PSSA);

– Thành lập các khu dự trữ biển (marine sanctuary);

– Thành lập các khu dự trữ sinh quyển biển-ven biển (coastal/marrine biospher-reserve)

– Thành lập các khu RAMSAR ven biển (RAMSAR site)

– Thành lập các Khu Di sản biển – ven biển (coastal marine heritage)

– Thiết lập các điểm nóng đa dạng sinh học biển-ven biển (coastal-marine biodiversity hotspot)

Nguồn: Nguyễn Chu Hồi, Bùi Thu Hiền, 2014. Quy hoạch không gian trong bảo tồn ĐDSH biển. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học biển và Phát triển bền vững lần thứ II, trang 315-322. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

          Vấn đề MSP ở Việt Nam cũng được nhìn nhận cùng với vấn đề MFZ với tư cách là một bước trong quá trình quy hoạch[26]. Trong quản lý và bảo tồn ĐDSH biển ở cấp quốc gia ở Việt Nam, tiếp cận MSP mà cụ thể là công cụ MFZ đã được áp dụng để phân vùng ĐDSH biển phục vụ quy hoạch hệ thống KBTB biển từ những năm 1998 và 2004. Áp dụng quy hoạch không gian trong quá trình thiết lập hệ thống KBTB Việt Nam đã được thể hiện trong các bước cơ bản sau: (i) Xác định vị trí địa sinh vật biển Việt Nam trong thang phân loại quốc tế (Hình 1), (ii) Lập bản đồ phân vùng ĐDSH biển, (iii) Xác định các cụm/khu vực biển hoặc biển-đảo có tiềm năng bảo tồn cao trong từng vùng ĐDSH biển, (iv) Phân hạng tương đối tiềm năng bảo tồn biển ở các địa điểm khảo sát trong mỗi cụm biển, (v) Lựa chọn các địa điểm ưu tiên đưa vào quy hoạch hệ thống KBTB, (vi) Phân vùng và xây dựng quy chế quản lý (chung ở cấp quốc gia) cho từng phân khu chức năng trong mỗi KBTB[27].

          Phân vùng ĐDSH biển đã được Nguyễn Huy Yết (2003)[28] thực hiện trong khuôn khổ đề tài ‘Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020’. Phân vùng ĐDSH biểnđã giúp chẩn đoán sơ bộ tiềm năng bảo tồn ở các vùng ĐDSH biển khác nhau và định hướng cho quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam. Tiêu chí cơ bản để tiến hành phân vùng này là: nhiệt độ và độ muối của nước biển, dòng chảy biển, điều kiện địa chất (bao gồm trầm tích bề mặt đáy biển), chế độ lắng đọng trầm tích, chỉ số ĐDSH cấp loài, cấu trúc khu hệ động và thực vật biển, và mối liên kết sinh thái. Thông tin về các thông số này được thu thập từ các nguồn hiện có, nguồn thứ cấp và cập nhật bổ sung bằng phương pháp lặn SCUBA khảo sát trực tiếp.

2015-11-01_201645

Hình 1: Vị trí địa sinh vật biển Việt Nam và phụ cận trong Hệ thống phân loại của Hayden (trong tài liệu đã dẫn số 28). Ghi chú: A,B,C,D là các miền địa sinh vật biển ven bờ; I,II,III,IV là các miền địa sinh vật đại dương.

          Dựa trên các tiêu chí như vậy, biển Việt Nam và phụ cận (phụ thuộc mối liên kết sinh thái) đã được sơ bộ phân chia ra làm 6 vùng ĐDSH biển khác nhau về tiềm năng bảo tồn: Vùng 1 – Vùng biển Tây vịnh Bắc Bộ (từ Móng Cái đến Cồn Cỏ), Vùng 2 – Vùng biển Trung Trung bộ (từ Cồn Cỏ đến mũi Đại Lãnh), Vùng 3 – Vùng biển Nam Trung bộ (từ mũi Đại Lãnh đến Vũng Tàu), Vùng 4 – Vùng biển Đông Nam bộ (từ Vũng Tàu đến mũi Cà Mau), Vùng 5 – Vùng biển Tây Nam bộ (từ mũi Cà Mau đến Hà Tiên) và Vùng 6 – Vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa (Hình 2).

          Cũng theo Nguyễn Huy Yết (2003), kết quả nghiên cứu nhiều năm khu hệ san hô cho phép xác định ranh giới tương đối giữa các phân vùng ĐDSH biển nói trên. Ví dụ, giữa vùng I và II là đảo Cồn Cỏ với 2 giống san hô Seriatopora và Pocillopora không được phát hiện; giữa hai vùng phân bố Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ là mũi Varella với sự có mặt của một số giống san hô như Blastomussa, Autralomussa, Catalaphyllia, Gardineroseris được phát hiện; giới hạn vùng biển Tây Nam Bộ nằm trong vịnh Thái Lan, nơi có chế độ nhiệt cũng như mức độ giao lưu với đại dương khác biệt rõ rệt so với vùng biển phía đông nam Việt Nam là mũi Cà Mau; giữa hai vùng phân bố Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ là Vũng Tàu với sự khác biệt về mức độ ảnh hưởng của sông Mêkông; vùng biển ngoài khơi Việt Nam (quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa) được xếp là một vùng ĐDSH biển tách khỏi vùng biển ven bờ do sự khác biệt về chế độ nhiệt, có mặt giống san hô Heliofungia (ở Hoàng Sa) và Acrhelia (ở phía tây quần đảo Trường Sa) – chỉ phân bố ở những vùng có độ giàu có thành phần giống rất cao thuộc trung tâm đa dạng.

2015-11-01_201829

Hình 2: Các vùng ĐDSH biển (I-VI), các cụm biển-đảo tiềm năng bảo tồn cao (mầu xám) và vị trí 16 KBTB Việt Nam (hình tam giác)[29].

          Dựa trên phân loại hệ thống đảo ven bờ Việt Nam của Lê Đức An (2008)[30] và các tài liệu khác, cũng như tiêu chí cơ bản như tính đa dạng của habitat biển, tình trạng HST, cảnh quan biển, đảo và vùng ven biển trong mỗi vùng ĐDSH biển đã chia ra 7 cụm/khu vực biển – đảo (đơn vị không gian) có tiềm năng bảo tồn cao ưu tiên quy hoạch bảo tồn đến năm 2020. Đó là các khu vực biển-đảo: (i) Khu vực Cô Tô – đảo Trần (Quảng Ninh), (ii) Khu vực vịnh Bái Tử Long – vịnh Hạ Long – Cát Bà – Long Châu (Quảng Ninh, Hải Phòng), (iii) Khu vực Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), (iv) Khu vực Hòn Mê (Thanh Hóa), (v) Khu vực Hòn La – Cồn Cỏ (Quảng Bình, Quảng Trị), (vi) Khu vực hòn Sơn Chà – Lý Sơn (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam), (vii) Khu vực Khánh Hòa – Côn Đảo (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu), (xiii) Khu vực An Thới – Phú Quốc (Kiên Giang) và (ix) Khu vực Nam Yết (Trường Sa – Khánh Hòa) (Hình 2).

          Trong các khu vực/cụm biển – đảo, căn cứ vào kết quả điều tra ĐDSH cấp loài và các đe dọa (hiện tại và tiềm năng) đã tiến hành phân hạng tương đối tiềm năng bảo tồn biển của từng đại điểm khảo sát dựa theo tỷ lệ giữa ‘Tổng đa dạng/Tổng đe dọa’. Trên cơ sở đó đã tiến hànhcho điểm để xếp thứ tự ưu tiên đối với từng địa điểm dựa trên cơ sở xem xét tương quan giữa nhóm các tiêu chí phản ánh tác động tích cực và tiêu cực đến mục đích bảo tồn. Theo đó, ở mỗi địa điểm, từng yếu tố thuộc hai nhóm trên đều được đánh giá ở ba mức tương ứng với thang điểm: 1 (mức thấp), 2 (trung bình) và 3 (cao). Hiệu số giữa tổng số điểm của nhóm yếu tố tích cực và tiêu cực là điểm phân hạng ưu tiên cho 16 KBTB đề xuất quy hoạch và sau đó được Thủ tưởng phê duyệt trong quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 (Hình 2, Bảng 1).

Bảng 1: Danh mục hệ thống 16 KBTB trong quy hoạch đến năm 2020

STT Tên KBTB/Tỉnh Kiểu loại theo IUCN Tổng diện tích /diện tích biển (ha)
1 Đảo Trần / Quảng Ninh III 4200/3900
2 Đảo Cô Tô/ Quảng Ninh II 7850/4000
3 Cát Bà/ Hải Phòng I 20.700/10.900
4 Bạch Long Vĩ / Hải Phòng III 20.700/10.900
5 Hòn Mê / Thanh Hóa III 6700/6200
6 Cồn cỏ/ Quảng Trị II 2.490/2140
7 Sơn chà-Hải vân / Thừa Thiên-Huế II 17.039/7626
8 Cù lao chàm / Quảng Nam I 8265/6.716
9 Lý sơn / Quảng Ngãi III 7.925/7113
10 Vịnh Nha trang / Khánh Hòa I 15.000/12.000
11 Đảo Nam yết / Khánh Hòa II 35.000/20.000
12 Núi Chúa/Ninh Thuận I 29.865/7352
13 Đảo Phú Quý  /Bình Thuận III 18.980/16.680
14 Hòn Câu/ Bình Thuận II 12.500/12.390
15 Côn Đảo / Bà rịa-Vũng tàu I 29.400/23.000
16 Phú Quốc / Kiên Giang II 33.657/18.700
Tổng diện tích 270.271/169.617

Ghi chú: Kiểu loại KBTB – I là Vườn Quốc gia biển, II là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh và III là Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh[31]

          Hệ thống 16 KBTB nói trên chiếm diện tích khoảng 270.271 hecta, bằng khoảng 0,3% diện tích vùng biển Việt Nam. Khoảng 70.000 ha RSH, 20.000 ha TCB và một phần RNM, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý trong phạm vi các KBTB đến năm 2020 đã được quy hoạch[32]. Như vậy hệ thống KBTB quốc gia đầu tiên này mang tính đại diện cho toàn vùng biển và nếu được quản lý tốt sẽ tạo ra ‘cân bằng sinh thái’ trong toàn vùng biển. Đến năm 2020 sẽ tiếp tục quy hoạch mở rộng diện tích vùng biển được bảo tồn.

          Dự báo các KBTB sau 5 năm quản lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng phục hồi trong KBTB và những năm sau đó sẽ xuất hiện hiệu ứng tràn (spillover effect), phát tán nguồn giống và dinh dưỡng ra toàn khu vực biển xung quanh KBTB. Bài học thực tế của Philipin cho thấy có loàiphát tán ra xa KBTB đến 500km, thậm chí 1000km. Khi đó, vùng biển quốc gia không chỉ được cân bằng về mặt quá trình sinh thái mà còn được làm giàu về mặt nguồn giống và nguồn lợi thủy sản, tạo thế đi lên vững chắc của kinh tế biển. Đó cũng chính là lợi ích đích thực và trực tiếp của việc thiết lập và quản lý hiệu quả KBTB[33].

          Cần nhấn mạnh rằng, để dễ dàng cập nhật bổ sung thông tin theo thời gian phù hợp với yêu cầu cụ thể của công tác quản lý, một bộ ‘Hồ sơ’mô tả cô đọng các thông tin nhận dạng đối với từng KBTB theo mẫu thống nhất của cuốn “Thông tin về các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam” (2001)[34].

          Trong quản lý KBTB, vấn đề sử dụng không gian và tài nguyên biển đã căn cứ vào sơ đồ phân vùng với các đơn vị phân vùng chức năng chính như: vùng lõi (cấm nghiêm ngặt), vùng phục hồi sinh thái, vùng đệm (khai thác hạn định) và vùng phát triển cộng đồng (sử dụng đa mục tiêu). Cần chú ý rằng, khác với trên đất liền, trong một KBTB thường có thể có ‘vùng đệm trong’ (nằm ngay trong KBTB) và ‘vùng đệm ngoài’ (bao quanh KBTB). Ví dụ, phân vùng chức năng phục vụ quản lý KBTB đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam là KBTB Hòn Mun (2004) và nay là KBTB vịnh Nha Trang. Tại KBTB này người ta đã chia ra: vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng chuyển tiếp và vùng phát triển. Kết quả kế hoạch phân vùng quản lý KBTB Hòn Mun (Hình 3) đã được UBND tỉnh Khánh Hòa thông qua sau khi tham kiến các bên liên quan và ý kiến cuối cùng của Bộ Thủy sản (trước đây).

2015-11-01_201944

Hình 3: Sơ đồ phân vùng KBTB Hòn Mun, vịnh Nha Trang, Khánh Hòa (theo Võ Sĩ Tuấn, 2003[35])

II. KẾT LUẬN

          Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển cấp quốc gia ưu tiên áp dụng cách tiếp cận quản lý dựa vào vùng (area-based management), trong khi MSP được tiến hành theo cách tiếp cận dựa vào HST (ecosystem-based approach). MFZ là bước quan trọng trong quá trình MSP và cũng là công cụ chính thực hiện kế hoạch quản lý một KBTB cụ thể. Vì thế, quy hoạch bảo tồn ĐDSH biển cấp quốc gia nên sử dụng MSP như là cách tiếp cận và công cụ trợ giúp kỹ thuật trong quá trình quy hoạch.

          Việc áp dụng MSP và công cụ MFZ trong công tác bảo tồn ĐDSH biển cấp quốc gia nói trên mới chỉ cho kết quả ban đầu, để có được một ‘Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển’ mà sản phẩm của nó là một ‘Kế hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển’ theo đúng nghĩa của nó, cần phải tiến hành toàn diện hơn, đề cập đến nhiều nội dung hơn trong nhiệm vụ bảo tồn ĐDSH biển. Đặc biệt, phải dựa trên các thông tin đầu vào mang tính hệ thống và cập nhật hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2014. Luật Đa dạng sinh học. Luật số: 20/2008/QH12

[2] Nguyen Chu Hoi, Dang Ngoc Thanh, Nguyen Huy Yet, 2000. The Scientific Baselines of Marine Protected Area System Planning in Viet Nam. Published by IUCN Vietnam, Ha Noi.

[3] Nguyễn Chu Hồi và Nnk, 2013. Giáo dục Tài nguyên và Môi trường biển và hải đảo Việt Nam. Dự thảo sách chuyên khảo, lưu trữ tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.

[4] Võ Sĩ Tuấn, 2014. Khu hệ san hô tạo rạn biển Việt Nam. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học biển và Phát triển bền vững lần thứ II, trang 315-322. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

[5] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – GIZ, 2013. Dự thảo báo cáo nhóm A về các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Lư trữ tại Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Hà Nội.

[6] FAO, 2012. The state of world fisheries and aquaculture 2012. FAO publication, Rome, Italy.

[7] IUCN, 2012. Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ – đầu tư cho tương lai. IUCN xuất bản, Hà Nội.

[8] Nguyễn Chu Hồi, 2012. Thực trạng và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 28, Số 4S (2012) 77-86, Hà Nội.

[9] Nguyễn Chu Hồi (Chủ biên), 2007. Chinh sách ngành thủy sản Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

[10] Nguyễn Chu Hồi, 2014. Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 10/2014, trang 33-39, Hà Nội.

[11] Nguyễn Chu Hồi, Bùi Thu Hiền, 2014. Quy hoạch không gian trong bảo tồn ĐDSH biển. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học biển và Phát triển bền vững lần thứ II, trang 315-322. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

[12] Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2014. Báo cáo quốc gia lần thứ 5 thực hiện Công ước ĐDSH giai đoạn 2009-2013 (Trình Ban Thư ký Công ước ĐDSH). Hà Nội.

[13]Nguyễn Chu Hồi, Bùi Thu Hiền, 2014. Quy hoạch không gian trong bảo tồn ĐDSH biển. Tuyển tập Hội nghị Khoa học toàn quốc về Sinh học biển và Phát triển bền vững lần thứ II, trang 315-322. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội.

[14] E.D. Gomez, 2015. Compromising Biodiversity and Economic Productivity in the Bien Dong Sea. Report in Scientific Seminar on Bien Dong sea’s Environment and Human Behavious. Hai Phong.

[15] Nguyễn Quang Hùng, Vũ Việt Hà, 2015. Nguồn lợi hải sản biển Việt Nam và một số hoạt động ảnh hưởng đến khả năng tái tạo nguồn lợi. Báo cáo tại Tọa đàm khoa học về Môi trường Biển Đông và Ứng xử của con người. Hải Phòng.

[16] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – GIZ, 2013. Dự thảo báo cáo nhóm A về các khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Lư trữ tại Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Hà Nội.

[17] Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2008. Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020, Báo cáo cuối cùng, lưu trữ tại Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Hà Nội.

[18] Tổng cục Môi trường, 2013. Hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban hành kèm theo Công văn Số 655/TCMT-ĐDSH, ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Tổng Cục Môi trường, Hà Nội.

[19] Ban chấp hành TW Đảng khoá X, 2007. Nghị quyết 09/2007/NQ-TW về ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020. Hà Nội.

[20] Nguyễn Chu Hồi, 2014. Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam. Tạp chí Lý luận Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, số 10/2014, trang 33-39, Hà Nội.

[21] Elhler B. and Fanny D. (IOC/UNESCO), 2009. Quy hoạch không gian biển: tiếp cận từng bước hướng tới quản lý dựa vào hệ sinh thái. Tài liệu dịch ra tiếng Việt (2010) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành, Hà Nội.

[22] Jon C. Day, 2002. Zoning – Lessons from the Great Barrier Reef Marine Park. International Journal on Ocean and Coastal Management 45 (2002), 139-156, Elsevier.

[23] NOAA, 2009. Coastal and Marine Spatial Planning. http://www.cmsp.noaa.gov/.

[24] Đã dẫn ở tài liệu tham khảo 21.

[25] Nguyen Chu Hoi, 2012. Coastal and marine biodiversity protection through marine protected area (MPA) management in integrated coastal management (ICM) framework to achieve Aichi Targets in Vietnam. Paper in EAS-2012 workshop proceedings, Changwon, R. Kerea.

[26] Nguyễn Chu Hồi và nnk, 2013. Quy hoạch không gian biển và vùng bờ. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 100 trang, Hà Nội.

[27]Nguyen Chu Hoi, 2014. Application of spatial planning in establishing a system of marine protected areas for sustainable fisheries management in Vietnam. J.Mar. Biol. Ass. India (JMBAI), 56 (1), 28-33, January-June 2014, Kochi, Kerala, India.

[28] Nguyễn Huy Yết, 2003. Vị trí địa sinh vật và các phân vùng đa dạng sinh học biển Việt Nam. Báo cáo chuyên đề của đề tài ‘Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020’, lưu trữ tại Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Hà Nội.

[29] Nguyễn Chu Hồi, 2012. Thực trạng và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 28, Số 4S (2012) 77-86, Hà Nội.

[30] Lê Đức An, 2008. Hệ thống các đảo ven bờ Việt Nam: Tiềm năng phát triển. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên, Hà Nội.

[31] Quốc hội Việt Nam, 2003. Luật Thủy sản. Hà Nội.

[32]Chính phủ Việt Nam, 2010. Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 phê duyệt Hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020. Hà Nội.

[33] Nguyễn Chu Hồi, 2012. Thực trạng và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ 28, Số 4S (2012) 77-86, Hà Nội.

[34] BirdLife/EU/FIPI, 2001. Thông tin các khu bảo vệ hiện có và đề xuất ở Việt Nam. Tập I,II, Hà Nội.

[35] Võ Sĩ Tuấn, 2003. Tình trạng thiết lập và quản lý các KBTB Việt Nam. Báo cáo chuyên đề của đề tài ‘Quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020’, lưu trữ tại Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Hà Nội.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *