Tác động môi trường từ hoạt động khai thác đá vôi

4.7/5 – (41 votes)

1. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ

Khai thác đá là một trong những hoạt động sản xuất có tác động tiêu cực tới môi trường trong đó quan trọng nhất là cảnh quan, địa hình, hệ sinh thái khu vực. Các giai đoạn phát triển của dự án có những tác động khác nhau tới môi trường xung quanh. Việc dự báo, đánh giá tác động môi trường của dự án là hết sức quan trọng. Nó không những đưa ra những dự báo về các mặt tích cực mà còn đưa ra những lời cảnh báo về các tác động nguy hại tới môi trường do hoạt động triển khai thực hiện dự án đem lại. Các tác động môi trường bao gồm những tác động trực tiếp và gián tiếp, ngắn hạn và lâu dài, những tác động tiềm ẩn và tích luỹ, những tác động có thể khắc phục hoặc không thể khắc phục có tiềm năng lớn gây suy thoái, ô nhiễm môi trường khu vực. Việc xác định những tác động môi trường dự án mở rộng khai thác mỏ đá La Hiên được xem xét theo 3 thời kỳ phát triển của dự án:

– Thời kỳ XDCB thời gian khoảng 2 năm.

– Thời kỳ sản xuất thời gian khoảng 40 năm.

– Thời kỳ sau khai thác (đóng cửa mỏ).

2. NHỮNG NGUỒN GÂY SUY THOÁI, Ô NHIỄM  MÔI TRƯỜNG

Để đánh giá một cách toàn diện các tác động của dự án phải xác định được bán kính vùng bị tác động của dự án và các nguồn phát sinh ô nhiễm. Bán kính vùng bị tác động của dự án được xác định là phạm vi mà tại đó các thông số về chất lượng môi trường lớn hơn tiêu chuẩn cho phép (có thể dựa vào các mô hình phát tán ô nhiễm để xác định). Các hoạt động chính của khai thác mỏ gây ô nhiễm môi trường:

– Xây dựng mỏ.

– Nổ mìn phá đá.

– Bốc xúc, vận chuyển.

– Sửa chữa bảo dưỡng thiết bị.

Các tác động tiềm tàng đến môi trường và tài nguyên do hoạt động của dự án như sau:

* Tác động đến môi trường thiên nhiên:

– Ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm, nước mặt.

– Làm thay đổi địa hình vùng mỏ.

– Phá huỷ cảnh quan thiên nhiên hoang dã.

– Giảm diện tích rừng, giảm sự tái sinh.

– Tăng tỷ lệ tử vong và dẫn đến sự di cư của động vật hoang dã.

– Gây ra các sự cố về môi trường.

* Những tác động đến môi trường đất:

– Nhiễm bẩn mặt đất do chất thải đất đá.

– Thay đổi mục đích sử dụng đất.

* Tác động đến môi trường không khí:

– Bụi, khí độc, tiếng ồn.

– Chấn động, đá văng.

* Tác động đến môi trường nước:

–  Ô nhiễm môi trường nước do nước mưa chảy tràn lẫn dầu mỡ, cặn lơ lửng bụi đất đá.

* Tác động tới con người:

– Gây nên các bệnh nghề nghiệp như bụi phổi (silico), tim mạch…

– Khả năng gây tai nạn lao động.

2015-11-04_092756

3. TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VẬT LÝ

3.1. Tác động đến môi trường không khí

3.1.1. Giai đoạn giải phóng mặt bằng mỏ, cải tạo tuyến đường vận chuyển

 1/ Nguồn phát sinh chất ô nhiễm

Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, cải tạo tuyến đường vận chuyển có 2 nguồn chính gây ô nhiêm môi trường không khí là:

– Nguồn gây ô nhiễm di động: Đó là các xe cộ vận chuyển đất đá.

– Nguồn gây ô nhiễm tương đối cố định như: Các thiết bị thi công như máy khoan, máy ủi, máy xúc, máy nổ…

2/ Thành phần và tải lượng chất ô nhiễm trong không khí

Ngoài tiếng ồn thì chất ô nhiễm lớn nhất trong giai đoạn này là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội,…

Các loại khí này thường khi thâm nhập tầng bình lưu là các tác nhân gây nên khói quang hoá, phá huỷ tầng ôzôn, góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng chung đến thời tiết toàn cầu. Ở tầng đối lưu các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hoà tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước xuống tới 5,5. Khi rơi xuống mặt đất sẽ làm gia tăng khả năng hoà tan các kim loại nặng trong đất, làm chai đất, phá huỷ rễ cây, hạn chế khả năng đâm chồi, giảm năng suất cây trồng. Đối với con người các khí này có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi ở nồng độ thấp. Ở nồng độ cao và lâu dài, chúng có thể gây loét phế quản, giảm khả năng hấp thụ ôxi của các phế nang, tác động không tốt đến hệ tim mạch, gây suy nhược cơ thể. Đặc biệt khi có mặt đồng thời SO3 thì các tác động lên cơ thể sống mạnh hơn so với tác động của từng chất riêng biệt, gây co thắt phế quản gây ngạt và tử vong.

Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Các loại bụi khoáng vô cơ kim loại, silíc amiang, bụi plastic gây ra các bệnh bụi phổi ở động vật (aluminose, Silicoe, siderose…). Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm giảm năng suất cây trồng. Các hạt bụi có kích thước nhỏ (1-5mm) dễ dàng lọt vào và tồn tại trong các phế nang phổi gây bệnh về hô hấp cho người và động vật. Tác động lên môi trường không khí ở giai đoạn này có mức độ không lớn và mang tính tạm thời.

a- Ô nhiễm bụi đất đá

Ô nhiễm này tác động trực tiếp đến cơ quan hô hấp của công nhân trực tiếp tham gia làm việc tại công trường và môi trường xung quanh như dân cư, hệ động thực vật trong khu vực thi công. Căn cứ vào khối lượng đất đá sẽ san gạt vận chuyển trong giai đoạn này (bảng 1), báo cáo dự báo khối lượng bụi phát thải vào môi trường không khí như sau:

Bảng 1. Khối lượng đất đá san lấp trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, cải tạo tuyến đường vận chuyển.

STT Hạng mục ĐVT Khối lượng
1 Chuẩn bị tuyến khai thác đầu tiên m3 53.900
2 Xây dựng tuyến hào công vụ đến cốt + 130 m3 3.600
3 Nâng cấp đường ô tô từ đường IB vào mỏ m3 7..200
Tổng cộng 64.700

Với thời gian thực hiện giai đoạn này là 2 năm nên số lượng đất đá sẽ san lấp là:

64.700: 2 = 32.350 m3/năm.

Thời gian làm việc năm là 250 ngày. Số giờ làm việc bình quân 8 giờ. Vậy lượng đất đá san lấp trong 1 giờ làm việc là:

32.350 : (250×8) = 16,175 m3/h

Lượng bụi phát sinh ước tính bằng 0,01% lượng đất đá sẽ san lấp .

Tỷ trọng trung bình của đất đá tính trung bình là 2,7 tấn/m3.

Khối lượng đá vận chuyển là:  16,175 x 2,7 = 43,673 tấn/h

Lượng bụi đất đá rơi vãi trong 1 giờ là:

43,673 x 0,01%x1000 = 4,3673 kg/h.

Ngoài ra, còn có nguồn nữa là lượng bụi trong khói thải của các phương tiện vận tải và máy móc thi công khi hoạt động thải ra. Nhưng máy móc thiết bị thì số lượng ít và hoạt động không liên tục nên lượng bụi không đáng kể. Chủ yếu bụi khói thải là của các phương tiện vận chuyển đất đá. Căn cứ tài liệu của NATZ cung cấp thì cứ 1 tấn dầu sử dụng đối với động cơ đốt trong thải ra 0,94 kg bụi.

Với định mức tiêu hao dầu trung bình cho các phương tiện vận tải là 0,145lit/T.km.

Bán kính vận chuyển (dài nhất 0,4km, ngắn nhất 0,2km) ta có thể lấy trung bình 0,3km .

Lượng dầu tiêu hao trong 1 giờ là:

43,673 x 0,145 x 0,3 = 1,9 kg/h

Như vậy lượng bụi phát sinh do đốt dầu là:

1,9 x 0,94 /1000 = 0,0018kg/h

Tổng lượng bụi đất đá rơi vãi trong 1 giây là:

(0,0018 + 4,3673) x1.000/3600 = 1,21 g/s.

( Chỉ tính khi hoạt động sản xuất)

b- Ô nhiễm do khí thải

Ô nhiễm do khí thải từ các phương tiện vận tải và máy móc thi công là rất lớn. Thành phần các khí thải độc hại phát sinh chủ yếu là CO, SOx, NOx, HC… Căn cứ  tài liệu NATZ cung cấp về lượng khí độc hại phát sinh khi sử dụng 1 tấn dầu đối với động cơ đốt trong tạo ra một lượng khí độc hại như sau: CO  = 0,05kg, SO2  = 2,8kg,  NO2 = 12,3kg,  HC  = 0,24kg.

Dự báo tải lượng khí độc hại do phương tiện vận chuyển và máy móc thiết bị thải ra trong giai đoạn này thể hiện trong bảng 2.

 Bảng 2. Dự báo tải lượng khí thải trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, cải tạo tuyến đường vận chuyển.

STT Loại khí thải Định mức thải ra đối với 1 tấn dầu

(kg/tấn dầu)

Lượng dầu tiêu hao trong 1giờ (kg) Tổng lượng thải 1 giờ

(g/h)

Tải lượng phát thải

(mg/s)

1 CO 0,05 1,9 0,095 0,026
2 SO2 2,8 1,9 5,32 1,48
3 NO2 12,3 1,9 23,37 6,49
4 HC 0,24 1,9 0,377 0,127
  • Ô nhiễm do tiếng ồn

Tiếng ồn phát sinh do hoạt động của các phương tiện, máy móc thiết bị có thể đạt giá trị trung bình 75-80dBA. Tuy nhiên, do địa hình một bên là núi đá, một bên là khu vực có khá nhiều cây cối, khu vực mỏ khá xa khu dân cư nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh và sức khoẻ cộng đồng.

Ghi chú: Khi đoàn cán bộ Trạm Quan trắc và Phân tích Môi trường Thái Nguyên làm việc, tại hiện trường mỏ đá La Hiên vẫn hoạt động bình thường. Kết quả đo tiếng ồn khu vực mỏ đạt giá trị cao nhất là 72,5dBA tại vị trí gần máy khoan. Với mức ồn này ảnh hưởng tới môi trường là không đáng kể.

  • Ô nhiễm nhiệt

Tác động nhiệt do quá trình hoạt động của các phương tiện vận tải và máy móc thi công, nhất là vào mùa hè nóng bức có ảnh hưởng trực tiếp tới công nhân làm việc tại công trường.

 Cá biệt có ngày nhiệt độ không khí trên 40oC, cùng với nhiệt phát ra của các máy móc dễ gây nên tình trạng say nắng, say nhiệt ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

3/ Tính toán mức độ lan truyền chất ô nhiễm trong không khí

 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lan truyền các chất ô nhiễm trong không khí bao gồm:

          – Các yếu tố về khí tượng như: Tính ổn định của khí quyển; Hướng gió và tốc độ gió; Nhiệt độ; Độ ẩm và mưa.

          – Yếu tố về địa hình và các công trình xây dựng trong khu vực.

           Đối với các nguồn gây ô nhiễm di động tính toán mức độ lan truyền ô nhiễm theo công thức thực nghiệm  Sutton đối với nguồn đường phát thải liên tục. Xét nguồn đường ở độ cao gần mặt đất, gió thổi vuông góc với nguồn đường. (Trích dẫn trong giáo trình Môi trường không khí của Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Ngọc Đăng do nhà xuất bản KHKT năm 2003).

          – Sơ đồ tính nguồn đường được thể hiện như sau:

2015-11-04_093049

Công thức tính toán như sau:

C(x) = 2E/ (2P) 1/2 sz.u

Trong đó:

E: lượng thải tính trên dơn vị dài của nguồn đường trong đơn vị thời gian (mg/m.s)

sz: hệ số khuếch tán theo phương z (m) là hàm số của x theo phương gió thổi.

 u : Tốc độ gió trung bình (m/s)

Giả sử tính toán nồng độ NO2 tại khoảng cách 200m so với nguồn phát thải. Trong đó tải lượng NO2 = 6,49mg/s

Quãng đường dài 400m từ mỏ ra đường IB.

E =6,49/400 = 0,0162(mg/s.m)

 Ứng với ngày có mây che phủ, tương ứng cấp ổn định khí quyển là F (là điều kiện khí quyển hạn chế sự lan truyền chất ô nhiễm nhất) ứng với khoảng cách là 200m ta có sz = 4 m.

 u : Tốc độ gió trung bình giả sử là 0,3m/s.

C(200 m) = 2. 0,0162/(2P) 1/2.4. 0,3 = 0,0108 mg/m3

 Theo TCCP nồng độ khí NO2 trung bình trong 1 h là 0,4 mg/m3, trong 24 h là 0,1, vậy nồng độ NO2 thấp hơn TCCP rất nhiều. Với các chất ô nhiễm khác cũng tính toán tương tự.

Đối với các nguồn gây ô nhiễm cố định tính toán mức độ lan truyền ô nhiễm theo mô hình nguồn mặt hoặc nguồn điểm. Tuy nhiên, quy mô xây dựng công trình không lớn, khoảng cách đến khu dân cư tương đối xa, trong điều kiện khí hậu nhiệt độ không khí cao, tốc độ gió tương đối lớn nên quá trình pha loãng các chất khí ô nhiễm diễn ra nhanh chóng.

Nhận xét chung:

Hiện tại mỏ đá vôi La Hiên vẫn đang hoạt động khai thác bình thường. Khối lượng đất đá vận chuyển hiện tại nhỏ hơn khối lượng đá vận chuyển trong giai đoạn đầu của dự án khai thác mỏ. Theo kết quả phân tích hiện trạng môi trường dự án thì thấy chất lượng môi trường trong khu vực có suy giảm nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Có thể dự báo rằng giai đoạn đầu của dự án các chỉ tiêu về chất lượng môi trường có khả năng vượt quá TCCP.

 3.1.2. Giai đoạn khai thác đá vôi

 1/ Nguồn phát sinh chất ô nhiễm

Trong giai đoạn khai thác cũng giống như giai đoạn đầu của dự án là có 2 nguồn chính gây ô nhiêm môi trường không khí là:

– Nguồn gây ô nhiễm di động: Đó là các xe cộ vận chuyển đất đá.

– Nguồn gây ô nhiễm tương đối cố định như: Các thiết bị thi công như máy khoan, máy ủi, máy xúc, máy nổ…

 2/ Thành phần và tải lượng chất ô  nhiễm trong không khí

Ngoài tiếng ồn, độ chấn động còn có các khí độc hại. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội,…

Các nguồn gây ô nhiễm bụi khí thải trong giai đoạn khai thác đá do hoạt động của máy móc, phương tiện tham gia sản xuất như:

– Khoan đá và nổ mìn.

– Bốc xúc, san gạt.

– Vận chuyển đá.

a- Ô nhiễm bụi và khí thải.

* Công đoạn khoan đá, nổ mìn

Theo kết quả của nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về ô nhiễm tiếng ồn, bụi và khí thải trong công nghệ khai thác và chế biến đá cho thấy hàm lượng bụi, khí độc hại và tiếng được tổng hợp trong bảng 3.

Bảng 3. Dự báo tổng hợp giá trị trung bình chất lượng không khí ở các khu mỏ đá

 

TT Khu vực đo Bụi

(mg/m3)

Độ ồn

(dBA)

Các tác nhân khí thải (mg/m3)
CO CO2 SO2
1

 

Sau nổ mìn 40”, cách 30-40m 500-600 1% 2%
2 Nổ mìn, bốc xúc đá 1,6-5 90-110 1,3-2 0,2 0,73
3 Giao thông 2-30 80-90 < 0,5 < 0,1 0,2
4 Cách 1km theo hướng gió 0,4-0,6 75-80
TCCP Khu vực sản xuất 6 90 5 0,3
Khu dân cư 0,3 60-65 5 0,3

Nguồn: Báo cáo khoa học: Những vấn đề cấp bách về môi trường lao động trong khai thác và chế biến đá ở Việt Nam, 1999.

* Công đoạn bốc xúc, san gạt đá

Các hoạt động bốc xúc và san gạt đá chủ yếu tiến hành trên các bãi bốc xúc dưới chân núi. Hoạt động của các máy móc thiết bị san gạt chủ yếu là tạo ra tiếng ồn, khí độc hại và bụi. Theo đánh giá sơ bộ thì công đoạn này có ảnh hưởng tới môi trường nhưng không lớn bằng công đoạn vận chuyển. Các thiết bị máy móc hoạt động chỉ trong khu vực khai trường (chủ yếu là các khu vực khai thác và bãi bốc xúc). Khoảng cách từ trung tâm mỏ đến khu dân cư lân cận khá xa (khoảng 2 km) nên tác động chủ yếu là tới sức khoẻ công nhân vận hành thiết bị.

* Công đoạn vận chuyển đá

          Để đảm bảo sản lượng khai thác đá cho mỗi ngày, ngoài số xe vận chuyển hiện tại mỏ đá La Hiên đã có phương án thay mới và bổ sung thêm nhiều phương tiện chuyên chở, khai thác. Các loại máy móc thiết bị này khi hoạt động tạo ra rất nhiều bụi, tiếng ồn và khí thải. Theo một số báo cáo của các khu vực khai thác đá hàm lượng bụi và các khí độc hại phát ra đều vượt chỉ tiêu môi trường cho phép.

Căn cứ tài liệu NATZ cung cấp về lượng khí độc hại phát sinh khi sử dụng 1 tấn dầu đối với động cơ đốt trong tạo ra một lượng khí độc hại như sau: Bụi = 0,94 kg; CO  = 0,05kg, SO2  = 2,8kg, NO2 = 12,3kg, HC  = 0,24kg.

Khối lượng đá vận chuyển 400.000T/ năm. (Một năm làm việc 250 ngày, mỗi ngày8h) tương đương 200 T/h.

Lượng dầu tiêu hao trong 1 giờ là:

200 x 0,145 x 2 = 58 kg/h

Trong đó:

– Định mức tiêu hao dầu là: 0,145 lít/T.Km

– Cung đường vận chuyển từ mỏ đến nhà máy xi măng La Hiên: 2km.

Dự báo tải lượng khí độc hại do phương tiện vận chuyển và máy móc thiết bị thải ra trong giai đoạn này thể hiện trong bảng 4.

 

Bảng 4.4. Dự báo tải lượng bụi, khí thải trong công đoạn vận chuyển đá

STT Loại khí thải Định mức thải ra đối với 1 tấn dầu

(kg/tấn dầu)

Lượng dầu tiêu hao trong 1giờ (kg) Tổng lượng thải 1 giờ

(g/h)

Tải lượng phát thải

(mg/s)

1 CO 0,05 58 2,9 0,805
2 SO2 2,8 58 162,4 45,1
3 NO2 12,3 58 713 198,166
4 HC 0,24 58 13,9 3,87
5 Bụi 0,94 58 54 15,14

          b/ Ô nhiễm do tiếng ồn và chấn động

Nguồn phát sinh tiếng ồn và độ chấn động chủ yếu do:

–  Do khoan đá, vận hành thiết bị và phương tiện vận tải.

–  Do nổ mìn.

* Ảnh hưởng tiếng ồn và chấn động do khoan đá, vận hành thiết bị và phương tiện vận tải

Đối với các thiết bị hạng nặng như xe ủi, máy xúc hoặc xe tải loại lớn, độ ồn tạo ra có thể đạt tới 70-90dB tại vị trí thiết bị. Khi các thiết bị này hoạt động cùng lúc, xảy ra hiện tượng âm thanh cộng hưởng, tác động của chúng đến khu dân cư là rất lớn.

Tuy nhiên, mức ồn giảm theo khoảng cách thực tế tính từ nguồn ồn (D) được xác định như sau:

– Đối với nguồn đường:  L = 10 log (Do/D)1+a

– Đối với nguồn điểm:    L =  20 log (Do/D)1+a

 Trong đó : a – hệ số trạng thái địa hình

              a  =  0  đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.

                 a  =  0,1 đối với mặt cỏ.

                 a  =  – 0,1 đối với mặt đất là bê tông hay trải nhựa đường.

Với giả thiết tiếng ồn phát ra từ nguồn điểm là máy móc thi công với mức ồn tối đa đo tại vị trí cách điểm phát tiếng ồn 7,5 m là 90 dBA; a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.

 Khi đó với khoảng cách là 500 m thì mức ồn giảm xuống là :

L =  20 log (7,5/500)  =  -36,5 (dB)

Vậy khi đó mức ồn chỉ còn là 53,5 dBA. Vậy phạm vi bán kính của khu vực chịu tác động chủ yếu của tiếng ồn do các hoạt động của máy móc thiết bị là 500m.

Giả thiết tiếng ồn phát ra từ nguồn đường do các phương tiện vận tải. Với mức ồn tối đa đo tại vị trí cách điểm phát tiếng ồn 7,5 m là 70 dBA; a = 0 đối với địa hình bằng phẳng không có cây cối và chướng ngại vật.

 Khi đó với khoảng cách là 50 m thì mức ồn giảm xuống là :

L =  20 log (7,5/50)  =  -16 (dB)

Vậy khi đó mức ồn chỉ còn là hơn 54 dB. Với khoảng cách 100m mức ồn chỉ còn là 48dB (trong TCCP). Vậy với các phương tiện giao thông thì phạm vi ảnh hưởng chỉ nằm trong khoảng bán kính khoảng 50-100m.

* Ảnh hưởng tiếng ồn và chấn động do nổ mìn

Nổ mìn không những tạo ra lượng lớn khí độc hại, bụi và đất đá văng mà còn tạo ra các chấn động ảnh hưởng đến sườn dốc bờ mỏ, ảnh hưởng tới nền đất đá gần biên giới khai trường gây hiện tượng sụt, lở đá và ảnh hưởng đến các công trình xây dựng khu vực xung quanh. Tiếng ồn do đá nổ mìn không những gây khó chịu cho dân cư sống trong khu vực lân cận mà còn có thể tác động đến các loài động vật hoang dã trong vùng. Tiếng ồn tại thời điểm nổ mìn có thể lên tới 110dBA và lan xa hàng km.

– Khoảng cách an toàn do đá văng (theo TCVN 4586-1997)

+ R > 300m đối với người.

+ R > 150m đối với công trình máy móc thiết bị.

– Khoảng cách an toàn do chấn động nổ mìn.

Rc = a. Kc.Q1/3 (m)

          Trong đó:

  • Kc– hệ số phụ thuộc vào tính chất cơ lý của đất đá. Kc = 9.
  • a – Hệ số tác dụng nổ. a = 1.
  • Q – Khối lượng thuốc nổ. Q = 1000kg.

Từ đó xác định:       Rc = 90m.

3/ Tính toán mức độ lan truyền chất ô nhiễm trong không khí

Công thức tính toán như sau:

C(x) = 2E/ (2P) 1/2 sz.u

Trong đó:

E: lượng thải tính trên đơn vị dài của nguồn đường trong đơn vị thời gian (mg/m.s)

sz: hệ số khuếch tán theo phương z (m) là hàm số của x theo phương gió thổi.

 u : Tốc độ gió trung bình (m/s)

Giả sử tính toán nồng độ NO2 tại khoảng cách 200m so với nguồn phát thải. Trong đó tải lượng  = 198,166 mg/s

Quãng đường dài 2000m từ mỏ đến nhà máy xi măng La Hiên

E = 198,166/2000 = 0,1 (mg/s.m)

 Ứng với ngày có mây che phủ, tương ứng cấp ổn định khí quyển là F (là điều kiện khí quyển hạn chế sự lan truyền chất ô nhiễm nhất) ứng với khoảng cách là 200m ta có sz = 4 m.

 u : Tốc độ gió trung bình giả sử là 0,3m/s.

C(200 m) = 2. 0,1/(2P) 1/2.4. 0,3 = 0,07 (mg/m3)

Theo TCCP nồng độ khí NO2 trung bình trong 1 h là 0,4 mg/m3; trong 24 h là 0,1, vậy nồng độ NO2 thấp hơn TCCP rất nhiều. Với các chất ô nhiễm khác cũng tính toán tương tự.

Nhận xét: Như vậy trong phạm vi 200m hai bên tuyến đường vận chuyển thì hầu như nồng độ các chất ô nhiễm đã bị pha loãng thấp hơn TCCP. Có thể nói là ngoài khoảng cách này môi trường không khí hầu như không bị ảnh do quá trình vận chuyển đá từ mỏ đá về nhà máy xi măng La Hiên.

2015-11-04_093612

3.2. Tác động đến môi trường nước

3.2.1. Giai đoạn giải phóng mặt bằng mỏ, cải tạo tuyến đường vận chuyển

Nguồn gây ô nhiễm nước trong giai đoạn này chủ yếu là nước mưa chảy tràn trên bề mặt khu mỏ. Lưu lượng nước chảy tràn phụ thuộc vào mùa và chế độ khí hậu khu vực và thường có hàm lượng chất lơ lửng là bùn đất và các tạp chất rất cao.

Ngoài nước mưa chảy tràn là nước thải sinh hoạt của công nhân viên trong khu vực mỏ. Tuy nhiên, đây là dự án mỏ rộng khai thác mỏ đá nên về căn bản cơ sở hạ tầng đã có sẵn. Vì thế khu vực mỏ đã có khu vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Nước thải sinh hoạt được thu gom xử lý tại bể yếm khí trước khi thải ra môi trường.

 1/ Tổng lượng  nước thải sinh hoạt

– Số lượng công nhân tham gia sản xuất trung bình khoảng hơn 100 người; với lượng nước sử dụng trung bình 60-80l/người.ngày. Thời gian công nhân lưu lại công trường 8h. Lượng thải ước tính 2-3 m3/ngày.

2/ Thành phần, nồng độ và tải lượng chất ô nhiễm

Với số lượng khoảng 100 người, thời gian lưu lại công trường tương đương với 8 h (1 ca làm việc) thì tải lượng và nồng độ  thải như sau:

Bảng 5.  Tải lượng và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sinh hoạt trong 1 ngày

Chất ô nhiễm Khối lượng (g/người/ngày) Tải  lượng (kg/ngày) Nồng độ (g/l)
BOD5

COD

SS

åN

Amôni

åP

45 – 54

72 – 102

70 – 145

6 – 12

2,4 – 4,8

0,8 – 4,0

4,5-5,4

7,2 – 10,2

7,0 – 14,5

0,6 – 1,2

0,24 – 0,48

0,08 – 0,40

1,5  – 2,7

2,4- 8,1

2,3- 7,25

0,2 – 0,6

0,08-0,24

0,03-0,2

c/ Vị trí và khả năng tiếp nhận nước thải của khu vực

– Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý tại bể yếm khí được thải ra khu vực xung quanh.

– Vào mùa khô, mưa ít, lượng nước chảy tràn không đáng kể. Nước mưa tự chảy tràn trong khu vực khai thác đá vào khu vực trũng và tự ngấm xuống đất khu vực xung quanh.

– Vào mùa mưa, lượng mưa tương đối lớn, nhất là những đợt mưa kéo dài nước mưa chảy tràn sẽ vào suối La Hiên rồi đổ vào sông Cầu.

– Thường là vào mùa mưa bão nước suối khu vực rất đục do ảnh hưởng của nước mưa chảy tràn kéo theo đất đá từ khu vực khai thác.

 3.2.2. Giai đoạn khai thác mỏ

Nguồn và nguy cơ gây ô nhiễm bao gồm:

          – Nước thải sinh hoạt của cán bộ công nhân trong khu mỏ. Như đã trình bày phần trước đây là dự án mở rộng khai thác mỏ nên khu mỏ đã có hệ thống xử lý nước thải khu vệ sinh trước khi xả vào môi trường. Còn nước rửa chân tay thì thải thẳng ra ngoài. Nồng độ, tải lượng, tổng lượng thải tương tự như phần trình bày trên.

          – Nước mưa chảy tràn khu vực mỏ: Nói chung các nguồn gây ô nhiễm môi trường chính vẫn là nước mưa chảy tràn qua khu vực khai thác đá. Các nguy cơ gây ô nhiễm  môi trường do các nguyên nhân sau:

+ Trong khi khai thác các khoáng vật chứa sunfua trong đá có thể tiếp xúc với không khí thành các sunfat dễ hoà tan vào nước. Hệ quả là làm tăng sự axit hoá trong nước ngầm khi chảy qua khu vực mới khai thác. Và nếu chảy tràn trên bề mặt vào hệ thống suối xung quanh khu vực sẽ làm tăng độ axit của nước suối.

          + Các kim loại nặng phân tán trong đất đá cũng như các ion Ca+2, Mg+2… làm thay đổi thành phần hoá học và độ cứng của nước.

          + Đất đá, bụi kéo theo nước mưa chảy tràn làm tăng hàm lượng cặn lơ lửng và độ đục của nước.

          Nhận xét:

1- Đối với mỏ đá La Hiên, đáy khai trường kết thúc ở cốt +70m vẫn cao hơn so với mặt bằng khu vực xung quanh nên có thể nói hoạt động khai thác mỏ của dự án này không ảnh hưởng tới mực nước ngầm khu vực.

2- Theo kết quả phân tích chất lượng đá vôi khu vực mỏ đá La Hiên không có các khoáng vật chứa sunfua và rất hiếm gặp các thành phần kim loại nặng nên về cơ bản không thể gây ô nhiễm sunfat, cũng như kim loại nặng trong nước ngầm hay nước mặt do hoạt động khai thác

3- Theo các kết quả phân tích nước ngầm khu vực dự án (khi mỏ đang hoạt động bình thường) cho thấy các chỉ tiêu chất lượng môi trường hầu như nằm trong giới hạn cho phép. Riêng chỉ tiêu sunfat vượt quá giới hạn cho phép nhưng không phải do hoạt động khai thác mỏ. Nguyên nhân có thể do mạch nước ngầm chảy trong các tầng sâu mà tại tầng đó trong thành phần đất đá có chứa các khoáng vật sunfua nên đã hoà tan trong nước ngầm. Khi xuất lộ tại các giếng khoan do có tiếp xúc với không khí đã chuyển thành dạng sunfat.

3.3. Tác động đến môi trường đất

          Đối với các công trường khai thác đá hầu hết là hoạt động tại khu vực miền núi. Đối với khu vực này diện tích đất có thể sử dụng trồng trọt được rất hạn chế. Hoạt động khai thác của các mỏ đá sẽ sử dụng một diện tích đất lớn cho việc hình thành khu mỏ, bãi thải, sân công nghiệp, bến bãi, khu lưu không,… Như vậy có thể nói khai thác đá không những làm mất diện tích đất trồng mà còn làm biến đổi chất lượng đất do xói mòn, phong hoá và ô nhiễm. Theo thống kê về diện tích đất sử dụng cho trồng trọt và nhà ở của dân phải chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 1ha. Để đảm bảo cuộc sống ổn định cho các hộ trong phạm vi phải di chuyển, mỏ La Hiên có phương án đền bù với chi phí theo quyết định số 2630/1999/QĐ-UB ngày 10/9/1999 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

3.4. Chất thải rắn

          Về cơ bản thì giai đoạn giải phóng mặt bằng và khai thác đều sản sinh ra một lượng chất thải rắn bao gồm đất phủ và đất đá thải. Với khối lượng khá lớn khoảng 4% lượng đá khai thác (tương đương 260.700 m3 đất đá). Tuy nhiên, loại chất thải này ít gây nguy hại đến môi trường. Mỏ đã bố trí dùng đất đá thải để mở rộng mặt bằng sân công nghiệp.

          Về chất thải rắn sinh hoạt: trong khu vực mỏ có khoảng 100 người làm việc, trung bình mỗi ngày mỗi người thải ra từ 0,5-1kg chất thải rắn, thời gian lưu lại mỏ là 8h thì tổng lượng chất thải rắn khoảng 18-33kg/ngày. Bao gồm:

          – Chất thải rắn phát sinh tại khu vệ sinh chiếm khoảng 60-70%. Chất thải này được xử lý bằng bể yếm khi cùng nước thải.

          – Chất thải rắn sinh hoạt khác, do khu mỏ không bố trí ăn ca tại đây nên chất thải rắn sinh hoạt khác chỉ bao gồm các túi, bao ni lông và rất ít các phế thải thực phẩm do công nhân thải ra. Lượng thải này chiếm khoảng 30-40% tổng lượng thải rắn sinh hoạt tương đương 5-15 kg/ngày. Loại này không có khả năng gây nguy hại cũng như sự cố đối với môi trường.

4. TÁC ĐỘNG ĐẾN CẢNH QUAN, MÔI TRƯỜNG SINH THÁI VÀ NGUỒN TÀI NGUYÊN KHÔNG TÁI TẠO

 4.1. Tác động tới cảnh quan môi trường

Khai thác đá vôi là hoạt động có tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng tới cấu trúc địa tầng, địa chất từ đó có ảnh hưởng tới hệ thống nước ngầm khu vực, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường như: làm thay đổi bề mặt địa hình, đất đá thải gây bồi lấp lòng sông suối, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên hoang dã của khu vực. Một dãy núi dài với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ sẽ bị mất đi thay vào đó là các công trường khai thác đá ngổn ngang.

4.2. Tác động tới môi trường sinh thái

4.2.1. Hệ sinh thái dưới nước

Nước mưa chảy tràn từ khu vực mỏ khá lớn nhất là vào mùa mưa. Nước mưa chảy tràn trong khu vực mỏ kéo theo nhiều bùn đất, cặn lơ lửng và các kim loạ nặng có mặt trong đất đá vào hệ thống nước mặt làm tăng độ đục, thay đổi độ pH của nước… Độ đục trong nước mặt tăng đã ngăn cản độ xuyên thấu của ánh sáng, làm cản trở quá trình quang hoá trong nước ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống các loại thuỷ sinh. Trong trường hợp độ đục quá lớn còn dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài động thực vật sống trong nước.

4.2.2. Hệ sinh thái cạn

Trong khu vực mỏ đá La Hiên thảm thực vật tự nhiên của vùng núi và các loại cây ăn quả. Hoạt động khai thác đá vôi sẽ sử dụng một diện tích đất lớn và việc sử dụng đất này làm mất đi thảm thực vật tự nhiên của khu vực. Không những thế, các chất thải của quá trình khai thác như bụi, khí thải, chất thải rắn cũng có ảnh hưởng nhất định tới hệ thực vật khu vực xung quanh do khả năng lan truyền trong môi trường. Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm giảm năng suất cây trồng.

Đối với các loài động vật, nhất là động vật hoang dã rất nhạy cảm với sự biến đổi môi trường. Hầu như các chất ô nhiẽm môi trường đều có tác động rất xấu đến động vật. Chất thải rắn và khí độc hại làm ảnh hưởng tới sự sinh sản của các loài động vật. Tiếng ồn và chấn động khi nổ mìn làm động vật hoảng sợ dẫn đến sự di cư hàng loạt các loài động vật.

Như vậy, hoạt động khai thác mỏ đã làm mất đi các thảm thực vật trên cạn và ảnh hưởng đến các loài động vật hệ quả là làm suy thoái đa dạng sinh học. Tuy nhiên, với đặc trưng hệ sinh thái cạn cũng như hệ sinh thái nước khu vực dự án tương đối nghèo nàn, không có loài động vật hoang dã đặc hữu nên các tác động tiêu cực của quá trình triển khai thực hiện dự án mở rộng khai thác tới tài nguyên sinh vật là không đáng kể.

 4.3. Tác động tới nguồn tài nguyên không tái tạo

Hoạt động khai thác mỏ lộ thiên có ảnh hưởng tới mực nước ngầm khu vực. Với độ sâu khai thác càng lớn thì mực nước ngầm càng hạ xuống thấp. Tuy nhiên, đó là về lâu dài còn theo thiết kế kỹ thuật trong Báo cáo nghiên cứu khả thi thì đáy khai trường ở Ñ+70m cao hơn mặt bằng khu vực xung quanh nên về cơ bản là không ảnh hưởng tới mực nước và chất lượng nước ngầm khu vực.

Nhưng tất cả các hoạt động khai thác khoáng sản đều dẫn đến hệ quả là làm nghèo kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo ảnh hưởng đến thế hệ mai sau.

5. TÁC ĐỘNG TỚI MÔI TRƯỜNG KINH TẾ – XÃ HỘI

5.1. Tác động tới sức khoẻ cộng đồng

a/ Tác động tới sức khoẻ công nhân mỏ

Công nhân lao động trong các khu vực khai thác là người chịu ảnh hưởng trực tiếp do các hoạt động sản xuất của mỏ. Các tác nhân ô nhiễm như khí độc hại, bụi, tiếng ồn, nhiệt gây nên các bệnh nghề nghiệp mãn tính như bụi phổi, tim mạch, giảm thính lực… Ngoài ra, do tác động của các tác nhân ô nhiễm trên nên rất hay gặp các bệnh như viêm đường hô hấp, đau mắt, đau đầu, chóng mặt…

b/ Tác động tới sức khoẻ nhân dân trong khu vực xung quanh

Khu mỏ ở cách khu vực dân cư tập trung khoảng 2km, với khoảng cách này thì các hoạt động khai thác của mỏ không ảnh hưởng tới sức khoẻ nhân dân trong khu vực xung quanh.

5.2. Tác động tới kinh tế xã hội

Việc hoạt động khai thác mỏ đá La Hiên đã đem lại những lợi ích kinh tế xã hội như :

– Khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo nguyên liệu cung cấp cho nhà máy xi măng La Hiên là góp phần trong công cuộc xây dựng đất nước.

– Khu khai thác gần nhà máy tiết kiệm rất nhiều chi phí vận chuyển, giảm mật độ hoạt động của các phương tiện giao thông.

– Hoạt động của mỏ La Hiên đã trực tiếp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 130 lao động và gián tiếp tạo việc làm cho nhân dân trong vùng.

– Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực và toàn tỉnh.

– Hoạt động khai thác hàng năm đem lại những lợi ích kinh tế được tính toán cụ thể như sau (Dự tính cho năm thứ 10):

+ Doanh thu:                           8.400.000.000      đ

+ Tổng chi phí:                        7.545.000.000      đ

+ Thuế tài nguyên, thuế đất:    306.000.000      đ

+ Thuế lợi tức:                         274.000.000          đ

+ Lợi nhuận ròng:                    581.000.000         đ

Tuy nhiên, hoạt động khai thác của mỏ La Hiên cũng có ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế xã hội khu vực:

– Trong giai đoạn thi công hạ tầng cơ sở và triển khai các khai trường khu mỏ đá vôi La Hiên có những ảnh hưởng nhất định tới vấn đề di dân và tái định cư. Tuy nhiên, đất đai khu vực khai trường mỏ chủ yếu là núi đá hoang sơ và không có đất trồng trọt của nhân dân địa phương. Khu vực bãi bốc xúc, bãi thải có 50% là chân núi đá, 50% là đất loại xấu (không phân loại). Có 4 nhà dân nằm trong ranh giới không an toàn nổ mìn sẽ được di chuyển là:

STT Tên hộ gia đình Diện tích nhà ở (m2) Cấp nhà ở DT CT phụ

(m2)

Diện tích đất vườn

(m2)

Số cây lâu năm
1 Nguyễn Bùi Khuê 60 4 20 2600 200
2 Nguyễn Xuân 45 3 35 1500 1750
3 NguyễnVăn Hưởng 54 3 36 1500 100
4 Trần Thị Dung 30 4 1500 50
Cộng 189   91 7100 2100

– Ngoài vấn đề di dân, tái định cư thì quá trình khai thác mỏ còn gây ô nhiễm không khí do bụi, khí độc và tiếng ồn tại khu là nguyên nhân gây các bệnh về đường hô hấp và tim mạch… cho công nhân trực tiếp sản xuất, làm giảm sức khoẻ và tăng chi phí khám chữa bệnh đối với ngành y tế khu vực.

+ Gây ô nhiễm, thoái hoá đất trồng, làm giảm năng suất cây trồng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân khu vực.

+ Gây ô nhiễm nguồn nước mặt ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

6. ĐÁNH GIÁ RỦI RO, SỰ CỐ

6.1. Tai nạn rủi ro trong thi công

Trong quá trình hoạt động khai thác đá thường xảy ra các tai nạn đáng tiếc như:

– Đổ xe trong quá trình thi công, vận chuyển.

– Tai nạn do đá văng khi nổ mìn, đá rơi từ trên cao do chấn động.

– Tai nạn do sạt lở núi, lật xe có thể dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.

– Các tai nạn lao động khác.

– Tai nạn do chập điện, cháy nổ kho xăng dầu, kho thuốc nổ…

6.2. Sự cố do thiên tai

Các sự cố do thiên tai thường xảy ra vào mùa mưa bão như:

– Cháy nổ do sét đánh. Vào mùa mưa bão hay xảy ra sự cố sét đánh vào các máy móc thiết bị trong khu vực mỏ.

– Sự cố do bão lũ làm trôi sạt bãi thải ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

– Sự cố do mưa bão kéo dài gây sụt lún, sạt lở đường giao thông làm gián đoạn sản xuất.

…………………………………………………………………………………………………

Nguồn: báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác mỏ đá vôi La Hiên, Công ty than nội địa thực hiện 2004

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *