Tác động môi trường từ hoạt động sản xuất đồ mộc, thủ công mỹ nghệ

5/5 – (1 vote)

Các tác động tích cực của dự án:
*. Các tác động tích cực của dự án đem lại có liên quan chặt chẽ với các vấn đề kinh tế xã hội:
+ Việc xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ không những giúp cho việc giữ vững ngành nghề truyền thống của địa phương mà còn giải quyết tốt vấn đề lao động, tạo việc làm ở nông thôn hiện nay. Dự án được thực hiện sẽ thu hút từ 30- 35 lao động (chủ yếu là lao động thời vụ) với mức lương bình quân tối thiểu từ 1.000.000- 1.200.000đ/người/tháng. Giúp cho việc ổn định đời sống, thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.
+ Dự án được thực hiện tạo thêm bộ mặt cảnh quan khang trang, hiện đại cho khu vực làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đông Giao Bến, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng, làm đẹp thêm diện mạo cảnh quan của làng nghề.
+ Cơ sở làm ăn phát đạt, góp phần tăng thêm thu nhập cho bản thân cơ sở để đứng vững trong nền kinh tế thị trường đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ Đóng góp vào nguồn thu của địa phương cũng như của Nhà nước thông qua các loại thuế và lệ phí.
Đây là dự án mạnh dạn và đặc biệt  nhằm tìm kiếm lợi nhuận làm ăn chính đáng và có hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu. Qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành và các dịch vụ khác như giao thông vận tải, cảng biển, bưu chính viễn thông, điện, nước, ngoại thương, ngân hàng. Đây là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương nói riêng, của cả nước nói chung.
Các tác động tiêu cực của dự án:
* Trong quá trình triển khai xây dựng dự án
Trong quá trình xây dựng dự án, có các tác động tiêu cực sau có thể gây ảnh hưởng tới môi trường khu vực, đặc biệt là môi trường không khí, nước và đất:
+ Quá trình xây dựng mặt bằng đơn giản như văn phòng làm việc và giới thiệu sản phẩm 2 tầng và dạng nhà kho chứa nguyên vật liệu bán mái, lắp ghép nhanh bằng tôn, thời gian làm nhanh, số công nhân xây dựng được tổ chức sinh hoạt và quản lý tốt sẽ không gây ra các vấn đề xã hội phức tạp, kiểm soát được các dịch bệnh dễ lây lan và hạn chế mức độ ô nhiễm không khí, đất và nước trong khu vực.
+ Nguồn nước thải sinh hoạt không có, nước mưa chảy tràn được thu gom và đổ thải đúng nơi qui định.
Lượng bụi gây ra do các phương tiện GTVT trên đường vận chuyển tại khu vực trong thời gian thi công xây dựng nhỏ, hầu hết các loại bụi này có kích thước lớn nên không phát tán xa mà chủ yếu gây ô nhiễm cục bộ tại khu vực, nhất là ở khu vực cuối hướng gió, ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân tham gia thi công là chính. Thời gian thi công xây dựng dự án ngắn, thi công gián đoạn nên mảng tác động này được coi là nhỏ, tạm thời.
Nhìn chung các tác động tiêu cực kể trên là tác động mang tính tạm thời, khắc phục bằng các biện pháp quản lý và kỹ thuật trong thi công.
* Trong quá trình cơ sở đi vào sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ
A. Các nguồn ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất
Trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu qui trình công nghệ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ông Phạm Văn Nhớ từ các máy cưa, máy bào, máy khoan, máy xẻ và phun bóng mầu sản phẩm bằng sơn véc ly…, Bản đề án bảo vệ môi trường cho cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ sẽ tập trung phân tích, đánh giá, tính toán mức độ và phạm vi tác động đến các yếu tố môi trường do hoạt động sản xuất gây nên bao gồm:
+ Tác động đến chất lượng môi trường không khí.
+ Tác động do tiếng ồn từ phân xưởng sản xuất đồ gỗ.
+ Tác động do chất thải rắn .
+ Rủi ro và sự cố môi trường có thể xẩy ra.
1. Nguồn ô nhiễm môi trường không khí
Các công đoạn sản xuất của cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nhìn chung không có tác động lớn đến môi trường không khí. Các công đoạn như chọn lựa gỗ, kiểm tra sản phẩm và nhập kho chờ xuất hàng hầu như không phát tán các chất gây ô nhiễm không khí.
Các công đoạn phát tán ô nhiễm không khí từ cơ sở sản xuất chủ yếu ở các công đoạn:
+ Công đoạn cưa, xẻ gỗ thành khối: phát sinh bụi có kính thước lớn, mùn cưa, tiếng ồn từ động cơ máy xẻ, máy cưa… Do các loại máy này chạy bằng nguồn điện nên không tạo ra các khí độc hại như CO, SO2, NOx, H2S… vào trong không khí. Những tác nhân gây ô nhiễm không khí như bụi, mùn cưa thường có kích thước lớn nên cũng không phát tán đi xa mà chỉ tập trung chủ yếu trong xưởng sản xuất.
+ Công đoạn pha chế theo mẫu, gia công sản phẩm và hoàn thiện sản phẩm: phát sinh các loại bụi do bào, khoan tiện, đáng giấy giáp bóng sản phẩm với mức độ bụi tập trung trong phạm vi nhỏ, không phát tán ra khỏi khu vực sản xuất. Ngoài ra, trong quá trình phun sơn mầu, phun bóng sản phẩm cũng phát tán hơi xăng, màu vào môi trường không khí trong khu vực xưởng sản xuất. Tuy nhiên, công đoạn phun sơn mầu thường diễn ra sau khi tất các công đoạn khác đã hoàn thiện cơ bản và tập trung trong một khoảng thời gian ngắn nhất định, cứ 1 tuần tổ chức phun sơn một lần và bộ phận phun sơn mầu được che chắn kín nên các hạt mầu, hơi xăng hầu như không phát tán ra bên ngoài mà chỉ tập trong một không gian nhỏ, thời gian ngắn nên cũng không có các tác động xấu đến con người và môi trường xung quanh khu vực cơ sở sản xuất. Chỉ những người trực tiếp tham gia phun sơn chịu tác động nhưng với những biện pháp bảo hộ an toàn như quần áo bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang than hoạt tính… thì những tác động đó cũng được khắc phục.
2. Nguồn ô nhiễm môi trường nước
Nguồn nước thải của cơ sở sản xuất chủ yếu là nước thải sinh hoạt của gia đình ông Phạm Văn Nhớ vì công nhân làm công không ăn nghỉ tại cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Nhớ cũng lắp đặt, xây dựng khu nhà vệ sinh tự hoại đảm bảo vệ sinh môi trường, lượng nước thải trong sinh hoạt nhỏ nên không gây tác động lớn đến nguồn nước mặt và nước ngầm xung quanh. Chỉ có lượng nước mưa chảy tràn khi trời mưa cuốn theo bụi bẩn từ các mái nhà, sân bãi chứa gỗ nguyên liệu, đường xá xuống hệ thống cống rãnh và trôi vào môi trường xung quanh.
3. Nguồn ô nhiễm do chất thải rắn
Chất thải rắn khu xưởng sản xuất gỗ: đầu mẩu gỗ thừa, mùn cưa… Tuy nhiên, các chất thải này được thu gon để dùng trong đun nấu của gia đình và bán cho nhân dân trong thôn nên các chất thải đó không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh cũng như dân cư trong khu vực.
Chất thải rắn sinh hoạt: khoảng 2,0 kg/ngày được thu gon tập kết đến bãi thải chung của khu vực bởi bộ phận vệ sinh môi trường thôn, xã.
B. Ảnh hưởng của các chất ô nhiễm đến môi trường
Khu nhà xưởng sản xuất phát tán một phần lượng bụi và tiếng ồn nhất định hàng ngày khi các công nhân của cơ sở làm việc. Các yếu tố này ít nhiều có tác động đến môi trường xung quanh và sức khoẻ của công nhân.

Tác động do phát sinh tiếng ồn
Tiếng ồn có cường độ lớn ảnh hưởng đến cơ quan thính giác (gây thủng màng nhĩ, mất khả năng nghe) và hệ tuần hoàn, đặc biệt khi tiếng ồn có tần số cao. Tiếng ồn có tần số thấp có tác dụng đến hệ thần kinh, làm mất tập trung tư tưởng, dễ gây tai nạn lao động, gây nôn mửa và trạng thái say sóng, gây rối loạn sinh lý và bệnh lý. Làm việc lâu dài ở khu vực có cường độ tiếng ồn cao có thể mắc bệnh điếc nghề nghiệp và giảm năng suất lao động. Tiếng ồn gây ảnh hưởng xấu tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể con người: gây mệt mỏi về thính giác, giảm thính lực, nguyên nhân gây bệnh điếc nghề nghiệp, gây biến đổi sinh lý, sinh hoá, điện sinh ở não, suy nhược thần kinh.
Giới hạn cường độ tiếng ồn cho phép trong khu vực sản xuất theo TC 3733/2002/BYT-QĐ là 90 dB, không khí xung quanh và khu dân cư theo TCVN 5949 – 1998 từ 40-65 dB theo các dải ôc ta tuỳ theo giờ và tính chất của khu dân cư.
Thực tế mức tiếng ồn cực đại ghi nhận tại các xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ là 78 88 dB. Mức tiếng ồn này nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn TC 3733/2002/BYT-QĐ qui định về chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn khu sản xuất kinh doanh, thời gian công nhân sử dụng xe, máy hay làm việc không nhiều, không liên tục, trong cùng thời gian làm nhiều việc khác nhau trong khu xưởng sản xuất. Hơn nữa, các hoạt động gây tiếng ồn lớn như máy cưa, máy xẻ gỗ chỉ hoạt động vào một khoảng thời gian nhất định nên không gây tác động thường xuyên đến môi trường xung quanh và sức khoẻ con người.
Tác hại của tiếng ồn cường độ cao đối với sức khoẻ con người được đưa ra trong bảng V.5 dưới đây.
Bảng 1. Tác hại của tiếng ồn cường độ cao đối với sức khoẻ con người
2015-11-03_234951

Tác động do lượng bụi
Trong môi trường không khí, các chất gây ô nhiễm chủ yếu là các hạt vật chất có kích thước nhỏ hơn 10m hay còn gọi là bụi lơ lửng – TSP. Trong giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của cơ sở, bụi thường có kích thước lớn hơn. Ảnh hưởng của các loại chất ô nhiễm này đối với con người và động vật phụ thuộc vào tính chất hóa học và lý học của chúng. Chúng có thể gây kích thích và các bệnh về đường hô hấp, mắt, bệnh ngoài da v.v…
Công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng sản xuất như cưa xẻ, bào, tiện, đánh bóng sản phẩm bằng giấy giáp có thể mắc các bệnh về phổi. Bệnh này có thể gây những biến chứng thành lao, suy phổi mãn tính. Bụi còn gây những tổn thương cho da, gây chấn thương mắt và gây bệnh ở đường tiêu hoá. Bụi phát tán tại xưởng sản xuất chủ yếu là bụi gỗ với kính thước lớn nên không phát tán đi xa. Với các biện pháp phòng ngừa chung và phòng ngừa cá nhân để hạn chế sự lan toả của bụi và sự tiếp xúc của công nhân sẽ hạn chế được đáng kể mức độ ảnh hưởng tiêu cực của bụi tới sức khoẻ con người.
Tuỳ theo tính chất của bụi mà tác hại có thể rất khác nhau. Bụi vô cơ đặc biệt là bụi kim loại, bụi giầu silic, bụi amiăng v.v…có thể gây ra bệnh bụi phổi, gây phù thủng niêm mạc, loét phế, khí quản gây suy hô hấp. Ngoài ra bụi còn gây các chấn thương cho mắt. Bụi tro, bụi bông, bụi vô cơ khác vào trong phổi gây kích thích cơ học, phát sinh phản ứng sinh hoá ảnh hưởng đến đường hô hấp. Giới hạn cho phép hàm lượng bụi lơ lửng TSP trong không khí khu vực sản xuất theo TC 3733/2002/BYT-QĐ là 4 mg/m3, vùng không khí xung quanh và khu dân cư theo TCVN 5937 – 2005 là 0,3 mg/m3.
Các tác động khác
Ngoài các tác động do bụi, tiếng ồn thì công đoạn phun sơn, mầu làm phát tán các hạt sơn, hơi xăng … vào môi trường khu vực xưởng sản xuất.
Trong công đoạn phun sơn tiêu tốn mỗi tuần 10 lít xăng (tính trung bình). Đây là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường không khí khu vực.
Mức độ phát thải các chất ô nhiễm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nhiệt độ không khí, thiết bị phun sơn, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm.
Với hệ số phát thải như trên, dựa trên thực tế sản xuất, phun sơn tại Xưởng, các thông số như sau:
Tổng lượng xăng tiêu thụ là 10lít/tuần.
Thành phần của nhiên liệu lỏng gồm C, H, N, O, S, độ tro (A), độ ẩm.
S: Hàm lượng lưu huỳnh trong xăng là 0,5%.
Theo ước tính lượng phát thải các hơi xăng từ quá trình phun sơn cho các sản phẩm thất thoát vào môi trường không khí khoảng 1% lượng sơn, xăng phun. Tuy nhiên, do thời gian phun sơn diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, lại không tập trung, đồng thời cơ sở có các biện pháp che chắn kín, phòng hộ lao động hợp lý nên những tác động gây ra cho sức khoẻ công nhân là không đáng kể.
Tác động do nước mưa chảy tràn
Vào mùa mưa, nước mưa chảy tràn qua mặt bằng khu đất chứa gỗ nguyên liệu cuốn theo đất cát, mùn gỗ và các tạp chất rơi vãi trên mặt đất xuống nguồn nước, nhất là lượng mưa ban đầu. Nếu lượng nước mưa này không được quản lý tốt cũng gây tác động tiêu cực đến nguồn nước bề mặt, nước ngầm và đời sống thuỷ sinh trong khu vực.
Theo thống kế, tạm tính nồng độ các chất ô nhiễm từ nước mưa chảy tràn bảng 2
Bảng 2. Nồng độ các chất ô nhiễm trong nước mưa chảy tràn
2015-11-03_235105

So với các nguồn thải khác, nước mưa chảy tràn khá sạch, vì vậy có thể thải thẳng ra các vực nước xung quanh sau khi chảy qua hố ga có lắp đặt song chắn rác để giữ lại các cặn rác có kích thước lớn.
Các rủi ro và sự cố môi trường
Các rủi ro và sự cố môi trường có thể xẩy ra là cháy hoặc chập điện, điện giật, tai nạn do sơ ý khi vận hành các máy cưa, xẻ hay máy bào gỗ, xảy ra hoả hoạn khu nhà xưởng sản xuất v.v… Hoả hoạn sẽ gây nên những thiệt hại về vật chất như phá hủy nhà cửa, trang thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất, phá huỷ và gây thương vong với con người. Ngoài ra, các vụ cháy còn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, ảnh hưởng trực tiếp của các đám cháy là khói bụi, ảnh hưởng gián tiếp là nước thải do công tác chữa cháy. Nước thải mang theo các hoá chất do quá trình cháy, hoá chất lưu giữ trong công trình, ngoài ra còn mang theo tro bụi, đất cát. Nước được chảy tràn xuống kênh mương, ao hồ gây ô nhiễm các nguồn nước. Trường hợp như thế này được gọi là ô nhiễm sự cố. Đó là các ô nhiễm do khói bụi của đám cháy, sự bẩn thỉu, đổ nát của công trình. Sau khi dọn dẹp xong là tạm ổn nhưng ảnh hưởng của nước thải gây ra có thể sẽ lâu dài, nếu đám cháy lớn và lượng nước tiêu thụ nhiều. Do vậy cần có các biện pháp đề phòng, ngăn giữ nước do cứu hoả thải ra.
Để đề phòng khả năng xảy ra những sự cố trên, Cở sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình phối hợp cùng Phòng chuyên trách của Công an huyện Cẩm Giàng lập phương án phòng chống cháy nổ, trang bị các bình cứu hoả CO2 và các phương tiện phòng và chữa cháy khác như xô chuyên dùng chữa cháy, thang… đồng thời treo biển tiêu lệnh chữa cháy, nội quy phòng chống cháy nổ ở các vị trí cần thiết như khu vực cửa xưởng, phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm… Công nhân làm việc tại cơ sở được tham gia lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy. Bố trí các lối đi nội bộ thông thoáng chạy vòng quanh nhà xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đảm bảo cho xe chữa cháy có thể tiếp cận từng công đoạn trong cơ sở sản xuất. Vị trí cơ sở sản xuất của ông Phạm Văn Nhớ ngay gần đường 38 nên rất thuận lợi cho xe cứu hoả ra vào tiếp nước khi có sự cố xẩy ra.
Tóm lại, dự báo, đánh giá các tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở sản xuất của ông Phạm Văn Nhớ, các số liệu nền môi trường đo đạc thực tế tại nơi triển khai dự án, tổng quan nhìn nhận cho thấy, các hoạt động sản xuất sẽ gây tác động môi trường không khí ở mức thấp, chấp nhận được cho khu vực xung quanh thông qua hoạt động của một số máy chuyên dùng… làm tăng mức ồn chung của khu vực. Cơ sở cam kết sẽ áp dụng các giải pháp chống ồn, chống bụi và chống phát tán hơi khí thải hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không phát tán chất ô nhiễm ra khu vực.

………………………………………………………………………………………………….

Nguồn: Bản cam kết bảo vệ môi trường dự án đầu tư và xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ hộ gia đình Phạm Văn Nhỡ. 2009

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *