Vai trò của báo chí với truyền thông bảo vệ môi trường

5/5 – (1 vote)

GS. TS Đỗ Chí Nghĩa

Tổng biên tập báo Đại biểu Nhân dân

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội, cả nhân loại trên toàn cầu. Trong rất nhiều nhiệm vụ và thách thức đặt ra thì truyền thông về bảo vệ môi trường vẫn giữ một vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu để việc bảo vệ, gìn giữ môi trường trở nên hiệu quả nhờ sự thống nhất ý chí và hành động trên phạm vi rộng rãi nhất.

Báo chí là phương tiện truyền thông chủ lực. Dù thế giới năng động với mặng xã hội và vô vàn các hình thức truyền tải thông tin, liên kết xã hội thông minh đến đâu đi chăng nữa thì sự nổi trội về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp và ý thức chính trị vẫn tạo cho báo chí vị thế vững chắc: đó là niềm tin, là sự gửi gắm trách nhiệm của cả cộng đồng. Tất nhiên để tạo dựng và gìn giữ niềm tin ấy trong biển cạnh tranh thông tin ấy hôm nay là điều không đơn giản. Cuộc sống vốn đa chiều, đa diện, nhưng khi người làm báo trải nó ra trên mặt giấy, cái lát cắt ngôn từ có phần đơn điệu ấy phải làm sao lột tả được bản chất sự kiện, định hướng dư luận, trong khi yêu cầu thời gian luôn gấp rút. Cái gì là bản chất, cái gì là tiêu biểu, câu hỏi ấy không dễ trả lời nhưng không thể né tránh trả lời. Cái nghề tác động vào dư luận xã hội, nếu làm tốt thì tác dụng rất lớn, còn nếu sơ suất chút thôi, tác hại sẽ khôn lường.

Nói thế để thấy những thách thức đến nghiệt ngã của nghề báo, đồng thời thấy cả cái vinh dự của một nghề gắn với cuộc sống và sáng tạo. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khuyên những người làm báo phải: “Sống sâu sắc, say sưa hơn nữa!”. Cái sâu sắc ấy là bề dày kiến thức, là sự trải nghiệm, ngẫm ngợi, đúc rút ra những lẽ nhân sinh sâu lắng. Đất nước hơn 90 triệu dân, với bao lo toan, trăn trở, hạnh phúc và tai ương, thuận lợi và khó khăn, hanh thông và trắc trở… Người làm trong các cơ quan dân cử, có nhiều điều kiện tiếp xúc với người dân, với cử tri, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, lại là những cán bộ có bề dày công tác, đủ độ chín để nghiền ngẫm đánh giá sự kiện, sự việc, là những cán bộ, đảng viên, những đại biểu được tổ chức tin cậy, cử tri tín nhiệm…. Thế mạnh ấy đã đủ bảo đảm chất lượng chính trị và trách nhiệm với từng thông tin, từng trang viết của mình. Vấn đề là phải nắm chắc các kĩ năng báo chí nhất định, để việc viết lách thành công việc nhẹ nhàng.

Tôi nhớ đến một câu chuyện mà cố nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ, ấy là khi báo Nhân Dân đăng loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để khơi mào cho công cuộc đổi mới. Loạt bài gây tiếng vang lớn, giải quyết được nhiều bức xúc xã hội. Có dịp tiếp xúc gần gũi với Tổng bí thư, nhà báo Hữu Thọ mạnh dạn hỏi: “Anh là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, để thay đổi sao anh không dùng nghị quyết, chỉ thị mà lại phải trực tiếp viết bài đăng báo?”. Tổng bí thư đã trả lời: “Ra nghị quyết, chỉ thị không khó. Nhưng lực cản đổi mới ngay từ bộ máy của chúng ta còn rất lớn. Tôi viết báo để vận dụng áp lực từ dư luận, từ bên ngoài để bộ máy đó phải đổi mới, phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra”. Sức mạnh của tính công khai khiến báo chí có uy lực và cũng vận vào nó trách nhiệm thúc đẩy cuộc sống tiến về phía trước. Bất cứ ai dù là lãnh đạo cấp cao hay cán bộ, công chức, là doanh nhân, trí thức, hay người lao động bình thường nếu đã nặng lòng với đất nước, quan tâm đến số phận con người, chắc chắn sẽ quan tâm đến báo chí, trong đó có những tờ báo, những kênh truyền thông rất chú trọng đến bảo vệ môi trường.

Báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong truyền thông về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ này, báo chí cần chú ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

Truyền thông phải nhấn mạnh khía cạnh lợi ích. Con người luôn quan tâm đến lợi ích của cá nhân mình, của tập thể, cộng đồng mình là đại diện. Do đó, có thể nhấn mạnh mấy khía cạnh sau về lợi ích:

Cá nhân con người sống phải có trách nhiệm với cộng đồng, với tương lai con cháu. Đó là danh dự, là lẽ sống ở đời. Là người Việt Nam, nếu không bảo vệ môi trường đất nước mình thì đó là điều xấu hổ, là sai lầm không thể sửa chữa, là lỗi lầm với muôn đời hậu thế. Giữ gìn môi trường vì thế vừa là đạo đức, vừa là văn hóa và trí tuệ con người trong thời đại văn minh.

Với các doanh nhân, BVMT đi đôi với lợi nhuận doanh nghiệp. Tăng chi phí cho BVMT nhưng bù lại doanh nghiệp có cơ hội bán được số lượng hàng hóa lớn hơn. Người tiêu dùng trong xã hội văn minh không chỉ muốn có hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, điều kiện giao hàng thuận lợi… mà hàng hóa đó còn phải thân thiện với môi trường. Ngược lại, hàng hóa của những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ có nguy cơ bị tẩy chay. Ở các nước phát triển, nơi mà người tiêu dùng có ý thức cao trong việc BVMT, các doanh nghiệp có ý thức BVMT thường giành được cảm tình của khách hàng. Sản phẩm của các công ty đạt chứng nhận môi trường ISO:14.000 được khách hàng ưa thích và lựa chọn, mặc dù những sản phẩm đó có thể có giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại. Đón bắt quy luật phát triển tất yếu của xã hội, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững không thể không quan tâm đến tâm lý này của người tiêu dùng.

Hàng rào kỹ thuật với rất nhiều quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, đo lường, an toàn lao động, bao bì, đóng gói; tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, về BVMT sinh thái… nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng người tiêu dùng. Khách hàng sẽ ngày càng chú ý đến mức độ sạch của sản phẩm, trong đó có sạch về môi trường. Việc BVMT sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật, thâm nhập vào thị trường quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà xao lãng, quay lưng hoặc phá hủy môi trường, các doanh nghiệp sẽ tự đào thải trên con đường phát triển hội nhập của đất nước.

Thứ hai, tập trung truyền thông về khía cạnh pháp lý

            Doanh nghiệp, cá nhân vi phạm môi trường không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn phải đối diện với các chế tài nghiêm khắc của pháp luật như:

            Bồi thường nếu gây hại môi trường: Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005, bên đòi bồi thường thiệt hại phải chứng minh thiệt hại của mình. Tuy nhiên, do đây là giai đoạn thương lượng nên người dân có thể đưa ra một con số thiệt hại nào đó gần sát thực tế để thương lượng. Nếu quá trình thương lượng không thành, người dân có thể trực tiếp hoặc thông qua ủy quyền khởi kiện tại tòa án. Lúc đó, toà án sẽ giúp đỡ xác định mức thiệt hại thông qua trưng cầu giám định thiệt hại.

            Nghị định 117/2009/NĐ –CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định đóng cửa nhà máy, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng.

            Trong trách nhiệm dân sự nếu xử lý hành chính cũng phải nâng cao mức xử phạt, mức phạt phải tương xứng với lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được. Cần sửa đổi chương 17 Bộ luật Hình sự, phần về tội phạm môi trường theo hướng xử lý hình sự cả đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật môi trường nghiêm trọng – thay vì chỉ xử lý hành chính như hiện nay. Đương nhiên, hành vi nào thì áp dụng trách nhiệm hình sự, hành vi nào thì xử lý hành chính cũng cần phải phân định rất rõ.

Thứ ba, biểu dương điển hình tiên tiến đi đôi với phê phán những tiêu cực, sai phạm của cá nhân, doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến BVMT đã phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường được các Bộ, ban, ngành của Việt Nam cũng như xã hội công nhận … Một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế và trong nước, xây dựng được một thương hiệu “sản phẩm xanh”… Sau khi thay đổi quy trình sản xuất, cải tiến đổi mới công nghệ, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch, sản phẩm của các công ty không những chiếm lĩnh thị phần trong nước mà còn tăng nhanh về khối lượng xuất khẩu, được bạn hàng quốc tế đánh giá cao, đồng thời đem lại niềm tin cho xã hội và cộng đồng dân cư.

Nhiều doanh nghiệp xử lý triệt để chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, nghiên cứu cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu sản xuất có lợi cho môi trường. Giải thưởng “Doanh nghiệp xanh” đã được trao tặng cho 11 doanh nghiệp năm 2006, 15 doanh nghiệp năm 2008. Giải thưởng này sẽ làm cho người tiêu dùng trong nước và quốc tế an tâm khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Uy tín của doanh nghiệp từ đó được nâng cao. Các doanh nghiệp này đã giải quyết rất tốt bài toán: vừa BVMT, vừa tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

BVMT trong hoạt động của các cá nhân, doanh nghiệp còn là một chặng đường dài, nhiều gian khổ. Trong xu thế hội nhập, đặc biệt nước ta đã là thành viên WTO, áp lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường ngày càng quyết liệt đã đặt ra cho các doanh nghiệp nhiều thách thức có ý nghĩa sống còn. Trước xu thế hội nhập mạnh mẽ đó, những doanh nghiệp “xanh”, với những sản phẩm “xanh” sẽ là những doanh nghiệp chiếm ưu thế trên thị trường.

Bên cạnh những doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt bảo vệ môi trường thì sai phạm môi trường của doanh nghiệp cũng là điều đáng chú ý. Hầu như không có ngày nào, báo chí không đưa tin về các hành vi xâm hại môi trường, trong đó phần nhiều là vi phạm của các doanh nghiệp: xả thải ra sông ngòi, gây ô nhiễm khói bui quá mức cho phép, sử dụng công nghệ quá cũ, quá lạc hậu, ảnh hưởng đến cộng đồng…

Chỉ cần gõ chữ “lấp sông Đồng Nai” đã cho 588.000 kết quả trên Google. Tương tự với cụm từ “doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường” đã cho 48.600 kết quả.

Sự lên án mạnh mẽ của dư luận một một mặt cho thấy tác dụng của báo chí truyền thông trong đấu tranh trước các hành vi vi phạm môi trường, mặt khác cũng cảnh tỉnh ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiếp theo có thể phát sinh. Ở đây đặc biệt đề cao vai trò của báo mạng điện tử- một loại hình báo chí rất được giới doanh nhân ưa chuộng. Những hình ảnh trực quan sinh động có ý nghĩa mạnh mẽ tới suy nghĩ và hành động của những người điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động của doanh nghiệp, làm thay đổi đáng kể thực trạng hành vi ứng xử với môi trường.

Tuy vậy, khi phê bình cũng cần quan tâm đến yếu tố tâm lý nhận thức của đối tượng: khen không tán dương, chê không vùi dập. Tuyệt đối tránh có bé xé ra to làm thay đổi bản chất vấn đề, khiến doanh nhân bức xúc, ”dị ứng” với thông tin phê bình của báo chí.

Vụ bưởi chứa chất gây ung thư vẫn còn là bài học nóng hổi về nghiệp vụ báo chí trong nhận thức về tầm quan trọng của DLXH đến đâu. Chưa kể đến sự thiếu hiểu biết về mặt khoa học của những nhà báo đưa tin khi nhầm lẫn tên bưởi có-và không chứa chất gây ung thư, đề cập đến tâm lí tiếp nhận của công chúng không thôi, thì sẽ thấy tất cả các đơn vị quả mang tên bưởi đều bị đánh đồng gây K hết. Đó là nguyên do cho sự lao đao của nông dân trồng bưởi, không những gặp khó khăn trên đường xuất khẩu mà còn bị “mất điểm”, tẩy chay ngay trên “sân nhà”.

Đặc biệt là những thông tin trên báo mạng điện tử, với tốc độ lan truyền rất nhanh có thể tạo nên đủ mọi thứ dư luận trái chiều, dễ khơi gợi những suy luận sai lệch, thật giả úp mở, không có ích cho nhận thức chung, và định hướng dư luận. Một thông tin không sai nhưng đưa quá chi tiết, khắc sâu vào những mặt xấu theo “thiên kiến” người viết có thể tạo nên làn sóng dư luận phức tạp. Gần đây, trường hợp báo Đất Việt, đưa tin về tỉ lệ rau quả độc hại lên tới 24,5%, nói là nguồn thông tin từ WHO, khiến tổ chức này bất bình, yêu cầu báo phải xin lỗi. Kết quả giải trình cho thấy phóng viên báo này “chỉ nghe một người bạn nói lại từ một hội thảo tổ chức từ tháng 11/2007”, tức là trước đó đã… một năm đã đưa lên báo, dẫn đến sai lầm như đã nói ở trên!

Những thông tin giật gân, thiếu trách nhiệm được đề cập thường có mấy cấp độ sau: Thứ nhất, thông tin bịa đặt hoàn toàn, với dụng ý và mục đích cá nhân cụ thể. Thứ hai là thông tin chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng bị đẩy lên cho “tròn trịa”, tỉa tót cho “hoàn thiện”, kiểu “vẽ rắn thêm chân”, đáp ứng nhu cầu suy diễn, lệch lạc. Thứ ba, thông tin là có thật, nhưng bị nhìn nhận, đánh giá, phán xét phiến diện, chỉ nhăm nhăm khai thác mặt trái, mặt xấu… Xu hướng thông tin giật gân, kích động nhiều khi không chỉ là hiên hướng, nhãn quan cá nhân một nhà báo, mà nó là “định hướng” của một vài cơ quan báo chí muốn giành công chúng bằng mọi giá, bất chấp những hậu quả và hệ luỵ có thể xảy ra. Theo GS, TS Phạm Xuân Hằng, qua khảo sát, có tờ báo đưa tới 155 “tin xấu”, trong khi chỉ có 5 tin bài “có xu hướng tích cực”. Cán cân này rõ ràng là có vấn đề, và công chúng không thể có cái nhìn tích cực khi bị ảnh hưởng bới những sản phẩm báo chí đầy thiên kiến và nghiêng hẳn về “mảng tối” như vậy.

Một số đề xuất, khuyến nghị

Từ hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường trên báo chí, chúng tôi thấy cần có một số giải pháp điều chỉnh để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Thứ nhất, cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về môi trường và phát triển bền vững cho từng đối tượng khác nhau.

Thứ hai, cần khuyến khích và tổ chức thêm nhiều cuộc thi tác phẩm báo chí, các hình thức sáng tạo slogan, clip bảo vệ môi trường trên báo chí. Bảo đảm tránh hình thức, để nhiều người có thể tham gia, đưa giải thưởng theo tuần hay tháng để tránh sự nhàm chán, trùng lặp, tạo hiệu ứng xã hội cao.…

Thứ ba, tăng cường truyền thông về các sáng kiến bảo vệ môi trường, các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện doanh nghiệp hiện nay.

Thứ tư, cần tránh thái độ nôn nóng, phê bình gay gắt, miệt thì quá mức hành vi vi phạm của cá nhân, doanh nghiệp. Cần nhận thức đây là một quá trình, cần quan tâm đến điều kiện, nhu cầu cụ thể của cá nhân, doanh nghiệp để tìm giải pháp phát triển vững và bảo vệ môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Nguyễn Văn Mạnh (2002), Phát triển bền vững du lịch Việt Nam trong bối cảnh Hội nhập kinh tế quốc tế

[2] Tạ Ngọc Tấn (2004), Truyền thông đại chúng, NXB CTQG- Sự thật, Hà Nội.

[3] Nguyễn Văn Dững (2002), Báo chí những điểm nhìn từ thực tiễn, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *