Xây dựng thí điểm một số mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh duyên hải miền trung

5/5 – (1 vote)

PG

 

ABSTRACT

This paper presents results of implementingthree pilot livelihood models adaptive to climate change what were selected in the investigation, survey and evaluation of many existing models in 14 provinces in Central Coast. Thre model are: cage – culture in Tam Giang – Cau Hai lagoon, Thua Thien Hue province; water-saving irrigation system for growing grass in Pho An commune, Duc Pho district, Quang Ngai province; water-saving irrigation system for growing vagetable in arid regions in  An Hai commune, Ninh Phuoc district, Ninh Thuan province. After one year implementation, three models bring highlyeffective about economic, society and environment.

Keywords: climate change, adaptation, livelihood model, the Central provinces

TÓM TẮT

Bài báo giới thiệu kết quả triển khai thí điểm 03 mô hình sinh kế có khả năng thích ứng BĐKH được lựa chọn qua quá trình điều tra, khảo sát, đánh giá từ nhiều mô hình sẵn có trong cộng đồng tại 14 tỉnh duyên hải miền Trung. Theo đó, 3 mô hình thí điểm là: nuôi cá lồng – bè ở vùng đầm phá Tam Giang  – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế; hệ thống tưới nước tiết kiệm để trồng cỏ nuôi bò ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; trồng rau trên vùng khô hạn ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Sau 1 năm thực hiện thí điểm cả ba mô hình đã mang lại hiệu quả cao về kinh tề, xã hội và môi trường.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, thích ứng, mô hình sinh kế, các tỉnh miền Trung

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện đang là vấn đề nóng bỏng toàn cầu. Việt Nam được nhận định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Theo số liệu quan trắc trong khoảng 70 năm qua (1931- 2000) ở Việt Nam cho thấy nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,70C, mức nước biển đã dâng thêm khoảng 20 cm. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng đến 30C và mực nước biển có thể dâng thêm 1,0m vào cuối thế kỷ 21 [1].

Các tỉnh duyên hải miền Trung được bao bọc bởi những dãy núi chạy dọc phía Tây, là vùng có chiều ngang theo hướng Đông – Tây hẹp nhất (khoảng 50 km, ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Đây là một trong những vùng có điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan.

Phát triển sinh kế cho người dân trong điều kiện BĐKH hiện nay là một vấn đề đang được quan tâm ở đây. Với mục mục đích là thử nghiệm xây dựng các mô hình sinh kế vừa mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội vừa có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thiên tai đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Qua điều tra khảo sát, thực địa về hiện trạng các mô hình sinh kế có khả năng thích ứng với BĐKH tại 14 tỉnh duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) của đề tài cấp Nhà nước mã số BĐKH-18/11-15, bằng cách xây dựng bộ tiêu chí đánh giá khả năng thích ứng với BĐKH cho các mô hình sinh kế. Đề tài đã xác định được 43 mô hình có khả năng thích ứng với BĐKH từ mức trung bình đến mức cao, qua đó lựa chọn thí điểm 03 mô hình ở 3 vùng sinh thái khác nhau là vùng đầm phá nước lợ, vùng đất cát ven biển và vùng khô hạn (bán sa mạc) nhằm tạo cơ sở thực tiễn để nhân rộng các mô hình này một cách bền vững.

2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

– Phương pháp khảo sát thực địa: khảo sát thực địa tại khu vực nghiên cứu được tiến hành vào năm 2013 và 2014, để xác định hiện trạng phát triển các mô hình sinh kế nói chung và các mô hình sinh kế có khả năng thích ứng với BĐKH nói riêng trong cộng đồng dân cư 14 tỉnh duyên hải miền Trung. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá và lựa chọn các mô hình thí điểm và đề xuất nhân rộng.

– Phương pháp tham vấn cộng đồng: Trong nghiên cứu này, phương pháp tham vấn cộng đồng được sử dụng ở nhiều giai đoạn khác nhau, với 2 nhóm đối tượng chính là các hộ dân và cán bộ quản lý địa phương. Quá trình nghiên cứu đã tổ chức phỏng vấn trên 5.000 phiếu điều tra, phân bố đều cho 14 tỉnh. Ngoài ra phương pháp này còn được sử dụng trong quá trình triển khai thí điểm các mô hình.

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Quy trình thực hiện thí điểm mô hình

Quy trình thực hiện thí điểm mô hình được tóm tắt trong các bước chính sau:

Bước 1: Khảo sát thực địa, tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, các mô hình truyền thống, nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng…chọn địa điểm thực hiện.

Bước 2: Phân tích, đánh giá các mô hình hiện có trong cộng đồng, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó có thể hoàn thiện trong mô hình mới.

Bước 3: Thiết kế mô hình trên cơ sở lặp đi lặp lại 2 bước trên, ngoài ra còn thông qua sự thống nhất với chính quyền địa phương và cộng đồng.

Bước 4: Thực hiện thí điểm mô hình, bước này là sự phối hợp giữa cán bộ phụ trách, người dân và chính quyền địa phương. Trong bước này, hoạt động giám sát và đánh giá được diễn ra theo định kỳ hoặc đột xuất.

Bước 5: Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và lên phương án nhân rộng.

3.2. Kết quả xây dựng thí điểm một số mô hình

3.2.1. Mô hình nuôi cá chẽm trong lồng  – bè thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (TG-CH), tỉnh Thừa Thiên Huế

  1. Hiện trạng mô hình trước khi xây dựng thí điểm

Hiện tại, trên đầm phá TG-CH có 2 hình thức nuôi cá lồng chính là: lồng đặt trong ao ven đầm phá và lồng được cố định ở ngoài phá.

Đối với lồng đặt trong ao ven đầm phá có kết cấu khá đơn giản, dùng lưới được may thành lồng (hình hộp chữ nhật) với 6 mặt kín hoàn toàn, mặt trên có 1 cửa cho ăn và thu hoạch. Kích thước lồng tùy vào điều kiện hộ nuôi, trung bình: dài 4m, rộng 4m và cao 2m. Lồng không có khung, 8 góc được neo vào 4 cọc cắm sâu xuống đáy ao để dễ dàng chăm sóc, bảo vệ.

Lồng cố định ngoài đầm có kết cấu tương tự lồng đặt ở trong ao nhưngđược gia cố thêm giàn tre để giữ lồng cố định. Ưu điểm của lồng nuôi này là có được mặt nước thông thoáng, dòng chảy lưu thông trong quá trình nuôi, tuy nhiên hạn chế lớn của nó là không kiểm soát được môi trường nước và không bền vững khi có bão, lụt.

  1. Kết quả triển khai thí điểm

Mô hình được triển khai thí điểm ở vùng đầm phá TG-CH, thuộc xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, được kết cấu khá đơn giản, dễ thực hiện: hệ thống bao gồm các hợp phần với tác dụng mỗi hợp phần rất rõ ràng, trong đó có hai hợp phần chính đó là Lồng và Bè, Lồng để nuôi cá và Bè để giữ Lồng luôn nổi trên mặt nước (xem hình 1).

2015-11-09_225817

Hình 1. Mô hình nuôi cá Chẽm trong lồng – bè

Qua 1 năm thực hiện thí điểm, đã đạt được một số kết quả nhất định sau:

Hiệu quả kinh tế: Với số lượng giống thả nuôi là 1.200 con/64m3 thể tích lồng, trừ tất cả các chi phí như hệ thống lồng bè, thức ăn và các phụ phí khác thì tổng lợi nhuận thu được là 66.000.000 đồng, cụ thể: Tổng chi phí bao gồm giống, thức ăn, lồng – bè là 66.000.000 đồng. Tổng thu là: 1.200 con x 1,1kg/con x 100.000đ/kg = 132.000.000 đồng [3].

 2015-11-09_225855  2015-11-09_225921
Hình 2. Lắp ráp lại hệ thống sau khi di chuyển vào ao đất Hình 3. Đo trọng lượng cá khi thu hoạch

Thích ứng với BĐKH: Mục đích chính của mô hình là thích ứng với bão và lũ lụt, vì vậy thời điểm và giai đoạn thực hiện được lựa chọn thực hiện là phải qua mùa mưa bão. Vào mùa mưa bão, để tránh thiệt hại, bệnh do nước bị ngọt hóa, trộm cắp…nên mô hình đã được tháo rời và di chuyển vào nơi an toàn (ao đất, có đê chắn cao và kiên cố); Thực tế cho thấy, vào mùa mưa bão, hầu hết các hoạt động nuôi trồng trên đầm phá đều không diễn ra, riêng mô hình này vẫn sản xuất bình thường, đối tượng nuôi phát triển bình thường. Đối tượng nuôi ít bị ảnh hưởng trong quá trình di chuyển và thích nghi nhanh với môi trường nước mới. Vị trí đặt lồng khá an toàn, thuận lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp mùa mưa bão; Sau mùa mưa bão, mô hình lại được dễ dàng tháo rời và di chuyển ra lại vị trí cũ (mặt nước tự nhiên).

3.2.2. Hệ thống tưới nước tiết kiệm trong điều kiện biến đổi khí hậu xây dựng thí điểm tại vùng đất cát ven biển xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi

Hiện trạng mô hình trước khi xây dựng thí điểm:

Trước đây, bò chủ yếu được nuôi theo hình thức thả rông. Tuy nhiên, trong bối cảnh BĐKH hiện nay, tình trạng khô hạn thiếu nước ở đây diễn ra ngày càng khốc liệt hơn nên ảnh hưởng lớn đến nguồn thức ăn và chế độ chăm sóc bò. Do đó, để giảm thiểu các tác động và dần dần thích ứng, nhiều hộ gia đình ở đây đã chuyển sang mô hình nuôi nhốt bò tại nhà và trồng cỏ (cỏ Voi, cỏ VA06….)[2].Tuy vậy, một hạn chế của mô hình này là người dân sử dụng hình thức tưới tràn bằng ống dây để tưới. Cách thức tưới này làm tiêu tốn và thất thoát rất nhiều nước.Chính vì vậy, hệ thống tưới nước tiết kiệm trong điều kiện BĐKH đã được lựa chọn xây dựng thí điểm tại đây. Đây là hệ thống tưới nước kiểu phun mưa được áp dụng trong quá trình trồng cỏ Voi để nuôi bò, giúp người dân sử dụng nước hợp lý và tiết kiệm, có sự chủ động về nguồn nước trong bối cảnh BĐKH hiện nay. Hệ thống tưới tưới này gồm các hợp phần: Nguồn nước, máy bơm, hệ thống đường ống và vòi phun. Hệ thống này được xây dựng thí điểm tại 03 hộ dân (Hình 4).

2015-11-09_230103

Hình 4. Mô hình hệ thống tưới nước tiết kiệm

Kết quả triển khai thí điểm:

Hiệu quả kinh tế: Hệ thống này vừa giúp tiết kiệm nước, công lao động và điện năng. Với việc sử dụng hệ thống tưới phun sương đảm bảo độ ẩm thời gian thu hoạch được là 45-50 ngày (ngắn hơn so với tưới vòitừ 5 – 10 ngày), khoảng cách giữa các lần cắt tiếp theo là 30 ngày (ngắn hơn so với tưới vòi 5-10 ngày). Năng suất đạt 300 tấn/ha/năm (cao hơn tưới phun từ 50 tấn/ha/năm), đảm bảo đủ cỏ cho việc nuôi bò của các hộ gia đình. Theo tính toán, lợi nhuận từ việc trồng cỏ hơn 2,5 triệu/ năm [4].

Về khả năng thích ứng: (1) Kết quả theo dõi cho thấy ở mô hình sử dụng hệ thống tưới phun mưa có tốc độ tăng trưởng chiều cao cây nhanh hơn tưới vòi phun nước của hộ nông dân thường sử dụng; (2) Theo tính toán, mô hình sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm được lượng nước tưới 40% so với tưới bằng ống dây; (3) Thực tế, trong mùa hạn vừa qua, một số khu vực trồng cỏ ở địa phương bị ảnh hưởng, cỏ phát triển kém nhưng cỏ ở mô hình vẫn phát triển tốt; (4) Ngoài ra, mô hình còn tận dụng nguồn phân bò thải ra để bón cho cây cỏ, qua đó sẽ giảm phát thải khí mê tan (CH4) góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

3.2.3. Mô hình trồng rau thích ứng với BĐKH tại vùng đất cát khô hạn huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận

Hiện trạng mô hình trước khi xây dựng thí điểm:

Xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là một vùng đất cát (bán sa mạc), nên thường thiếu nước để sản xuất. Mặc dù vậy, người dân nơi đây cũng đã tìm ra được các mô hình sản xuất rau (hành lá, củ cải và cà rốt…) nhằm thích ứng với tình khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng trên vùng đất bán sa mạc này. Tuy nhiên, cách sản xuất truyền thống của người dân ở đây hầu hết là sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ để tưới tràn trên đất cho rau, nên rất gây lãng phí nước, dẫn đến nguồn nước ngầm bị suy kiệt. Đồng thời, cách tưới này làm cho tầng đất canh tác bị chai cứng, dinh dưỡng trong đất bị rửa trôi và rất tốn kém công lao động. Mô hình thí điểm trồng rau (hành lá, củ cải, cà rốt) được thiết kế bổ sung thêm 2 hợp phần chính là hệ thống tưới nước tiết kiệm và hệ thống giàn lưới che nắng (Hình 5).

2015-11-09_230254

Hình 5. Hệ thống tưới tiết kiệm và giàn lưới

Kết quả triển khai thí điểm:

Hiệu quả kinh tế: Qua hạch toán kinh tế, tổng lãi thu được của cả 3 loại rau của mô hình thí điểm là 7.445.000 đồng/vụ, tổng lãi thu được của cả 3 loại rau của mô hình sản xuất thực tế là 5.867.000 đồng/vụ. Như vậy mô hình thí điểm có lãi cao hơn mô hình thực tế là 1.578.000 đồng/vụ.Mỗi năm mô hình thí điểm sản xuất được 6 vụ và lợi nhuận thu được cao hơn so với mô hình thực tế là 9.468.000 đ/năm. Với số chi phí bỏ ra ban đầu để làm hệ thống tưới tiết kiệm nước thì chỉ sau 2 năm đã có thể hoàn vốn [5].

Kết quả thích ứng với BĐKH:  Sự thích ứng với tình trạng khô hạn và hạn hán trong bối cảnh BĐKH của mô hình thí điểm sau hơn 8 tháng triển khai xây dựng là rất rõ ràng và hiệu quả, nó thể hiện qua các khía canh sau: (1) Đối với việc sử dụng máy bơm nước tưới theo tập quán canh tác truyền thống (tưới tràn), sau bình quân 2 giờ tưới/1.000 m2, nước ở giếng sẽ hết và phải chờ một thời gian mới tiếp tục tưới được, mỗi đợt tưới mất từ 4-5 giờ. (2) Sử dụng phương pháp tưới tiết kiệm của mô hình hạn chế được 40-60% nước tưới so với tưới truyền thống, mỗi đợt tưới chỉ mất khoảng 2 giờ, mạch nước được duy trì nên đảm bảo được độ ẩm liên tục và đầy đủ, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

4. KẾT LUẬN

Việc xác định các mô hình sinh kế phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái khác nhau có khả năng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của thời tiết là giải pháp phù hợp và hiệu quả trong mục tiêu thích ứng với BĐKH ở các tỉnh miền trung.

Trong thời gian thí điểm 1 năm, cả 03 mô hình được lựa chọn thí điểm bao gồm (1) nuôi cá lồng – bè ở vùng đầm phá Tam Giang  – Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên Huế, (2) hệ thống tưới nước tiết kiệm để trồng cỏ nuôi bò ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, (3) trồng rau trên vùng khô hạn ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bước đầu đã mang lại hiệu quả tốt về kinh tế, xã hội và đặc biệt là khả năng thích ứng với BĐKH ở từng địa bàn nghiên cứu. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với mô hình trước khi được bổ sung các hợp phần, các mô hình này còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về BĐKH và thích ứng với BĐKH.

LỜI CÁM ƠN

Để thực hiện được bài báo này, các tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước: “Luận cứ khoa học cho việc lựa chọn và hoàn thiện các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng ở miền Trung và đề xuất nhân rộng”, mã số BĐKH-18; Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012, Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. NXB Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thành Lưu, 2015, Báo cáo kết quả thực hiên mô hình trồng thâm canh cỏ bằng hệ thống tưới nước tiết kiệm, Quảng Ngãi.
  3. Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế, 2015, Báo cáo tổng kết thí điểm mô hình nuôi cá lồng – bè thích ứng với BĐKH ở vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo chuyên đề, đề tài BĐKH 18/11-15, Huế.
  4. Viện Tài nguyên và Môi trường -Đại học Huế, 2015, Báo cáo tổng kết thí điểm mô hình Trồng rau thích ứng với BĐKH (hạn hán) tại vùng cát khô hạn (bán sa mạc), Báo cáo chuyên đề, đề tài BĐKH 18/11-15, Huế.
  5. Viện Tài nguyên và Môi trường- Đại học Huế, 2015, Báo cáo tổng kết thí điểm mô hình Hệ thống tưới tiết kiệm trong điều kiện biến đổi khí hậu tại xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Báo cáo chuyên đề, đề tài BĐKH 18/11-15, Huế.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *