Các kỹ thuật ủ sinh học xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả cao

5/5 – (1 vote)

Phương pháp ủ phân theo luống dài

Dạng đánh luống cấp khí tự nhiên là quá trình ủ phân trong đó chất thải rắn được sắp xếp theo các luống dài, hẹp và được đảo trộn theo một chu kỳ nhất định nhằm cấp khí cho luống ủ.

Các luống ủ có chiều cao thay đổi từ 1 m (đối với nguyên liệu có mật độ dày như phân) đến 3,5 m (đối với nguyên liệu nhẹ như lá cây). Chiều rộng luống ủ thay đổi từ 1,5-6 m.

Các luống ủ thường xuyên được xáo trộn theo định kỳ nhằm trộn đều chất thải rắn trong luống, trộn đều độ ẩm và hỗ trợ cho thổi khí tự động.

Ưu điểm:

–       Do xáo trộn thường xuyên nên chất lượng phân hữu cơ đồng đều.

–       Vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp vì không cần hệ thống cung cấp ôxy cưỡng bức.

–       Kỹ thuật đơn giản.

Nhược điểm:

–       Cần nhiều nhân công.

–       Thời gian ủ dài (3 – 6 tháng).

–       Do sử dụng thổi khí thụ động nên khó quản lý, đặc biệt là khó kiểm soát nhiệt độ và mầm bệnh.

–       Xáo trộn luống ủ thường gây thất thoát nitơ và gây mùi.

–       Quá trình ủ bị phụ thuộc vào thời tiết ví dụ như mưa có thể ảnh hưởng bất lợi cho quá trình ủ.

–       Phương pháp thổi khí thụ động cần một lượng lớn vật liệu tạo cấu trúc phù hợp với phương pháp này thì khó tìm hơn so với phương pháp khác.

–       Diện tích đất cần thiết lớn.

Phương pháp ủ phân theo luống dài hoặc đống với thổi khí cưỡng bức

Trong phương pháp này vật liệu ủ được sắp xếp thành đống hoặc luống dài. Không khí được cung cấp cho hệ thống bằng quạt thổi khí hoặc bơm nén khí qua hệ thống phân phối khí như ống phân phối khí hoặc sàn phân phối khí. Chiều cao luống hay đống ủ khoảng 2-2,5 m.

Để kiểm soát quá trình phân hủy hiếu khí bên trong khối ủ,mỗi khối ủ thường được trang bị một máy thổi khí. Lượng không khí cung cấp phải đảm bảo đủ nhu cầu ôxy cho quá trình chuyển đổi sinh học và nhằm kiểm soát nhiệt độ trong khối ủ.

Thời gian cần thiết cho quá trình ủ khoảng 3-5 tuần. Phần mùn sau khi ủ được đem đi sàng tinh nhằm thu được sản phẩm phân chất lượng cao.

Ưu điểm:

–       Dễ dàng kiểm soát khi vận hành hệ thống đặc biệt là kiểm soát nhiệt độ và nồng độ ôxy trong luống ủ.

–       Giảm mùi hôi và mầm bệnh.

–       Thời gian ủ ngắn (3-6 tuần).

–       Vì sử dụng thổi khí cưỡng bức nên luống phân có thể cao và rộng hơn so với thổi khí thụ động do đó nhu cầu sử dụng đất thấp hơn có thể vận hành ngoài trời hoặc có che phủ.

Nhược điểm:

–       Hệ thống phân phối khí dễ bị tắc nghẽn cần phải bảo trì thường xuyên.

–       Chi phí bảo trì hệ thống và chi phí năng lượng cho thổi khí làm tăng tổng chi phí nên chi phí cho hệ thống này cao hơn hệ thống thổi khí thụ động.

Phương pháp ủ trong container

Phương pháp ủ trong container:là phương pháp ủ mà vật liệu ủ được chứa trong container hoặc thùng kín, túi đựnghay trong nhà. Thổi khí cưỡng bức thường được sử dụng cho phương pháp ủ này, có điều phương pháp ủ trong container như ủ trong bể di chuyển theo phương ngang ủ trong container thổi khí và ủ trong thùng quay.

Trong bể di chuyển theo phương ngang chất thải rắn được ủ trong một hoặc nhiều ngăn phản ứng dài và hẹp thổi khí cưỡng bức và xáo trộn định kỳ. Vật liệu ủ được di chuyển liên tục dọc theo chiều dài của ngăn phản ứng trong suốt quá trình ủ.

Còn đối với loại thùng quay vật liệu được ủ trong một thùng xoay chậm theo phương ngang kèm theo thổi khí cưỡng bức.

Ưu điểm:

–       Ít nhạy cảm với điều kiện thời tiết.

–       Khả năng kiểm soát quá trình ủ và kiểm soát mùi tốt hơn.

–       Thời gian ủ ngắn hơn phương pháp ủ ngoài trời.

–       Nhu cầu diện tích nhỏ hơn so với các phương pháp khác.

–       Chất lượng phân tốt hơn.

Nhược điểm:

–       Vốn đầu tư cao.

–       Chi phí vận hành và bảo trì hệ thống cao.

–       Thiết kế phức tạp và đòi hỏi trình độ cao.

–       Công nhân vận hành đòi hỏi trình độ cao.

Nguồn: Giáo trình Xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại. Trịnh Văn Tuyên, Văn Hữu Tập, Vũ Thị Mai. NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2014

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *