Đặc điểm địa hình đất đỏ bazan trong mối quan hệ với sử dụng và bảo vệ đất

4.1/5 – (28 votes)

Các vùng đá bazan Tây Nguyên Việt Nam được hình thành phần lớn từ các đợt phun trào diễn ra từ Neogen giữa, đặc biệt là từ Miocen giữa, cách ngày nay 16 triệu năm cho đến kỷ Đệ tứ.  Quá trình diễn ra theo hai giai đoạn lớn. Giai đoạn đầu kéo dài từ Miocen đến Pliocen và giai đoạn hai kéo dài từ Pliocen đến Đệ Tứ.  Các nghiên cứu địa chất cho thấy các đá phun trào bazan thường phủ lên các bề mặt địa hình cổ hơn. Vì vậy khi phân tích địa hình vùng đá bazan không thể tách khỏi địa hình của Tây Nguyên.  Địa hình Tây Nguyên mang đặc thù của một sơn nguyên. Các vùng đá bazan là một bộ phận của sơn nguyên đó.

2015-10-23_141508

Theo độ cao và đặc điểm địa hình, địa mạo, khu vực các tỉnh Tây Nguyên có thể phân chia thành khu vực núi cao trung bình, khu vực núi thấp, và khu vực cao nguyên. Các vùng đá bazan tập trung chủ yếu ở cao nguyên. Phần bazan phân bố ở khu vực núi cao trung bình và thấp chiếm tỷ lệ không đáng kể và thường tạo thành các khối nhỏ phân bố rời rạc với 88 khối lớn nhỏ. Các vùng đá bazan Miocen chiếm diện tích lớn hơn nhiều so với diện phân bố của đá bazan Pliocen-Đệ tứ và nằm ở độ cao khác nhau, tập trung chủ yếu ở vùng cao nguyên với độ cao tuyệt đối từ 300 đến 800m, nhiều nhất ở Gia Lai, tiếp theo là Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và có thể phân ra một số cao nguyên sau đây:

  1. Cao nguyên KonpLong và Kon Hà Nùng: bazan tạo nên cao nguyên này thường nằm trên các địa hình trũng kéo dài theo hướng gần bắc nam thuộc phía bắc của tỉnh Kon Tum, một số diện tích bazan Pliocen-Đệ Tứ nằm phủ trên sườn của núi Ngọc Linh thuộc phạm vi các xã Đăk Choong, xã Măng Xăng và xã Ngọc Ley. Trong phạm vi các xã Măng Cảnh, Pờ Ê, Hiếu thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum), Đăk Rong, Sơn Lang, Sơ Pai, Kron, LơKu, Đông, Nghĩa An,  Kong lơng Khơng thuộc huyện KBang, Kong Yang, Ya Ma, Yang Nam, Chư Long thuộc huyện Kon Chro, Pờ Tó và Chư Mỗ thuộc huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai, các đá bazan tuổi Miocen giữa thường phủ lên trên nền địa hình cổ và tạo nên địa hình hiện đại với độ cao nhất đạt tới gần 1000m ở Măng Cành nằm về phía Bắc và giảm dần đến độ cao 300m về phía Nam đông nam. Dải bazan này là một bộ phận của dải bazan phát triển về phía Đông ra khỏi phạm vi của vùng nghiên cứu và kéo xuống đến Biển Đông.
  2. Cao nguyên Pleiku: kéo dài từ phía tây tỉnh Gia Lai đến phía nam tỉnh Kon Tum, có diện tích khá lớn. Diện phân bố bazan này có dạng tương đối đẳng thước bao bọc xung quanh thị xã Plei Ku: thuộc phạm vi các xã Ia Chim, Ya Ly, Hòa Bình tỉnh Kon Tum; các xã Hà Tây, Đăk Đoa, Ia Mơ Nong, Ia Phí, Ia Ka, Hải Yang, Kon Gang, Ia Khươi, Nghĩa Hòa, xã Chư Jô, Nam Yang, Ia Hrung, Kon Dơng, Kơ Dang, Lơ Pang,  Kon Thup, Ia Krai, Ia O, Ia Chia, Ia Dơk, Ia Kla, Ia Krel, Ia Din, Dom, Ia Krieng, Ia Nan, Ia KBoong, Ia Pron, Ia Me, Ia Kô, Ia Hrú, Nhân Hòa, H Bông,  Ia Kô, Ia Blang, thị trấn Chư Sê, A Lbá, Ia Hlop, Chư Prông, Ia lang, Ia Pech, Ia Sao, Nghĩa Hòa,… thuộc tỉnh Gia Lai. Các đá bazan Miocen giữa phân bố chủ yếu từ độ cao 700m trở xuống và thường tập trung trong các trũng tương đối bằng phẳng tạo nên các cao nguyên bazan thoải nghiêng dần về phía biên giới Việt Lào ở phía Tây và giảm dần về phía Nam. Độ cao giảm dần từ 700m ở phía bắc của dải bazan này đến 200m ở phía Tây và 300m ở phía Nam.

2015-10-23_141414

  1. Cao nguyên Đăk Lăk: được hình thành chủ yếu từ các đá bazan tuổi Miocen giữa và phân bố khá tập trung, tạo nên diện phân bố liên tục. Chỉ có một vài khối nhỏ phân bố rải rác ở xã Ea H’maly, Ea Riêng, Cư Cróa của huyện Ma’Đrăk, xã Đăk Phơi của huyện Lăk, xã Dur K’mal, thị trấn Buôn Trấp, xã Quảng Điền của huyện Krông Ana. Các đá bazan Pliocen-Đệ tứ phủ trên các đá bazan Miocen giữa để hình thành nên phần trung tâm của cao nguyên Buôn Mê Thuột, và một phần các xã Cư Pơng, Ea Bông…
  2. Cao nguyên Đăk Nông: là một bộ phận của cấu trúc núi lửa rộng lớn hơn bao gồm cả một phần của tỉnh Bình Phước và kéo sang tận lãnh thổ Căm Pu Chia, phân bố ở sườn phía đông của cấu trúc núi lửa cổ. Đỉnh của chóp núi lửa nằm ở phía tây của tỉnh, tiếp giáp với Căm Pu Chia. Độ cao của địa hình bazan trong khu vực này giảm từ 1800m ở đỉnh xuống còn 400m ở phía đông và 200m khi xuống phía nam kéo sang tỉnh Bình Phước. Đây là cao nguyên có độ dốc lớn, chia cắt mạnh.
  3. Cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc: thuộc tỉnh Lâm Đồng bao gồm cả hai loại bazan được hình thành trong giai đoạn Miocen và giai đoạn Pliocen-Đệ Tứ. Chúng phân bố chủ yếu ở phía Nam của tỉnh và tạo nên một số diện tích tương đối rộng và không liên tục. Diện tích lớn nhất phân bố trong phạm vi các xã Tân Thanh, Tân Hà, Đan Phượng, Lộc Quảng, Lộc Phú, Sơn Điền, Tân Châu, Gia Hiệp, ĐamBri, Lộc Tân, Lộc An, Liêm Đầm, Lộc Châu, Hòa Bắc, Lộc Sơn, Lộc Thanh, Lộc Bảo, Lộc Bắc, Nam Ninh, Mỹ Đức, Đa Tốn…  Diện phân bố thứ hai nằm về phía Bắc tỉnh trong phạm vi các xã Lâm Hà, Gia Lâm, phần phía Nam của xã Tà Nung, thị trấn Liên Nghĩa, xã Ninh Gia, xã Tà Hin, xã Xuân Trường, Xã Lạc Xuân, xã Ka Đơn, xã Hiệp Thạnh, thị trấn Đran… Diện phân bố thứ ba  tạo thành một dải hẹp nằm về phía Đông nam của tỉnh Lâm Đồng tạo nên sườn phía Đông nam của cao nguyên Lâm Viên và phân cách với diện phân bố thứ nhất bởi dải địa hình núi trung bình thấp Di Linh có độ cao từ 1000-1500m. Chúng phân bố chủ yếu ở các xã Tam Bè, Bảo Thuận, Hòa Trung và Gưng Ré.  Cả ba diện tích phân bố đá bazan nói trên đều nằm trong vùng có độ cao địa hình trung bình 700m. Riêng phần phía Bắc, do sự có mặt của đá bazan Pliocen – Đệ tứ nên độ cao tuyệt đối đạt đến trên 1000m. Toàn bộ vùng bazan này đã tạo nên cao nguyên Di Linh, cao nguyên Bảo Lộc với độ nghiêng giảm dần theo chiều từ Bảo Lộc về  Đông Nam Bộ.

 Nguồn: Đề tài KC.08.26: “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp tổng thể nhằm sử dụng hợp lý và bảo vệ các loại đất phát triển trên sản phẩm phong hoá của đá bazan Tây Nguyên” – Chủ nhiệm đề tài: TS Nguyễn Văn Toàn – Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp  

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *