Công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh Nam Định

5/5 – (1 vote)

Phan Văn Phong

Phó GĐ Sở TN&MT Nam Định

 

I. HIỆN TRẠNG ĐA DẠNG SINH HỌC

Tỉnh Nam Định nằm ở phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, dân số gần 2 triệu người, có diện tích: 1.669 km2. Tỉnh Nam Định có 2 trong số 5 khu vực đa dạng sinh học được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước liên tỉnh ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng vào ngày 2/12/2004, gồm 2 tiểu vùng nằm ở cửa Ba Lạt và cửa Đáy. Tiểu vùng thứ nhất là Vườn quốc gia Xuân Thủy thuộc huyện Giao Thủy. Tiểu vùng thứ hai là rừng phòng hộ ven biển huyện Nghĩa Hưng. Các hệ sinh thái được phân bố như sau:

1.1. Hệ sinh thái đất ngập nước:

1.1. Vườn quốc gia Xuân Thủy có diện tích 7.100 ha, với sự đa dạng và phong phú về loài. VQG Xuân Thuỷ là nơi thể hiện rõ nét nhất về sự đa dạng sinh học của tỉnh. Với sự đa dạng về các kiểu hệ sinh thái đất ngập nước và thảm thực vật ngập mặn phát triển. Thành phần loài sinh vật cũng như hệ sinh thái ở đây khá đa dạng và phong phú, gồm 1.647 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong, cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng, bò sát, ếch – nhái, chim và thú. Trong đó giá trị đa dạng sinh học phải kể đến các loài sinh vật quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và các kiểu hệ sinh thái, cụ thể:

Các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở VQG Xuân Thuỷ tập trung ở các nhóm động vật như cá, bò sát, chim và thú. Trong đó, nhóm chim được chú ý bảo tồn nhiều hơn cả, đặc biệt là nhóm chim nước di cư.

Cá: có 5 loài cá được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (2012).

 Bò sát: có 8 loài quý, hiếm và có giá trị bảo tồn ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh mục Đỏ IUCN (2012), Nghị định 32/2006/NĐ-CP (2006), NĐ 160/2013/NĐ-CP.

Thú: Theo các dẫn liệu điều tra, có có ba loài thú quý, hiếm sống ở dưới nước là:  Rái cá (Lutra lutra), cá Heo (Lipotes vexilifer) và Cá Đầu ông sư  (Neophocaera phocaenoides).

Chim: có 14 loài quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007), Danh mục đỏ IUCN (2012) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP, NĐ 160/2013/NĐ-CP. Trong đó, hai loài chim nước di cư rất hiếm gặp tại các vùng ven biển khác là Cò thìa và Rẽ mỏ thìa.

2015-11-07_213558

Hệ sinh thái đặc trưng VQG Xuân Thủy gồm:

* Hệ sinh thái bãi triều lầy có rừng ngập mặn: Có diện tích 1661 ha, có hệ thực vật ngập mặn phát triển chủ yếu là các loài: Sú, Bần chua, Trang và Đâng.

 * Hệ sinh thái bãi triều không có rừng ngập mặn: có diện tích 2.356 ha. Do không có thực vật che phủ, trao đổi nước tốt nên là môi trường phát triển cho nhiều loài động vật đáy: Hàu, Ốc dạ, Ốc sắt, Ốc bùn, Sẳng, Còng đỏ, Còng vuông, Giun nhiều tơ; phía Tây-Nam Cồn Lu là khu vực nuôi thuần loài Ngao Bến tre (Meretrix serata).

* Hệ sinh thái dải cát ven bờ ngoài Cồn Lu và cồn cát chắn vùng cửa sông: có diện tích 988 ha. Tại đây rừng Phi lao được trồng để phòng hộ ven biển với diện tích được xác định năm 2013 là 110 ha xen lẫn Muống biển và trảng cây bụi. Đây cũng là địa bàn tập trung của các loài ngao bản địa như Ngao dầu, Ngao vân, ….; và nhiều loài chim nước di cư.

*Hệ sinh thái đầm nuôi trồng thuỷ sản:

Đầm nuôi thủy sản ở khu vực VQG Xuân Thuỷ chủ yếu tập trung ở Cồn Ngạn có diện tích 1.699 ha; đối tượng nuôi, trồng chủ yếu là tôm, cá, cua và rau câu kết hợp; đồng thời là nơi tập trung của nhiều loài chim nước.

* Hệ sinh thái sông nhánh, lạch triều:

Có hai sông nhánh ở khu vực VQG Xuân Thuỷ là sông Trà và sông Vọp chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, diện tích khoảng 950 ha có các nhóm sinh vật nổi, động vật đáy như Ốc vân, Ốc gạo, Tôm he, Cua bơi; Giun nhiều tơ và nhiều loài  cá nước lợ, nước mặn, đặc biệt ven bờ sông nhánh, lạch triều có loài Cá bống bớp và nhiều loài chim nước

* Hệ sinh thái vùng nước cửa sông Ba Lạt

Vùng nước cửa sông Ba Lạt có diện tích khoảng 3.173 ha, có nhóm sinh vật nổi phát triển, động vật đáy gồm họ Tôm he, họ Cua bơi, một số loài thuộc họ Tôm càng sông, họ Cua rạm, Ốc gạo, Ốc mút, Hàu cửa sông, Hến vỏ mỏng.

    * Hệ sinh thái ruộng lúa nước

Đây là kiểu hệ sinh thái nông nghiệp, phân bố chủ yếu ở vùng giáp đê thuộc các xã Giao Thiện, Giao An với diện tích là 2.232 ha, có hệ thuỷ sinh vật nước ngọt đặc trưng và nghèo về số loài. Tại đây, có sự phân bố của loài Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) là loài ngoại lai xâm hại.

Các hệ sinh thái đất ngập nước ở VQG Xuân Thuỷ là nơi cư trú, là môi trường sống của nhiều loài sinh vật hoang dã, ngoài ra còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội:

– Mang đến những lợi ích trực tiếp, giúp phát triển sinh kế cho người dân trong khu vực (khai thác hải sản tự nhiên).

– Là điều kiện để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

– Điều hòa khí hậu, bảo vệ bờ biển và giảm thiểu các tác động của thiên tai.

2015-11-07_213708

1.1.2. Bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, tổng diện tích 3.654 ha:

Thực vật ngập mặn có 21 loài, thực vật nổi có 205 loài (Cửa Lạch Giang 106 loài, cửa Đáy 99 loài). Động vật nổi tại cửa Lạch Giang có 88 loài, cửa Đáy có 59 loài, Động vật đáy: Có khoảng 171  loài. Giáp xác: Có 77 loài. Thân mềm: Có 78 loài. Giá biển: Có 1 loài thuộc lớp tay cuốn. Cá: Có 162 loài. Trong số này nhóm cá nước lợ – mặn chiếm ưu thế với 125 loài, chiếm 77,2%, còn lại là cá nước ngọt 37 loài. Chim: Vùng bãi bồi Nghĩa Hưng có 96 loài chim thuộc 55 giống, 27 họ, 13 bộ, như vậy tại vùng này đã có mặt hầu hết thành phần loài chim của vùng đất ngập nước thuộc vùng châu thổ sông Hồng.

– 1.560 ha là đất nuôi trồng thủy sản.

1.2.  Hệ sinh thái rừng

1.2.1 Rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển:

– Tại huyện Nghĩa Hưng, có 1.075ha, trong đó rừng ngập mặn tập trung ở khu vực phía cửa sông Đáy, rừng phi lao phân bố ở các tuyến đê phía cửa sông Ninh Cơ.

– Huyện Giao Thủy có 545,7 ha rừng phòng hộ, phân bố ven đê thuộc vùng đệm của Vườn Quốc Gia Xuân Thủy và rải rác ven đê biển của các xã Giao Long, Bạch Long, Giao phong và Thị trấn Quất Lâm. Diện tích rừng ngập mặn 1.661 ha tại khu vực VQG Xuân Thuỷ.

– Huyện Hải Hậu có 77,2 ha diện tích đất có rừng, chủ yếu là rừng phi lao. Hải Hậu có biển lấn nên nhiều nơi sát đê biển không có bãi do đó không trồng được rừng ngập mặn, chỉ có 8.5 ha ở xã Hải Lộc và Hải Đông.

1.2.2. Rừng phòng hộ trên đồi gò, phân bố trên địa bàn 02 huyện: Vụ Bản 38,6 ha, Ý Yên 27,5 ha. Rừng trên đồi gò thuộc rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, cảnh quan. Diện tích rừng phòng hộ của 02 huyện được trồng và bảo vệ từ những năm trước đây trên những quả đồi có độ cao từ 20m – 40 m. Độ dốc từ 150  – 200. Rừng đã phát huy tác dụng bảo vệ môi trường, cảnh quan, góp phần tăng sức hấp dẫn cho du lịch.

1.3. Hệ sinh thái biển:

 Nam Định có 72 km bờ biển và 4 cửa sông lớn ra biển: Cửa Ba Lạt (Sông Hồng), cửa Hà Lạn (Sông Sò), cửa Lạch Giang (Sông Ninh Cơ) và cửa Đáy (Sông Đáy). Khu vực ven biển có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển nhất là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Theo tính toán của các nhà khoa học, trữ lượng nguồn lợi hải sản của các ngư trường thuộc vùng biển Nam Định khoảng 170. 000 tấn và 01 năm có thể khai thác 80 – 100 nghìn tấn hải sản các loại.

Đối với Vùng lộng: Là bãi kiếm mồi và sinh sản của nhiều loài tôm cá,…..từ Vịnh Bắc Bộ và Đại Dương di chuyển về (Nhiều nhất là từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch).

+ Về cá: Có 233 loài thuộc 18 bộ cá với 30 loài cá có giá trị kinh tế, trữ lượng khoảng 157.500 tấn, chiếm 20% tổng trữ lượng cá Vịnh Bắc Bộ

+ Về tôm: 45 loài trong đó có 9 loài có giá trị kinh tế, trữ lượng ước tính khoảng 3 000 tấn, khả năng cho phép khai thác khoảng 1 000 tấn

+ Về động vật thân mềm: Đã xác định được 20 loài trong đó có 9 loài có giá trị kinh tế như: mực ống, mực nang, bạch tuộc….trữ lượng khoảng 2. 000 tấn, khả năng cho phép khai thác 1.000 tấn.

2015-11-07_213847

II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐA DẠNG SINH HỌC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

2.1. Cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về Đa dạng sinh học

UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 5 tháng 11 năm 2008 về phê duyệt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường giao Chi cục Bảo vệ Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Theo phân cấp, phòng TN&MT các huyện, TP; UBND cấp xã quản lý đa dạng sinh học ở địa phương.

2.2. Hệ thống văn bản và chính sách ở địa phương về bảo tồn đa dạng sinh học.

2.2.1 Hệ thống văn bản:

– Tỉnh ủy: Chương trình hành động số 14/CTr-TU ngày 22/7/2013 thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

– UBND tỉnh:

+ Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 14 – Ctr/TU ngày 22/7/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định;

+ Chương trình số 02/CTr-UBND ngày 23/12/2013 triển khai thực hiện “Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Nam Định;

+ Kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 19/3/2014 thực hiện chiến lược BVMT tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

+ Quyết định số 2559/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 phê duyệt quy hoạch môi trường đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Nam Định;

+ Kế hoạch, chương trình về bảo vệ môi trường hàng năm;

+  Quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển VQG Xuân Thuỷ giai đoạn 2004 – 2020;

+ Quy hoạch khu nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thuỷ đến năm 2018;

+ Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 23/01/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh tại phân khu phục hồi hệ sinh thái Cồn Lu thuộc VQG Xuân Thuỷ;

+ Quyết định 1063/QĐ-UBND ngày 1/7/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch quản lý điều hành VQG Xuân Thuỷ giai đoạn 2013-2018.

2.2.2. Cơ chế, chính sách đối với khu bảo tồn Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Theo Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02 tháng 01 năm 2003 về việc nâng hạng Khu Bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy thì Đơn vị có các chức năng, nhiệm vụ chính sau:

– Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa Sông Hồng, các loài động vật, thực vật đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước, đặc biệt là các loài thủy sinh, các loài chim nước và chim di trú.

– Phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.

– Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển.

2.2.3 Các kiểu hệ sinh thái (đất ngập nước, rừng ngập mặn) ngoài khu vực VQG Xuân Thủy, hiện tại do địa phương quản lý theo địa bàn hành chính.

2.3. Nguồn lực cho bảo tồn đa dạng sinh học

Hàng năm VQG Xuân Thủy có nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái từ ngân sách: khoảng 2 tỷ đồng/năm; nguồn từ Trung Ương cho đầu tư XDCB khoảng 10 tỷ VNĐ/năm. Nguồn từ các dự án quốc tế: khoảng 500.000 USD/năm; Nguồn từ dịch vụ du lịch trong các năm gần đây khoảng 5-800 triệu VNĐ/năm. Công tác bảo vệ, bảo tồn Đa dạng sinh học theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn,…) thì kinh phí thực hiện nằm trong tổng kinh phí giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.

2.4. Những kết quả khác:

2.4.1 Các dự án:

Được sự quan tâm của Chính phủ, Các Bộ ngành Trung ương, tổ chức Phi chính phủ và tổ chức quốc tế từ năm 2010 đến 2015 VQG Xuân thủy đã triển khai 15 Dự án quốc tế, trong đó có dự án: Xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia, do tổ chức quốc tế JICA Nhật Bản tài trợ.  Dự án đã chọn VQG Xuân Thủy làm địa bàn để thực hiện Pha I (từ năm 2011 đến năm 2015). Sản phẩm chính của dự án là: Hướng dẫn quan trắc đất ngập nước; Hướng dẫn xây dựng và sử dụng chỉ thị đa dạng sinh học.

UBND tỉnh Nam Định giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối phối hợp thực hiện dự án ở Tỉnh, đã tham gia cung cấp thông tin, khảo sát thực địa, tập huấn, đào tạo,… góp phần hoàn thiện dự án.

2.4.2 Khu dự trữ sinh quyển:

Năm 2008, Ban quản lý khu DTSQ chính thức được thành lập với đại diện của UBND 03 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Sở TN&MT  là cơ quan Thường trực về công tác quản lý Khu DTSQ có trách nhiệm:

Là đầu mối giúp đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong Ban quản lý và chỉ đạo cán bộ của Sở trong Ban thư ký thực hiện các nhiệm vụ được giao, Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường trong khu dự trữ sinh quyển tại địa phương; Phối hợp với các ngành liên quan và Ban thư ký thực hiện các nhiệm vụ được giao về quản lý khu dự trữ sinh quyển.

2.4.3 Các đề tài nghiên cứu khoa học

Thực hiện chương trình bảo tồn nguồn gen quốc gia, năm 2013 tỉnh Nam Định đề xuất bảo tồn 04 giống lúa bản địa: tám Xoan Hải Hậu, tám ấp bẹ Xuân Đài, dự Nam Mỹ và nếp cái hoa vàng Quần Liêu, đã được Bộ KH&CN phê duyệt.

Trong giai đoạn 2010 – 2015, đã triển khai 04 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học:

– Đề tài “Nghiên cứu xác định cơ cấu cây trồng thích hợp, kỹ thuật ươm giống cây con chất lượng tốt tại vườn quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định”.

– Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn một số loài cây cổ thụ tại khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần – chùa Tháp, thành phố Nam Định”.

– Dự án “Hoàn thiện kỹ thuật ươm giống, trồng cây mắm, đước vòi, vẹt dù và xây dựng mô hình trồng cây ngập mặn tại VQG Xuân Thủy”.

– Dự án “phục tráng để phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền”.

2.4.4. Các mô hình bảo tồn sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật (dựa vào cộng đồng địa phương, sử dụng khôn khéo đất ngập nước, canh tác trên đất rừng)

– Mô hình chia sẻ lợi ích về nguồn lợi tài nguyên hải sản tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn của VQG và đồng quản lý rừng ngập mặn tại khu vực vùng đệm của Vườn;

– Mô hình chia sẻ lợi ích về nguồn lợi cây thuốc nam;

– Mô hình chia sẻ lợi ích về nguồn lợi ngao giống;

– Mô hình chia sẻ lợi ích về nguồn lợi ngao nuôi quảng canh.

2.5. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

– Sở TN&MT Nam Định đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Đa dạng Sinh học năm 2008 tới các cấp, sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, Phòng TN&MT cấp huyện, thành phố.

Định kỳ hàng năm Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tới các hội viên, đoàn viên và nhân dân.

– Tại VQG Xuân Thủy: Các hoạt động tuyên truyền và giáo dục môi trường và đa dạng sinh học trong thời gian qua đã được triển khai khá phong phú và đạt hiệu quả tích cực như: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho cán bộ quản lý và cộng đồng dân cư thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tuyên truyền giới thiệu rộng rãi hình ảnh & hoạt động của VQG -Khu Ramsar Xuân Thủy; biên tập, thiết kế các tờ rơi, poster, tạp chí, tài liệu… trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát hành ra toàn thể cộng đồng. Chương trình giáo dục môi trường đã được đưa vào hệ thống các Trường học phổ thông ở các xã vùng đệm (chương trình ngoại khóa). Các Dự án của GEF, DRC, MCD, WAP… cũng đã tổ chức cho các xã vùng đệm VQG Xuân Thủy các hội thi tìm hiểu về rừng ngập mặn và bảo tồn thiên nhiên đạt hiệu quả thiết thực.

Việc kết hợp giữa tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương và xử lý nghiêm các vi phạm nên số vụ xâm hại tài nguyên môi trường ở khu vực đã giảm thiểu rõ rệt. Mặt khác, Ban quản lý VQG Xuân Thủy cũng đã tham mưu với Chính quyền địa phương có chính sách thích hợp cho người dân nhận thuê khoán sử dụng đất trong khu vực theo quy hoạch cụ thể để cộng đồng dân cư yên tâm sản xuất và có trách nhiệm cao hơn trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại khu vực VQG Xuân Thủy.

Việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển hiện nay được thực hiện theo quy chế phối hợp quản lý khu dự trữ sinh quyển theo Quyết định số 466/QĐ-UBQG  ngày 26/7/2013 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

2.6. Công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm không nhiều. Tuy nhiên hàng năm phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Môi trường – Công an tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan kểm lâm kiểm tra, kiểm soát các hoạt động này, cụ thể:

– Thường xuyên tuyên truyền nhất là tại khu vực cần bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt tại VQG. Chi cục kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban, ngành, hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng  bằng nhiều hình thức  đến mọi tầng lớp nhân dân các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học.

– Tích cực tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng. Kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ năm 2011 đến nay, xử lý 19 vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng tại khu vực vùng lõi và vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy.

– Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp quý hiếm trên địa bàn hoặc vận chuyển trên địa bàn. Phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý gây nuôi cho sinh sản, sinh trưởng và mua, bán, vận chuyển các loài động vật, thực vật hoang dã. Trong những năm qua lực lượng Kiểm lâm toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ và xử lý một số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản, thu giữ hàng chục m3 gỗ và hàng trăm kg động vật rừng các loại; đặc biệt:

+ Quản lý tốt các hộ gia đình (09 cơ sở) nuôi nhốt gấu (20 cá thể) theo đúng quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với các cơ quan hữu quan bắt giữ 02 cá thể mèo rừng thuộc loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và đã chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ VQG Cúc Phương.

2.7.  Công tác bảo tồn các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Công tác bảo tồn loài nguy cấp thường dưới dạng các chương trình, dự án được tài trợ của nước ngoài như: Chương trình BirdLife Quốc tế tại Việt Nam được sự tài trợ từ Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Keidanren, Nhật Bản xây dựng một chương trình giám sát sinh thái hai loài chim đang bị đe dọa trên toàn cầu là Cò thìa mặt đen (Platalea minor) và Mòng bể mỏ ngắn (Larus saundersi); Dự án bảo tồn vùng chim quan trọng do Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ cho Birdlife Việt Nam, từ đó, câu lạc bộ bảo tồn chim Cồn Lu được thành lập và phối hợp với VQG Xuân Thuỷ trong hoạt động bảo tồn chim và các sinh cảnh quan trọng của chim ở đây.

2.8. Công tác bảo vệ các hệ sinh thái, đặc biệt các hệ sinh thái quan trọng có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế

Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước, tạo sinh kế bền vững cho người dân, giảm áp lực khai thác vùng lõi VQG Xuân Thủy, hiện nay UBND tỉnh đang chỉ đạo VQG Xuân Thủy phối hợp với các cơ quan hữu quan và địa phương lập 2 Đề án: 1. Đề án bảo tồn và phát triển bền vững giống ngao bản địa với quy mô khoảng 1.700 ha. 2. Đề án thí điểm đồng quản lý khu nuôi ngao quảng canh bền vững tại phân khu phục hồi sinh thái cồn Lu thuộc vùng lõi của VQG Xuân Thủy (là một trong những nội dung thực hiện Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng).

Công tác trồng rừng đã có từ trước ngày khu vực gia nhập công ước Ramsar. Từ năm 1993 đến nay, thông qua nguồn ngân sách quốc gia (Dự án 327 và 661) và nguồn vốn của các Tổ chức quốc tế (Hội chữ thập đỏ Đan Mạch), hàng nghìn ha rừng đã được Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với Chính quyền địa phương vùng đệm trồng mới và bảo vệ. Trên 1000 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi và phát huy tốt những giá trị sinh thái môi trường ở khu vực. Hiện nay diện tích rừng tại VQG Xuân Thủy là khoảng 2.360 ha.

Tại vùng ven biển Nghĩa Hưng công tác trồng rừng cũng được quan tâm với nhiều dự án trồng rừng do Trung ương hỗ trợ. Hiện nay diện tích rừng tại vùng ven biển Nghĩa Hưng khoảng 1.670 ha.

2.9. Công tác giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản của Sở NN&PTNT thường xuyên thực hiện các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong thủy sản, giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm. Năm 2014, đã tổ chức lấy mẫu kiểm tra (150 mẫu nước vùng nuôi nhuyễn thể; 80 mẫu nhuyễn thể; 60 mẫu thủy sản nuôi; 30 mẫu thủy sản sau thu hoạch) để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Kết quả có 01 mẫu thủy sản sau thu hoạch nhiễm vi sinh.

Hàng năm, tiến hành kiểm tra các cơ sở nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, tổng số cơ sở nuôi trồng thủy sản được kiểm tra là 30 cơ sở. số cơ sở không đảm bảo các điều kiện theo quy định là 12 cơ sở. Kết quả kiểm tra sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đối với các cơ sở xếp loại C yêu cầu khắc phục sai lỗi và báo cáo kết quả để kiểm tra đánh giá lại.

2.10. Giám sát vùng nuôi, quan trắc môi trường, phòng trừ bệnh

Hàng tháng, cơ quan thú y, quản lý chất lượng thủy sản của tỉnh đều thu mẫu kiểm tra định kì đối với môi trường nuôi, sản phẩm thủy sản, đối tượng nuôi thủy sản nhằm giám sát vùng nuôi, quan trắc môi trường. Khi có hiện tượng bất thường, việc thu mẫu, xét nghiệm được tiến hành nhanh chóng, chính xác để tìm ra nguyên nhân và phương hướng xử lý, thông báo kịp thời cho người nuôi. Do đó đã giảm thiểu bệnh dịch trong nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Công tác phòng trừ bệnh trên tôm nuôi được tiến hành thường xuyên, Sở NN&PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về nuôi tôm; đã ban hành lịch mùa vụ tới các địa phương, đồng thời tiến hành các lớp tập huấn, các đợt tuyên truyền về mùa vụ, về các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho tôm nuôi, các biện pháp xử lý khi tôm có dấu hiệu bệnh, xử lý với tôm bị bệnh.

III. KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ BẢO TỒN ĐDSH.

– Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại Sở Tài nguyên và Môi trường đều là cán bộ kiêm nghiệm.

– Kinh phí cho hoạt động quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học không có mục chi riêng, chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.

– Hệ thống văn bản pháp luật còn có những bất cập, chồng chéo giữa các Luật có liên quan như Luật Đa dạng Sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, luật Thủy sản,…

– Cơ chế, chính sách, phân công trách nhiệm quản lý cho việc triển khai công tác quản lý, bảo tồn và phát triển ĐDSH chưa rõ ràng, còn chồng chéo giữa 2 ngành TN&MT với NN&PTNT. Một số cán bộ quản lý còn chưa hiểu, chưa quan tâm đến công tác bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững.

– Áp lực khai thác tài nguyên cho mục đích phát triển kinh tế, việc săn bắt sử dụng động vật hoang dã….đang là những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo tồn ĐDSH, phát triển bền vững các hệ sinh thái.

Những khó khăn, thách thức nói trên đặt ra những yêu cầu đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật từ cán bộ quản lý tới cộng đồng; Tăng cường trách nhiệm, thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH; Bố trí nguồn nhân lực và kinh phí cần thiết cho nhiệm vụ này.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *