Giá trị của rừng:
Theo quan điểm của Nghị định thư Kyoto, “rừng là hệ sinh thái có diện tích tối thiểu 0,05-1,00 ha; tỷ lệ che phủ tầng tán tối thiểu 10-30%; chiều cao cây cối tối thiểu 2-5m” [UNFCCC, 2001]. Trong định nghĩa này hệ sinh thái được hiểu là một tập hợp quần thể năng động có một chức năng chung của các loài thực vật, động vật và cộng đồng các chất vi sinh vật cùng môi trường xung quanh chúng.
Trên thực tế, mỗi quốc gia cũng có định nghĩa riêng về rừng. Điều quan trọng là làm sao để định nghĩa của mỗi nước nhất quán theo thời gian và không mâu thuẫn với định nghĩa của Nghị định thư Kyoto.
Luật Bảo vệ và phát triển rừng của Việt Nam 2004 đã đưa ra định nghĩa “rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó có cây gỗ, tre, nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính, có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 (10%) trở lên” [Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, 2004].
Khác với trước đây, ngày nay lợi ích kinh tế của rừng đã vượt xa giá trị của các sản phẩm hữu hình do rừng tạo ra để phục vụ cho nhu cầu đời sống, sản xuất và buôn bán của con người. Tổng giá trị kinh tế của rừng được phân thành giá trị sử dụng và giá trị phi sử dụng.
Giá trị sử dụng là những lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn tài nguyên rừng, bao gồm: giá trị sử dụng trực tiếp, giá trị sử dụng gián tiếp và giá trị tùy chọn.
Giá trị sử dụng trực tiếp là các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà rừng trực tiếp cung cấp và chúng ta có thể tính được giá cả cũng như khối lượng trên thị trường.
Giá trị sử dụng gián tiếp là những giá trị chủ yếu dựa trên chức năng của hệ sinh thái, có ý nghĩa về mặt sinh thái và môi trường. Nói cách khác, giá trị sử dụng gián tiếp là giá trị các dịch vụ do rừng tạo ra và được nhiều người, thậm chí là cả xã hội cùng hưởng lợi (điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, hấp thụ và lưu giữ các bon, cảnh quan, vẻ đẹp thiên nhiên, đa dạng sinh học…).
Giá trị tùy chọn là lượng mà mỗi cá nhân sẵn sàng chi trả để bảo tồn nguồn lực hoặc một phần nguồn lực của rừng để sử dụng cho tương lai. Đây là giá trị có được từ nhận thức, lựa chọn của con người đặt ra trong hệ sinh thái.
Giá trị phi sử dụng còn gọi là giá trị không sử dụng hoặc giá trị chưa sử dụng của rừng là những giá trị sử dụng tiềm năng có thể được phát hiện và sử dụng về sau.
Hiểu được các giá trị này sẽ thay đổi được nhận thức về vai trò và giá trị kinh tế của rừng tốt hơn, đặc biệt là giá trị sử dụng gián tiếp của rừng được coi là một trong những điểm then chốt hình thành REDD
Dịch vụ môi trường rừng:
Để hiểu được dịch vụ môi trường rừng, cần thống nhất cách hiểu về môi trường rừng. Điều 3, Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính Phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (Nghị định 99/2010/NĐ-CP) đã nêu rõ:
“Môi trường rừng bao gồm các hợp phần của hệ sinh thái rừng: thực vật, động vật, vi sinh vật, nước, đất, không khí, cảnh quan thiên nhiên. Môi trường rừng có các giá trị sử dụng đối với nhu cầu của xã hội và con người, gọi là giá trị sử dụng của môi trường rừng, gồm: bảo vệ đất, điều tiết nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, phòng chống thiên tai, đa dạng sinh học, hấp thụ và lưu giữ các bon, du lịch, nơi cư trú và sinh sản của các loài sinh vật, gỗ và lâm sản khác” [Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ].
Đối với khái niệm “dịch vụ môi trường”: hiện nay trên thế giới chưa có một định nghĩa chuẩn nào về dịch vụ môi trường. Tuy vậy, để hiểu một cách gần gũi, dịch vụ môi trường là lợi ích mà tự nhiên có thể mang lại cho các hộ gia đình, cộng đồng và nền kinh tế.
Theo định nghĩa và phân loại của UNFCCC, các dịch vụ môi trường được chia thành 4 nhóm: nhóm cung cấp, nhóm điều tiết, nhóm văn hóa và nhóm hỗ trợ.
Dịch vụ môi trường rừng là bộ phận quan trọng bậc nhất của dịch vụ môi trường. Môi trường rừng là môi trường do kết quả tác động của rừng tạo ra cho xã hội và tự nhiên. Nó là loại môi trường có tầm quan trọng không thể thay thế trong hệ sinh thái chung.
Điều 3, Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 cũng đã nêu rõ: “Dịch vụ môi trường rừng là việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đời sống của nhân dân” .
Dịch vụ môi trường thuộc loại dịch vụ tổng hợp bao gồm nhiều loại dịch vụ cụ thể. Theo điều 4, Nghị định 99/2010/NĐ-CP, các loại dịch vụ môi trường rừng gồm:
- i) Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; ii) Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội, iii) Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu rứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển bền vững; iv) Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản [Nghị định 99/2010/NĐ-CP ]
Như vậy, dịch vụ REDD thuộc nhóm thứ 3 trong hệ thống phân loại dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định trên của Chính phủ.
Hiện nay, có ba loại dịch vụ môi trường đang được triển khai chi trả, đó là giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phòng hộ đầu nguồn và bảo tồn đa dạng sinh học. Nhu cầu về 3 loại dịch vụ này được dự báo ngày càng tăng. Tuy nhiên, mức chi trả ở các quốc gia rất khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức, năng lực thể chế, nguồn lực ngân sách nhà nước và năng lực chi trả. Không thể tính được chính xác những gì bị mất đi về mặt môi trường khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Nếu tiếp cận theo quan điểm chính sách mới, chỉ đủ cơ sở để lập luận rằng, các dịch vụ môi trường rừng là hữu ích và có thể xác định được lợi ích, giá trị của nó để thiết lập cơ chế chi trả. Nó là một loại hàng hóa công cộng vì có đầy đủ hai tính chất là không thể phân chia và không thể loại trừ. Tuy nhiên, do tính chất có thể đo đếm kết quả và xác định được người hưởng lợi dịch vụ nên có thể xác lập được cơ chế chi trả theo nguyên tắc thị trường [UNEP, 2005]. Từ đó, khái niệm “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” (PFES) đã ra đời và từng bước được áp dụng ở các nước, tạo hiệu quả rất tốt về chính sách công và huy động nguồn lực tài chính.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng:
“Chi trả dịch vụ môi trường rừng” (PFES) là quan hệ tài chính tương đối mới trên thế giới, bắt nguồn từ quan điểm chính sách về “dịch vụ môi trường”. Theo quan điểm này, các hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái rừng, có vai trò cung cấp các dịch vụ có tác dụng không chỉ đảm bảo sự trong lành về môi trường mà còn đảm bảo sản xuất và sức khỏe của con người, thông qua các tác động tích cực và đa dạng như bảo vệ nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn, điều hòa khí hậu, phòng chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển du lịch, văn hóa và cải tạo đất…Ngày nay, trong khi nhu cầu về các dịch vụ này tăng, thì khả năng để cung cấp các dịch vụ đó của các hệ sinh thái ngày càng đứng trước nguy cơ bị suy giảm vì môi trường rừng đang dần bị suy thoái và ô nhiễm quá mức. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới điều đó là tăng nhu cầu phát triển kinh tế, sự gia tăng dân số, sự thiếu hiểu biết về chu kỳ và chức năng của các hệ sinh thái và cả sự thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp và cá nhân khi chỉ nghĩ tới việc tối đa hóa lợi nhuận trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài về bảo vệ môi trường.
Cho đến nay, định nghĩa về PFES được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới chấp thuận là định nghĩa của Wunder Seven. Theo tác giả này, “ Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) là quá trình giao dịch tự nguyện được thực hiện bởi ít nhất một người mua và một người bán dịch vụ môi trường rừng, khi và chỉ khi người bán đảm bảo cung cấp dịch vụ môi trường rừng đó một cách hợp lý” [Wunder, 2005].
Để có thể hiểu một cách đơn giản, PFES là việc chi trả của những người hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng cho người cung ứng dịch vụ.
Theo Simpson và Sedjo (1996), Land-Mils và Porras (2002), PFES là một cách tiếp cận mới để khuyến khích chủ rừng, những người quản lý rừng cung cấp dịch vụ môi trường rừng tốt hơn. PFES giúp đền bù cho những người cung cấp dịch vụ môi trường rừng hoặc khuyến khích những người chưa quan tâm tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Nghị định 99/2010/NĐ-CP cũng đã đưa ra cách hiểu về PFES: “Là quan hệ cung ứng và chi trả giữa bên sử dụng dịch vụ môi trường trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ” .
Như vậy, PFES là một quan hệ tài chính mới cho một loại hình dịch vụ công cộng là dịch vụ môi trường rừng. Việc chi trả này bao gồm các yếu tố cơ bản như đối tượng phải chi trả, đối tượng được chi trả, loại dịch vụ chi trả, hình thức và nguyên tắc chi trả…
Để có thể thực hiện PFES, trước hết cần đánh giá được giá trị của dịch vụ này. Thứ nhất, có rất nhiều người không hiểu được giá trị của sinh thái rừng, đặc biệt là những người còn đang chịu cảnh đói khổ, nguồn sống chỉ biết phụ thuộc vào rừng. Ngoài ra, còn có những người dân có cuộc sống khá hơn nhưng vì muốn tối đa hóa lợi nhuận nên chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt mà không nghĩ tới lợi ích lâu dài. Thứ hai, việc đánh giá giá trị dịch vụ môi trường rừng sẽ cho phép các nhà tài chính phân tích chi phí- lợi ích để so sánh cái được và cái mất trong việc bảo vệ hay hủy hoại môi trường rừng, từ đó đưa ra các căn cứ để các nhà hoạch định chính sách và những nhà quản lý môi trường ra những quyết định đúng đắn và lý giải về nghĩa vụ của toàn xã hội đối với các hoạt động bảo tồn hệ sinh thái rừng. Thứ ba, Nếu muốn ai đó trả tiền cho dịch vụ môi trường rừng, chúng ta phải chỉ ra được giá trị về mặt tài chính của các dịch vụ đó.
Mặc dù còn nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau nhưng PFES đã trở thành hình thức và cơ chế chi trả tài chính phổ biến trong hệ thống cơ chế, chính sách của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (mặc dù Việt Nam là một nước mới thí điểm áp dụng).
Tạ Thị Mai Phương: Khóa luận tốt nghiệp “Tìm hiểu tiềm năng thực hiện chương trình REED Tại vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa, Phượng Hoàng, Võ Nhai, Thái Nguyên”. Đại học Khoa học, 2013.
Leave a Reply