Nghiên cứu hiện trạng, đặc điểm sinh học và sinh sản của trắc dây (dalbergia annamensis a. chev.) ở khu vực suối Đá Bàn, tỉnh Phú Yên và đề xuất biện pháp bảo tồn

5/5 – (1 vote)

Nguyễn Thị Kim Triển(1), Nguyễn Khoa Lân(2), Trần Thị Tú(3), Trần Hiếu Quang(3)

1. Trường Đại học Phú Yên

2 . Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế

3 . Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Huế

Email: tutrancreb@yahoo.com

Tóm tắt

Trắc dây (Dalbergia annamensis A. Chev.) là loài trong chi Trắc thuộc họ Đậu, thuộc loài đặc hữu hẹp của Việt Nam. Đây là loài gỗ quý thuộc nhóm IIA, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế rất cao. Trắc dây có thân gỗ, dạng trườn, chiều cao từ 8÷ 9m, cành tiêu giảm thành gai lớn, lá mọc trên gai. Lá rụng vào mùa khô từ tháng 4÷ 5. Rễ cọc có thể dài đến 2m, rễ bên phân nhánh, có nhiều nốt sần cộng sinh vi khuẩn cố định đạm. Các biện pháp bảo tồn được đề xuất như quy hoạch tổng thể khu vực có Trắc dây, thực hiện mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, nhân giống Trắc dây bằng biện pháp gieo hạt hoặc giâm cành. Sử dụng chất kích thích sinh trưởng ở nồng độ 70ppm GA3 và 3.000ppm α-NAA có hiệu quả nhất cho việc nảy mầm và phát triển của Trắc dây bằng hạt và giâm cành. Trắc dây nhân giống từ giâm cành tăng trưởng nhanh hơn nhân giống từ hạt.

Từ khóa: Biện pháp bảo tồn và nhân giống, suối Đá Bàn, Trắc dây.

 Abstarct.

Dalbergia annamensis (Dalbergia annamensis A. Chev.) is one of species in the genus Dalbergia L. and belongs to the Fabaceae family. It is an endemic in Vietnam. This specie is a valuable timber of IIA group, with very high utility and economic value. Dalbergia annamensis has woody, creeping form, height of 8 ÷ 9 meters, large branches changed to spikes and the leaves grow on spikes. Leaves are fallen in the dry season from April to May. Roots can be up to 2m, lateral roots are branching and have many nodules symbiotic nitrogen-fixing bacteria. The conservation solutions are proposed such as building the regions planning where have Dalbergia annamensis, implementation of forest management model based on communities, propagation by Dalbergia annamensis seeds or cuttings. Using growth stimulants at concentration of 70ppm GA3 and α-NAA 3,000ppm that have most effective for the germination and growth of seeds and cuttings. Cutting method is faster growth than seed method.

Keywords: Conservation and propagation solutions, Da Ban stream, Dalbergia annamensis A. Chev.

 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trắc dây (Dalbergia annamensis A.Chev.) còn được gọi là Trắc Trung, thuộc họ Đậu [1] là cây đặc hữu hẹp của khu vực Nam Trung Bộ [2] phân bố chủ yếu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trắc dây là cây gỗ quý, thuộc nhóm gỗ IIA cần hạn chế khai thác và sử dụng theo Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, chế độ quản lý và bảo vệ. Từ xa xưa, người dân đã biết sử dụng gỗ của chi Trắc để đóng nhiều vật dụng trong gia đình như tủ, bàn, ghế… có giá trị cao về thẩm mỹ và kinh tế [3]. Trắc dây là loài cây gỗ nhỏ, có hai màu, bên ngoài dác có màu vàng bóng, bên trong lõi có màu nâu thẫm hoặc nâu tím, vân của phần lõi rất đẹp, gỗ rất bền không bị mối mọt [4]. Do đó, các loại gỗ Trắc thường được sử dụng làm đồ mỹ nghệ cao cấp và có giá trị về thẩm mỹ, thời gian sử dụng lâu bền. Chính vì thế, đây là đối tượng bị săn lùng khai thác gỗ, khai thác cây cảnh. Vì vậy, số lượng cá thể Trắc dây bị suy giảm nghiêm trọng đến mức độ nguy cấp EN [2].

Những dẫn liệu hình thức nhân giống của loài Trắc dây hiện tại rất ít. Nghiên cứu hiện trạng phân bố, đặc điểm sinh học, sinh sản cũng như đề xuất một số biện pháp nhân giống của loài này là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Trắc dây (Dalbergia annamensis A. Chev.) là loài trong chi Trắc thuộc họ Đậu, phân bố ở khu vực suối Đá Bàn, thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Xã Hòa Kiến nằm về phía Tây- Tây Bắc của thành phố Tuy Hòa, cách trung tâm thành phố 7 km. Tọa độ vị trí địa lý từ 13005′ đến 13010′ vĩ độ Bắc, 109010’00” đến 109016’15” kinh độ Đông.

2015-11-09_001944

Hình 1. Vị trí xã Hòa Kiến, Tp. Tuy Hòa, Phú Yên (Nguồn: Google Earth)

 2015-11-09_002243

Hình 2. Bản đồ địa hình tổng thể xã Hòa Kiến và vị trí khảo sát

2.3. Vật liệu và phương pháp

2.3.1. Vật liệu thí nghiệm

Hạt và cành giâm hom được thu hái từ cây Trắc dây phân bố tại khu vực suối Đá Bàn, xã Hoà Kiến, thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên.

2.3.2. Phương pháp nghiên cứu

– Hóa chất thí nghiệm là GA3 (Gibberellic Acid) và α- NAA (Alpha- Naphthalene Acetic Acid) của hãng Merck – Đức. Nhân giống hữu tính bằng hạt sử dụng GA3 nồng độ từ 0÷ 80ppm, hạt thu hái về phơi khô, đem ngâm nước ấm (tỷ lệ 1 sôi: 2 lạnh) trong 12 giờ, sau đó ủ hạt trong vòng 24 giờ và đem gieo. Đối với giâm hom cành thì sử dụng α- NAA nồng độ từ 0÷ 8.000ppm làm chất kích thích sinh trưởng. Cách giâm hom như sau: cành hom kề ngọn, chiều dài mỗi hom 15÷ 20cm, giâm hom với giá thể cát, độ chiếu sáng 50%. Thời gian nhúng cành hom vào các công thức thí nghiệm là 3 giây.

– Các thí nghiệm được bố trí theo phương pháp phối ngẫu nhiên 30 mẫu/ 1 thí nghiệm theo dạng bậc thang, nhắc lại 3 lần [5]. Số liệu được xử lý trên phần mềm Excel 2007.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Đặc điểm hình thái của Trắc dây

– Trắc dây là loài thân leo hóa gỗ dạng trườn, hiện tại khảo sát một số cây còn lại, chiều cao trung bình 8,0÷ 9,0m, đường kính gốc trung bình 1,7÷ 10cm, đường kính gốc đã bị đốn 39cm.

– Cành tiêu giảm, biến thành gai, mỗi gai trung bình dài 6,5± 3,2cm; đường kính 1,0± 0,4cm, khoảng cách trung bình 4,4± 0,6cm. Gai phân nhánh cấp 2, cấp 3. Trong chi Trắc có 43 loài khác, tuy nhiên chỉ có Trắc dây là có gai và lá mọc trên gai.

– Thân và gai màu trắng xám có nhiều lỗ vỏ trung bình 22,8 lỗ/cm2; lá chỉ có lỗ khí ở mặt dưới với số lượng ít 6÷ 9 lỗ khí/ 1mm2 để giảm sự thoát hơi nước, có thể thích nghi trong vùng đất khô hạn. Rễ có nốt sần cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm. Trắc dây có khả năng tái sinh bằng thân ngầm, đây là hiện tượng ít gặp ở cây thân gỗ.

– Lá Trắc dây có 3 loại: lá hai lá mầm, lá kép (gồm có 3 lá chét, 5 lá chét, 7 lá chét) và lá kèm. Lá mọc trên gai, lá kép lông chim, lẻ một lần, mang 3÷ 7 lá chét hình trứng, mỏng, đầu lõm, gốc tròn, phiến nguyên, mép nguyên, mặt trên màu xanh thẫm và nhẵn bóng hơn mặt dưới, mọc cách, có kích thước không đều, lá chét ở tận cùng thường to nhất, các lá chét khác trung bình dài 2÷ 6,5cm; rộng 1,5÷ 4,5cm. Cuống lá, hình trụ hơi lõm phía trên, không bẹ lá, có 2 lá kèm. Lá non có nhiều lông mịn trắng, lá trưởng thành có lớp sáp phủ ngoài, và lá rụng vào mùa khô. Đặc điểm này giúp Trắc dây thích nghi với điều kiện khô hạn.

– Phát hoa mọc ở đỉnh nhánh, dạng xim dích dắc sắp xếp ngắn dần từ gốc tới ngọn như hình tháp, trung bình 8,2 cụm hoa/ phát hoa, cao nhất có thể 20 cụm/ hoa.

3.2. Đặc điểm cấu tạo giải phẫu

– Rễ bần, 3÷ 5 lớp tế bào hình chữ nhật xếp xuyên tâm dày 208,1± 46,5µm chiếm 4,2% bán kính của rễ; tầng sinh vỏ dày dày 35,6± 6,8µm là lớp tế bào hình chữ nhật có những mặt nhăn. Mô mềm là tế bào có vách cellulose mỏng gồm 5÷ 6 lớp tế bào bầu dục nằm ngang dày 763± 86,2µm. Libe thứ cấp xếp thành từng dãy xuyên tâm dày 203± 52,8µm. Gỗ rễ thứ cấp 3.690,2± 95,5µm, mạch gỗ ít, phần lớn mô mềm, xếp thành dãy xuyên tâm, tia tủy gỗ hẹp liên tục.

– Thân có 2÷ 3 lớp tế bào bần xếp xuyên tâm đều, dày 234,9± 1,9µm chiếm 3,1% bán kính của thân. Tầng sinh vỏ gồm tế bào hình 4 cạnh, dẹp theo hướng xuyên tâm dày 122,3± 18,6µm chiếm 1,6% bán kính thân. Mô mềm vỏ là tế bào hình đa giác hoặc bầu dục xếp lộn xộn, dày. Như vậy, thân có nhiều lớp bần để bảo vệ, cách nhiệt cho cây, lỗ vỏ phát triển chức năng trao đổi khí nhằm tăng cường khả năng quang hợp nhờ có lớp lục bì nằm dưới tầng sinh vỏ; gỗ thứ cấp chiếm tỷ lệ cao (35,7%) trong thân nên cho chất lượng gỗ tốt.

– Lá có vách các tế bào biểu bì trên tầng cutin dày có tác dụng bảo vệ mặt trên lá, giảm thoát hơi nước, khí khổng chỉ phân bố ở mặt dưới của lá với số lượng lỗ khí 6÷ 9 lỗ khí/ mm2. Thịt lá có mô giậu phát triển gồm có 3÷ 4 lớp tế bào, độ dày mô giậu 831,8± 63,9µm chiếm 42,7% chiều dày của lá, gồm những tế bào hình chữ nhật có chiều dài 204,1± 15,8µm, độ rộng 75,1± 27,9µm.

3.3. Đặc điểm sinh sản

Trắc dây là loài cây lâu năm. Hoa nở vào mùa khô khoảng giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 (Bảng 1 và Hình 3). Hoa lưỡng tính đối xứng hai bên, có cuống hoa, một lá chét, hai lá bắc, đài 5, tràng 5, kích thước hoa và cuống dài hơn 4mm, rộng khoảng 1mm, dày khoảng 1mm, có nhiều lông tơ bao phủ. Nhị 10, hai vòng nhị mỗi vòng 5 nhị; hạt phấn 3 rãnh, 3 lỗ. Nhụy có bầu một ô từ 1÷ 3 noãn. Noãn hình hạt đậu có kích thước trung bình 2 cực 0,2mm và 0,1mm. Quả đậu rất mảnh, kích thước trung bình dài 4,2± 0,8cm; rộng 1,2± 0,1cm; khối lượng khoảng 0,08± 0,03 g/quả. Mùa quả chín từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3. Hạt mỏng hình thận, màu nâu có kích thước trung bình dài 8,1± 0,7mm; rộng 5,4± 0,7mm; nặng 0,02± 0,01g.

Bảng 1. Thời gian phát triển chu trình sinh sản của Trắc dây

 Chu kỳ Nụ à hoa nở Hoa nở à hoa tàn Quả à quả chín Tổng chu kỳ
Thời gian (ngày) 15- 20 1 177- 189 193- 210

2015-11-09_002524

Hình 3. Chu trình sinh trưởng và sinh sản của Trắc dây

Bảng 2. Các hình thức tái sinh của Trắc dây

ÔTC Notc (cây) Số lượng (cây) Tỷ lệ (%)
Tái sinh hạt Tái sinh thân ngầm Tái sinh hạt Tái sinh thân ngầm Tổng
Vị trí 1 53 11 42 3,2 12,2 15,4
Vị trí 2 137 8 129 2,3 37,4 39,7
Vị trí 3 2 2 0 0,6 0,0 0,6
Vị trí 4 3 3 0 0,9 0,0 0,9
Vị trí 5 150 8 142 2,3 41,2 43,5
Tổng cộng 345 32 313 9,3 90,7 100,0

Hình thức sinh sản của Trắc dây có 2 kiểu là sinh sản hữu tính từ hạt và sinh sản sinh dưỡng từ thân ngầm. Thông qua quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy hình thức sinh sản từ thân ngầm chiếm tỷ lệ cao (90,7%), hình thức sinh sản hữu tính chiếm tỷ lệ rất thấp (9,3%). Ngoài ra, loài này có khả năng tái sinh chồi trung bình 2,4 chồi/gốc ở những cây bị đốn, cao nhất 8 chồi/gốc (Bảng 2).


3.4. Đặc điểm vùng phân bố

2015-11-09_002641 2015-11-09_002738
Hình 4. Tần suất gặp Trắc dây theo độ cao (a) và theo hướng (b)

Trắc dây ở khu vực suối Đá Bàn, xã Hòa Kiến chủ yếu phân bố trên các đồi núi thấp có độ cao không quá 400m, phân bố theo nhóm, trên nền đất cát pha thịt nhẹ có lẫn đá, nghèo mùn với tầng đất mỏng <50cm. Trắc dây xuất hiện chủ yếu ở độ cao từ 100÷ 200m (83,8%); tập trung mọc theo hai hướng chính là Đông Bắc (41,2%) và Tây Nam (30,9%) (Hình 4). Trắc phân bố nhiều ở rừng cây bụi hồi phục sau nương rẫy (51,5%); là loài cây ưa sáng, phân bố nhiều nhất ở sườn (44,1%), đỉnh (39,7%) và ở độ dốc thích hợp từ 15o÷ 19o (Hình 5).

2015-11-09_002839 2015-11-09_002907
Hình 5. Tần suất gặp Trắc dây theo trạng thái rừng (a) và vị trí tương đối (b)

3.5. Một số tác động làm suy giảm số lượng loài Trắc dây

Qua quá trình nghiên cứu thực địa, điều tra tìm hiểu, nguyên nhân làm suy giảm loài Trắc dây là do 2 nhóm tác động chính sau:

– Tác động bởi con người, như hoạt động khai thác quá mức của người dân, lâm tặc khai thác gỗ, đào cây về làm cây cảnh, chặt phá rừng làm rẫy; cũng như hiệu quả quản lý của địa phương chưa cao. Trắc dây sinh trưởng rất chậm về đường kính; để có thể khai thác được gỗ cần ít nhất từ 20 năm. Trong khi đó, đời sống của người dân nơi đây không có nghề nghiệp ổn định nên phải mưu sinh kiếm sống hàng ngày. Người dân biết được Trắc dây là cây gỗ quý có giá trị tuy nhiên người dân nơi đây vẫn cho rằng: “để mà khai thác được gỗ chắc tới đời con đời cháu, trong khi đó không có gì mưu sinh hiện tại” nên cứ tiếp tục khai thác gỗ tự nhiên.

– Tác động do khí hậu, điều kiện môi trường bất lợi. Mùa ra hoa (tháng 7 và 8), quả chín và phát tán quả (tháng 2 và tháng 3) đều rơi vào mùa khô, thời điểm nhiệt độ gần như cao nhất trong năm, lượng mưa thấp nhất cùng với gió Tây Nam khô nóng. Vì vậy, thảm thực vật không đảm bảo cho sự nảy mầm của hạt đó là lý do chính làm giảm khả năng tái sinh tự nhiên bằng hạt Trắc dây.

3.6. Đề xuất một số biện pháp bảo tồn Trắc dây

Trắc dây là loài gỗ quý có nhiều giá trị về mặt khoa học, kinh tế, môi trường, tuy nhiên số lượng loài này đang suy giảm ở mức nguy cấp. Vì thế, một số biện pháp để khôi phục và bảo tổn loài đặc hữu Trắc dây là rất cần thiết.

3.6.1. Biện pháp kỹ thuật

Bảo tồn Trắc dây theo phương thức bảo tồn nguyên vị (insitu); đây là phương thức bảo tồn hiệu quả đối với những loài bản địa, vì bản thân chúng sống ổn định trong môi trường sinh thái lâu đời. Để tránh tình trạng cây bị tuyệt chủng, chúng ta phải nhân giống cây trồng theo một trong hai cách như nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành (hom).

Nhân giống bằng hạt

Quả Trắc dây bắt đầu chín ở đầu tháng 2 và bắt đầu phát tán quả ở tháng 3. Vì vậy, cần phải theo dõi và tiến hành công tác thu thập hạt giống vào tháng 2, cao điểm khoảng 15/2 đến cuối tháng 2. Vào thời điểm này, nhiệt độ cao, lượng mưa hầu như không có nên không có điều kiện thuận lợi cho sự nảy mầm tự nhiên. Vì vậy, hạt giống sau khi thu hái về cần phải đem gieo ươm ở vườn ươm, tạo nguồn giống. Chúng tôi đã tiến hành thăm dò ảnh hưởng chất kích thích sinh trưởng thực vật GA3 đến khả năng nhân giống từ hạt, kết quả rất khả quan. Nồng độ GA3 thích hợp là 70 ppm; với tỷ lệ nảy mầm đạt 81,1%, chiều cao trung bình 85,7± 0,29cm; đường kính 6,38 ± 0,01mm (Hình 6).

Nhân giống bằng giâm cành

Trắc dây có một đặc điểm rất quý là khả năng sinh sản sinh dưỡng rất mãnh liệt gồm có khả năng tái sinh chồi sau khi bị chặt, cũng như tái sinh cây con từ thân ngầm. Vì vậy rất thuận lợi cho việc giâm hom. Chúng tôi tiến hành thăm dò chất chất thích sinh trưởng α- NAA đến khả năng ra rễ của Trắc dây. Nồng độ với α- NAA thích hợp là 3000ppm; với tỷ lệ ra rễ đạt 76,7%; 7 rễ/ hom và 5,7cm/ rễ sau 6 tháng; chiều cao đạt 94,06 ± 0,04cm; đường kính đạt 8,70 ± 0,01mm (Hình 7).

2015-11-09_003022 2015-11-09_003131
Hình 6. Ảnh hưởng của nồng độ GA3 đến thời gian, tỷ lệ nảy mầm (a) và tăng trưởng chiều cao (b) cây con Trắc dây gieo từ hạt
2015-11-09_003213 2015-11-09_003242
Hình 7. Ảnh hưởng của nồng độ α-NAA đến khả năng ra rễ hom (a) và tăng trưởng chiều cao (b) cây con Trắc dây gieo từ hom

3.6.2. Biện pháp quản lý, thể chế, chính sách, quy hoạch bảo tồn và nâng cao nhận thức cộng đồng

Thể chế, chính sách pháp lý

Trắc dây là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (1996), do vậy thuộc đối tượng ưu tiên bảo tồn và được đề xuất để phát triển rừng đặc dụng trong “Chọn loài cây ưu tiên cho các chương trình trồng rừng tại Việt Nam”, sách Cẩm nang ngành Lâm nghiệp (2004) [3]. Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình, chính sách và chiến lược phát triển lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương đều có nội dung khuyến khích bảo tồn và phát triển các loài cây bản địa. Ba mốc quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn ở Việt Nam đó là sự ra đời của các Nghị định số 18/HĐBT, 48/2002-NĐ-CP và 32/2006/NĐ-CP. Nghị định số 18/HĐBT ngày 17/1/1992 của Hội đồng Bộ trưởng quy định danh mục động thực vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý bảo vệ. Tiếp theo, Nghị định số 48/2002/NĐ-CP ngày 22/4/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục thực vật, động vật hoang dã quý hiếm, chế độ quản lý và bảo vệ; trong đó, nhóm IA có 24 loài và nhóm thực vật; nhóm IIA có 36 loài và nhóm thực vật. Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Mức độ gia tăng các loài và nhóm thực vật nguy cấp và cần bảo vệ ngày càng tăng lên. Điều này cũng cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.

Vì vậy, các văn bản luật liên quan như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (03/2/2004); Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (13/11/2008) được ban hành đã rất chú trọng và quan tâm tới việc phát triển rừng đặc dụng, các khu bảo tồn thiên nhiên để khoanh vùng bảo vệ, phát triển và bảo tồn loài đặc hữu của Việt Nam. Danh mục loài nguy cấp quý hiếm được Luật Đa dạng sinh học ưu tiên bảo vệ, lưu giữ và bảo quản lâu dài. Luật Đa dạng sinh học là một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động bảo tổn và phát triển giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó có 17 loài thực vật nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Tại Điều 3, Nghị định 160/2013-NĐ-CP về chính sách của Nhà nước trong quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm: (i) Nhà nước đầu tư để quản lý, bảo vệ thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại các khu rừng đặc dụng; (ii) Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Mặt khác, nhằm bảo tồn và phát triển loài bản địa tại địa phương, các nhà quản lý và khoa học cần đề xuất các giải pháp khoanh vùng, quy hoạch tổng thể những khu vực có phân bố loài Trắc dây ở tỉnh Phú Yên; xây dựng bản hướng dẫn cụ thể để cung cấp thông tin cho người dân biết đây là loại cây đặc hữu quý hiếm, đang bị suy giảm nghiêm trọng và cần được bảo vệ.

Tăng cường năng lực của tổ chức bộ máy quản lý và bảo vệ rừng

Phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng gắn liền với việc xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ xã có chuyên môn về thực vật, lâm nghiệp, để thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý bảo tồn và phát triển các loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, điển hình là loài Trắc dây. Đồng thời cần có chế độ ưu đãi cho cán bộ lâm nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và người dân cùng bàn bạc, đề ra hương ước để chung tay bảo tồn và phát triển loài Trắc dây, một loài gỗ quý thuộc nhóm IIA, đặc hữu hẹp của vùng Nam Trung Bộ, Việt Nam.

Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học của rừng, đặc biệt là vai trò quan trọng của Trắc dây đối với rừng phòng hộ đầu nguồn cũng như rừng đặc dụng. Để làm được điều này, chúng ta cần phải: (i) xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực làm công tác truyền thông, giáo dục bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; (ii) xây dựng các chương trình giáo dục truyền thông về bảo tồn tài nguyên nhiên nhiên phù hợp cho từng đối tượng: học sinh, cộng đồng bản địa,… (iii) thực hiện mô hình đồng quản lý dựa vào cộng đồng, xây dựng hương ước bảo vệ rừng.

Nâng cao đời sống của người dân

Đời sống, thu nhập của người dân địa phương được nâng cao, sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc kinh tế vào khai thác gỗ rừng tự nhiên, nhờ đó sẽ góp phần bảo tồn loài Trắc dây. Vì vậy, tăng cường phổ biến các mô hình kinh tế nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài như mô hình vườn- ao- chuồng- rừng (VACR); cho phép khai thác các sản phẩm ngoài gỗ theo đúng quy định. Hiện tại, có một số hộ gia đình đã trồng xen kẽ Trắc dây với Bạch đàn hoặc Keo lai. Hỗ trợ cho người dân vay vỗn ưu tiên với lãi suất thấp, để người dân đầu tư các mô hình kinh tế.

Thu hút cộng đồng vào bảo tồn, thông qua mô hình quản lý có sự tham gia của người dân: hợp đồng trồng rừng, hỗ trợ cây giống, chăm sóc rừng, giao khoán bảo vệ rừng dài hạn; nhằm khuyến khích quyền tự chủ cho người dân tham gia mô hình quản lý này. Đây là một mô hình có khả thi bên cạnh bảo tồn loài Trắc dây hiệu quả còn đem lại nhiều công ăn việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo.

KẾT LUẬN

Qua nghiên cứu đặc điểm sinh học và sinh sản Trắc dây, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

Trắc dây (Dalbergia annamensis A. Chev.) là loài trong chi Trắc thuộc họ Đậu, thân gỗ, dạng trườn, chiều cao trung bình từ 8÷ 9m, đường kính 35cm, tán rộng khoảng 2m, cành tiêu giảm thành gai lớn, lá mọc trên gai, lá kép lông chim lẻ một lần, mang 3÷ 7 lá chét hình trứng. Lá rụng vào mùa khô từ tháng 4÷5. Rễ cọc có thể dài đến 2m, rễ bên phân nhánh cấp 2, cấp 3, có nhiều nốt sần cộng sinh vi khuẩn cố định đạm (3-7 nốt sần/m2).

Sử dụng các chất kích thích sinh trưởng GA3 và α-NAA để nhân giống từ hạt và giâm cành Trắc dây. Trong đó, nồng độ GA3 (70ppm) có tác động tích cực đến khả năng nhân giống hữu tính từ hạt; với tỷ lệ nảy mầm đạt 81,1%, chiều cao trung bình 85,7cm; đường kính trung bình 6,4mm. Nhân giống vô tính từ giâm cành tối ưu ở 3000ppm α-NAA; với tỷ lệ ra rễ đạt 76,7%; 7 rễ/ hom và 5,7cm/ rễ sau 6 tháng; chiều cao trung bình đạt 96,1cm; đường kính đạt 8,7mm. Trắc dây nhân giống từ giâm cành tăng trưởng nhanh hơn nhân giống từ hạt.

Để bảo tồn Trắc dây, các biện pháp được đề xuất như quy hoạch tổng thể khu vực có Trắc dây trên địa bàn tỉnh Phú Yên; thực hiện mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng, nhân giống Trắc dây bằng biện pháp gieo hạt hoặc giâm cành nhằm bảo tổn và phát triển loài này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Từ điển nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (2003), Từ điển bách khoa Sinh học, Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr.1888.
  2. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (1996), Sách đỏ Việt Nam phần thực vật, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 109-110.
  3. Nguyễn Ngọc Bình và nnk (2004), “Chọn loài cây ưu tiên cho các chương trình trồng rừng tại Việt Nam”, sách Cẩm nang ngành Lâm nghiệp, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, tr.25.
  4. Nguyễn Hồng Đảng (2009), 230 loài gỗ thường gặp trong sản xuất kinh doanh, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội, tr.21.
  5. Phạm Hoàng Hộ (1999), Cây cỏ Việt Nam, quyển 1. Nxb. Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, 878-889.

………………………………………………………………………………….

Ngun: Trích dn t k yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

…………………………………………………………………………………..

 

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *