Vấn đề huy động nguồn lực cho quản lý chất thải và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường

5/5 – (1 vote)

Nguyễn Tuấn Anh,

Phó vụ trưởng Vụ KHGDTN&MT, Bộ KH&ĐT

           

Đầu tư cho bảo vệ tài nguyên và môi trường, quản lý chất thải và khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường bao gồm những hoạt động đầu tư liên quan tới việc sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và những hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ những tác động tiêu cực do các hoạt động kinh tế xã hội của con người gây ra đối với môi trường.

Trong đầu tư phát triển, nhà nước đã coi trọng đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường. Hoạt động đầu tư đã phần nào đáp ứng các mục tiêu: đầu tư để cải thiện chất lượng môi trường sống; đầu tư để nâng cao hiệu quả phát triển, tránh những tổn thất về GDP; đầu tư vì cuộc sống của những thế hệ tương lai.

Đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong việc phòng ngừa, khắc phục sự cố về tài nguyên và môi trường; đồng thời để duy trì và phát triển sự nghiệp bảo vệ tài nguyên và môi trường. Nguồn vốn chi cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thống kê sơ bộ như sau:

  1. Nguồn vốn sự nghiệp môi trường: Đối với các bộ, ngành và địa phương: dự toán chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương cho các bộ, ngành trong 3 năm 2011, 2012, 2013 tương ứng là 510,0 tỷ đồng, 730,0 tỷ đồng và 980,0 tỷ đồng[1].Theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 21/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương chiếm 15% tổng chi sự nghiệp môi trường hàng năm, còn lại 85% thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương.
  2. Nguồn vốn đầu tư phát triển: Vốn đầu tư cân đối cho lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường bố trí cho các bộ, ngành ( chi tiết xem biểu số liệu 2010-2014 kèm theo)
  3. Nguồn vốn ODA
  4. Nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là các bộ liên quan nhiều đến bảo vệ tài nguyên và môi trường) bao gồm cả vốn trong nước và vốn nước ngoài của các năm 2010, 2011, 2012 tương ứng là: Bộ Tài nguyên và Môi trường: 880,479 tỷ đồng, 1.252,216 tỷ đồng và 1.473,936 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 3.153,848 tỷ đồng, 3.678,894 tỷ đồng và 3.589,162 tỷ đồng[2].
  5. Ngân sách nhà nước đầu tư trong các năm 2011,2012 và 2013 tương ứng cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 353 tỷ đồng, 400 tỷ đồng và 433,0 tỷ đồng; cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng (dự án trồng mới 5 triệu ha rừng) là 610 tỷ đồng, 720 tỷ đồng và 820 tỷ đồng[3].
  6. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay ưu đãi với số tiền khoảng 500 tỷ đồng để đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho nhà máy giấy và đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải đô thị;
  7. FDI đầu tư vào lĩnh vực môi trường
  8. Hiện nay chưa có số liệu chính thức về đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động bảo vệ môi trường. Các cuộc điều tra doanh nghiệp của Tổng cục thống kê trong các năm 2002, 2004 và 2005 cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp được điều tra có đầu tư cho xây lắp thiết bị, công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn này rất thấp, chỉ đạt từ 4-7% số doanh nghiệp điều tra. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, việc đầu tư bảo vệ môi trường phải dựa vào nguồn vốn tự có, trong khi nguồn vốn này rất hạn chế.
  9. Khu vực tư nhân tham gia cung cấp nhiều lĩnh vực dịch vụ vệ sinh môi trường: xử lý nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn vv… tuy vậy, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về đầu tư của khu vực tư nhân.

   Các nguồn vốn nêu trên đã được sử dụng để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; cải tạo hoặc nâng cấp mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; thu gom xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải; bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý lưu vực sông và các nhiệm vụ khác. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn ODA, nhiều dự án liên quan đến cải tạo và xử lý ô nhiễm môi trường với yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn đã được thực hiện, góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế tới môi trường sinh thái.

Những tồn tại, yếu kém:

Do những lý do chủ quan và khách quan, nhất là do công tác đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường chưa được quan tâm đúng mức, nên trong những năm qua, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả; ảnh hưởng đến thế hệ mai sau. Môi trường thiên nhiên ở nhiều nơi bị phá hoại, ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng, đã đến mức báo động. Hệ thống chính sách và công cụ pháp luật chưa đồng bộ để lồng ghép một cách có hiệu quả giữa 3 mặt phát triển: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Các mục tiêu phát triển bền vững vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế những năm qua đầu tư của toàn xã hội nói chung và đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn rất hạn chế.

Tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng huy động vốn đầu tư, nhất là đầu tư  từ ngân sách, trong khi các áp lực về phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội là rất lớn, đã bắt buộc các ngành, các tỉnh, thành phố tập trung vốn nhiều  hơn vào các công trình tác động trực tiếp cho  sự phát triển về kinh tế – xã hội, như xây dựng doanh nghiệp mới, xây dựng các dự án về giao thông, thuỷ lợi, trường học, bệnh viện;  xây dựng trụ sở…, ít chú trọng  dành vốn cho đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này được xem như phần còn lại, sau khi đã bố trí cho các công trình, dự án khác.

Mặt khác, việc lựa chọn các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường chưa dựa trên các tiêu chí cụ thể; còn mang nặng cảm tính khi xác định thứ tự ưu tiên các dự án; việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường còn dàn trải; đầu tư không đồng bộ, không theo qui hoạch, dự án đầu tư thường kéo dài nhiều năm, gây lãng phí và giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, nguồn vốn huy động cho đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường ở nước ta còn quá thấp và việc phân cấp quản lý đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường chưa chặt chẽ. Nhà nước chưa có cơ chế cụ thể khuyến khích và huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Vốn viện trợ nước ngoài cho bảo vệ tài nguyên và môi trường còn chiếm tỷ lệ ít ỏi trong tổng vốn ODA.

Các nhà đầu tư tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào dịch vụ môi trường. Đây là một xu hướng tích cực, phù hợp với yêu cầu xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường. Tuy vậy, năng lực tài chính của các doanh nghiệp tư nhân có hạn, trình độ khoa học công nghệ hạn chế nên  gặp khó khăn trong việc triển khai các dự án lớn.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đầu tư cho bảo vệ và phát triển tài nguyên và môi trường ở Việt Nam còn khá thấp. Nguồn kinh phí của nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường mới chỉ đạt 1% tổng chi ngân sách từ năm 2006, trong khi đó ở Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm từ 3- 4% GDP.

Phụ lục : Số liệu 2010-2014 về đầu tư  (Nguồn: Sổ tay kế hoạch, tổng hợp của Vụ KHGDTN&MT, Bộ KH&ĐT)

Năm Danh mục Ngành Tài nguyên và Môi trường Cấp nước và xử lý rắc thải, nước thải
Tổng (tỷ đồng) TW ĐP Tỷ lệ % Tổng (tỷ đồng) TW ĐP Tỷ lệ %
2010 Toàn ngành 2468.9 450.0 2018.9 2.1 4,647.8 280.0 4,367.8 4.0
  Trong nước 1301.5 400.0 901.5   4,199.9 230.0 3,969.9  
  Nsđp và bổ sung cân đối 807.4   807.4   3,733.9   3,733.9  
  Phần còn lại cân đối cho các Bộ, ngành TW 400.0 400.0     230.0 230.0    
  Hỗ trợ và bổ sung có mục tiêu 94.1   94.1   236.0   236.0  
  Nước ngoài 1167.4 50.0 1117.4   447.9 50.0 397.9  
2011 Toàn ngành 2954.3 580.0 2374.3 2.1 5,609.6 260.0 5,349.6 4.0
  Trong nước 2274.3 550.0 1724.3   4,894.6 260.0 4,634.6  
  Nsđp và bổ sung cân đối 1598.2   1598.2   4,351.0   4,351.0  
  Phần còn lại cân đối cho các Bộ, ngành TW 500.0 500.0     260.0 260.0    
  Hỗ trợ và bổ sung có mục tiêu 176.1 50.0 126.1   283.6   283.6  
  Nước ngoài 680.0 30.0 650.0   715.0   715.0  
2012 Toàn ngành 3553.2 800.0 2753.2 2.1 6,343.9 300.0 6,043.9 3.7
  Trong nước 2,713.2 750.0 1,963.2   5,553.9 300.0 5,253.9  
  Nsđp và bổ sung cân đối 1,861.2   1,861.2   5,076.0   5,076.0  
  Phần còn lại cân đối cho các Bộ, ngành TW 600.0 600.0     300.0 300.0    
  Hỗ trợ và bổ sung có mục tiêu 252.0 150.0 102.0   177.9   177.9  
  Nước ngoài 840.0 50.0 790.0   790.0   790.0  
2013 Toàn ngành 3,763.3 601.0 3,162.3 2.2 6,181.6 222.0 5,959.6 3.7
  Trong nước 2,936.8 540.0 2,390.8   5,610.1 222.0 5,388.1  
  Nsđp và bổ sung cân đối 2,048.2   2,048.2   5,106.0   5,106.0  
  Phần còn lại cân đối cho các Bộ, ngành TW 500.0 500.0     222.0 222.0    
  Hỗ trợ và bổ sung có mục tiêu 388.6 46.0 342.6   282.1   282.1  
  Nước ngoài 826.5 55.0 771.5   571.5   571.0  
2014 Toàn ngành 3,529.3 615.0 2,914.3 2.2 5,855.9 205.0 5,650.9 3.7
  Trong nước 2,689.3 545.0 21,144.3   5,085.9 205.0 4,880.9  
  Nsđp và bổ sung cân đối 1,892.0   1,892.0   4,700.8   4,700.8  
  Phần còn lại cân đối cho các Bộ, ngành TW 545.0 545.0     205.0 205.0    
  Hỗ trợ và bổ sung có mục tiêu 252.3   252.3   180.1   180.1  
  Nước ngoài 840.0 70.0 770.0   770.0   770.0  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguồn: Sổ tay kế hoạch, Vụ KHGDTN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[2] Nguồn: Sổ tay kế hoạch, Vụ KHGDTN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[3] Nguồn: Sổ tay kế hoạch, Vụ KHGDTN&MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *