Mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng ở Việt Nam

5/5 – (1 vote)

1. Cơ sở lý luận về xã hội hoá bảo vệ môi trường

Các hoạt động phát triển thường có tính gián đoạn tương đối, còn môi trường tự nhiên bao giờ cũng mang tính liên tục tuyệt đối trong không gian và thời gian. Những vấn đề môi trường là những vấn đề rộng lớn, phức tạp, lâu dài, không phải của riêng ai, đụng chạm đến lợi ích của mọi người. Chất lượng môi trường tốt thì mọi thành viên, mọi quốc gia, mọi công dân đều được hưởng. Ngược lại, những thiệt hại do môi trường bị suy thoái thì họ phải chia sẻ, gánh chịu. Thêm nữa, chất lượng môi trường là một loại hàng hoá đặc biệt, chẳng những tư nhân, công ty, xí nghiệp có xu hướng không muốn cung cấp hoặc không cung cấp đủ, mà ngay cả các Chính phủ, với các nguồn lực hữu hạn, cũng không cung cấp đủ về số lượng, tốt về chất lượng hàng hoá môi trường. Vì thế, để bảo vệ môi trường cần động viên trí tuệ và nguồn lực của mọi thành viên, mọi quốc gia, mọi cộng đồng, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của moi công dân. Nói cách khác, trước mắt cũng như lâu dài, cần đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.
Xã hội hoá bảo vệ môi trường là quá trình chuyển hoá, tạo lập cơ chế hoạt động và cơ chế tổ chức quản lý mới trong hoạt động bảo vệ môi trường, trên cơ sở cộng đồng trách nhiệm nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Như vậy, xã hội hoá bảo vệ môi trường là một quá trình, vì nó diễn ra trong những khoảng thời gian dài, nó có sự chuyển hoá dần dần trên cơ sở thích ứng những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương tiến tới cả quốc gia, mà nó không giống như một cuộc cải cách hay một cuộc cách mạng ở một lĩnh vực nào đó.
Xã hội hoá bảo vệ môi trường là đa dạng hoá hoạt động này ở các địa phương, các ngành và đặc biệt là các đô thị ở các nước đang phát triển (do tốc độ đô thị hoá nhanh). Vì vậy, cùng với việc tăng cường vai trò, vị trí của quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, còn cần phải khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức quản lý môi trường do tập thể và tư nhân đảm nhiệm trong khuôn khổ luật pháp về môi trường và các chính sách có liên quan của quốc gia.
Tiến hành xã hội hoá bảo vệ môi trường cũng chính là thực hiện nguyên tắc “ Để cho cộng đồng tự quản lý môi trường của mình ” trong các nguyên tắc xây dựng xã hội phát triển bền vững mà Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và phát triển bền vững tại Rio- Janieo ( Braxin) năm 1992 đã thống nhất đề ra về sự cần thiết phải xây dựng một xã hội bền vững trên Trái Đất. Do môi trường là ngôi nhà chung, không phải riêng của cá nhân nào, cộng đồng nào. Vì vậy, việc “ cứu lấy Trái Đất ” và xây dựng một cuộc sống bền vững phụ thuộc vào niềm tin và sự đóng góp của mỗi cá nhân. Khi nào người dân biết tự mình tổ chức cuộc sống bền vững trong cộng đồng của mình, họ sẽ có một sức sống mạnh mẽ cho dù cộng đồng của họ là giầu hay nghèo, thành thị hay nông thôn. Theo đó, một cộng đồng muốn sống bền vững, thì trước hết phải quan tâm bảo vệ về cuộc sống của chính mình và không làm ảnh hưởng đến môi trường của cộng đồng khác. Họ cần biết cách sử dụng tài nguyên của mình một cách tiết kiệm, bền vững, có ý thức về việc thải các chất thải độc hại và xử lý một cách an toàn. Họ phải tìm cách bảo vệ hệ thống nuôi dưỡng sự sống và tính đa dạng của hệ sinh thái ở địa phương. Điều đó nói lên rằng, chính người dân hoàn toàn có khả năng thực hiện được công việc quản lý môi trường sống của họ, nếu được giao đầy đủ quyền lực và trách nhiệm. Tất nhiên, Chính phủ cần phải quan tâm đến nhu cầu về kinh tế và xã hội của họ, cũng như giúp đỡ, hướng dẫn họ. Muốn thực hiện được mục tiêu quan trọng đó, cần tổ chức giáo dục, tuyên truyền và đào tạo. Đồng thời phải có những hành động ưu tiên như:
+ Cho phép cộng đồng có thể điều khiển toàn bộ cuộc sống của mình bao gồm việc được hưởng sử dụng nguồn tài nguyên, đồng thời có trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên ở địa phương mình, cũng như được tham gia bàn bạc, thảo luận các dự án bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
+ Cho phép cộng đồng sử dụng tài nguyên trong vùng thoả mãn một số nhu cầu trong cuộc sống.
+ Tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng bảo vệ môi trường sống của mình. Nếu mỗi cộng đồng tự quản lý được nguồn tài nguyên và phân phối phù hợp với lợi ích đa số người sử dụng thì công việc sẽ được thuận lợi.
Như vậy, mục đích của xã hội hoá bảo vệ môi trường là nhằm mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực của mọi công dân, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của cộng đồng, tạo điều kiện cho họ hoạt động bảo vệ môi trường ngày một tốt hơn về cả chất lượng và hiệu quả. Đây là chính sách và công việc lâu dài của các quốc gia trên thế giới.

2. Bảo vệ môi trường cộng đồng

Thực hiện xã hội hoá bảo vệ môi trường, các cơ quan quản lý môi trường các cấp, đặc biệt là cơ quan quản lý môi trường địa phương cần tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển các hoạt động bảo vệ môi trường cộng đồng. Đó chính là huy động được cộng đồng tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Để nghiên cứu, phân tích cụ thể hơn về bảo vệ môi trường cộng đồng giữ vai trò chính trong xã hội hoá bảo vệ môi trường, chúng ta cần nắm vững các khái niệm cộng đồng, phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường cộng đồng.
– Khái niệm cộng đồng.
Theo giải nghĩa của một số từ điển thì khái niệm cộng đồng (community) là “ cùng chung với nhau ”, riêng từ “cộng” được hiểu là “ chung cùng nhau ”. Theo đó, có các cụm từ: “ Cộng đồng quản lý ” là mọi người đều cùng tham dự vào quản lý; “ Cộng đồng tác dụng ” là nhiều người, nhiều cơ quan hợp lại cùng làm một việc và “ cộng đồng trách nhiệm ” là nhiều người, nhiều cơ quan cùng chung nhau bảo đảm, bảo vệ về một việc, một lĩnh vực nào đó . Năm 1950 Liên hợp quốc (LHQ) công nhận khái niệm cộng đồng và khuyến khích các quốc gia sử dụng khái niệm này như một định hướng phát triển.
– Phát triển cộng đồng.
Phát triển cộng đồng (common deveclopment) là cụm từ ghép thể hiện: “ cùng chung với nhau để mở mang ”. Khái niệm này được bàn đến ở các thuộc địa của Anh từ những năn 1940, trước cả khi LHQ công nhận khái niệm cộng đồng. Trong những năm 1950 – 1960, hàng loạt các chương trình viện trợ của LHQ, Viện trợ song phương giữa các Chính phủ mang tên gọi “ Viện trợ phát triển cộng đồng ”. Trong đó, vai trò cộng đồng được nhấn mạnh, được xem là nhân tố quyết định đến tính hiệu quả của nguồn viện trợ. Cơ sở của phát triển cộng đồng dựa trên 3 nguyên lý: Về tính tương đối của phát triển cộng đồng; Về tính đa dạng của phát triển cộng đồng; Về tính bền vững của phát triển cộng đồng.
Trong lý thuyết phát triển cộng đồng đòi hỏi yêu cầu cao về tầm quyết định luật, đó là quan hệ giữa các thế hệ xã hội, chủ yếu là ba thế hệ cơ bản tham gia vào sự phát triển cộng đồng: Thứ nhất, tự quản cộng đồng; Thứ hai, sự quản lý nhà nước; Thứ ba, sự can thiệp của thị trường.
Triết lý tham dự (participation) là một trong những quan điểm quan trọng của phát triển cộng đồng. Triết lý này được thể hiện như sau: Thừa nhận rằng, để cho cộng đồng phát triển tốt đẹp, bền vững thì phải có sự phối hợp của tất cả các lực lượng xã hội, của các tổ chức và thiết chế xã hội. Có thể hình dung là có 4 lực lượng chủ chốt tham dự vào phát triển cộng đồng là: Bản thân cộng đồng; Nhà nước; Thị trường và các nhân tố xã hội khác.
– Bảo vệ môi trường cộng đồng.
Cụm từ này được hiểu gần đồng nhất với thuật ngữ: “ bảo vệ môi trường ” có sự tham gia của cộng đồng nhưng ở mức cao hơn. Cộng đồng không chỉ tham gia mà là tham dự. Không chỉ bàn bạc mà cả đi đến thống nhất và thực hiện. Nội dung bảo vệ môi trường cộng đồng bao gồm:
– Cộng đồng xác lập các vấn đề ưu tiên cho phát triển của cộng đồng;
– Cộng đồng tìm ra cách giải quyết các vấn đề ưu tiên, lập dự án, chương trình và kế hoạch thực hiện;
– Cộng đồng tìm kiếm sự liên kết, hỗ trợ cho mình để thực hiện dự án, chương trình, kế hoạch đã lập ra;
– Tổ chức thực hiện;
– Đánh giá từng công đoạn, hiệu chỉnh trong quá trình thực hiện nếu thấy cần thiết;
– Kết thúc đánh giá tổng thể;
– Xác lập ưu tiên mới.
Đây là quy trình kép kín, lặp đi lặp lại nhưng ở trình độ lần sau cao hơn lần trước theo hình xoáy trôn ốc.
Điểm mấu chốt của phương pháp bảo vệ môi trường cộng đồng là xuất phát từ cộng đồng, vì cộng đồng và động lực của nó là tiềm lực to lớn của cộng đồng.
Khái niệm bảo vệ môi trường cộng đồng không phải là một khái niệm mới mẻ ở nhiều nước trên thế giới. Ngay ở Việt Nam, sau ngày độc lập (1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào toàn dân giữ gìn vệ sinh, để tăng cường sức khoẻ, để kiến quốc. Theo lời Người, nhân dân Việt Nam đã xây dưng nhiều phong trào sáng tạo vì môi trường. Đó chính là bảo vệ môi trường cộng đồng đã được hình thành và tiến hành ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

3. Kinh nghiệm xã hội hoá bảo vệ môi trường ở một số nước trên thế giới

Từ những năm 50 thế kỷ XX, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng và phát huy có hiệu quả phương pháp bảo vệ môi trường cộng đồng. Kinh nghiệm cho thấy, biện pháp bảo vệ môi trường cộng đồng phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, v. v.. Sau đây là một số kinh nghiệm về phát huy vai trò bảo vệ môi trường cộng đồng ở một số nước trên thế giới.

-Nhật bản, với chủ trương vận động tất cả mọi cộng đồng dân cư trong cả nước thu gom chất thải và xây dựng xã hội tái chế trong thế kỷ XXI. Chính phủ nước này đã có những chính sách thúc đẩy và khuyến khích việc quản lý chất thải rắn trên cơ sở của sự tham gia tích cực và tự nguyện của các cộng đồng dân cư khác nhau. Hệ thống quản lý chất thải rắn của Nhật Bản nhận được sự trợ giúp của hệ thống tổ chức thu gom hình thành trên cơ sở các tổ chức của khu vực (Hội đồng thành phố, Hội thiếu nhi và Hội cha mẹ học sinh…). Các tổ chức hội này tiến hành thu gom và bán các chất thải có thể tái sử dụng cho các công ty tái chế chất thải. Tính đến năm 1993 đã có tới 82.000 tổ chức loại này hoạt động ở 92 thành phố. Kết quả làm cho đường phố sạch sẽ, các dịch vụ vệ sinh môi trường được cải thiện và chi phí cho công tác quản lý chất thải rắn giảm đi nhiêù lần.

– Thụy Điển, phát huy vai trò của bảo vệ môi trường cộng đồng thông qua việc tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào đánh giá tác động môi trường. Chính phủ nước này cho rằng, khi lập kế hoạch về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, việc lắng nghe ý kiến của quần chúng ngay ở giai đoạn đầu của dự án là cách tốt nhất để tránh nhuững khó khăn sau này. Nếu không thực hiện được điều này, sự phản kháng của dân chúng có thể tăng lên và gây chậm trễ hoặc phải ngừng dự án. Quá trình đánh giá tác động môi trường (EIA) tại Thụy Điển thành công lớn nhất khi nó hướng đến mục tiêu trở thành một quá trình dân chủ.

– Ấn Độ, những bất đồng giữa các cơ quan của chính phủ và chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng môi trường xuống cấp nghiêm trọng. Việc nâng cao hiệu quả quản lý môi trường đòi hỏi có sự cam kết từ cả hai phía chính quyền và nhân dân. Một trong những biện pháp chủ yếu là trao cho cộng đồng dân cư quyền kiểm soát những đối tượng gây ô nhiễm môi trường, dù đối tượng đó thuộc nhà nước hay tư nhân. Các cơ quan có trách nhiệm kiểm tra ô nhiễm phải có kế hoạch cho các cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ. Các bản tóm tắt EIA với ngôn ngữ dễ hiểu, mạch lạc, thông báo về các kết quả giám sát môi trường, khi đó các nhóm cộng đồng có thể kiểm tra lại nồng độ các chất thải so với các tiêu chuẩn quy định và kiện ra toà nếu thực tế sai khác với EIA.

– Brazil, việc đổi mới cơ bản hệ thống cống rãnh ở vùng Đông Bắc nhờ vào sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư trong việc lựa chọn mức dịch vụ vận hành và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng hệ thống cống, giảm chi phí xây dựng tới 20-30% so với trước đây. Các gia đình có thể lựa chọn phương án cải thiện hệ thống vệ sinh hiện có của họ, hoặc là nối với hệ thống thoát nước thông thường- một cống lộ thiên ở đường phố, hoặc nối với hệ thống thoát chung. Sự lựa chọn là tự do.

– Nepal, Khoảng 50% cư dân ở phía Tây Bắc khu bảo tồn Annapurna đã đóng góp cả về vật chất và kinh phí cho dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Hơn thế nữa, những nhân viên của dự án này cũng là những cư dân của khu vực. Một chương trình đặc biệt dành ưu tiên đối với phụ nữ và khích lệ sự tham gia tích cực của họ trong quá trình tạo ra các quyết định, thực hiện những nỗ lực bảo tồn. Cách tiếp cận của dự án đã tạo nên một mô hình về quản lý tài nguyên hợp lý trong một khuôn khổ truyền thống địa phương, có tính thuyết phục cao. Mô hình này đã cho phép nhân dân địa phương tiếp tục các hoạt động sống bình thường, không ảnh hưởng đến các giá trị bảo tồn và do vậy ngăn ngừa các mâu thuẫn vốn rất dễ nẩy sinh khi nguồn lợi của cộng đồng bị ảnh hưởng. Được thành lập vào năm 1986, khu Annapurna ngày nay đã trở thành một vùng đa dạng, có giá trị. Sự hợp tác của Chính phủ với các nhóm cộng đồng địa phương đã góp phần to lớn vào thành công của dự án.

– Trung Quốc, hệ thống thu gom chất thải đô thị trên cơ sở cộng đồng tại Thượng Hải bắt buộc các hộ gia đình có trách nhiệm đưa chất thải rắn của họ tới các điểm thu gom chất thải gần nhất, đổ vào các thùng chứa bằng bê tông hoặc thép (thường có khoảng cách trên dưới 100 m). Mỗi điểm thu gom này thường phục vụ cho 100 đến 300 hộ gia đình. Sau đó, chất thải được thu gom bởi các nhân viên của Phòng Vệ sinh môi trường quận. Hội đồng phường, xã có trách nhiệm duy trì hoạt động quét dọn, làm sạch đường phố. Các dịch vụ làm sạch đó được Chính phủ cung cấp tài chính với tỷ lệ nhỏ, tiền phí dịch vụ hộ gia đình là nguồn tài chính chủ yếu. Tại các khu vực mới xây dựng gần đây ở Thượng Hải, các thùng thép lớn hơn đã và đang được sử dụng. Khi khoảng cách đến với các hộ gia đình xa hơn, Hội đồng phường, xã đang tổ chức các điểm thu gom lưu động bằng các xe đẩy rác nhỏ kéo tay. Các điểm thu gom lưu động được đặt ở các vị trí do Hội đồng phường, xã quy định.

– Ở một số nươc khu vực Đông Nam Á, kinh nghiệm cho thấy, việc thu gom và xử lý chất thải rắn đô thị thông qua việc vận động các nguồn lực sẵn có trong cộng đồng là cần thiết. Những nguồn lực đó thuộc về nhưng người đại diện khác nhau (công cộng, tư nhân, chính thức, không chính thức…). Các cư dân, những người được sử dụng dịch vụ đô thị phải trả thuế cho các dịch vụ đó và chính họ là những thành viên của cộng đồng có mối quan hệ trực tiếp đến hiệu quả của việc quản lý chất thải rắn đô thị. Nếu không chấp thuận việc quản lý chất thải rắn đô thị, họ có thể đưa ra các sáng kiến như thành lập tổ chức của chính nơi mình ở, nhằm đẩy mạnh hình thức phân loại, quay vòng, xử lý các nguồn chất thải rắn đô thị. Các thành viên của cộng đồng có thể tạo được ảnh hưởng lớn hơn khi họ đứng trong tổ chức đó, chứ không phải tư cách một cá nhân.

– Tại thành phố Surabaya (Inđônêxia), Phòng Vệ sinh phòng dịch thành phố không đủ nguồn nhân lực và kinh phí để tiến hành các hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn hoàn chỉnh, do vậy, các công ty tư nhân và cộng đồng đã tham gia vào việc quản lý chất thải rắn. Một nhân tố mang tính chiến lược là những người thu nhặt chất thải và những người làm sạch đường phố đã trở thành một đối tác quan trọng trong các đối tác liên quan đến việc quản lý chất thải rắn đô thị. Đối tác quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố này được tăng cường với sự đa dạng hoá mạnh mẽ thanh phần, lôi cuốn nhiều thành phần, kể cả các giáo sư đại học và các nhà doanh nghiệp. Hàng ngàn túi chất thải được cung cấp cho các hộ gia đình để thu gom chất thải. Hiện có hàng ngàn người thu gom chất thải, làm sạch các đường phố. Trong đó, chỉ có 10% là thuộc biên chế của chính quyền thành phố. Vào năm 1992, tiền trả hàng tháng cho việc thu gom chất thải và các dịch vụ làm sạch đường phố chỉ là 0,90 USD đối với các hộ có thu nhập cao và 0,45 USD đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp.

– Tại Philippin, kinh nghiệm của Cục thuỷ lợi quốc gia cho thấy, việc sớm lôi cuốn được các nhóm cộng đồng tham gia vào việc xây dựng kế hoạch và tìm kiếm các giải pháp làm thông thoáng các dòng chẩy đã mang lại kết quả hoàn hảo. Cộng đồng là chủ thể thực hiện các giải pháp đống góp công lao động và một phần chi phí. Những người sử dụng cũng tự nguyện hơn trong việc trả tiền cho các dịch vụ của Cục. Chính cộng đồng tham gia vào công việc đã từng bước giảm lượng bùn, rác trong các dòng chẩy nhờ ý thức tự giác của họ được nâng cao.

– Tại Malaysia, đã thành công trong việc giúp cộng đồng nhân dân địa phương vùng Sabah xây dựng và thực hiện một nghị định thư của cộng đồng về việc tiếp cận và phát triển tài nguyên thiên nhiên và tri thức bản địa, mà mục tiêu là bảo vệ Vườn quốc gia Sabah. Bước đầu tiên trong quá trình xây dựng nghị định thư này là nâng cao nhận thức cho người dân địa phương bằng các cuộc hội thảo nhằm nâng cao sự hiểu biết của họ về những vấn đề tiếp cận trái phép tài nguyên và những việc có thể làm được tại chính vùng đất của họ. Tại các cuộc hội thảo này, người dân đã bày tỏ thái độ, quan điểm của mình và cùng nhất trí là cần có một nghị định thư bằng văn bản về việc quản lý tiếp cận tài nguyên tại vùng đất của họ. Tiếp theo là bản dự thảo nghị định thư được soạn thảo với những thảo luận của cộng đồng về những trường hợp đã gặp phải với những người đến thu thập tài nguyên và tiếp cận tri thức của họ. Bản dự thảo được biên soạn xong, được đưa về các cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác để lấy ý kiến đóng góp. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, bản nghị định thư được hoàn chỉnh và đem áp dụng thử ở một vài cộng đồng trong vùng để rút kinh nghiệm trước khi ban hành. Nhờ có nghị đinh thư, những tác động bất lợi của việc tiếp cận và khai thác tài nguyên đã được xem xét trong cộng đồng. Do vậy, tuy nghị định thư không có tính ràng buộc pháp lý nhưng đã giúp nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tiếp cận và khai thác tài nguyên, nên đã giúp họ tích cực hơn trong việc bảo vệ tài nguyên và định hướng cho các cộng đồng trong vùng xây dựng các quy định quản lý phù hợp của riêng mình. Tuy nhiên, còn có một số khó khăn do chưa có khung pháp lý của nhà nước hỗ trợ, nhưng đã có hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ Vườn quốc gia Sabah.

4- Xã hội hoá bảo vệ môi trường ở Việt Nam – một số mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng điển hình

4.1- Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường giữ vị trí quan trọng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, nhất là thời kỳ cộng nghiệp hoá của các quốc gia trên thế giới. Để phát triển bền vững, cần phải có một chương trình hành động thống nhất và có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa phát triển sản xuất với công tác bảo vệ và kiểm soát môi trường. Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn chưa phát triển sẽ không đáp đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường và công nghiệp hoá là hai vấn đề cần được giải quyết đồng thời cùng với những tương quan đầu tư hợp lý để đảm bảo cho sự nghiệp công nghiệp hoá thành công và cho sự phát triển bền vững của quốc gia đó.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm, nên ngay từ đầu năm 1994 Luật bảo vệ môi trường được ban hành đã chính thức pháp lý hoá công tác bảo vệ môi trường. Điều 6 Luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ: “ Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân. Tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, có quyền và trách nhiệm phát hiện và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ”, hay một nội dung quan trọng trong Điều 43 của Luật cũng nêu rõ: “ … Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc cơ quan khác của Nhà nước có những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… ”. Ngoài ra, các hoạt động khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường còn được điều tiết bằng Luật Kiếu nại, Tố cáo ban hành ngày 23/11/1998.
Việc giám sát và cưỡng chế tuân thủ pháp luật về môi trường là những công cụ pháp lý, chính sách, các công cụ kinh tế, công cụ kỹ thuật, quản lý và áp lực của cộng đồng. Trong quản lý môi trường địa phương việc phối hợp các công cụ này với áp lực của cộng đồng thực tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt, có thể rút ra những đóng góp của cộng đồng đó là:

+ Cộng đồng có vai trò trong ngăn ngừa các hành vi vi phạm, thể hiện của nó là quá trình tham gia vào việc lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi truường (ĐTM) của các dự án, đó là cộng đồng có thể giúp trong việc phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn về mặt môi trường mà dự án có thể gây ra. Ngoài ra, việc công bố cho cộng đồng các hành vi vi phạm, cộng đồng còn có vai trò tích cực trong ngăn ngừa, răn đe không để các vi phạm xẩy ra. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm thường không muốn đưa những vi phạm này lên phương tiện truyền thông đại chúng do sợ mất uy tín cơ sở của mình trên thị trường, nên áp lực của cộng đồng đã góp phần ngăn ngừa, răn đe các vi phạm có thể xẩy ra.

+ Cộng đồng có vai trò trong việc phát hiện sự cố môi trường và các vi phạm, do lực lượng thanh tra, giám sát môi trường còn rất mỏng trên địa bàn mà cơ quan môi trường điạ phương quản lý, nên lực lượng này gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện kịp thời các sự cố môi trường và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là những vi phạm có quy mô và mức độ nhỏ, do vậy cộng đồng đã giúp phát hiện nhiều hành vi vi phạm môi trường. Thống kê cho thấy hầu hết các vụ việc vi phạm ở mức độ vừa và nhỏ đều do nhân dân phát hiện và tố cáo đến cơ quan quản lý môi trường địa phương.

+ Cộng đồng có vai trò đấu tranh với các hành vi vi phạm, tuy hành lang pháp lý cho việc giám sát và cưỡng chế tuân thủ Luật bảo vệ môi trường đã có, nhưng thực thi còn nhiều khó khăn và hạn chế ở nhiều quốc gia nhất là các nước đang phát triển. Trong bối cảnh đó, cộng đồng đã phát huy được vai trò tích cực của mình trong việc buộc các cơ sở phải phải thực hiện các quy định của pháp luật. Có nhiều trường hợp chính người dân và công luận đã buộc người vi pham hay các cơ sở vi pham phải sửa chữa các hành vi vi phạm của mình trước khi cơ quan quản lý môi trường vào cuộc. Nhất là vai trò của cộng đồng trong đấu tranh đòi bồi thường các thiệt hại môi trường đã hỗ trợ đắc lực cho cơ quan quản lý môi trường địa phương giải quyết các tranh chấp có thể xẩy ra giữa các đối tượng vi phạm và cộng đồng.
Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường còn các hạn chế như : Động cơ khiếu kiện không đúng đã lạm dụng lý do bảo vệ môi trường để kiếu kiện các tranh chấp khác; Nội dung khiếu kiện không chính xác và khiếu kiện không đúng cơ quan giải quyết hay vượt cấp; Thái độ đấu tranh kém đôi khi nhận được một khoản tiền bồi thường thiệt hại, người dân chấp nhận việc cơ sở tiếp tục gây ô nhiễm mà không kiên quyết đấu tranh để buộc cơ sở phải sửa chữa các hành vi vi phạm; Nhiều quốc gia chưa có chính sách khuyến khích và tăng cường vai trò của cộng đồng trong giám sát thực thi Luật bảo vệ môi trường hay kết hợp các nguồn thông tin chưa chặt chẽ như chưa thiết lập đường dây nóng để cộng đồng có thể phát hiện kịp thời các vi phạm, sự cố về môi trường đến cơ quan môi trường địa phương. Các hạn chế này chủ yếu là ở các nước đang phát triển do nhận thức của dân chúng chưa cao, thu nhập còn thấp…

4.2. Xã hội hoá bảo vệ môi trường trong lâm nghiệp

Bảo vệ môi trường lâm nghiệp, chủ yếu là bảo vệ rừng, là một trọng tâm của bảo vệ môi trường nói chung. Chương trình hành động toàn cầu MAB ( Man and Biosphere – Con người và Sinh quyển ) do UNESCO và UNEP chủ trì thực hiện năm 1970, đã xác định: Rừng là thành tố quan trọng hàng đầu của tài nguyên sinh vật, đặc biệt là rừng nhiệt đới, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với diễn biến môi trường, đối với sự còn mất của sinh quyển.
Để tăng cường chức năng của thảm thực vật rừng, sau khi thực hiện có kết quả Quyết định 327 (1992 ) của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước, Nghị định 02/CP (1994) của Chính phủ về giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình để trồng và bảo vệ, Nghị quyết 8/1997/QH10 của Quốc hội khoá X đã cho thực hiện dự án “ Trồng 5 triệu ha rừng trong giai đoạn 1998 – 2010 ”, với mục tiêu chủ yếu là : “ Đẩy mạnh tốc độ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chú trọng bảo vệ vốn rừng hiện có và rừng trồng mới, phát huy có hiệu quả phòng hộ và bảo vệ môi trường – sinh thái, bảo vệ và phát huy tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của đất nước, đưa tỷ lệ che phủ lên 43% diện tích đất nước ”. Nghị quyết cũng chỉ rõ: “ Phải biến chủ trương bảo vệ rừng và trồng rừng thành nghĩa vụ và quyền lợi của của toàn xã hội ”.
Thực hiện các chủ trương, chính sách trên đây, ngành Lâm nghiệp đã tiến hành việc giao rừng, đất rừng thuộc địa phương cho UBND các tỉnh, các huyện theo tính chất rừng và điều kiện cụ thể để khoán bảo vệ, khoanh nuôi hoặc trồng rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng làng, bản với tiền thù lao và các quyền lợi, nghĩa vụ theo hợp đồng nhận khoán đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Vì vậy, trong thời kỳ thực thi Quyết định 327 của Thủ tướng Chính phủ (hay còn gọi là Chương trình 327), hàng năm Nhà nước cấp gần 500 tỷ đồng cho việc bảo vệ, khoanh nuôi và trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… , còn trong Chương trình trồng 5 triệu ha rừng, Nhà nước sẽ điều chỉnh đơn giá / ha rừng từng loại nói trên theo từng thời gian cho phù hợp với thực tế nhằm khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, các tập thể thực hiện việc bảo vệ rừng, chính là tạo điêù kiện cho cộng đồng dân cư bảo vệ có hiệu quả môi trường rừng. Như vậy, Nhà nước Việt Nam đã chuyển mạnh sang Lâm nghiệp xã hội. Trong hoạt động của Lâm nghiệp xã hội, việc bảo vệ rừng được coi là mục tiêu hàng đầu, còn “ giao đất, giao rừng ” là chính sách cơ bản để phát triển lâm nghiệp được đẩy mạnh.
Tuy còn một số thách thức như tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm do người nhận bảo vệ cố ý sử dụng lâm sản không đúng quy định, để cháy rừng trên diện rộng hoặc thiếu sự chăm sóc để rừng tái sinh, vẫn còn tình trạng khai thác rừng gỗ quý hiếm, rừng phòng hộ, phá rừng để lấy đất canh tác nông nghiệp, nuôi tôm chưa được ngăn chặn kịp thời do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là điều kiện kinh tế của nhiều cộng đồng dân cư sống ở rừng và gần rừng còn chưa được cải thiện vững chắc nên họ vẫn phải sống dựa vào tài nguyên rừng, cũng như dân trí còn thấp hay chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ rừng và thực thi luật pháp chưa nghiêm minh. Song, chủ trương và chính sách xã hội hoá bảo vệ môi trương lâm nghiệp, nhất là nghề rừng đã được người dân ủng hộ và thực hiện ngày một hiệu quả hơn, biểu hiện đến năm 2000 độ che phủ của rừng đạt trên 30% diện tích cả nước, nhiều loại thú quý hiếm được phát hiện và được bảo vệ, gần 110 Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, Khu dự trữ quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt nên đã, đang được gữi gìn, tôn tạo và được cộng đồng dân cư quanh vùng có nhiều biện pháp bảo vệ.

 Mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng ở Việt Nam:

Xuất phát từ phong trào xây dựng làng văn hoá hoặc xây dựng và thực hiện hương ước là những phong trào được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Mục tiêu của các phong trào này là tạo ra được nếp sống đẹp trong từng cộng đồng làng, bản . Nghĩa là, mỗi cộng đồng tự đề ra cho mình một quy ước và được thảo luận để tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, do nguồn lực ở làng, bản còn rất hạn chế nên cần chọn khâu đột phá. Vì vậy, nhiều làng, bản đã chọn khâu vệ sinh, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan bản, làng xóm để đưa ra các quy định và tạo ra một số cơ chế quản lý thích hợp để quy ước này được thực hiện. Tuy nhiên, quy ước này phải là một kiểu “ lệ làng ” mới, vừa có tính kế thừa truyền thống của quê hương, vừa có cải tiến cho phù hợp với lối sống hiện tại và tuân thủ luật pháp do Nhà nước ban hành và không mang tính bất biến để trong quá trình thực hiện còn xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh, làm cho bản quy ước của làng, bản ngày càng hoàn chỉnh, gắn thiết thực với từng gia đình, cá nhân, góp phần thực mục tiêu của địa phương.
Các quy ước làng văn hoá hay hương ước có vai trò quan trọng đối với việc ổn định nếp sống trong làng, bản và có sức mạnh trong cộng đồng, một phần là do các hình thức phạt và khen thưởng. Điều đó vừa phản ánh tâm lý của dân làng hay bản, vừa phản ánh phương diện quan trọng của văn hoá và nếp sống mới của làng, bản. Nó vừa uốn nắn con người vào khuôn phép vừa động viên con người hành động. Sức mạnh cưỡng chế của nó dựa vào lề thói, nếp sống quen thuộc của cộng đồng, vào hệ ý thức cộng đồng. Đó là sức mạnh có tính tâm lý nằm sâu trong tiềm thức của mọi người trong làng, bản.
Theo đó, một số làng, bản, phường hay khu dân cư đã có mô hình bảo vệ môi trường cộng đồng đem lại hiệu quả rõ rệt như:

+ Làng Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Tây đã xây dựng làng văn hoá mà nhân tố quan trọng là quản lý môi trường được chính quyền địa phương cấp bằng công nhận làng văn hoá đã trở thành niềm vinh dự và tự hào của cả cộng đồng.

+ Làng Chiết Bì, Thuỷ Tân, Thừa Thiên-Huế đã xây dựng hương ước môi trường được công đồng dân cư trong làng chấp thuận và thực hiện với việc thành lập Đội thanh niên tình nguyện xanh theo nguyên tắc tự ngyện và miễn phí, với có những kết quả đạt được bước đầu là làng, xóm khang trang sạch, đẹp, có nếp sống mới trong từng gia đình, cá nhân.

+ Tăng cường vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên ở Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Từ lâu đời, các dân tộc miền núi có quan niệm cho rằng: “ Rừng là một tài nguyên vô tận, không có chủ, ai khai thác được càng nhiều thì thu được nhiều lợi nhuận ”. Vì vậy, đã dẫn đến việc khai thác bừa bãi các tài nguyên thiên nhiên như gỗ rừng, động vật quý hiếm…, vừa làm cạn kiệt nguồn tài nguyên vừa gây ra lũ quét, rửa trôi đất, suy giảm nước ngầm, mất đa dạng sinh học… Đặc biệt ở đây có khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ với chức năng bảo vệ thiên nhiên môi trường, đa dạng sinh học, nguồn nước… xung quanh khu vực hồ nước Kẻ Gỗ. Chính quyền địa phương đã triển khai một số biện pháp phù hợp có sự tham gia của cộng đồng dân cư xung quanh khu vực như: Thay đổi cơ cấu sản xuất và quan niệm sống của cộng đồng, từ khai thác lâm sản đơn thuần sang sản xuất lâm nghiệp; Chính quyền địa phương đã phối hợp được các lực lượng kiểm lâm, công an, các tổ chức đoàn thể, xã hội trong việc tuyên truyền, thuyết phục, giáo dục bảo vệ, quản lý tài nguyên, môi trường và việc bắt giữ, xét sử công khai các vụ chặt phá rừng, buôn bán trái phép gỗ rừng, động vật quý hiếm đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn những hành vi vi pham; Thu hút được một số dự án của Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ cho vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.

+ Mô hình quản lý chất thải rắn ở một số đô thị như Lạng Sơn, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội…bằng việc cho thành lập các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ tự quản thu gom, phân loại, chế biến, tái chế phế thải với nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào thu phí từ cộng đồng và bán các sản phẩm phân loại và tái chế từ rác thải đã vừa giải quyết được việc làm cho một số người lao động, vừa huy động được các nguồn lực trong công đồng. Các mô hình này với quy mô, hình thức tổ chức, quản lý khác nhau nhưng đều phát huy được vai trò của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Nguồn: Trần Thanh Lâm, Quản lý Môi trường địa phương, NXB Xây dựng, 2004

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *