Xây Dựng Chương Trình Nâng Cao Nhận Thức Cộng Đồng Trong Công Tác Bảo Vệ Môi Trường kênh Tàu Hủ – Bến Nghé

5/5 – (1 vote)

Phạm Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Hoa, Vũ Thụy Hà Anh

Khoa Khoa học Môi trường, Trường Đại học Sài Gòn.

 ………………………………………………………………………………

TÓM TẮT

Hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã được nạo vét và nâng cấp trong những năm vừa qua. Mức độ ô nhiễm và sự lưu thông dòng chảy đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tượng tái ô nhiễm do tình trạng xả rác gây tắc nghẽn dòng chảy ở các kênh rạch đã cải tạo luôn là vấn đề nan giải hiện nay. Nguy cơ tái ô nhiễm tại các hệ thống kênh rạch đã cải tạo có thể được ngăn chặn nếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao. Nhằm khắc phục tình trạng tái ô nhiễm, chúng tôi đã thu thập ý kiến cộng đồng dân cư ven kênh để xác định mức độ nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường kênh rạch của cộng đồng. Từ đó, những kiến thức về bảo vệ môi trường kênh rạch nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi và phù hợp đến từng đối tượng người dân sống dọc theo tuyến kênh là kênh Tàu Hủ – Bến Nghé. Kết quả triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường kênh rạch được kiểm định thông qua kết quả khảo sát ý kiến phản hồi.

Từ khóa: kênh rạch, người dân địa phương, nhận thức cộng đồng, Tàu Hủ – Bến Nghé.

SUMMARY

Canalsin the areaof Ho Chi Minh cityhavebeendredgedandupgradedinthepastyear. The polluted levelandflow circulation have improveda lot.However,there-contamination caused by thedischarge ofgarbageintothe improved canalsisalways a insoluble problem . The risk ofre-contamination inthecanal systemcanbe preventedif the public awareness about the environmental protectionis improved. In order toovercome there-contamination, wecollectedopinions of communities living along the canalto determinethe level of awarenessandconsciousness of community about the protectionof thecanal. Since then, theknowledge ofenvironmental protectionin particularcanalsandenvironmental protectionin general were widely popularized and suitable disseminationtoeach citizen livingalong canalTau Hu-Ben Nghe. Results of the program to raise awarenessinthe community about environmentalcanals protection were testedthrough the feedback of survey results.

Keywords: canal, local people, public awareness, Tau Hu – Ben Nghe.

I. TỔNG QUAN

Thành phố Hồ Chí Minh có mức phát triển kinh tế đứng đầu trong cả nước [1]. Để đảm bảo cho sự phát triển này là thật sự bền vững thì vấn đề chất lượng môi trường và đời sống xã hội của người dân cần phải được đảm bảo. Song song với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là vấn đề ô nhiễm môi trường gia tăng do các phương tiện xử lý các nguồn thải không phát triển đồng bộ. Hiện nay, nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh được xác định là từ các nguồn thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư [2, 3]. Các nguồn thải này chủ yếu là rác thải, nước thải, khí thải, sóng điện từ… Trong các nguyên nhân này thì rác thải và nước thải là được ưu tiên giải quyết. Trên thực tế, chất lượng môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh đã có những thành tựu nổi bậc so với mười năm về trước [4, 5, 6].

Tàu Hủ – Bến Nghé là một trong năm lưu vực kênh rạch lớn nhất của Thành phố cũng đã được triển khai dự án cải tạo, nạo vét lòng kênh. Dự án Cải thiện môi trường nước đã góp phần giải quyết ngập nước, xử lý ô nhiễm cho lưu vực Bắc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé thuộc các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8 và 10. Lượng nước thải của các hộ dân thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé không xả trực tiếp xuống kênh mà được thu gom đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, khi đi dọc theo kênh Tàu Hủ, càng về phía quận 8, rác xuất hiện trên mặt kênh ngày càng nhiều. Các tàu thuyền buôn bán ở khu vực bến Bình Đông cũng như sinh hoạt của người dân ven kênh là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.Như vậy, có thể thấy rằng một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm kênh rạch là do ý thức của người dân chưa cao, xả rác bừa bãi gây tắc nghẽn dòng chảy. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 9 – 10 tấn rác được vớt từ các kênh rạch chính. Việc xả rác không những gây ô nhiễm nguồn nước và tắc nghẽn hệ thống thoát nước mà còn là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc các bệnh cấp tính như sốt xuất huyết… ngày càng tăng. Ngoài ra, sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước kết hợp với chế độ thủy triều của thành phố dẫn đến thực trạng nước ô nhiễm tràn ngược vào khu dân cư, thậm chí nhà dân. Đây chính là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ người dân mắc các chứng bệnh về đường ruột, lao, đau mắt đỏ hay sốt xuất huyết… liên tục gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây[4-6].

Nhằm tìm ra một giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng môi trường kênh rạchmột cách bền vững, đề tài “Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường kênh Tàu Hũ – Bến Nghé” đã được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết thực tiễn tại địa phương.

II. XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG

2.1. Tham vn ý kiến cng đng

Phiếu khảo sát được xây dựng dựa trên các tiêu chí đánh giá về nhận thức và vai trò của các hộ gia đình sinh sống dọc tuyến kênh hoặc gần kênh Tàu Hủ – Bến Nghé trong việc bảo vệ môi trường của kênh.

Tổng số phiếu khảo sát là 565 phiếu được thực hiện tại các quận 1, 4, 5, 6, 8 dọc theo tuyến kênhTàu Hủ – Bến Nghé, trong đó số phiếu khảo sát chủ yếu tập trung tại quận 8 (200 phiếu) và quận 6 (251 phiếu), các quận còn lại có số phiếu khảo sát ít hơn nhiều và chỉ mang tính chất tham khảo. Quận 8 có đặc điểm là dân cư tập trung sống dọc bên bờ kênh trải dài hết chiều dài quận, tình trạng buôn bán dọc bờ kênh khá nhiều, đặc biệt là vào chiều tối, thêm vào đó, nước kênh tại khu vực quận 8 còn đen, rác và lục bình còn tồn đọng nhiều tại một số khu vực như phường 11, 14, 15, vì vậy cần thu thập, tham vấn nhiều ý kiến của người dân sống dọc bờ kênh là một trong những đối tượng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng dòng kênh. Ở quận 6, các phường 1, 3, 7 nằm dọc lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, hiện trạng môi trường nước kênh tại khu vực này vẫn còn đen, còn mùi khó chịu đặc biệt khi nước ròng, lục bình và rác còn nhiều (một phần do phía sông Sài Gòn chảy về, một phần do người dân còn vứt rác tùy tiện), cộng thêm nhiều nhánh kênh trên địa bàn quận đang trong quá trình cải tạo gây hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy nên cũng cần thiết phải khảo sát với số phiếu nhiều hơn so với các khu vực còn lại.

2.2. Xây dựng chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng

Tập huấn, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân là một trong những giải pháp tối ưu nhằm góp phần bảo vệ môi trường kênh rạch nói riêng và môi trường tại địa phương nói chung. Khi người dân có được ý thức, thấy được trách nhiệm, lợi ích của chính bản thân mình

Từ môi trường xanh sạch mang lại thì mới có thể đảm bảo được lợi ích chung của xã hội. Do vậy, các chương trình tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân được diễn ra rộng rãi, thường xuyên với tất cả các đối tượng, tầng lớp từ cụ già cho đến trẻ em.

Dựa trên cơ sở lý thuyết của truyền thông môi trường, nhóm nghiên cứu xây dựng chương trình nâng cao nhận thức gồm hai nội dung chính là tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức các hoạt động vận động.

2.2.1.Tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền

Nội dung các buổi tập huấn cho cộng đồng sống dọc theo tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé bao gồm bốn nội dung chính liên quan đến bảo vệ môi trường kênh rạch như:

  • Ø Những thông tin chung về hệ thống kênh rạch trên địa bàn thành phố HCM
  • Ø Hiện trạng môi trường kênh Tàu Hủ – Bến Nghé
  • Ø Trò chơi đuổi hình bắt chữ liên quan đến công tác bảo vệ môi trường
  • Ø Tham vấn những ý kiến đóng góp trực tiếp của cộng đồng

2.2.2. Tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền

Song song với hình thức tuyên truyền bằng lời nói về hiện trạng môi trường, thì các hoạt động vận động bảo vệ môi trường cần được thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm giúp cộng đồng thấy được ngay những lợi ích thiết thực, cụ thể. Các hoạt động vận động bảo vệ môi trường được triển khai như: Đi bộ vì môi trường kênh rạch, Đạp xe vì môi trường kênh rạch, Ngày Chủ nhật xanh, Xếp túi giấy và Khu Phố không rác.

III.KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Kết quả tham vấn ý kiến cộng đồng

3.1.1.Hiện trạng môi trường kênh

Qua kết quả khảo sát người dân về hiện trạng môi trường tại kênh TH – BN, trước khi cải tạo thì dòng kênh bị ô nhiễm nặng với các đặc trưng như nước có màu đen chiếm cao nhất với 461/565 người (chiếm tỉ lệ 81.59%), song song đó là phát sinh mùi hôi thối rất khó chịu chiếm tỉ lệ 64.07%, sinh vật dưới kênh dường như không thể sống ngoài việc lục bình phát triển quá mức tại dòng kênh này, lượng rác thải dày đặc trên kênh gây ra hiện tượng tắc nghẽn dòng chảy của một số nhánh kênh đặc biệt là đoạn kênh chảy qua quận 6 và 8. Số người dân cho là không ô nhiễm chiếm ít nhất 46/565 (với tỉ lệ 8.14%), thường do họ ở khá xa và mới chuyển đến sống gần đây nên không biết, không để ý đến hiện trạng của con kênh và một số người dân không có thời gian, chỉ trả lời phiếu nhanh chóng nên cho kết quả khác với thực tế. Kết quả khảo sát về hiện trạng môi trường kênh TH – BN trước cải tạo được thể hiện tại hình 3.1.

2015-10-28_223213 Hình 3.1. Hiện trạng môi trường kênh TH – BN trước cải tạo

 3.1.2. Nguyên nhân gây ô nhiễm kênh

Với câu hỏi về những nguyên nhân gây ô nhiễm tại kênh TH – BN như rác thải, nước thải, nhà dân lấn chiếm…thì số lượng người dân cho rằng là do rác thải chiếm cao nhất với 445/565 (chiếm tỉ lệ 78.76%) từ việc thiếu ý thức của một số người sống quanh khu vực này, đặc biệt là lượng rác thải sinh hoạt của các nhà dân lấn chiếm tại các bờ kênh (chiếm tỉ lệ 30.80%) và lượng rác từ phía đầu nguồn chảy vào, ngoài ra còn do nước thải từ các hoạt động như sinh hoạt, sản xuất (xi mạ, đông lạnh, dệt nhuộm…) chưa qua xử lý đổ trực tiếp vào kênh (chiếm tỉ lệ 62.12 %). Kết quả khảo sát về nguyên nhân gây ô nhiễm TH – BN được trình bày tại hình 3.2.

2015-10-28_223300

Hình 3.2. Nguyên nhân gây ô nhiễm kênh TH – BN

 3.1.3. Chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương

Trong kết quả khảo sát về chương trình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng tại kênh TH –  BN thì hầu hết người dân đều đã biết đến chương trình này 494/565 người (chiếm tỉ lệ 87.43%) và trong 494 người biết được khảo sát tiếp theo về tỉ lệ các tổ chức phổ biến chương trình đến người dân, cho thấy phần lớn người dân được biết từ các hoạt động tuyên truyền do chính quyền địa phương với 280/494 người (chiếm tỉ lệ 56.68%) và tổ dân phố (chiếm tỉ lệ 48.58%) phổ biến, đây được xem là tổ chức với đa dạng các thành phần dân cư nên việc phổ biết đến người dân về mọi hoạt động được phổ biến khá sâu rộng. Tuy nhiên vai trò của đoàn thanh niên cũng rất đáng kể, đây cũng là lực lượng tiên phong gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương, giúp cho việc thực hiện các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường kênh rạch được thực hiện tốt hơn. Kết quả khảo sát tỉ lệ người dân tại kênh TH –  BN biết đến chương trình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng thể hiện tại hình 3.3.

2015-10-28_223345 Hình 3.3. Tỉ lệ tổ chức phổ biến hoạt động BVMT đến người dân

3.2.Triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng

Tập huấn, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân là một trong những giải pháp tối ưu nhằm góp phần bảo vệ môi trường kênh rạch nói riêng và môi trường tại địa phương nói chung. Khi người dân có được ý thức, thấy được trách nhiệm, lợi ích của chính bản thân mình từ môi trường xanh sạch mang lại thì mới có thể đảm bảo được lợi ích chung của xã hội. Do vậy, các chương trình tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân được diễn ra rộng rãi, thường xuyên với tất cả các đối tượng, tầng lớp từ cụ già cho đến trẻ em.Nhóm nghiên cứu, Khoa Khoa học Môi trường – Trường Đại học Sài Gòn đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các quận 1, 4, 5, 6, 8 và Bình Chánh để triển khai thực hiện các buổi tập huấn cho cán bộ, người dân (người lớn) và thiếu nhi sinh sống dọc theo tuyến kênh.

3.2.1. Tập huấn tuyên truyền

Đa số các ý kiến của cộng đồng đều cho rằng việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường kênh rạch là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc tập huấn không nên chỉ giới hạn trong khuôn khổ phòng họp vì thành phần tham gia chủ yếu là cán bộ phường, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, tổ trưởng Khu phố, tổ trưởng dân phố mà quy tụ được rất ít người dân tham gia. Bà con sống dọc theo các tuyến kênh ở các phường 1, 3, 7, Quận 6 đa phần là dân lao động, buôn bán và công nhân viên, bận rộn với công việc mưu sinh.

Chính vì thế, để việc tuyên truyền cần mở rộng xuống các con phố, từng con hẻm để đến gần với từng người dân, thông qua tổ chức Ngày chủ nhật xanh hàng tháng, đội ngũ tuyên truyền viên – Sinh viên Câu lạc bộ Môi trường xanh, Khoa Môi trường, Đại học Sài Gòn – đã đi đến từng hộ gia đình ở từng khu phố trên địa bàn phường 1, 3, 7, Quận 6 nhằm tuyên truyền cho bà con về hiện trạng môi trường kênh Tàu Hủ – Bến Nghé và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ dòng kênh thông qua việc bỏ rác đúng nơi quy định, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ nhà ở, con hẻm nơi mình sinh sống, sử dụng túi giấy thay cho túi nylon, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Tài liệu tuyên truyền gồm 03 poster về hiện trạng môi trường kênh Tàu Hủ – Bến Nghé, phân loại rác tại nguồn và cẩm nang xếp túi giấy. Ước tính đã tuyên truyền đến hơn 1.600 người dân sinh sống ở địa phương.

2015-10-28_223420 Hình 3.4. Hình ảnh các buổi tập huấn cho người dân tại quận 6

Vì đa phần đối tượng thanh thiếu niên tham gia tập huấn là học sinh cấp 1, 2 nên việc tập huấn có sự khác biệt nhiều so với người lớn. Địa điểm tập huấn không cố định, có khi tổ chức ở trường học, có khi tổ chức ở vĩa hè và số lượng thiếu nhi cũng không duy trì cố định vì phụ thuộc rất nhiều vào thời khóa biểu học của các em. Thông thường, thời gian diễn ra việc tập huấn là vào buổi chiều hoặc buổi tối của hai ngày cuối tuần thứ 7 và chủ nhật. Nội dung tập huấn cũng tương tự những nội dung dành cho người lớn nhưng cách dùng từ ngữ, hình ảnh sẽ gần gũi, dễ hiểu hơn để diễn tả cho các em hiểu về hiện trạng môi trường kênh rạch cũng như vai trò của học sinh trong công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các em thiếu nhi được hướng dẫn xếp túi giấy để thay thế túi nylon cũng như được truyền đạt những kiến thức về tác hại môi trường khi sử dụng túi nylon quá nhiều. Song song đó, các em được lĩnh hội những phân tích lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn và thực hành phân loại rác. Cuộc thi “Em yêu môi trường” cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của đối tượng thiếu nhi về các tổ chức và hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nội dung và kế hoạch tập huấn cho thiếu nhi được xây dựng dựa trên sự thống nhất của Đoàn thanh niên tại địa phương và Khoa Khoa học Môi trường – trường Đại học Sài Gòn.

Các nội dung tập huấn được tổ chức thông qua các trò chơi, đố vui và có phần thưởng nhằm giúp các em thích thú, say mê tìm hiểu. Để hướng dẫn các em xé vỏ nylon và phân loại rác vô cơ và hữu cơ, các phần bánh có vỏ nylon bọc ngoài được chuẩn bị sẵn cho mỗi em cùng làm theo để nhớ lâu và giúp các em có hứng thú với buổi sinh hoạt; khi nói về kênh Tàu Hủ, những gợi ý thân thuộc giúp các em dễ nhận dạng như đó tên một món ăn thường có vào những ngày rằm và các em được thưởng thức món tàu hủ nóng….

– Thông qua các buổi tập huấn, tuyên truyền cho học sinh, các em đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của kênh trong cuộc sống, biết được cách phân loại rác tại nguồn, thành thạo việc xếp túi giấy, đồng thời thấy được việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của các em, chỉ cần từ những việc làm đơn giản nhất như không vứt rác bừa bãi cũng đã góp phần lớn vào bảo vệ môi trường chung.

  • – Ước tính đến nay đã tổ chức 32 buổi tập huấn tuyên truyền cho hơn 250 em thanh thiếu nhi sinh sống ở địa phương. Mỗi buổi tập huấn trung bình khoảng 30 – 40 em tham gia, trong đó mỗi phường trung bình có khoảng 30 em thường xuyên tham gia trong nhiều buổi tập huấn trong chuỗi các nội dung tuyên truyền.

2015-10-28_223517

Hình 3.5. Tập huấn tuyên truyền nâng cao ý thức cho thanh thiếu nhi P.7, Q.6

3.2.2. Các hoạt động vận động

Song song với hình thức tuyên truyền bằng lời nói về hiện trạng môi trường, thì các hoạt động vận động bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm giúp cộng đồng thấy được ngay những lợi ích thiết thực, cụ thể. Các hoạt động vận động bảo vệ môi trường được triển khai như: Đi bộ vì môi trường kênh rạch, Đạp xe vì môi trường kênh rạch, Ngày Chủ nhật xanh, Xếp túi giấy và Khu Phố không rác.

3.2.2.Đi bộ vì môi trường kênh rạch

Chương trình “Đi bộ vì môi trường kênh rạch” dự kiến tổ chức vào ngày 29/12/2013 nhằm mục đích khởi động đề tài bắt đầu bằng việc tập huấn kỹ năng tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường kênh rạch đến cộng đồng cho 200 tình nguyện viên là thành viên Câu lạc bộ Môi trường xanh, Khoa môi trường, Đại học Sài Gòn. Mặt khác, việc đi bộ với số lượng 200 sinh viên được chia thành 10 đội với các áp phích tuyên truyền “Đi bộ vì môi trường kênh rạch Tp.HCM”, “Hãy chung tay vì màu xanh cuộc sống” và đội những chiếc nón được làm từ giấy tái chế với các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường như “Hãy cứu lấy kênh rạch”, “Đừng xả rác xuống kênh” đã thu hút được sự chú ý của người dân hai bên đường, bắt đầu tuyến đường từ trường Đại học Sài Gòn –Nguyễn Văn Cừ – dọc đại lộ Võ Văn Kiệt – Nguyễn Thái Học – Trạm trung gian là công viên 23/09- Trương Định – tập kết sinh hoạt tại công viên Tao Đàn. Tại trạm trung gian là công viên 23/09, mỗi đội có trách nhiệm tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường cho 20 người, trong đó có ít nhất là 02 người nước ngoài thì mới được di chuyển đến điểm tập kết là công viên Tao Đàn để tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể. Như vậy, ước tính trong hoạt động này đã tuyên truyền đến khoảng 200 người dân, trong đó có 20 người nước ngoài.

2015-10-28_223611

Hình 3.6. Đi bộ vì môi trường kênh rạch dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt

3.2.3. Đạp xe vì môi trường kênh rạch

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tuyên truyền đến người dân, chương trình “Đạp xe vì môi trường kênh rạch TP. HCM” đã được tổ chức dưới sự phối hợp của Khoa môi trường, Đại học Sài Gòn và Đoàn thanh niên Phường 7, Quận 6 nhằm thu hút sự chú ý của người dân sống dọc tuyến kênh Tàu Hủ – Bến Nghé từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Chương trình “Đạp xe vì môi trường kênh rạch TP. HCM” qui tụ hơn 150 sinh viên trường Đại học Sài Gòn, được chia thành 10 đội, xuất phát cách nhau 05 phút nhằm đảm bảo an toàn, đạp xe bắt đầu từ Trường Đại học Sài Gòn, quận 5- Nguyễn Trãi – Trần Bình Trọng – dọc ra đường Võ Văn Kiệt và đi đến chân cầu Lò Gốm – Ủy ban nhân dân phường 7 quận 6 (lộ trình đi về dài hơn 12 km). Trong chương trình này, khi đạp xe đến Ủy ban nhân dân phường 7, Quận 6 thì tập kết lại, gửi xe đạp và tiến hành đi bộ dọn dẹp vệ sinh và vớt rác dọc theo tuyến kênh từ Cầu số 5 đến chân cầu Lò Gốm với đoạn đường khoảng 3km trong thời gian 1 giờ, sau đó chuyển rác cho đội thu gom và lên đường đạp xe ngược lại về điểm tập kết là Đại học Sài Gòn để tổng kết chuyến đi và phát thưởng động viên tinh thần cho các đội đi về an toàn và có tinh thần đồng đội.

2015-10-28_223649

Hình 3.7. Đạp xe vì môi trường kênh rạch thành phố Hồ Chí Minh

3.3.3. Ngày Chủ nhật xanh

Ngày chủ nhật xanh được tổ chức hàng tháng (từ tháng 02/2014 – tháng 08/2014) tại các phường 1, 3, 7, Quận 6 với sự tham gia của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh của các phường và sinh viên tình nguyện của Khoa Môi trường, Đại học Sài Gòn. Hoạt động Ngày Chủ nhật Xanh được tổ chức với mục đích tuyên truyền cho mọi người dân về việc thực hiện vệ sinh hằng ngày tại khu vực sinh sống. Ngày Chủ nhật Xanh được triển khai vào chủ nhật mỗi cuối tháng trên địa bàn phường 1, 3, 7 Quận 6.

Kết quả các hoạt động trong 7 lần tổ chức Ngày Chủ nhật Xanh đạt được là quét dọn, thu nhặt rác trên 3km đường dọc tuyến kênh TH-BN từ cầu đi bộ số 5 đến chân cầu Lò Gốm và khoảng 70 km đường các con hẽm trong các khu phố (Phường 1 có 5 khu phố, Phường 3 có 04 khu phố, Phường 7 có 05 khu phố), xóa gần 1500 bảng quảng cáo dán sai quy định, trang trí 30 bản tin môi trường, vận động gần 1000 lượt người dân cùng tham gia dọn vệ sinh trong nhà và ngoài ngõ, sắp xếp lại các chậu cây cảnh không gây lấn chiếm đường hẽm tại khu vực sinh sống, phát gần 2000 túi giấy và 1000 túi tự phân hủy cho bà con. Ngoài ra, có khoảng 2000 tờ bướm tuyên truyền bảo vệ môi trường, 2000 tờ bướm hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và 2000 tờ bướm cách xếp túi giấy đã được chuyển đến cho người dân.

2015-10-28_223734

Hình 3.8. Ngày chủ nhật xanh tại Phường 7, Quận 6

4.4.2.4. Xếp túi giấy sử dụng thay túi nilon

Nhằm góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nylon khó phân hủy và khuyến khích người dân quen dần với việc sử dụng túi giấy, hoạt động xếp túi giấy đã được triển khai thông qua cho Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên. Đối với Hội phụ nữ, poster cẩm nang xếp túi giấy đã được chuyển đến cho Hội triển khai. Đối với Đoàn thanh niên, thì được Đoàn thanh niên phường 1, 3, 7 yêu cầu hổ trợ triển khai hướng dẫn trực tiếp cho các em thanh thiếu nhi ở địa phương. Chính vì thế, sau các buổi tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em là đến hoạt động hướng dẫn xếp túi giấy diễn ra hàng tuần nếu các em thiếu nhi có thể tham gia. Tính đến nay, số túi giấy được thanh thiếu nhi xếp và phát đến tay người dân là khoảng hơn 2000 túi giấy.

2015-10-28_223824

Hình 3.9. Hướng dẫn xếp và tặng túi giấy để sử dụng thay thế túi nilon

KẾT LUẬN

Thông qua các hoạt động trong chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức của người dân trong việc BVMT đã có gia tăng, các buổi tập huấn ngày càng được mở rộng và thu hút nhiều đối tượng người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau đến tham dự.  Với các hoạt động vận động cũng đem lại kết quả đáng kể, ở lần tổ chức đầu tiên của Ngày chủ nhật xanh, chủ yếu là lực lượng sinh viên của Trường ĐH Sài Gòn, nhưng ở các lần tổ chức tiếp theo đã kêu gọi được thêm rất nhiều lực lượng như đoàn viên, thanh niên, học sinh tại địa phương cùng tham gia. Số lượng người tham gia ngày càng nhiều thuộc nhiều đối tượng khác nhau, và đến những Ngày chủ nhật xanh gần đây đã huy động được không chỉ giới trẻ mà còn có nhiều người dân đang sinh sống tại khu vực. Không những bản thân họ tham gia hoạt động mà còn kêu gọi những người xung quanh, hàng xóm cùng nhau thu dọn vệ sinh, tạo cảnh quan cho chính khu phố của mình.

Với sự phối hợp chặt chẽ của các nhóm làm việc thực hiện chương trình đã giúp cho các mô hình điểm về bảo vệ môi trường tại khu dân cư phát huy được thế mạnh và thu hút được nhiều người dân tham gia, góp phần chuyển biến tích cực điều kiện vệ sinh môi trường tại các khu dân cư. Tuy nhiên, lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt tại địa phương quá bận rộn với các công tác khác nên việc phổ biến kiến thức đến các hộ dân chưa thực sự sâu rộng. Mặt khác, các hoạt động BVMT đều trên tinh thần tự nguyện, không có nhiều kinh phí hỗ trợ nên việc thực hiện và duy trì chương trình còn khó khăn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Chi Cục BVMT TP.HCM, 2013, Báo cáo phòng truyền thông môi trường về kết quả thực hiện tuyên truyền bảo vệ môi trường (2011 – 2013) và phương hướng thực hiện (2014 – 2015) và giai đoạn (2016 – 2020).

[2] Chi cục BVMT TP.HCM, 2011, Đặc điểm thủy văn các tuyến sông, kênh rạch chính tiếp nhận nước thải trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Chi cục BVMT TP.HCM, 2011, Hiện trạng chất lượng nước sông và kênh rạch tại TP.HCM.

[4] Đỗ Thị Kim Chi, 2003, Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng – Một cách tiếp cận hướng tới bền vững. Báo cáo tổng kết đề tài: Xây dựng mô hình quản lý rác thải có sự tham gia của cộng đồng tại các chợ nội thành Hà Nội, Hội Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

[5] Mai Văn Tài, 2011, Quản lý môi trường dựa vào cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản ở xã Quỳnh Bảng – Quỳnh Lưu- Nghệ An, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản.

[6] Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Nguyễn Hồng Quân, 2005, Báo cáo đề tài Nghiên cứu trình diễn mô hình quản lý môi trường với sự tham gia của cộng đồng – trường hợp cụ thể Phường 3, Quận 11, TP.HCM,Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc Gia Tp.HCM.

[7] Phạm Thị Anh, Trần Thị Mỹ Diệu, 2012, Cơ hội và thách thức trong bảo vệ môi trường kênh rạch ở TP.HCM với sự tham gia của cộng đồng – Trường hợp nghiên cứu ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

[8] Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, 2010, Mô hình quản lý và giữ gìn vệ sinh môi trường dựa vào cộng đồng tại xã Nhị Mỹ và thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

[9] Sở Tài Nguyên và Môi trường TPHCM, 2011, Báo cáo Kết quả thực hiện công tác truyền thông về Bảo vệ môi trường – Giai đoạn 2005 – 2010

[10] Võ Thị Minh Hiếu, 2013, Luận văn cao học Nghiên cứu áp dụng hình thức quản lý môi trường dựa vào cộng đồng dân cư ở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.

[11] Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường TP.HCM, 2010, Báo cáo “Kết quả thực hiện các Chương trình Liên tịch về Bảo vệ môi trường giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan Đoàn thể cấp thành phố (Giai đoạn 2006 – 2010).

[12] Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường TP.HCM, 2013, Báo cáo tóm tắt Các kết quả nổi bật giai đoạn 2004-2013.

[13] Chi cục Bảo vệ môi trường (HEPA), UBND quận 6, 2005, Hội thảo lập kế hoạch hành động dự án cải thiện chất lượng kênh Tân Hoá – Lò Gốm với sự tham gia của cộng đồng giai đoạn 2.

[14] Sở Giao thông công chánh TpHCM, 2000, Báo cáo tóm tắt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TpHCM đến 2020.

[15] Viện Môi trường và Tài nguyên, 2004, Báo cáo kết quả thực hiện dự án cải thiện chất lượng kênh Tân Hoá – Lò Gốm quận 11 TpHCM nhằm xây dựng mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng động thông qua trao đổi quốc tế.

[16] Marcus Ingle, Shpresa Halimi, 2007, Community-based environmental management in Viet Nam: The challenge of sharing power in a politically guide society, Public Admin. Dev., 27, 95-109.

[17] Quyết định của Thủ tướng chính phủ số 34/2005/QĐ-TTG ngày 22/02/2005 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính Trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

………………………………………………………………………………………………….

Ngun: K yếu Hi ngh môi trường toàn quc ln th IV, B tài nguyên và Môi trường, Hà Ni, 29/09/2015

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *