Hướng dẫn lựa chọn vị trí bãi chôn lấp

5/5 – (1 vote)

1. Diện tích và thời gian sử dụng bãi chôn lấp

Diện tích và thời gian sử dụng có ích là những nhân tố đầu tiên để lựa chọn vị trí cho BCL.

Những nhân tố này được quyết định theo những thông số sau: độ sâu BCL; khối lượng, tốc độ đưa rác đến BCL và đặc điểm của chất thải rắn và cách thức vận hành. Vị trí xây dựng BCL nên được lựa chọn sao cho khoảng thời gian sử dụng có ích của BCL đủ để thu hồi vốn đầu tư .Bãi chôn lấp nên được thiết kế cho thời gian sử dụng có ích ít nhất là 10 năm.

Kích thước của 1 bãi chôn lấp khi tính toán phải bao gồm 2 phần cơ bản sau: diện tích mặt bằng tổng thể (“gross area”) và diện tích sử dụng có ích cho chôn lấp (“useful fill area”). Diện tích mặt bằng tổng thể là toàn bộ diện tích mặt bằng được giới hạn bằng ranh giới của khu đất. Diện tích sử dụng có ích cho chôn lấp là phần diện tích không bao gồm các diện tích dùng làm vùng đệm, những con đường giao thông nội bộ và những kho dự trữ đất dùng để che phủ. Diện tích sử dụng có ích cho chôn lấp có thể chiếm khoảng 50-80% diện tích mặt bằng tổng thể. Diện tích hữu ích cho chôn lấp trong 1 năm hoạt động cũng được tính toán theo dân số và khối lượng riêng của chất thải đã được nén chặt. Loại chất thải và quy trình vận hành (bao gồm cả khối lượng đất dùng làm vật liệu che phủ) quyết định mức độ đầm nén chất thải.

2016-09-28_042930

Phương trình sau có thể dùng để tính toán thời gian sử dụng có ích của một BCL hợp vệ sinh:

2016-09-28_043049

Với:

  • L: khoảng thời gian sử dụng có ích (năm)
  • Vt :thể tích của bãi chôn lấp được tính toán (m3 )
  • Qp: lượng chất thải rắn trong 1 ngày (m3/ngày)
  • Fqs: lượng vật liệu che phủ đựơc biểu diễn là 1 phần của Qp(m3/ngày)

Khối lượng chất thải được chôn lấp, tính toán dựa trên số liệu tính toán về dân số.Việc tính toán khối lượng chất thải có thể thực hiện bằng phương trình sau:

2016-09-28_043124

Với :

  • Qi : khối lượng rác thải được thug gom trong năm “i”
  • Qp : khối lượng rác thải được thu gom mỗi năm ở hiện tại
  • r : tỉ lệ tăng dân số hằng năm trung bình lấy phân số thập phân
  • n : số năm

Diên tích mặt bằng yêu cầu cho một dung lượng chôn lấp cụ thể giảm khi độ sâu bãi chôn lấp tăng lên .Diện tích yêu cầu có thể tính toán bằng phương trình sau :

2016-09-28_043400

Với :

  • A: diện tích cần thiết (m2)
  • Vt: tổng thể tích chất thải rắn và vật liệu che phủ (m3)
  • h: độ sâu trung bình của bãi chôn lấp (m)

Căn cứ vào phương trình và biểu đồ trên cho thấy tỷ trọng nén của chất thải và của đất có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tổng thể tích chôn lấp và do đó ảnh hưởng đến diện tích chôn lấp cần thiết.

2. Địa hình

Bất kể ở loại vị trí địa lý nào thì thông tin về địa hình là một yêu cầu cơ bản để tiến hành thiết kế một BCL sao cho hợp lý, đầy đủ và để tính toán tác động của bãi chôn lấp.Yếu tố địa hình rất quan trọng một phần vì trong thực tế nước mưa sẽ dễ dàng tạo thành vũng trên một khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng. Ngược lại, nước có thể gây xói mòn ở một vị trí quá dốc. Địa hình có độ dốc lớn hơn 1% nhỏ hơn 20% là có thể chấp nhận được.

Thông tin về địa hình là cần thiết để bố trí mặt bằng một mạng lưới thoát nước mặt sao cho:1) Chuyển hướng nước bề mặt lượn quanh theo diện tích bãi chôn lấp.2) Nước mưa chảy tràn qua chất thải được ngăn chặn và tránh gây tác động bất lợi đến môi trường.

Hơn nữa, thông tin về địa hình cần thiết để tính toán chính xác sức chứa (“capacity”) của bãi chôn lấp và loại hố đào, mức độ đào cần thiết nếu cần đào hố khi vận hành chôn lấp.

Một bản đồ địa hình cho một bãi chôn lấp phải thể hiện đầy đủ khoảng cách giữa các mặt bằng khác nhau để chỉ rõ kiểu dòng chảy nước mặt trong toàn bộ khu vực nói chung và trong mỗi khu vực BCL đang vận hành nói riêng. Những bản đồ địa hình có thể có sẵn từ nhiều nguồn cung cấp; ngoài ra, nếu cần, có thể lập bản đồ địa hình sử dụng một trong những phương pháp khảo sát đất đai.

Những thông tin có ích thu được từ bản đồ địa hình bao gồm:

  • Diện tích đồng bằng bị ngập lụt trong 100 năm qua. Đồng bằng ngập lụt là vùng có thể tích nước và vật liệu bồi lắng tự nhiên – bồi tích – của hệ thống sông khi lưu lượng vượt quá dòng chảy đầy bờ. Lũ lụt liên quan mật thiết với sự hình thành đồng bằng ngập lụt. Những vấn đề công trình phát sinh cả ở trong việc kiểm soát lũ định kỳ tràn ngập vùng lãnh thổ lẫn trong việc công trình phải chịu thử thách trên đồng bằng ngập lụt đó. Mực nước cao thường gây nên những điều kiện phức tạp. Hơn nữa, sự thay đổi đột ngột các loại bồi tích theo phương ngang và thẳng đứng đòi hỏi khối lượng công tác khảo sát và thí nghiệm lớn để thiết kế nền móng (Kehew 1998))
  • Những nguồn nước mặt.
  • Hiện trạng sử dụng đất (của những hộ gia đình gần nhất )
  • Giếng nước.
  • Giếng quan trắc.
  • Các công trình ngăn chặn hay kiểm soát nước thải, lũ lụt (như đê điều…).

Những bản đồ thể hiện địa hình của vị trí trước khi xây dựng bãi chôn lấp, trong suốt thời gian hoạt động, và sau khi đóng cửa bãi chôn lấp nên được lập.Tất cả những bản đồ nên được chú dẫn với tỷ lệ bản đồ, ngày tháng lập và các hướng.

3. Đất đai

Đối với kỹ sư môi trường, trong xây dựng và vận hành 1 bãi chôn lấp, tùy vào mục đích nghiên cứu vị trí xây dựng hay nghiên cứu kỹ thuật xây dựng và vận hành mà 1 kỹ sư môi trường đóng vai trò là 1 nhà thổ nhưỡng, hay 1 kỹ sư xây dựng hay 1 nhà địa chất.

Tính có sẵn đất có những đặc tính thích hợp để làm lớp lót đáy bãi chôn lấp(BCL), làm hệ thống lớp che phủ phía trên hoặc cả hai là một trong những xem xét quan trọng khi phân tích và lựa chọn vị trí xây dựng BCL. Nếu có một lượng đất đủ ở ngay vị trí BCL hoặc ở gần đó là một thuận lợi để tránh tốn thời gian và chi phí để đảm bảo có vật liệu tổng hợp hay có đất ở xa nơi có thể được chọn là BCL.

Trong trường hợp vị trí BCL không có đủ lượng loại đất cần đến, thì vật liệu (thay cho đất tại chỗ) phải được đưa tới BCL. Nếu việc đưa nguyên liệu đến BCL là cần thiết thì BCL nên có đủ khoảng không cho kho lưu trữ đất. Lượng đất nên được lưu trữ đủ để thõa mãn nhu cầu trong 5 đến 7 ngày.

Đất ở vị trí BCL ảnh hưởng đến việc lan truyền chất ô nhiễm và cung cấp nền móng cho kết cấu BCL. Những đặc tính đất quan trọng là: phân bố kích thước hạt (cấp phối “gradation” hay kết cấu đất “texture”), cấu tạo đất (sự sắp xếp các hạt đất – “structure”),  độ bền (cường độ – “strength”) của đất, độ rỗng (“porosity”), độ hoạt động (“activity”), độ dày (“depth”), phân bố không gian (“spatial distribution”), khối lượng đất (“quantity”), khả năng hóa lỏng (hiện tượng đất hay bụi bão hòa nước chuyển sang trạng thái lỏng dưới ứng suất nhanh hay chu kì gây ra bởi động đất, rung động, hay nổ phá – “liquefaction potential”), mối liên hệ giữa độ ẩm, trọng lượng riêng, và tính thấm của đất, và hành vi (“workability”) của đất.

Một vài đặc tính của các loại đất

Các kí hiệu nhóm Các tên điển hình Độ thấm (cm/s) Độ ẩm tối ưu (%) Trọng lượng riêng khô tối đa (kg/m3)
GW Sỏi cấp phối tốt và hỗn hợp sỏi cát  ít hay không có hạt mịn. (2.7±1.3)x10 <13.3 >1908
GP Sỏi cấp phối xấu và hỗn hợp sỏi cát ít hay không có hạt mịn. (6.4±3.4)x10 <12.4 >1763
GM Sỏi chứa bụi, hỗn hợp sỏi cát bụi . > 3 x 10-7 <14.5 >1827
GC Sỏi chứa sét, hỗn hợp sỏi cát sét. > 3 x 10-7 <14.7 >1845
SW Cát cấp phối tốt và cát chứa cuội, ít hay không hạt min. N/A 13.3±2.5 1908±80
SP Sỏi cấp phối xấu và hỗn hơp sỏi cát, ít hay không có hạt mịn. > 1.5 x 10-5 12.4±1.0 1763±32
SM Cát chứa bụi, hỗn hợp cát bụi (7.5±4.8)x10 14.5±0.4 1827±16
SC Cát chứa sét, hỗn hợp cát sét (3±2)x10-7 14.7±0.4 1845±16
ML Bụi vô cơ, cát rất mịn, bột đá, cát mịn chứa bụi hay sét (5.9±2.3)x10-7 19.2±0.7 1651±16
CL Sét vô cơ có tính dẻo thấp đến trung bình, sét chứa sỏi, sét chứa cát, sét chứa bụi sét  

(8±3)x10-8

 

17.3±0.3

1731±16
OL Bụi hữu cơ và sét chứa bụi hữu cơ có tính dẻo thấp N/A N/A N/A
MH Bụi vô cơ, cát chứa  mica hay chứa tảo diatome, bụi đàn hồi (1.6±1)x10-7 36.3±3.2 1314±64
CH Sét vô cơ có tính dẻo cao, sét béo (5±5)x10-8 25.5±1.2 1507±32
OH Sét hữu cơ có tính dẻo trung bình đến cao N/A N/A N/A

Đất được xem xét làm nền móng cho BCL (nền móng trên đó đặt BCL) cần có những số liệu về độ bền của đất. Ngoài ra, những dữ liệu về tính thấm của đất ở vị trí BCL cũng rất cần thiết (hay còn gọi là tính dẫn nước “hydraulic conductivity”_ thường có đơn vị là cm/s) bởi vì thiết kế BCL phải tính toán đến sự rò rĩ nước thấm qua nền móng.

Vì lí do về kinh tế, đất tại chỗ nên được sử dụng tối đa để làm lớp lót bằng đất, vật liệu che phủ và lớp thoát nước dựa trên khối lượng và đặc điểm của đất có sẵn và theo yêu cầu điều kiện chung của vị trí BCL. Lượng đất có sẵn ở một vị trí BCL phụ thuộc vào địa thế, địa hình (“topography”), độ sâu mực nước ngầm (“groundwater depth”), độ sâu của hố đào (“depth of trench excavation”), chiều cao cuối cùng BCL (“ultimate height”) và tính chất của đất. Ở Mỹ, thể tích đất cần để che phủ tính tổng quát theo tỷ lệ là lượng đất bằng 1/3 hay 1/8 lượmg chất thải (tính theo thể tích) . Trong những BCL nhỏ thì tỷ lệ này có thể cao bằng: 1 phần đất cho 1 phần chất thải.

Hai vấn đề cần xem xét chính trong việc sử dụng đất tại chỗ là độ dễ dàng đào của đất (đất có thể dễ dàng đào lên hay không) và sự thay đổi hành vi của đất theo mùa( vd như cát mịn chứa bụi hay sét sẽ khác nhau khi khô,ẩm và đóng băng). Về những đặc tính kỹ thuật, đất thoát nước dễ dàng thì thích hợp làm lớp thoát nước trong hệ thống nước rò rĩ. Đất có hàm lượng hữu cơ cao thường thì không thích hợp với hầu hết ứng dụng trong BCL vì cường độ chịu lực thấp và khả năng làm việc thấp. Một ngoại lệ là ta có thể sử dụng sản phẩm compost làm vật liệu che phủ hàng ngày.

Nếu việc thiết kế BCL cần lớp lót đáy thì khả năng có sẵn đất phù hợp ở vị trí BCL là một lợi ích quan trọng. Nói chung đất được ưa thích hơn là đất có độ thấm thấp hơn  10-6 cm/s khi làm lớp lót.

Có ba kiểu hệ thống bao phủ thường được sử dụng trong việc xây dựng BCL hợp vệ sinh. Đó là: hàng ngày, trung gian và kết thúc.Giống như trong trường hợp của lớp lót đáy, nếu đất ở vị trí chọn lựa xây dựng BCL có sẵn và thích hợp với xây dựng hệ thống che phủ là một lợi ích nên là một xem xét chính khi phân tích lựa chọn vị trí BCL. Những đặc điểm thích hợp cho những hệ thống che phủ khác nhau được miêu tả sau trong chương này.

4. Địa chất

Thông tin về địa chất của một vị trí rất cần thiết để thiết kế xây dựng một công trình một cách thích hợp. Thông tin địa chất như vậy thể hiện 3 mục đích chính:1) Xác định những quá trình địa chất nguy hiểm đang hoạt động. 2) Cung cấp thông tin cho việc thiết kế BCL. 3) Đánh giá tính dễ bị tổn hại của vị trí lựa chọn xây dựng BCL đối với vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm bởi vì tính chất địa chất thủy văn của nó (cấu tạo địa chất có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thủy văn, như đất cát dễ ngấm hơn đất sét (Kehew 1998).

Nhiều thông tin địa chất có ích để thiết kế kỹ thuật có liên quan đến lớp đá (bedrock). Cụ thể là: độ sâu của lớp đá, đặc điểm và tình trạng của lớp đá. Thông tin này đặc biệt hữu ích nếu lớp đá ở ngay hay gần mặt bằng sẽ xây BCL và sẽ là một phần nền móng của BCL.

Tình trạng của lớp đá là có tác động lên tính ổn định của nó trong vai trò là nền móng. Những khe nứt ở khối đá và những chỗ đứt gãy khác có thể cho phép nước đi qua và tạo thành những con đường cho sự lan truyền chất ô nhiễm. Trong trường hợp BCL có lớp lót tổng hợp (điều ít xảy ra ở những nước đang phát triển), khi mực nước ngầm lên cao, những khe hở này có thể làm tăng áp suất và độ dốc thủy lực cục bộ.

5. Thuỷ văn

Khả năng làm ô nhiễm mực nước ngầm tại vị trí BCL phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm địa chất thủy văn của vị trí BCL, chẳng hạn như:

  • Độ sâu mực nước ngầm (mực nước ngầm là mặt bằng nằm ngang, bề mặt của khoảng rỗng vật liệu chứa đầy nước dưới đất, có áp suất bằng áp suất khí quyển).
  • Bản chất và độ dày lớp nước ngầm hay tầng ngậm nước gần BCL.
  • Độ dâng cao của nước ngầm tại vị trí lựa chọn xây dựng BCL.
  • Địa thế địa hình và loại đất.
  • Tốc độ thấm của đất tại vị trí BCL.
  • Ảnh hưởng của giếng bơm gần đó lên nước ngầm ở dưới vị trí BCL.
  • Tính dẫn nước và phân bố độ dẫn nước tại vị trí BCL hay gần BCL.
  • Độ sâu và bản chất tự nhiên của lớp đá.
  • Các giá trị theo phương ngang và phương thẳng đứng của độ dốc thủy lực (hay còn gọi là gradient thủy lực, biểu thị hướng chảy của dòng nước ngầm) của mực nước ngầm.
  • Vận tốc và hướng chảy của dòng nước ngầm.

6. Đặc điểm địa lý tự nhiên

Đặc điểm địa lý tự nhiên là sự phối hợp các yếu tố khí hậu, địa thế và địa hình, mức độ phân bố các dòng chảy và kiến trúc địa chất.

Khí hậu giữ vai trò quan trọng trong thiết kế và vận hành của một bãi chôn lấp bởi vì tác động của nó trên lượng nước mưa có thể thấm qua đới không bão hòa (là đới trên cùng ở dưới đất, nước cùng với pha khí chứa trong các lỗ rỗng của đá và đất. Do các khoảng rỗng không hoàn toàn đầy nước nên có tên gọi là đới không bão hòa và cũng được xem là đới thông khí (Kehew 1998)) và đi vào hệ thống nước ngầm.

Mức độ thấm phụ thuộc vào lượng mưa, thể tích nước đọng lại trên mặt và nước chảy tràn và tốc độ của sự thoát và bốc hơi nước (“evatransporation” là hiện tượng bốc hơi trực tiếp của nước từ đất và hiện tượng thoát hơi nước của thực vật được đề cập chung với nhau).

Nhiệt độ không khí xung quanh và độ ẩm tương đối cũng có tác động đến tính thấm, sự bay hơi và sự thoát hơi nước. Khả năng nhiễm bẩn nguồn nước ngầm từ một bãi chôn lấp được thiết kế và xây dựng tốt trong những khu vực khô hạn và bán khô hạn có thể khá thấp. Trong trường hợp những khu vực khô hạn và bán khô hạn (lượng mưa hàng năm thấp hơn 10 cm) có thể không cần thiết lắp đặt lớp lót đáy, hay theo đó là không cần hệ thống quản lý nước rác. Ngược lại, khả năng này khá cao ở những khu vực ẩm ướt. Lượng mưa cũng như thời gian mưa và cường độ mưa là những điểm quan trọng cần cân nhắc.Ví dụ, nếu mưa theo mùa, lượng mưa trong mùa mưa có thể lớn tới mức thấm xuống đáng kể mặc dù tổng lượng mưa trung bình hàng năm lại có thể tương đối thấp.

Xu hướng của nước mưa là tích tụ trên những vị trí bằng phẳng và xói mòn những vị trí dốc, vì vậy vị trí xây dựng bãi chôn lấp thường hạn chế chỉ chọn những bề mặt mà độ dốc tự nhiên nằm trong giới hạn là cao hơn 1%, nhưng thấp hơn 20%. Nói chung, những khu vực có vị trí địa lý cao thì ít được ưa chuộng để làm vị trí chôn lấp bằng khu vực có vị trí địa lý thấp. Bởi vì nguy cơ vận chuyển chất gây ô nhiễm nhanh ở dưới bề mặt đất và khả năng chảy nước nhanh trên mặt đất.

Trong một khu vực mà những dòng chảy nằm tương đối gần nhau, khả năng ô nhiễm nước mặt gia tăng ở những vị trí xuất hiện đột ngột những đường ngầm ngắn dẫn và thải những chất ô nhiễm vào dòng chảy. Tuy nhiên toàn bộ phạm vi ô nhiễm nước ngầm có thể chỉ giới hạn trong diện tích lân cận điểm bị thải chất ô nhiễm. Nguy cơ ô nhiễm nước mặt trong những khu vực dòng chảy thưa thớt có thể giảm nhờ vào nồng độ những chất bẩn giảm khi đi qua môi trường trung gian dưới bề mặt. Tuy nhiên, ở những nơi những dòng chảy có khoảng cách thưa thớt lại có thể dẫn đến sự phát triển những đới ô nhiễm nước ngầm rộng hơn và trong thời gian dài hơn.

7. Thực vật

Thực vật được quan tâm đến bao gồm từ cây cỏ tự nhiên trong vùng cho tới  những cây được trồng để chuẩn bị xây dựng và bảo dưỡng bãi chôn lấp. Các loại cây bao gồm các cây nhỏ, cây bụi, thảo mộc trồng mỗi năm, cây lâu năm,và các cây cỏ trồng để che phủ mặt đất.

Cây nói chung và cây bụi được trồng để tạo thành vùng đệm nhằm giảm bụi, tiếng ồn, mùi, các vấn đề dễ nhận thấy khác đồng thời tạo vẻ đẹp mĩ  quan. Cây cỏ trồng để che phủ mặt đất giúp giảm hay thậm chí loại bỏ tình trạng xói mòn do mưa gió trên lớp che phủ bãi chôn lấp, làm cải thiện mĩ quan,và làm tăng việc thoát hơi ẩm qua quá trình bốc-thoát hơi nước. Số lượng nước thoát qua quá trình bốc-thoát hơi nước là đáng kể. Cây che phủ đặc biệt quan trọng bởi nhiệm vụ của nó trong việc bảo đảm tính bền vững lâu dài và hoạt động của hệ thống che phủ bãi chôn lấp cuối cùng.

8. Vận chuyển và khả năng tiếp cận vị trí bải chôn lấp

Giá thành chuyên chở rác thải tới vị trí chôn lấp có thể là một xem xét quan trọng trong quá trình xác định vị trí cho một điểm thải bỏ. Nếu chỉ xem xét duy nhất yếu tố này thì vị trí thuận lợi nhất sẽ là vị trí trung tâm của khu vực thu gom rác thải. Tuy nhiên cần xét tới những yếu tố khác, và khi đó, một số yếu tố sẽ có thể quan trọng hơn chi phí chuyên chở. Một trong những yếu tố đó là vấn đề giảm tính sẵn có của đất do những sử dụng đất khác cạnh tranh mạnh mẽ và liên tục.Các vấn đề về chính trị xã hội và môi trường cũng là những yếu tố quan trọng của quá trình lựa chọn vị trí bãi chôn lấp. Vị trí của bãi chôn lấp nếu quá xa sẽ phải cần xây dựng một hay nhiều trạm trung chuyển.

Điều kiện đường sá dẫn vào bãi chôn lấp có ảnh hưởng quan trọng đến chi phí của toàn bộ hệ thống. Nếu tiếp cận BCL khó khăn sẽ trì hoãn thời gian chuyên chở và làm hư hỏng xe cộ. Do đó đường vào BCL tốt nhấl là đường lát nhựa, còn nếu không được lát nhựa phải đảm bảo chạy tốt trong mọi thời tiết. Trong trường hợp sử dụng các xe tải nặng để vận chuyển rác thải, thì cầu,đường và các công trình hạ tầng tương tự nên được thiết kế thích hợp để chịu được tải trọng của chúng.

9. Các bước chuẩn bị trước khi quyết định một vị trí trở thành nơi xây dựng

Quá trình ra quyết định được đề nghị để lựa chọn vị trí bãi chôn thích hợp ở một nước đang phát triển gồm 3 bước:

Bước thứ nhất:

Đánh giá  sơ bộ cho một vị trí có thể thích hợp bằng những việc sau:

  • Xác định những giới hạn về dân số và tự nhiên.
  • Nghiên cứu những khu vực thích hợp trên cơ sở quãng đường vận chuyển, địa hình, địa chất và điều kiện nước ngầm nước mặt.
  • Đề cử những vị trí thích hợp.
  • Đánh giá khả năng tài chính dựa trên cơ sở về quãng đường vận chuyển, chi phí sơ bộ hình thành 1 BCL và số giờ thiết bị và nhân công vận hành BCL trong một tuần.
  • Tiến hành khảo sát ở các vị trí: địa điểm, sử dụng đất, quãng đường và lộ trình vận chuyển, địa hình, địa chất thủy văn, tính chất đất, diện tích đất.
  • Loại bỏ những vị trí không thích hợp.

Bước thứ hai:

Sàng lọc những vị trí đã được đề cử. Bước này gồm:

  • Điều tra từ 4-5 vị trí đã được đề cử và xác định những vấn đề cụ thể ở từng vị trí.
  • Đánh giá và xếp hạng từng vị trí.
  • Tham khảo ý kiến cộng đồng.

Bước thứ ba:

Bao gồm:

  • Chuẩn bị thiết kế sơ bộ cho mỗi vị trí để thiết lập chi phí đầu tư và hoạt động chủ yếu.
  • Xác định và đánh giá sử dụng của mỗi vị trí sau khi hoàn thành.
  • Đánh giá chi phí hình thành và vận hành BCL ở mỗi vị trí, bao gồm cả chi phí vận chuyển chất thải rắn.
  • Lựa chọn một vị trí và liệt kê những vị trí thay thế.
  • Xác định vị trí sẽ được lựa chọn.

Nguồn: Trịnh Văn Tuyên, Văn Hữu Tập, Vũ Thị Mai, Giáo trình xử lý chất thải rắn và chất  thải nguy hại. NXB Khoa học và lỹ thuật. 2014

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *