Đánh giá và phân tích các chỉ tiêu môi trường đất

5/5 – (4 votes)

Phân tích đất là một công cụ cơ bản cho phép ta xác định khả năng cung cấp chất dinh dưỡng của đất cho các cây trồng. Thông qua phân tích đất ta có thể biết được cây trồng bị  thiếu hụt dinh dưỡng hay bị gây độc bởi nồng độ chất dinh dưỡng quá cao. Có thể nói phân tích đất là cơ sở cho việc bón phân hợp lý cải thiện điều kiện dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng sinh trưỡng và phát triển, đạt năng suất cao và phẩm chất tốt. Phân tích đất có nhiều phương pháp khác nhau, tuỳ theo từng phương pháp mà có những đánh giá cụ thể.

Đánh giá phân tích mùn:

            Mùn hay chất hữu cơ trong đất là chỉ tiêu quan trọng của độ phì nhiêu đất, nó có tính chất quyết định đối với các tính chất vật lý, hóa học cũng như sinh học dât. Phân tích mùn thường sử dụng phương pháp Tiurin hoặc phương pháp Walkley-Black. Hiện nay phương pháp sau đang được dùng phổ biến. Việt Nam nằm trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nên lượng nhiệt cao, độ ẩm tương đối lớn quá trình khoáng hóa mùn mạnh do vậy nhìn chung hàm lượng mùn trong đất nghèo, đặc biệt là đối với đất canh tác lâu năm mà không sử dụng phân hữu cơ, lấy đi phụ phẩm cây trồng mà không trả lại cho đồng ruộng. Trong hội thảo “Quan điểm quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây trồng ở Miền Bắc Việt Nam, HN 26-27/5/98” GS Lê Văn Tiềm đã đưa ra thang đánh giá hàm lượng mùn trong đất Việt Nam như sau:

Hàm lượng CHC Đánh giá
<1% Rất nghèo
1-2% Nghèo
2-3% Trung bình
3-5% Khá
>5% Giàu

Hàm lượng mùn trong một số loại đất của Việt Nam (Nguyễn Khang, 1998) biến động như sau:

            Đất cát biển: 0,5-0,9% CHC

            Đất mặn: 2,1-4% CHC

            Đất phèn: 3-5% CHC

            Đất bạc màu: <1% CHC

            Đất phù sa: 1,8-2,5% CHC

            Đất đỏ vàng: 3-4% CHC

            Đất mùn trên núi: 4-7,5% CHC

Ở đất đồng bằng một số tác giả phân theo 3 cấp như sau:

Hàm lượng CHC Đánh giá
<1% Nghèo
1-2% Trung bình
>2% Giàu

Đánh giá phân tích Nitơ

Nitơ là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây trồng. Trong đất phần lớn Nitơ (>95%) ở dạng hữu cơ chứa trong mùn là dạng khó tiêu đối với thực vật, chỉ có một phần nhỏ là ở dạng dễ tiêu bao gồm NH4+, NO3, một số axit amin mà cây có thể hút thu trực tiếp. Nhìn chung hàm lượng nitơ trong đất có một mối tương quan chặt với hàm lượng mùn. Dưới đây là một số đánh giá về các dạng nitơ của các tác giả khác nhau:

Nitơ tổng số:

Hàm lượng N Đánh giá
<0,1% Nghèo
0,1-0,2% Trung bình
>0,2% Giàu

            Nitơ dễ tiêu:

Nitơ dễ tiêu bao gồm Nitơ ở dạng khoáng (NH4+, NO3, NO2) và một số N-hữu cơ dễ bị phân hủy mà cây trồng có thể hút thu được. Trong đất tuỳ theo điều kiện mà N khoáng dạng NH4+ hay NO3 chiếm ưu thế. Giữa các dạng N khoáng luôn luôn có sự chuyển hóa và thường xuyên được bổ sung do quá trình khoáng hóa chất hữu cơ nên trên thực tế phân tích NH4+ và NO3 không phản ánh đầy đủ khả năng cung cấp nitơ dễ tiêu của đất. Nitơ dễ tiêu của đất thường được đánh giá qua Nitơ thuỷ phân. Tiurin và Cononova cho rằng nitơ thuỷ phân là những dạng nitơ được tách ra khỏi đất bằng H2SO4 0,5N (bao gồm NH4+, NO3, NO2 và N-hữu cơ dễ phân huỷ) còn Cornfild cho đó là dạng nitơ bị tách bởi NaOH 1N (bao gồm N ở dạng NH4+ và một phần N hữu cơ dễ phân giải).

Theo Tiurin và Cononova đánh giá N thuỷ phân như sau:

N – thủy phân (mg/100g đất) Đánh giá
<4 Nghèo
4-6 Trung bình
>6 Giàu

Đánh giá phân tích lân

Lân là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng chỉ đứng sau nitơ. Trong đất Việt Nam do quá trình tích luỹ tương đối sắt nhôm phát triển nên hàm lượng lân dễ tiêu trong đất thấp, đặc biệt đối với đất đồi chua, chúng bị cố định bởi các phôt phát sắt nhôm. Theo một số tác giả đề nghị phân cấp lân tổng số theo 4 cấp, tuy nhiên một số tác giả khác nhau lại có những phân cấp không giống nhau:

Lân tổng số:

Hàm lượng P2O5 % Đánh giá
<0,03 Rất nghèo
0,03-0,06 Nghèo
0,06-0,1 Trung bình
>0,1 Giàu

            Ở Nam Bộ Coyaud cho rằng:

Hàm lượng P2O5 % Đánh giá
<0,2 Nghèo
0,2-0,3 Trung bình
>0,3 Giàu

            Theo Lê Văn Căn, 1968 lại phân ra như sau:

Hàm lượng P2O5 % Đánh giá
<0,06 Nghèo
0,06-0,1 Trung bình
>0,1 Giàu

            Lân dễ tiêu:

Nói đến lân dễ tiêu cho cây trồng chúng ta hiểu rằng bao gồm tất cả những dạng lân mà cây trồng có thể hút thu được, chúng bao gồm các hiđrôphotphat, đihiđrôphotphat của Ca, Mg, NH4, một phần Ca3(PO4)2……

Phân tích lân dễ tiêu có nhiều phương pháp khác nhau với các chất chiết rút khác nhau phù hợp với từng loại đất nhất định. Có thể chia ra làm 4 nhóm các chất chiết rút như sau:

  • Chất chiết rút có độ axit cao: như HCl, H2SO4 có pH = 1, nhóm phương pháp này thích hợp cho đất chua, điển hình là các phương pháp:

                  Kiecxanop: HCl 0,2 N

                  Oniani: H2SO4 0,1 N

  • Chất chiết rút có độ chua nhẹ (pH = 3), nhóm các phương pháp này thích hợp cho những đất axit, điển hình là các phương pháp

                                    Triricop: CH3COOH 0,5 N

                                    Egner Riehm: Lactat Ca + HCl loãng pH = 3,6

                                    Morgan: CH3COONa + CH3COOH pH = 4,8

                                    Mehlich: H2SO4 0,025 N + HCl 0,05 N

                                    Truog: H2SO4 0,002 N, pH = 3

  • Chất chiết rút có chứa các chất có khả năng tạo phức, nhóm phương pháp này được xem là thích hợp với nhiều loại đất khác nhau vì trong dung dịch chiết rút có chứa các ion có khả năng tạo phức với các ion kim loại đã kết tủa với photpho. Điển hình là các phương pháp:

Bray – Kurt (hay Bray 1): NH4F 0,03 N + HCl 0,025N

Bray 2: NH4F 0,03 N + HCl 0,1 N

Xôcôlốp: NH4F 0,1 N

Arrhenius: axit Limonic 1%

Phương pháp EDTA: Na2-EDTA 0,02 N

  • Chất chiết rút có tính kiềm: nhóm các phương pháp này thích hợp với cả đất axit và đất kiềm, điển hình là các phương pháp:

Machigin: (NH4)2CO3 1%, pH = 9

Olsen: NaHCO3 0,5 N, pH = 8,5

            Hiện nay các phong thí nghiêm ở Việt Nam và trên thế giới thường sử dụng 3 phương pháp Oniani, Olsen và Bray 2. Đánh giá lân dễ tiêu theo Oniani (1964):

Hàm lượng P2O5

(mg/100g đất)

Đánh giá
5-10 Nghèo
10-15 Trung bình
>15 Giàu

Còn theo Olsen thì:

Hàm lượng P2O5

(ppm đất)

Đánh giá
<5 Nghèo
5-10 Trung bình
>10 Giàu

Đánh giá phân tích Kali

Sau đạm, lân thì kali là nguyên tố dinh dưỡng quan trọng thứ 3 đối với cây trồng. Các kết quả nghiên cứu cho thấy kali tập trung chủ yếu vào các hạt limon mịn và vừa nếu còn chứa khoáng nguyên sinh. Như vậy hàm lượng kali trong đất phụ thuộc vào nguồn đá mẹ, mức độ phong hoá và quá trình hình thành đất. Lượng kali dễ tiêu trong đất đỏ bazan thấp hơn so với đất phát triển trên Pocfirit (Fridland 1973). Nguyễn Vy, Trần Khải (1978) cho rằng kali tập trung trong những cấp hạt có độ phân tán cao. Khi đánh giá hàm lượng kali trong đất ta phải chú ý tới hàm lượng sét và các thành phần khoáng. Kết quả phân tích đất đỏ bazan ở Tây Hiếu cho thấy đất giàu sét (38, 5%) nhưng kali tổng số trong đất và trong sét lại thấp (0,31%). Trong khi đó đất Acrisols phát triển trên đá Granit ở Quảng Bình cấp hạt sét chỉ chiếm 21,3% mà kali tổng số lại đến 1,82%, điều này giải thích là vì đá magma axit chứa nhiều K hơn đá kiềm. Cũng có trường hợp K trong sét cao nhưng kali tổng số lại thấp như đất bạc màu, đất cát biển vì những đất này hàm lượng sét nghèo.

Kali tổng số:

Kali dễ tiêu :

Có thể đánh giá Kali dễ tiêu qua thang phân cấp sau:

Hàm lượng Kdt

(mg/100g đất)

Đánh giá
<10 Nghèo
10-20 Trung bình
>20 Giàu

Đánh giá phân tích CEC

            CEC là chỉ tiêu quan trọng của độ phì nhiêu đất, nó phản ánh khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất. CEC phụ thuộc vào 2 chỉ tiêu đó là hàm lượng và bản chất mùn, cấp hạt sét. Đánh giá dung tích hấp thu của đất như sau:

CEC

(ldl/100g đất)

Đánh giá
<10 Thấp
10-20 Trung bình
>20 Cao

Đánh giá phân tích độ chua đất

Độ chua là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đồ phì nhiêu đất, nó ảnh hưởng lên các quá trình lí hóa, sinh học trong đất và có tác động đến cây trồng. Đa số các cây trồng đều thích phản ứng đất ở trung tính đến ít chua (pH = 6-7) chỉ trừ một số loại cây trồng có thể chịu được đất chua như chè (pH từ 4,5-5,5), khoai tây (pH từ 4,8-5,4). Độ chua đất là do sự có mặt của các ion H+, Al3+ trong dung dịch đất cũng như trong các phức hệ hấp phụ của đất có khả năng trao đổi gây nên. Đô chua được chia làm 2 loại:

  • Độ chua hiện tại hay (độ chua hoạt tính): gây ra bởi các ion H+ tự do có trong dung dịch đất, được xác định bằng cách tác động đất với nước cất và được biểu thị bằng pHH2O.
  • Độ chua tiềm tàng: gây ra bởi các ion H+, Al3+ trong dung dịch đất cũng như trong các phức hệ hấp phụ của đất. Độ chua tiềm tàng được xác định bằng cách chiết rút đất bằng dung dịch muối. Theo chất chiết rút độ chua tiềm tàng được chia ra 2 loại:
    • Độ chua trao đổi: chiết rút bằng muối trung tính như KCl, NaCl, BaCl2. Độ chua trao đổi được biểu thị bằng pHKCl hoặc lđl/100g đất. Nó là chỉ số để xác định nhu cầu bón vôi cho đất
    • Độ chua thuỷ phân: chiết rút bằng một muối thuỷ phân (gốc axit yếu, bazơ mạnh ví dụ CH3COONa). Độ chua thuỷ phân thường được biểu thị bằng lđl/100 g đất và giá trị này thường lớn hơn độ chua trao đổi bởi vì lúc này gần như toàn bộ H+, Al3+ trong keo đất đã được trao đổi ra ngoài dung dịch đất. Độ chua thuỷ phân cũng được dùng để tính toán lượng vôi bón cải tạo đất chua. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thì đất lúa chỉ nên trung hoà 1/2 độ chua thuỷ phân là tốt nhất

Độ chua trao đổi (pHKCl) được chia ra để đánh giá như sau

pH Đánh giá
<4,5 Rất chua
4,5-5 Chua vừa
5-5,5 Chua nhẹ
5,5-6 Gần trung tính
>6 Trung tính

Canxi trao đổi:

Canxi trao đổi là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá độ phì nhiêu đất nhưng thường ít được chú ý. Trên đất dốc do quá trình xói mòn rửa trôi phát triển, nên hàm lượng của chúng thấp. Về thang phân cấp Ca trao đổi nhìn chung có ít công trình nghiên cứu đề cập đến. Căn cứ vào ranh giới giữa đất hoang hoá và đất có thể canh tác được cho thấy hàm lượng Ca trao đổi dưới 2 meq/100 g đất là rất nghèo, Mức 4-8 meq là trung bình và trên 8 meq/100 g đất được coi là khá. Theo J.R. Landon thì dưới 4 meq là nghèo và trên 10 meq/100 g đất là giàu. Lê Văn Tiềm (2003) đưa ra phân cấp đánh giá Ca trao đổi trong đất Việt Nam như sau:

Hàm lượng Ca2+

(meq/100 g đất)

Đánh giá
<2 Rất nghèo
2-4 Nghèo
4-8 Trung bình
8

Khá

 

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *