Không một phương pháp chôn lấp nào hoàn hảo cho tất cả các địa điểm bãi chôn lấp và không nhất thiết là chỉ có một phương pháp là tốt nhất đối với bất kỳ một bãi chôn lấp nhất định nào đó. Sự lựa chọn một phương pháp chôn lấp phụ thuộc vào điều kiện vật lý tự nhiên của địa điểm vị trí xây dựng bãi, khối lượng và loại chất thải rắn đưa đến bãi chôn lấp, và chi phí tương đối của các khả năng lựa chọn khác nhau. Có hai loại phương pháp chôn lấp cơ bản là phương pháp đào rãnh (“trench”) và phương pháp trải trên mặt bằng (“area”). Phương pháp đào rãnh thích hợp nhất cho những địa điểm mà vị trí có bề mặt đất mặt bằng phẳng hay hơi nhấp nhô, mực nước ngầm thấp và lớp đất dày hơn 2 m.
Phương pháp trải trên mặt bằng phù hợp với hầu hết các địa hình và có lẽ là lựa chọn tốt hơn đối với các bãi tiếp nhận khối lượng chất thải rắn lớn. Ở một số bãi chôn lấp khác, một thiết kế kết hợp sử dụng hai phương pháp này lại có thể là phương pháp thích hợp nhất.
Tất cả những bãi chôn lấp hợp vệ sinh trong thực tế đều có những phần cơ bản gọi tên là ô chôn lấp (“cell”). Một ô chôn lấp được xây dựng bằng cách ban rộng chất thải rắn ra và sau đó đầm nén chất thải rắn lại thành nhiều lớp trong một diện tích giới hạn. Lúc kết thúc mỗi ngày làm việc hoặc trong suốt ngày làm việc, rác đã nén được che phủ kín toàn bộ (kể cả mặt làm việc – “working face”) bằng một lớp đất mỏng và được trải đều. Lớp đất che phủ cũng được đầm nén. Chất thải rắn bị đầm nén và lớp đất che phủ hằng ngày tạo thành một ô chôn lấp rác. Một dãy các ô chôn lấp rác kề nhau ở cùng một độ cao hợp thành một tầng (“lift”). Một bãi chôn lấp đã hoàn thành có thể bao gồm một hay nhiều tầng.
Thiết kế các tế bào rác phải dựa vào khối lượng chất thải cần chôn lấp. Những thành phần căn bản của một tế bào là: Chiều cao, chiều dài, chiều rộng mặt làm việc, độ dốc của các thành bên (“side wall”), và độ dày lớp che phủ hằng ngày. Chiều cao một tế bào phụ thuộc vào khối lượng rác thải, độ dày lớp che phủ hằng ngày, tính ổn định của các dốc, và độ đầm nén. Chiều cao thông thường thay đổi trong khoảng từ 2 đến 4 m.
Chiều rộng tối thiểu của một tế bào hay chiều rộng tối thiểu mặt làm việc phụ thuộc vào loại thiết bị được sử dụng. Thông thường chiều rộng tối thiểu của 1 tế bào được đề nghị bằng khoảng 2-2,5 lần chiều rộng của lưỡi nén (“push-blade”) của xe ủi đất (“bulldozer”) dùng để xây dưng tế bào. Dưới đây là các chiều rộng tối thiểu được đề nghị dựa vào tỉ lệ rác thải đưa đến bãi chôn lấp: 8m nếu lượng chất thải rắn lên tới 50 T/ngày, 10m nếu 51-100 T/ngày, 12m nếu 101-225 T/ngày và 15m nếu 226-500 T/ngày.
Chiều rộng mặt làm việc cũng phụ thuộc vào số lượng tối đa các phương tiện đến bãi chôn lấp vào giờ cao điểm. Người ta có thể tính chiều rộng mặt làm việc (tính theo mét) bằng cách nhân số lượng tối đa phương tiện đến bãi chôn lấp vào giờ cao điểm với 4.
Chiều rộng mặt làm việc là một trong những nhược điểm lớn khi vận hành bãi chôn lấp ở các nước đang phát triển. Nhìn chung mặt làm việc thường thật rộng để điều tiết một số lưọng tối đa các phương tiên và tránh những sự trì hoãn dài chờ đợi lâu.Tuy nhiên nếu quá rộng kiểm soát theo cách thức nào cũng sẽ rất khó khăn . Trong thực tế, khi điều hành chôn lấp nên thử dùng diện tích làm việc tối thiểu làm mặt làm việc.
Độ dốc tế bào là mặt phẳng nghiêng mà chất thải khi chôn lấp dựa vào. Độ nghiêng đề nghị tối đa là 1:3 (chiều dọc: chiều ngang). Nếu độ nghiêng bằng hoặc thấp hơn 1:6 sẽ làm cho diện tích mặt làm việc quá lớn.
Phương pháp đào rãnh chỉ có một mặt làm việc. Ngược lại, phương pháp trải trên mặt bằng và các phương pháp kết hợp có thể có hai mặt làm việc.
1. Phương pháp đào rãnh
Phương pháp đào rãnh (“trench method”) yêu cầu phải đào một ô đất. Sau khi đào xong, rác thải được đổ vào ô, được ban ra và đầm nén. Rác thải nằm dựa theo thành dốc của ô. Đất đào lên từ các ô này được dùng để làm vật liệu che phủ. Đất không dùng để che phủ hàng ngày có thể được lưu trữ để sử dụng sau trong diện tích chôn lấp tiếp theo, có thể nằm trên ô chôn lấp đã chôn lấp đầy.
Tính ổn định của thành bên là một yếu tố được xem xét kỹ trong việc thiết kế ô chôn lấp. Sự ổn định của thành bên phụ thuộc vào độ bền (cường độ) của đất, độ sâu của ô, khoảng cách giữa các ô, và độ dốc của thành bên. Với đất sét, đất sét tảng lăn (“glacial till”) hay các loại đất có độ nén chặt, đất mịn (“fine-grained”), đất cấp phối tốt (“well-graded”) khác, độ sâu và độ nghiêng của dốc thành bên có thể đạt cực đại. Đối với đất yếu hơn, độ nghiêng của thành bên sẽ thoải hơn. Những nhân tố khác có ảnh hưởng đến độ ổn định của đất và độ nghiêng cho phép của dốc thành bên là những điều kiện thời tiết, và độ dài thời gian ô chôn lấp để hở.
Bởi vì nên duy trì một khoảng cách thích hợp giữa đáy ô chôn lấp và mực nước ngầm, độ sâu của ô chôn lấp bị hạn chế ở mức phải phù hợp với việc bảo vệ nguồn nước ngầm.
Theo lý thuyết, ô chôn lấp càng hẹp càng tốt vì khối lượng vật liệu che phủ cần thiết phụ thuộc vào chiều rộng của ô. Tuy nhiên chiều rộng phải đủ để cho phép đổ rác xuống dễ dàng, cũng như có diện tích cho các xe đầm nén hoạt động; Thực tế đòi hỏi ô chôn lấp phải đủ rộng để có đủ chỗ cho một sô lượng xe đủ loại sử dụng bãi chôn lấp. Nói chung, chiều rộng cần thiết nên gấp đôi chiều rộng của bộ phận lớn nhất của thiết bị làm việc trong ô.
Dựa trên quy mô của bãi chôn lấp, việc đào ô chôn lấp có thể được thực hiện liên tục theo 1 tốc độ được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu chôn lấp hoặc đào định kỳ theo hợp đồng. Hướng gió thổi trong khu vực nên được xét đến khi sắp xếp vị trí các hàng ô chôn lấp, vì gió ảnh hưởng rất lớn đến lượng rác bị thổi bay. Bố trí các hàng ô chôn lấp hiệu quả nhất, có thể giảm được lượng rác bị gió thổi bay, là đặt hàng ô chôn lấp thẳng góc với hướng gió thổi.
Để đảm bảo thoát nước tốt, đáy của ô nên được tạo dốc, hướng dòng nước chảy ra ngoài khu vực đang hoạt động chôn lấp. Nước tích luỹ dưới đáy ô nên được bơm ra khỏi ô chôn lấp. Nước bề mặt có thể đươc chuyển hướng không cho chảy vào ô bằng cách xây dựng những gờ chắn tạm thời trên các cạnh hố đào.
2. Phương pháp trải trên mặt bằng
Ngược lại với phương pháp đào rãnh, phương pháp trải trên mặt bằng (“area method”) không cần phải đào ô. Thay vào đó một lớp chất thải được ban ra và đầm nén trên mặt đất (trên 1 mặt dốc nghiêng). Vật liệu che phủ sau đó được trải ra và đầm nén bên trên lớp chất thải. Phương pháp chôn lấp trải trên mặt bằng nên được sử dụng ở những vùng đất bằng phẳng hay hơi dốc. Phương pháp này có thể được điều chỉnh để thích hợp với các mỏ đá, mỏ lộ thiên, khe núi, thung lũng, hẽm núi hoặc ở những vùng trũng khác và những hố đào dành cho chôn lấp.
3. Phương pháp xây dốc
Phương pháp xây dốc (“ramp method”) còn được gọi là phương pháp độ dốc tăng dần (“progressive slope method”), bao gồm việc ban ra và đầm nén chất thải rắn trên một dốc nghiêng. Phương pháp xây dốc tương tự như phương pháp trải trên bề mặt. Tuy nhiên, đầu tiên chôn lấp được tiến hành như phương pháp trải trên bề mặt, nhưng sau đó vật liệu che phủ được lấy ngay từ đất ở bề mặt ngay đằng trước diện tích làm việc – như vậy, sẽ để lại những vùng đất bị đào hơi trũng xuống sẽ có thể bắt đầu nhận rác mang tới vào ngày tiếp theo. Bởi vì không cần phải đưa vật liệu che phủ từ nơi khác đến, phương pháp này đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả dụng đất tại chỗ khi xây dựng một tầng đơn lẻ.
4. Kết hợp các phương pháp chôn lấp
Có thể sử dụng phương pháp trải trên bề mặt và phương pháp đào rãnh trong cùng một bãi chôn lấp nếu bãi chôn lấp đó có bề dày tầng đất mặt không cố định và bãi chôn lấp phải tiếp nhận một lượng lớn rác thải. Phương pháp đào rãnh được sử dụng ở những nơi tầng đất mặt dày nhất. Đất đào lên nếu không sử dụng để che phủ ở hố chôn lấp sẽ được lưu trữ để dành cho chôn lấp trải trên bề mặt. Sau khi hố chôn lấp đầy, cùng với các vật liệu che phủ được lưu trữ, phương pháp chôn lấp trải trên bề mặt sẽ được sử dụng để tiếp tục chôn lấp rác thải lên trên hố đào vừa đầy
Leave a Reply