Liệu chúng ta có đang sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên sinh vật biển?

5/5 – (1 vote)

 

Trước sức ép của tốc độ gia tăng dân số nhanh quá mức như hiện nay thì nhu cầu phát triển kinh tế cũng cần phải được tăng cao. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt thì xu hướng đẩy tiến ra biển để khai thác và làm giàu tư biển ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên các hoạt động khai thác này lại thiếu bền vững, chủ yếu tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu với những biểu hiện chính là trái đất đang ngày càng nóng lên, mực nước biển tăng nhanh thì vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều quốc gia đang đứng trước nhiều thách thức và cần phải được quan tâm hơn.

Nhiều nguồn tài nguyên đang bị khai thác quá mức và tài nguyên sinh vật biển cũng nằm trong số đó, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động.

Kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức như Liên Hợp Quốc, FAO và các tổ chức quốc tế khác đều cùng chỉ ra rằng hiện đã có khoảng hơn 80% lượng cá trên toàn cầu đã bị khai thác, trong đó 25% lượng cá đã bị khai thác quá mức hoặc cạn kiệt. Nhiều loài sinh vật biển khác cũng đang đứng trên nguy cơ tuyệt chủng bởi bị đánh bắt cạn kiệt trong những năm gần đây.

Nói riêng với Việt Nam chúng ta, sự suy giảm chất lượng môi trường biển cũng đang rất nghiêm trọng làm cho môi trường của các loài sinh vật biển  bị phá hủy và mất đa dạng sinh học. Có nhiều loài sinh vật biển đang đứng trước nguy cơ giảm mạnh về số lượng, có loài còn tuyệt chủng cục bộ.

Có tới khoảng 236 loài thủy sinh quý hiếm bị đe dọa ở cấp độ khác nhau trong đó có hơn 70 loài bị liệt kê vào trong sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài quý hiếm vẫn đang là đối tượng bị khai thác với nhiều hình thức, kể cả hình thức tận diệt bằng hóa chất, thuốc nổ. Sự suy giảm đa dạng sinh học làm cho số lượng nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cũng bị suy giảm theo.

Vì nguồn lợi hải sản đang bị khai thác theo chiều hướng không bền vững nên ngày bị cạn kiệt dần về số lượng và suy giảm về chất lượng. Nếu như vào năm 1990 nguồn cá dự trữ là 4 triệu tấn thì hiện nay chỉ còn 3 triệu tấn. Kích thước trung bình và tính đa dạng của cá cũng suy giảm đáng kể.

Nguyên nhân chính được kể đến là do sự gia tăng xuất khẩu trong thủy sản dẫn đến sản lượng đánh bắt cá bị vượt quá nguồn dự trữ có sẵn.Bên cạnh đó, các biện pháp đánh bắt không hợp pháp và mang tính chất hủy diệt như thuốc nổ, xung điện, mắt lưới nhỏ,… vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này không chỉ làm suy giảm các tài nguyên biển mà còn làm tổn hại đến môi trường sống của các loài hải sản.

Đó là chưa tính đến ảnh hưởng của dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tích tụ nguồn nước truyền qua lại trong các bậc dinh dưỡng của chuỗi thức ăn mà các loài thủy sản lại là mắt xích cuối cùng trong chuỗi đó.

Xem thêm: Bụi vẫn là tác nhân ô nhiễm chủ yếu

Trong những năm gần đây độ phủ của những rạn san hô và độ đa dạng loài cũng đang có chiều hướng suy giảm. Một số loài thủy sản quan trọng như tôm Bác sỹ, tôm Hùm, Hải Sâm, cá Bướm, cá Đuôi Gai, cá Thiên Thần,… Mật độ nhóm cá có kích thước lớn có giá trị thương mại cao cũng đang giảm một cách trầm trọng.

Cũng giống như san hô, thảm cỏ biển cũng đang bị thu hẹp dần do tai biến thiên nhiên, lấn biển để xây ao nuôi thủy sản và các công trình ven biển hoặc là do ô nhiễm.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng biển và bảo vệ, duy trì lâu dài các giá trị tài nguyên sinh vật biển và môi trường biển thì cần có các chiến lược quản lý phù hợp nhằm khắc phục các điểm yếu của cách thức quản lý tài nguyên, môi trường hiện hành thông qua việc áp dụng giải pháp mang tính hài hòa, tối ưu các mục tiêu sử dụng. Bên cạnh đó, con người cũng cần có ý thức hơn trong việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản để hạn chế sự suy giảm của các loài sinh vật biển.

Comments

One response to “Liệu chúng ta có đang sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên sinh vật biển?”

  1. […] Xem thêm: Liệu chúng ta có đang sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên sinh vật biển? […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *