Tính bền vững trong quản lý sử dụng đất dốc

5/5 – (1 vote)

Từ lâu những người làm nông nghiệp đã hiểu rằng môi trường sống lâu dài của con người tuỳ thuộc rất nhiều vào việc giữ gìn, quản lý đất, nước và dinh dưỡng địa quyển vì nó rất có hạn. Thật vậy, đất bị xói mòn, diện tích canh tác ngày càng thu hẹp do qúa trình công nghiệp hoá, chất lượng đất (độ phì nhiêu) giảm dần không chỉ tước mất cơ hội kiếm sống của người nông dân mà còn đe doạ cuộc sống của toàn xã hội về lương thực và thực phẩm. Tác động phụ thuộc qua lại của môi trường tự nhiên và xã hội chi phối quản lý sử dụng đất bền vững. Khái niệm tính bền vững của một hệ thống quản lý sử dụng đất rộng lớn hơn là bền vững về độ phì nhiêu, nó bao gồm 3 phương diện: bền vững về kinh tế, sự chấp nhận của xã hội và bền vững về môi trường [8].

Để đánh giá sử dụng đất dốc, một khung đánh giá quản lý đất dốc bền vững đã được các nhà khoa học đề xuất từ năm 1991 trong đó 5 thuộc tính khái niệm bền vững được xem xét là: tính sản xuất hiệu quả, tính an toàn, tính bảo vệ, tính lâu bền và tính chấp nhận.

Rõ ràng quản lý bền vững đất đai phải bao gồm một tổ hợp (vì các giới hạn của dự trữ nguồn lực, tác động đến môi t rường, tính kinh tế đa dạng sinh

học và tính hợp pháp), bao gồm tổ hợp các công nghệ, chính sách và hoạt động nhằm phù hợp các nguyên lý kinh tế – xã hội với các quan điểm môi trường để đồng thời duy trì và nâng cao được sản lượng (hiệu quả sản xuất), giảm  được rủi ro (an toàn) bảo vệ được tiềm năng nguồn lực tự nhiên, ngăn ngừa thoái hóa đất và  ô nhiễm  môi trường nước. Hiệu quả là lợi ích lâu dài (lâu bền) được xã hội chấp nhận phù hợp với lợi ích của các bên tham gia quản lý, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Các thuộc tính của khái niệm bền vững nêu trên có mối quan hệ với nhau, sử dụng đất được coi là bền vững khi quá trình sử dụng đó duy trì được sự cân bằng động và sự bảo toàn lâu dài theo thời gian.

Những tiêu chí và chỉ tiêu cơ bản để đánh giá tính bền vững đối với sử dụng đất dốc ở Việt Nam:

–  Bền vững về kinh tế : Năng suất trên mức bình quân vùng, năng suất tăng dần, đạt tiêu chuẩn sản phẩm tiêu thụ tại địa phương và xuất khẩu; giá trị sản xuất trên chi phí đạt trên 1,5  lần; ít mất trắng do hạn  và sâu bệnh, có thị trường ổn định, dễ bảo quản và vận chuyển.

– Chấp nhận xã hội với 6 tiêu chí:

+ Đáp ứng nhu cầu của hộ về lương thực, thực phẩm, về tiền mặt và nhu cầu khác.

+ Phù hợp với năng lực nông hộ về đất đai, lao động, vốn và kỹ năng sản xuất.

+ Người lao động tự quyết công việc đồng áng, không áp đặt và được hưởng lợi ích thoả đáng.

+ Giảm nặng nhọc cho phụ nữ, không làm trẻ em mất cơ hội học hành.

+ Phù hợp luật pháp hiện hành (Luật đất đai và Luật Bảo vệ rừng, mặt nước).

+ Được cộng đồng nông thôn công nhận phù hợp tập quán, văn hoá dân tộc.

–  Bền vững về sinh thái có 4 tiêu chí:

+  Giảm thiểu xói mòn, thoái hoá đất dưới mức cho phép, tăng độ phì nhiêu cho đất hoặc ít ra cũng duy trì, bảo toàn độ phì nhiêu.

+ Tăng độ che phủ.

+  Bảo vệ nguồn nước: Duy trì và tăng nguồn sinh thuỷ, không gây ô nhiễm nguồn nước.

+  Nâng cao, đa dạng hoá sinh học của hệ sinh thái, tỷ lệ cây dài ngày cao nhất có thể được, khai thác tối đa các loài bản địa, bảo toàn và làm phong phú quỹ gen.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *