Chôn lấp rác thải ở Việt Nam

5/5 – (1 vote)

Ở Việt Nam những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên trầm trọng và phổ biến dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí, đặc biệt là tại các đô thị lớn lượng chất thải rắn và nước thải ngày càng gia tăng. Mặc dù số lượng các nhà máy đã xây dựng trạm xử lý chất thải tăng lên trong những năm gần đây nhưng hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.

Việt Nam hiện nay có khoảng 755 đô thị, tốc độ tăng dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được chất thải phát sinh. Xử lý rác thải đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị chủ yếu là chôn lấp, tỉ lệ rác thải đem chôn lấp của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 80% – 90%. Riêng Hà Nội ước tính, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành 60%, lượng chất thải rắn công nghiệp thu gom đạt 85% – 90% và các chất thải nguy hại mới chỉ đạt 60% – 70%.

Chất thải rắn đang là mối đe dọa trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân các đô thị. Theo thống kê của Viện môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, bình quân mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các đô thị có xu hướng tăng trung bình từ 10% – 16%. Trong đó, tỉ lệ thu gom rác thải tại các đô thị bình quân trên cả nước chỉ đạt khoảng 70%- 85%.

Hiện tại, tất cả các địa phương đều sử dụng biện pháp chôn lấp chất thải với số lượng trung bình 1 bãi chôn lấp/1 đô thị, trong đó có tới 85%- 90% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các công nghệ xử lý rác của nước ngoài áp dụng tại Việt Nam cho thấy phần lớn đều không hiệu quả vì không phù hợp với đặc thù rác thải phức tạp, chưa phân loại đầu nguồn

Trên địa bàn cả nước chỉ có 17/91 bãi chôn lấp được xem là hợp vệ sinh thì vấn đề xử lý nước rác cũng là vấn đề đáng quan tâm. Tại TP Hồ Chí Minh bãi rác Phước Hiệp quy mô 19,5ha, công suất xử lý rác 2.500 tấn/ngày, công nghệ xử lý nước rỉ rác bằng công nghệ xử lý sinh học là 800 m3/ngày. Việc kiểm soát mùi hôi được thực hiện với việc sử dụng chế phẩm khử mùi ecozyme được phun xịt thường xuyên nhiều lần trong ngày cùng với đó là việc kiểm soát côn trùng được thực hiện 12 lần mỗi tuần. Trong khi đó, thống kê cũng cho thấy hầu hết các đô thị tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đều có khu vực chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên chỉ có 5 đô thị được đầu tư bãi chôn lấp hợp vệ sinh chiếm 27,78%, còn lại 13 đô thị sử dụng các bãi chôn lấp hở, không hợp vệ sinh chiếm 72,22% và là điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các đô thị. Ở khu vực miền Bắc, các bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), Đá Mài – Tân Cương (Thái Nguyên), Tràng Cát (Hải Phòng) là những bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Khu vực miền Bắc có hai khu liên hợp xử lý chất thải ở Nam Định và Tràng Cát (Hải Phòng) có khu xử lý cặn tự hoại, trạm xử lý nước rác, lò đốt rác vô cơ, khu chôn lấp hợp vệ sinh, sản xuất phân compost.

Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp và xử lý rác không hợp vệ sinh tại Hà Nội và các địa phương đang thực hiện lâu nay đã phát sinh nhiều bất cập và nghiêm trọng nhất là các bãi rác đang gây ô nhiễm nguồn nước, khí thải và lãng phí tài nguyên đất.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 bãi rác quy mô lớn là Nam Sơn (đặt tại H. Sóc Sơn) và Xuân Sơn (đặt tại Sơn Tây) cùng một số bãi rác nhỏ như: Hữu Bằng, Núi Thoong, Tả Thanh Oai, Kiêu Kỵ…. Ngoài ra, Thành phố cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà máy chế biến rác thải Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây. Trong đó chủ yếu số lượng rác thu gom được đưa về bãi rác Nam Sơn. Bãi rác Xuân Sơn đảm trách việc chôn lấp rác thải thu gom từ Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Ba Vì và Q. Hà đông. Rác thải tại Chương Mỹ tập kết về bãi Núi Thoong, tại Gia Lâm được đưa về bãi Kiêu Kỵ…

Cả nước có rất ít bãi chôn lấp có trạm xử lý nước rác: Trạm xử lý nước rác Nam Sơn (Hà Nội), trạm xử lý nước rác ở đèo Sen, trạm xử lý nước rác Hà Khẩu, trạm xử lý nước rác Quang Hanh (Quảng Ninh)… Theo đánh giá của các chuyên gia thì nhà máy xử lý nước rác Nam Sơn (Hà Nội) và nhà máy xử lý nước rác Gò Cát (TP. HCM) là đạt QCVN 5945 -2005 với hiệu quả xử  lý cao. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn tồn tại những trạm xử lý chỉ được đầu tư tạm thời và ngay cả những nhà máy xử lý hiện đại cũng đã và đang bộc lộ những bất cập, tồn tại cần giải quyết.

Tuy nhiên ngoài ưu điểm của phương pháp chôn lấp chất thải rắn là xử lý được khối lượng lớn chất thải, chi phí đầu tư và chi phí xử lý nhỏ thì nó còn có nhược điểm đó là nó chiếm nhiều diện tích đất, thời gian phân hủy chậm, gây ô nhiễm khu vực xử lý. Ví dụ như quá trình phân hủy các chất hữu cơ sẽ gây mùi, các côn trùng gây bệnh (ruồi, muỗi), gây ra các vụ cháy, nổ, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng tới giao thông do rơi vãi rác thải khi vận chuyển, đặc biệt là lượng nước rò rỉ từ rác thải. Lượng nước này khi xâm nhập vào môi trường nó sẽ gây tác động xấu đến môi trường xung quanh (đất, nước).

Trước tình hình đó, vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp để xử lý rác thải được đưa ra cần có phương pháp lựa chọn phù hợp với từng vùng, miền ở Việt Nam chứ không thể chỉ áp dụng một công nghệ cho các tỉnh.

[Nguồn: khóa luận tốt nghiệp 2014: xây dựng mô hình bể hoạt động theo mẻ (SBR) nghiên cứu xử lý nước rỉ rác của bãi chôn lấp Đá Mài, Tân Cương, Thái Nguyên đã được xử lý bằng phương pháp ozon hóa, tác giả: Nguyễn Thị Doan – Trường Đại học Sư phạm II]

Comments

One response to “Chôn lấp rác thải ở Việt Nam”

  1. […] người định nghĩa rác thải như thế nào ? Đó là những thứ chúng ta không dùng đến nữa, mất […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *