Cơ sở lí luận trong việc xây dựng và thực thi REDD tại Việt Nam

5/5 – (1 vote)

REDD là một vấn đề còn rất mới mẻ. Tại Việt Nam, chương trình này mới được triển khai từ năm 2008. Bởi vậy, việc tham khảo các chương trình REDD đã được thực hiện tại các quốc gia khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, trình độ và năng lực cũng như nguồn lực quản lý môi trường ở các quốc gia đó khác với Việt Nam. Trong khi đó, REDD phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống thể chế pháp lý của từng quốc gia, quyền sở hữu hay quyền sử dụng tài nguyên, ý thức, văn hóa, trình độ và điều kiện sống của cộng đồng dân cư tại quốc gia đó. Do đó, việc tham khảo cách thức xây dựng và thực thi REDD từ các quốc gia khác là việc làm cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng. Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu và có những cuộc phỏng vấn tham khảo ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực, tôi thấy một số điểm sau đây cần được quan tâm đặc biệt khi nghiên cứu về việc xây dựng và thực thi REDD ở Việt Nam:

– Cộng đồng địa phương phải được coi là đối tác quan trọng trong quản lý bảo vệ rừng.

– Việc đảm bảo quyền sử dụng đất lâm nghiệp, sở hữu rừng là yếu tố quan trọng cho REDD và việc chi trả dịch vụ môi trường.

– Gắn kết bảo vệ môi trường với cải thiện sinh kế là điều kiện thành công của các dự án REDD.

– Chủ rừng cần được coi là đối tác chính trong tất cả các quá trình tham vấn, thực hiện REDD.

– REDD là hình thức mới của dịch vụ môi trường rừng, liên quan đến vấn đề mất rừng và suy thoái rừng. Vì vậy, chất lượng của dịch vụ này liên quan rất chặt chẽ với các ngành khác có hoạt động trên cùng một địa bàn, những ngành có thể tác động đến mất rừng và suy thoái rừng như nông nghiệp, thủy sản, thủy điện, du lịch, khai thác khoáng sản,… Vì vậy, REDD cần được thực hiện theo phương thức tiếp cận cảnh quan, có sự tham gia của các bên liên quan trên địa bàn.

– Trước mắt, khi chưa hình thành thị trường các bon cho REDD, hình thức quản lý vốn thích hợp là hình thành hoặc sử dụng một quỹ ủy thác đa phương có sẵn (như MPTF) để giúp tiếp nhận và sử dụng nguồn thu từ bên ngoài. Sau đó, khi quốc gia có một tổ chức tài chính đủ tin cậy và mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu quốc tế, việc quản lý nguồn thu REDD sẽ được chuyển về tổ chức tài chính đó.

– Trong quan hệ tài chính với các sáng kiến mới, trong đó có REDD, tinh thần tự chủ của quốc gia bên nhận là vô cùng quan trọng. Bên đưa ra quan điểm, cách thức và các ưu tiên chính sách là Chính phủ của quốc gia tiếp nhận tài chính là chứ không phải là Chính phủ của bên đóng góp hay nhà tài trợ. Tuy nhiên, các thể chế phải tuân theo cam kết và thông lệ quốc tế.

– Cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD phải được xây dựng trong bối cảnh cụ thể của từng địa bàn và phải tiến tới dừng hẳn sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng và tăng cường trách nhiệm cũng như quyền lợi của người cung cấp dịch vụ.

– Quyền sử dụng đất và quyền quản lý rừng rõ ràng là một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công cho việc xây dựng và thực hiện cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD nói riêng và triển khai REDD nói chung.

– Quy mô của REDD có thể có ba loại: quy mô dự án (hỗ trợ trực tiếp cho cấp địa phương); quy mô quốc gia (hỗ trợ trực tiếp cho cấp quốc gia) và quy mô kết hợp (hỗ trợ cả hai cấp). Đối với quy mô địa phương, việc triển khai sẽ có điều kiện lôi cuốn sự tham gia của cộng đồng địa phương và hấp dẫn thành phần tư nhân hơn. Tuy nhiên nó có nhiều rủi ro trong việc dịch chuyển địa bàn phát thải và không thể áp dụng cách tiếp cận tổng thể, bao quát để giải quyết các nguyên nhân mất rừng và suy thoái rừng. Ở quy mô quốc gia, có thể có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng chính sách đồng bộ, tổng thể, giảm rủi ro rò rỉ, dịch chuyển địa bàn phát thải trong nước. Tuy nhiên, quy mô quốc gia lại có rủi ro thất bại cao nếu năng lực quản trị kém và hạn chế trong khả năng huy động thành phần đầu tư tư nhân cũng như chính quyền địa phương tham gia. Quy mô kết hợp sẽ tạo điều kiện để có một cơ chế linh hoạt hơn, cho phép các quốc gia bắt đầu các hoạt động về REDD ở địa phương và từng bước phát triển lên quy mô quốc gia, cho phép tồn tại song song cả khả năng huy động tín dụng cho REDD ở quy mô dự án nguồn ngân sách của chính phủ ở quy mô quốc gia, đồng thời giúp phát huy tối đa thế mạnh của cả hai quy mô (địa phương và quốc gia). Tuy nhiên, quy mô kết hợp này cần phải hài hòa được 2 cấp thực hiện.

– Phương thức chi trả có thể áp dụng cả chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp (thông qua các phương án cải thiện đời sống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi cho các vùng đất phi lâm nghiệp). Việc quyết định phương thức chi trả và tỷ lệ phân bổ tài chính trong hai phương thức trên nên để cho cấp cộng đồng quyết định.

Việt Nam có lợi thế xây dựng một cơ chế chi trả cho dịch vụ REDD. Tuy nhiên, để xây dựng một cơ chế chi trả phù hợp tại Việt Nam, REDD cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cần một thể chế tổ chức quản lý và hệ thống giải ngân đến tận cấp xã, cần có cơ chế khuyến khích tạo động lực, cần được xã hội hóa theo chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước ta và cần hướng tới cộng đồng sở tại, đề cao vai trò của địa phương.

Tiêu chí chung khi lựa chọn địa bàn tham gia REDD:

Là một quốc gia có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã được chọn là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm chương trình REDD của Liên Hợp Quốc (UN-REDD). Việt Nam là một điểm nghiên cứu thú vị vì một số lý do sau. Một là, độ che phủ rừng của Việt Nam đang tăng lên nhưng chất lượng rừng lại giảm. Hai là, khác với một số nước, ở Việt Nam, REDD được xem như là nguồn thu nhập tiềm năng, có thể đóng góp cho cả chương trình chi trả các dịch vụ môi trường (PES) quốc gia cũng như chiến lược xóa đói giảm nghèo. Ba là, sự lãnh đạo của chính phủ và thực tế là Nhà nước quản lý toàn bộ đất đai sẽ cung cấp những thông tin và bài học kinh nghiệm trong việc REDD sẽ vận hành ra sao trong một hệ thống quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới. Những lý do đó đã đưa tới cho Việt Nam cơ hội để tham gia thị trường REDD tiềm năng. Song, không phải tất cả các khu vực thuộc Việt Nam đều có thể tham gia REDD mà cần có sự chọn lọc thông qua các tiêu chí cụ thể. Tham khảo ý kiến của tiến sỹ Phạm Minh Thoa- người có những công trình nghiên cứu tâm huyết về REDD, khu vực có đủ tiềm năng để thực hiện chương trình REDD là khu vực đáp ứng được 3 tiêu chí sau đây.

* Tiêu chí 1: Đặc điểm tự nhiên

Đối tượng tham gia REDD không phân biệt cụ thể loại rừng nào, bất kể nơi nào có rừng đều có cơ hội để thực hiện REDD. Tuy nhiên, tiêu chí này cũng là nhóm yếu tố có tác động quan trọng nhất tới cơ chế chi trả vì đặc điểm tự nhiên cũng là thước đo mức độ tác động, các nỗ lực của chủ rừng, người quản lý rừng đến kết quả của REDD. Nên việc chọn khu vực rừng có đặc điểm như thế nào có ảnh hưởng rất lớn tới kết quả nghiệm thu sau này, cụ thể đó là:

– Diện tích và chất lượng rừng giúp xác định mức độ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của các hoạt động hạn chế mất rừng và suy thoái rừng.

– Loại rừng phản ánh chính sách ưu tiên của quốc gia và các chính sách này ảnh hưởng tới mức chi trả (ưu tiên cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vì có ý nghĩa về môi trường cao hơn rừng sản xuất).

– Địa hình, vị trí và khoảng cách đến rừng nói lên mức độ khó khăn trong quản lý bảo vệ rừng (thực hiện REDD) và điều này cần phải được cân nhắc để đảm bảo khuyến khích được người ở những địa bàn khó khăn hơn.

* Tiêu chí 2: Tình hình kinh tế xã hội

Tiêu chí này thể hiện chính sách của quốc gia đối với các vùng trong việc xác định mức chi trả, trong đó quan tâm đặc biệt tới mức thu nhập, tỷ lệ hộ gia đình thuộc diện chính sách, dân tộc thiểu số, mức độ tham gia của người dân. Việc chọn đối tượng tham gia thực hiện REDD cần quan tâm ưu tiên tới vùng nghèo, vùng có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, quan tâm tới các nhóm dễ bị thiệt thòi là phụ nữ và hộ gia đình diện chính sách. Thông qua mức chi trả này sẽ thể hiện được sự quan tâm sát sao của người dân tới tình hình kinh tế- xã hội ở cấp quốc gia và địa phương.

* Tiêu chí 3: Cơ sở vật chất

Đây là nhóm tiêu chí giúp xác định mức độ khó- dễ trong việc thực hiện REDD, trong đó có điều kiện về giao thông, phương tiện phòng chống cháy rừng, sâu bệnh hại rừng,…Vì vậy, khi đưa ra phương án để chọn đối tượng tham gia REDD, cần chú ý cân bằng giữa cái được và cái mất để có  được phương án lựa chọn tối ưu nhất. Hơn nữa, khi thực hiện REDD cũng cần quan tâm tới nhóm tiêu chí này để xác định mức chi trả phù hợp, tránh hiện tượng cào bằng- chia đều, giúp động viên và đảm bảo công bằng hơn cho những người có nỗ lực cao hơn trong việc thực hiện các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *