Dịch vụ môi trường

5/5 – (1 vote)

Trên thị trường, phần lớn các sản phẩm, hàng hóa đều nhận biết được và có giá trên thị trường. Tuy nhiên, có một vài  loại hàng hóa và dịch vụ lại không có giá thị trường (gọi là hàng hóa và dịch vụ phi thị trường). Dịch vụ môi trường là 1 trong số loại hàng hóa đó và được coi là hàng hóa công cộng, có những đặc tính khó giao dịch trên thị trường. Vì vậy có thể xem hàng hóa và dịch vụ môi trường là hàng hóa và dịch vụ phi thị trường. Để đánh giá, đo lường giá trị của loại hàng hóa, dịch vụ phi thị trường này, các nhà nghiên cứu sử dụng thông tin về mối quan hệ giữa hàng hóa thị trường và hàng hóa phi thị trường.

Theo Markandya và Richardson (1993) có thể chia các phương pháp đánh giá giá trị hàng hóa và dịch vụ môi trường thành 3 nhóm:

(a) Các phương pháp dựa trên thông tin thị trường trực tiếp và gián tiếp, chẳng hạn như giá trị tài sản, tiền lương, chi tiêu cho những loại hàng hóa liên hệ…Phương pháp tiêu biểu của nhóm này là phương pháp chi phí du hành (TCM).

(b) Các phương pháp dựa trên thông tin được phát biểu trực tiếp từ bảng phỏng vấn khi thị trường không hiện hữu. Phương pháp tiêu biểu của nhóm này là phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (CVM).

(c) Các phương pháp dựa trên dữ liệu liều lượng đáp ứng giữa sự thay đổi môi trường và ô nhiễm.

Theo Freeman (1993), từ góc độ kinh tế học, các dịch vụ cung cấp bởi môi trường có 2 đăc điểm quan trọng. Thứ nhất, giá trị kinh tế của các dịch vụ này phụ thuộc vào đặc tính của chính môi trường tự nhiên. Thứ hai, chức năng cung cấp dịch vụ giải trí của môi trường diễn ra không thông qua thị trường.

Một cách khác, khi hưởng thụ dịch vụ giải trí tại một địa điểm nào đó người ta không trả tiền hoặc trả một giá danh nghĩa không phản ánh đúng nguồn lực bỏ ra cung cấp dịch vụ đó. Do đó không thể dùng vé vào cửa để đo lường giá trị của dịch vụ giải trí. Phương pháp hợp lý hơn là xem xét mối quan hệ giữa hàng hóa có giá trên thị trường và hàng hóa môi trường thông qua những hành vi thị trường quan sát được để xây dựng hàm cầu giải trí.

Để tìm ra giá trị của dịch vụ giải trí (không có giá), phương pháp thích hợp là xem xét mối quan hệ giữa hàng hóa có giá thị trường (chi phí tàu xe, khách sạn, ăn uống…) và dịch vụ vui chơi giải trí (du lịch) thông qua những hành vi và lựa chọn trên thị trường quan sát.

Mỗi cá nhân đến du lịch tại một địa điểm nào đó phải chịu một chi phí nhất định. Các cá nhân khác nhau du lịch đến một địa điểm du lịch thì phải chịu những chi phí khác nhau. Phương pháp chi phí du hành ước lượng giá trị của một điểm du lịch dựa trên phản hồi của khách du lịch với những chi phí khác nhau. Hàm ước lượng:

V = f(p­­v, y, q, p­s, s)

V: cầu du lịch                 q : đặc điểm của địa điểm du lịch

p­­v: chi phí du hành                  s : đặc điểm kinh tế xã hội của khách du lịch

y : thu nhập

2016-08-19_232338

Từ hàm ước lượng trên, đường cầu giải trí được xây dựng như trong hình 1, biểu diễn mối quan hệ giữa cầu giải trí (số lượng khách du lịch) và chi phí để thực hiện hoạt động giải trí. Đường cầu giải trí chính là đướng giá sẵn lòng trả cho dịch vụ giải trí. Như vậy, giá trị giải trí được đánh giá như tổng giá sẵn lòng trả sẽ được đo bằng diện tích dưới đường cầu.

Theo Hanley và Spash (1993), chi phí du hành là phương pháp lâu đời nhất trong các phương pháp đánh giá hàng hóa và dịch vụ phi thị trường. Ý tưởng về phương pháp này bắt nguồn từ Harold Hotenlling năm 1947, và được Clawson và Knetsch phát triển chính thức vào năm 1966. Phương pháp này đẵ được ứng dụng rộng rãi ở các nước phát triển và gần đây được áp dụng tại các nước đang phát triển.

Trên thế giới, phương pháp chi phí du hành đã được sủ dụng để đánh giá giá trị giải trí của rất nhiều địa điểm du lịch.

Hundle (1990) đã sử dụng phương pháp chi phí du hành để đánh giá giá trị thặng dư tiêu dùng một năm của khách du lịch Úc và khách quốc tế đối với “khu vực san hô” ở Úc tương ứng là 117.500.000$ và 26.000.000$.

Dixon (1993) đã ước lượng giá sẵn lòng trả cho Công viên Bonaire trung bình là 27.4$/ 1 người và tổng thặng dư tiêu dùng là 325.000$.

Tại Việt Nam, phương pháp này đã được áp dụng để đánh giá giá trị du lịch của rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và cụm đảo san hô Hòn Mun (Khánh Hòa).

Comments

One response to “Dịch vụ môi trường”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *